Tứ Hoàng Tử

Chương 29: Phỉ



Trên đỉnh tòa thành cao nhất Kinh Châu, một người đứng bất động đưa mắt nhìn xuống quang cảnh bên dưới. Gió lớn thổi tới, vạt áo đen của hắn bay phần phật nhưng đôi mắt kia lại không chớp lấy một cái. Hơi lạnh trên người hắn bao phủ cả khoảng không xung quanh. Tứ Thụy siết chặt nắm đấm, cơn giận trong lồng ngực hắn vẫn chưa nguôi ngoai chút nào. 

Sau lưng hắn phía đằng xa có mấy người mặc y phục dạ hành, trong bóng đêm không nhìn rõ gương mặt. Một người trong số bọn họ lên tiếng:

"Đúng là đáng chém. Một thành trì lớn lại có cái dáng vẻ này. Tiêu điều, hoang phế chả khác gì địa phương không người sinh sống. Không có kẻ đánh kẻng phòng hỏa hoạn thì cũng thôi, đến binh lính đi tuần tra, canh phòng cũng chẳng thấy đâu. Phủ riêng của bọn tham quan ngược lại đều được bảo vệ đến mấy lớp. Đừng nói tứ gia tức giận, ta cũng sắp nhịn hết nổi rồi!".

Một người khác gật mạnh đầu hưởng ứng: "Đúng đúng. Ông đây cũng không ngồi yên được nữa". Nói rồi quay đầu hỏi bóng người đứng riêng lẻ đang khoanh tay dựa lưng ẩn mình trong tối: "Lão Thập Thất, ngươi nói xem bao giờ thì chúng ta mới hành động? Tứ gia đứng đấy cũng được một lúc lâu rồi, hay để ta đi hỏi ngài ấy?".

Đối phương dùng ánh mắt xem thường ném trả lại một câu:

"Ngươi muốn được đầu thai sớm thì cứ đến đấy đi".

Người kia liếc nhanh về phía Tứ Thụy, nuốt nước bọt lúng túng nói:

"Võ công ta không bằng ngươi, không đỡ nổi ba phần sát khí của tứ gia. Trong chúng ta, bản lãnh của ngươi cao cường nhất, ngươi đến hỏi đi".

"Lúc tứ gia mười tuổi, ta dốc toàn lực chỉ đỡ được bảy, tám phần sát khí của ngài ấy. Ngươi bảo ta đến đấy? Não ta còn chưa có bị hỏng! Ngươi cũng bớt nóng nảy đi. Tứ gia bảo đợi, chúng ta chỉ cần đợi là được. Hay ngươi không tin tưởng tứ gia?".

"Nói bậy. Ta đương nhiên tin tứ gia rồi. Ta chỉ thấy lo lắng cho vương phi, lỡ như...".

Một người trạc tứ tuần, nãy giờ vẫn im lặng, ôn tồn nói:

"Vương phi sẽ không có chuyện gì. Chúng ta biết tứ gia tài cao hơn người, nhưng kẻ khác không biết. Tiếng lành đồn gần, tiếng xấu đồn xa. Tứ gia tạo dựng hình tượng một hoàng tử ẻo lả, vô năng lắm tật không phải là không có ích. Mà hiện tại vương phi đóng vai ấy sẽ rất thuận lợi".

Những người khác nghe vậy đều chuyển ánh mắt, trở nên nghiêm túc. Bọn họ ở cạnh Tứ Thụy đã sáu năm, đương nhiên biết việc hắn cố ý che giấu tài năng. Vốn dĩ ban đầu tất cả bọn họ đều có cùng suy nghĩ, rằng tứ hoàng tử muốn lấy lui làm tiến, giấu giếm năng lực đợi thời cơ tranh đoạt vương vị, làm nên đại nghiệp. Thế nhưng sát cánh bên hắn càng lâu, đi theo hắn trị ôn dịch, hành thiện cứu dân; bọn họ mới rõ ràng được một điều: nam nhân kia chưa từng tính toán tranh đoạt cái gì với ai. Những công lao của nhị hoàng tử mà triều thần lớn tiếng ca tụng, thật ra đều là tứ gia của bọn họ âm thầm thực hiện ở trong bóng tối. Đáng tiếc ngoài bọn họ, chẳng một ai hay biết điều đó. Mà bọn họ, bởi vì biết, nên lòng càng lo lắng cho hắn. Chỉ còn cách duy nhất là ra sức làm việc, bảo vệ hắn an toàn. 

