Tứ Mạc Hí

Quyển 1 - Chương 15



Ngây ngẩn tới hơn nửa ngày tôi mới nhớ ra mình đang bỏ nhà chạy trốn, trên đường đi thì xe bị hỏng, tương phùng với Nguyễn Dịch Sầm nhiều năm không gặp, anh ta cũng tới đảo Trường Minh, tiện đường cho tôi quá giang một đoạn. Chúng tôi nghỉ ngơi vài đêm ở khách sạn thành phố C, sau đó tiếp tục hành trình trong màn mưa phùn nhẹ, và rồi chiếc bùa bình an lay động trên xe đưa tôi vào mộng đẹp. Trong cơn mơ tôi hoài niệm lại quá khứ, hòn đảo xinh đẹp an tĩnh ngoài khơi xa, pháo hoa lộng lẫy sáng chói trên bầu trời, dưới màn mưa pháo hoa rực rỡ là Nhiếp Diệc, nhưng chuyện này đã xảy ra từ ba năm trước, vào tháng 8 năm 2017. Mà hôm nay là ngày 27 tháng 11 năm 2020. Tôi hạ cửa sổ xe, đập vào mắt là những hàng cây cao vút bên đường. Mùa đông ở miền Nam dù sao cũng sót lại một ít màu xanh, chẳng như một mảng xơ xác tiêu điều tại phương Bắc. Nguyễn Dịch Sầm đang tựa người vào xe hút thuốc.

Tôi hỏi dò anh ta: “Anh có mệt không? Hay là để tôi lái xe tiếp cho.” Anh ta không đáp lời, dập tàn thuốc, mở cửa xe ngồi vào, thắt dây an toàn rồi khởi động xe lần nữa, một loạt động tác không chút dư thừa. Sáu năm trước, anh ta còn là một cậu thanh niên anh tuấn cưỡi xe máy phân khối lớn, mà giờ đây lại dũng mãnh chạy con xe việt dã cấp G, nhưng phẩm vị lại không mảy may biến đổi, vẫn gương mặt khôi ngô ấy, vẫn cái bản tính thô lỗ ấy.

Tôi thở ra một hơi, cảm thán: “Thật là oách.” Anh ta đột nhiên nói: “Lúc ngủ em đã khóc.” Tôi dừng hai giây, nói: “Có phải anh nhìn lầm rồi không?”

Anh nói: “Em còn gọi tên ‘Yi’ (1). ” Tôi dừng hai giây một lần nữa, nói: “Yi? À, chẳng phải là gọi anh sao? Chắc do anh đưa tôi đi đảo Trường Minh làm tôi cảm động quá đỗi, ngay cả trong mơ cũng không quên cảm ơn anh.” Anh ta trầm mặc trong chốc lát: “Nếu như người em gọi chính là tôi, thì em đã không cầu xin tôi buông tha cho em.”

(1) Cả Dịch và Diệc đều có phiên âm là Yi. Tôi dựa vào lưng ghế, một lúc lâu, hỏi anh ta: “Tôi đã nói vậy sao?” Anh ta liếc mắt nhìn tôi một chút: “Em nói không có thời gian, không trị dứt được, em xin hắn thả em đi.”

Mặt tôi không chút thay đổi nói: “Ừm.” Mắt anh ta nhìn về phía trước, như đang cân nhắc dùng từ, một lát, nói: “Hình như hắn là bạn trai của em, lúc đó hai người xảy ra vấn đề không nhỏ đâu.” Tôi thở dài: “Được rồi, bị anh nhìn ra rồi, đúng đó, vấn đề rất là lớn.”

Trong xe nhất thời tĩnh lặng, qua 30 giây, anh ta nói: “Em không phải là người bốc đồng, cho nên hắn hẳn là người gây chuyện.” Tôi không muốn tiếp tục đề tài này, nói cho có lệ: “Hiếm khi thấy anh khen tôi như thế.” Anh ta đột nhiên nói: “Năm đó khi hai chúng ta quen nhau, cũng không phải lỗi ở em, là do tôi cả.”

