Trường Mộng Lưu Ngân

Quyển 3 - Chương 3: Con chim trong lồng cô độc



Đỗ Trường Phong quyết định hủy buổi biểu diễn.

Khi Vi Minh Luân báo tin này cho Thư Mạn, Thư Mạn cũng cảm thấy rất bất ngờ. Từ sau cái ngày chuyển chiếc đàn đi, cô luôn ở trong căn hộ chung cư của anh trai Thư Khang, đây là chỗ ở của anh lúc chưa kết hôn, kết hôn xong anh vẫn ở cùng bố mẹ trong nhà lớn của họ Thư trên phố Đào Lý bởi anh là con trai cả, có trách nhiệm chăm sóc bố mẹ.

Thư Khang khuyên Thư Mạn về nhà nhiều lần nhưng Thư Mạn vẫn không tỏ thái độ gì. Đã năm năm rồi, trước sau cô vẫn không tài nào đối mặt được với ánh mắt lạnh nhạt của người thân. Cô là tội nhân của cả gia tộc. Cô đã quen với cuộc sống cô độc một mình. Thực ra cái hôm Diệp Quán Ngữ đưa cô về Đồng Thành ấy, nói là sắp xếp chỗ ở cho cô nhưng cô đã khéo léo từ chối. Cô thấy Đỗ Trường Phong không có ý tốt gì nhưng Diệp Quán Ngữ cũng chẳng gọi là tốt được, hai người đàn ông này đều khong phải lương thiện gì, cô đã không còn là cô thiếu nữ ngây ngô ngày xưa nữa, những khó khăn trắc trở của cuộc sống đã khiến cô tràn đầy cảnh giác với thế giới này.

Ngay sau ngày chuyển chiếc đàn đi, Thư Mạn đến trường xin thôi dạy.

Vi Minh Luân có vẻ đã chuẩn bị sẵn tinh thần đợi cô đến làm việc này, Thư Mạn nói gì anh cũng đều không đáp lời. Mãi hồi lâu, anh mới lấy mấy thứ giấy tờ từ trong ngăn kéo ra đưa cho Thư Mạn xem. Thư Mạn vừa nhìn mới ngớ người ra, đó là hợp đồng biểu diễn cô đã kí khi đang tức giận hôm trước, trong hợp đồng ghi rõ, trừ khi bên đứng ra tổ chức thay đổi nhạc công, nếu không thì cô không được rút khỏi buổi biểu diễn, nếu nhất quyết đòi rút khỏi thì sẽ phải bồi thường một khoản rất lớn. Nhưng điều hoang đường không chỉ có thế, mà còn cả hợp đồng tuyển dụng mà cô đã kí cùng lúc đó, trừ phi bên giám hiệu cho nghỉ việc, cô nhất định phải dạy học đủ ba năm trở lên mới được đưa đơn xin nghỉ, bằng không thì phải trả tiền bồi thường vi phạm hợp đồng. Lúc kí hợp đồng cô đang vô cùng bực tức, chẳng buồn đọc qua đã vội đặt bút kí ngay. Thôi thế là xong, chẳng qua là kí một hợp đồng bán thân rồi còn gì? Thư Mạn điên tiết cả lên, vô cùng tức giận, cô trừng mắt lên nhìn Vi Minh Luân nói: “Đây chính là cạm bẫy!”

“Đúng là cạm bẫy, nhưng cô đã kí tên rồi.”

“Tôi không có nhiều tiền để bồi thường như thế.”

Vi Minh Luân cười nhạt: “Tôi đã nói là cô phải bồi thường sao?” Anh vừa nói vừa cầm hai bản hợp đồng kia lên, xé vụn trước mặt Thư Mạn.

Thư Mạn ngẩn người ra nhìn anh, không biết ý anh là thế nào.

Không hiểu sao nụ cười trên mặt Vi Minh Luân bỗng trở nên rất bi thương: “Thư Mạn, cô vẫn không hiểu lòng anh ấy. Không sai, vốn dĩ anh ấy muốn dùng cách này để giữ cô lại bên mình, anh ấy có mục đích cá nhân, bao gồm cả bản thân tôi, tôi cũng không phủ nhận rằng tôi đang giúp anh ấy… Có thể cô sẽ nói tôi là kẻ nối giáo cho giặc, nhưng Thư Mạn, chúng ta nhìn vấn đề không nên chỉ nhìn vẻ bề ngoài, anh ấy nói với tôi rằng, trả cho cô sự tự do, bởi vì bản thân anh ấy cũng từng là người mất đi sự tự do, mãi đến tận bây giờ, anh ấy vẫn bị giam trong lồng giam tinh thần không giải thoát ra được…”

Thư Mạn không hiểu lời anh nói: “Mất đi tự do?”

Vi Minh Luân gật đầu: “Đúng vậy.” Anh vứt mớ hợp đồng giờ đã thành giấy vụn vào sọt rác, lại thở dài, “Thư Mạn, chúng ta đều không phải anh ấy, chưa bao giờ từng chịu đựng đau khổ như anh ấy. Có thể trong mắt cô, anh ấy là một tên lưu manh, nhưng thực sự nó đều có nguyên do cả, hơn nữa anh ấy không xấu xa như cô nghĩ. Nếu không thì anh ấy đã không để cho cô được tự do. Thế nên bây giờ…” Đáy mắt Vi Minh Luân ươn ướt, “Cô đã tự do rồi, Thư Mạn ạ.”

Thư Mạn không tài nào đối mặt được với ánh mắt ấy.

Mặc dù dạy học ở đây chưa đầy một tháng nhưng quả thực cô rất thích nơi này, thích những học sinh ở đây, bao gồm… Cô hướng ánh mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, bức tượng đồng Lâm Nhiên với tư thế sống mãi, lặng yên nhìn đăm đăm ra ngoài cổng trường, như thể đang chờ đợi, mà cũng như thể đang mong ngóng. Mỗi sáng, việc đầu tiên mỗi học sinh đến trường học là bước vào cổng lớn cúi người hoặc gật đầu chào trước bức tượng đồng. Chẳng ai yêu cầu chúng phải làm thế cả, chỉ là họ muốn được thể hiện lòng kính trọng và thương nhớ đối với Lâm Nhiên. Thư Mạn thực sự không thể nào hình dung nổi nỗi xúc động trong lòng mình, cô không hề cảm thấy Đỗ Trường Phong là một tên lưu manh, một tên lưu manh sẽ không bao giờ tế lễ một người quá cố theo cách này. Đỗ Trường Phong đã khiến Lâm Nhiên được sống mãi.

Khi Thư Mạn rời khỏi trường, có rất nhiều học sinh hình như thể đã biết tin cô nghỉ dạy, đều đứng cả ra trước cửa kính dõi mắt tiễn theo cô. Vi Minh Luân cũng tiễn cô mãi đến tận cổng, anh nói: “Cánh cổng này mãi mãi mở rộng cửa đón chào cô, cô trở lại lúc nào chúng tôi cũng đều rất hoan nghênh.”

Trong khoảnh khắc quay lưng bước đi, nước mắt Thư Mạn tuôn trào như suối.

Chưa được mấy ngày thì lại bất ngờ nghe tin Đỗ Trường Phong hủy bỏ buổi biểu diễn. Khi Vi Minh Luân tìm đến chỗ ở của Thư Mạn và báo tin này cho cô biết, anh cúi đầu chán nản, nét mặt mệt mỏi đầy bất lực: “Từ sau khi cô chuyển chiếc đàn đi, anh ấy cũng biến mất biệt tăm biệt tích. Tôi đã đi tìm anh ấy nhưng đều bị đóng cửa không tiếp, nói gì cũng nhất định không chịu biểu diễn nữa. Nhưng buổi biểu diễn lần này được tổ chức chính là vì anh ấy, cô cũng biết rồi đấy, để thuyết phục được anh ấy, tôi đã phải tốn nước bọt suốt hai năm trời…”

Thư Mạn không nói được gì, cô đang suy đoán ý định của Vi Minh Luân là gì khi nói với cô những lời này.

