Chuyện Hoa Thường hi sinh oai hùng ầm ĩ là thế, chẳng qua cũng chỉ tốn hơn có một tháng thì toàn bộ đế quốc lại bắt đầu vận hành như bình thường, Hoàng đế cao cao tại thượng cũng đã bắt đầu thượng triều.
Tình huống ở biên cương một ngày thay đổi ba bận, cho nên Hoàng đế cũng không hạ lệnh cụ thể để tránh làm nhiễu loạn sự an bài của các tướng quân. Việc có thể làm ở trong kinh đó chính là không ngừng cho binh lính tới biên cương đóng quân và vận chuyển lương thảo.
Mặc dù tình hình ở biên cương mới là khẩn yếu và quan trọng nhất, nhưng triều đình cách biên cương quá xa, ngoài tầm tay với, đến nổi không có ai dám tùy tiện lên tiếng về chiến sự ở biên cương. Chiến tranh là điều chắc chắn, cái này không cần phải nói nữa, tất cả mọi người đã ngầm nhận định rồi. Mà an bài và chiến lược cụ thể, ngươi ở thượng kinh xa xôi, có thảo luận thì cũng vô ích, phải xem tình hình cụ thể ở biên cương rồi tùy cơ ứng biến, đây chính là khả năng mà chỉ các tướng quân mới có.
Vì thế, bây giờ trên triều đình, chuyện náo nhiệt nhất, cũng là chuyện khẩn yếu nhất, chính là hậu sự của Hoa Thường. Truy phong Hoàng hậu đương nhiên là điều không cần phải bàn cãi nữa, thế nhưng vẫn có một người phản đối. Trừ Thái tử ra thì một vài quan viên của phái thực tế cũng có ý kiến phản đối. Nguyên nhân không phức tạp, cũng không liên quan tới Thái tử, mà là bởi vì nghi thức tang lễ dành cho Hoàng hậu quá phức tạp.
Hoàng hậu là quốc mẫu, Hoàng hậu qua đời thì cả nước phải để tang. Quan viên Tam phẩm trở lên và cáo mệnh phu nhân phải vào cung khóc trước linh cữu cả ngày lẫn đêm, việc này đúng là vô cùng mệt mỏi. Những lúc như thế này, mệt chết mấy ông già bà lão kia cũng là chuyện quá bình thường. Ngoại trừ những phụ nữ mang thai đã lớn tháng ra, thì những người khác không được phép cáo bệnh. Nếu không chính là đại bất kính, và lễ pháp tổ tông sẽ kề cận ngươi mọi lúc mọi nơi để dạy ngươi cách làm người.
Hơn nữa, Hoa Thường đặc biệt ở chỗ, nàng không toàn thây. Cái gọi là xương cốt thành tro, đối với một người mà nói thì gần như là trừng phạt lớn nhất. Mặc dù Hoa Thường vẫn chưa tới mức đó, nhưng mà cũng không khác biệt là bao. Xương cốt bị thiêu chẳng còn lại bao nhiêu, còn gì có thể thảm hơn sao?
Quan viên Lễ bộ cũng đứng ra phản đối, kiểu chết của Hoa Thường thuộc về đại hung. Mặc dù phẩm chất cá nhân không cách gì bắt bẻ được, nhưng cách chết đại hung như vậy thì rất không may mắn. Dựa theo tổ chế thì đột tử cũng không được an táng vào hoàng lăng. Vậy thì có vấn đề rồi đây, Hoàng hậu nương nương không thể chôn trong hoàng lăng, ngươi đang đùa ai vậy?
Triều đình cũng vì vậy mà ầm ĩ lộn xộn thành một đoàn, thật sự trước đây chưa từng có tiền lệ như vậy. Kiểu chết đại hung như thế, tro cốt không toàn thây, bất luận là nghi thức tang lễ hay mai táng thì đều có quá nhiều vấn đề để nói. Mà phàm là liên quan tới lễ nghi, thì đều có thể tranh luận đến vài tháng, thậm chí là vài năm.