Tôi kinh ngạc nhìn anh ta. Dường như anh ta còn muốn nói gì đó, nhưng tiếng chuông di động bỗng vang lên trong không gian nhỏ hẹp, anh ta vươn một tay lấy điện thoại, đầu bên kia là một người phụ nữ nói lớn tiếng như đang phát điên, lời nói mơ hồ lọt khỏi ống nghe. Tôi quay đầu nhìn phong cảnh ngoài cửa sổ, nghe thấy Nguyễn Dịch Sầm lạnh lùng mở miệng: “Hôm qua đã nói xong hết với cô, chúng ta chia tay rồi.” Có thể là đối phương hỏi anh ta lý do, anh ta nói: “Không lý do gì hết, chỉ là đã tới lúc rồi.” Không biết người ta tiếp tục nói gì, anh ta đáp: “Đừng khiến cho cả hai chúng ta cùng khó xử.” Người ta hình như đang khóc, cũng có thể là ảo giác của tôi.

Có một hồ nước nhỏ yên tĩnh xẹt qua cửa sổ, giữa hồ có một con thuyền gỗ đang đậu. Lần gần đây nhất tôi được ngồi thuyền vọc nước là khi nào nhỉ? Phân nửa cuộc đời, tôi đã từng lênh đênh trên những chiếc du thuyền ngoài biển rộng, một năm ít nhất phải ra ngoài rong ruổi một lần, những thú vui nhàn nhã nơi thôn quê hoang dã như vậy lại khiến cho tôi cảm thấy tươi mới. Nguyễn Dịch Sầm đã ngắt điện thoại nhưng vẫn không quên tiếp tục đề tài chúng tôi vừa nói, anh ta hỏi tôi: “Nếu như năm đó tôi qua Mỹ tìm em…” Chúng tôi vẫn phải đi cùng nhau ít nhất hai ngày nữa, nhưng cái đề tài này hiển nhiên là không thích hợp để tiếp tục bàn luận thêm, tôi ngắt lời anh ta: “Nói chia tay với phụ nữa thì phải ôn nhu một chút, một người bạn của tôi nói, chia tay cũng là một môn nghệ thuật, phải làm thế nào để hai người cùng vui vẻ mới hay, anh chia tay người ta như thế kia thiệt là thất bại.”

Anh ta nói: “Không có tình yêu thì chia tay thế nào cũng được, nếu có tình yêu, chia tay kiểu gì mới có thể vui vẻ?” Tôi nói: “Đây là một câu hỏi hay, khi nào đó sẽ thảo luận với anh.” Nói xong liền đem áo da nhấc cao phủ qua đầu, thì thào nói với anh ta: “Tôi đi ngủ một chút, người lại thấy hơi mệt rồi.” Trên cơ bản thì tôi đã hiểu, khi một người đã cố ý bàn luận một vấn đề gì đó thì dù mình có tránh né cỡ nào cũng không ngăn nổi, ngày hôm nay không biết Nguyễn Dịch Sầm uống lộn thuốc gì mà cứ hở một tí là lại đả động lại chuyện của chúng tôi năm đó. Nếu cứ tiếp tục trò chuyện với nhau, thể nào anh ta cũng có thể hỏi ra cái câu “Năm đó sau khi chúng ta chia tay, em cảm thấy thế nào”, nhưng có một số việc nên kết thúc ở nơi mà nó nên kết thúc, không cần thiết phải nhắc lại. Tựa như bị mất phương hướng trong rừng rậm thì cứ nên tiếp tục quanh co trong đó, chỉ như vậy mới có thể tiếp tục cảm thấy khu rừng này thật đẹp.

Đến thành phố tiếp theo đã là gần hai giờ, chúng tôi tùy ý tìm một cái quán cóc để ăn lót dạ, khi tiếp tục lên đường thì có đi qua một công viên nhỏ. Mưa mùa đông vẫn hay thất thường như thế, dù ở thành phố C mưa có to đến mấy thì tại thành phố E lại không có lấy một giọt mưa nhỏ. Hôm nay bầu trời thành phố E xanh thẳm ôn hòa, lúc đi qua công viên, nhìn qua cửa sổ có thể thấy được rất nhiều thị dân ra ngoài phơi nắng. Tôi nhìn chằm chằm bên ngoài, nói: “Này, anh đi chậm một chút.”