Người lớn tuổi nhất vừa lên tiếng lúc nãy là Trương Khanh, cha của A Hạnh. Ông ta và mấy chục người đi theo Tứ Thụy, gọi hắn là "tứ gia", bọn họ trước đây đều là thổ phỉ. Sự bất đắc dĩ của một đám nam nhân vốn xuất thân danh môn thế gia, vì bậc trưởng bối bị hàm oan, uất hận mới bỏ vào núi chôn vùi tài năng. Ai nấy đều tuyệt vọng với triều đình, với thế tục đáng ngao ngán. Không ngờ người hiểu bọn họ, đem ánh sáng hi vọng đến với họ khi ấy lại là một đứa bé. 

Sáu năm về trước, một đứa bé mười tuổi, tay cầm trường kiếm một mình vượt qua trận pháp như mê cung mà tiến vào Thất Sơn. Bảy ngọn núi hợp thành một dãy, chính là căn cứ của đám thổ phỉ, nơi mà người bình thường không ai dám dẫn xác tới. Đứa bé nọ mặc một bộ áo vải màu đỏ. Chỉ là một bộ y phục vải thô đơn giản lại giống như người nhà trời giáng xuống, một thanh trường kiếm đánh bại toàn bộ đầu lĩnh của đám thổ phỉ Thất Sơn. Đứa bé lai lịch không rõ ấy dõng dạc nói với bọn họ:

"Ta là Tứ Thụy. Ai trong các ngươi nguyện ý trở thành huynh đệ của Tứ Thụy này, giờ này ngày mai xuống chân núi gặp ta. Kẻ nào muốn tiếp tục làm con rùa rụt cổ, tự vùi dập chí khí nam nhi của mình thì cứ ở lại Thất Sơn mà làm phỉ".

Một câu nói đánh cho bọn họ tỉnh ngộ. Ngày hôm sau, thổ phỉ trên dãy Thất Sơn toàn bộ "giải nghệ", nguyện ý đi theo đứa bé áo đỏ kia. 

Người được gọi là "Lão Thập Thất" nhếch môi nhớ lại hình ảnh Tứ Thụy năm đó, một chữ "oai phong" không đủ diễn tả hết. Mặc dù bị Tứ Thụy đánh cho "nằm sấp không được, nằm ngửa chẳng xong", nhưng tất cả bọn họ đều cảm thấy chưa từng có lúc nào bị kẻ khác đánh bại lại khiến họ mừng rỡ như vậy. 

Trông thấy Tứ Thụy xoay lưng, trở về chỗ bọn họ, Trương Khanh cầm áo choàng trong tay đi đến, cung kính khoác lên người hắn. Tứ Thụy khẽ siết vai Trương Khanh rồi nói với những người còn lại:

"Đi thôi. Gọi các huynh đệ tập hợp".

Người có thân hình to lớn, tính tình nóng nảy trước đó đề nghị đến hỏi ý Tứ Thụy, nghe vậy lập tức sốt sắng:

"Tứ gia, chúng ta làm gì?".

Tứ Thụy nhẹ nhàng đáp:

"Làm phỉ. Chúng ta đi đánh cướp".

Lão Thập Thất phì cười, tứ gia vẫn thú vị như vậy. Làm phỉ? Chẳng phải là nghề cũ của bọn họ hay sao? Lâu rồi không "đánh người cướp của", tay chân đúng là có chút ngứa ngáy. Bọn họ muốn xử lý đám tham quan dám xem thường tứ gia của bọn họ, thay dân chúng nơi này trút giận.

Đầu giờ Tỵ, Lữ Hách chỉ mới thức dậy, vừa đặt mông xuống ghế chưa kịp thưởng thức bữa sáng "đậm đà hương vị, ngon nhưng không ngấy" của mình thì có tiếng kêu hô hốt hoảng từ bên ngoài vọng vào:

"Đại nhân, cứu mạng!".