Đây là quốc gia mà lễ nghi đã ăn sâu vào tận xương cốt, ngươi không thể nào oán trách được, đất nước này là thế. Nghi thức tang lễ và mai táng vẫn còn chưa phân rõ trái phải ra sao, thì lại xảy ra thêm một vấn đề nữa. Thụy hiệu mà Lễ bộ trình lên, Hoàng đế đều đã bác bỏ hết. Hiện giờ Lễ bộ đã trở thành đối tượng cho mọi người chỉ trích, hơn nữa trong chính nội bộ của bọn họ cũng xảy ra tranh cãi, thật sự vô cùng rối loạn, chẳng ra thể thống gì.
---
Đại chính điện.
Hoàng đế ngồi trên long ỷ cao cao, các đại thần bên dưới mặc dù đã kiềm chế, nhưng cũng khó giấu được mùi thuốc súng. Đối với các sĩ phu mà nói thì lễ nghi là mệnh, tranh cãi xung đột tới mức có thể đánh nhau bất cứ lúc nào. Như vậy cũng tốt, giữa các đại thần xuất hiện ý kiến trái chiều. May mà Hoàng đế vẫn chưa lên tiếng, nếu không thì tình hình e là càng thêm nghiêm trọng rồi.
Đình trượng của Hoàng đế có thể đánh gãy sống lưng của các sĩ phu. Đại lễ nghi của Gia Tĩnh Đế thời Minh cũng như vậy, nhưng mà một khi sống lưng đã bị gãy, muốn đứng lên lại thì rất khó khăn.
Ai cũng hiểu đạo lý này, mà đương kim Hoàng thượng thì lại là người vô cùng kính trọng lễ nghi. Vì thế cho dù suy nghĩ của hắn và các đại thần không giống nhau, thì hắn cũng sẽ không dễ dàng hạ lệnh. Trong lòng Hoàng đế rất rõ ràng, quy mô tranh luận vấn đề này nhìn thì lớn như vậy, nhưng rốt cuộc chỉ là chuyện về nghi thức tang lễ và mai táng của Hoàng hậu được truy phong mà thôi, không liên quan đến tông pháp, cũng không liên quan đến hoàng thống (vua truyền nối nhau gọi là hoàng thống), thuộc phạm vi an toàn, cho nên Hoàng đế cũng không cần kiềm chế bản thân.
Trong lòng hắn rất yêu Hoa Thường, nhưng mà loại tình yêu này sẽ không đặt lên trên tổ chế lễ nghi. Bởi vì những thứ kia, nhìn thì nhẹ như lông hồng, nhưng lại không thể tùy ý mà sửa chữa thay đổi. Đây chính là cơ sở thống trị và tính hợp pháp trong chính trị của Hoàng đế. Lễ nghi cứ để cho hạ thần tranh luận đi, điều hắn quan tâm hiện giờ chính là thụy hiệu của Hoa Thường.
Thụy hiệu của Hoàng hậu được định ra căn cứ theo thụy hiệu của Hoàng đế, mà bây giờ kim thượng vẫn còn, đương nhiên không có thụy hiệu. Vì vậy muốn truy phong thụy hiệu cho Hoa Thường thì trước tiên phải quyết định thụy hiệu của Hoàng đế.
Lễ bộ trình lên mấy chữ: Duệ, Khang, Cảnh, Trang, Tuyên. Ở thời đại này, các văn thần rất chú trọng thể diện, các chữ đưa ra mặc dù đều mang ngụ ý rất tốt nhưng vẫn chưa quyết định được cái nào. Hoàng đế vẫn còn sống, bây giờ chọn thụy hiệu, nếu chọn cái quá tốt, thì khó tránh khỏi bị người khác lên án. Vì thế cho dù đương kim Hoàng thượng là minh quân có tấm lòng khoan dung rộng lượng, thì cũng không thể chọn những chữ tốt như Văn, Võ, Nhân.
Trong lòng Hoàng đế nhất định rất bất mãn, nhưng mà chuyện liên quan tới thụy hiệu của hắn thì bản thân hắn cũng khó phát biểu ý kiến. Nếu không sử quan chắc chắn sẽ rất vui lòng mà ghi chép lại điều đó trong sử sách, cho nên cuối cùng Hoàng đế đành bất đắc dĩ chọn chữ "Cảnh".