Nguyễn Dịch Sầm hỏi tôi: “Có người quen sao?” Không có người quen, chỉ là thấy hai cụ già đang dìu nhau tản bộ. Tôi đã từng đọc một tản văn so sánh những người trẻ tuổi cả ngày hễ mở miệng ra là nói chuyện yêu đương oanh oanh liệt liệt cùng với những ông lão bà lão tóc bạc trắng chỉ đơn giản sóng vai nhau mà dạo bước trong công viên. Những người trẻ tuổi sao có thể địch nổi các cụ già, trên thế gian này, người yêu nhau thì có rất nhiều, nhưng sống với nhau đến khi bạc đầu thì liệu rằng được mấy người? Mấy thứ tình yêu oanh oanh liệt liệt kia thế mà lại không chịu nổi thử thách để có thể đầu bạc răng long, nếu như chỉ cần yêu nhau là có thể cùng nhau bách niên giai lão thì đã không có bi kịch Lương Chúc, không có trái ngang Bảo Đại, không có đau thương Tiết Thiệu – Thái Bình. Có đôi khi vận mệnh đã sớm an bài kẻ ở người đi, đó âu cũng là chuyện lực bất tòng tâm.

Cạnh bồn hoa có một cục cưng dễ thương như hạt đậu đỏ trong chiếc bánh trôi nước, đậu đỏ đột nhiên loạng choạng ngã một cái, người mẹ trẻ nhanh chóng chạy tới đỡ con, đậu đỏ nhào vào lòng mẹ mếu máo, dù khóc thút thít nhưng lại cố không rơi nước mắt, vừa nhìn cứ như là đang giả khóc, cô bé mang một cái mũ tai thỏ trên đầu, vì đang sụt sùi nên đôi tai cứ theo đó mà rũ rũ xuống. Tôi không hề biết là mình đang cười, Nguyễn Dịch Sầm phân tâm hỏi tôi: “Có gì vui sao?” Tôi quay đầu hỏi anh ta: “Nhìn tôi rất vui à?” Anh ta không nói tiếp, đưa chiếc điện thoại mặt sau có ốp gương cho tôi soi, trên gương phản chiếu một gương mặt tươi cười.

Tôi ngẩn người, lấy son môi từ chiếc túi phía sau, nói với anh ta: “Anh cứ từ từ lái xe, tôi trang điểm lại một chút.” Từ miền Nam ngược ra phương Bắc, những ngọn cây xanh mướt cứ từ từ khuất lại sau lưng, mùa đông phương Bắc hiu quạnh mà trầm mặc, nhìn ra ngoài cửa sổ xe, đập vào mắt là hàng cây đang trong kì rụng lá đứng trơ trụi, nước trong sông hồ nhân tạo cũng đã đóng băng hết cả. Đảo Trường Minh chỉ còn cách 200 cây số, ngài mai là có thể đến nơi. Mấy ngày nay, vừa lên xe là tôi liền giả bộ ngủ, lúc dùng bữa thì luôn cố tình tìm một quán cơm thật náo nhiệt, đến khách sạn check in xong liền lập tức trốn biệt vào phòng nên chưa từng có một cuộc nói chuyện đàng hoàng với Nguyễn Dịch Sầm. Thật không ngờ tối nay cuối cùng anh cũng tới gõ cửa phòng tôi.

Tôi tới gần của phòng nói với anh ta: “Tôi chuẩn bị ngủ rồi.” Anh ta không thèm nể mặt: “Mới có 9 giờ.” Tôi nói: “Tôi vẫn hay ngủ sớm.”

Anh ta đáp: “Tôi chờ em ở phòng trà trên tầng cao nhất.” Bổ sung một câu: “Không gặp không về.” Đại khái tôi vẫn đoán ra được Nguyễn Dịch Sầm chờ tôi làm gì, năm đó tôi không cảm thấy anh ta là một người cố chấp đến vậy. Thời gian thật thần kì, chỉ cần bạn còn sống, người ta và bạn cùng tồn tại, thời gian sẽ giống như một bậc thầy điêu khắc, dùng tháng năm đằng đẵng, đem mỗi người chạm trổ thành một loại hình dạng khác hoàn toàn với lúc ban đầu. 9 giờ 20′, tôi đúng hẹn đi tới phòng trà trên tầng cao nhất. Mái vòm làm bằng thủy tinh được ghép lại từ những ô kính to trong suốt, ở phần rìa còn được khảm pha lê nhiều màu. Qua mái vòm có thể thấy được vầng trăng cô đơn treo trên bầu trời lạnh lẽo hoang vắng. Nguyễn Dịch Sầm chọn một chỗ hơi khuất ngồi uống rượu.