Quả nhiên, Vi Minh Luân nhìn Thư Mạn với ánh mắt cầu khẩn: “Tiểu Mạn, cô đi khuyên nhủ anh ấy đi, mặc dù chưa chắc anh ấy trở lại được, nhưng nếu là cô đi thì nhất định sẽ hay hơn là người khác. Cô biết không, tôi hi vọng biết bao nếu anh ấy có thể quang minh chính đại, đường đường chính chính biểu diễn trong nước…”

Thư Mạn thấy đây đúng là truyện cổ tích trong ‘Nghìn lẻ một đêm’. Cô mà lại đi khuyên anh ta? Nhưng… Trong đầu cô bất giác nhớ lại hôm đó, khi chuyển chiếc đàn đi, ánh mắt buồn bã tuyệt vọng của anh xuyên thấu lòng cô, mãi đến tận bây giờ, lòng cô vẫn còn đau. Tại sao cô lại đau lòng như vậy?

“Hôm đó khi cô rời khỏi trường, anh ấy cứ đứng mãi trước cửa sổ mắt không rời tiễn cô đi.” Vi Minh Luân cúi gằm mặt xuống, giọng có vẻ gượng gạo: “Chưa bao giờ tôi thấy anh ấy lại buồn đến thế, suốt cả đêm anh ấy nhốt mình trong phòng hút thuốc, nhưng thực sự anh ấy… bao năm qua, không ai biết được rằng, anh ấy sống mà phải kìm nén biết bao… cứ tưởng rằng rốt cuộc thì anh ấy đã dũng cảm đối mặt với công chúng, nhưng không ngờ đến phút chót thì anh ấy lại rút lui, Thư Mạn, tôi rất buồn…”

“Tôi đi khuyên ư? Anh ấy sẽ nghe lời tôi sao?”

“Nghe chứ, nhất định anh ấy sẽ nghe lời cô!” Vi Minh Luân bất thình lình ngẩng đầu lên, cứ như thể đã nhìn thấy niềm hi vọng vậy.

“Tại sao?” Thư Mạn vẫn mơ hồ không hiểu.

“Bởi vì, đối với anh ấy mà nói, cô rất quan trọng.”

“Nhưng anh ấy… chỉ hận một nỗi là sao tôi không chết đi thôi.”

“Tiểu Mạn, cô có hiểu anh ấy không?” Thái độ của Vi Minh Luân khiến người ta không thể hiểu nổi, ánh mắt sáng rực, “Nếu anh ấy muốn cô chết thật, thì cái hôm cô phát bệnh ấy, anh ấy sẽ không bao giờ đưa cô đến bệnh viện. Cô không nhìn thấy bộ dạng của anh ấy lúc đó đâu, rất đáng sợ, bác sĩ y tá cũng sợ phát hoảng lên ấy… Tôi không biết Diệp Quán Ngữ đánh giá về anh ấy thế nào với cô, nhưng tôi qua lại với anh ấy mười mấy năm nay rồi, có thể nói chúng tôi như hình với bóng, không ai hiểu anh ấy hơn tôi. Anh ấy là một nghệ sĩ cô độc, mặc dù là người đầy tài hoa mà đã phải sớm trả giá cho tuổi trẻ bồng bột, nhưng điều đó vẫn không ảnh hưởng gì đến chuyện anh ấy là một nghệ sĩ thiên tài…”

“Anh toàn nói anh ấy cái gì mà tuổi trẻ bồng bột, trả giá, rốt cuộc là thế nào?” Thư Mạn rất nhạy cảm và lập tức tóm lấy từ này.

“Điều này… tôi không tiện đánh giá những chuyện quá khứ của anh ấy, cứ để anh ấy tự kể cho cô nghe có lẽ thích hợp hơn.” Vi Minh Luân úp úp mở mở.

Thư Mạn sớm đoán trước được thế nào anh cũng nói như vậy, cô thở dài: “Thôi được, để tôi đi khuyên anh ấy xem sao, tiện thể hỏi thẳng anh ấy. Có rất nhiều chuyện thực sự là tôi muốn biết, ánh mắt anh ấy nhìn tôi làm cho tôi luôn cảm thấy, anh ấy có rất nhiều bí mật.”

Vi Minh Luân há hốc miệng, định nói gì xong lại thôi.

“Anh muốn nói gì?” Thư Mạn hỏi Vi Minh Luân.

“Không, không có gì.” Thái độ né tránh của Vi Minh Luân thật khiến người ta phải sinh nghi, “Tiểu Mạn, hãy thử tiếp cận anh ấy với một trái tim bình thường xem sao, cô sẽ phát hiện ra rằng anh ấy chắc chắn không giống như cô từng nghĩ. Bí mật của anh ấy được cất giấu trong tim anh ấy, chỉ phải xem xem cô hiểu trái tim anh ấy như thế nào thôi.”

“Tôi không thể bước vào trái tim anh ấy được!” Thư Mạn quả quyết.

“Mười ba năm trước cô đã bước vào rồi.”

“Gì cơ?”

“Không, không có gì.” Vi Minh Luân bí hiểm nhún vai, cười nói, “Tôi nói chúng ta phải cố gắng lên, chẳng mấy là đến ngày biểu diễn rồi. Còn nữa, đám học sinh đều rất nhớ cô…”

Ngày hôm sau, Vi Minh Luân đích thân đưa Thư Mạn đến chỗ Đỗ Trường Phong.

Nơi Đỗ Trường Phong ở có vẻ hơi xa, ở tận ngoại ô. Thư Mạn nhận ra con đường này, đây là hướng đi về phía Nhị Viện, là người ở Ly Thành thì không ai không biết đến Nhị Viện, không chỉ vì tính đặc thù của nó, mà còn vì nó là một phần thuộc bệnh viện Nhân Ái, nghe nói trước khi nước Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa thành lập, đây từng là nơi Quốc dân Đảng dùng để giam giữ phạm nhân. Những kẻ được gọi là “phạm nhân”ở đây đa phần là những người làm cách mạng ngầm, vì vậy nơi đây đã từng được mệnh danh là “Động cặn bã” của Ly Thành. Có điều, từ sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập, đập chứa nước gần đó nhiều lần bị vỡ, phần lớn kiến trúc nơi này bị hỏng vì ngấm nước quá lâu, sau khi Nhị Viện được thành lập ở đây, chính phủ cũng bỏ vào một số tiền để xây sửa lại mấy viện xá, nhưng nơi này hứng mưa chịu gió cũng đến hàng chục năm trời, đã lung lay sắp đổ từ lâu. Nếu không phải Hoa kiều yêu nước Lâm Sỹ Diên sát nhập nó vào với bệnh viện Nhân Ái thì chỉ sợ giờ đây nơi này đã trở thành một vùng hoang vu.

Chỉ trong vòng mấy năm, Lâm Sỹ Diên đã khiến cho Nhị Viện thay da đổi thịt. Không những ủi đổ những viện xá cũ xây mới lại hoàn toàn mà còn thu nạp cả khu rừng phong bên ngoài Nhị Viện vào đó. Người thường không được phép vào đây, những người đi ra từ trong đó đều hình dung nơi ấy như một khu nghỉ dưỡng vậy. Nhất là những viện xá kiến trúc kiểu Tây ẩn trong rừng phong kia, mái hiên tường đỏ, mỗi một khu nhà đều rất đặc sắc, ngang ngửa với loại biệt thự mới khai thác ngoài kia. Môi trường và cơ sở vật chất thiết bị tốt như vậy, cho dù là không có bệnh nhưng đến đây thư giãn vài ngày cũng là một chuyện khiến người ta mãn nguyện.

