Truy Tìm Dracula

Chương 69



“Hai ngày ở Bachkovo là hai trong những ngày dài nhất cuộc đời cha. Cha muốn mau mau chóng chóng đến cái lễ hội hứa hẹn ấy ngay, muốn nó diễn ra tức thì, để chúng ta có thể đi theo một từ của bài hát đó - rồng - tới chính hang ổ của nó. Nhưng đồng thời cha cũng sợ hãi giây phút có lẽ không thể tránh khỏi kia, khi cái có thể là manh mối này tan thành mây khói, hoặc hóa ra chẳng liên quan gì cả. Helen đã cảnh báo cha là những bài dân ca vốn nổi tiếng không đáng tin cậy; nguồn gốc của chúng thường thất lạc sau hàng thế kỷ, lời hát cũng thay đổi và biến hóa, những người hát dân ca ít khi biết các bài hát xuất xứ từ đâu hoặc có từ thời nào. ‘Chính những yếu tố đó biến chúng trở thành dân ca,’ Helen vừa nói với vẻ đăm chiêu, vừa đưa tay vuốt thẳng cổ áo cha khi chúng ta ngồi ở khoảnh sân trong, đó là ngày thứ hai ở tu viện. Helen vốn ít bày tỏ những cử chỉ âu yếm như vậy, nên cha biết hẳn cô đang rất lo lắng. Mắt cha nóng ran và đầu nhức như búa bổ khi nhìn quanh khoảng sân sỏi đầy nắng mà lũ gà đang bươi móc. Đây là một chốn đẹp đẽ hiếm thấy, đối với cha nó đẹp kỳ lạ, ở đây chúng ta được chứng kiến dòng sống cứ thế trôi chảy từ thế kỷ mười một đến nay: lũ gà vẫn đang săn lùng côn trùng sâu bọ, con mèo vẫn lười biếng cuộn mình bên chân chúng ta, ánh mặt trời rực rỡ vẫn rộn ràng trên cái công trình bằng đá xinh đẹp màu trắng và đỏ bao quanh chúng ta. Nhưng cha hầu như không còn cảm nhận được vẻ đẹp đó nữa.

“Vào buổi sáng ngày thứ hai, cha thức dậy rất sớm. Cha nghĩ có lẽ mình đã nghe tiếng chuông nhà thờ ngân lên, nhưng không chắc chắn đó là thực hay chỉ là một phần của giấc mơ. Từ ô cửa sổ phòng ngủ che tấm rèm thô ráp, cha nhìn thấy bốn năm tu sĩ đang đi vào nhà thờ. Cha mặc quần áo vào - lạy Chúa, bộ quần áo đã quá dơ, nhưng cha chẳng hơi đâu mà bận tâm đến chuyện giặt giũ nữa - rồi yên lặng xuống cầu thang, bước vào sân trong. Quả thực, hãy còn quá sớm, trời mờ mờ tối, trăng đang lơ lửng trên đầu núi. Cha thoáng nghĩ đến việc vào nhà thờ rồi lừng khừng gần cánh cửa để ngỏ; từ bên trong hắt ra ánh nến, thoảng mùi thơm của sáp và hương trầm đang cháy, phần nội thất mà ban ngày tối om giờ bỗng trở nên ấm áp và mời gọi. Cha có thể nghe tiếng cầu kinh của các tu sĩ. Âm thanh u uất đó cao dần lên và xoáy vào lòng cha như một mũi dao. Có lẽ họ đã từng cầu kinh như thế này, vào một buổi sáng còn lờ mờ tối năm 1477 khi Sư huynh Kiril và Stefan cùng các tu sĩ khác bỏ lại nấm mộ của hai người bạn tử đạo - trong khu chứa hài cốt? - và lên đường băng qua những ngọn núi, bảo vệ cái vật báu trong cỗ xe. Nhưng họ đã đi theo hướng nào? Cha quay mặt về hướng Đông, rồi hướng Tây - nơi mặt trăng đang lặn xuống rất nhanh - và rồi hướng Nam.

“Một cơn gió nhẹ làm lao xao những cành đoan, và chỉ vài phút sau cha thấy tia sáng mặt trời đầu tiên ló rạng sau những triền núi xa xa và trên các bức tường tu viện. Rồi một chú gà trống cất tiếng gáy muộn màng từ một nơi nào đó trong khuôn viên tu viện. Nếu còn chút lòng dạ nào thì chắc chắn đó là một khoảnh khắc cực kỳ thú vị, một giây phút được đắm mình trong lịch sử mà cha hằng mơ ước. Cha nhận ra mình đang chậm rãi xoay một vòng, cố cảm nhận hướng Sư huynh Kiril đã đi. Có lẽ đâu đó ngoài kia là một ngôi mộ mà vị trí chính xác đã thất truyền từ quá lâu đến độ không ai còn biết gì về nó nữa. Nó có thể cách đây một ngày đi bộ, hoặc chỉ ba giờ, hoặc phải cả tuần. ‘Không còn bao xa và không còn sự cố nào nữa,’ Zacharias đã viết như vậy. Không còn bao xa là còn bao xa? Bọn họ đã đi đâu? Mặt đất đang quay cuồng - những ngọn núi rậm rạp cùng những tảng đá nhô cao bụi bặm, khoảnh sân đầy đá cuội dưới chân cha và đồng cỏ, trang trại của tu viện - nhưng tất cả vẫn câm lặng giữ kín bí mật của mình.

“Khoảng chín giờ sáng hôm đó, chúng ta khởi hành trên chiếc xe của Ranov, Sư huynh Ivan ngồi ghế trước. Chúng ta chạy trên con đường dọc sông khoảng mười cây số, rồi bỗng nhiên dòng sông dường như biến mất và con đường men theo một thung lũng dài khô cạn, uốn khúc giữa các ngọn đồi. Quang cảnh này gợi cho cha nhớ đến một điều. Cha thúc khuỷu tay vào Helen, cô cau mày nhìn cha. ‘Helen, thung lũng có dòng sông.’

“Mặt Helen sáng lên, cô vỗ vào vai Ranov. ‘Anh làm ơn hỏi Sư huynh Ivan dòng sông chảy về đâu? Chúng ta đã qua sông ở chỗ nào chưa?’

