[1] Trích trong bài “Kim Lũ khúc – Tặng Lương Phần” của Nạp Lan Tinh Đức (1655-1685), từ nhân đời Thanh. (ND)
Vương Mẫu vẫn khe khẽ hát khúc đồng dao, say sưa nhảy múa như thể đang tiếp
tục điệu múa dang dở từ ngàn năm trước, như thể muốn Viêm Đế trông rõ
những lời mà ngàn năm trước bà chưa kịp nói ra.
Chờ đợi cả ngàn
năm, cứ ngỡ rằng thế nào cũng được một cơ hội, chỉ cần một cơ hội mà
thôi, nhưng cuối cùng… cuối cùng điệu múa này vẫn chẳng thể nào múa hết.
Sau sáu mươi năm bị Vương Mẫu giam cầm. A Hành mới lại được một mình rong
ruổi khắp đại hoang, nhưng giờ đây nàng không còn là Tây Lăng Hành to
gan làm loạn nữa, mà đã trở thành Tây Lăng công tử trị bệnh cứu người.
Tây Lăng công tử chữa bệnh cứu người không lấy một xu, chỉ yêu cầu cả nhà
người bệnh hàng ngày sớm tối đều hướng về phía Thần Nông sơn thành tâm
cầu chúc.
Nghe nói vạn vật đều có linh tính, chỉ cần có lòng
thành, thành ý của vạn người trong thiên hạ có thể dung hợp với linh khí đất trời, giảm thiểu đau khổ của thế gian, đây chính là nguyên nhân tại sao thời loạn thường xuất hiện anh hùng, bởi người đời mong có một vị
anh hùng để dẹp yên mọi chuyện, anh hùng cũng theo lẽ trời mà sinh ra.
Mỗi lần đi tới đâu, Tây Lăng công tử đều lập trường mở lớp, phàm là người
yêu thích y thuật, bất kể thân phận cao thấp địa vị sang hèn đều có thể
tới nghe giảng.
Theo bước chân rong chơi khắp cõi đại hoang, y thuật của Tây Lăng công tử cũng càng lúc càng tiến bộ.
Rất nhiều thầy thuốc nổi danh sùng bái Tây Lăng công tử, họ cho rằng trò
chuyện với Tây Lăng công tử một lần có thể thông hiểu bao điều, y thuật
bước lên một tầng cao mới. Nhưng cũng có người nghi ngờ Tây Lăng công
tử, bởi nghe nói có lúc hỏi một số vấn đề đơn giản, công tử lại bỗng
nhiên ấp úng không trả lời được.
Dù cho y thuật cao hay thấp,
trên con đường rong ruổi của mình, Tây Lăng công tử cũng đã giúp đỡ rất
nhiều người, khiến bao kẻ phải đội ơn.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, chớp mắt đã sáu năm.
Hôm đó Tây Lăng công tử tới Vân Châu thành của Cao Tân quốc, như thường lệ, sáng sớm công tử luận bàn y thuật với các thầy thuốc, đến chiều thì
chọn một nơi thoáng đãng ở ngoại thành tiếp người bệnh các phương đồ đến khám bệnh.
Nguồn ebook: http://www.luv-ebook.com
Nơi
khám của Tây Lăng công tử rất đơn sơ, chỉ có một manh chiếu cô, công tử
ngồi trên chiếu, xung quanh là những người tới nhờ chẩn trị.
Mộ
danh tiếng lẫy lừng của Tây Lăng công tử, người ta đổ xô tới xin khám
bệnh chật kín cả cánh đồng, từ kẻ ăn mày manh áo chẳng đủ che thân đến
danh môn khuê tú ngồi đợi trong kiệu. May sao, các thầy thuốc hồi sáng
nghe Tây Lăng công tử thuyết giảng cũng khảng khái ra tay giúp đỡ, họ
học theo công tử, trải một tấm chiếu khám bệnh cho người.
Tuy
người đông nghẹt nhưng cũng rất yên tĩnh, không ai chen lấn hay náo
loạn, mọi người đều trật tự xếp hàng đợi, khiến cả vùng đồng hoang mênh
mông bỗng trở nên trang nghiêm trầm mặc.
Thành chủ Vân Châu
thành dẫn Nhị vương tử Yến Long của Cao Tân tới bên sườn núi, trông thấy đám người đông nghìn nghịt, Yến Long than thở: “Tây Lăng công tử này
nổi tiếng thật.”
Thành chủ cười phụ họa: “Thuộc hạ cũng nghĩ vậy, thế nên nghe tin điện hạ đi ngang bèn mời ngài tới đây.”
“Sao?”
“Thuộc hạ nghĩ nếu điện hạ có thể thu y về dưới trướng, hắn vô cùng có lợi cho uy tín của mình.” Thiếu Hạo rất được lòng trăm họ, bởi thế Yến Long
cũng cần những trợ thủ có thể nâng cao danh tiếng cho mình.
