Trời Kinh Thành trong xanh, chưa có mưa phùn, sắc trời dịu nhẹ. Lễ bộ Thị lang Lan Giác ra khỏi phủ đệ từ cửa ngách.
Mấy ngày gần đây Lan thị lang bực bội muốn chết, kỳ thi càng đến gần thì mấy kẻ cầm thứ này đem thứ nọ đến phủ y cũng ngày càng đông, nhưng dịp này triều đình đang muốn chỉnh đốn lại tác phong của quan lại, trong sớ vạch tội của mấy vị quan liêm khiết trong Ngự Sử Đài, cuốn nào cuốn nấy cũng chễm chệ tên y. Đương nhiên là nói y nhận hối lộ, khoa trương hơn thì bảo y luồn cúi, ăn hối lộ phá kỷ cương thành thói, chuyên lấy việc công thu lợi riêng; nếu như đảm trách kỳ thi nhất định sẽ làm mấy chuyện có lỗi này nọ với hoàng thượng và xã tắc, là gốc rễ của sự thối nát của quốc gia, đục khoét rường cột của triều đình.
Hôm nay có người bỏ bớt tên người trong nội dung chi tiết của mấy quyển tấu chương, chép thành một chồng, gửi đến Lan Giác, mặt trên cùng còn dán một tờ giấy viết bằng mực đỏ chói: “Trẫm tin Lan khanh, nhất định chọn ra nhân tài cho triều đình, xử lý tốt kỳ thi tuyển này.”
Nét bút sắc gọn, nhưng vẫn còn vương vài nét trẻ con, là đích thân hoàng thượng ngự bút.
Lan Giác bê nguyên chồng giấy này chỉ cảm thấy đau cổ tay.
Cơ bản mà nói thì tội trạng trong mấy bản sớ vạch tội này y đều phạm qua hết, nhưng cụ thể mà nói thì thổi phồng quá rồi.
Nhưng phàm đã khoác lên mình áo quan, chuyện này ai lại không dính chút ít cơ chứ, cho dù là mấy kẻ được gọi là quan liêm cao ngạo khoác lác kia cũng không biết sạch sẽ được bao nhiêu.
Chỉ có điều đã cầm cái đống này rồi, thì kỳ thi lần này nhất định phải rõ ràng sạch sẽ, không thể để dính chút mùi tanh hôi nào.
Tiểu hoàng thượng còn chưa qua mười lăm tuổi, vừa mới đích thân chấp chính, bản lĩnh đã từ từ lộ ra, từ nay về sau phải càng phải đề cao cảnh giác.
Lan thị lang đem đống giấy để lên bàn, bên phải đầu cũng bắt đầu nhưng nhức.
Vàng bạc châu báu đồ chơi quý giá nườm nượp dâng lên tận mắt thế mà không được cầm. Bỏ đi, cẩn thận chút mà lấy lòng người vậy.
Trong lòng Lan thị lang ấm ức vô cùng, y thay bộ thường phục, một mình đi ra ngoài để giải tỏa bớt sự khó chịu này.
Khi đi ra khỏi con hẻm dài, Lan Giác nhìn thấy một người đang đứng dưới gốc cây to bên đường nhìn chòng chọc vào Lan phủ.
Người đó khoảng chừng hai mươi tuổi, vóc người khá cao, gầy trơ xương, mặc một bộ trường bào cũ rách màu xám, sắc mặt vàng vọt, hai má hóp lại, lông mày nhăn nhăn, đôi mắt như chim đại bàng chết đói nhìn chòng chọc vào cổng nhà Lan đại nhân.
Lan đại nhân cảm thấy người này nhất định không phải đến để tặng quà cho y. Y lập tức nhớ lại một lượt mấy chuyện thất đức mà mình đã làm, không nghĩ là có chuyện nào lại liên quan đến con người này.
Y lại nhớ mấy chuyện phong lưu hồi trẻ mình từng làm qua, cứ cho là y làm chuyện phong lưu đầu tiên vào năm mười sáu tuổi thì cũng không thể chui ra đứa con trai lớn thế này.
Nhưng cái bộ dáng nhìn chăm chăm vào Lan phủ của người thiếu niên kia quả thực khiến Lan đại nhân vô cùng hoảng sợ, đúng lúc đó y nhìn thấy đối diện đường có ba bốn thư sinh đi ngang qua. Mấy người họ quay đầu nhìn người kia thì cười vài tiếng, bàn tán mấy câu nhỏ to gì đó.