“Ranov nói mà không cần quay qua Ivan rồi dịch lại cho chúng ta. ‘Ông ta nói ở đây dòng sông đã khô cạn - bây giờ nó đã ở phía sau chúng ta, lúc ta băng qua cây cầu mới đây. Ngày xưa nơi này từng là thung lũng có sông, nhưng giờ thì nước ở đây đã khô cạn rồi.’ Helen và cha im lặng nhìn nhau. Phía trước chúng ta, ở cuối thung lũng, cha nhìn thấy hai đỉnh núi vút lên, hai ngọn đơn độc giống như đôi cánh góc cạnh. Và ở giữa hai đỉnh núi, tít đằng xa, chúng ta có thể nhìn thấy các ngọn tháp của một nhà thờ nhỏ. Helen bỗng nắm chặt tay cha.

“Một lát sau, chúng ta quẹo lên một con đường đất dẫn vào một vùng đồi bằng phẳng, theo biển chỉ dẫn đến một ngôi làng tên Dimovo. Rồi con đường hẹp lại và Ranov dừng xe trước nhà thờ, mặc dù chưa thấy cái làng Dimovo ấy ở đâu cả.

“Nhà thờ Thánh Tử Đạo Petko bé tí xíu, một nhà nguyện trát vữa dãi dầu mưa nắng, nằm lẻ loi giữa một bãi đất trống có lẽ được sử dụng để phơi cỏ cuối vụ mùa. Hai cây sồi cong cong phủ bóng phía trên nhà thờ, kế bên là một kiểu nghĩa địa mà cha chưa từng thấy bao giờ - mộ của các nông dân, một số có ghi ngày chôn cất từ thế kỷ mười tám, Ranov giải thích với vẻ mặt hãnh diện. ‘Đó là truyền thống, thậm chí ngày nay vẫn có nhiều địa điểm như vậy, dành để chôn cất những người lao động nông thôn. Bia mộ hoặc bằng đá hoặc bằng gỗ, có mái che hình tam giác phía trên, nhiều cái còn có một ngọn đèn nhỏ dưới chân. ‘Sư huynh Ivan cho biết sau mười một giờ rưỡi buổi lễ mới bắt đầu,’ Ranov lên tiếng khi chúng ta lừng khừng ở đó. ‘Bây giờ, người ta đang sửa soạn nhà thờ. Ông ấy sẽ đưa ta đến gặp Baba Yanka trước, sau đó ta sẽ quay lại xem buổi lễ.’ Gã nhìn chúng ta chăm chú, tựa như để đoán xem chúng ta quan tâm đến điều gì nhất.

“ ‘Chuyện gì đằng kia vậy?’ Cha trỏ một nhóm người đang làm việc trên cánh đồng kế bên nhà thờ. Một số đang kéo các khúc gỗ và cành cây lớn xếp thành một đống, trong khi những người khác xếp gạch hoặc đá chung quanh. Họ đã thu nhặt rất nhiều vật liệu từ trong rừng.

“ ‘Sư huynh Ivan nói đó là dành để đốt lửa. Lúc trước tôi chưa nhớ ra, nhưng sẽ có màn đi trong lửa nữa đấy.’

“ ‘Đi trong lửa ư!’ Helen thốt lên.

“ ‘Đúng vậy,’ Ranov trả lời. ‘Các bạn biết tục lệ này chứ? Nó rất hiếm thấy tại Bungari thời hiện đại, thậm chí càng hiếm thấy hơn ở miền này của đất nước. Tôi mới chỉ nghe nói về tục đi trong lửa ở vùng Biển Đen. Nhưng đây là một khu vực nghèo khó và mê tín đị đoan mà Đảng vẫn đang đầu tư phát triển. Tôi chắc chắn những việc như thế này rốt cuộc cũng sẽ bị loại trừ.’

“ ‘Em cũng nghe nói đến tục này.’ Helen quay sang cha. ‘Nó là một phong tục của dân ngoại giáo, và đã trở thành tục lệ của người Thiên Chúa giáo vùng Balkan khi người dân ở đây cải đạo. Thường không phải đi mà là nhảy múa. Em rất vui vì chúng ta sẽ được chứng kiến một sự kiện như thế này.’

“Ranov nhún vai, dẫn chúng ta hướng về phía nhà thờ, nhưng ngay sau đó cha nhìn thấy một trong những người đang làm việc quanh đống củi bỗng chồm tới châm lửa. Đống củi nhanh chóng bắt lửa, bùng lên, lan rộng và bắt đầu gầm gào. Đống củi khô chẳng khác gì bùi nhùi và chẳng mấy chốc đã bốc lên đến đỉnh, cháy rừng rực. Thậm chí cả Ranov cũng đứng sững. Cánh đàn ông vừa chất đống củi ấy lùi lại vài bước, rồi thêm vài bước nữa, và đứng lại chùi hai tay vào quần. Ngọn lửa đã đạt đến mức cao nhất, bùng lên mãnh liệt, gần như cao ngang với mái ngôi nhà thờ gần bên, nhưng vẫn ở khoảng cách an toàn. Chúng ta nhìn ngọn lửa ngốn dần cái đống củi khổng lồ cho đến khi Ranov lại ngoảnh đi. ‘Họ sẽ để nó cháy vài giờ đồng hồ và tự lụi tàn,’ gã nói. ‘Giờ thì ngay cả những kẻ mê tín nhất cũng chả dám vào đó nhảy múa nữa.’

“Khi chúng ta bước vào nhà thờ, một người đàn ông trẻ, hình như là vị cha xứ, bước đến chào chúng ta. Ông ta cười vui vẻ, bắt tay chúng ta, rồi Sư huynh Ivan và ông ta cúi chào nhau một cách thân mật. ‘Ông ta nói rất vinh dự đón các bạn ở đây trong ngày lễ thánh,’ Ranov lạnh nhạt dịch lại.

“ ‘Nói với ông ấy là chúng tôi cũng hân hạnh được chứng kiến lễ hội này. Anh có thể hỏi ông ấy Sveti Petko là ai không?’