Tháy Yến Long gật đầu, thành chủ lại bồi thêm, “Y họ Tây Lăng, nói không
chừng là con cháu của Tây Lăng thế gia, mấy ngàn năm nay Tây Lăng thế
gia suy vi, con cháu chẳng làm nên công trạng gì, có điều con sâu trăm
chân, chết cũng không ngã, dù sa sút nhưng họ có dây mơ rễ má với ba thế gia kia, vẫn là một nguồn lực không nhỏ.”
Yến Long cười hờ hững, “Để ta đi gặp vị Tây Lăng công tử kia.”
Thành chủ định sai thuộc hạ dẹp đường, Yến Long đã ngăn lại, trách: “Bao
nhiêu người đang khám bệnh thế kia, đừng quấy rầy bọn họ, ta sẽ tự tới
đó.”
“Vâng, là thuộc hạ lo việc không chu đáo.”
Yến Long thong thả nhập vào đoàn người, vừa đi vừa để ý nghe mọi người xung
quanh bàn tán về Tây Lăng công tử. Y ăn vận sang trọng, tướng mạo xuất
chúng, đám đông đương nhiên tách ra nhường đường cho y.
Tây Lăng công tử nhìn cũng khá trẻ, mặc một bộ áo xanh, ngồi ngay ngắn dưới gốc
đa, dung mạo bình thường nhưng thần thái điềm đạm cử chỉ ôn hòa, khiến
người ta vừa gặp đã nảy sinh thiện cảm.
Tây Lăng công tử ngước
lên trông thấy Yến Long liền ngẩn ra, Yến Long là Nhị vương tử cao quý
của Cao Tân, trong cung đầy rẫy thầy thuốc, đường nhiên không tìm tới
nơi đây để khám bệnh.
Yến Long chỉ mỉm cười, hơi khom lưng hành lễ với Tây Lăng công tử.
Tây Lăng công tử cũng khom người đáp lễ, nhưng trả lễ xong liền quay qua tiếp đãi bệnh nhân, chẳng để ý gì tới y nữa.
Mãi tới tối mịt, đám người buộc phải tản đi, Tây Lăng công tử mới thôi khám bệnh.
Yến Long cũng rất nhẫn nại, cứ lặng lẽ ngồi bên đợi, thấy người đã tản đi
hết mới bước lại nói: “Tại hạ họ Thường, vô cùng kính phục cao nghĩa của công tử, muốn mời công tử dùng mấy chén rượu, nói đôi câu chuyện phiếm
giang hồ.”
Tây Lăng công tử khách sáo từ chối, “Tôi vất cả cả
ngày rồi, mai lại phải tới nhà người ta thăm bệnh, tối nay cần nghỉ ngơi sớm.”
Yến Long rất khiêm tốn lễ độ, cũng không nài ép, “Vậy tại hạ đợi công tử hết đợt khám bệnh sẽ lại đến mời.”
Liền ba ngày Yến Long đều đến từ sớm, ngồi đợi một bên, chẳng những không
làm phiền Tây Lăng công tử, ngược lại còn giúp được rất nhiều việc như
chia bệnh nhân thành từng nhóm, bệnh gì thì giao cho thầy thuốc chuyên
về bệnh đó, nhờ Yến Long tổ chức có hiệu quả mà năng suất chữa bệnh nâng lên cao vọt.
Sau ba ngày, đợt khám bệnh kết thúc, Yến Long lại
tới mời, “Tối nay là tết Phóng Đăng[2] của Cao Tân, tại hạ đã bày sẵn
rượu và đồ nhắm, hy vọng công tử có thể đại giá quang lâm, cùng ngắm đèn trôi trên sông.”
[2] Tết thả đèn. (ND)
Tây Lăng công tử còn chưa kịp đáp, mấy tên thầy thuốc tới giúp đỡ vốn sẵn thiện cảm với
Yến Long đã hùa thêm vào, “Công tử nhận lời đi, vất vả mấy ngày nay cũng nên nghỉ ngơi một chút.”
Thịnh tình khó chối, Tây Lăng công tử đành nhận lời với Yến Long.
Yến Long đưa Tây Lăng công tử lên một con thuyền bày biện trang nhã, hầu
cận trên đó đều là thiếu nữ đương thì, ngay đến thuyền nương chèo thuyền cũng mặt hoa da phấn, dáng dấp yêu kiều. Các món ăn trên đó lại càng
cầu kỳ hơn, nào là quế hoa viên tử nhưỡng, tùng thử ngư, bích hải minh
nguyệt thang[3]…
Thiếu nữ răng trắng muốt mắt nhung huyền vận chiếc quần lụa phương Nam, giới
thiệu từng món ăn bằng giọng miền Nam ngọt ngào êm ái, quả có một phong
vị tình tứ riêng.
Tây Lăng công tử cười khen: “Quả nhiên chưa
tới phương Nam chưa biết thế nào là phong lưu.” Kỳ thực trong lòng thầm
cảnh giác, ăn chẳng thấy ngon.