Sau đó Lễ bộ cũng chính thức trình lên thụy hiệu được nghĩ ra một cách cẩn thận dành cho Hoa Thường: Hiếu Liệt Mẫn Ôn Trinh Triết Duệ Túc Tương Thiên Hựu Thánh Cảnh Hoàng hậu. Hoàng đế nhìn thấy liền đề bút bác bỏ ngay, cho nên Lễ bộ lại trình lên thụy hiệu cho Hoa Thường một lần nữa: Thành Liệt Hiếu Túc Minh Đức Hoằng Nhân Thuận Thiên Khải Thánh Cảnh Hoàng hậu. Hoàng đế vẫn bác bỏ như trước, cứ mãi như vậy, Lễ bộ sắp phát điên lên rồi.
Quan viên Lễ bộ biết Hoàng thượng đối với Quý phi nương nương đã qua đời tình cảm sâu đậm, cho nên toàn tâm toàn lực muốn dành những thứ tốt nhất cho Quý phi. Hiện tại quy chế tang lễ và mai táng đã ồn ào như vậy, mặc dù Hoàng đế không lên tiếng, nhưng trong lòng thì cực kỳ bất mãn. Vì thế về phương diện thụy hiệu, đương nhiên Hoàng đế muốn chọn cho Quý phi nương nương danh xưng tốt nhất. Nhưng mà cũng đừng xét nét, kén cá chọn canh như vậy chứ! Đây đều là những chữ tốt nhất rồi, còn muốn gì nữa.
Quan viên Lễ bộ cũng không phải là kẻ ngốc, thấy rõ Hoàng đế đang bất mãn, cho nên lại trình lên mấy thụy hiệu nữa, rồi cung kính nói: "Hoàng thượng, người chọn cho Quý phi nương nương đi. Người chọn xong, chúng ta tuân theo lệnh là được."
Thụy hiệu của Hoàng hậu gần như không có kỵ húy [1] gì, các quan viên Lễ bộ cũng là thuận nước đẩy thuyền cho một cái ân tình, để Hoàng đế chọn thụy hiệu mà hắn thích là xong.
[1] Kỵ húy (忌諱): tên người chết gọi là húy. Kỵ húy là những chữ kiêng kỵ tránh đặt cho tên của người chết.
Vì vậy, ba ngày sau, Hoàng đế đưa ra thụy hiệu mà mình chọn cho Hoa Thường, Lễ bộ thấy xong liền muốn nổi điên, chính là: Nguyên Liệt Hiếu Từ Trinh Triết Nhân Huy Thành Thiên Dục Thánh Chí Đức Cảnh Hoàng hậu. Toàn bộ triều đình đều rúng động. Trước thì nghi thức tang lễ và mai táng bị quăng ra sau đầu, còn giờ thì là thụy hiệu cho Quý phi nương nương. Các đại thần sắp chuẩn bị vén ống tay áo lên để tâm sự với Hoàng đế rồi.
Xem thụy hiệu này, đầu tiên "Cảnh Hoàng hậu" thì không có vấn đề gì. Chữ "Cảnh" đi theo Hoàng đế, chữ "Liệt" cũng ổn, các chữ này nhất định phải có. Nhưng ngoại trừ hai chữ này ra, thì các chữ còn lại gần như đều có vấn đề!
Truyền thống thụy hiệu của Hoàng hậu Đại Lương có 12 chữ, chính là trừ những chữ đi theo phu quân ra, thì còn 12 chữ nữa. Mà duy nhất chỉ có nguyên phối Hoàng hậu của Hoàng đế khai quốc thì mới có 14 chữ. Hay nói cách khác, vốn ban đầu quy định là 14 chữ, nhưng mà hậu nhân vì muốn bày tỏ lòng tôn kính, nên đã tự động giảm thụy hiệu của mình xuống còn 12 chữ.
Thế nhưng bây giờ nhìn đi, thụy hiệu mà Hoàng đế chọn vừa khéo là 14 chữ, vậy ngươi có ý gì? Hơn nữa đi đầu còn là chữ "Nguyên" là thế nào? Xem đại thần chúng ta bị mù sao? Hoàng đế, ngươi tùy hứng như vậy, là phụ hoàng và mẫu hậu ngươi dạy dỗ như thế sao? Tổ tông ngươi dạy dỗ như thế sao?