Tôi đi tới rồi ngồi xuống, chờ anh ta nói trước. Uống nửa ly rượu đỏ tới cạn đáy, anh ta mới lên tiếng: “Sau khi em đi Mỹ tôi cũng bay qua Pháp.” Anh ta dừng một chút: “Có lẽ hồi trước em cũng thích tôi, nhưng vẫn chưa thể nói đó là tình yêu.” Trên bàn đã bày đủ trà cụ, tôi dùng thìa xúc ra một chút hồng trà, tự pha cho chính mình một chén. Tôi nói: “Sau khi uống rượu lại dùng trà không tốt đâu, có muốn gọi cho anh một ly nước chanh không?”

Anh ta lắc đầu, chúng tôi đều đã mở lời nhưng lại không giống như đang trò chuyện với nhau. Anh ta tiếp tục: “Chia tay với em làm tôi cảm thấy mình rất thất bại, sau đó tôi cũng hẹn hò với nhiều cô gái khác nhưng đều qua lại không lâu.” Tôi nói: “…Lạ thật, chắc tôi không quan trọng đến vậy đâu.” Anh ta nói: “Nhiếp Phi Phi, em là mối tình đầu của anh. Khi đó anh rất thích em.”

Tôi nghi ngờ là tai mình không bình thường, tôi cầm chén trà hơn nửa ngày, không tiếp lời. Anh ta dường như cũng không cần câu trả lời của tôi, tiếp tục nói: “Lúc còn ở Pháp anh không quá để tâm việc đi tìm em, năm ngoái anh về nước, sau khi về cũng không nghĩ tới chuyện chúng ta có thể gặp lại nhau. Em vốn chậm chạp, anh thì lại có lòng tự tôn quá cao. Tôi gật đầu, nói: “Tôi hiểu.”

Anh nói: “Dáng vẻ của em vẫn y như thời đại học.” Tôi nói: “Chắc lúc đó phải xinh hơn bây giờ nhiều chứ.” Anh ta nhìn tôi thật lâu, nói: “Phi Phi, chúng mình không thể bắt đầu lại ư?”

Trà bị sặc trong cổ họng, tôi thật sự không ngờ anh ta lại nói những lời này, thực ra từ lúc anh ta nói tôi là mối tình đầu của mình tôi đã bất ngờ lắm rồi, trước đây tôi vẫn mơ màng nghĩ rằng, năm đó hai chúng tôi chia tay thế nào cũng mờ mịt không rõ, thậm chí hai bên còn chưa kịp nói lời từ biệt nhau, có lẽ anh ta cần làm cho rõ ràng vài chuyện về tôi, cần tìm tôi xác nhận lại để đặt một dấu chấm hết viên mãn cho một thời tuổi trẻ ngây ngô của mình. Một lát sau, tôi nói: “So với thời đại học thì anh thẳng thắn hơn nhiều.” Anh ta hơi ngửa đầu nhìn ánh trăng trên trời, chậm rãi nói: “Lúc đó lẽ ra nên tặng em hoa hồng, hẹn em đi nghe ca kịch, từng bước từng bước chậm rãi theo đuổi em, chờ đến một ngày nào đó em hỏi anh muốn làm gì, có thích em hay không? Em sẽ vĩnh viễn không bao giờ tự thân vận động, đối mặt với em vẫn nên trực tiếp một chút thì hơn.”

Tôi nói: “Nguyễn Dịch Sầm.” Anh ta ngắt lời tôi: “Anh biết giờ em đã có bạn trai, nhưng anh vẫn cho rằng chuyện đó và việc anh theo đuổi em không có gì mâu thuẫn cả.” Tôi lại tự rót cho mình một chén, khi đặt ấm trà xuống tôi nói: “Nguyễn Dịch Sầm, năm nay tôi đã 26 tuổi.”

