All In Love

Chương 13: Cảm ơn trời đã cho tôi kết duyên với cậu bé này suốt cuộc đời



Gan của em trai tôi to đúng bằng con kiến. Hồi nhỏ, nó không dám ngủ một mình, nằng nặc đòi nhích chung phòng với tôi nên mẹ đành mua một chiếc giường tầng cho hai chị em.

Nhưng có ngủ cùng một phòng thì nó vẫn thấy sợ, nằm giường dưới, thằng nhóc luôn miệng: “Chị ơi, dưới gầm giường có con gì không hả chị?” Sau khi đổi chỗ, ngủ ở giường trên, nó lại lải nhải: “Chị ơi, hình như em thấy trên trần nhà có cái con gì í?”

Tối dẫn thằng bé đi chơi, nó nhất quyết phải nắm tay tôi bằng được mới dám cất bước, không những thế, trên đường đi còn phải “tâm sự”.

“Chị ơi, chị hát đi.”

“Hát bài gì?”

“Em dạy cho chị nhé!” Rồi nó hát, “Hai em bé, hai em bé, gọi điện thoại, này này này, cậu đang ở đâu? Ơi ơi ơi, tớ ở nhà trẻ.”

Đợi nó dạy xong, tôi hát lại cho nó nghe.

Đó là năm đầu tiên em trai đi học mẫu giáo.

#85

Có hè về quê, hoàng hôn, ngồi trên ban công tầng hai hóng gió, nó hỏi: “Chị ơi, kia là cái gì thế?”

“Là ráng chiều.”

“Thế cái dài dài trắng trắng đằng sau là cái gì?”

“Chắc là vệt khói của máy bay bay qua đấy.”

“Chị ơi, tối rồi kìa, sao Bắc Đẩu mà cô giáo nói ở đâu hả chị?”

Tôi tìm ngôi sao sáng nhất phía Bắc chỉ cho nó. Nó reo nhỏ: “Ồ, sao Bắc đẩu, sao Bắc đẩu!”

Khi đó nó mới năm sáu tuổi, tôi tầm mười ba mười bốn, nó chẳng biết gì, tôi nửa biết nửa không, nhưng chị và em vẫn luôn vui vẻ.

#86

Có ngày, thằng bé sang nhà bạn chơi, bị chó đuổi khóc lóc chạy về.

Hôm sau, nó đứng trước cổng chờ con chó kia đi qua, thấy cái là vội vàng đuổi theo, gào thét ra oai.

Rồi bức xúc: “Vào địa bàn của nó bị nó sủa, giờ qua địa bàn của em có dám há mõm nữa đâu, hứ hứ!”

Xem, có ai chấp nhặt với một con chó như thế không, đã thế còn đua đòi tranh chấp lại y như con chó ấy.

#87

Lên mười, trong khi những đứa trẻ khác mải mê chơi game, xem hoạt hình thì thằng nhóc này chỉ chăm chăm lo đi câu cá, cứ về nước là lại lăng xăng bám theo bác hàng xóm. Có lần, đang đọc sách ngoài ban công thì nghe tiếng thấy chân nó chạy huỳnh huỵch lên nhà, “Chị, xem cá em câu được này!” rồi vừa chạy ra chỗ tôi, máu mũi vừa chảy ròng ròng... Tôi hỏi sao lại chảy máu mũi?

Nó nghệt ra, rồi cười ngây ngô: “Em vui quá.”

Lần đầu tiên chảy máu mũi của cậu nhóc xinh xắn này không phải dành cho người đẹp nào đó, mà là dâng hiến cho một con cá to đúng bằng ngón tay, xem nó đi...

#88

Em trai tuổi chó. Trong mắt tôi, dù có hơi nghịch ngợm nhưng bản tính nó rất hiền lành và nghe lời, giống như một chú chó trung thành vậy. Nhưng mọi người, gồm cha mẹ, họ hàng, kể cả bạn bè của nó, của tôi, hay những người mới chỉ vài lần gặp gỡ đều nhận xét rằng, nó quá kiêu ngạo, coi trời bằng vung.

Tôi khó hiểu, “Chẳng lẽ vì chị nhìn em nên thấy khác mọi người sao?”

Bạn trai cười, nói: “Nó với em là ngoan như chó Bắc Kinh thật, nhưng với người ngoài thì 100% biến thành chó sói! Ngứa mắt ai thì cắn người đó, cắn xong còn phải để lại một câu, cắn mi là vì chó sói ta nể mặt mi đấy! Câu 'Lườm ai người đó mang thai[1] ' trên mạng sang cậu ấm ấy thì phải đổi thành 'Cắn ai người đó lây bệnh dại' mất.”

( [1] Một icon trên QQ.)

“...”

Nhớ có Tết, chị họ hàng xa đến nhà chơi nhận xét, “Người khác đụng vào nó, vuốt ve kiểu gì cũng xù lông, em đụng vào nó, có xoa thành lông chó thì cũng là âu yếm.”

#89

Tết âm năm ngoái, thằng bé về nhà, tôi đưa nó đi gặp bạn bè cấp ba (mấy ngày mới về tôi đi đâu nó cũng dính theo), bạn tôi hỏi nó, “Em trai, đồ ăn ở nước ngoài có đắt không?”

Nó trả lời: Chị đoán đi.

Đối phương hỏi: “Không đắt?”

Nó đáp: Chị đoán sai rồi.

...

Tuy vậy thằng bé vẫn rất nổi tiếng trong đám bạn tôi.

