Tứ Đại Danh Bổ

Chương 36: Huyết thi





Trời còn chưa sáng, Đường Khẩn trong mông lung mơ hồ đột nhiên nghe thấy tiếng chìa khóa và xích sắt, gã vội đề cao cảnh giác, nhảy dựng lên đứng vào một góc phòng. Cửa sắt bật mở, bảy tám tên ngục tốt tràn vào, kẹp tay kẹp chân Đường Khẩn đẩy ra bên ngoài.



Đường Khẩn tức giận quát:



- Các người muốn làm gì?



Nhưng gã đã bị ngục tốt đẩy ra ngoài. Đường Khẩn muốn phản kháng, song biết người đã rơi vào tình cảnh này, giãy dụa cũng không có tác dụng gì, đành thở dài một tiếng, để cho chúng đẩy ra ngoài.



Đường Khẩn bị đẩy ra ngoài, chỉ thấy người một người đứng trong chỗ kín nhìn chòng chọc vào gã, chính thị là Long Diêm Vương.



Đường Khẩn biết mình lọt vào tay người này thì không còn hy vọng nào nữa, chẳng nói một lời, chỉ dùng ánh mắt gầm ghè nhìn lại hắn.



Long Diêm Vương cười lên hăng hắc, vẫy tay ra lệnh cho bọn ngục tốt đẩy Đường Khẩn về phía trước. Đi được bảy tám đạo hành lang, một số phạm nhân ở trong phòng giam bị tiếng xích sắt làm tỉnh giấc, mở mắt thấy tình hình như vậy đều không dám lên tiếng.



Lúc Đường Khẩn sắp bị giải ra ngoài, có đi qua một gian phòng bị bảy tám chiếc khóa lớn khóa chặt. Đột nhiên bên trong truyền ra một giọng nói trầm trầm:



- Các ngươi định làm gì với y?



Mấy tên ngục tốt vốn hung tợn dữ dằn, ngang ngược bá đạo, nhưng vừa nghe tiếng nói này đều không tự chủ được, nhất tề dừng lại, không dám đi về phía trước nữa. Một tên ngục ban đầu tương đối có kinh nghiệm bước lên thấp giọng nói:



- Quan ... Quan đại ca ... huynh sớm ...



Người trong lao phòng trầm mặc hồi lâu, không nói tiếng nào.



Một tên khác phân trần:



- Chúng tôi ... chúng tôi cũng chỉ là ... chỉ là phụng mệnh hành sự mà thôi ...



Thanh âm trầm trầm trong lao phong lập tức hỏi lại:



- Phụng mệnh hành sự? Từng người từng người một đều đi mà không về? Lý Ngạc Lệ không nên làm quá đáng như vậy!



Mấy tên ngục tốt đưa mắt nhìn nhau không dám đáp lời. Trong bóng tối, Đường Khẩn vận hết mục lực quan sát, chỉ thấy lao phòng này không có gì khác so với những lao phòng bình thường khác, chỉ là đặc biệt chật chội, đặc biệt kiên cố hơn mà thôi.



Thần sắc Long Diêm Vương có chút bất định, đằng hắng một tiếng rồi nói:



- Quan ... Quan gia, đây là quy tắc trong nhà lao, chúng tôi chỉ phụng mệnh hành sự, ngài ... ngài đừng quản vào thì hơn!



Người bên trong đột nhiên quát lớn một tiếng, âm thanh rổn rảng như chuông đồng:



- Long Tự Phá!



Long Diêm Vương giật mình, bị tiếng quát làm thối lui hai bộ, chỉ nghe người bên trong quát hỏi:



- Ngươi cho ta uống mê dược, phế đi hai chân ta, sau đó còn cung hình, đây có phải là chủ ý của ngươi không?



Thần sắc Long Diêm Vương biến đổi liên tục, cẩn thận nhìn xem các ổ khóa của gian lao phòng đó không có gì khác thường rồi mới dám đáp lời:



- Quan ... Quan đại ca ... tôi ... tôi cũng chỉ là bất đắc dĩ ...!



