Tư Thái Cung Phi

Chương 170: Chiến sự



Edit: Xuân Tu viện.

Beta: Huệ Hoàng hậu.

Thượng Dương cung.

Gần đây hẳn là Hoàng đế khá bận, nhưng chỉ cần có thời gian đến hậu cung, thì thế nào hắn cũng muốn tới thăm Hoa Thường đang ở cữ một chút, hơn nữa còn bế Thập Hoàng tử đang nằm trong tã lót đến.

Hoa Thường ôm Thập Hoàng tử đang nhắm nghiền hai mắt ngủ đến không biết động tĩnh xung quanh, ánh mắt nàng trở nên ôn hoà hơn, sau đó nhìn Hoàng đế rồi cười nói: "Có phải Thập Hoàng tử ở Kiến Chương cung đã quấy nhiễu đến Hoàng thượng không? Trẻ con chưa nhận thức được gì, chỉ biết gào khóc, nếu Hoàng thượng phiền muộn thì đưa Thập Hoàng tử trở về đây đi, tuy thần thiếp còn ở cữ nhưng vẫn có thể chăm sóc được."

Hoàng đế nhìn Hoa Thường mặc trung y, tóc dài đến eo, hắn cười nói: "Thập Hoàng tử rất hiểu chuyện, là một đứa bé ngoan ngoãn, nhũ mẫu bảo trẻ con ngoan như thế rất hiếm thấy, trẫm thật sự thích nó. Trẫm lớn tuổi rồi, nhìn tiểu nhi tử ở bên cạnh mình cũng vui hơn một chút."

"Gần đây trẫm bận rộn chính sự, dường như chỉ còn thiếu mỗi cách phân thân ra thôi, đã mấy ngày không tới thăm nàng. Trẫm biết, hoàng nhi là đứa nhỏ được nàng hoài thai mười tháng, liều chết hạ sinh, chắc chắn nàng rất nhớ nó, chỉ là trẫm thích quá nên trước tiên cứ để nó ở bên cạnh trẫm mấy ngày đi. Đợi nàng ra cữ rồi, dưỡng thân thể thật tốt, trẫm lập tức đưa hoàng nhi về, nàng không cần phải lo lắng."

Hoa Thường nở nụ cười, nhẹ nhàng nói: "Thần thiếp biết gần đây Hoàng thượng bận rộn chính sự, trên mặt chẳng hề xuất hiện nụ cười, nếu hoàng nhi có thể khiến Hoàng thượng thả lỏng vui vẻ một chút, sao thần thiếp lại lo lắng chứ? Thân thể thần thiếp yếu đuối, Hoàng thượng cũng chỉ muốn tốt cho thần thiếp mà thôi, thần thiếp hiểu rõ."

Trên mặt Hoàng đế nở nụ cười vui mừng, nhẹ nhàng vươn tay xoa đầu Hoa Thường, dịu dàng nói: "Nàng tĩnh dưỡng cho khỏe, gần đây trẫm bận rộn cả ngày, không thể thường xuyên tới thăm nàng. Nàng phải chú ý một chút, uống thuốc đúng giờ, không được tùy hứng có biết chưa?"

Hoa Thường hé miệng, cúi đầu cười nói: "Thần thiếp đã lớn như vậy rồi, Hoàng thượng còn dặn dò như căn dặn trẻ con vậy."

Hoàng đế khẽ vuốt từng sợi tóc dài của Hoa Thường, thấy gò má Hoa Thường vẫn tái nhợt, hắn mở miệng nói: "Nàng ra cữ rồi thì cũng không cần vội đến Vị Ương cung thỉnh an. Gần đây hình như Hoàng hậu cũng bị bệnh, thân thể nàng lại luôn luôn yếu ớt, đừng để bị lây bệnh."

Hoa Thường thật sự không biết chuyện Hoàng hậu đổ bệnh, nàng hơi nhíu mày, nhẹ giọng nói: "Phượng thể của Hoàng hậu nương nương mắc phải bệnh gì? Hiện giờ thần thiếp không để ý nhiều về chuyện hậu cung nên không biết việc Hoàng hậu bị bệnh. Đều là sai lầm của thần thiếp, cho dù không thể tự mình đến thăm thì cũng nên tặng lễ mới phải."

Môi Hoàng đế khẽ giật, mở miệng nói: "Nàng không cần lo lắng. Hai người là tỷ muội nhiều năm, không cần phải để ý mấy nghi thức xã giao như vậy."