“Vị cha xứ giải thích Thánh Petko là một người tử đạo ở địa phương, bị người Thổ giết vì từ chối bỏ đạo trong thời gian xứ này bị chiếm đóng. Thánh Petko là cha xứ của nhà thờ trước đây ở địa điểm này, nhà thờ đó bị bọn Thổ đốt cháy, và ngay cả khi nhà thờ đã bị phá hủy ông ấy vẫn cự tuyệt không chấp nhận đức tin Hồi giáo. Sau đó, người ta xây nhà thờ này, di hài của ông được mai táng trong hầm mộ cũ. Ngày nay, vẫn có nhiều người đến quỳ ở đó. Ảnh thánh đặc biệt của ông, cùng hai ảnh thánh đầy quyền năng khác sẽ được rước quanh nhà thờ và đi băng qua đống lửa. Đây là Thánh Petko, được vẽ trên bức tường trước nhà thờ - vị cha xứ trỏ vào bức bích họa phai màu phía sau, một gương mặt râu ria chẳng khác gì ông ta. Chúng ta hãy quay lại tham quan nhà thờ khi ông ta đã chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng. Hoan nghênh chúng ta đến xem toàn bộ buổi lễ và nhận phước lành của Thánh Petko. Chúng ta không phải là những người hành hương đầu tiên từ xứ sở khác đến đây và được làm vơi bớt bệnh tật, đau đớn. Vị cha xứ mỉm cười ngọt ngào với chúng ta.

“Qua Ranov, cha hỏi liệu ông ta đã từng nghe nói đến một tu viện có tên là Sveti Georgi. Vị cha xứ lắc đầu. ‘Tu viện gần nhất là Bachkovski,’ ông trả lời. ‘Thỉnh thoảng tu sĩ từ những tu viện khác cũng ghé đến đây trên đường hành hương, vào những năm… lâu lắm rồi.’ Cha hiểu câu ấy nghĩa là việc hành hương có lẽ đã chấm dứt từ khi người cộng sản nắm quyền cai trị, và thầm ghi nhớ điều này để hỏi Stoichev khi trở về Sofia.

“ ‘Tôi sẽ nhờ ông ấy tìm hộ Baba Yanka,’ một lúc sau Ranov lên tiếng. Vị cha xứ biết chính xác căn nhà Baba Yanka. Ông ta rất muốn đi cùng chúng ta, nhưng nhà thờ vừa đóng cửa hàng tháng trời - ông ta chỉ đến đây vào các ngày lễ - vì vậy ông và người phụ lễ hãy còn quá nhiều việc phải làm.

“Ngôi làng nằm trong một lòng chảo ngay phía dưới đồng cỏ nơi nhà thờ tọa lạc, và đó là cộng đồng nhỏ bé nhất mà cha gặp kể từ khi đến với cái khối phương Đông này: không hơn mười lăm mái nhà túm tụm lại với nhau một cách gần như là sợ hãi, những cây táo và vườn rau mơn mởn trồng quanh rìa làng, con đường đất chỉ vừa đủ rộng cho một chiếc xe ngựa chạy ở giữa, một giếng nước cổ với một cây cột gỗ và chiếc xô treo lủng lẳng trên cột. Cha ngạc nhiên vì sự thiếu vắng tuyệt đối của thời hiện đại và nhận ra mình đang kiếm tìm những dấu vết của thế kỷ hai mươi. Dường như thế kỷ này chưa xuất hiện ở nơi đây. Vậy nên cha có cảm giác như bị phản bội khi thấy một xô nhựa trắng trong sân bên hông một ngôi nhà đá. Những ngôi nhà này như mọc trồi lên từ đống đá xám, lớp vữa ở tầng trên chắc vừa được trát vội vào sau, mái lợp bằng loại ván lợp phẳng màu xám đen. Vài căn còn phô trương kiểu trang trí tường gạch khung gỗ thanh nhã cổ kính, trông thân quen như một làng quê mang phong cách kiến trúc Tudor.

“Khi chúng ta bước vào một con đường trong làng Dimovo, mọi người ra khỏi nhà hoặc chuồng gia súc để chào hỏi chúng ta - chủ yếu là các ông già bà lão, nhiều người trong số họ do lao động nặng nhọc nên gầy giơ xương đến mức hầu như không thể tin được, đám phụ nữ thì thô kệch với kiểu đi chữ bát, cánh đàn ông thì lưng khom về phía trước tựa như luôn phải vác trên lưng một cái bao vô hình trĩu nặng. Nước da họ nâu, má đỏ hây hây - họ cười và thốt lên những lời chào hỏi, cha thoáng thấy những cái lợi trống trơn không còn răng hoặc ánh kim loại lấp lánh trong vòm miệng. Cha nghĩ ít ra họ còn biết đi chữa răng dù thực khó hình dung việc đó được thực hiện ở đâu và như thế nào. Một vài người bước đến cúi chào Sư huynh Ivan, ông làm dấu thánh ban phước lành và có vẻ như đang hỏi han bọn họ đôi điều. Chúng ta đi đến nhà Baba Yanka giữa một đám người vây quanh, người trẻ nhất có lẽ cũng phải đến bảy mươi, dù sau này Helen nói rằng những nông dân này có lẽ trẻ hơn cả hai chục tuổi so với bề ngoài của họ.

“Nhà của Baba Yanka rất nhỏ, hầu như chỉ là một túp lều tranh, nặng nề tựa vào một chuồng gia súc nhỏ. Chính bà cũng đi nhanh ra cửa trước để xem có chuyện gì xảy ra; vật đầu tiên trên người bà đập vào mắt cha là vuông khăn quàng đầu in hoa đỏ rất nổi bật, kế đến là chiếc váy yếm tạp dề kẻ sọc. Bà nhòm ra cửa nhìn chúng ta, và gật đầu lia lịa khi vài dân làng gọi to tên bà. Da mặt bà có màu gỗ, mũi và cằm nhọn, đôi mắt - khi chúng ta đến càng lúc càng gần hơn - hình như có màu nâu, nhưng đã bị che khuất bởi những nếp nhăn.