"Kẻ nào mới sáng ngày ra đã la như lợn bị thiến vậy? Chẳng có ngày nào các ngươi để bản quan được yên".

Một nô tài chạy vào liếc mắt sợ sệt bẩm báo:

"Lão gia, Ôn đại nhân cầu kiến".

Lữ Hách nhăn mặt.

"Ôn Dịch? Người chưa thấy, tiếng đã chạy tới trước rồi. Toàn những kẻ chẳng được tích sự gì. Hừ, bảo hắn vào đi".

Rất nhanh chóng, viên quan họ Ôn ba chân bốn cẳng chạy vào. Người này so với tình trạng "tứ vương gia" ngày hôm qua còn thê thảm hơn. Ôn Dịch mặt mũi bầm dập, chỗ xanh chỗ tím, y phục xộc xệch, đáng chú ý nhất là trên áo còn có dấu giày trông thật buồn cười. Ông ta vừa chạy vào đã quỳ sụp xuống khóc toáng lên:

"Đại nhân, ngài phải làm chủ cho hạ quan. Ngài xem bọn chúng đánh hạ quan ra nông nỗi này. Hạ quan dù sao cũng là mệnh quan triều đình, những kẻ đó thật chẳng coi vương pháp ra gì".

Lữ Hách kinh ngạc nhìn người trước mặt hàm răng trước kia nguyên vẹn nay rơi ở đâu mất hai cái, lại nghe đối phương kể lể thì nhức đầu, ông ta chán ghét hỏi:

"Ôn đại nhân, ngươi cũng biết bản thân là mệnh quan triều đình, có chút chuyện thôi đã chạy đến làm phiền bản quan. Ngươi nói xem, rút cục là có chuyện gì?".

Ôn Dịch vừa mới há miệng chuẩn bị tố khổ, ngoài cửa lại có một giọng nói khác vang lên dồn dập kèm theo tiếng xuýt xoa đau đớn:

"Đại nhân, đại nhân! Ai ui... ngươi cẩn thận một chút...".

Cơ mặt Lữ Hách co giật, sắc mặt tối sầm. Người vừa la đau từ bên ngoài được một nô tài đỡ, khập khiễng đi vào. Mặt so với Lữ Hách còn đen hơn, chỉ có điều trên nền đen lại được tô điểm thêm vệt đỏ của máu, nhìn là biết ngay mới bị kẻ khác đánh cho một trận. Người này khoa trương hơn cả người trước, đẩy nô tài đang dìu mình ra, đi cà nhắc bước nhanh đến ôm chân Lữ Hách. 

"Đại nhân, ngài xem hạ quan. Bọn chúng đánh hạ quan thành ra thế này, đã thế còn cướp sạch lương thực trong phủ, vàng bạc tư trang cũng không chừa, ngay cả y phục cũng bị bọn chúng lấy mang đi hết. Lũ thổ phỉ đó còn nói cái gì mà thay trời hành đạo, thay dân... đánh chó. Thật tức chết người mà!".

Đánh chó? Nói thế có khác nào không xem Lữ Hách ông ta ra gì. Đánh chó phải nể mặt chủ, ông ta làm tri phủ Hồ Bắc bao nhiêu năm, chưa từng xảy ra tình trạng thế này. Kẻ nào dám ở dưới mí mắt ông ta nhiễu loạn như vậy? Lữ Hách hất vị quan nọ ra, vỗ bàn đứng dậy, chỉ tay lần lượt vào hai "bao cát" đang quỳ:

"Mau nói, rút cục bọn chúng có lai lịch gì? Sao trong thành lại xuất hiện phỉ? Bọn chúng là thổ phỉ, không ở trên núi, chạy đến đây giễu võ giương oai là cớ làm sao?".