Hoa Thường khẽ cười, đương nhiên nàng sẽ không thật sự làm vậy. Ở thời đại lễ nghi nhiều đến mức ngột ngạt này, bất luận là lễ nghi nào thì đều có khả năng trở thành bước tiến thân hoặc cánh cửa địa ngục của ngươi. Hoa Thường có chỗ đứng trong hậu cung nhiều năm như vậy, ngoài gia thế, sủng ái và con cái ra, điều trọng yếu mà người người tôn kính và ngưỡng mộ nàng chính là vì nàng hiểu lễ giáo.

Ở bất kỳ thời điểm nào cũng không nên khiêu chiến với lễ giáo. Bởi vì bất luận là thành công hay thất bại thì đều phải chịu việc bị công kích rất nặng nề. Những thứ mềm như bông ấy lại là luật thép đã kéo dài ngàn năm qua, sẽ không vì triều đại thay đổi mà tiêu vong, không vì ý chí của ai mà chuyển dời.

Chỉ chốc lát sau, Trần Hỉ đã đến, khom người thấp giọng bẩm báo: "Hoàng thượng, Chiếu Bình vương hồi kinh, đang chờ ở bên ngoài Kiến Chương cung."

Chiếu Bình vương chính là Đại hoàng tử Trần Luân, đã rời kinh thành làm công vụ hơn nửa năm, đương nhiên Hoa Thường không biết cụ thể hắn làm việc gì, chỉ là bây giờ cuối cùng đã trở về. Xem tình hình này, hẳn là sự việc không nhỏ, hiển nhiên Hoàng đế cũng đang đợi Đại Hoàng tử hồi kinh.

Hoàng đế nghe vậy, gật gật đầu, sau đó nói với Hoa Thường: "Thường nhi, nàng nằm xuống nghỉ ngơi đi, trẫm phải quay về rồi. Trẫm còn chính vụ cần được xử lý."

Hoa Thường mỉm cười gật đầu nói: "Thần thiếp cung tiễn Hoàng thượng."

Kiến Chương cung.

Đại Hoàng tử Trần Luân hai mươi bảy tuổi, gần đến ba mươi, đã được phong Vương nhiều năm. Hắn vô cùng thiện võ, cũng từng trải qua hai năm trong quân, cho nên trên người hắn tràn đầy hơi thở rắn rỏi. Đại Hoàng tử bước vào trong điện, hành lễ vấn an một cách thành thục lưu loát: "Nhi thần tham kiến phụ hoàng, phụ hoàng vạn an."

Hoàng đế thấy Đại nhi tử của mình, trên mặt cũng nở nụ cười, giọng điệu cực kỳ rõ ràng: "Miễn lễ, mau ngồi đi."

Trần Luân ngồi vào ghế đầu ở phía dưới, sau đó ngẩng đầu lên nhìn Hoàng đế, bình ổn nói: "Nhi thần rời kinh lâu ngày, long thể phụ hoàng có khỏe mạnh không? Nhi thần ở xa vạn dặm, ngoại trừ những lúc bận rộn công vụ thì nhi thần rất nhớ phụ mẫu thê nhi ở kinh thành."

Hoàng đế cũng nhu hòa, cười nói: "Trẫm rất khỏe, mẫu phi con cũng khỏe, không cần lo lắng. Trẫm thấy con chín chắn hơn một chút, quả nhiên rời khỏi sự che chở của cánh chim, hài tử mới có thể trưởng thành."

Trần Luân cười nói: "Nhi thần nhận được ý chỉ của phụ hoàng liền vội vàng chạy từ Lãng Trung về đây, dọc theo đường đi cũng nghe thấy rất nhiều tin đồn, chẳng lẽ người muốn xuất binh sao?"

Hoàng đế nghe thấy, vẻ mặt cũng trở nên nghiêm túc, nếp nhăn trên trán càng sâu thêm, sau đó hắn chậm rãi mở miệng nói: "Không phải ta muốn xuất binh, mà là Bắc Mông muốn. Tuy ta đã già, không lên được ngựa, cũng không chiến đấu được, nhưng tóm lại ta vẫn còn lòng hăng hái. Trận này là không thể tránh khỏi, chúng ta sẽ chiếm tiên cơ trước."

Trần Luân gật đầu nói: "Phụ hoàng cũng biết, nhi thần luôn luôn ở phái chủ chiến, đương nhiên ủng hộ phụ hoàng, chỉ là không thể xem nhẹ chủ trương và tiếng nói trong triều. Bắc Mông bưu hãn, nếu như không có cách nào gắn kết mọi người trong triều thành sợi dây chặt chẽ, trận này... chỉ sợ đánh không xong."