Người bên trong cười khổ một tiếng, sau đó hít một hơi dài như để lấy lại bình tĩnh:




- Được, Long Tự Phá, ta không trách ngươi, ngươi chỉ cần nói cho ta biết có phải là Lý Ngạc Lệ không?



Long Diêm Vương ấp úng:



- Lý ... Lý đại nhân ... ông ấy ...



Quan Phi Độ tức giận gầm lên:



- Nói! Là Lý Ngạc Lệ hay Lý Trù Trung?



Tiếng gầm này vang động khắp hành lang, làm cho Long Diêm Vương sợ đến đánh rơi cả chìa khóa. Chín phần mười số phạm nhân trong Thanh Điền đại lao cũng bị tiếng gầm này đánh thức.



Long Diêm Vương run giọng:



- Ngươi ... Quan đại ca. Ta biết ở trên giang hồ ngươi có danh vọng, có địa vị ...



nhưng một khi đã vào đây thì đều phải nghe theo Lý đại nhân, Lý công tử. Đại nhân vốn rất chiếu cố đến ngươi, nhưng mà ...



Cổ họng Quan Phi Độ phát ra tiếng gầm gừ, chua chát nói:



- Những phạm nhân nữ trong này cũng là người, Lý Trù Trung muốn làm nhục họ, ta đương nhiên phải can thiệp.



Long Diêm Vương đưa mắt nhìn bảy tám chiếc khóa lớn trên cửa, lại đưa mắt nhìn những bộ hạ đứng bên mình, cố lấy hết can đảm nói:



- Ngươi muốn can thiệp thì cứ can thiệp. Lý công tử vốn muốn trọng dụng ngươi, nhưng ngươi ... đã đắc tội với công tử, trở thành phế nhân thì cũng chẳng trách được ai!



Quan Phi Độ im lặng giây lát rồi gọi:



- Long Diêm Vương!



Long Diêm Vương ưỡn ngực hỏi lại:



- Có chuyện gì?



Quan Phi Độ nói:



- Hôm qua ngươi lớn giọng nói là việc phế hai chân ta và cung hình đều do ngươi làm cả?



Long Diêm Vương nuốt nước bọt, cứng miệng nói:



- Là chủ ý của Lý công tử ... ta ... ta là người hạ thủ đấy, ngươi làm gì được nào?



Thanh âm trong lao phòng trở nên âm trầm:



- Bây giờ hai chân ta đã phế, người không giống người, quỷ chẳng giống quỷ, Lý đại nhân cũng không để ý đến nữa, ngươi đương nhiên là không sợ ta nữa rồi.



Long Diêm Vương lớn tiếng:



- Quan ... họ Quan kia, trước đây ta kính ngươi là một trang hảo hán, cho ngươi thể diện mà ngươi không cần, cũng không trách được ta hạ thủ vô tình!



Quan Phi Độ cười thảm thương nói:



- Hạ thủ vô tình? Hạ thủ vô tình ... hay lắm, hay lắm!



Long Diêm Vương nộ khí xông lên đỉnh đầu, liền quay đầu lại phân phó thuộc hạ:



- Đi, chúng ta không để ý tới tên phế nhân này nữa!



Đột nhiên.



"Binh!" Tựa như có thứ gì rất nặng đánh vào cửa sắt một kích.



Một kích này trầm trọng vô song, cả cánh cửa sắt rung lên bần bật.



"Cách!" Một chiếc khóa đồng bị đánh gãy. Bay "vù" ra bên ngoài.



Long Diêm Vương vội nhích người né tránh, khóa đồng vốn bắn về hướng ngực hắn, liền đánh trúng vào vai.



"Rắc!" Thanh âm tựa như tiếng xương cốt bị vỡ nát vậy.



Long Diêm Vương ôm chặt vai trái, đau đến nghiến răng vào môi bật cả máu. Chỉ nghe người trong lao chậm rãi nói:



- Cũng may ta còn hai cánh tay này ... có cần phế nốt đi không?



