Tứ Hoàng Tử

Chương 35: Vương gia đi đòi nợ



Tứ Thụy đứng trong đình nhỏ hồi lâu. Trong lòng hắn vừa tách bạch, vừa bất đắc dĩ. Trước mắt như có một cơn đại hồng thủy dâng cao vạn trượng sắp sửa ập đến, khí thế không gì cản nổi. Hắn vừa thấy bất lực, vừa muốn quyết ý xông lên phía trước. Tâm tư Tứ Thụy đầy mâu thuẫn tiến thoái lưỡng nan, song đồng thời cũng cuồn cuộn sóng to biển lớn. 

A Hạnh cuối cùng không nhịn được, từ xa đi tới.

"Chủ nhân, người có tâm sự? Nô tỳ đi hâm nóng thức ăn, người dùng một chút nhé. Người vất vả nhiều ngày rồi, nếu còn bỏ bữa thì thân thể sẽ không chịu được đâu".

Tứ Thụy không đáp lời, cũng không quay người lại, qua một lúc mới nhẹ giọng hỏi:

"A Hạnh, ta tên gì?".

A Hạnh kinh ngạc, ngập ngừng:

"Chủ nhân...".

"Ta là hoàng tử thứ tư của phụ hoàng, là tứ vương gia của Đại Tề. Phụ hoàng đặt cho ta cái tên Tiêu Cảnh Thù, nhưng hơn mười năm qua, ta luôn không muốn dùng cái tên ấy. A Hạnh, ngươi nói xem, tên nếu không dùng để gọi thì còn có tác dụng gì?".

"Chủ nhân là chủ tử, tên của người nô tỳ không dám gọi bừa, kẻ khác cũng không dám gọi bừa". 

Tứ Thụy bật cười xoay người.

"Hóa ra tên ta là để hù dọa kẻ khác. Cũng tốt. Trúc Quân đã báo cáo tình hình kinh thành quý này rồi chứ?".

"Mộ Dung cô nương đã mang sang rồi ạ, nô tỳ theo lệ để trong thư phòng".

Chân mày hắn khẽ chau lại.

"Nàng ta tự mình mang đến? Chẳng phải ta đã bảo không có lệnh không được tự ý đến đây rồi ư?".

A Hạnh vội vã giải thích:

"Mộ Dung cô nương có được tin tức nhị vương gia sai người hành thích chủ nhân nên đích thân đến báo, nhờ nô tỳ đưa tin cho Hàn gia".

"Ta biết rồi. Bảo nàng ta lần sau bất kể việc gì chỉ cần viết thư sai người mang đến là được".

"Chủ nhân cũng biết Mộ Dung cô nương đối với chủ nhân...".

"Lắm lời".

Tứ Thụy nhăn mặt bước ra khỏi đình nhỏ. A Hạnh nghĩ là hắn tức giận, lo lắng gọi:

"Chủ nhân".

"Ta tiến cung thỉnh an hoàng thượng. Ngươi mang hai trăm vạn lượng bạc đưa sang cho Tống thái y, nói với ông ấy, ba ngày sau ta sẽ đến phủ".

A Hạnh đáp vâng, nhìn theo bóng lưng hắn, khẽ thở dài: "Hoa rơi hữu ý, nước chảy vô tình. Ba ngày sau chẳng phải là sinh thần Mộ Dung cô nương hay sao, đáng tiếc, chủ nhân nào để tâm đến".

Tứ Thụy cưỡi ngựa xuất phủ, đến cổng cung, giao Tiểu Hắc cho thị vệ rồi tự mình đi đến Ngự thư phòng. Hắn ngăn Trương công công đang định thông báo, nhẹ nhàng đẩy cửa bước vào, tới trước thư án, hành lễ:

"Thỉnh an phụ hoàng".

"Thụy nhi?".

Nhìn vẻ kinh ngạc trên mặt hoàng thượng, hắn bật cười, bỗng liếc thấy nến cháy sắp hết thì cau mày, vội vàng đi châm cây nến mới. Hoàng thượng nhìn bộ dạng của hắn mà cười lắc đầu:

"Tiểu tử ngươi còn trẻ như vậy, không biết là học bộ dạng cau mày nhăn trán đó từ kẻ nào".

"Còn không phải tại người! Mắt người vốn không tốt, lại không nghe lời Tống thái y, xem tấu chương lâu như vậy, nến không đủ sáng cũng không gọi Trương công công".

"Vừa thay lúc nãy. Đây là loại nến mới đổi, tiết kiệm được không ít ngân lượng, chỉ có điều dùng không được lâu, mới đó đã cháy hết rồi".

Tứ Thụy nghe xong, tức suýt nữa thì giậm chân.

"Nhi thần biết quốc khố huy động số bạc không nhỏ để thu mua lương thực cứu hạn, người muốn các cung viện đều phải thi hành chính sách tiết kiệm, nhưng thay mấy ngọn nến thì có tác dụng gì? Long thể của người làm sao chịu nổi giày vò? Không phải bên cung hoàng tổ mẫu cũng thắp loại nến này đấy chứ? Tối nào hoàng tổ mẫu cũng đọc kinh văn...".

Hoàng thượng trợn mắt:

"Ngươi tưởng mỗi mình tiểu tử ngươi biết hiếu thuận?".