Đánh không xong, đấy đã là cụm từ quá giảm nhẹ rồi. Vì sao tiền triều lại diệt vong? Vì quốc thổ không đủ rộng lớn sao? Hay quốc lực không đủ cường thịnh? Toàn bộ đều không phải, là do sự nghi kỵ của Hoàng đế và mâu thuẫn trong nước ảnh hưởng đến chiến tranh bên ngoài. Tiền triều vừa đánh trận với Bắc Mông và Hồ Nhung, vừa đối mặt với mâu thuẫn nội bộ gay gắt, vì vậy không có cách gì cung ứng cho chiến tranh dẫn đến lương thảo bị cắt đứt, mấy chục vạn đại quân chết trận nơi biên cương. Dị tộc nhờ thế mà xâm lấn, cuối cùng Mạt đế Sùng Tông chỉ có thể tự vẫn ở chính điện, lấy thân mình hi sinh vì nước.

Sắc mặt Hoàng đế có vẻ mỏi mệt, lên tiếng nói: "Rất nhiều người chủ hòa. Ta không phải là Hoàng đế hiếu chiến, ta cũng hi vọng thiên hạ thái bình, nhưng dị tộc như hổ rình mồi, ta cũng chỉ muốn để lại một giang sơn cực kỳ tươi đẹp cho con cháu đời sau mà thôi. Thế nhưng, người khác không ủng hộ thì thôi đi, ngay cả Thái tử Tam đệ của con, vậy mà cũng kiên quyết theo phái chủ hòa, cho nên gần đây tinh thần và thân thể của trẫm thật sự rất mệt mỏi."

Trần Luân nghĩ đến vị Thái tử chướng mắt kia, nhưng trước mặt phụ hoàng, chắc chắn hắn không thể bảo rằng Thái tử nói bậy, ngược lại hắn càng phải bảo vệ mới đúng: "Phụ hoàng bớt giận, Thái tử luôn luôn tài đức sáng suốt nhân hậu, không muốn thấy binh đao, không đành lòng để bá tánh chịu khổ, chủ hòa cũng là lẽ thường. Phụ hoàng cứ nói cho Thái tử nghe, sao Thái tử lại không hiểu nỗi khổ tâm trong lòng người chứ?"

Thật ra, chủ chiến, chủ hòa đều có lý do, có hòa tất có chiến. Bất kỳ một triều đại nào, nhất định cũng phải có phái chủ chiến và phái chủ hòa, hơn nữa hai phái này không hề thiếu đất để sinh tồn và phát triển lớn mạnh.

Thông thường mà nói, nếu dựa theo văn võ để chia, võ thần chủ chiến nhiều, văn thần chủ hòa nhiều. Dựa theo tuổi tác để phân, lão thần chủ hòa nhiều, thần tử trẻ tuổi chủ chiến nhiều.

Truy cứu nguyên nhân cũng hoàn toàn không khó đoán. Võ thần dựa vào đánh giặc để sinh tồn, bước tiến thân của họ chính là chiến tranh. Vì muốn thê nhi được hưởng đặc quyền, vì muốn gia tộc được truyền thừa, vì thực hiện khát vọng, đương nhiên chiếm tuyệt đại đa số trong phái chủ chiến là võ thần. Mà văn thần vì muốn chèn ép võ thần, đề cao địa vị nội chính (chính trị trong nước - đối nội). Nho gia để ý nội thánh ngoại vương [1], cho rằng chỉ cần thống trị bên trong cho tốt, bên ngoài xưng vương là chuyện sớm muộn, hà cớ gì phải hiếu chiến?

[1] Nội thánh ngoại vương: Vua ở trong tôn là thánh, vua ở ngoài chỉ gọi là vương.

Chủ trương của lão thần và thần tử trẻ tuổi cũng rất dễ để lý giải. Dù sao vẫn là người trẻ tuổi bốc đồng, hô khẩu hiệu loại trừ giặc Thát [2], cơ bản có thể nhận được ba phần ủng hộ. Hơn nữa, người trẻ tuổi vốn không hưởng thụ sự an nhàn, đương nhiên chủ chiến nhiều hơn. Mà lão thần lại lớn tuổi, một mặt là không có hùng tâm tráng chí, không muốn những chuyện phát động chiến tranh. Mặt khác cũng vì bọn họ thấy quá nhiều cảnh nhà tan cửa nát, thê ly tử tán. Trước giờ chiến tranh luôn là con quái vật ăn thịt người, bọn họ già rồi nên mềm lòng. Nói thì lúc nào cũng dễ, nhưng ngẫm lại sau lưng máu tươi đầm đìa, chung quy lão thần vẫn là có vài phần do dự. Tốt xấu gì thì bọn họ cũng tích được một chút âm đức [3], quy tiên còn gặp được tổ tông, cho nên chủ hòa nhiều hơn cũng không có gì lạ.