Nhưng người Ly Thành đều đã biết nơi này nên chẳng ai muốn đến cả.

Bởi vì mặc dù sau lưng Nhị Viện là núi Dương Minh, một thắng cảnh du lịch nổi tiếng nhưng nhà tang lễ Ly Thành lại nằm ngay bên cạnh Nhị Viện, chỉ cách có một đỉnh núi. Lâu dần, Nhị Viện dường như trở thành danh từ gọi thay cho nhà tang lễ. Hơn nữa điều xui xẻo nhất là, nghĩa trang lớn nhất Ly Thành không nằm sát ngay bên nhà tan lễ mà lại nằm ở phía bên kia, liền kề Nhị Viện. Ống khói nhà tang lễ cứ nhả khói xanh suốt từ sáng đến tối chẳng lúc nào ngừng nghỉ. Kẻ ngớ ngẩn cũng biết khói ấy là tượng trưng của hỏa thiêu. Lại ngoảnh mặt nhìn bên phải mà xem, xa xa phía sườn núi kia là một vùng nghĩa trang trắng lóa. Đây gọi là gì? Ra từ bên trái, vào bên phải, thôi thì tạm coi là luân hồi một kiếp người vậy.

Thư Mạn sống ở Ly Thành nhiều năm, đương nhiên cô biết ở đây có một phân viện thuộc bệnh viện Nhân Ái, nhưng cô chưa bao giờ vào đó, chỉ nghe nói bên trong rất đẹp, là một viện điều dưỡng tinh thần. Đương nhiên, đây là cách nói khá dễ nghe, còn nói theo cách nói trực tiếp nhất thì đây là nơi để nhốt những người bị điên, là bệnh viện tâm thần. Điều này khiến Thư Mạn cảm thấy bất ngờ và lo sợ, Đỗ Trường Phong ở trong Nhị Viện, hay là ở trong nhà tang lễ?

Phía trước là cánh rừng phong rực màu lửa, đến Nhị Viện thì nhất định phải đi qua cánh rừng này. Vừa mới vào rừng xung quanh bỗng nhiên tối hẳn, rõ ràng là ban ngày mà lại không khác gì chiều tối. Khoảng mười phút sau xe đi ra khỏi nơi sâu nhất cánh rừng phong, tầm mắt phía trước cũng được rộng mở sáng sủa hẳn lên, bên phía vườn hoa được bố trí xây một bể cá to, đi qua bể cá là một cánh cổng sắt khắc hoa hoành tráng, hai bên là những viên đá hoa lớn được xây kề sát nhau, tráng lệ đậm chất phương Tây. Trong bốt bảo vệ ở cổng có hai người mặc đồng phục đứng canh cổng.

“Xuống xe thôi, đến nơi rồi.” Vi Minh Luân mở cửa xe giúp Thư Mạn, “Cô trực tiếp nói với bảo vệ là tìm Đỗ Trường Phong là được, ông ấy sẽ chỉ cho cô biết đi như thế nào.”

“Ồ, được.” Thư Mạn xuống xe. Vòng qua bể cá bên vườn hoa, cánh cổng sắt khắc hoa to lớn ấy dần dần đến gần phía cô, càng gần hơn nữa, vô hình chung đem lại cho con người ta một cảm giác bí bức. Tim Thư Mạn bỗng đập nhanh hơn, tinh thần căng thẳng một cách vô cớ. Một ông bảo vệ mặc áo đồng phục màu xanh lam đang ngáy rõ to ngay trong phòng trực, trong lúc cô đang do dự có nên đánh thức ông ta dậy hay không thì thấy một tấm biển bằng đồng bên cạnh, trên đó khắc mấy chữ: ‘Bệnh viện tâm thần trực thuộc bệnh viện Nhân Ái’.

Cô sợ hãi, mặt mày thất sắc, Đỗ Trường Phong ở trong nhà thương điên thật sao? Phía sau lưng vẳng lại tiếng khởi động xe, Thư Mạn quay lại nhưng không kịp nữa, Vi Minh Luân đã quay đầu xe, nhanh chóng lại vụt khỏi tầm mắt của cô, biến mất vào trong rừng phong tối đen. “Vi Minh Luân! Anh quay lại đây…”

Thư Mạn hét to lên định đuổi theo, tiếng hét của cô làm kinh động giấc ngủ của ông bảo vệ, ông thò đầu ra, mặt vẫn còn ngái ngủ, “Này, cô tìm ai thế?”

“Tôi, tôi, tôi…” Những giọt nước mắt thất vọng từ đâu ùa đến cứ xoay vòng trong khóe mắt, Thư Mạn hoàn toàn không biết bản thân mình đang ở nơi nào, đột ngột quá, nghiêm trọng quá, hóa ra anh ấy ở trong bệnh viện tâm thần!

“Tôi hỏi cô tìm ai?” Ông bảo vệ mất kiên nhẫn quát.

“Đỗ, Đỗ Trường Phong.”

Ông bảo vệ trợn mắt, nhìn Thư Mạn khắp một lượt từ đầu đến chân, thái độ tốt hơn một chút: “Cô là thế nào với anh ấy?”

“Bạn, bạn bè.” Cô trả lời giọng yếu ớt.

Bảo vệ lúc này mới mở cửa lách bên cạnh, vừa mở vừa nói, “Vào đi, cứ đi thẳng, Ngọa hổ sơn trang.”

Thư Mạn ngập ngừng bước vào cổng, thứ đầu tiên lọt vào tầm mắt cô là một hoa viên và đài phun nước thật lớn, cảm giác không hề giống như đang ở trong bệnh viện chút nào. Mấy cô gái trẻ mặc đồng phục y tá màu xanh da trời đang cắn hạt dưa trong vườn hoa, cười cười nói nói, nhìn thấy cô liền lập tức quan sát một cách hiếu kì, nhưng ánh mắt đầy vẻ thân thiện. Thư Mạn nhìn xung quanh, những căn nhà phong cách phương Tây tường sơn đỏ, mái nghiêng rải rác khắp vườn hoa và trong rừng, không biết căn nào mới là ‘Ngọa hổ sơn trang’ đây?

“Cô tìm ai thế?” Một y tá cất tiếng hỏi.

“Ồ, tôi tìm Đỗ Trường Phong.”

Đối phương lập tức tỏ ra vô cùng kinh ngạc: “Cô tìm anh ta sao? Cô có quan hệ gì với anh ta thế?”

Thư Mạn không muốn trả lời, cô đi xuyên qua vườn hoa rồi đi thẳng, vào đến bên trong, từng nhóm hai ba người rải rác trong vườn hoa, nhìn cách ăn mặc của họ thì đoán đó là bệnh nhân. Những người đó, người thì ngồi trên xe lăn, người thì đang tập thái cực quyền, người thì đang hát, còn một bà thím già đang vểnh ngón tay điệu đà như hình bông hoa lan, trông như đang diễn kịch trên sân khấu, còn cả một anh béo đang đứng trên chiếc ghế đá say sưa chỉ huy, coi đám cỏ dưới chân kia là dàn nhạc, một bà y tá đứng tuổi kéo anh ta xuống, hai người đang xảy ra tranh cãi… Thư Mạn bước thật nhanh qua chỗ đó, cô lờ mờ hiểu vì sao Vi Minh Luân lại nói những lời ấy, nếu Đỗ Trường Phong ở cùng với những người điên này, vậy thì…

Phía trước lại là một rừng cây.

Một con đường nhỏ lát đá cuội ngoằn nghèo dẫn xuyên vào trong rừng.