Toàn bộ triều đình bắt đầu lâm vào bầu không khí kỳ lạ. Các đại thần đương nhiên là muốn nói có sách, mách có chứng để phản đối Hoàng đế, nhưng là chỉ mới nảy ra ý định thôi, chứ chưa có cách gì để lên tiếng. Số chữ trong thụy hiệu của Hoàng hậu đã tăng thêm rồi, vậy sau này thụy hiệu của Hoàng đế có muốn tăng thêm không? Hàm nghĩa ẩn bên trong đó, thật sự là do mấy chữ trong thụy hiệu của Hoàng hậu có vấn đề sao? Rổt cuộc Hoàng đế có ý gì?
Trong đại chính điện, quan viên Lễ bộ nháy mắt lẫn nhau, nhưng rốt cuộc không ai dám đứng ra sờ mông cọp. Lúc này, có một người đứng ra khiến mọi người kinh ngạc, chính là Hoa Tường.
"Kỳ Quý phi được truy phong Hoàng hậu là nhờ ân điển của Hoàng thượng, nhờ tổ tông phù hộ, nhưng mà gia pháp tổ tông đều có quy tắc luật lệ. Kỳ Quý phi có tài đức gì mà khiến cho Hoàng thượng phá lệ như vậy? Xin bệ hạ tuân theo tổ chế, tuân theo lệ cũ, tuân theo quy định mà tiến hành."
Ai mà nói lời này thì cũng sẽ chọc giận Hoàng đế, duy chỉ có Hoa Tường là ngoại lệ. Ai bảo ông ấy là phụ thân của Kỳ Quý phi cơ chứ? Sắc mặt Hoàng đế âm trầm, không nói gì.
Hoa Tường tiếp tục nói: "Trong thụy hiệu còn có nhiều chỗ chưa ổn. Chữ "Nguyên" lại vượt quy chế, xin Hoàng thượng xem xét lại."
Lễ bộ Thượng thư là một lão già sắp về hưu, thấy Hoa Tường đã nói như vậy, bản thân mình là Lễ bộ Thượng thư nên không thể đẩy trách nhiệm cho người khác, cũng không quản cái gì mà người khôn giữ mình nữa, trực tiếp bước ra khỏi hàng, lên tiếng nói: "Khởi bẩm Hoàng thượng, thần thấy Hoa đại nhân nói có lý. Xin Hoàng thượng suy xét lại."
Thấy có người dẫn đầu, thì liền có thêm nhiều đại thần đứng ra hùa theo tán thành. Mọi người không phải có ý kiến với Hoa Thường, mà là có ý kiến với thụy hiệu này.
Thụy hiệu 14 chữ gần như là trực tiếp mạo phạm, bởi vì không những tương đương với Cao tổ Hoàng hậu, mà sử dụng chữ "Nguyên" thì còn là trực tiếp đánh vào mặt của Vương Hoàng hậu hiện tại. Không có chỗ nào hợp với lễ chế cả, cho nên các đại thần chỉ có thể phản đối, nhất định phải phản đối.
Có vài lời nếu nói ra thì không được hay cho lắm. Nếu Hoa Thường dùng thụy hiệu 14 chữ, vậy lúc đương kim Vương Hoàng hậu hoăng rồi, thì sẽ dùng bao nhiêu chữ trong thụy hiệu đây?
Hoa Thường hi sinh oanh oanh liệt liệt, nếu dùng thụy hiệu 14 chữ, miễn cưỡng thì cũng có thể xem như là ổn. Nhưng Vương Hoàng hậu có tài đức gì mà dùng thụy hiệu 14 chữ? Nhưng nếu như dùng thụy hiệu 12 chữ, há chẳng phải Hoàng hậu truy phong đè lên đầu Hoàng hậu nguyên phối sao? Lễ pháp này phải kiến giải thế nào?
Nếu nói thụy hiệu 14 chữ vẫn còn chưa rõ ràng, thì chữ "Nguyên" này đã thể hiện rõ tâm tư của Hoàng đế. Quả thực hắn đã xem Hoa Thường là nguyên phối, hoặc là nói trong lòng Hoàng đế vô cùng hi vọng Hoa Thường là nguyên phối của hắn.