Đường Khẩn thấy nội lực Quan Phi Độ cao cường như vậy trong lòng bội phục vô cùng, nhưng sau khi nghe y nói những lời này, liền không khỏi lo lắng. Bởi Quan Phi Độ có anh hùng đi nữa thì vẫn bị giam trong nhà lao này, nếu như đắc tội với bọn người Long Diêm Vương, chỉ sợ minh thương dễ tránh, ám tiễn khó phòng, thật sự sẽ bị chúng phế nốt hai tay.



Quan Phi Độ đột nhiên nói:



- Đường huynh đệ, không cần lo lắng cho ta. Ta chịu ở trong này chính là để phục pháp, giờ đây mới biết ở đây càng vô pháp vô thiên hơn. Giờ thân ta đã tàn phế, sớm đã chẳng muốn sống nữa rồi.



Trong lòng Đường Khẩn nghĩ gì, Quan Phi Độ mặc dù cách một tấm cửa sắt vẫn có thể đọc được, khiến gã càng thêm bội phục con người này hơn.



- Quan đại ca ... huynh phải cẩn thận!



Quan Phi Độ cười lên ha hả:



- Hôm qua huynh đệ vì ta mà phản kháng bọn chúng, hôm nay để ta tiễn ngươi đi vậy. Đáng tiếc chúng ta đều rơi vào tay lũ quan chó chết sài lang này, bằng không nếu gặp nhau ở bên ngoài, ta nhất định phải cùng ngươi cạn ba trăm ly mới được.



Mấy tên ngục tốt phía sau đẩy đẩy vào lưng Đường Khẩn, ám thị gã bước đi.



Đường Khẩn cũng tự biết lần này ra khỏi ngục là lành ít dữ nhiều, gã bèn nói:



- Quan đại ca, huynh có một thân bản lãnh hơn người, mong huynh gia tâm chiếu cố cho những huynh đệ khác ...



Quan Phi Độ cười lên ha hả:



- Kẻ phế nhân như ta còn có thể chiếu cố người khác sao?



Trong lời nói lộ ra vẻ bi thương vô cùng.



Hai tên ban đầu đẩy Đường Khẩn đi ra trong tiếng cười bi phẫn của Quan Phi Độ.




Cửa lao đóng sập lại, ẩn ước vẫn còn nghe tiếng cười của y lọt ra ngoài. Trong lao, ngoài lao tựa như hai thế giới hoàn toàn khác nhau. Đường Khẩn ngẩng đầu nhìn sắc trời u ám, gió sớm thổi đến lành lạnh. Gã ưỡn ngực thầm nghĩ:



- Tuy rằng đã ra đến bên ngoài, nhưng ta vẫn chưa có được tự do ... chỉ sợ một đời một kiếp này ta đều không thể có được tự do ... tự do là chuyện của ngày xưa ... đáng tiếc ngày đó ta không biết tự do quý giá thế nào ...



Ngục tốt giải gã đi một đoạn đường khá dài, càng đi thì cảnh sắc hai bên đường càng lúc càng hào hoa, mỹ lệ, tường cũng càng lúc càng mỏng, càng thấp dần, lính canh cũng càng lúc càng ít dần. Đường Khẩn thầm lo lắng không biết bọn chúng đang dẫn giải mình đến chỗ nào, nhưng có một điều y dám khẳng định, đó là y đang được dẫn đến nơi mà trước đây những huynh đệ bị bắt đi bị giải đến.



Đi đến lúc trời sắp sáng hẳn thì bọn Đường Khẩn đã đến trước một căn nhà lớn có rèm châu rũ xuống trước cửa. Một tên ngục tốt ra hiệu cho Đường Khẩn dừng lại, rồi đưa mắt nhìn Long Diêm Vương chờ đợi. Long Diêm Vương cố nhịn đau, cung kính gõ nhẹ lên cánh cửa hai cái rồi đứng sang một bên đợi hồi âm của người bên trong.



Nhưng tuyệt không có ai trả lời.



Gió lạnh từng cơn thổi tới. Không gian im lặng như cõi u minh.



Long Diêm Vương lại gõ lên cửa hai cái.



Chỉ nghe bên trong có một giọng thấp trầm cất lên:



- Ai?