Vốn dĩ Tây Lăng chẳng hiểu gì về
Yến Long, nhưng qua Vân Tang và Nặc Nại cũng nắm được chút chút chuyện
tranh quyền đoạt vị giữa Yến Long và Thiếu Hạo, biết rằng Yến Long là
nhân vật không dễ đối phó. Bởi vậy, Yến Long càng lịch thiệp thì Tây
Lăng càng căng thẳng.
Ngắm làn sóng biển dập dờn trước mắt, Tây
Lăng không khỏi nhớ tới Vân Tang và Nặc Nại, hai kẻ gặp nhau bên bờ
nước, chẳng hiểu bây giờ bọn họ ra sao. Tây Lăng đã viết thư hỏi Vân
Tang có muốn mình tới Cao Tân thăm Nặc Nại giùm không, Vân Tang đáp rằng hiện giờ thế cuộc phức tạp, chẳng còn lòng dạ nào nghĩ tới chuyện đó.
Tây Lăng hiểu ý Vân Tang, đang lúc thay triều đổi đại này, hễ sơ sểnh sẽ nổ ra đại loạn, Vân Tang vừa phải chăm lo cho bệnh tình Viêm Đế lại vừa phải phò trợ một Du Võng nhu nhược, e rằng bốn chữ “dốc cạn tâm sức”
cũng không đủ hình dung tình cảnh nàng.
Yến Long thấy Tây Lăng
công tử vẻ mặt căng thẳng, tâm thần hoảng hốt bèn rút ra một cây đàn
bằng gỗ ngô đồng, cười nói: “Công tử biết chữa bệnh cứu người còn nghề
đàn của tại hạ chỉ có thể giải khuây cho người, nay xin gảy một khúc, hy vọng có thể giúp công tử xua tan mệt mỏi.” Yến Long tự phụ ngón đàn của mình là thiên hạ vô song, thường ngày không tùy tiện gảy đàn, đừng nói
tới đánh đàn tấu nhạc vì ai bao giờ, có điều lần này hắn muốn chiêu dụ
Tây Lăng công tử nên không tiếc hạ mình mà thôi.
Tây Lăng công tử vội thi lễ cảm tạ.
Tay đàn của Yến Long cao diệu vô chừng, quả không hổ là thiên hạ đệ nhất.
Thoạt đầu tiếng đàn dịu dàng cất lên tựa làn gió xuân xua tan hết đau
khổ trần gian, khiến tâm hồn lâng lâng, bất giác quên hết mọi chuyện
phiền não, sau đó tiếng đàn lại hòa vào cùng cảnh vật xung quanh, tiếng
trôi giữa cảnh, cảnh hiện theo tiếng, Tây Lăng công tử cũng thả hồn theo tiếng đàn để thưởng thức hết phong cảnh bốn bề.
Người tới thả
đèn cầu năm mới bình yên đông nghịt hai bên sông, ai nấy lũ lượt thả đèn xuống nước. Từng chiếc đèn rực rỡ theo dòng nước dập dềnh trôi mãi về
nơi xa.
Con thuyền của họ lặng lẽ lướt trên mặt sông như đang đi giữa muôn ngàn ánh sao lấp lánh. Giờ đây Giang Nam đương độ cỏ xanh
oanh vàng, hoa hồng liễu biếc, hai bên bờ trăm hoa đua nở, rực rỡ thắm
tươi, gió đêm hây hẩy đưa hương, cỏ hoa phất phơ đón gió, đẹp không bút
nào tả xiết.
Thầm nghĩ chỉ còn một tháng nữa hoa đào trong núi
Cửu Lê nở rộ, mình lại có thể gặp Xi Vưu, Tây Lăng không khỏi bồi hồi
trong dạ. Hàng năm, bọn họ đều y hẹn gặp nhau dưới cội hoa đào, tuy sum
họp thật ngắn ngủi nhưng vẫn miên man hạnh phúc.
Đột nhiên, mấy
tiếng khèn ồ ồ không ra khúc điệu gì chợt vang lên, cắt ngang dòng suy
tưởng của Tây Lăng công tử, đồng thời cũng làm loạn tiếng đàn của Yến
Long, tinh một tiếng, dây đàn đứt phựt. Yến Long biến sắc, đành trông
lên bờ nói: “Hay chúng ta lên bờ đi dạo?”
Tây Lăng công tử gật đầu cười: “Cũng được.”
Thuyền nương cho thuyền cập vào bờ, ánh đèn trên sông càng lúc càng rõ mồn
một, Yến Long vừa đi vừa luôn miệng giới thiệu các loại hoa đăng khác
nhau với Tây Lăng công tử.