Các đại thần trong triều đình lại một lần nữa cảm nhận được địa vị của vị nương nương này trong lòng Hoàng đế.
Mà lúc này Thái tử với thân thể bệnh tật vẫn còn đứng trong triều, sắc mặt đều đã cứng đờ, ngay cả khí lực để phản bác cũng không có. Hoặc là, hắn cũng biết, ý kiến của mình đã không còn quan trọng nữa. Phụ hoàng làm như vậy thì có nghĩa là nhất định đã suy xét đến hắn, cân nhắc đến kết quả, nhưng lại không cố kỵ gì cả. Hơn nữa, điểm chú ý của hắn không giống như các đại thần. Ngoại trừ chữ "Nguyên" ra, thì hắn còn tập trung vào hai chữ "Dục Thánh", đây là có ý gì? Là muốn cướp công lao dục thánh của mẫu hậu, hay là muốn dao động trữ vị đây?
Sắc mặt Thái tử tái nhợt, nhưng lại không có nổi một chút ý chí phản kháng nào. Hắn cảm thấy hết sức mệt mỏi, vô cùng mệt mỏi. Sự mệt mỏi trong lòng khiến hắn nản lòng thoái chí.
Hoàng đế lãnh đạm nhìn quần thần đang loạn thành một đoàn, mở miệng nói: "Cứ quyết định như vậy, Lễ bộ tiến hành đi."
Bỗng nhiên cả triều đình đều trở nên yên tĩnh. Các thần tử dè dặt nhìn dáng vẻ gầy gò đến mức không ra hình dạng của Hoàng đế, trong lòng hiểu rõ đây chính là quyết tâm của Hoàng đế. Các lão thần tông thất đều thở dài. Lúc trước Hoàng đế không phát biểu ý kiến không phải vì hắn không có ý kiến, chẳng qua là cho các đại thần mặt mũi mà thôi. Xem ra, nghi thức tang lễ và mai táng cũng không cần phải tranh cãi nữa. Hoàng đế sẽ dành những lễ nghi long trọng nhất để hạ táng vị Hoàng hậu nương nương này vào hoàng lăng, hơn nữa tuyệt đối sẽ đoạt đi vị trí vốn có của Vương Hoàng hậu.
Chương 196: Tiểu Tứ (Ba)
Edit: Phương Tu dung.
Beta: Tiên Thái Phi.
Hữu An Vương phủ.
"Tứ ca." Tứ Công chúa Trần Viện ngồi bên mép giường, nhìn dáng vẻ tiều tụy của ca ca, đôi mắt vốn đã sưng đỏ lại một lần nữa không kiềm được nước mắt, không biết nên nói gì cho phải.
Tứ Hoàng tử càng lúc càng gầy yếu, sắc mặt từ ôn nhuận trắng nõn biến thành ốm yếu tái nhợt. Hắn nghe thấy giọng nói quen thuộc, liền chậm rãi mở mắt ra nhìn khuôn mặt thân quen bên mép giường. Tứ Hoàng tử khó khăn hé môi, nụ cười càng thêm thê lương: "Tứ muội, muội tới rồi."
Tứ Công chúa vẫn còn mặc tang phục trên người. Trong mắt Tứ Hoàng tử, một thân áo tang trắng như vậy thật là chói mắt.
"Mẫu phi đã được hạ táng rồi sao? Ta không thể nhìn mặt người lần cuối, cũng không thể đưa tiễn người. Ta không phải là một nhi tử ngoan, càng không xứng làm một nhi tử ngoan." Tứ Hoàng tử hơi quay đầu, biểu tình thống khổ và mất mát.
Tứ Công chúa đã lệ rơi đầy mặt, khóc thút thít: "Tứ ca... Huynh phải nhanh chóng hồi phục tinh thần, đừng sa sút như vậy nữa. Huynh phải uống thuốc đầy đủ, nghỉ ngơi cho thật tốt, đừng ưu sầu quá mức. Nếu không mẫu hậu sẽ lo lắng, sẽ không thể thanh thản mà ra đi."