Long Diêm Vương cung kính cúi mình đáp:



- Là lão nô.



Người bên trong ồ một tiếng, rồi hỏi:



- Làm sao ngươi thọ thương?



Đường Khẩn nghe vậy thì kinh ngạc vô cùng. Vừa nãy Quan Phi Độ cách một vách sắt có thể đả thương người, đã khiến gã không thể tưởng tượng được. Mà người trong nhà chỉ bằng một câu nói của Long Diêm Vương đã có thể khẳng định hắn bị thương, so với Quan Phi Độ tuyệt đối là không kém cạnh gì.



Long Diêm Vương nói như vừa bị ức hiếp:



- Công tử, người không cho tôi giết họ Quan kia, nhưng hắn chẳng chút cảm kích.



Đả thương lão nô chỉ là chuyện nhỏ, song hắn còn lớn tiếng mắng chửi công tử chẳng ra gì.



Long Diêm Vương cao to như hộ pháp lại dùng cái giọng kể lể oan khuất ấy nói chuyện thật khiến người ta dựng hết cả tóc gáy.



Thanh âm của người bên trong thoáng biến đổi, mang theo chút tức giận:



- Quan Phi Độ thật không biết tốt xấu! Giải người vào đây cho ta!



"Bịch!" Đường Khẩn bị đẩy vào trong phòng.



Căn phòng này trắng toát. Trên mặt đất trải một tấm thảm dày màu trắng, nhưng ở giữa tấm thảm lại có một vùng nhuộm một màu đỏ tươi, một màu đỏ khiến người ta kinh tâm động phách.



Màu đỏ đã ngấm sâu vào tấm thảm trắng, kết đặc lại, còn bốc lên một mùi tanh tưởi khó chịu ... hiển nhiên là máu.



Nhưng máu chảy nhiều như vậy, thật khiến người ta không dám tin vào mắt mình nữa.



Giữa vũng máu còn có một vật thể. Nếu như không phải rõ ràng trông thấy vật thể đó có tay có chân thì không ai dám khẳng định đó là một cỗ thi thể.



Một cỗ thi thể bị lột da, máu chảy ròng ròng.



Cỗ huyết thi bị lột da dường như vẫn còn động đậy. Đường Khẩn là một tiêu sư, ngoại hiệu "Báo Tử Đảm", không biết đã sống bao nhiêu ngày vong hồn bạt mạng trên đầu đao lưỡi kiếm rồi, song cảm giác nhìn thấy một người sống bị lột da vẫn không dễ chịu gì.



Đường Khẩn suýt nữa thì nôn ra.



Nhưng gã cố nhịn, bởi vì gã không muốn bản thân trước khi chết bị dày vò như kẻ xấu số kia.



Một người đang nằm trên vân sàng, có hai nha hoàn ở hai bên đang quạt mát cho y. Người này đang toàn thần chú ý vào thêu một tấm vải gấm có diện tích khá lớn. Hồi lâu sau y mới ngẩng đầu lên nhìn Đường Khẩn, thì ra là một bạch diện thiếu niên, lông mày thấp sát đến mắt. Thiếu niên lên tiếng:



- Tên bị lột da kia là lão bằng hữu của ngươi đó, ngươi có nhận ra không?



Đường Khẩn chưa kịp đáp lời thì thiếu niên sắc mặt trắng nhợt lại nói tiếp:



- Hắn tên là Trương Nghĩa Hồng. Các ngươi không phải thân thuộc lắm sao?



Đường Khẩn phảng phất như trông thấy cỗ huyết thi máu chảy ròng ròng đang nhìn gã. Cuối cùng Đường Khẩn cũng không nhịn nổi, cúi người xuống nôn ra.



Nôn ra, giống như có người đang dùng hết sức nhào nặn dạ dày Đường Khẩn.



Trong bụng như được rửa sạch sẽ, nhưng nộ hỏa của Đường Khẩn lại bốc lên đến cực điểm.



- - Trương Nghĩa Hồng và gã đều bị oan uổng!



- - Cho dù y phạm phải tội lớn hơn nữa, cũng không thể phải chịu nhận cực hình tàn khốc vô nhân đạo thế này!