Thư Mạn men theo con đường đó, bước đi thật nhanh, phút chốc đã đi xuyên qua rừng cây, trước mặt là một bức tường rào, có một cánh cửa săt khép hờ. Bước qua cánh cổng, phía trước bỗng trở nên rộng mở sáng sủa hẳn lên, một cái hồ lớn hiện ra trước mắt. Vì đang là mùa đông nên có bên bờ hồ khô vàng hết cả, nhưng nước hồ thì vẫn xanh như ngọc, sâu không nhìn thấy đáy. Thư Mạn hiếu kì đi vòng qua bờ hồ, xa xa phía bên kia hồ thấy một khu nhà lớn kiến trúc kiểu Trung Quốc ẩn hiện trong rừng trúc, soi bóng trên mặt hồ, rất có phong cách, mặc dù bầu trời âm u nhưng cô vẫn nhìn thấy trên cổng chính treo bức hoành phi “Ngọa hổ sơn trang”.

Một bác mặc áo jacket, mái đầu hoa râm, tay vắt sau lưng bước đến, Thư Mạn chưa kịp mở lời thì ông đã cất lời hỏi trước, “Cháu là Thư Mạn phải không?”

“…”

“Vào đi, mau vào đi, Kỳ Kỳ đang đợi cháu bên trong đấy.” Vẻ mặt ông hiền hòa, tay chỉ vào sơn trang, “Minh Luân gọi điện đến, bảo là cháu đến rồi, Kỳ Kỳ bảo ta ra đón cháu, sợ cháu đi lạc.”

Thư Mạn ngẩn ra đó không biết làm thế nào. Kỳ Kỳ? Cái tên này hình như đã nghe ở đâu đó thì phải… “Vào đi, bên ngoài gió lắm, trông mặt cháu kìa, lạnh cóng đỏ cả lên rồi.” Ông vừa cười vừa nói.

Thư Mạn giờ mới chịu bước vào cửa chính. Cánh cổng đậm hơi hướng cổ kính, sơn đỏ khuyên đồng, trước cổng còn có hai con sư tử đá ngồi cạnh. Hai bên cổng là bước tường cao vây quanh, phía trong cổng là một cái giếng trời sâu hoắm, bên trái là hai cây ổi to lớn, cành lá trơ trụi, bên phải cũng trồng hai cây hải đường cao to, có thể tưởng tượng ra được, hễ mùa xuân đến thì nơi đây nhấy định sẽ là một cảnh tượng bóng râm trải khắp mặt đất, ong bướm vo ve. Nơi đây rất giống với tứ hợp viện của những gia đình giàu có thời xưa, ngoại trừ cánh cổng lớn ra, ba mặt đều là nhà lầu gỗ vây quanh, nhà nhiều gian phòng, hành lang dài thẳng tắp, rất nho nhã và cổ kính.

Thư Mạn đang thập thò ngó nghiêng xung quanh thì nghe thấy tiếng ho khẽ trên tầng bên trái, cô ngoái đầu, chợt thấy ai đó đứng dựa vào lan can hành lang, mặt áo choàng ngủ, mặt không chút biểu cảm, vẫy tay ra hiệu bảo cô lên tầng. Thư Mạn ngẩn người ra đó không động tĩnh gì, anh mới không kiên nhẫn được, gào lên: “Còn ngây ra đấy làm gì, cô muốn chết cóng ở dưới đấy hả?”

Mười bảy năm trước.

Lâm Sỹ Diên hay tin con trai mình xảy ra chuyện, liền tức tốc từ Mỹ trở về Ly Thành. Mạng người quan trọng, ông biết, lần này chỉ sợ thằng nhỏ khó thoát khỏi tai vạ.

Tóc ông giờ đã chuyển màu muối tiêu, đa phần cũng là vì lo lắng cho cái thằng con này.

Vốn dĩ ông nhận nuôi đứa con này cũng là vì muốn bù đắp nỗi day dứt trong lòng, nhưng sau khi nhận nuôi rồi, nỗi day dứt trong lòng ông lại càng tăng chứ không hề giảm bớt, bởi ông chưa thể dạy dỗ nó cho tốt. Vốn dĩ tất cả tình yêu và hi vọng mà ông dành cho đứa con này, thậm chí ngay cả Lâm Nhiên và Lâm Hy, hai đứa con đẻ của ông cũng còn phải xếp sau, nhưng những gì ông nhận được sau tất cả những gì bỏ ra ấy chỉ là nỗi thất vọng, cuối cùng còn là sự tuyệt vọng. Vốn dĩ cứ tưởng rằng đưa nó sang Mỹ để nó tiếp thu nền giáo dục phương Tây, có thể khiến nó bước trên con đường đời mà bố mẹ đẻ nó khi còn sống đến ngay cả nghĩ cũng không dám, nào ai biết được nền giáo dục tự do phóng khoáng phương Tây ấy lại ‘dạy dỗ’ nó trở thành một “Ma vương thời loạn” chính hiệu như thế.

Sáu tuổi, Đỗ Trường Phong học cấp một ở Mỹ, hồi đó vẫn còn gọi là “Kỳ Kỳ”. Mới ngày đầu bước chân vào cổng trường đã đánh nhau với bạn học, cậu học sinh nước ngoài tóc vàng mắt xanh bị đánh đến vỡ đầu chảy máu. Từ tiểu học đến trung học, Lâm Sỹ Diên phải lo chuyển trường không dưới hai mươi lần cho anh. Tất cả các trường tiểu học ở Los Angeles anh đều đã chuyển khắp cả một lượt, chẳng đâu dám nhận vào trường nữa, dắt đến Califonia, tình hình có vẻ chuyển biến tốt hơn một chút, trường thì không phải chuyển nhiều, nhưng thường thì không phải thầy cô giáo đưa trả về thì là cảnh sát chở về bằng xe tuần tra.

Lúc đó, Lâm Sỹ Diên đã có suy nghĩ, nền giáo dục phương Tây chỉ khiến thằng nhóc này càng học càng đi xuống, cũng vừa hay ông đang muốn đưa Lâm Nhiên về nước để tiếp thu nền văn hóa phương Đông chính thống, bèn quyết định đưa Kỳ Kỳ về nước cùng luôn, biết đâu môi trường thay đổi, thằng bé có thể cải tà quy chính cũng nên.

Bên Mỹ anh thường được gọi là Sam Lin, trước khi về nước, Lâm Sỹ Diên đổi cho anh về với họ bố đẻ mình là “Đỗ”, đồng thời đặt một cái tên Trung Quốc đầy ý thơ “Trường Phong”. Người ta thương nói cái tên là ẩn dụ về vận mệnh của con người. Sau này Lâm Sỹ Diên nghĩ, thật sự ông không nên đặt cái tên này cho đứa con, để sau này khi trưởng thành lại giống như một cơn gió, đi về không tung không tích, hơn nữa “Phong” vừa có nghĩa là gió, lại vừa có nghĩa là “điên”, quả thực là không tốt lành chút nào.

Lâm Sỹ Diên sắp xếp cho con trai trưởng Lâm Nhiên vào trường Đại học Sư phạm Ly Thành, sau đó lại sắp xếp cho Lâm Hy vào Học viện Y ở tỉnh thành để theo học ngành y, dù sao thì nhà họ Làm cũng là một gia đình bề thế về y học, nếu con trưởng Lâm Nhiên đã không có lòng theo thì đứa con thứ Lâm Hy nhất định phải thay anh cả gánh vác trách nhiệm này. Còn về đứa con nuôi Sam Lin, nó là đứa làm ông đau đầu nhất, cuối cùng quyết định đổ một khoản tiền lớn vào Học viện âm nhạc, mua một chỗ cho Sam Lin. Học viện âm nhã nằm ngay sát trường Đại học Sư phạm, ý định ban đầu của Lâm Sỹ Diên là hi vọng Lâm Nhiên có thể để ý đến em trai trong lúc học tiếng Trung.