"Người giận gì chứ, là nhi thần quan tâm hoàng tổ mẫu nên nhất thời lỡ lời, đương nhiên biết phụ hoàng đâu nỡ để hoàng tổ mẫu chịu khổ. Nhưng Thụy nhi cũng không nỡ nhìn phụ hoàng chịu khổ. Người muốn tiết kiệm, nhi thần có thể dùng bạc trong phủ đóng góp. Người lo bách tính ăn không đủ no mặc không đủ ấm, nhi thần thay phụ hoàng chia sẻ nỗi lo, bảo đảm con dân của người cơm no áo ấm là được".

Chung trà trên tay hoàng thượng dừng giữa không trung hơi rung lên va lách cách. 

"Ngươi vừa nói gì? Trẫm không nghe nhầm đấy chứ?", hoàng thượng đặt vội chung trà xuống bàn, rời ghế, thân hình hơi loạng choạng đi tới trước mặt Tứ Thụy, đặt hai tay lên vai hắn ghì chặt, nghi ngờ hỏi lại, "ngươi đồng ý với trẫm rồi?".

Tứ Thụy gật đầu, rồi lại lắc đầu.

"Nhi thần không làm nổi thái tử, cũng không nguyện ý làm. Nhưng Thụy nhi đồng ý vì phụ hoàng phân ưu, đặt giang sơn xã tắc làm đầu, dùng tài hèn sức mọn của bản thân thay bách tính trăm họ lo nghĩ".

Hoàng thượng vỗ mạnh vai hắn mấy cái, ánh mắt nóng hổi.

"Tốt. Tốt. Trẫm đợi ngày này đã lâu. Buổi chầu sớm mai, ngươi đã chuẩn bị chu toàn? Ngươi yên tâm, triều thần nếu có kẻ dám không phục, trẫm sẽ làm chủ cho ngươi".

Hắn nhìn thẳng vào mắt hoàng thượng, sắc mặt nghiêm túc nói:

"Không, phụ hoàng, nhi thần không cần người che tên cản giáo. Buổi chầu sớm mai, nhi thần muốn đại náo một phen!".

"Ý ngươi là?".

"Đám quan viên chây lười bao nhiêu năm đó, cũng nên đến lúc hoạt động rồi. Bọn họ thân hưởng bổng lộc triều đình, tay chân cũng phải nhấc cao một chút. Quốc khố mười mấy năm qua luôn trống rỗng, cạn kiệt. Nhi thần sẽ thay phụ hoàng đi đòi nợ một chuyến".

Chẳng phải tứ vương gia vang danh thiên hạ, có tiếng là kẻ chuyên cho vay nặng lãi? Đã là như thế, hắn sẽ ngang ngược một lần cho đám quan lại đó xem. 

Tứ Thụy báo cáo lại tình hình trị hạn vốn trước đó đã gửi thư về trước, lại cùng hoàng thượng bàn bạc rất lâu mới đứng dậy nói cáo lui. Hoàng thượng nhìn hắn từ đầu xuống chân, lo lắng gọi lại:

"Ngươi ăn vận phong phanh, thời tiết hanh khô, gió đêm hại thân thể. Bảo Trương công công gọi bọn nô tài đưa ngươi ra cửa cung, chớ có để bản thân mệt nhọc nữa".

"Người thừa biết nhi thần không quen ngồi kiệu. Thụy nhi thân thể khỏe mạnh, chỉ cần hai chân còn dùng được, tuyệt đối không dùng vai kẻ khác để đi. Nam tử hán đầu đội trời chân đạp đất, chân không chạm đất, đầu sao có thể đội trời? Phụ hoàng mau về tẩm cung nghỉ ngơi. Nếu không hoàng tổ mẫu sẽ lo lắng, nhi thần cũng sẽ không yên tâm".

"Trẫm biết rồi, trẫm nghe ngươi là được".

Tứ Thụy đi rồi, một bóng người từ ngách cửa bên trong bước ra, vừa thay nến vừa cười hỏi:

"Hoàng thượng long nhan vui mừng, xem ra khổ nhục kế có tác dụng?".

"Vẫn là lão hồ ly ngươi nghĩ được cách hay. Tiểu tử đó, càng nhắc đến hai chữ "thái tử" càng khiến hắn tránh như tránh rắn độc. Chỉ có để hắn nghe được tiếng bách tính than khóc, nhìn bách tính nhọc thân, nhìn thấy trẫm nhọc lòng thì hắn mới đổi ý. Cũng coi như nến của ngươi không uổng phí".

"Là tấm lòng của người không uổng phí".

Hoàng thượng nhìn theo hướng cổng cung, ánh mắt đăm chiêu.

"Địch Tranh, ngươi có cảm thấy hắn rất giống với một người không?".

"Đâu chỉ giống, tài năng của tứ vương gia và "người ấy" có thể nói là không phân cao thấp. Năm đó, lão thần cùng hoàng thượng đứng bên ngoài hoàng lăng, dáng vẻ vương gia khi ấy đến giờ lão thần vẫn nhớ rất rõ. Phong thái xuất chúng, ánh mắt kiên định đó trước kia chỉ có thể nhìn thấy ở Tiên đế... Thế mà ngày hôm sau, lão thần lại nghe thái phó tức giận phạt quỳ tứ hoàng tử, nói ngài ấy "gỗ mục khó đẽo", không có tài năng, không đủ đức độ. Nên khen vương gia che giấu quá giỏi, hay giận người trong thiên hạ mắt không đủ sáng đây?".