“Ranov gọi bà - cha chỉ có thể hy vọng đó không phải là một mệnh lệnh hoặc một câu bất kính - và sau khi nhìn đăm đăm chúng ta một lát, bà đóng cánh cửa gỗ lại. Chúng ta yên lặng chờ bên ngoài, và khi cửa lại mở ra cha nhận thấy bà không nhỏ bé như cha đã hình dung; bà cao đến vai Helen, ánh mắt vui vẻ dù gương mặt vẫn còn vẻ thận trọng. Bà hôn tay Sư huynh Ivan, và thoạt tiên có vẻ bối rối khi chúng ta bắt tay bà. Sau đó bà xua chúng ta vào nhà tựa như chúng ta là một bầy gà có thể chạy mất.

“Bên trong nhà rất tồi tàn, nhưng sạch sẽ, và cha chợt thấy thoáng mủi lòng khi nhận ra bà trang trí căn nhà đơn sơ của mình bằng một lọ hoa dại tươi tắn, đặt trên một cái bàn xập xệ, trầy xước. Ngôi nhà của mẹ Helen giống như một dinh thự so với gian nhà xập xệ gọn gàng, với một cái thang đóng vào tường làm lối đi lên gác này. Cha tự hỏi Baba Yanka còn có thể leo trèo cái thang kia bao lâu nữa, nhưng khi nhìn bà di chuyển quanh phòng với vẻ nhanh nhẹn đầy sinh lực, cha dần nhận ra là bà thực sự chưa già. Helen gật đầu khi cha thì thầm với cô nhận xét trên. ‘Năm mươi, có lẽ vậy,’ cô thì thầm đáp lại.

“Phỏng đoán của Helen làm cha rất ngạc nhiên. Bà nội con ở Boston đã năm mươi hai tuổi, vậy mà trông như thể là cháu gái của người phụ nữ này. Đôi bàn tay Baba Yanka chỉ toàn xương chẳng khác gì đôi chân gầy gò của bà; cha nhìn bà mang ra những chiếc đĩa phủ vải, đặt ly cốc trước mặt chúng ta mà thầm hỏi bà đã làm gì với đôi bàn tay kia suốt cả đời để chúng ra đến nông nỗi đó. Đốn cây, có lẽ vậy, bửa củi, gặt hái mùa màng, làm việc trong giá buốt hoặc giữa trời nắng chang chang. Bà liếc trộm chúng ta một hai lần trong lúc làm việc, mỗi lần liếc kèm theo một nụ cười, và sau cùng rót cho chúng ta một loại đồ uống gì đó - một thứ nước màu trắng, sền sệt - mà Ranov nốc cạn ngay rồi gật đầu với bà trong khi chùi miệng bằng khăn tay. Cha bắt chước gã, nhưng thứ nước đó làm cha suýt chết; nó âm ấm và rõ ràng có mùi đặc trưng của sàn chuồng gia súc. Cha cố không nôn ra trước mặt mọi người trong lúc Baba Yanka nhìn cha với ánh mắt tán thưởng. Helen bình thản uống ly của mình, và Baba Yanka vỗ vỗ lên tay cô. ‘Sữa cừu pha nước lã,’ Helen nói với cha. ‘Anh cứ xem nó như sữa lắc là xong.’

“ ‘Bây giờ tôi sẽ đề nghị bà ta hát,’ Ranov nói với chúng ta. ‘Đó là điều các bạn mong muốn, đúng chứ?’ Gã trao đổi với Sư huynh Ivan một lúc, rồi ông này lại quay qua Baba Yanka. Người phụ nữ lùi lại, gật đầu lia lịa. Không, bà ta sẽ không hát; rõ ràng bà ấy không muốn hát. Bà ra dấu về phía chúng ta rồi giấu hai tay dưới tấm tạp dề. Nhưng Sư huynh Ivan rất kiên trì.

“ ‘Chúng tôi sẽ yêu cầu bà ấy hát bất kỳ bài nào bà ấy muốn trước,’ Ranov giải thích. ‘Sau đó các bạn có thể đề nghị bài mình quan tâm.’

“Baba Yanka dường như đã chịu nhượng bộ, cha tự hỏi phải chăng toàn bộ sự phản kháng của bà là một hình thái khiêm tốn, bởi bà đã lại mỉm cười. Bà thở dài, xốc lại vai dưới chiếc áo cánh sờn rách in hoa đỏ. Bà nhìn chúng ta bằng ánh mắt chân thật và mở miệng cất tiếng hát. Âm thanh vang lên nghe ấn tượng lạ lùng; thoạt tiên nó vang to một cách đáng kinh ngạc, đến độ không chỉ làm ly cốc trên bàn rung lanh canh mà còn khiến những người đứng bên ngoài cánh cửa để ngỏ - có vẻ như một nửa cái làng này đang tụ tập ngoài kia - thò đầu vào nhìn. Âm thanh đó rung lên từ các vách tường, từ dưới chân chúng ta và làm những dây tỏi ớt lắc lư trên chiếc lò vỡ. Cha kín đáo nắm tay Helen. Âm điệu đầu tiên đã làm chúng ta xúc động, rồi một âm điệu khác, mỗi âm điệu kéo dài và rền rĩ, mỗi âm điệu là một tiếng gào khóc vì cùng cực và tuyệt vọng. Cha chợt nhớ đến cô thôn nữ thà gieo mình xuống vách đá cao ngất chứ không chịu bị bắt vào hậu cung của tên quan tổng trấn, và tự hỏi phải chăng bài hát này diễn tả nội dung tương tự. Điều kỳ lạ là Baba Yanka lại mỉm cười trong mỗi giai điệu, hít mạnh không khí vào phổi, tươi cười nhìn chúng ta. Chúng ta sững sờ im lặng lắng nghe cho đến lúc bà đột ngột dừng hát; âm điệu cuối cùng như vẫn còn ngân vang mãi trong gian nhà nhỏ bé.

“ ‘Làm ơn nhờ bà ấy nói với chúng tôi về lời bài hát,’ Helen nói.

“Bằng sự cố gắng thấy rõ - nhưng cũng không làm nụ cười tắt trên môi - Baba Yanka thuật lại lời bài hát để Ranov dịch.

Vị anh hùng nằm chết trên đỉnh núi xanh.

Vị anh hùng nằm chết với chín vết thương bên sườn.

Ôi, chim ưng, hãy bay đến báo cho chàng, rằng dân của chàng vẫn yên lành.

Yên lành trong những ngọn núi, nhân dân của chàng.

Vị anh hùng đã bị chín vết thương bên sườn,

Nhưng chính vết thương thứ mười đã giết chết chàng.