Trong trường Đại học Sư phạm, Lâm Nhiên không hổ là tiêu điểm chú ý, ngay từ trước khi về nước anh đã nổi danh là hoàng tử dương cầm của châu Á, cũng khó tránh khỏi chuyện thường xuyên bị giới báo chí theo dõi. Một dạo Lâm Nhiên trở thành thần tượng của học sinh, nhất là nữ sinh toàn trường. Còn ở Học viện âm nhạc bên này, Đỗ Trường Phong cũng tỏ ra không hề “thua kém” gì anh trai mình, ngay buổi học đầu tiên đã đuổi thầy giáo xuống khỏi bục giảng, nguyên nhân là thầy giáo không diễn tấu hay bằng anh.

Đỗ Trường Phong học đàn violon.

Hồi bảy tuổi, Lâm Sỹ Diên cho anh chọn một loại nhạc cụ, bởi trong một đại gia tộc như gia đình họ, có trở thành nghệ sĩ âm nhạc hay không chỉ là thứ yếu, nhưng việc Lâm Sỹ Diên yêu thích âm nhạc lại là sự thực, ông hi vọng những đứa con trai của mình đều có thể kế thừa sở thích này, “âm nhạc có thể giải phóng linh hồn”, đó là câu mà ông thường xuyên nói với các con.

Vẫn còn một nguyên nhân nữa, Sam Lin hiếu động quá, cả ngày suốt từ sáng đến tối không có lúc nào là nghỉ ngơi, học một chút âm nhạc có lẽ sẽ khiến anh trở nên điềm đạm, yên tĩnh hơn một chút cũng nên.

Kết quả lại khiến Lâm Sỹ Diên hết sức kinh ngạc, không ngờ thiên phú âm nhạc của thằng nhóc này còn vượt xa cả Lâm Nhiên, những thứ thông thường người khác phải học mất một năm thì Sam Lin chỉ cần học vài ba tháng đã biết cả, chưa đầy ba năm mà danh tiếng đã chấn động cả Los Angeles. Lên mười tuổi, anh đại diện cho cả Los Angeles tham gia cuộc thi violon thanh thiếu niên toàn Mỹ, ung dung đoạt giải quán quân. Mười bốn tuổi đã biết tự viết nhạc, không nhờ ai dạy mà tự học thành tài. Nếu Lâm Nhiên đã từng được mệnh danh là “Thần đồng âm nhạc”, thì Sam Lin lại là một thiên tài mà ngay cả Lâm Sỹ Diên cũng không thể không công nhận. Đáng tiếc là thằng nhóc này trời sinh vốn đã ngang bướng nghịch ngợm, tính tình bồng bột xốc nổi, suốt cả ngày gây chuyện rắc rối, ai cũng không làm gì được. Lâm Sỹ Diên thường nói, nếu thằng nhóc này mà có thể ngoan ngoãn nghe lời như Lâm Nhiên thì chắc chắn thành tựu của anh sẽ không kém gì Lâm Nhiên.

Sau khi về nước, cái tính hay gây chuyện của Đỗ Trường Phong không những không giảm bớt mà ngược lại càng thậm tệ hơn do thoát khỏi tầm kiểm soát của bố. Ví như chuyện đuổi thầy giáo xuống bục giảng đôi khi cũng xảy ra, lúc đầu các thầy còn bụng đầy căm phẫn, nhưng sau khi được chứng kiến mấy lần Đỗ Trường Phong kéo violon thì chẳng ai còn hé răng nửa lời, bởi chẳng ai có thể dạy được gì cho anh cả. Thế nên, Đỗ Trường Phong chẳng bao giờ phải ngồi trong giảng đường học nghiêm túc như những sinh viên khác, anh thích đến thì đến, thích đi thì đi, không ai ngăn cản anh, các thầy cô giáo cũng đều đã được lĩnh giáo từ anh cả rồi, muốn tránh còn chả kịp. Mười bảy mười tám tuổi, không phải đi học thì còn có thể làm gì chứ, không theo đuổi con gái thì chỉ có đánh nhau. Mỗi lần Lâm Nhiên gặp anh, không mặt mày bầm tím thì tay cũng bó vải gạt.

Lâm Nhiên cũng chẳng có cách nào, đi học hay tan học đều đưa Đỗ Trường Phong đi cùng. Trong một buổi biểu diễn tổng kết của trường Đại học Sư Phạm, Lâm Nhiên và Đỗ Trường Phong cũng nhau hợp tấu một bản nhạc khiến cả trường phải kinh ngạc. Buổi biểu diễn lần đó, tất cả các tiết mục khác chẳng ai nhớ đến, chỉ nhớ mãi màn biểu diễn cầm sắc hòa ca của hai anh em trai nhà họ Lâm kia. Dương cầm và violon vốn là một cặp trời sinh, lại thêm hai thiên tài cùng nhau diễn tấu đã đủ khiến người ta khắc ghi một đời, mà bản nhạc đó lại do chính Đỗ Trường Phong viết trong lúc ngẫu hứng. Sau này, Lâm Nhiên đặt tên cho bản nhạc đó một cái tên rất hay, bản “Sonata mùa thu”.

Không lâu sau, Lâm Nhiên yêu Lạc Anh, là sinh viên trường Đại học Sư Phạm, dáng người xin xắn, đáng yêu, chơi đàn rất hay. Để tiếp cận người trong lòng, Lâm Nhiên không chú tâm vào học đàn dương cầm nữa, lại hứng thú tìm hiểu nhạc cụ dân tộc, nhưng con trai mà đi học đàn tranh thì sẽ bị người ta cười chết mất, thế là anh liền học thổi sáo. Đỗ Trường Phong thấy anh trai học nhạc cụ dân tộc, cũng không cam chịu lạc hậu, cũng học kéo nhị hồ. Nhưng từ sau khi anh trai yêu đương vào cũng không để ý đến cậu em trai mấy, suốt ngày tay ấp mà kề cùng Lạc Anh, Đỗ Trường Phong cũng không tránh khỏi chuyện bị bỏ rơi một mình.

Từ đó, trong Học viện âm nhạc lại thêm một cảnh tượng nữa, một thanh niên trẻ tuấn tú ngồi trước cổng trường học, mặc chiếc áo phông được giặt trắng sáng với chiếc quần bò thủng lỗ chỗ, chân đi đôi dép lê, ngồi kéo nhị hồ với nét mặt đau thương, với lại cũng không biết là có phải cố ý hay không mà anh luôn đeo một chiếc kính đen, nếu anh thay một bộ áo sườn xám dài thì hẳn sẽ giống ý đúc thằng mù A Bình năm xưa.

Đỗ Trường Phong vì thế mà trở thành nhân vật tiêu điểm của Học viện âm nhạc Ly Thành. Và Lâm Sỹ Diên cũng vì đứa con trai “kì tài xuất chúng” này mà trở thành trò cười cho cả thành phố.

Nhưng sau đó, người thực sự khiến cho nhà họ Lâm rơi vào phong ba bão táp lại chính là Lâm Nhiên. Vì Lạc Anh, người bạn gái mà anh thích vốn đã có bạn trai tên Diệp Quan Thanh, học môn bóng rổ ở trường Thể dục thể thao ngay sát bên cạnh, nhà anh ta ở phố Thúy Hà, nghe nói ngày xưa còn là hàng xóm của nhà họ Lâm, mẹ của Diệp Quán Thanh đã từng chăm sóc Lâm Nhiên.

Tính cách của gã này thì rất giống với Đỗ Trường Phong, cũng thuộc hạng trời không sợ đất không màng. Trong quá trình tranh giành lấy Lạc Anh, Quán Thanh và Lâm Nhiên không ngừng xảy ra chiến tranh. Lần nghiêm trọng nhất là lần Quán Thanh bắt gặp Lâm Nhiên và Lạc Anh đang dùng cơm trong nhà hàng trước cổng học viện, hai bên xảy ra tranh cãi kịch liệt, trong lúc hỗn loạn, Diệp Quán Thanh lấy chai bia đánh Lâm Nhiên đến vỡ đầu chảy máu. Đúng hôm đó, Đỗ Trường Phong đi trượt băng, hay tin anh trai bị thương liền chạy đến bệnh viện ngay lập tức, nhìn thấy đầu anh trai quấn đầy vải gạt, đang trong tình trạng hôn mê do mất quá nhiều máu, Trường Phong bỗng nhiên như biến thành một con sư tử giận dữ đến mất hết kìm chế.