Tứ Thụy nhập cung không bao lâu thì âm thầm đến hoàng lăng bái tế Hiếu Huệ hoàng hậu, cảm tạ ơn cứu mạng giải nguy. Mà không hề hay biết, Mã tể tướng và hoàng thượng vô tình trông thấy hắn. 

Hoàng thượng buồn rầu thở dài.

"Tiên đế dạy ta văn, dạy ngươi võ. Chỉ trách trẫm vô năng, chỉ kế thừa được ngôi vị, không kế thừa nổi tài năng của người. Tiên đế lên ngựa khoác võ phục có thể bình định nội loạn, ngăn chặn ngoại xâm, khiến quân địch khiếp sợ; xuống ngựa khoác áo bào có thể an dân, dẫn dắt triều thần. Còn trẫm, nếu không có Địch Tranh, chỉ e...".

"Hoàng thượng đừng nói vậy. Long thể người từ nhỏ đã không tốt. Địch Tranh chỉ hận bản thân là võ quan, tâm có dư mà tài không đủ dùng. Không biết trị hạn, không biết trị thủy, càng không biết kiếm bạc cho quốc khố".

"Chúng ta không biết, nhưng hắn biết. Chúng ta không thể, hắn có thể".

Mã tể tướng vuốt râu cười.

"Hoàng thượng nói phải", dừng một chút, lại nói với giọng bất an, "chỉ là người muốn giao trọng trách lại cho tứ vương gia, chỉ e có kẻ không phục".

"Ngươi muốn nói Túc nhi?".

"Phải. Với tài trí của tứ vương gia, ngài ấy có thể giải quyết tất cả mọi trở ngại, không ai đủ khả năng uy hiếp được ngài. Ngoại trừ một người! Tài năng của tam vương gia, lão thần cũng rất bội phục. Nếu hai vị vương gia đồng tâm hiệp lực, lão thần tin chắc trong vòng năm năm quốc thổ sẽ khôi phục lại như thời Tiên đế; với khả năng trị hạn trị thủy và sự mẫn tiệp của hai người họ, Đại Tề mấy mươi năm sau, bách tính trong thiên hạ sẽ không phải chịu đựng thiên tai thêm lần nào nữa. Đáng tiếc, tâm tính của tam vương gia...".

"Đứa con này của trẫm...", hoàng thượng nặng nề thở dài, nếp nhăn trên trán hằn sâu. Hơn mười năm trước, phát hiện tam hoàng tử tài năng hơn người, thông minh cần mẫn, tuổi còn nhỏ đã có được sự bình tĩnh hiếm có; hoàng thượng trong lòng có ý muốn bồi dưỡng người tài cho ngôi vị thái tử. Cho đến khi... tứ hoàng tử xuất hiện. Đứa bé năm tuổi môi hồng răng trắng, ánh mắt sáng ngời, trên người thản nhiên bộc lộ khí thế vương giả khiến người xung quanh vô ý bị thu hút, đồng thời cũng khiến người người vừa sợ vừa thần phục, đó là cái "uy" của kẻ ở ngôi cao. Tứ hoàng tử bề ngoài lêu lổng, nghịch ngợm; thực chất mỗi ngày chạy ra khỏi hoàng thành đều là chạy đi giúp dân tị nạn, hắn chấp nhận gánh danh xấu chỉ để có bạc mua lương thực thuốc men hành thiện. Ngược lại, tam hoàng tử được triều thần ca ngợi công đức, nhưng hoàng thượng biết những sách lược, những cải cách bá quan khen lấy khen để chẳng qua là bài tập chép lại từ lúc nhỏ, hắn mang ra để đối phó qua loa, chứ chẳng hề dụng tâm suy nghĩ. Tài năng hắn có thừa, song tâm tư lại quá hời hợt, trong mắt hắn chỉ có bản thân, không có thiên hạ, càng không có bách tính, "chỉ hy vọng hắn có thể thay đổi".

Mã tể tướng nghe ra sự bất lực trong giọng nói của hoàng thượng. Tâm tính một người sao có thể dễ dàng sửa đổi? Càng huống chi người đó lại là tam vương gia. Vị vương gia này chính tà bất phân, xưa nay hành sự không quan tâm đúng sai phải trái, hoàn toàn chỉ dựa vào hai chữ "tâm trạng". Vô cùng tùy tiện. Biểu hiện bên ngoài hệt như một vị Bồ Tát sống. Nhưng sự thật nào có đúng như thế. Anh ta đi trị thủy vì "vừa hay" hoàng huynh của anh ta lập công diệt phỉ. Anh ta trời sinh thích mặc y phục trắng sáng không nhiễm bụi trần, được hoàng thượng cất nhắc đến Hộ bộ làm việc, chỉ vì nghe có kẻ bàn tán "Hộ bộ là nơi không "sạch sẽ" nhất trong các bộ" mới tiện tay đề nghị cải cách, tránh để bản thân "dính bẩn". Người này ngoài mặt là cao thượng, độ lượng không biết cáu giận; tâm tư thực chất lại hỷ nộ thất thường, không một ai đoán được anh ta nghĩ thế nào, muốn thế nào. Người như vậy nếu kế vị, giang sơn vạn dặm trong mắt anh ta không hơn một món đồ chơi trang trí. Ai biết anh ta sẽ đem giang sơn tung hứng hay vứt bỏ? 

Cả hoàng thượng và Mã tể tướng đều tin tưởng, chỉ có giao trọng trách cho tứ vương gia, mới có thể đảm bảo quốc thái dân an, vạn dặm giang sơn trường tồn.