Liên Hoa đăng ngụ ý cát tường an
khang, Đào Hoa đăng mong được nhân duyên tốt đẹp, Táo Hoa đăng cầu sớm
sinh quý tử. Tịnh Đế Liên đăng hy vọng mãi mãi bên nhau, Quy Giáp
đăng[4] cầu chúc cho cha mẹ sống lâu…
[4] Đèn hoa sen, đèn hoa đào, đèn hoa táo, đèn hoa sen tịnh đế, đèn mai rùa (ND)
Tây Lăng công tử thoạt đầu chỉ ham xem náo nhiệt, sau nghe Yến Long giải
thích dần dần cũng hiểu ra trong mỗi chiếc đèn đều chứa đựng lời cầu
khẩn chân thành của một người, mỗi ngọn đèn là một tâm nguyện thiết tha.
Mấy đứa trẻ giơ cao đèn hoa chạy xộc tới, trong lúc chạy sơ ý để ngọn đèn
bén lửa bùng cháy, ngay lập tức, cả đám đông nhốn nháo lên lo tránh lửa.
Tây Lăng công tử đảo mắt, nhân lúc mọi người đang hỗn loạn, vờ như bị lạc
khỏi Yến Long rồi thừa cơ chuồn thẳng. Dụng ý của Yến Long khi nhiệt
tình khoản đãi mình lẽ nào Tây Lăng không hiểu, nhưng nàng không thể nào đáp ứng, đã vậy chi bằng chuồn sớm cho xong.
Chạy tới chỗ vắng
người, không thấy bóng dáng Yến Long đâu nữa, Tây Lăng công tử khoái chí cười khì, nào ngờ trong rừng đào bỗng vang lên một tràng cười khanh
khách.
Tây Lăng sững sờ, “Ai đó?”
Nàng vội ngẩng đầu
lên, trông thấy một nam tử áo trắng thần thái phiêu dật đang vắt vẻo
ngồi trên cây mận, tay cầm bầu rượu, dáng vẻ tiêu sái như thần tiên say
vùi giữa ngàn hoa, những bông hoa mận đầy cành càng tôn lên vẻ phóng
khoáng thanh cao, phi phàm xuất chúng của y.
Hóa ra là Thiếu Hạo, hèn chi có thể làm rối loạn tiếng đàn của Yến Long, Tây Lăng lập tức ngẩn người.
Thiếu Hạo cười hỏi: “Công tử tới ngắm hoa đăng trên sông sao?”
“Phải.”
“Thật ra địa điểm tốt nhất để ngắm hoa đăng không phải ở trên sông đâu.”
“Vậy ở đâu?”
Một con Huyền điểu đen tuyền sà xuống trước mặt hai người, Thiếu Hạo chỉ
lên trời cười, “Ngắm sao trời phải đứng ở dưới đất, vậy ngắm ánh sao
trên mặt đất đương nhiên phải bay lên trời rồi.”
Nói rồi y mời Tây Lăng công tử leo lên Huyền điểu, Tây Lăng thoáng do dự rồi cũng bước lên.
Huyền điểu cất cánh bay lên, Tây Lăng công tử sánh vai đứng bên Thiếu Hạo, cùng nhìn xuống mặt đất.
Cao Tân quốc ao hồ đầy rẫy, sông ngòi nhan nhản. Tết Phóng Đăng là ngày hội lớn nhất trong năm của Cao Tân, nhà nào nhà nấy đều làm đèn đem thả,
khi nãy ngồi trên thuyền chỉ có thể ngắm đèn trôi trên một dòng sông,
còn giờ đây từ trên cao nhìn xuống mới nhận ra tất cả hồ ao sông ngòi
đều tràn ngập ánh đèn, lung linh rực rỡ, mênh mang vời vợi như vô vàn
ánh sao trên mặt đất, những ánh sao này tụ lại thành muôn ngàn dòng sông sao, hoặc quanh co uốn khúc hoặc bát ngát bao la, mỹ lệ lộng lẫy hơn
nhiều bầu trời sao trên không kia.
Tây Lăng tròn mắt ra nhìn, lẩm bẩm: “Đúng là tiên cảnh giữa trần gian, chằng biết mình đang ở trên trời hay dưới đất nữa.”
Thiếu Hạo chăm chú ngăm dải đất Cao Tân lấp lánh ngàn sao, mỉm cười phụ họa:
“Hàng năm ta đều thưởng thức cảnh tượng này, vậy mà năm nào cũng rung
động tận tâm can.”
Tây Lăng lại hỏi: “Chẳng hay truyền thuyết về tết Phóng Đăng bắt nguồn từ đâu?”
“Từ lâu lắm rồi, truyền thuyết thì nhiều lắm. Có truyền thuyết kể rằng,
người yêu của một thiếu nữ xinh đẹp phải đi đánh giặc nơi xa, mãi chẳng
thấy về, thiếu nữ đau buồn bèn thắp những ngọn đèn thả xuống sông để dẫn lối cho chàng ta về nhà, chàng dũng sĩ chỉ còn thoi thóp chút hơn tàn,
nhờ ngọn đèn đưa đường cuối cùng cũng tìm được đường về, đoàn tụ cùng
thiếu nữ. Còn có truyền thuyết kể rằng: trong ngôi làng tươi đẹp bình
yên đột nhiên xuất hiện một con thủy quái lớn, để cứu mọi người trong
làng, một thiếu niên dũng cảm đã chiến đấu ác liệt với thủy quái rồi hy
sinh, mẹ cậu ta hết sức đau lòng, ngày đêm cứ quanh quẩn ngoài bờ sông
gọi tên con, để an ủi người mẹ tội nghiệp đó, dân làng bèn thắp những
ngọn đèn thả trôi trên sông.”