Anh biết, lúc bước chân vào nhà họ Lâm anh mới sáu tuổi, cũng chẳng có quan hệ huyết thống nào với Lâm Nhiên cả, nhưng từ nhỏ anh đã thân với Lâm Nhiên, cũng chính năm đó Lâm Nhiên là người dắt anh vào cửa. Sau này lớn lên rồi anh vẫn thường nghĩ, nếu lúc đầu không gặp được Lâm Nhiên, thực sự không biết bây giờ anh đang lưu lạc nơi nào, lòng cảm kích của anh đối với Lâm Nhiên là từ trong đáy lòng. Giờ Lâm Nhiên bị đánh trọng thương như thế, lẽ nào anh lại chịu khoanh tay đứng nhìn?

Tối hôm đó, Đỗ Trường Phong cầm con dao gọt hoa quả chạy đến trường thể dục thể thao đá tung của phòng kí túc xá của Diệp Quán Thanh, cũng nghĩ đến chuyện Diệp Quán Thanh cũng chẳng phải loại lương thiện gì nên anh gọi thêm cả Lâm Hy và người bạn thân Thư Khang đến cùng. Diệp Quán Thanh tự biết mình đuối lý, hơn nữa người mà anh đánh bị thương kia lại chính là con trai Lâm Sỹ Diên, một nhân vật lớn của Ly Thành, nhất định ban giám hiệu trường sẽ khai trừ anh. Đối với một kẻ xuất thân bần hàn, khó khăn lắm mới thi đậu vào trường thể dục thể thao như Quán Thanh mà nói thì đó quả thực là một đòn chí mạng. Thấy Đỗ Trường Phong đem theo trợ thủ sát khí đằng đằng tìm đến, anh liền rất tự giác, tỏ ý có thể ra ngoài nói chuyện, thứ nhất là vì anh sợ xảy ra xung đột gì lại liên lụy đến bạn cùng phòng, thứ hai là muốn xin lỗi Đỗ Trường Phong một cách thành khẩn, có lẽ nhà trường sẽ mở cho anh một lối thoát. Sinh viên cùng phòng đều sợ cảnh đánh nhau trong kí túc xá nên chẳng ai dám ngăn cản việc Quán Thanh ra ngoài giải quyết sự việc. Đây lại chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thảm kịch sau đó, chính vì không có ai ngăn cản, bi kịch mới đến bất ngờ mà không ai kịp phòng bị gì.

Bốn người đi vào cánh rừng nhỏ phía sau trường học.

Chẳng ai biết được bên trong đó xảy ra tranh chấp xung đột như thế nào, không lâu sau, một nhóm thanh niên khác cũng xông vào trong rừng, số người đông hơn bên Đỗ Trường Phong, hiển nhiên đó là phe cánh của Diệp Quán Thanh, hai bên nhanh chóng lao vào nhau đấu đá. Nhưng chung quy thì người bên Diệp Quán Thanh đông hơn và nhanh chóng chuyển bại thành thắng. Nhưng lúc đó trên người Diệp Quán Thanh đã bị dao đâm trúng nhiều nhát, túm lấy nhau mà đánh, con dao gọt hoa quả ấy bị đánh sang một bên. Lâm Hy và Thư Khang xông đến đánh giúp, tình hình rất hỗn loạn, một người anh em khác của Diệp Quán Thanh không biết nhặt thấy hòn gạch ở đâu đang định đập vào đầu Đỗ Trường Phong, Thư Khang ngăn lại được, Lâm Hy liền nhặt lấy con dao gọt hoa quả kia đâm loạn lên một hồi… Sinh viên phía ngoài cánh rừng run lên sợ hãi hết cả, bởi vì tiếng kêu đó thảm thiết tuyệt vọng vô cùng, thực sự không giống như tiếng kêu của loài người. Nhưng tuyệt nhiên chẳng ai muốn đến giải vây hay gọi bảo vệ trường. Sợ đến đơ cứng người ra hết cả rồi.

Không quá hai mươi phút.

Đỗ Trường Phong đi ra, khắp người toàn là máu. Các sinh viên thấy vậy kêu thét bỏ chạy tán loạn. Lúc Diệp Quán Thanh được đưa lên xe cứu thương vẫn còn chưa tắt thở, thều thào nói với một số người bạn bên cạnh, “Đừng… đừng nói với mẹ tôi, xin mọi người đấy… Hãy xin nhà trường lượng tình, đừng khai trừ tôi…” Còn chưa kịp đưa đến bệnh viện, Diệp Quán Thanh đã ngừng thở trên đường đi, đến bệnh viện thì được đẩy ngay vào nhà xác. Còn bệnh viện đó lại chính là bệnh viện Nhân Ái do nhà họ Lâm đầu tư xây dựng.

Đỗ Trường Phong bị cảnh sát bắt ngay tối hôm đó. Lâm Hy và Thư Khang cũng bị tam giam, nhưng rất nhanh sau đó lại được thả ra bởi Đỗ Trường Phong đã nhận hết tất cả trách nhiệm về mình. Lúc đó anh đã tỉnh táo lại, được biết Diệp Quán Thanh đã chết, anh gào khóc thảm thiết ngay trong trại tạm giam, tiếng khóc kinh thiên động địa, cũng không giống với tiếng khóc của con người. Khóc mãi đến tận lúc trời sáng.

Cả đời này Đỗ Trường Phong không thể nào quên được, cái cảnh bên gia đình nguyên cáo kêu gào khóc thét giận dữ trong cái hôm tòa án tuyên án ấy. Nói thực, ngay cả bản thân anh cũng không ngờ tới kết quả lại như vậy, anh vốn đã chuẩn bị tinh thần ra pháp trường rồi. Mỗi ngày ở trong nhà tù đối với anh mà nói, sống một ngày mà đằng đẵng như thể một năm.

Cái giá phả trả cho sự bồng bột của tuổi trẻ không ngờ lại trầm trọng đến vậy.

Hàng đêm, khi anh mơ thấy Diệp Quán Thanh bị anh ngộ sát đổ gục xuống vũng máu, sự bất lực và tuyệt vọng trong ánh mắt ấy dày vò tinh thần anh từng giờ từng phút, thậm chí anh còn hay vô cớ ngửi thấy mùi tanh của máu, suốt một thời gian dài không ăn uống được gì. Rồi hồi tưởng lại quãng đường đời từ tuổi ấu thơ đến khi trưởng thành, thực sự là anh đã quá phung phí tuổi thanh xuân. Phung phí thái quá thì mất mát càng nặng nề hơn. Anh biết chỉ cần anh bước lên pháp trường là tất cả mọi thứ sẽ không còn là của anh nữa, bao gồm cả sinh mạng. Hối hận, hai chữ này giờ đã không đủ để biểu đạt cảm xúc, tình cảm trong nội tâm anh. Giờ anh mới hiểu, hóa ra sinh mạng mới đáng quý đến như vậy, giờ mới hiểu vì sao lúc Diệp Quán Thanh đổ gục xuống đất lại nhìn anh với ánh mắt thê lương tuyệt vọng đến như vậy. Có ai lại muốn chết cơ chứ?