Nhưng người mà bọn họ kỳ vọng nhất, lại là kẻ không muốn tranh giành nhất. 

Tứ Thụy kiên quyết làm một hoàng tử, trước sau như một, không muốn làm thái tử! Hắn nhìn thấy dân chúng lầm than, tham quan nhiễu loạn mới tự trách chính mình mười năm qua vì muốn bảo toàn bản thân mà mặc kệ triều đình, không quản triều chính. Vì hổ thẹn nên quyết định không tiếp tục trốn tránh, ích kỷ như trước. Nhưng vị trí thái tử kia, hắn vẫn không hề ngó ngàng đến. 

Sáng sớm ngày hôm sau, bá quan văn võ đứng thành hai hàng, chuẩn bị lên triều dự chầu thì bị Trương công công ngăn lại bên ngoài điện, nói hoàng thượng có khẩu dụ hủy bỏ buổi chầu; đồng thời hạ lệnh quan viên đến Bạch Ngọc đình, tứ vương gia mời mọi người thưởng hoa. 

Quan lại từ trên xuống dưới, từ trái qua phải nhìn nhau trợn mắt há mồm. Đây là chuyện gì? Hoàng thượng long thể suy nhược vẫn chưa từng hủy buổi chầu nào, huống chi hiện tại tình hình hạn hán phía Bắc còn chưa giải quyết xong, còn biết bao nhiêu việc cần xử lý, bọn họ còn cả đống tấu chương cần bẩm tấu. Sao nói hủy liền hủy? Còn tứ vương gia chẳng phải đang ở phía Bắc trị hạn hay sao, về lúc nào đấy? Bỗng dưng nảy ra cái ý định thưởng hoa kỳ quái gì thế này?

Quan văn nhìn quan võ, quan võ ngó quan văn. Chỉ có Mã tể tướng sắc mặt thản nhiên, ung dung đi trước dẫn đường, thấy không ai đi theo thì tốt bụng quay đầu ho một tiếng nhắc nhở, lúc này hai hàng người phía sau mới vội vàng nối đuôi đi tới. Bất kể phát sinh tình huống gì, hoàng thượng đã hạ khẩu dụ, bọn họ cũng chỉ có thể tuân mệnh mà thôi.

Phía ngoài Bạch Ngọc đình bố trí hai hàng ghế cùng bàn con, trên mỗi bàn đều có đặt bút lông và giấy trắng. Quả thật là khung cảnh thi vị. Tứ vương gia thực sự muốn mời triều thần ngắm hoa vịnh thơ? 

Đám tiểu thái giám dẫn các vị quan lớn đến chỗ ngồi, nhưng chờ mãi vẫn không thấy ai nhấc chân đi tới đúng vị trị, bèn ngẩng đầu thì trông thấy biểu cảm "hít thở không thông" của các vị đại nhân. Các thái giám cũng đưa mắt nhìn theo, đập vào mắt là bóng áo đỏ bên trong đình điểm lên phong cảnh hồ sen phía sau như bậc tiên nhân mới vừa bước ra từ bức họa phác chốn bồng lai tiên cảnh. 

Hơn phân nửa quan viên ở đây đều có đến tham dự lễ thành hôn của tứ vương gia. Ngày hôm ấy và ngay lúc này, tứ vương gia đều có cùng dáng vẻ kia. Tóc đen như mực không búi mang ba phần tùy ý, bảy phần sức quyến rũ. Màu đỏ trời sinh dành riêng cho tứ vương gia, ngay thời điểm giữa mùa hạ, bên dưới mái đình, phía trước hồ sen lại càng diễm lệ, đẹp như tranh vẽ. Hắn ngồi trên lan can, tư thế ung dung mà cao ngạo, bên trong vẻ tùy tiện lại chứa đựng uy nghiêm khiến kẻ khác không dám xem thường.

Triều thần sau một hồi nghi hoặc, cuối cùng cũng tự nhận ra, điều khiến bọn họ sinh ra cảm giác khác lạ chính là sự thay đổi của người trước mặt kia. Tứ vương gia trước kia trong mắt bọn họ đều là dáng vẻ tự tung tự tác, cười lên khiến người người điên đảo, vạn vật mất hồn; làm người ta vừa yêu vừa hận, nhưng cảm giác lúc nào cũng vừa xa vừa gần chứ không hề đáng sợ... như lúc này. Tứ vương gia chỉ lơ đãng đưa mắt nhìn tới, bọn họ đã cảm thấy ngột ngạt như trên đầu có đỉnh đồng đè xuống. Ngay cả khi diện kiến hoàng thượng cũng không thấy lo sợ, bất an đến mức này. Không giận mà uy, người trước mặt này bọn họ như chưa từng gặp qua!

Tứ Thụy hiện tại đã cất đi lớp mặt nạ ngày thường. Suốt hơn mười năm qua, mỗi giờ mỗi khắc, dù người đối diện là ai, hắn cũng đều che giấu bản thân, che đi tính cách, giấu đi tài năng. Cũng ngần ấy năm như vậy, hắn chưa từng dựa vào thân phận hoàng tử, thân phận vương gia tôn quý, cũng chưa từng đem cái tên Tiêu Cảnh Thù ra để hù ai hay tranh đoạt lợi ích gì. Mà ngày hôm nay, đúng hơn là kể từ thời điểm này, hắn quyết định ngẩng cao đầu làm vương gia. Một vương gia đáng tin cậy trong mắt dân chúng, đáng sợ trong suy nghĩ lũ tham quan, đáng để tự hào trong mắt người thân bên cạnh. 