“Khi đọc xong, Baba Yanka còn giải thích thêm một vài điểm với Ranov, vẫn cười rạng rỡ và lắc lắc một ngón tay về phía gã. Cha có cảm giác bà sẵn sàng đét vào đít và bắt gã nhịn đói đi ngủ nếu gã làm điều gì bậy bạ trong nhà bà. ‘Hỏi bà ấy bài hát đó có từ bao giờ,’ Helen gợi ý cho Ranov, ‘và bà ấy học nó ở đâu.’

“Ranov dịch câu hỏi, và Baba Yanka bật ra một tràng cười, vừa xua xua tay vừa diễn tả điệu bộ gì đó bằng vai. Ranov nhăn răng ra cười. ‘Bà ấy nói nó cũng xưa như những ngọn núi, thậm chí cả bà cố bà ấy cũng không biết nó có từ bao giờ. Bà ấy đã học bài hát ấy từ bà cố, người đã sống đến chín mươi ba tuổi.’

“Kế tiếp, đến lượt Baba Yanka đặt câu hỏi cho chúng ta. Khi bà dán mắt nhìn chúng ta, cha mới nhận ra đó là đôi mắt đẹp tuyệt vời, hình quả hạnh đào đã dãi dầu nắng gió, màu vàng nâu, gần như màu hổ phách, và có vẻ sáng hơn nhờ ánh đỏ của chiếc khăn trùm đầu. Bà gật đầu, có vẻ như không tin khi cha nói chúng ta đến từ Mỹ.

“ ‘Amerika?’ Bà có vẻ trầm ngâm suy nghĩ. ‘Chắc là bên kia núi chứ gì.’

“ ‘Bà ta là một bà già dốt nát,’ Ranov nói giọng như muốn đính chính. ‘Chính phủ đang nỗ lực nâng cao tiêu chuẩn giáo dục ở vùng này. Việc đó hiện là một ưu tiên quan trọng.’

“Helen đã lấy ra một tờ giấy và lúc này cô đang cầm tay bà già. ‘Hỏi xem bà ấy có biết bài hát nào như thế này không - anh dịch ra cho bà ấy nhé. “Con rồng xuống thung lũng chúng ta. Đốt cháy mùa màng và bắt các thôn nữ.” ‘ Ranov dịch câu đó cho Baba Yanka, bà chăm chú lắng nghe một lúc, rồi đột nhiên gương mặt bà co rúm vì sợ hãi và khó chịu; bà thụt người lại trên chiếc ghế gỗ, hấp tấp làm dấu thánh. ‘Ne!’(1)_ bà dữ dằn kêu lên, rút tay ra khỏi tay Helen. ‘Ne, ne.’

“Ranov nhún vai. ‘Các bạn hiểu rồi đấy. Bà ta không biết.’

“ ‘Rõ ràng là bà ấy biết,’ cha khẽ nói. ‘Hỏi xem vì sao bà ấy sợ không dám nói với chúng tôi.’

“Lần này bà già trông có vẻ kiên quyết. ‘Bà ta không chịu nói về chuyện đó,’ Ranov nói.

“ ‘Nói là chúng tôi sẽ có hậu tạ.’ Lông mày Ranov lại nhướng lên, nhưng gã vẫn chuyển lại lời đề nghị tới bà Yanka. ‘Bà ấy nói chúng ta phải đóng cửa lại.’ Gã đứng dậy và lặng lẽ đóng các cánh cửa chính cũng như cửa chớp lại, ngăn cách chúng ta với đám khán giả ngoài đường. ‘Bây giờ bà ấy sẽ hát.’

“Không thể tin nổi có sự tương phản nhiều đến thế giữa lần hát thứ nhất của Baba Yanka với lần hát bài này. Bà như co sụm lại trên ghế, mắt nhìn nền nhà. Nụ cười tươi tắn đã biến mất, đôi mắt màu hổ phách dán chặt vào chân chúng ta. Giai điệu vang lên từ bà chắc chắn là một giai điệu sầu bi, mặc dù cha nhận ra câu cuối cùng kết thúc bằng một âm điệu thách thức, ngạo nghễ. Ranov thận trọng dịch lại. Cha lại băn khoăn vì sao gã tận tình giúp đỡ chúng ta như vậy?

Con rồng xuống thung lũng chúng ta.

Đốt cháy mùa màng rồi bắt các thôn nữ.

Làm kinh sợ bọn Thổ vô đạo và bảo vệ làng mạc.

Chúng ta băng qua những dòng sông đã khô cạn vì hơi thở của Rồng.

Giờ là lúc chúng ta phải tự bảo vệ chính mình.

Con rồng là người bảo vệ chúng ta,

Nhưng giờ đây chúng ta phải tự vệ chống lại nó.

“ ‘Chà,’ Ranov thốt lên. ‘Đó là thứ các bạn muốn nghe sao?’

“ ‘Đúng vậy,’ Helen vỗ vỗ lên tay Baba Yanka và bà lão bật ra một tiếng nghe như la mắng. ‘Hỏi xem bài hát này xuất xứ từ đâu và vì sao bà ấy lại sợ nó,’ Helen yêu cầu.

“Phải mất một lúc khá lâu Ranov mới sắp xếp xong những lời giống như trách mắng của Baba Yanka. ‘Bà ấy đã lén học bài hát này từ bà cố, và được bà này căn dặn là đừng bao giờ hát nó vào ban đêm. Đó là một bài hát mang lại xui rủi. Nghe như là bài hát may mắn nhưng thực ra là bất hạnh. Ở đây, người ta chỉ hát bài hát đó vào ngày Thánh George. Đó là ngày duy nhất mà người ta có thể hát nó một cách yên lành, không sợ vận rủi. Bà ấy hy vọng các bạn không làm cho con bò sữa của bà chết, hoặc những việc tệ hại hơn nữa, khi bắt bà ấy hát như vậy.’