Tứ Hoàng tử nhẹ nhàng rũ mi mắt xuống, ngữ khí không biết là trào phúng hay thống khổ nữa: "Mẫu hậu? Đúng vậy, phụ hoàng đã truy phong mẫu phi thành Hoàng hậu, cho nên người đưa tiễn mẫu hậu không phải là ta, mà là Thái tử mới đúng! Đích Trưởng tử, Thái tử sẽ chiếm vị trí này cả đời. Nhưng mà, cũng chính là vì chiếm được vị trí này, cho nên hắn có được tất cả. Mặc kệ có phải là thứ ta muốn hay không, thì hắn đều có thể dễ dàng đạt được..."
Bàn tay Tứ Hoàng tử khẽ run lên, nhưng bởi vì thân thể suy yếu, cho nên dù có phẫn nộ thì cũng vô lực vô ích. Sắc mặt Tứ Hoàng tử lộ ra vài phần đỏ bừng, thanh âm chất chứa sự căm phẫn: "Những đồ vật mà ta trân quý, đều bị hắn vứt đi như giày rách. Mẫu phi, mẫu phi, vì không thấy ta đưa tiễn, cho nên mới ra đi trong bất an như thế."
Tứ Công chúa không biết nên an ủi khuyên nhủ ca ca thế nào, chỉ có thể yên lặng rơi lệ mà thôi.
Hoa Thường được truy phong thành Hoàng hậu, sau khi truy điệu bảy bảy bốn mươi chín ngày thì được hạ táng. Đương nhiên là an táng ở Hoàng lăng, chôn bên cạnh Hoàng đế.
Vị trí đó vốn thuộc về Vương Hoàng hậu, sau khi bị Hoa Thường chiếm đi, Vương Hoàng hậu phải làm sao thì Hoàng đế không biểu thị ý tứ gì. Vì thế Lễ bộ đã nghĩ ra một phương án, chọn cho Vương Hoàng hậu một vị trí mới bên ngoài mộ thất của Hoàng đế, Hoàng đế đã ân chuẩn.
Vương Hoàng hậu cáo ốm, hơn nữa e là thật sự bị bệnh.
Vốn là Hoàng hậu của kim thượng, nàng tự thấy mình đã tận tâm tận lực, khoan dung độ lượng, hiền lương thục đức, vậy mà lại rơi vào kết cục như thế này, sao mà không rét lạnh tâm can được đây? Hơn nữa, điều bi kịch nhất chính là, nàng căn bản không có cách nào phản kháng lại vận mệnh bi thảm như vậy.
Hắn là phu, cũng là quân.
Sau khi Hoa Thường được truy phong thành Hoàng hậu, hiển nhiên nghi thức tang chế và an táng sẽ hoàn toàn khác với Quý phi, long trọng đầy đủ, khắp cả nước đều cùng nhau tưởng niệm. Tứ Hoàng tử là trưởng tử của Hoa Thường, cũng vì vậy mà mất đi một vài thứ.
Hoa Thường thành Hoàng hậu, cho nên trưởng tử của nàng là Đại Hoàng tử, đích tử của nàng là Thái tử.
Tứ Hoàng tử với thân thể bệnh tật cũng muốn tranh giành sao, căn bản là không với tới. Cho dù Hoàng đế yêu quý hắn như sinh mạng của mình thì cũng không có cách nào đáp ứng được. Bởi vì nguyện vọng này của hắn đã vượt qua khuôn phép của tổ chế và tông pháp, cho nên hiện tại Tứ Hoàng tử bi phẫn, tâm như tro tàn cũng là điều dễ hiểu.
Vì thế Hoàng đế đã cho Tứ Công chúa xuất cung thăm hắn, hi vọng có thể tháo gỡ được khúc mắc trong lòng hắn.
Sau khi Tứ Công chúa trưởng thành thì thật sự rất giống Hoa Thường. Nếu không phải là người quen thì chuyện nhận nhầm mẹ con các nàng là điều hết sức bình thường. Thế nhưng, đối với tiểu Tứ mà nói, giữa các nàng có điểm khác biệt rất lớn. Cho dù ý thức không tỉnh táo, thần hồn tán loạn đi nữa, thì hắn vẫn có thể phân biệt được rõ ràng giữa hai người.