Vì vậy, hôm nay tứ vương gia Tiêu Cảnh Thù sẽ đi đòi nợ! Một lần đòi nợ thu về cả gốc lẫn lời, mà nguyên tắc cho vay lấy lãi của hắn trước nay đều là cho vay 1, lấy lãi 10. Tuyệt đối không để bản thân chịu lỗ! 

Đến khi đám quan viên đầu đầy mồ hôi, Tứ Thụy mới đổi tư thế, xoay người lại đối diện với bọn họ, chân tùy ý gác lên ghế gỗ phía trước, tư thế thay đổi nhưng hình tượng vẫn thế, vẫn là cảm giác nhìn qua tùy tiện, nhìn lại uy nghiêm. Hắn hờ hững mấp máy môi rất khẽ nhưng tông giọng lại hạ xuống trầm khàn, lạnh lùng; thanh âm có nội lực trợ giúp truyền tới sát bên tai từng vị quan khiến ai nấy giật mình hoảng sợ.

"Các vị đại nhân, ngồi đi".

Đám quan viên liếc mắt nhìn nhau rồi vội vàng hướng về phía hắn vái chào:

"Tạ ơn vương gia".

Tứ Thụy khẽ "ừm" một tiếng, nhàn nhạt nói:

"Không cần đa lễ".

Hai hàng ghế sắp xếp ngay ngắn, có hai chiếc trong cùng không có người ngồi. Vốn là an bài cho hai vị hoàng huynh của hắn, nhưng Trương công công báo hôm nay cả hai vị vương gia đều nghỉ ốm, không lên triều. Tứ Thụy cũng không để tâm, hai người đó đến, hắn cũng không đòi được bạc từ trong tay bọn họ. Không đến cũng tốt! 

Những ghế còn lại đều đã kín chỗ. Lúc này mọi người mới để ý, ngoài hai chiếc bàn của hai vị vương gia vắng mặt và bàn của tể tướng đại nhân, tất cả chiếc bàn con khác đều có đặt giấy bút. Nếu là muốn bọn họ trổ tài ngâm thơ đối câu, tại sao tể tướng đại nhân lại không có phần? Là vì ông ta là võ quan? Nhưng ở đây phân nửa quan viên cũng là võ quan, ai cũng như ai không giỏi thơ phú. Hay là tứ vương gia e ngại thân phận của tể tướng đại nhân, ưu tiên cho ông ta giống như ưu tiên cho hai vị vương gia, tránh để bọn họ mất mặt? Rồi rút cục là ngâm thơ thưởng hoa hay là có dụng ý sâu xa gì? Hoàng thượng bảo bọn họ đến đây hầu tứ vương gia, là ngầm có ý đề bạt ngài ấy lên làm thái tử? Hay đơn giản chỉ giúp tứ vương gia thị uy, kể công trị hạn?

Tiếng xì xầm vang lên không ngớt. 

Tứ Thụy nhìn cảnh ấy mà nhếch môi, khẽ hất cằm cho Tiểu Lục Tử ở phía xa. 

Một đoàn thái giám, cung nữ tiến vào, cũng chia thành hai hàng. Trên tay mỗi người đều bê một cái khay. Bên trái khay đặt một chung trà, bên phải khay đặt một cuốn sổ, trên mỗi cuốn sổ là tên phân biệt của các vị đại nhân đang có mặt nơi này. Những người hầu hạ đem đồ đặt đúng vị trí rồi lui xuống. Tứ Thụy đổi tay chống cằm, môi hơi cong như cười như không, nói rất thản nhiên:

"Năm nay hoa sen nở sớm, hiện tại đã sắp tàn. Tiểu vương cảm thấy tiếc nuối, mới mời các vị đại nhân dời bước đến thưởng hoa. Tiểu vương trong lúc rảnh rỗi có làm mấy bài thơ, mong các vị không chê, mở ra xem xem hay dở thế nào".

Bên ngoài đình vội vàng vang lên tiếng "không dám, không dám", kế đến là tiếng lật sách, tiếng lách cách như hàng chục cánh tay đồng loạt run rẩy khiến ấm tách va vào nhau. 

Mã Địch Tranh nhìn triều thần sau khi đọc "thơ" thì đồng loạt hóa đá, sau đó thi nhau uống trà lấy lại bình tĩnh thì cúi đầu nén cười. "Ngài ấy" quả nhiên có biện pháp!

Nụ cười "lén lút" đó đi vào đáy mắt Tứ Thụy, hắn gọi ông ta:

"Mã đại nhân, mặt trời chẳng mấy chốc sẽ lên cao, đêm qua ta đến thỉnh an, phụ hoàng có nhắc đại nhân hai hôm trước vừa mới cảm mạo. Thưởng hoa là chuyện nhỏ, làm hại thân thể đại nhân hao tổn A Thụy sẽ cảm thấy có lỗi. Không bằng, ta gọi kiệu đưa đại nhân về phủ?".

Mã tể tướng cung kính đứng dậy, chắp tay với hắn rồi mỉm cười đáp:

"Tạ vương gia quan tâm. Lão thần một đời dính trên lưng ngựa, đối với thơ ca không có hiểu biết, đã khiến vương gia chê cười rồi. Không cần gọi kiệu, hôm nay thời tiết không tệ, lão thần muốn tự mình đi bộ trở về".