Huyết dịch toàn thân Đường Khẩn như ngưng kết lại. Trong nhất thời cơn phẫn nộ bốc lên đến đỉnh đầu. Gã muốn xông lên, xông lên vì người bạn bao năm cùng kề vai sát cánh tác chiến mà xé nát tên thiếu niên công tử đang nằm trên thạch sàng kia thành tám mảnh. Nhưng gã vẫn cố nhẫn nhịn, áp chế cơn giận xuống.



Thạch sàng của thiếu niên nằm bên trong cùng của gian nhà, dựa sát vào tường.



Cách giường bảy tám thước, cũng có một vùng thảm bị nhuộm đỏ bởi máu người. Trên đó có đặt bốn chiếc ghế gỗ đàn lớn.



Có bốn người, một mực vẫn ngồi đả tọa ở bốn góc tường, không nói không rằng.



Giờ đã mở mắt, chầm chậm bước tới.



Bốn người này cao thấp bất đồng, hình dáng khác biệt rất lớn. Điểm giống nhau duy nhất của bọn họ là sắc mặt đều trắng một cách lạ thường, hoàn toàn không có huyết sắc.



Đường Khẩn cũng là người trong võ lâm, lại là một tiêu sư nên đối với những nhân vật trong võ lâm tự nhiên phải có những hiểu biết nhất định, điểm này so với công phu võ công thì còn quan trọng hơn. Huống hồ Đường Khẩn trước giờ luôn đặc biệt lưu tâm đến các nhân vật võ lâm, vừa thấy bốn người, trong đầu y lập tức nghĩ đến ba nhân vật ra tay độc ác khiến người khác phải kinh tâm động phách ở Thiểm Tây.



Ba nhân vật này vốn chỉ có hai người là đi với nhau. Hai người này là hai huynh đệ. Kẻ lớn là Ngôn Hữu Tín, kẻ nhỏ là Ngôn Hữu Nghĩa. Hai tên huynh đệ "Hữu Tín Hữu Nghĩa" này đi cùng nhau toàn làm ra những chuyện "Vô Tín Vô Nghĩa" cả.



Hai huynh đệ này vốn là hậu nhân của "Thần Châu Ngôn Gia Cương Thi Quyền", vì tranh đoạt chức chưởng môn mà hai tên này đã ám sát cả phụ thân mình là Ngôn Đại Nặc, sau đó lại bày trò ly gián, khích động đồng môn sư huynh đệ tàn sát lẫn nhau, kết quả là Ngôn gia không có được một ngày bình yên, vô phưong đoàn kết như trước. Hai tên Ngôn Hữu Tín, Ngôn Hữu Nghĩa này cũng tranh giành chức chưởng môn, nhưng cả hai không ai được ngồi lên chiếc ghế đó cả.



Sau khi Ngôn thị huynh đệ xuất đạo trên giang hồ, cũng làm ra những chuyện bất tín bất nghĩa như ở nhà. Bọn chúng thấy lợi quên nghĩa, lâm nguy bội tín, giữa hai huynh đệ với nhau cũng không từ thủ đoạn lừa gạt lẫn nhau để mưu lợi. Nhưng võ công cả hai đều có chỗ ỷ trượng, hợp lại với nhau có thể chuyển nhược thành cường, bổ trợ yếu điểm của nhau, vì thế nên dù chúng đã nhiều lần bội phản lẫn nhau song vẫn cùng nhau hành tẩu giang hồ.



Sau này, hai tên Ngôn Hữu Tín, Ngôn Hữu Nghĩa này vì luyện Cương Thi Quyền mà bắt người sống đem đi chôn, sau ba ngày thì đào lên nấu ăn, tàn ác vô đạo. Cuối cùng chuyện này đã kinh động đến một vị cao túc thành danh trước cả Thiên Hạ Tứ Đại Danh Bộ trong Lục Phiến Môn, một trong Tam Tuyệt Thần Bộ, Bộ Vương Lý Huyền Y.