“Helen mỉm cười. ‘Hãy nói với bà ấy là tôi sẽ đền ơn bằng một món quà có khả năng xua đi tất cả vận rủi và mang lại vận may.’ Helen mở bàn tay chai sạn của Baba Yanka ra và đặt vào đó một mặt dây chuyền bạc. ‘Cái này là của một người đàn ông thông thái và mộ đạo, ông ấy gửi nó đến để bảo vệ bà. Nó có hình của Thánh Ivan Rilski, một vị thánh vĩ đại của người Bungari.’ Cha nhận ra đó chắc hẳn là cái vật nhỏ bé mà Stoichev đã bỏ vào tay Helen. Baba Yanka nhìn ngắm, lật đi lật lại hình mặt dây chuyền một lúc lâu trong lòng bàn tay thô ráp, rồi đưa nó lên môi hôn. Bà nhét nó vào một ngăn bí mật nào đó trong chiếc tạp dề. ‘Blagodarya(2),’_ bà nói. Bà cũng hôn lên tay Helen, rồi ngồi mơn trớn tay cô tựa như vừa tìm lại được đứa con gái thất lạc đã lâu. Helen lại quay qua Ranov. ‘Làm ơn hỏi xem bà ấy có biết bài hát có ý nghĩa gì, nó xuất xứ từ đâu. Và tại sao người ta hát nó vào ngày Thánh George?’

“Baba Yanka nhún vai khi nghe câu hỏi. ‘Bài hát đó chẳng có ý nghĩa gì cả. Đó chỉ là một bài hát cổ mang lại vận rủi. Bà cố tôi bảo rằng một số người tin nó xuất phát từ một tu viện. Nhưng không thể như vậy được, vì các tu sĩ đâu có hát những bài hát như vậy - họ hát những bài ngợi ca Thượng đế. Chúng tôi chỉ hát bài này vào ngày Thánh George để mời Thánh George đến tiêu diệt con rồng, chấm dứt sự tra tấn người dân của con rồng.’

“ ‘Tu viện nào?’ cha kêu lên. ‘Hỏi xem bà ấy có biết một tu viện tên là Sveti Georgi không, một tu viện đã biến mất từ lâu.’

“Nhưng Baba Yanka chỉ gật đầu - ý là không biết - và tắc lưỡi. ‘Ở đây chẳng có tu viện nào cả. Tu viện nằm ở Bachkovo kia. Chúng tôi chỉ có nhà thờ, chiều nay chị em tôi sẽ hát ở đó.’

“Cha rên lên và năn nỉ Ranov cố gắng một lần nữa. Lần này, chính gã cũng phải tắc lưỡi. ‘Bà ta nói chẳng biết tu viện nào. Ở đây chưa bao giờ có một tu viện nào cả.’

“ ‘Ngày Thánh George là ngày nào?’ cha hỏi.

“ ‘Ngày sáu tháng Năm.’ Ranov nhìn cha chằm chằm đến mức khó chịu. ‘Anh đã lỡ dịp đó mấy tuần rồi.’

“Cha lặng thinh, nhưng trong lúc đó Baba Yanka lại vui vẻ trở lại. Bà bắt tay chúng ta, hôn Helen và bắt chúng ta hứa chiều hôm đó sẽ đến nghe bà hát - ‘Có chị tôi thì nghe hay hơn. Chị ấy hát bè.’

“Chúng ta hứa sẽ có mặt ở đó. Bà kiên quyết mời chúng ta ăn bữa trưa mà bà đã chuẩn bị lúc chúng ta đến; có khoai tây và một thứ cháo gì đó, và lại là sữa cừu, cái món mà cha nghĩ mình chỉ có thể quen được nếu ở đây vài tháng.

“Trong bữa ăn, chúng ta tỏ ra hết sức biết ơn và hết lời khen ngợi tài nấu nướng của bà, cho đến lúc Ranov lên tiếng bảo chúng ta nên quay trở lại nhà thờ nếu muốn xem mở đầu buổi lễ. Baba Yanka miễn cưỡng chia tay, siết chặt tay chúng ta và vỗ vỗ lên má Helen.

“Dù vẫn còn vài khúc cây cháy trên đỉnh đống than, ngọn lửa bên cạnh nhà thờ hầu như đã tàn, trông nhợt nhạt trong nắng chiều rực rỡ. Dân làng đã bắt đầu tụ tập gần nhà thờ, thậm chí trước cả lúc chuông bắt đầu gióng lên. Tiếng chuông ngân vang từ trên đỉnh tháp đá nhỏ, và vị cha xứ trẻ xuất hiện ở cửa nhà thờ. Lúc này ông mặc áo choàng thêu không tay phủ lên áo chùng màu đỏ và vàng chóe, mũ trùm khăn choàng đen. Ông giữ cái lư hương nghi ngút đang treo trên một sợi xích vàng, rồi đẩy cái lư theo ba hướng ngoài cửa nhà thờ.

“Đám đông tụ tập ở đó - cánh phụ nữ ăn mặc giống Baba Yanka, váy áo sọc và hoa, hoặc đen từ đầu đến chân, cánh đàn ông mặc vest len nâu, sơ mi trắng thắt nơ con bướm hoặc cài nút đến tận cổ - dạt lui về phía sau khi vị cha xứ xuất hiện. Ông bước ra đứng giữa đám con chiên, làm dấu thánh ban phước lành cho họ, và một số người cúi đầu hoặc gập người chào ông. Đi sau ông là một ông lão, mặc toàn một màu đen như một tu sĩ, cha nghĩ đó là người phụ lễ của cha xứ. Ông ta cầm một ảnh thánh phủ tấm lụa màu tím. Cha liếc nhanh bức ảnh - một gương mặt tai tái, khắc nghiệt, đôi mắt đen thẫm. Chắc hẳn đó là Thánh Petko, cha nghĩ. Dân làng yên lặng lũ lượt theo sau bức ảnh đi quanh rìa nhà thờ, nhiều người phải chống gậy hoặc tựa vào tay những người trẻ tuổi hơn. Baba Yanka tìm thấy chúng ta và hãnh diện quàng tay cha tựa như để khoe với xóm giềng mối quan hệ mật thiết mà bà có được. Mọi người nhìn chúng ta chằm chằm; cha chợt nghĩ mình cũng thu hút sự chú ý của mọi người đâu thua kém gì bức ảnh Thánh Petko.