Tứ Thụy gật đầu đáp được rồi sai một tiểu thái giám tiễn ông ta ra về. 

Những người ở lại thân thể bất động, sắc mặt trắng nhợt như xác chết trôi ba ngày mới vớt lên. "Thơ" của Tứ Thụy dường như quá đặc sắc, đến mức triều thần quan lại nghẹn họng không thốt nên lời, mồ hôi túa ra như tắm, ánh mắt dán chặt vào "tập thơ" trước mặt. 

Trong những cuốn sổ đó, mỗi cuốn lại có nội dung không giống nhau. Tất nhiên, Tứ Thụy không có viết thơ viết văn gì cả, con người hắn trước nay không hứng thú với mấy thứ cầm kỳ thi họa, rảnh rỗi chỉ thích tìm sư phụ hắn uống rượu, luận kiếm. Còn trong đám sổ sách này, toàn bộ đều là "tác phẩm" của đám quan lại. Là tội trạng của bọn họ, những việc làm sai trái mà không ai khác chính những quan viên này là tác giả. Người nhẹ thì phạm ba đến năm tội: không làm tròn chức trách, nhận hối lộ, trao hối lộ, mua quan bán chức, bớt xén của công... Kẻ nặng thì tội viết kín sổ: sách nhiễu dân chúng, chiếm đoạt tài sản ruộng đất,  ỷ quyền ỷ thế, giả mạo chứng cứ hòng thoát tội, bao che người trong gia đình, họ tộc phạm tội,... Hơn năm trăm tội danh trong quy định gần như đều được viết cả ra, ngay cả đại tội cũng có người phạm phải. 

Tứ Thụy chỉ vào vị quan ngồi gần nhất.

"Tôn thượng thư, nghe nói cuối năm ngoái nhà giam của Hình bộ phóng thích không ít người, hiện tại có rất nhiều gian phòng trống?".

Tôn Đồng Diệp giữ chức Thượng thư, cai quản Hình bộ nhiều năm cũng được coi là kẻ từng trải, mỗi tháng đều có không ít ngày đến nhà giam ở Hình bộ, nghe tiếng la hét của tù nhân bị tra tấn, sắc mặt chưa từng biến hóa, đến chân mày cũng không chau lại. Vậy mà Tứ Thụy vừa dứt câu, chung trà trên tay vị thượng thư tam phẩm "choang" một tiếng, trực tiếp rơi xuống đất vỡ tan tành. 

Những người khác cũng không khá hơn. Từ mặt trắng chuyển sang mặt xanh rồi tím tái, cuối cùng lại tụt máu quay về trắng nhợt như cũ. Tiếng ma sát vang lên ken két, hai bên trái phải, đám quan lại không hội ý mà "đồng lòng" đẩy ghế đứng dậy, bước ra giữa lối đi, quỳ gối dập đầu sát đất, không một kẻ nào dám cử động. 

Bấy giờ Tứ Thụy mới đứng dậy rời khỏi lan can, bước từng bước ra ngoài đình, đứng ở bậc thềm nhìn xuống. Giọng hắn lộ rõ uy nghiêm, đanh thép cứng rắn, mang theo mấy phần tức giận:

"Đã là người, sống tất có sai, không ai là ngoại lệ. Nhưng các ngươi là quan, đáng lẽ nên làm gương thì ngược lại giành sai hết phần thiên hạ. Hơn năm trăm tội, không bỏ sót tội nào, các vị đại nhân quả thật khiến tiểu vương bội phục! Nếu căn cứ theo quy định Tề triều hình luật, toàn bộ các vị đều có cùng kết quả là bãi chức. Người nhẹ nhất thì vào nhà giam của Hình bộ ăn cơm sáu tháng, vài người trong số các vị phạm vào tử tội, thử nghĩ xem thích được Giảo, Khảm, hay Khiêu tùy cho các vị chọn. Đáng "khen" nhất là hơn phân nửa các vị ở đây một khi định tội sẽ được hộ tống đi lưu đày, khổ sai. Các vị phạm tội mới nhẹ làm sao!". 

Tứ Thụy mỉa mai cười khẩy một tiếng.

"Vương gia tha tội!".

"Vương gia tha tội!".

Đám quan vẫn đang quỳ mọp thất kinh hô lên, rồi lại thi nhau dập đầu. Bỗng một viên quan ở giữa hàng ngẩng phắt dậy, hai mắt đỏ ngầu, đứng dậy chỉ tay vào Tứ Thụy:

"Vương gia, ngài dựa vào cái gì mà định tội chúng ta? Ngài chẳng qua chỉ là một vương gia mới được tấn chức, không công không đức. Ngài nói chúng ta có tội thì ta phải nhận tội ư? Xử phạt quan viên phải trình lên Hình bộ, phúc thẩm rõ ràng. Có tội hay vô tội sẽ do Hình bộ xem xét, hoàng thượng định đoạt, chứ không phải dựa vào mấy lời cáo buộc bừa bãi của ngài!".

Không ít người cũng dần dần ngóc đầu lên, bọn họ trước nay đều không coi trọng vị vương gia không quyền không thế không có chỗ dựa này. Nghe thấy viên quan kia nói vậy thì động tâm, có ý muốn phản kháng, kêu oan. Đột nhiên bóng áo đỏ lóe lên, như tên rời cung, đột ngột mà lập tức phóng đi. Khi tiếng kêu rú vang lên thảm thiết, xung quanh mới phản ứng lại. Không ai hiểu nổi, tứ vương gia khoảnh khắc trước đó còn đứng trên bậc thềm, mới chớp mắt đã xuất hiện ngay cạnh viên quan kia. Trong khi rõ ràng bọn họ đều không thấy tứ vương gia có mang kiếm bên người. Kiếm kia là ở đâu ra? 