Lan Giác đi qua đường, mấy tên thư sinh đó đến trước một quán trà, còn đang khách sáo nhường nhau vào trong thì Lan Giác đã tiến lên trước, chắp hai tay nói: “Các vị huynh đài đây cũng tham gia kỳ thi năm nay ư?”
Hai bên chào hỏi nhau một bận rồi cùng bước vào quán, lựa bàn ngồi xuống uống trà, bàn tán mấy chuyện về cuộc thi. Thư sinh áo xanh lam trong đám nói: “Nghe nói năm nay cháu của Liễu lão thái phó cũng tham gia, xem ra một chỗ trong tam giáp đã có chủ rồi, chỉ còn hai chỗ để tranh thôi.”
Một vị thư sinh mặc áo xanh lục nói: “Tôi tự lượng sức mình, chỉ mong có tên trong top ba mươi, dù cho đứng cuối cũng vui lòng, vị trí tam giáp đó tôi không dám mơ tưởng tới, kẻ nào đỗ cũng chẳng quan tâm.”
Thư sinh áo xanh lam cười như không cười: “Chỉ tiếc là chúng ta không thể đầu thai, không mang được họ Liễu và họ Vương, cũng không có tiền tài quyền thế gì để có thể bước vào cổng phủ của Lan thị lang.”
Lan Giác xuôi theo lời hắn nói: “Cái vị Lan thị lang ấy, nói không chừng cũng chẳng giàu có gì như lời đồn đâu, mới nãy tôi nhìn thấy có một anh bạn gầy gò đen đúa đứng trước cổng của phủ thị lang, nhìn tới lui cũng không giống loại có tiền có thế.”
Mấy vị thư sinh đều cười phá lên, thư sinh áo xanh lam nói: “Ông anh à, người huynh nhìn thấy không phải là kẻ cao ốm mặc áo xám rách rưới, trông có vẻ quê mùa cục mịch đấy chứ?”
Lan Giác gật đầu: “Đúng rồi, đúng rồi.”
Thư sinh áo xanh lam cười ha ha: “Tên đó dù có muốn vào phủ Thị lang thì sợ rằng mấy con sư tử đá cũng không cho hắn vào. Xem ra ông anh đúng là mới tới Kinh Thành rồi, chưa nghe qua tiếng tăm của kẻ đó. Gã tên là Trương Bình, là sĩ tử quận Tây Xuyên, nghe nói không cha không mẹ, lớn lên trong miếu Hoàng Thành, học trong một trường miễn phí do thân sĩ nông thôn quyên góp, nhưng lại có thể lọt vào danh sách những người được tiến cử vào Kinh Thành dự thi của quận Tây Xuyên. Chỉ tiếc là do dính vào một chuyện xấu mà hủy hoại cả danh tiếng. Buồn cười nhất ấy là gã lại mở một sạp mì trong chợ, làm mất hết mặt mũi của người đọc sách chúng ta. Các sĩ tử trong Kinh tính cả những đồng hương của gã cũng chẳng có mấy người qua lại với gã.”
Lan đại nhân lắng nghe cảnh đời hẩm hiu này, trong lòng có chút trống rỗng, lại không nhịn được mà nhớ lại những chuyện đã làm sau lưng.
Có lẽ chưa từng khiến ai phải tan nhà nát cửa… Lan đại nhân nghĩ ngợi đầy phân vân.
Thư sinh áo lam nhìn thấy y sững người, liền nói tiếp: “Ông anh cũng cảm thấy chuyện bán mì là không thể tưởng tượng nổi ư?”
Lan Giác nói: “Quả thật không nghĩ học trò sẽ làm chuyện này.”
Thư sinh áo nâu tiếp lời, bởi vì tên Trương Bình này đã đi đến bước đường cùng, nghe nói gã vừa đến Kinh Thành thì thuê một gian phòng trọ tồi tàn, chủ trọ làm nghề bán mì, cảm thấy Trương Bình là kẻ thật thà chân chất nên không thu tiền trọ, còn cho gã ngày ba bữa cơm, chỉ yêu cầu gã ngồi tính sổ trong quán. Chủ tiệm đó có một cô con gái, cũng đi ra đi vào quán với Trương Bình. Ông chủ tiệm có ý muốn Trương Bình ở rể nhưng ai ngờ gã lại nằng nặc không chịu, còn cô gái kia suýt chút nữa là tự vẫn rồi.
Lan Giác nói: “Chuyện này ai đúng ai sai không tiện nói, tuy chủ quán có ơn với Trương Bình nhưng nếu người ta không thích con gái ông ta mà cứ ép buộc cưới cũng không được rồi.”