#90

Nó có khá nhiều tật xấu, ví dụ như trước khi đi tắm, thường vắt quần lót lên vai, thông báo, “Em đi tắm đây!”

Cứ nhìn nó tôi lại thấy buồn cười: “Tắm thì tắm sao phải vắt quần lên vai.”

Nó trả lời: “Thế đã là gì, em có một thằng bạn người Tây Ban Nha, nó phải đội quần lót lên đầu mới vào phòng tắm. Tắm xong mặc quần lót bên dưới rồi ra ngoài!”

Những người này... chui từ đâu ra vậy?

#91

Có lần tôi đi xe bus với nó, lúc đang đợi xe có người chụp ảnh tôi, tôi rất ngạc nhiên, và có hơi giật mình, vì thứ nhất, tôi không xinh, thứ hai, tôi không phải người lập dị! Vậy mà còn được người ta chụp ảnh?

Em trai phản ứng trước, đứng lên chỉ vào chàng trai kia ầm ĩ: “Anh làm cái gì đấy? Chụp ảnh chị tôi?? Xoá ngay!”

Chàng thanh niên ấy ăn mặc chỉnh tề, âu phục giày da đàng hoàng, nhưng nói năng chẳng mấy lễ độ, “Ai thèm chụp chị cậu! Tôi chụp phong cảnh đấy, có sao không?”

Em trai thuộc tuýp người nóng tính, bắt đầu tuôn rào rào một tràng tiếng Anh, nhưng gào cả buổi mới nhận ra người ta không hiểu = =! Bắn sang tiếng Trung: “Rõ ràng tôi thấy anh chụp ảnh chị tôi mà! Xoá ảnh ngay! Nếu không tôi gọi chú tôi đến, chú tôi là cục trưởng Cục cảnh sát đấy!”

... Sao nghe câu này giống như cha tao là Lý Cương[2] thế?

“Xoá thì xoá! Được chưa!”

Em trai nhìn người ta xoá hết ảnh vẫn chưa hết tức, làu bà làu bàu tiếng Anh, đại ý là: “Coi như anh thức thời, nếu không tôi đập vỡ điện thoại anh cho xem.”

So ra thì tôi thật quá dễ tính.

Một lúc sau yên vị trên xe bus, tôi nghĩ lại, hỏi nó: “Chú em là ai thế?”

Em trai: “Em nói bừa doạ anh ta thôi!”

#92

Đầu năm 2008 tôi bị tai nạn giao thông, khi ấy không có cha mẹ bên cạnh, 120 đến bệnh viện tôi đã hôn mê, phải ở trong viện gần nửa năm. Mẹ biết tin vội vàng về. Lúc đó có rất nhiều bạn bè, người thân đến thăm nhưng vì vết thương ở chân quá đau, tâm trạng sa sút nên tôi rất thờ ơ.

Khi ấy em trai cũng bay về, nó thủ thỉ, chị, nếu chị không đi được thì em đẩy xe lăn cho chị nhé, đẩy cả đời luôn có được không!

Mắt tôi đỏ bừng, biết bao chuyện xúc động hay biết ơn đều từ cậu em nhỏ hơn tôi rất nhiều này dành tặng.

Nửa cuối năm 2008 tôi xuất viện. Hôm ấy, mẹ thì thầm với tôi: “Những ngày con nằm viện, hôm nào em con cũng trốn trong phòng khóc một mình.”

Tôi nhìn cậu bé mười lăm tuổi nhảy nhót phía trước, thầm cảm ơn trời, cảm ơn vì đã cho tôi kết duyên một đời với nó.

Một ngày nào đó của một năm nào đó, nhận được điện thoại quốc tế từ em trai: “Chị ơi, em mơ thấy chị đấy. Mơ được chị phơi chăn nên ngủ ngon dã man.”

( [2] Một sự kiện phát sinh từ tai nạn giao thông xảy ra vào tối 16 tháng 10 năm 2010, tại khuôn viên trường Đại học Hà Bắc, thuộc thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, khi một chiếc ô tô Volkswagen Magotan màu đen húc phải hai sinh viên tại 1 ngõ hẹp. Tai nạn khiến cho cô Trần Hiểu Phụng, 20 tuổi, sinh viên từ Thạch Gia Trang bị thương nặng rồi chết tại bệnh viện, nạn nhân còn lại là Trương Kinh Kinh, 19 tuổi, bị gãy chân trái. Người lái xe trong tình trạng xỉn rượu là Lý Khởi Minh, ngay sau khi gây tai nạn đã trốn thoát khỏi hiện trường để chở bạn gái mình về khu ký túc xá nữ. Sau đó Lý bị các nhân viên bảo vệ ở trường bắt giữ, nhưng anh ta phản ứng lại và nói: “Cứ kiện đi nếu dám. Cha tao là Lý Cương”.


Vụ việc gây nên làn sóng phẫn nộ trên các diễn đàn liên mạng của Trung Quốc. Người ta tìm hiểu và biết được Lý Cương là Giám đốc Công An của thành phố Bảo Định. Bốn ngày sau vụ việc, một cuộc thi làm thơ online với đề tài “Ba tao là Lý Cương” đã được tổ chức bởi Piggy Feet Beta, một blogger nổi tiếng ở Trung Quốc. Cuộc thi đã nhận được hơn 6000 bài tham gia, và cụm từ “Ba tao là Lý Cương” đã trở thành câu khẩu hiệu phổ biến trên các diễn đàn internet Trung Quốc. Câu nói cũng được đưa vào các bài hát, trở thành câu cửa miệng có tính châm biếm trên mạng. )

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.