Lý Huyền Y thiên lý truy bắt Ngôn thị huynh đệ, cuối cùng ở bên bờ Nộ Giang đã đánh cho mỗi tên một chưởng, từ đó cặp huynh đệ "vô tín vô nghĩa" này liền tuyệt tích giang hồ, đến nay cũng đã được bốn năm năm.



Đường Khẩn có thể nhận ra hai người này là bởi Ngôn thị huynh đệ có một đặc điểm. Ngôn Hữu Tín bị mất tai phải, Ngôn Hữu Nghĩa bị mất tai trái. Đây không phải là do thiên sinh mà là trước khi bị Bộ Vương Lý Huyền Y truy sát, bọn chúng đã từng gặp phải Thiết Thủ trong Tứ Đại Danh Bộ. Vào lúc đó, Thiết Thủ thấy chúng đang làm một chuyện thương thiên hại lý, nhưng không biết đó là hai tên ác danh ngập đầu, bại hoại võ lâm nên chỉ cắt mỗi tên một tai làm cảnh cáo.




Nhưng kể từ đó trở đi, mất tai trở thành đặc trưng của Ngôn thị huynh đệ, sau này chúng có làm chuyện ác gì muốn không thừa nhận cũng không được.



Một người nữa tên là Dịch Ánh Khê, ăn vận giống như thư sinh. Trên tay không cầm quạt giấy, cũng không cầm ô mà là một cây cự phủ. Trong võ lâm ngoại trừ Cự Phủ Thư Sinh Dịch Ánh Khê thì không còn ai khác nữa.



Tên Dịch Ánh Khê này hành sự thập phần quái đản. Trước năm ba mươi tuổi, y là một vị đại hiệp được người người kính ngưỡng, trừ bạo an dân, thế thiên hành đạo, làm ra không ít chuyện mà ai nghe cũng phải giơ ngón tay cái lên khen ngợi. Nhưng đến năm ba mươi mốt tuổi, y đột nhiên mất tích một thời gian, sau khi tái nhập giang hồ, thì nhân tâm đại biến, trở thành một đại ác ma giết người không chớp mắt, vì lợi ích của bản thân mà không ngại đả động can qua, thủ đoạn tàn độc vô song. Chỉ trong vòng hai ba năm, những việc thiện y tích được trong quá khứ đã không bằng một nửa những chuyện ác mới làm.



Võ công của tên "Cự Phủ Thư Sinh" này cũng cực cao. Nghe nói một năm trước hắn đấu với "Thiểm Tây Đại Hiệp" Quan Phi Độ hơn trăm chiêu, cuối cùng bị Quan Phi Độ đánh một chưởng. Người này sau khi thọ thương còn bị mười một cao thủ của bảy đại môn phái ám kích, nhưng vẫn chạy thoát, kể từ đó danh tiếng của y lại càng nổi như cồn.



Ngoài Ngôn thị huynh đệ và Dịch Ánh Khê còn một người nữa. Người này eo lưng có đeo ba chiếc hồ lô, đầu tóc bạc phơ, có một vẻ già nua cay đắng, trên mặt lộ vẻ mệt mỏi, có điều nhãn thần của y lại thập phần thâm trầm, khiến người khác nhìn vào thì cảm thấy như đang đứng trước một đầm lầy chết vậy.



Đường Khẩn không biết người này là ai.



Ngay từ đầu Đường Khẩn đã biết là có chuyện không hay, nhưng gã tuyệt không thể ngờ ở đây lại có tới ít nhất ba nhân vật khiến người trong võ lâm chỉ cần nghe tên đã đau đầu nhức óc.



Gã lập tức ý thức được rằng xông lên trong lúc này là một hành động vô cùng ngu muội. Với võ công của gã, chỉ cần một trong bốn người này tùy tiện ra tay cũng có thể tiễn gã về địa phủ.



Đường Khẩn lưu ý mặt phía sau, ngoại trừ Long Diêm Vương ra thì không ai bước vào theo.



Long Diêm Vương cúi đầu đứng thẳng như cột nhà. Trước mặt phạm nhân thì hắn diễu võ giương oai, đầu ngẩng cao như con sư tử đá đứng trước cửa nhà người ta vậy, nhưng giờ đây, trông hắn thật giống như một con chó đang vẫy đuôi chờ lệnh chủ.