“Ngươi tin vào truyền thuyết nào?”
Thiếu Hạo đáp: “Ta tin rằng những ngọn đèn đó chính là những ánh sao.”
“Sao ư?”
Thiếu Hạo ngượng nghịu cười, “Mẹ ta qua đời trong lúc sinh ra ta. Vú già nuôi nấng ta thường trỏ những vì sao trên trời an ủi rằng mẹ vẫn ở bên ta,
bà đã hóa thành sao trên trời, mãi mãi bảo vệ cho ta. Thoạt đầu ta rất
tin lời vú, bất kể lúc vui hay lúc buồn đều cung kính thổ lộ hết với
những vì sao đó, ngỡ rằng mẹ ta trên trời có thể nghe thấy mọi điều. Cho tới một lần ta gặp chuyện vô cùng oan ức, đệ đệ có mẹ chở che còn ta
chẳng có ai cả, đành chịu bị người ta lăng nhục, ta ấm ức về bảo vú già: “Ta không tin mấy chuyện nhảm nhí của vú nữa, trên đời làm gì có ngôi
sao bảo hộ chứ!” Vú già hết sức buồn rầu, bèn dắt ta ra ngoài xem người
ta thả đèn, cả dải đất Cao Tân tựa hồ đều biến thành một bầu trời lấp
lánh ánh sao, y như đêm nay vậy, vú già nói: “Trông thấy chưa? Đó đều là những ngôi sao bảo hộ đó!”
Tây Lăng chăm chú nhìn những vì sao
bên dưới, bấy giờ mới hiểu ý Thiếu Hạo, những ngọn đèn kia là do vô số
thiếu nữ, vô số dũng sĩ, vô số người mẹ, vô số đứa con thắp lên, ánh đèn cũng là tấm lòng muốn bảo vệ cho người thân của họ, thế nên gọi là
những ngôi sao bảo hộ.
Thiếu Hạo mỉm cười nhìn Tây Lăng công tử, “Tại hạ Cao Tân Thiếu Hạo.”
Đó là cái tên khiến cả đại hoang chấn động, Tây Lăng thật không ngờ Thiếu
Hạo lại đột nhiên tiết lộ thân phận của mình, mặt trân trân nhìn y.
“Ta nghĩ người chuyên cần học y ắt hẳn trong lòng có thứ gì đó muốn bảo vệ, chẳng hay điều Tây Lăng công tử muốn bảo vệ nhất là gì đây?”
Tây Lăng công tử trầm ngâm, tuy Tây Lăng chưa để lộ thân phận nhưng đã bị
Thiếu Hạo nhìn thấu tâm tư mất rồi. Trước uy phong cùng sức mạnh của phụ vương và Đại ca, rõ ràng Tây Lăng vô cùng nhỏ bé. Chính vì không muốn
một ngày kia mình trở thành kẻ vô dụng trước hai người đó nên Tây Lăng
phải nỗ lực nghiên cứu y thuật.
Thiếu Hạo cũng không gặng tiếp,
chỉ mỉm cười nói: “Y thuật của Tây Lăng công tử chẳng khác nào ngọn lửa, có thể thắp lên ngọn đèn giùm những thiếu nữ và những người mẹ kia, để
bọn họ được hạnh phúc. Thay mặt tất cả những thiếu nữ và những người mẹ
trên toàn Cao Tân này, ta xin công tử hãy ở lại, cùng ta bảo vệ bức họa
tiên cảnh nhân gian ấy.”
Gương mặt Thiếu Hạo ánh lên vẻ kiên
quyết vững vàng tựa ngọn núi cao ngàn thước không gì lay chuyển nổi,
khiến Tây Lăng chợt thấy tim đập thình thịch, mơ hồ có cảm giác vừa tôn
kính lại vừa sờ sợ.
Thiếu Hạo cười nói: “Ta biết đây là quyết
định lớn nên công tử không cần phải vội, dù sao công tử vẫn còn ở lại
Cao Tân rong chơi, cứ suy nghĩ thật kĩ rồi nói lại với ta. Dù công tử
bằng lòng hay không, ta cũng rất biết ơn công tử đã tới Cao Tân, càng
hoan nghênh công tử tới Cao Tân lần nữa.”
Tây Lăng công tử chỉ biết gật đầu.