Hai viên quan nhìn nhau, bọn họ cũng không biết nguyên do nằm ở đâu. Nếu lũ phỉ kia vì thiếu tiền nên xuống núi hành nghề thì sao lại nhắm vào bọn họ? Ai chẳng rõ người giàu có nhất là tri phủ đại nhân, làm nhiều việc ác nhất cũng là tri phủ đại nhân thân hình mập mạp, béo tốt? Tất nhiên, lời này có cho tiền bọn họ cũng không dám nói ra. Nhưng nghĩ thế nào những viên quan này cũng không rõ vì sao bọn họ lại bị thổ phỉ nhắm tới? Hơn nữa còn không phải lũ giặc cỏ tép riu. Đám người đó hung hăng như cọp, dũng mãnh như gấu, hùng hổ xông vào. Lính trong phủ gần hai chục người chưa đầy một khắc đã bị đánh nằm lăn cả ra đất không cựa mình nổi. Chẳng lẽ lũ phỉ đó biết được Lữ phủ có cơ quan nên không dám lẻn vào, mới chạy tới chỗ bọn họ cướp cho dễ?

Ôn Dịch, Ôn đại nhân hai tay bưng má, mếu máo nói:

"Đại nhân, ngài cũng biết, gần Kinh Châu này làm gì có phỉ. Những kẻ đó chẳng biết ở đâu dẫn xác tới, tên nào tên nấy hung hăng càn quấy. Đặc biệt là tên cầm đầu cứ như hung thần ác sát, sẹo chằng chịt khắp mặt...".

Đột nhiên một giọng nói ẻo lả la lên:

"Chính là hắn, chính là những kẻ đó cướp đi ái thiếp của bản vương". 

Những người trong phòng đồng loạt hướng mắt về phía cửa, một tiểu công tử gương mặt non nớt, đang phồng mang trợn má vẻ tức giận. Người vừa xuất hiện không ai khác chính là "tứ vương gia ăn hại" hôm qua mới náo loạn một phen ở công đường phủ nha. Lữ Hách thở dài trong bụng, ông ta còn chưa kịp cho người thông báo việc tứ vương gia đến và "làm khách" trong phủ của mình cho những viên quan khác biết. 

Ôn Dịch nghe người nọ tự xưng "bản vương" thì rất lấy làm kinh ngạc, vội hỏi:

"Đại nhân, vị này là...?".

Lữ Hách vẫn còn bực mình vì những người dưới làm việc thất bại, không ám sát nổi một tên tiểu bạch kiểm vô dụng. Ông ta kín đáo lừ mắt, hắng giọng nói:

"Còn không mau bái kiến tứ vương gia". Bản thân cũng làm bộ ra vẻ sốt sắng: "Vương gia đêm qua ngủ có ngon không? Lũ nô tài hầu hạ có chỗ nào không chu đáo, vương gia cứ thẳng tay trừng phạt, hạ quan sẽ an bài đứa khác tháo vát hơn".

Hai viên quan trong bụng đánh thót, bọn họ đương nhiên nhận ra cái lừ mắt khó chịu của Lữ Hách, dù vậy làm quan đã lâu, khả năng ứng biến cũng không hề chậm chạp, nhanh chóng xoay người dập đầu với "tứ vương gia":

"Hạ quan bái kiến vương gia".

Mà Sử Tĩnh đứng ở bên này nãy giờ đang cố nhịn cười. Nàng nhìn hai kẻ dưới đất, một người máu mũi còn chưa khô, một người răng cửa bỏ nhà ra đi; đương nhiên biết đây là tác phẩm của ai. Những kẻ này, đáng đánh! Sử Tĩnh phất tay áo vẻ mất kiên nhẫn, vừa nói vừa bước vào trong phòng:

"Đứng dậy cả đi. Lữ đại nhân, lũ thổ phỉ mà bọn họ nhắc tới nhất định là những kẻ chặn đường bản vương đánh cướp. Ngươi còn không mau phái người truy bắt bọn chúng?".

Dư Mông là viên quan mặt đen, lau máu mũi, liếc nhanh về phía Lữ Hách một cái rồi nói với tứ vương gia:

"Vương gia có điều chưa biết. Lũ đạo tặc đó hành tung quỷ dị, thân thủ không tầm thường. Bọn chúng hành động bất ngờ, ra tay ngoan độc, cướp xong liền nhanh chóng biến mất dạng. Toàn bộ đều là những kẻ có võ công cao cường".