“Hai ông thầy tu dẫn chúng ta đi quanh nhà thờ trong yên lặng, từ hông bên kia của nhà thờ chúng ta có thể nhìn thấy đống lửa cách đó không xa và ngửi được mùi khói bốc lên từ đó. Lửa đang tàn dần, những cành cây khúc gỗ cuối cùng đã chuyển sang màu cam, tất cả nằm trên một đống than. Chúng ta diễu hành ba vòng quanh nhà thờ, rồi vị cha xứ dừng lại ở cửa vòm và bắt đầu cầu kinh. Thỉnh thoảng, người phụ lễ lớn tuổi phụ họa, và đám đông đôi khi cũng rì rầm đáp lại, làm dấu thánh hoặc cúi đầu xuống. Baba Yanka đã bỏ tay cha ra nhưng vẫn đứng cạnh chúng ta. Cha thấy Helen đang quan sát mọi thứ với vẻ quan tâm sâu sắc, và Ranov cũng vậy.

“Kết thúc phần nghi lễ ngoài trời, chúng ta theo đám đông vào nhà thờ, từ ánh sáng chan hòa rực rỡ của cánh đồng và khu rừng thưa bước vào, nhà thờ bỗng tối âm u như một nấm mồ. Đây là một nhà thờ nhỏ nhưng nội thất bên trong đạt đến độ tinh tế mà những nhà thờ lớn hơn chúng ta từng thấy không thể bì kịp. Vị cha xứ trẻ đặt bức ảnh Thánh Petko vào một vị trí trang trọng gần phía trước, trên một cái bục chạm khắc cầu kỳ. Cha để ý thấy Sư huynh Ivan đang cúi đầu trước bệ thờ. Như thường lệ, chẳng có ghế ngồi; mọi người hoặc đứng, hoặc quỳ trên nền đá lạnh, một vài bà lão nằm úp mặt xuống đất ngay chính giữa nhà thờ. Tường hai bên có các hốc lõm được trang trí bích họa hoặc để đặt ảnh thánh, một trong các hốc đó mở ra một lối đi tối om, cha nghĩ chắc hẳn đó là lối dẫn xuống hầm mộ. Thật dễ dàng hình dung bao thế hệ nông dân đã từng hành lễ nơi đây, trong một nhà thờ cổ hơn từng tọa lạc nơi đây trước nhà thờ này.

“Tiếng cầu kinh rồi cũng ngưng lại sau một hồi dài tưởng chừng như vô tận. Mọi người lại một lần nữa cúi đầu chào và bắt đầu lũ lượt kéo ra khỏi nhà thờ, một số dừng lại nơi này nơi kia để hôn lên các ảnh thánh hoặc thắp nến và cắm vào các giá đèn gần lối vào. Chuông nhà thờ bắt đầu ngân vang, chúng ta lại theo chân dân làng bước ra ngoài, nơi mặt trời, những cơn gió hiu hiu cùng những cánh đồng rực rỡ bất chợt vỡ òa trước mắt. Người ta đã bày sẵn một cái bàn dài dưới những tàng cây, đám phụ nữ bày biện chén đĩa và rót từ các bình sứ ra một thứ nước gì đó. Rồi cha nhìn thấy hố lửa thứ hai, ở cạnh bên này của nhà thờ, một hố lửa nhỏ, một con cừu bị xiên ngang bên trên. Hai người đàn ông chậm rãi quay đều con cừu, mùi thơm tỏa ra bất giác làm cha ứa nước miếng. Baba Yanka đích thân lấy thức ăn đầy đĩa cho chúng ta rồi đưa chúng ta đến ngồi xa đám đông, chỗ có trải tấm khăn. Ở đó, chúng ta gặp chị của Baba Yanka, trông giống hệt bà, chỉ có điều cao gầy hơn, và tất cả đều ních đầy bụng vì thức ăn quá tuyệt. Ngay cả Ranov, ngồi xếp bằng cẩn thận trên tấm khăn dệt trong bộ vest dân thị thành, có vẻ như cũng rất hài lòng. Những dân làng khác ghé ngang qua chào chúng ta và hỏi lúc nào chị em Baba Yanka mới chịu hát, một sự săn đón mà cả hai chị em xua tay gạt đi với vẻ trịch thượng của các ngôi sao kịch nghệ.

“Khi con cừu đã được tiêu thụ sạch sẽ, cánh phụ nữ lo dọn dẹp đống ly đĩa vào một xô gỗ; cha chú ý thấy ba người đàn ông mang nhạc cụ ra và đang chuẩn bị cho buổi hòa nhạc. Một trong ba người sử dụng một loại nhạc cụ kỳ dị nhất mà cha từng thấy - một cái túi da thuộc màu trắng, với các ống tiêu gỗ nhô lên. Rõ ràng đó là một loại kèn túi, Ranov cho chúng ta biết đó là gaida - một loại nhạc cụ cổ truyền của người Bungari, làm bằng da dê. Ông già ôm thứ nhạc cụ đó trong tay đang phùng má thổi dần nó thành một quả cầu lớn; quá trình này phải mất mười phút và mặt ông ta đỏ bừng lên trước khi hoàn tất. Ông ta kẹp chặt cái túi dưới tay rồi thổi từng hơi ngắn vào một trong các ống tiêu, và mọi người hò reo và vỗ tay hoan hô. Tiếng kèn chẳng khác gì tiếng kêu của một con thú, giống tiếng be be của dê cừu, tiếng rít rền rĩ hay tiếng quang quác ai oán của một loài chim, làm Helen bật cười, ‘Anh biết không,’ cô nói với cha, ‘’kèn túi hiện diện trong mọi nền văn hóa chăn nuôi trên thế giới.’

“Rồi ông lão bắt đầu trỗi nhạc, một lát sau hai người bạn bắt nhịp hòa theo, một người sử dụng sáo gỗ dài, âm thanh như một dải ruy băng mềm mại xoáy cuộn xung quanh chúng ta, người còn lại chơi một loại trống da mềm với cây dùi bịt đầu. Vài phụ nữ đứng bật dậy và xếp thành hàng, một người đàn ông cầm chiếc khăn tay trắng, như chúng ta đã chứng kiến tại nhà Stoichev, dẫn đầu đoàn rồng rắn, nhảy múa quanh bãi cỏ. Những người quá già và quá ốm yếu không thể tham gia nhảy múa chỉ ngồi vỗ nhịp xuống đất, hoặc gõ gõ các cây gậy chống, hoặc cười toe toét khoe những hàm răng khủng khiếp và nướu răng trống trơn.