Lúc này gã thiếu niên đang hỏi Long Diêm Vương:



- Quan Phi Độ bị giam trong thiết lao, tại sao có thể đả thương ngươi?



Long Diêm Vương nói với vẻ đáng thương:



- Nô tài đi qua, nghe hắn nói những lời đại nghịch bất đạo, lăng mạ công tử, vì thế mới lớn tiếng quát mắng lại. Hắn liền đánh một chưởng vào cửa sắt, chấn gãy khóa cửa bắn ra. May mà nô tài tránh né kịp thời, bằng không chỉ sợ đã bắn trúng mặt. Lúc đó e rằng nô tài khó mà phục mệnh công tử được nữa.



Ánh mắt đầy tà ý của thiếu niên nhìn chăm chăm vào Long Diêm Vương:



- Ồ, vậy thật làm khó ngươi rồi!



Đường Khẩn không nhịn nổi liền lớn tiếng nói:



- Ngươi nói năng hàm hồ! Quan đại ca căn bản không mắng chửi ai cả. Mà là ngươi nói ra là Lý Ngạc Lệ hay Lý cái gì Trung đó hạ thủ với y, là kẻ chủ sử rút gân chân và cung hình Quan đại ca. Hừ ... bằng vào ngươi, làm sao dám quát mắng Quan đại ca cơ chứ?



Long Diêm Vương biến sắc mặt vội nhảy đến trước mặt Đường Khẩn quát lớn:



- Ngươi dám vu oan ta? Ngươi là cái thứ gì? Ta ...



Chưởng giơ cao lên định đập xuống mặt Đường Khẩn.



Thiếu niên chợt lên tiếng:



- Long Tự Phá ...



Tay Long Diêm Vương giơ lên được nửa chừng liền dừng lại, quay người, quỳ xuống vừa khóc vừa nói:



- Công tử, tên này vu oan cho nô tài. Nô tài đối với công tử một lòng trung thành, ở bên ngoài cũng không dám nói một lời bất kính, làm sao dám phóng túng như vậy. Công tử minh xét, công tử minh xét ...



Đường Khẩn thấy cảnh này đột nhiên ngửa mặt cười lên ha hả.



Đường Khẩn vừa cất tiếng cười, chúng nhân đều quay sang nhìn gã.



Gã vì biết mình chắc chắn sẽ chết nên không còn úy kị gì cả, cười ha hả nói:



- Xem tướng nô tài của hắn, sợ đến mức như vậy, thật không coi ngươi là hoàng thượng không được rồi.



Câu nói này của gã rõ ràng là nói với thiếu niên kia.



Thiếu niên cười nhạt nói:



- Ta tên là Lý Trù Trung, không phải Lý cái gì Trung.



Ngữ khí thiếu niên không hề có chút giận dữ.



Chợt "Cự Phủ Thư Sinh" Dịch Ánh Khê nói:



- Công tử, Quan Phi Độ dù bị phế hai chân vẫn có thể chấn gãy khóa sắt đả thương Long lão đầu, người này nên trảm thảo trừ căn đi thì hơn.



Lý Trù Trung trầm ngâm một hồi nói:



- Ta vốn muốn dùng người này, để hắn làm việc cho gia gia, có điều xem ra hắn có chết cũng không thay đổi tâm tính, vậy thì lưu lại cũng vô dụng ...



Nói đến đây, y liền quay sang Long Diêm Vương:



- Ngươi đi mời Quan Phi Độ đến đây, nhớ kỹ, là mời hắn đến đây.



Long Diêm Vương thấy Lý Trù Trung không trách phạt gì mình, lại còn lệnh cho đi làm việc, trong lòng vui mừng khôn tả, vội đáp lớn:



- Dạ!



Đoạn lập tức vội vàng chạy ra khỏi phòng.



Giờ chỉ còn một mình Đường Khẩn đối diện với năm nhân vật quái dị sắc mặt trắng bệch.



Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.