Tứ Thụy lạnh lùng nhìn cánh tay đứt lìa nằm bất động dưới đất, lạnh lùng hừ một tiếng, nhấc tay phóng kiếm trong tay ghim cứng vào cột đình. Đám quan lại vô thức nhìn theo động tác của hắn. Kiếm kia chuôi mạ bằng vàng, lúc này song song cách mặt đất chưa đến một bộ, đầu chuôi đính tua chỉ đỏ xâu ngọc bội hoa văn trang trí rồng bay... Là Ngự kiếm của Tiên đế! Hoàng thượng từng hạ chỉ, ai có Ngự kiếm ngoại trừ tể tướng, còn lại đều có quyền tiền trảm hậu tấu. Chỉ cần có thanh kiếm này trong tay, quyền cao hơn thái tử! Nhưng Tiên đế trước khi băng hà mới giao cho đương kim hoàng thượng, ý tứ rõ ràng là truyền lại ngôi vị. Còn hiện tại ngôi thái tử chưa lập, hoàng thượng trước nay không biểu lộ muốn lập ai làm thái tử, chưa từng giao kiếm cho vị hoàng tử nào, nay lại... Triều thần chấn động, chuyển ánh nhìn từ kiếm sang chủ nhân của nó. 

Người kia tư dung bất phàm, như tạc như họa, lúc này không còn vẻ trễ nải tùy ý mà lạnh lùng đứng đó, ánh mắt nhìn xuống kẻ bị chặt tay, lớn tiếng nói:

"Tiểu Lục, đọc để các vị đại nhân nghe cho rõ!".

Tiểu Lục Tử đứng hầu bên cạnh đình, Ngự kiếm vốn là cậu ta mang, khi nãy Tứ Thụy từ bậc thềm phóng đến chỗ Tiểu Lục Tử rút kiếm rồi mới tới chém viên quan nọ, chỉ là động tác hắn quá nhanh, những quan viên này đều không thấy rõ. Bọn họ nhìn "tấm gương" trước mắt, không dám nảy ra ý định gì nữa, khom lưng cúi đầu thật cung kính, chỉ sợ tứ vương gia nổi cơn thịnh nộ "tiền trảm hậu tấu" thêm vài nhát nữa thì chẳng biết ai là kẻ xui xẻo. Tiểu Lục Tử mở cuộn vải, đọc rõ ràng cụ thể, cứ đọc thêm vài câu là có thêm một viên quan run lên, có người còn té lăn ra đất, mặt cắt không còn giọt máu. 

Để Tiểu Lục Tử đọc xong, cất "chứng cứ", Tứ Thụy mới nhìn lại viên quan bị chém lúc này vì mất máu quá nhiều mà sắp ngất đến nơi. Hắn điểm huyệt cầm máu rồi mới nói:

"Ngươi hỏi ta dựa vào cái gì? Hiện tại đã nghe thủng chưa? Ngươi muốn bằng chứng, nhân chứng, thánh chỉ? Thứ gì bản vương cũng có. Đủ để có thể ngay lập tức xử trảm ngươi, treo đầu lên cổng thành. Tội của ngươi là một đại tội, bảy tội vi chế. Ngươi chết không oan đâu! Tất cả những người có mặt ở đây, khoác lên người quan phục, các ngươi đều không oan đâu!". 

"Chúng thần biết tội, xin được lập công chuộc tội. Khẩn mong vương gia khoan hồng đại lượng".

"Khẩn xin vương gia khoan hồng đại lượng".

Tứ Thụy nhìn bọn họ rồi nhìn Tiểu Lục Tử, phất tay ra hiệu. Tiểu Lục Tử đi tới chỗ viên quan nọ, lôi ông ta dậy. Kẻ này tưởng Tứ Thụy ban cho ông ta cái chết, hoảng sợ bò tới dập đầu lia lịa.

"Tội thần biết sai, tội thần biết sai rồi. Xin vương gia từ bi, đừng giết tội thần".

"Ngươi không cần hoảng. Ta không giết ngươi, cũng không giết vị nào ở đây cả", Tứ Thụy điềm nhiên nói, rồi quay sang sai Tiểu Lục Tử, "mau đưa Liễu đại nhân đi trị thương". 

"Tạ... tạ ơn vương gia".

Hắn chợt nhớ ra điều gì, đi đến bên bàn vốn là chỗ của viên quan họ Liễu bị chặt tay, cầm chiếc bút lông viết lên tờ giấy trắng được chuẩn bị sẵn trước đó rồi tới đưa cho ông ta, híp mắt cười:

"Phần của Liễu đại nhân không nhiều, không ít, chẵn một trăm bảy mươi vạn lượng bạc".

Đối phương trợn mắt, hoảng sợ hô lên:

"Vương gia tha mạng, tội thần lấy đâu ra số bạc lớn như vậy?".

"Tiểu vương đã nói sẽ không lấy mạng của vị nào cả. Còn bạc, Liễu đại nhân phủ đệ xa hoa, ruộng đất trong kinh thành lẫn ngoại ô đều có phần của ngài. Chỉ cần bán đi vài thứ là đủ thôi. Hay đại nhân cần bạc, không cần mạng?".