Huyền điểu chở bọn họ đỗ xuống một mảnh sân nhỏ, Tây Lăng công tử đang định
chối từ thì Thiếu Hạo đã tươi cười đẩy mở cửa phòng, chỉ thấy trên bàn
bày đầy sách vở, “Đây là sách thuốc ta thu thập suốt bao năm nay, hy
vọng có thể giúp ích cho công tử.”
Tây Lăng công tử không khỏi
động tâm, bước tới cầm một cuốn lật xem, Thiếu Hạo khẽ khàng khép cửa
lại, đợi đến khi Tây Lăng công tử ngẩng đầu lên đã không thấy y đâu nữa.
Tây Lăng công tử vốn định từ biệt, nhưng tiếc rẻ đống sách thuốc ở đây nên lại ngồi xuống đọc tiếp.
Suốt mấy ngày Tây Lăng công tử chỉ chúi mũi vào đống sách vở mà Thiếu Hạo
thu thập được. Thiếu Hạo chẳng hề tới làm phiền Tây Lăng, thậm chí Tây
Lăng còn không có cảm giác y cũng sống dưới cùng một mái nhà. Chỉ thi
thoảng thấy mùi rượu thơm lừng đưa lại, Tây Lăng mới nhận ra kẻ đó đang ở gần đây.
Hôm đó đang đọc dở cuốn sách, Tây Lăng lại ngửi thấy
mùi rượu, có điều lần này là thư tửu đất Điền, Tây Lăng không nhịn nổi
đành mở toang cửa ra, nhưng trước sau nào thấy bóng người.
Đương lúc bực bội, trên nóc nhà chợt vang lên tiếng nói: “Đọc hết sách rồi sao?”
Tây Lăng lùi lại ngẩng lên, trông thấy Thiếu Hạo đang nghiêng mình nằm trên nóc nhà, một tay chống cằm, tay kia ôm hồ lô rượu, sau lưng là vầng
trăng vằng vặc, dưới ánh sáng trong vắt mênh mang, trông y chẳng khác
nào một vị tiên say khướt giữa vũng trăng.
“Sắp hết rồi, ngài uống rượu gì thế?”
“Thư tửu đất Điền, công tử muốn nếm thử không?” Thiếu Hạo ném hồ lô rượu cho Tây Lăng công tử.
Tây Lăng hớp một hớp, làm bộ không chịu nổi tửu lực, ném trả lại y, “Sao rượu còn phân ra thư hùng?”
Thiếu Hạo mỉm cười ngẩng đầu nhìn trời như đang hồi tưởng lại chuyện gì đó,
“Đó là một người bạn cũng rất mê rượu nói cho ta nghe, quả thật rượu
cũng chia ra thư hùng.”
Tây Lăng nín thở ngồi xuống chiếc bàn đá trong sân, ra vẻ tò mò hỏi: “Phải là người thế nào mới có thể làm bạn
rượu của Thiếu Hạo nổi danh thiên hạ đây?”
Thiếu Hạo hớp một
ngụm rượu, khóe môi ẩn hiện nụ cười, y lặng thinh không đáp, hồi lâu mới nói: “Nàng ấy rất thú vị.” Nói rồi y ngoảnh đầu nhìn về phía Tây,
“Chẳng biết bây giờ nàng ấy đang vừa uống rượu vừa nghe người ta kể
chuyện ở nơi nào nữa.”
Thấy Tây Lăng im lặng, Thiếu Hạo lại lắc lắc hồ lô rượu hỏi: “Muốn nếm nữa không?”
Tây Lăng cười: “Muốn!”
Thiếu Hạo ném hồ lô rượu qua.
Hai người kẻ ngồi nơi bàn đá kẻ nằm trên nóc nhà, vừa uống rượu vừa trò chuyện.
Tây Lăng biết Thiếu Hạo cũng toan tính giống Yến Long, thoạt đầu y cố tình
phá hỏng kế hoạch của Yến Long, sau đó từng bước lấy lòng khiến mình
không sao chối từ ý tốt của y, tuy nhiên cùng là chiêu dụ, Thiếu Hạo lại thực hiện rất tự nhiên chân thành. Chợt nghĩ, nếu mình thật sự là Tây
Lăng công tử, e rằng đã sớm quy phục Thiếu Hạo, cam lòng phục vụ cho y
rồi.
Hai người trò chuyện đến nửa đêm, Tây Lăng sợ rượu vào lời
ra lại lộ tẩy nên không dám uống nữa, đành vờ say liêu xiêu về phòng nằm nghỉ.
Sáng sớm ra, Tây Lăng đang rửa mặt chợt trông thấy vô số tằm bay vào phòng, xếp thành hai chữ to tướng: “Về ngay.”
Tây Lăng đánh rơi cả khăn xuống đất, mặt tái nhợt.
Đợi tâm trạng trấn tĩnh lại, Tây Lăng bước ra khỏi phòng, phát hiện Thiếu
Hạo đang đứng trong sân dõi mắt trông theo bóng Huyền điểu truyền tin
vừa bay đi, vẻ mặt nghiêm trọng lạ thường.