Nhưng, khi bình tĩnh lại rồi, anh thấy mình chết là đáng, dù sao thì anh cũng đã giết một mạng người. Trên tòa án, tinh thần anh hoảng hốt, hoàn toàn không nghe thấy luật sư và các thẩm phán nói gì. Ngay cả đến dũng khí ngẩng đầu lên anh cũng không có. Mãi cho tận tận khi quan tòa tuyên đọc bản án trước tòa, anh vẫn còn tưởng mình đang nằm mơ. Quan tòa nói gì vậy? Anh bị bệnh thần kinh, không phải chịu trách nhiệm hình sự, được phóng thích ngay tại phiên tòa.

Chiếc còng khóa trên tay được mở ra.

Những người thân đến nghe xử án bước đến vây kín lấy anh, ông bố Lâm Sỹ Diên ôm chầm lấy anh khóc lóc nghẹn ngào. Còn cả anh trai Lâm Nhiên và em trai Lâm Hy nữa, lại càng khóc lên khóc xuống như muốn ngất đi. Xém chút nữa thì anh được người thân khiêng lên đưa ra khỏi tòa án. Nhưng anh trai của người chết lại mất kiềm chế xông đến muốn liều mình một phen, nhưng lập tức bị cảnh sát khống chế lôi ra.

“Chúng mày là lũ giết người, sẽ không được chết yên ổn đâu! Đạo trời sẽ không tha thứ cho chúng mày đâu! Diệp Quán Ngữ này dù có làm ma cũng không bao giờ tha cho chúng mày! Lũ súc sinh lang sói cấu kết làm càn kia…”

“Tao thề, tao sẽ đòi lại tất cả! Tao sẽ báo thù!...”

“Quán Thanh, anh sẽ báo thù cho em!...”

Nhà họ Lâm ai ai cũng cúi đầu, nhanh chóng rời khỏi đó. Đỗ Trường Phong cũng lên xe, anh trai của người chết thoát khỏi cảnh sát, xông đến đập liên hồi vào cửa xe: “Mày ra đây, thằng súc sinh kia, mày bị bệnh thần kinh cái gì cơ chứ? Sao lúc mày giết người lại bỗng nhiên bị bệnh thần kinh là thế nào? Mày không sợ bị trời đánh sao? Mày ra đây, chúng ta quyết tử một trận, mày có gan thì ra đây…”

“Mau lái xe đi!” Người ngồi bên cạnh quát.

Xe lao vút đi. Đỗ Trường Phong ngoái đầu nhìn lại phía sau, thấy người đó ngã nằm ra đất, kêu trời kêu đất, chẳng còn nghe rõ anh ta đang nói gì nữa, Đỗ Trường Phong chỉ cảm thấy bầu trời như chưa bao giờ u ám đến thế. Anh đã không còn nghe rõ gì nửa cả. Cuộc sống của anh rơi vào ảm đạm từ đó.

“Tôi sẽ không bao giờ nói với ông từ ‘cảm ơn’! Bởi vì… tôi hận ông!”

Đây là lời mà anh nói với ông bố Lâm Sỹ Diên sau khi trở về nhà.

“Cho dù là con hận bố thì bố cũng phải để con sống.” Lâm Sỹ Diên trả lời.

“Nếu phải sống thế này thì chi bằng tôi chết đi cho rồi!” Đỗ Trường Phong nổi giận lôi đình, đòi đi tự thú. Lâm Duy ngăn anh: “Cậu có thể đi tự thú, nhưng tôi nói cho cậu biết trước hậu quả, giờ cậu đi tự thú vẫn chưa muộn, hậu quả là tất cả chúng ta, bao gồm cả bố mẹ cậu, anh cậu, tôi, và còn rất nhiều những người mà cậu không biết nữa, tất cả sẽ bị liên lụy, ai bị mất chức thì sẽ mất chức, ai phải ngồi tù thì sẽ ngồi tù, cả nhà họ Lâm này sẽ bị hủy hoại trong chốc lát… Cậu có còn muốn đi tự thú nữa không?”

“Nhưng tôi không bị thần kinh! Tôi không phải thằng điên!”

“Cậu chính là thằng điên đấy!”

“Tôi không điên!”

“Thằng điên chẳng bao giờ tự nói mình bị điên cả, trong nhận thức của anh ta, anh ta không khác gì những người bình thường cả, nhưng…” Lâm Duy nhìn anh lạnh lùng nói: “Trong mắt của những người bình thường chân chính, cậu chính là một thằng điên! Nếu không thì cậu sẽ không bao giờ làm cái chuyện điên rồ như thế này, vì thế bây giờ cậu phải nhớ lấy, cậu là một thằng điên, điên từ đầu đến chân, từ trước đến giờ đã thế rồi…”

Đỗ Trường Phong ngửa mặt lên trời gào thét: “KHÔNG!!!”

Bi kịch cuộc đời Đỗ Trường Phong bắt đầu từ khi anh bị “áp tải” đến bệnh viện tâm thần, rõ ràng là giết người mà lại được phóng thích ngay trước tòa án, rõ ràng là người bình thường mà lại bị giám định là người điên. Người nhà lén làm gì giấu anh, anh không biết, anh chẳng biết gì cả, anh chỉ biết rằng cuộc đời của anh rơi vào bóng tối vô cùng vô tận từ hôm đó.

“Lâm Sỹ Diên! Cả đời này tôi hận ông!” Lúc bị áp tải lên xe, anh gào thét giãy giụa. Đây là lần đầu tiên anh gọi trực tiếp tên bố mình.

Từ đó, Đỗ Trường Phong ở trong bệnh viện tâm thần và làm bạn với một đám người điên. Chỉ vì để anh được sống. “Vì anh, em cũng phải sống!” Mỗi lần Lâm Nhiên đi thăm anh đều vừa khóc vừa nói vậy.

Nhưng mỗi ngày ở trong đó, Đỗ Trường Phong chưa bao giờ cảm thấy được rằng mình đang sống.

Bệnh viện tâm thần nằm cách xa khu đô thị, ẩn khuất trong cánh rừng phong vắng dấu chân người, cách một ngọn núi, bên trái là nhà tang lễ, bên phải là nghĩa trang, cả ngày suốt từ sáng đến tối chỉ có tiếng khóc và tiếng kêu gào bi thương vang vọng trong rừng núi, bốn bè là tường cao, trước sau là hai cánh cổng sắt (hồi đó rừng phong xung quanh còn chưa được liệt vào khuôn viên bệnh viện tâm thần). Đối với người từ nhỏ đã quen tự do phóng khoáng như Đỗ Trường Phong mà nói, bị nhốt trong một môi trường như thế này còn khó sống hơn nhiều so với nhà tù. Nhưng những đãi ngộ của anh lại tốt hơn nhiều so với những bệnh nhân tâm thần chính khác một cách hiển nhiên, không những chỉ một mình ở riêng một nhà mà lại còn có người chuyên chăm sóc ăn ở cho anh, chỉ cần không ra khỏi bệnh viện, anh có thể đi lại hoạt động khắp nơi.

Lâm Sỹ Diên từng đi thăm con trai một lần, kết quả là nhận được sự từ chối gặp mặt của anh. Ông cũng chẳng biết làm gì hơn, thấy thiết bị, cơ sở viện tâm thần lạc hậu, môi trường tồi tệ, thông qua một loạt các hoạt động coi như là đầu tư làm từ thiện, ông sát nhập bệnh viện tâm thần vào bệnh viện Nhân Ái dưới chướng tập đoàn Chấn Á của nhà họ Lâm. Chính quyền rất ủng hộ, viện tâm thần từ lâu rồi đã là một gánh nặng, vừa không có tiền đầu tư, lại không có lợi nhuận, có người mua thì sao lại không xúc tiến? Ngày treo biển có khua chiêng gióng trống inh ỏi, pháo nổ đùng đoàng, những người điên trong viện còn vui mừng hơn cả đón Tết, người thì hát, người thì nhảy múa, mặc dù họ không biết vì sao những người này lại đến đây đốt pháo tràng, nhưng hiếm khi viện tâm thần mới được một dịp náo nhiệt như thế này, rất nhiều người điên đều tưởng rằng họ đang được đón Tết.