Viên quan họ Liễu cứng họng. Ông ta đương nhiên cần mạng, nhưng một trăm bảy mươi vạn đồng nghĩa với cái gì? Là cả gia tài, giao ra rồi về sau đừng nói mỗi ngày ba bữa, rau thịt đầy đủ; chỉ e toàn gia trên dưới phải gặm lương khô mà sống qua ngày mất! 

Tứ Thụy đi tới, dựa lưng vào cột đình, mặt trời vừa nhích lên một độ cao mới, nắng rót lên gương mặt hắn sáng bừng, hào quang lan tỏa. Toàn thể quan viên cho dù đang kinh hãi, đang tiếc của, đang suy nghĩ rối rắm bao điều thì nhìn thấy dáng vẻ hắn như vậy lại lạc mất hồn vía. Hắn tươi cười với bọn họ, nhẹ nhàng nói:

"Một đại tội chuộc bằng một trăm vạn lượng, những tội khác tính là mười vạn lượng một tội danh. Các vị đại nhân học thức uyên thâm nhất định sẽ không tính nhầm, nếu như có nhầm lẫn tính sai, hay tới hạn nộp mà có vị ngủ quên không mang đến, tiểu vương sẽ phụng bồi tiễn các ngài đến Hình bộ cho các vị chọn ở tạm bợ hay trú lâu dài. Ngày mùng một tháng sau là ngày tốt, thích hợp xuất môn bái phỏng thăm viếng, phiền các vị đại nhân hôm đó trước giờ Ngọ mang tiền chuộc đến kho bạc của triều đình, nhập vào quốc khố". 

Đúng là kẻ khiến người người vừa yêu vừa hận! Đám quan viên cả người bủn rủn, khí huyết không thông, lồng ngực tức nghẹn. Nhưng bọn họ có thể thế nào? Ai bảo bản thân làm việc xấu, đã làm việc xấu còn không giỏi che giấu! Bị kẻ khác tóm lấy đằng đuôi, còn có khả năng chạy thoát được sao? Người ta có nhân chứng, vật chứng, còn có Ngự kiếm trong tay. Là nhị vương gia hay tam vương gia thì bọn họ còn có thể lấy lòng, dùng ngân lượng, dùng bảo vật, hay tốt nhất là dùng việc ủng hộ cho ngôi thái tử để được tha mạng. Nhưng người này là tứ vương gia! Trong kinh thành có kẻ nhiều tiền hơn tứ vương gia "kinh doanh" cho vay nặng lãi nhiều năm? Đến hoàng thượng còn từng thiếu nợ ngài ấy. Bọn họ muốn dùng tiền mua chuộc? Không có khả năng! Dùng bảo vật trân quý? Chỉ cần ngài ấy nở một nụ cười, bao nhiêu bảo vật cũng thành thứ phế phẩm, ai còn dám đem tới trước mặt ngài ấy dâng lên? Còn việc ủng hộ tranh ngôi thái tử? Càng không cần nói đến. Đã có Ngự kiếm "mở đường máu", ngài ấy còn cần kẻ khác lót đường hay sao? 

Bọn họ ngoài nộp bạc ra thì chẳng còn cách nào khác. Bạc còn có thể kiếm lại, mạng thì không thể đâu!

Đám quan lại nhìn nhau trao đổi ý rồi hít một hơi, đồng thanh dập đầu lần nữa:

"Tạ ơn vương gia".

Tứ Thụy cười một tiếng, rút kiếm ra ném cho Tiểu Lục Tử bảo quản. Hắn dời gót, sắp đi khỏi lại vờ như sực nhớ ra, khẽ "à" như thể giật mình mà nói:

"Quên chưa nhắc các vị đại nhân. Về sau nên học cách quản gia, tiết kiệm một chút. Bạc... không thể kiếm bằng cách thức như trước đâu. Cho các vị dùng tiền chuộc tội, có hai nguyên do. Thứ nhất, nếu trừng phạt thích đáng thì triều đình diệt vong, thiên hạ đại loạn. Thứ nhì, các vị sai, triều đình càng sai, chế độ quan liêu biến các vị thanh quan thành tham quan, lương quan thành bạo quan; là trách nhiệm của triều đình, là sự bàng quan của tiểu vương. Nhưng xin các vị nhớ cho, mọi tội trạng đã xóa bỏ thì đừng bao giờ lặp lại. Tiền chỉ chuộc được một mạng, nếu có lần thứ hai, một trăm vạn cũng không đủ chuộc một ngón tay đâu".

Hắn đung đưa ngón trỏ trước mặt, khẽ lắc lắc đầu, còn cười rạng rỡ nháy mắt một cái rồi mới quay lưng dời gót.

Bóng áo đỏ xa dần, đám quan viên khó nhọc đứng dậy, khom lưng chống gối run rẩy nhìn theo hướng hắn rời đi. Người giậm chân đấm ngực, kẻ nghiến răng nghiến lợi. Nhìn tờ giấy trắng sắp thành giấy nợ mà tứ vương gia muốn bọn họ tự viết, trong bụng vừa tức vừa không cam lòng, còn có tia cảm xúc không nắm bắt được. Chỉ có một điều bọn họ dễ dàng xác định: 

"Yêu nghiệt! Kẻ này chính là yêu nghiệt!".

Hại bọn họ thật thảm mà!

Chú thích:

Giảo: thắt cổ

Trãm: chém đầu

Khiêu: chém bêu đầu

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.