Anh ta nói: “Anh biết.” Tôi nhìn anh ta: “Tôi đã có một đứa con gái, một tuổi rưỡi, đi đứng rất vững, nói chuyện cũng giỏi, lúc tôi bị bệnh con bé liền nhào vào lòng tôi, vỗ về tôi, bập bà bập bẹ gọi tôi ma ma.” Anh ta ngồi đó sững sờ.

Tôi nói: “Thực ra tôi không có bạn trai, nhưng tôi đã có chồng rồi, anh ấy tuyệt lắm.” Trong phòng trà vẫn đang phát nhạc cổ điển, âm thanh cực kì nhỏ. Anh ta lặng người hồi lâu, đưa tay móc ra một bao thuốc lá, ở đây cấm hút thuốc cho nên anh ta không khui gói thuốc ra, chỉ cầm cầm trong tay ngắm nghía. Lúc bao thuốc lá trong tay anh ta bị xoay vòng đến lần thứ 15, anh ta mới ngẩng đầu hỏi tôi: “Em kết hôn rồi? Là do ba mẹ em sắp đặt à?”

Tôi đem chén trà đặt trên bàn: “Chúng tôi tự do yêu đương.” Anh ta cầm lấy nửa ly rượu đỏ, vừa uống vừa nói: “Người ấy như thế nào?” Tôi trả lời quy củ: “Là một nhà khoa học.”

Anh ta nói: “Hừm, nhà khoa học, nhà khoa học thì có gì tốt chứ?” Tôi nói: “Cưới một nhà khoa học có lợi vô cùng, anh ấy tham gia sáng lập hiệp hội đông lạnh cơ thể người Robbert Ettinger, sau khi anh ấy qua đời sẽ lấy dung dịch nitơ lỏng ướp lạnh di thể, tất nhiên, trước khi anh ấy qua đời, vợ anh ấy cũng sẽ được ướp lạnh. Nếu một ngày nào đó có thể thực hiện rã đông cơ thể mà sống lại, anh ấy cùng vợ mình có thể cùng nhau nhìn thấy thế giới mới trong tương lai.” Ly rượu đỏ đã bị uống nửa, anh ta nói: “Loại chuyện khó tin này…Em gả cho người kia, chắc chưa đến nỗi là vì hắn có thể dùng em làm thí nghiệm đấy chứ.”

Tôi nói: “Đương nhiên là vì tôi yêu anh ấy.” Anh ta giương mắt: “Em mà biết thế nào là yêu ư?” Tôi nói: “Đương nhiên, đương nhiên là tôi biết.”

Anh ta xoa nhẹ huyệt thái dương hỏi tôi: “Em yêu hắn vì cái gì?” Tôi lấy bã trà bỏ ra khỏi chiếc ấm sứ Tử Sa, nói: “Anh ấy là một thiên tài, nghiên cứu những đề tài sinh vật học phức tạp, thành thật mà nói, anh ấy nghiên cứu cái gì tôi hoàn toàn không hiểu nổi, nhưng anh ấy không phải là kiểu người dành toàn bộ thời gian cặm cụi đóng góp cho học thuật của giới khoa học, anh ấy nghĩ rằng giải thích sự bí ẩn của sinh mệnh là một công trình có ý nghĩa, nhưng đó chẳng phải là một trận đấu, không nên cùng người khác ganh đua cao thấp, cho nên anh ấy dành rất nhiều thì giờ để theo đuổi những thú tiêu khiển khác, tự mình bắt tay sắp xếp vườn tược, chơi bonsai, nuôi cá cảnh, nghiên cứu kì phổ (sách dạy đánh cờ), sưu tầm trà cụ, xem sách giải trí, đúng rồi, còn học bắn cung nữa.” Tôi tựa như thao thao bất tuyệt thuyết minh chuyện cũ của một người, càng nói càng hăng: “Lúc anh ấy còn làm bác sĩ, ông thầy suýt chút nữa là đoạt giải Nobel rất không hài lòng với cách suy nghĩ này của anh, thầy giáo ân cần chỉ bảo: ‘Nếu như con dành nhiều thời giờ hơn cho việc nghiên cứu thì con sẽ thu được thành quả mà người khác không thể nào tưởng tượng nổi.’ anh ấy hỏi thầy: ‘Sau đó thì sao?’ thầy giáo thành tâm thành ý nói với anh: ‘Con cống hiến cho nhân loại nhiều bao nhiêu thì vị trí của con trong xã hội cũng cao bấy nhiêu.’ cuối cùng, anh vô cùng bình thản nói với thầy: ‘Chuyện của nhân loại thì cứ để nhân loại giải quyết, mục tiêu sắp tới của con là nâng cao địa vị của mình trong gia đình, việc đầu tiên phải học là thay tã cho Nhiếp Vũ Thì.’ thầy giáo tức giận đến đứng không vững.”

