“Kiếm thế nào?” Ông không động đũa, nhìn chằm chằm vào tôi.
“Đi làm thêm!” Tôi gắp một miếng thịt thỏ, cầm tay gặm. “Bố quên rồi sao, năm nay con đã lên năm tư, bố chỉ cho con tiền học của kỳ đầu tiên năm nhất, còn tất cả các khoản phí còn lại đều là do con tự đi làm thêm kiếm tiền.”
“Học phí một năm cả chục triệu, tiền sinh hoạt một năm lại thêm cả chục triệu nữa, bố chưa từng hỏi con lấy đâu ra tiền. Bây giờ chẳng qua con đổi được cái điện thoại, mua cho Khương An cái máy học ngoại ngữ thôi mà bố lại nghi ngờ tiền của con là tiền không chính đáng?”
“Nếu như bố lo tiền của con là tiền không chính đáng tại sao bố không cho con một ít?”
“Ký túc xá của con có sáu đứa, chỉ mình con là cuối tuần với nghỉ hè nào cũng đi làm thêm. Cả lớp có 54 đứa, trừ những đứa đi làm chơi thì chỉ có một mình con là vừa học vừa làm. Cả khóa có hơn 500 đứa, cho dù là đứa nghèo nhất cũng chỉ phải kiếm một nửa, còn nửa kia được nhà cho.”
“Con còn nhớ năm con tốt nghiệp cấp ba, vì để kiếm đủ tiền sinh hoạt với tiền đi lại, mỗi ngày con phải sống thế nào, bố cũng phải biết mới phải. Nhà mình nghèo đến mức phải để con đi nhặt ve chai kiếm tiền sao? Bố?”
Tôi nói đến đó thì dừng, miếng thịt thỏ vẫn ở trên tay, ngoại trừ miếng đầu tiên thì tôi chẳng cắn thêm được miếng nào nữa.
Sống mũi cay cay, tôi cố gắng để nước mắt không trào ra.
Tôi đã từng thề mình sẽ không rơi thêm một giọt nước mắt nào vì cái nhà này nữa, nhưng tôi vẫn cứ cảm thấy buồn và ấm ức.
Con nhà người khác là con ruột, còn tôi chắc là được nhặt từ bãi rác về.
Bố tôi im lặng một lúc lâu mới nói, “Con đều nhớ hết à?”
Tôi bật cười, cười đến mức nước mắt cũng chảy ra.
“Lúc con lên đại học là đã mười chín tuổi, bố cảm thấy mười chín tuổi mà con vẫn còn không nhớ được gì à? Nếu như con không nhớ được thì thành đứa thiểu năng rồi!” Tôi nói, “Con không chỉ nhớ những chuyện xảy ra năm mười chín tuổi, mà con còn nhớ cả những chuyện năm chín tuổi, tám tuổi nữa. Thậm chí ký ức từ hồi mẫu giáo vẫn còn.”
Bố tôi tiếp tục im lặng, dì Tống lập tức ra mặt cứu vãn tình thế.
“Ôi thôi nào, cái con bé này, khó khăn lắm mới được về nhà một lần mà toàn giở chuyện cũ ra thế!”
“Năm đó bố con như thế nào con không biết sao! Hơn nữa chúng ta tuy nghèo nhưng cũng chẳng phải là nuôi được con lớn đó sao? Con không ốm không đau, không bị bắt cóc bán đi, còn trưởng thành xinh đẹp thế này, bây giờ còn biết kiếm tiền nữa!”
“Con người ta ấy à, tất cả đều là bị áp bức mà ra! Nếu như mấy năm nay con không vất vả như thế thì bây giờ liệu có ưu tú được như thế này không?”
Dì Tống nói liên tục, nghe thì cũng có vẻ rất có lý.
“Nói thế là tôi nên cảm kích, cám ơn sao?” Tôi nghiêng đầu nhìn dì Tống.
“Đúng rồi đấy! Con nghĩ được như thế chứng tỏ con đã thực sự trưởng thành rồi!” Dì Tống giả vờ như không nghe ra giọng điệu trong câu hỏi ngược của tôi, chỉ coi như là một câu trần thuật.
Tôi không kịp nói gì thì dì Tống đã nói tiếp, “Được rồi, ăn cơm ăn cơm nào! Bảy giờ rồi đấy! Ông cũng nói ít thôi, Khương Kha khó khăn lắm mới về được một lần, còn mua quà cho ông nữa! Tuy con bé nó nói vậy nhưng trong bụng vẫn thương ông lắm đấy.”
Lời của dì Tống cũng có chút trọng lượng với bố tôi, bà ta vừa nói xong thì ông gật đầu, cầm đũa lên, “Ăn cơm trước đi, ăn xong lại nói.”
Bữa cơm này cũng chẳng vui vẻ gì, tôi nhìn thấy trong ánh mắt bố nhìn tôi luôn ẩn chứa sự nghi ngờ và căm ghét.
Dì Tống không ngừng gắp thức ăn cho em trai tôi, cả nhà không nói câu nào.
Sau khi ăn cơm xong, tôi rất tự giác đứng dậy dọn dẹp rửa bát, sau đó mới vào phòng khách, lại nghe thấy dì Tống gọi: “Khương Kha, mau lấy cái áo len lông dê con tặng bố con ra đây.”