Sử Tĩnh giậm chân mắng ngay:

"Bản vương không cần biết. Đây là địa phương của các ngươi, một đám thổ phỉ đầu trộm đuôi cướp còn không đánh lại được thì còn ra thể thống gì. Nói cho các ngươi hay, trong tay ta có thánh chỉ của hoàng thượng, được phép toàn quyền xử phạt quan lại tam phẩm trở xuống. Ái thiếp của bản vương mà có mệnh hệ gì, ta biếm hết quan lại thành này làm thứ dân. Nghe rõ không?".

Ba người Lữ Hách âm thầm trao đổi tín hiệu. Bọn họ nghe đồn tứ vương gia không tài lắm tật, không ngờ vương gia bao cỏ này lại còn có thêm cái thói "hách dịch". Chẳng qua là kẻ như vậy, chỉ cần nịnh nọt mấy câu, không hề khó đối phó. Lữ Hách vỗ ngực cái phạch, nói lời cam kết:

"Vương gia an tâm. Hạ quan lập tức phái người truy bắt đám thổ phỉ đó, trừng trị thích đáng. Để bọn chúng biết vương pháp không được phép khinh nhờn".

"Bản vương không quan tâm vương pháp thế nào, mau chóng tìm thấy ái thiếp cho bản vương. Trời ơi, ta nhớ nàng chết mất. Nàng là nữ nhi yếu ớt, sao chịu đựng nổi đánh đập hành hạ của đám thô bỉ kia. Đáng thương thay, tâm can bảo bối của ta...".

Không chỉ mấy người trong phòng mà những nô tài đứng hầu bên ngoài nghe "tứ vương gia" than khóc ỉ ôi cũng lấy làm ngao ngán, vương gia này thật là hết thuốc chữa rồi...

Ở một nơi hẻo lánh trong thành Kinh Châu, Tứ Thụy mặt sẹo, chân mày sâu róm lau kiếm hỏi Trương Khanh bên cạnh:

"Trương thúc, thu hoạch thế nào?".

Trương Khanh vừa vui vừa giận đáp:

"Những kẻ này làm quan quá sung túc rồi. Số bạc và lương thực cướp được của hai phủ đã đủ cho dân chúng thành này ăn đến mấy tuần. Còn chưa kể số bạc bọn chúng bí mật giấu giếm trong tiền trang là không cướp được".

Tứ Thụy tra kiếm vào vỏ, hừ một tiếng nói:

"Vốn dĩ đều là của dân chúng. Hiện tại chưa đến lúc, nhưng số bạc kia dù giấu kĩ đến đâu ta cũng sẽ bắt chúng nôn ra sạch sẽ. Thúc bảo các huynh đệ đêm nay bí mật phân phát những thứ cướp được cho dân, đồng thời thăm dò bên hai phủ Tôn, Quách. E rằng bọn chúng đã có chuẩn bị, nhớ dặn mọi người cẩn thận".

Trương Khanh gật đầu:

"Được. Để ta thuê phòng trọ, tứ gia nghỉ ngơi một chút nhé. Miếu hoang này không sạch sẽ, bọn hắn quen lăn lộn ngoài đường không đáng ngại, tứ gia nếu nghỉ ngơi không tốt, A Hạnh sẽ lại nổi giận với ta...".

Hắn ngắt lời, nhẹ nhàng đáp:

"Các huynh đệ ở đâu, ta ở đó. Thúc đi làm việc đi, ta chuẩn bị chút "lễ" để tặng cho đám quan lại. Lần này chúng ta không dùng kiếm, vài gói thuốc xổ là được rồi".

Trương Khanh trong lòng lo lắng. Tứ gia giục ngựa ngày đêm chạy đến Hồ Bắc, suốt mấy ngày nay nếu không ẩn nấp trong rừng thì cũng trú tạm miếu hoang. Trong thành không có hàng quán nào mở cửa kinh doanh, tứ gia mỗi bữa chỉ ăn lương khô, mỗi ngày chợp mắt chưa đến một canh giờ. Ông biết tứ gia không phải hạng yếu đuối không chịu được chút khổ, nhưng cứ nghĩ đến sự vất vả kia người đời không hay không biết thì lại cảm thấy thương cảm thay hắn. 