[2] Giặc Thát: dân tộc Tác – ta. Thời xưa, dân tộc Hán gọi dân du mục phương bắc là Tác-ta, thời Minh chỉ người phía đông Mông Cổ, phía đông bắc Nội Mông và nước Mông Cổ ngày nay.

[3] Âm đức: Công đức sau khi chết. Người xưa cho rằng việc làm nhân đức trên dương gian đều được âm phủ ghi lại, sau khi chết dựa theo phần âm đức này mà quyết định cho người đó đầu thai hay đày xuống địa ngục.

Hơn nữa, một hiện thực đang bày ra trước mắt, đó chính là ngân khố. Đánh giặc không chỉ cần mạng người mà còn cần ngân lượng. Đối với một đế quốc mà nói thì mạng người và ngân lượng đều quan trọng như nhau.

Vì sao phái chủ hòa lớn mạnh như thế? Nguyên nhân rất đơn giản, chỉ cần làm một phép toán nhỏ thì sẽ hiểu ngay.

Nếu không đánh giặc, việc đền bù cho Bắc Mông cũng chỉ cần hai mươi vạn thất bạc, đối với Đại Lương mà nói, số tiền đó có đáng gì đâu. Còn nếu đánh một cuộc chiến quy mô lớn, một năm hao phí ước chừng khoảng bốn mươi vạn thất bạc.

Giá chênh lệch gấp đôi như vậy, hơn nữa một năm chưa chắc đã đánh xong, cũng không biết là có thể đánh đến lúc thắng hay không. Quan trọng hơn là tướng sĩ chết quá nhiều sẽ khiến quốc gia lay động, lòng dân không yên.

Đối với người thống trị mà nói, điều gì là quan trọng nhất? Chính là hoàng quyền. Thế hoàng quyền được thiết lập dựa trên cái gì? Là bá tánh.

Hiện giờ Đại Lương rất giàu có và phồn vinh, đủ tài chính để chèo chống một cuộc chiến tranh quy mô lớn, cũng có ngân lượng để đền bù. Nhưng mà Hoàng đế và các đại thần đều không muốn thương tổn lòng dân, cũng không muốn thời thịnh thế vất vả lắm mới có được lại rung chuyển đến mức không thể chống đỡ nổi.

Hiện tại Hoàng đế có thể hạ quyết tâm xuất binh đã là sự quyết đoán hiếm có rồi.

Hòa hay chiến, rất khó để phân định ai đúng ai sai. Bởi vì lý do của đôi bên đều quá đầy đủ, cho nên ý chí của Hoàng đế lập tức biến thành đơn phương chính xác, việc cần làm bây giờ chính là khiến phái chủ hòa phải ngoan ngoãn nghe theo.

Mà hiện giờ Hoàng đế đang phiền não vì sự kiên quyết của phái chủ hòa. Trước kia đương nhiên bọn họ không kiên định như vậy, cũng không dám đối nghịch với Hoàng đế, nhưng hiện giờ người dẫn đầu phái chủ hòa lại chính là Hoàng Thái tử Trần Nghiễm!

Hiển nhiên, Hoàng Thái tử với thân phận đầy ánh vàng lấp lánh đã khiến cho bọn họ có dũng khí đấu tranh. Đây cũng là lý do khiến tâm tình Hoàng đế cực kỳ không tốt trong mấy ngày qua.

Trần Luân thấy Hoàng đế nhíu mày rất chặt, liền chắp tay lên tiếng nói: "Phụ hoàng, nhi thần nguyện vì người tích cực dẫn đầu, nguyện vì phụ hoàng xuất binh đến Bắc Mông!"

Hoàng đế nhìn Đại nhi tử lưng hùm vai gấu, chậm rãi nở nụ cười nhạt. Tuy khuôn mặt Hoàng đế vẫn u sầu nhưng đã xuất hiện nét vui vui mừng: "Con là Hoàng tử duy nhất trong cung từng tiếp xúc với chiến sự, trận chiến này cũng rất cần một Hoàng tử chỉ huy. Luân nhi, tình thế rất nguy hiểm, nhưng đây là trách nhiệm mà con cần phải gánh vác, phụ hoàng tự hào vì con."

Trần Luân đứng dậy quỳ xuống, giọng nói âm vang có lực: "Nhi thần sẽ vì phụ hoàng mà truyền tin đại thắng trở về!"

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.