Thư sinh áo xanh lam nói: “Ông anh thật nhân hậu, Trương Bình là chê chân của cô gái đó có tật, hắn nghĩ nếu như bản thân có ngày đỗ cao thì người vợ như vầy chẳng phải quá mất thể diện sao. Lúc cô gái đó tự vẫn hắn cũng chẳng thèm đến thăm. Chuyện này truyền đi khắp nơi, từ đó mọi người đều xem thường nhân cách của gã, danh tiếng của gã coi như tiêu rồi. Còn có mấy kẻ nhiều chuyện rảnh rỗi vãi, bảo là nếu như gã đỗ cao thì sẽ bóc trần chuyện này trước mặt Hoài Vương. Chỉ nói gã chế nhạo người thọt thì cả đời này của gã cũng đừng mong ngóc đầu lên được.”
Lan Giác ngậm cười ngồi nghe, Hoài Vương vốn là hoàng thúc của đương kim hoàng thượng, trong tay nắm binh quyền to lắm, trước khi hoàng thượng tự mình chấp chính thì ông ta đã từng tạm nắm quyền. Lúc Hoài Vương còn trẻ, cưỡi ngựa bị ngã gãy chân nên chân phải hơi thọt tí.
Giữa các sĩ tử trước giờ luôn có sự đấu đá tranh giành kịch liệt, xem ra tên Trương Bình này đụng phải cục xui to rồi, thiên hạ tính mượn chuyện này chèn ép hắn đây mà.
Trong chốc lát Lan Giác hơi do dự, nói: “Có thể Trương huynh này có nỗi khổ bất đắc dĩ nào đó, không dám vướng víu chuyện gia đình thì sao.”
Mấy tên thư sinh kia đều cười: “Xem ra ông anh thích xem mấy quyển truyền kỳ đang nổi của Hồng Diệp Sinh ở Tây Sơn viết quá đi, đoán trúng thắc mắc của giang hồ rồi.”
Sau khi nói lời từ biệt với mấy cậu học trò và ra khỏi trà quán, Lan Giác thong thả trở về phủ, suy nghĩ có nên sai người điều tra lai lịch của tên Trương Bình này không, nhưng cũng cảm thấy làm như vậy thì hơi đa nghi quá.
Hắn không còn đứng dưới bóng cây ngoài Lan phủ nữa, Lan Giác hướng mắt về phía cái cây, quyết định trước hết cứ đợi xem sao.
Sau khi vào phủ, Lan Giác hỏi qua loa tổng quản nội phủ dạo này có người nào đáng nghi không. Tổng quản đáp, đều là những người đến tặng lễ vật, không có gì đáng nghi.
Nói như vậy, Lan Giác lại cảm thấy đáng nghi rồi.
Những người gác cổng ở phủ y rất cẩn thận, chỉ một con ruồi lượn lòng vòng trước cửa họ cũng nghi liệu trên chân con ruồi có tẩm độc của thích khách hay không, không có lý gì lại không chú ý đến Trương Bình.
Tổng quản lại nói: “Lúc lão gia đi ra ngoài, chúng tôi có canh chừng ở phía sau, nhìn thấy một thư sinh nghèo đứng trước cổng, cho nên đặc biệt chú ý một lúc, đoán chỉ là một thằng nghèo rớt mồng tơi không tặng nổi quà, đứng một lúc thì cũng đi mất.”
Lan Giác ồ một tiếng rồi không nhắc đến chuyện này nữa.
Kỳ thi càng đến gần thì Nha Môn Ti Bộ lại càng thêm đủ thứ chuyện, trong triều liên tiếp có nhiều chuyện lớn, Hoài Vương sắp cưới vợ, sắp đến thọ thần của Thái Hậu, mấy ngày liền Lan Giác bận đến nỗi tối khuya mới về đến phủ.
Chạng vạng hôm nay y về phủ khá sớm, cởi bỏ quan phục ra rồi khoác lên mình bộ áo hơi cũ, thong thả ra khỏi phủ.
Trên đường, người đi qua đi lại phần lớn đều là áo dài khăn xếp, một cảnh tượng thường thấy lúc sắp đến gần ngày thi. Lan Giác rẽ vào một con đường nhỏ, đến chỗ một cái lều sơ sài dựng từ bốn cây sào trúc dưới bức tường cũ, thấy khói trắng bốc lên nghi ngút từ bếp lò trong lều.
Một thiếu niên gầy gò đang mở nắp nồi, cầm muỗng to khuấy khuấy bên trong, bên ngoài bộ áo dài thô xám là cái tạp dề cũ nát, giống như cô hồn chui ra từ mấy truyện ma quỷ vậy.
Lan Giác đi đến trước lều nói: “Ông chủ, cho một tô mì.”