Tôi vừa nói vừa cười, Nguyễn Dịch Sầm nhìn thẳng vào tôi: “Em rất sùng bái hắn.” Tôi mở miệng nói: “Anh ấy cũng có sở đoản của mình, Vũ Thì được hai tháng tuổi anh ấy mới dám bế nó, mà bế cũng không nên hồn nên dáng, mỗi khi bị anh ấy ẵm Vũ Thì đều khóc, câu đầu tiên mà trẻ con nhà người khác tập nói đều là ba ba với ma ma, nhưng câu đầu tiên mà Vũ Thì tập được lại là ba ba hư.” Khi kể chuyện, tôi có thể cảm nhận được khóe môi mình đang nhếch lên không ngừng, tôi bèn lấy ảnh chụp trong ví, chủ động đưa cho Nguyễn Dịch Sầm xem. Trong ảnh là cảnh biển cả mênh mông khi mặt trời ngả về Tây, ánh nắng vàng kim nhuộm toàn bộ bãi biển thành một màu đỏ như lửa đốt, Nhiếp Diệc ngồi xếp bằng trên bờ cát, ngồi xiêu vẹo bên cạnh là Nhiếp Vũ Thì bé bỏng. Lưu lại là bóng lưng của hai người họ.

Nguyễn Dịch Sầm nhìn một hồi lâu, nói: “Sao lại không có em?” Tôi hào hứng dạt dào: “Tôi đang cầm máy ảnh mà. Nhiếp Diệc thực tình không biết cách chăm sóc con, tôi chỉnh cho hai cha con ngồi tư thế này, cuối cùng anh ấy không nhìn Vũ Thì lấy một cái, chỉ tự mình tạo dáng ngồi cho thật đẹp, Vũ Thì chống đỡ được 30 giây là bắt đầu nghiêng nghiêng ngả ngả, rốt cuộc đập trán vào một cái vỏ sò, nước mắt nước mũi tèm lèm khóc lóc kêu gào ba ba hư, đó là lần đầu tiên Vũ Thì nói được, thực sự làm cho tôi vừa khiếp sợ vừa buồn cười.” Nhìn tấm ảnh trước mặt, lòng tôi bất giác mềm lại. Nguyễn Dịch Sầm trầm mặc một lúc lâu, hỏi tôi: “Nếu hắn ta thực sự tốt như vậy, sao em lại rời khỏi hắn, rời khỏi con gái của mình?”

Tựa như đột ngột bị giội một chậu nước lạnh, tôi rùng mình. Tôi không cười nổi nữa, một lát sau, nói: “Có chút chuyện gia đình, trước sau gì cũng phải giải quyết. Muộn quá rồi, tôi về ngủ đây, anh cũng nghỉ ngơi sớm một chút.” Trong phòng không bật đèn, tôi tựa vào ô cửa sổ, chiếc rèm đã bị vén lên, có thể thấy được ánh trăng trơ trọi trên bầu trời. Ở trên cao không chịu nổi rét lạnh, bầu trời tuy trong trẻo nhưng vắng lặng, khác với bao ngôi nhà trên nhân thế đã lên đèn. Những khu chung cư gần gần xa xa ngoài ô cửa kính vươn cao như măng mọc, ánh sáng ấm áp lọt ra từ từng khung cửa sổ, mỗi đốm sáng là một gia đình.

Gia đình là đơn vị nhỏ nhất cấu thành xã hội loại người, là nơi ấm áp nhất thế gian. Vì sao tôi phải rời bỏ gia đình mình?.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.