Hắn không dựa vào dung mạo hay vẻ bề ngoài để phân biệt mẫu thân và muội muội. Điểm khác biệt lớn nhất giữa người với người chính là khí chất, là trong mỗi một nụ cười, một nét cau mày đều lộ ra cử chỉ và thần thái riêng biệt.
Tứ Công chúa nghe những lời bất kính của ca ca thì không nói gì. Nàng hiểu rất rõ vị ca ca này của mình. Mặc dù thoạt nhìn là một người ôn nhu đến mức không nổi nóng với ai, thế nhưng thật ra thì nội tâm luôn tính toán trước mọi chuyện. Chuyện nào đã quyết định thì tuyệt đối không thay đổi.
Tục ngữ nói, huynh trưởng như cha. Đệ muội bọn họ ở Thượng Dương cung chịu ảnh hưởng của Tứ ca e là còn nhiều hơn phụ hoàng và mẫu phi nữa. Hoàng đế thì hằng ngày bận trăm công ngàn việc. Tuy Hoàng đế đối xử với hài tử của mình rất tốt, nhưng hắn có gần hai mươi hài tử, sao có thể san sẻ đều sự yêu thương và dạy dỗ cho mỗi người được đây? Mà mẫu phi dù sao cũng là nữ nhân, bẩm sinh đã ở vị trí bất lợi, cho dù có dạy dỗ đến mức hiểu lễ nghi đạo lý thì cũng rất khó được chấp nhận.
Ngược lại, nàng được Tứ ca dạy dỗ, cho nên tính tình cũng rất giống với Tứ ca, đều là dáng vẻ ôn hòa nhu thuận bên ngoài, nhưng nội tâm thì kiên định quật cường, là người khi đã quyết định chuyện gì thì tuyệt đối không bao giờ thay đổi. Nàng hiểu cảm nhận của Tứ ca, cho nên không có cách gì để mở miệng khuyên can.
Tứ Hoàng tử ngẩng đầu nhìn muội muội đang trầm mặc ngồi bên cạnh, nở nụ cười chua xót: "Nguyên Liệt Hiếu Từ Trinh Triết Nhân Huy Thành Thiên Dục Thánh Chí Đức Cảnh Hoàng hậu, ai cũng đố kỵ mẫu phi được phụ hoàng sủng ái đã vượt mức giới hạn, nhưng với ta mà nói, điều đó thì có đáng gì?"
[1] (元烈孝慈贞哲仁徽成天育圣至德景皇后): Vị Hoàng hậu suốt đời cương trực, hiếu thuận, nhân từ, kiên trinh, trí tuệ, nhân ái, giáo dưỡng và nhân cách đến mức đại đức như thánh được mọi người tôn kính và ngưỡng mộ.
Trong lòng tiểu Tứ, hoặc cũng có thể nói, trong lòng những hài tử của Hoa Thường, mẫu phi bọn họ không phải Nguyên cũng chẳng phải Liệt. Đối với bọn họ, mẫu phi vẫn luôn là một nữ nhân ôn nhu khoan dung rộng lượng. Mặc dù không giống với "Truyền kỳ" như bây giờ, nhưng là một người thật chân chính, một người mẫu thân có thể bầu bạn bên cạnh bọn họ, yêu thương, quan tâm, che chở cho bọn họ.
Tứ Công chúa vẫn yên lặng rơi lệ. Nàng là một nữ hài vô cùng thông minh, biết tinh thần ca ca đang sa sút, hiện tại thấy cảm xúc của Tứ ca đã ổn định, mới mở miệng nói: "Sau khi mẫu hậu ra đi, muội đã dọn đến Thượng Dương cung chăm sóc cho Bát đệ. Bát đệ đã hoàn toàn suy sụp. Đệ ấy còn nhỏ, tuy hiểu chuyện nhưng tâm trí còn chưa vững vàng, là độ tuổi dễ bị thương tổn nhất. So với tình huống của Tứ ca thì đệ ấy còn sa sút hơn rất nhiều."