Đỗ Trường Phong nhốt mình trong phòng, vẫn không chịu gặp bố. Lâm Sỹ Diên đứng trước cổng rất lâu, cuối cùng đành lẳng lặng ra về. Nhưng viện tâm thần thuộc Bệnh viện Nhân Ái của Ly Thành được chính thức thành lập thì là sự thực trăm phần trăm rồi, vì là bệnh viện trực thuộc nên được người ta gọi là “Nhị Viện”, cứ gọi mãi như thế đến tận bây giờ.

Lâm Sỹ Diên vừa tiếp quản Nhị Viện lập tức mời ông Lương Trọng Kim, chủ nhiệm khoa của bệnh viện Nhân Dân của Ly Thành, nơi ngày xưa ông đã từng làm việc ở đó, đến làm viện trưởng Nhị Viện, còn vì sao lại mời ông Lương đến thì có lẽ chỉ có lòng ông rõ nhất. Sau khi ông Lương đến nhậm chức, Lâm Sỹ Diên bắt đầu chiến dịch tu sửa lại Nhị Viện, không chỉ trùng tu viện xá còn bố trí thêm thiết bị để con trai có thêm nhiều không gian hoạt động. Ông còn mua lại rừng phong xung quanh, làm đường, trồng hoa trồng cỏ, xây tháp cao, tất cả chỉ là để con trai có thể ở thoải mái hơn. Sợ con trai khó sinh hoạt chung với những người điên thực sự kia, trong lúc trùng tu viện xá, ông liền xây một ngôi nhà riêng biệt cho con trai, đào cái ao cũ ngày xưa phía trước ngôi nhà thành một cái hồ nhân tạo, tách biệt căn nhà với những khu viện xá khác.

Sau khi sự cáu kỉnh gắt gỏng ban đầu qua đi, Đỗ Trường Phong dần trở nên bình tĩnh, sự cô đơn bắt đầu lan tràn trong lòng mà anh không có cách nào cứu vãn được. Anh thường ngồi dưới lầu tháp suốt đêm cho đến tận sáng, nhìn xa xăm, hút thuốc, uống rượu, lặng lẽ chờ đợi tia nắng đầu tiên trước khi bình minh rạng sáng chiếu rọi vào tận đáy sâu cõi lòng u ám của mình. Lầu tháp này vốn trước kia là nơi người trông coi khu rừng dùng để quan sát tình hình, đồng thời cũng thắp cả đèn chiếu sáng để chỉ phương hướng cho người đi lạc trong rừng vào ban đêm, lúc đó lại trở thành địa điểm vừa ý nhất cho Đỗ Trường Phong giải phóng nỗi cô đơn.

Đỉnh lầu tháp nhỏ và hẹp, nhiều nhất cũng chỉ có thể chứa được hai ngươi, dưới mái lán che nắng có treo một bóng đèn nhỏ, gió thổi cái là lại kêu “lách cách”, để trèo được lên trên đấy cũng phải là người gan dạ. Ông Lương cứ mỗi lần nhìn thấy Đỗ Trường Phong trèo lên đấy đều sợ hú hồn hú vía, lập tức báo cáo với viện trưởng Lâm. Lâm Sỹ Diên liền phái người dỡ bỏ lầu tháp gỗ lung lay như sắp đổ ấy đi, dùng bê tông cốt thép xây một tòa lầu tháp cao hơn ở chính chỗ đó. Để đảm bảo an toàn cho con trai, cầu thang được thiết kế bên trong lầu tháp, uốn hình xoắn ốc leo lên trên, đỉnh tháp hoàn chỉnh hơn so với tháp cũ rất nhiều, tường rào xung quanh dùng gạch đá hoa lát thành, vừa kiên cố lại rất mỹ quan, trên mái lán có một cửa sổ trong suốt được chống bằng cột chống kim loại, có thể tận dụng ánh sáng tự nhiên tốt hơn, buổi tối mà ở đó ngắm sao thì quả thực không còn chỗ nào thích hợp hơn. Một đỉnh tháp tuyệt vời như thế cũng có thể chứa được ba đến bốn người cùng ngồi ngắm cảnh, nói chuyện, thậm chí là uống rượu trên đó. Trên mái lán của lầu tháp còn được bố trí một quầy bar nho nhỏ có đủ loại rượu tây bày xếp trong tủ, đều là những loại mà Đỗ Trường Phong thích, thậm chí lại còn lắp cả điện thoại và một chiếc kính thiên văn hiện đại nhất…

Đỗ Trường Phong sững ngây người ra, khi lần đầu tiên anh leo lên đỉnh lầu tháp mới. Khóe mắt anh bỗng nhiên ướt đẫm. Tảng băng trong trái tim anh dần dần tan chảy, bố đã làm tất cả những điều ông có thể làm, không phải Đỗ Trường Phong không hiểu, nếu chỉ để anh sống sót thôi thì bố sẽ không bỏ ra nhiều công sức tâm huyết như vậy. Ông còn muốn con trai mình vui vẻ.

“Tòa lầu tháp này do đích thân bố cháu đốc thúc Lâm Hy thiết kế đấy!” Ông Lương nói.

Đỗ Trường Phong nghẹn ngào, không nói ra được một lời.

“Bố cháu dặn, nếu cháu cần gì nữa thì cứ nói.” Thấy Đỗ Trường Phong nhìn xa xăm không nói gì, ông Lương biết lòng anh đã xuôi xuôi, bèn tranh thủ nói thêm, “Tuần sau bố cháu từ Mỹ về, ông ấy hỏi cháu có muốn mang cái gì về không…”

Đỗ Trường Phong như thể không chú ý gì đến câu nói đó: “Nuôi một con chim vậy.”

“Được, cháu muốn muôi chim gì, ta sẽ bảo bố cháu tìm.” Ông Lương vui mừng hớn hở.

Thực ra Đỗ Trường Phong cũng chỉ tiện mồm nói ra vậy, chứ nuôi chim gì mà trong rừng cây này còn không có? Anh nhìn ông Lương khó xử, lại nhìn thấy cái hồ nhân tạo giữa rừng phong phía sau lưng ông, nhìn từ trên cao xuống, trông nó giống như một tấm gương phản chiếu ánh mặt trời vậy. Anh rất thích cái hồ này, bên bờ cây cỏ bèo dong um tùm, rừng cây xanh tốt, mặt nước hồ xanh biếc nhìn thấu tận đáy, cá tung tăng bơi lội giữa những đám bèo dong dưới đáy hồ, nếu như kiếm con chim gì đó du ngoạn trên mặt hồ thì lại càng tuyệt với. Chứ ai nuôi vịt bao giờ?

Một nụ cười quái đản hiện lên trên khóe miệng anh.

“Nuôi mấy con thiên nga đi.” Anh nói ra cái ý nghĩ kì lạ viễn vông ấy.

Ông Lương ngẩn người: “Cái này… chỉ sợ khí hậu phương Nam của chúng ta không nuôi được.”

“Tùy chú, tùy cơ mà làm thôi.” Lại cái vẻ mặt không quan tâm không để ý gì hết. Đỗ Trường Phong của ngày xưa dường như đã trở lại rồi. Lòng ông Lương thầm mừng, gật đầu lia lịa, vừa xuống khỏi lầu tháp liền gọi ngay điện thoại quốc tế cho Lâm Sỹ Diên, “Viện trưởng, Kỳ Kỳ muốn nuôi thiên nga, ông cố gắng xem kiếm được ở đâu mấy con về đi, hiếm khi thấy khuôn mặt thằng bé nở nụ cười…”

Ông vẫn quen gọi Đỗ Trường Phong là “Kỳ Kỳ” như vậy…

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.