Rốt cuộc là chuyện gì mà đồng loạt kinh động cả Hiên Viên cùng Cao Tân thế này? Tây Lăng thầm suy đoán, tâm trạng càng thêm nặng nề.
Thiếu Hạo lên tiếng: “Ta vốn định cùng công tử ngao du khắp Cao Tân, nhưng hiện giờ ở nhà có
việc gọi ta về, đành phải đi trước vậy, thật ngại quá! Công tử muốn đi
đâu, để ta phái thuộc hạ hộ tống.”
Tây Lăng đáp: “Không cần đâu, tôi cũng có chút việc phải giải quyết, đang định từ giã điện hạ.”
Thiếu Hạo gật đầu cười, “Vậy công tử bảo trọng, ta rất mong sau này còn có dịp gặp lại nhau.”
Tây Lăng áy náy cười nói, “Nhất định sẽ gặp lại mà.”
Thiếu Hạo cũng chẳng nấn ná thêm, liền cưỡi Huyền điểu vội vã đi thẳng.
Tây Lăng đợi y đi khỏi cũng lập tức triệu hồi A Tệ và Liệt Dương, vội vàng
quay về Hiên Viên sơn. Trước mắt chỉ có tin Viêm Đế bệnh nặng mới có thể đồng thời kinh động cả mẹ cùng Tuấn Đế, để hai người phải lập tức hạ
lệnh gọi bọn họ về nhà. Xem ra khả năng dò thám tin tức của Cao Tân và
Hiên Viên cũng một chín một mười.
Tây Lăng đau đáu trông về phía Thần Nông sơn, chẳng hiểu Xi Vưu có ổn không?
A Hành còn đang ở giữa chừng không đã thấy Thanh Dương đứng trước điện Triêu Vân đợi.
Nàng vội nhảy từ lưng A Tệ xuống, bước đến trước mặt Thanh Dương, cung kính hành lễ, “Đại ca.”
Thanh Dương chỉ gật đầu, rảo bước đi trước dẫn đường, A Hành lặng lẽ theo sau y.
Bước vào chính điện, A Hành chợt trông thấy phụ vương, người đã mấy trăm nay chưa hề đặt chân đến đây đây.
Cha mẹ nàng đang ngồi bên bàn, đối diện nhau uống trà.
Cha nàng thân khoác vương bào, khí độ ung dung, oai phong lẫm liệt, còn mẹ
nàng đã bạc trắng mái đầu, mặt sạm gió sương, già nua héo úa. Nếu không
biết thân phận của hai người, e rằng chẳng ai dám tin họ lại là vợ
chồng.
Đợi Thanh Dương hành lễ xong đứng sang một bên, A Hành liền quỳ xuống dập đầu, “Phụ vương, mẫu hậu, Hành nhi về rồi đây.”
Hoàng Đế cười nói, “Tới ngồi cạnh phụ vương nào, con cứ rong chơi bên ngoài suốt, chẳng chịu tới thăm phụ vương gì cả.”
A Hành ngồi xuống bên cha, tự tay châm trà hầu cha mẹ.
Nàng níu tay cha vừa nũng nịu vừa hỏi dò, “Phụ vương, sao người lại tới đây? Dạo này phụ vương không bận công việc ư?”
Hoàng Đế cười đáp: “Có bận rộn mấy đi nữa cũng phải lo việc chung thân đại sự cho con chứ!”
Tim A Hành đập rộn lên, nàng đưa mắt lên thắc mắc nhìn mẹ. Luy Tổ liền lên
tiếng: “Phụ vương con đang định chọn ngày, gấp rút cho con thành hôn
cùng Thiếu Hạo.”
A Hành đột nhiên thấy trước mặt tối sầm, phải ráng định thần, cất giọng năn nỉ: “Phụ vương, con chưa muốn lấy chồng đâu!”
Hoàng Đế vẫn thản nhiên uống trà, tay không hề khựng lại, như chẳng nghe thấy lời nàng.
Thanh Dương cúi đầu vừa châm trà vừa lạnh lùng hỏi: “Muội không muốn lấy chồng hay không muốn lấy Thiếu Hạo?”
Nhìn vẻ mặt thờ ơ của Đại ca, A Hành thấy lòng lạnh buốt: “Muội chỉ muốn
rong chơi thêm mấy năm nữa thôi, sao đột nhiên bắt muội lấy chồng gấp
rút thế?”
Thanh Dương đáp: “Nếu như bình thường, muội muốn chơi
thì cứ việc chơi cho thoả sức, nhưng tình thế bây giờ không cho phép
muội tuỳ hứng nữa rồi.”
“Tình thế bây giờ làm sao?”
“Người thiên hạ chỉ biết Viêm Đế đang bế quan luyện thuốc, nhưng chúng ta lại
được tin báo Viêm Đế đang lâm trọng bệnh, e rằng Thần Nông tộc sắp thay
thủ lĩnh mới rồi.”