“Chị em Baba Yanka vẫn ngồi yên tại chỗ, tựa như thời điểm của họ chưa đến. Họ đợi cho đến lúc người thổi sáo lên tiếng gọi, ra dấu và mỉm cười, và rồi đám khán giả cũng tham gia kêu gọi, lúc đó cả hai chị em mới vờ như có chút miễn cưỡng, rồi rốt cuộc họ cũng đứng dậy, tay trong tay bước đi, đứng cạnh các nhạc công. Mọi người bỗng yên lặng, và chiếc kèn gaida trỗi một khúc dạo đầu ngắn. Hai bà già bắt đầu hát, tay người này ôm vòng lấy hông người kia, và tiếng hát của họ - một hòa âm khàn khàn đẹp đẽ làm xốn xang lòng người - như phát ra từ cùng một cơ thể. Tiếng gaida lớn dần hòa vào tiếng hát, để rồi nghe như có ba giọng, giọng hai người phụ nữ và giọng của một con dê, cùng cất lên và bao trùm lên chúng ta như tiếng than van của cõi trần gian này. Mắt Helen đột nhiên đẫm nước, một điều khác thường đến nỗi cha phải vòng tay ôm lấy cô ngay trước mặt mọi người.

“Sau khi hai người đã hát được năm hay sáu bài cùng tiếng hò reo tán thưởng, mọi người đứng cả dậy - cha không rõ là do đâu cho đến lúc nhìn thấy vị cha xứ tiến lại gần. Ông mang theo bức ảnh Thánh Petko, giờ đã được phủ một tấm nhung đỏ, đằng sau là hai cậu bé mặc áo chùng đen, mỗi cậu mang một bức ảnh thánh phủ kín dưới lớp lụa trắng. Đám rước này đi vòng qua hông bên kia nhà thờ, các nhạc công theo sau, trỗi lên một giai điệu nghe buồn rười rượi, rồi tất cả dừng lại giữa nhà thờ và đống lửa lớn. Lúc bấy giờ ngọn lửa đã hoàn toàn lụi hẳn; chỉ còn lại đống than rực một màu đỏ quỷ quái. Thỉnh thoảng, những làn khói mỏng bốc lên từ đống than tựa như có một cái gì đó đang sống, đang thở bên dưới. Vị cha xứ và các cậu bé phụ lễ đứng cạnh tường nhà thờ, ôm chặt những bức ảnh thánh phía trước.

“Cuối cùng, các nhạc công trỗi lên một giai điệu mới - cha nghe vừa sống động vừa buồn bã - và dân làng, từng người một, những người còn có thể nhảy múa hoặc ít ra còn bước đi nổi, xếp thành một hàng rồng rắn và chậm rãi bước quanh đống lửa. Khi đoàn rồng rắn đã khép thành vòng tròn phía trước nhà thờ, Baba Yanka và một phụ nữ khác - lần này không phải chị bà, mà là một phụ nữ thậm chí còn dạn dày mưa nắng hơn với đôi mắt mờ đục trông gần như mù hẳn - bước đến, cúi đầu trước vị cha xứ và các bức ảnh thánh. Họ cởi giày, vớ và đứng nghiêm trang cạnh bậc tam cấp nhà thờ, hôn lên gương mặt dễ sợ của Thánh Petko và nhận lễ ban phước lành từ cha xứ. Hai cậu bé phụ lễ kéo các tấm lụa phủ ra rồi trao cho mỗi bà một bức ảnh thánh. Tiếng nhạc trỗi lên cao hơn; ông lão chơi gaida đã nhễ nhại mồ hôi, mặt đỏ bừng, hai má phình ra.

“Tiếp theo, Baba Yanka và người phụ nữ có đôi mắt mờ đục kia nhảy múa tiến về phía trước, không lỡ một nhịp chân nào, và rồi, trong lúc cha lặng người theo dõi, họ tiến vào đống lửa, nhảy múa bằng đôi chân trần. Mỗi người giơ cao bức ảnh thánh của mình phía trước khi bước vào vòng lửa; cả hai ngẩng cao đầu, hãnh diện nhìn chăm chăm như đang nhìn vào một thế giới khác. Helen siết chặt tay cha đến độ cha cảm thấy các ngón tay mình bắt đầu rêm nhức. Chân hai người phụ nữ đều đặn nâng lên rồi hạ xuống trong đống than hồng làm tóe lên các tia lửa đỏ; có lúc cha thấy lửa đã bắt vào viền chiếc váy sọc của Baba Yanka. Họ nhảy qua đống than đỏ theo nhịp điệu huyền bí của trống và kèn túi, mỗi người theo một hướng khác nhau bên trong vòng lửa.

“Cha không kịp nhìn thấy các bức ảnh thánh khi họ tiến vào vòng lửa, nhưng lúc này cha đã nhận ra bức ảnh trong tay người phụ nữ mù, đó là Đức Mẹ Đồng Trinh, với Chúa Hài Đồng đặt trên gối, đầu nghiêng nghiêng dưới chiếc vương miện nặng nề. Cha không nhìn thấy bức ảnh Baba Yanka mang cho đến lúc bà đảo lại một vòng. Gương mặt Baba Yanka khiến ta sửng sốt, mắt bà trợn trừng, miệng há to, làn da dạn dày mưa nắng đỏ bừng lên dưới sức nóng khủng khiếp. Bức ảnh thánh trong tay bà chắc hẳn rất cổ, giống như bức ảnh Đức Mẹ Đồng Trinh kia, nhưng qua những vết ám khói trên bức ảnh và làn hơi nóng chập chờn cha có thể nhận ra khá rõ một hình ảnh: hai nhân vật đang mặt đối mặt trong một vũ điệu của riêng mình, hai sinh vật gây ấn tượng sâu sắc và đáng kinh sợ như nhau. Một là hiệp sĩ mặc bộ giáp trụ và khoác áo choàng đỏ, một là con rồng với chiếc đuôi dài, cuộn tròn.”

Chú thích:

1. Tiếng Bungari trong nguyên bản, nghĩa là "không!"

2. Tiếng Bungari trong nguyên bản, nghĩa là "cám ơn"

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.