Giống như Trương Khanh dự liệu, dân chúng Kinh Châu sáng sớm mở cửa nhìn thấy những bọc đồ nào lương thực, quần áo, còn có cả vàng bạc thì kinh hỉ vô cùng. Sau đó tin tức thổ phỉ đánh cướp phủ quan lại truyền đi, còn có tin tức tứ vương gia từ kinh thành đến, hiện đang ở trong phủ của tri phủ đại nhân. Dân chúng người cảm tạ Bồ Tát, kẻ biết ơn thổ phỉ. Trong mắt bọn họ, vị vương gia cao cao tại thượng kia so với những tham quan quen hạch sách, bóc lột dân chúng thì cũng là cá mè một lứa, đáng khinh như nhau. Ai chẳng biết Lữ Hách chính là có họ hàng với  vương gia nên mới chễm chệ ngồi vào ghế quan lớn, mạnh tay đàn áp dân đen bọn họ? Có người còn ngao ngán nghĩ, vương gia bao cỏ hay vương gia bao phân thì chẳng qua cũng là kẻ sinh ra trong nhà quyền quý, sao hiểu được dân chúng đói khổ lầm than? Hạn hán vừa mới xảy ra, Lữ Hách và bè lũ tham quan đã nhân cơ hội vét đầy túi tham, lấy cớ thu tiền mua lương thực cứu hạn mà thẳng tay cướp bóc. Biết đâu được, số bạc ấy lại không rơi vào túi vị vương gia mới vác mặt tới kia? Chẳng phải có lời đồn đại, tứ vương gia là kẻ tham tiền hám lợi còn gì? Một kẻ như vậy, thà không đến còn tốt hơn.

Người của Tứ Thụy theo sự phân phó của hắn, đều viết giấy ghi rõ trong những bọc đồ, dặn dân chúng giữ bí mật, chớ nên kinh động quan phủ. Vì lo lắng có nhà không có người biết chữ, nên bọn họ âm thầm chia ra quan sát động tĩnh, phòng trường hợp cần ra mặt để dặn dò. Thế nên những lời thầm thì của người dân trong nhà, bọn họ đều nghe thấy. Bọn họ không nỡ giận dân chúng, nhưng ai nấy đều buồn bã, tứ gia của bọn họ, một lần nữa lại bị hiểu lầm, gánh thêm danh xấu. Bọn họ rất muốn để cả thiên hạ này đều biết, không phải vương gia nào cũng ỷ quyền ỷ thế. Tứ gia của họ không như vậy. Ngược lại, vương gia khác có thể dựa vào địa vị mưu đoạt quyền lợi, được triều thần nâng đỡ, tung hô lớn tiếng. Còn tứ gia, cũng là vương gia, lại chẳng hề nhận được cái lợi của chức vị "cao cao tại thượng" đó. Đáng tiếc, điều bọn họ mong mỏi, có lẽ cả đời này bọn họ không thể nhìn thấy được... 

Tứ Thụy lặng lẽ thở dài. Song không phải vì sự hiểu lầm của dân chúng hay tiếng than vãn của những người bên cạnh. Hắn dõi mắt nhìn về một nơi trong thành, lòng lo lắng, không biết nàng có ổn hay không? Trước đây chỉ cho rằng nữ tử hắn lấy có vẻ ngoài xinh đẹp, tính tình vừa dịu dàng vừa kiên cường. Lúc ở bãi săn phát hiện thêm nàng ấy còn có chút thông minh, chu đáo. Vài ngày trước, hắn mới biết, thì ra nàng cũng có lúc cứng đầu đến vậy. Nàng luôn bảo, nàng chẳng giúp gì được cho hắn. Ánh mắt nàng lúc nói ra điều đó có sự hổ thẹn và tự trách khiến hắn không đành lòng. Thật ra nàng không biết, nàng rất tốt, khiến hắn rất an tâm. Nói đến bổn phận, là hắn không làm trọn bổn phận của mình mới phải. Tứ Thụy cụp mắt, một người con gái tốt như nàng, lại bị hắn làm liên lụy. 

"Cho ta thêm chút thời gian, ta sẽ trả tự do cho nàng". Hắn khẽ thì thầm, giọng nói mang theo sự bất đắc dĩ và xót xa.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.