Tứ Hoàng tử nở nụ cười thê lương. Nếu là trước kia, nhất định hắn sẽ chăm sóc Bát đệ thật tốt, sủng ái nó, khuyên nhủ an ủi nó, giúp nó bước ra khỏi vực sâu này. Nhưng bây giờ bản thân hắn còn như vậy, sao có thể đi khuyên giải người khác đây?
Cùng một loại thống khổ nảy sinh trong lòng bọn họ, không thể nào khép lại được.
Hoặc là thật sự nữ hài trưởng thành sớm, so với sự suy sụp của ca ca và đệ đệ, thì Tứ Công chúa đã sớm tiếp nhận sự thật rồi. Vì thế khi xưng hô nàng đều dùng "Mẫu hậu", mà không phải là trốn tránh hiện thực, vẫn gọi là "Mẫu phi" như ca ca.
"Sau khi an táng mẫu hậu, Bát đệ trở nên trầm mặc hơn rất nhiều. Đệ ấy không hề gào khóc, cũng không hề cuồng loạn, nhưng đôi mắt hồn nhiên ngây thơ trước kia thì không còn nữa. Lúc đưa tang, muội thấy rõ đệ ấy dùng ánh mắt cừu hận mà nhìn Thái tử. Muội biết, thậm chí muội phải đứng ra dẫn dắt, nếu không đẩy những cảm xúc tiêu cực này ra khỏi Bát đệ thì đệ ấy sẽ không thể nào tỉnh lại được, càng không thể tiếp tục trưởng thành. Muội không thể trơ mắt nhìn đệ ấy suy sụp và sa sút như vậy."
"Mẫu hậu đi rồi, muội là trưởng tỷ của đệ ấy. Trưởng tỷ như mẹ, muội không chỉ muốn chăm sóc cho đệ ấy, mà còn phải bảo vệ tâm trí của đệ ấy. Nhưng năng lực của muội có hạn, việc muội có thể làm thật sự là quá ít. Tứ ca, mẫu hậu không còn nữa, quan hệ giữa Bát đệ và Thái tử đã đến tình trạng này, đệ ấy cần sự bảo hộ của Tứ ca, chỉ có huynh mới có thể bảo vệ cho đệ ấy."
Nơi khóe mắt Tứ Hoàng tử chảy xuống một giọt lệ, hắn hiểu ý của muội muội.
Một người khi có chấp niệm thì sẽ dùng hết sức lực mà tiến về phía trước. Chấp niệm hiện tại của Bát đệ chính là chiến đấu một sống một còn với Thái tử, không chết thì không ngừng lại, còn chấp niệm của hắn là bảo hộ cho Bát đệ.
Hắn chưa từng xem thường muội muội của hắn. Mẫu phi sinh hạ nữ nhi có dung mạo giống người như vậy, sao có thể chỉ là sợi tơ hồng dựa vào người khác mà sinh tồn được chứ? Sau khi mẫu phi tạ thế, trong ba huynh đệ, đều là nàng bảo hộ, là nàng dẫn đường cho bọn họ.
Sau khi chịu cú đả kích lớn, nếu một người không chịu nằm gai nếm mật để quyển thổ trùng lai [2], vậy thì đồng nghĩa với cam tâm tình nguyện buông xuôi, làm một con người tầm thường.
[2] Quyển thổ trùng lai (卷土重來): quay trở lại một cách mạnh mẽ và lợi hại hơn.
Nếu không nhờ những lời này của Tứ muội, nếu không nhờ những chuyện mà Tứ muội đã làm vì bọn hắn, chỉ sợ hắn cũng khó mà lấy lại dũng khí, phấn chấn tinh thần nhanh như vậy.
Đúng vậy, hắn còn rất nhiều việc phải làm, còn rất nhiều người quan trọng cần phải bảo hộ, còn có cừu hận không thể bộc phát ra bên ngoài.
Thái tử ca ca, đừng trách ta, muốn trách thì chỉ có thể trách tạo hóa trêu ngươi mà thôi.
Ai cho ngươi hạnh phúc, có được tất cả, còn ta thì phải mất đi thứ ta muốn bảo hộ nhất chứ?
Không cần lý do gì cả, ngươi đã trở thành mục tiêu cừu hận của ta.