A Hành siết chặt hai tay, dẫu đã đoán trước
bệnh tình Viêm Đế chuyển biến xấu nhưng chính tai nghe thấy điều đó,
nàng vẫn thấy khó mà chịu nổi.
Thanh Dương nói tiếp: “Thuộc địa
của chúng ta và Thần Nông tiếp giáp nhau, mấy ngàn năm nay hai tộc Hiên
Viên và Thần Nông vẫn tranh chấp liên miên, họ đã bất mãn với chúng ta
từ lâu, sớm muộn gì Viêm Đế mới kế vị cũng sẽ cất quân đánh ta. Thần
Nông quốc nằm giữa Trung Nguyên, đất đai phì nhiêu, sản vật phong phú,
dân chúng đông đúc, thực lực mạnh hơn ta nhiều, hơn nữa nền móng của
chúng ta không bì được với những Thần tộc thượng cổ kia, nếu Thần Nông
liên minh cùng Cao Tân, hẳn Hiên Viên sẽ đứng trước mối hoạ diệt tộc,
bởi vậy muội phải thành hôn với Thiếu Hạo càng sớm càng tốt.”
A Hành trừng mắt nhìn Thanh Dương, “Huynh cứ luôn miệng nói nào Hiên Viên nào Thần Nông, vậy còn muội thì sao?”
Thanh Dương thản nhiên nói lạnh băng: “Muội là vương cơ của Hiên Viên, đây là trách nhiệm muội buộc phải gánh vác.”
A Hành lại quay sang cầu khẩn Hoàng Đế: “Phụ vương, xưa nay người thương
con nhất mà, con chưa muốn lấy chồng đâu, cho con ở nhà hầu hạ người và
mẫu hậu thêm mấy năm nữa nhé.”
Hoàng Đế nghiêm mặt: “Không phải
phụ vương không muốn giữ con lại, có điều ta và Tuấn Đế đã trao đổi với
nhau, qua ngày mai Thiếu Hạo sẽ đích thân tới Hiên Viên chọn ngày, những chuyện khác đều có thể chiều theo con nhưng hôn sự này nhất định phải
nghe lời cha mẹ.”
A Hành vùng vằng hất hết chén đĩa mâm quả trên bàn xuống đất, bỏ chạy ra ngoài, “Muốn lấy thì các người tự đi mà lấy,
con không lấy!”
Thấy vậy, Hoàng Đế giận dữ quay sang trách Luy
Tổ: “Nhìn xem, nàng chiều chuộng nó thành cái gì rồi! Trong mắt nó còn
coi ta là phụ vương không đây? Nếu lần này nó lại lén trốn xuống núi, ta nhất định sẽ nghiêm trị!” Dứt lời, Hoàng Đế phẩy tay áo đùng đùng đứng
lên. Dưới sự hộ tống của đám thị vệ, cả đoàn người rầm rộ rời khỏi Triêu Vân phong.
Trong sân trồng đầy những gốc phượng hoàng cao ngất
nở hoa rực rỡ, mỗi khi có gió, từng trận hoa rụng rơi lả tả, nhấn chìm
cả khoảnh sân giữa màn mưa hồng phấp phới, khiến cảnh sắc nhuốm màu diễm lệ.
A Hành ngước mắt nhìn trời, cảm thấy hít thở cũng khó khăn.
Sau lưng nàng chợt vang lên giọng nói của Luy Tổ: “Sao con không muốn lấy
Thiếu Hạo? Tuy ta chưa từng gặp Thiếu Hạo nhưng Thanh Dương và Xương Ý
đều hết lời ca tụng y, chắc hẳn cũng rất khá. Lẽ nào con đã có người
trong mộng rồi ư?”
A Hành đang chần chừ định nói, chợt trông
thấy Thanh Dương đứng sau mẫu hậu trừng mắt nhìn mình, ánh mắt lạnh
buốt, còn thấp thoáng vài phần sát khí, trước mắt nàng liền hiện ra cảnh tượng Đại ca vung kiếm đâm vào tim Xi Vưu ngày đó, bất giác ớn lạnh tận đáy lòng, đành nuốt hết những lời toan nói.
“Con… con chẳng thích ai cả, chỉ là muốn tự do tự tại thêm mấy năm nữa, chưa muốn lấy chồng.”
Luy Tổ dịu giọng dỗ dành: “Nữ tử nào cũng phải xuất giá thành hôn thôi, con là vương cơ Hiên Viên, rất nhiều việc đã được định sẵn từ khi sinh ra
rồi. Đừng sợ, biết đâu sau khi lấy chồng, con lại hối hận sao không
thành hôn sớm hơn đấy. Hai hôm nữa Thiếu Hạo tới, mẹ sẽ tìm cách để hai
đứa ở riêng bên nhau vài ngày, may ra con hiều được lời mẹ nói chăng.”
A Hành gật đầu khẽ vâng dạ, ánh mắt vẫn trừng trừng nhìn Đại ca.
Đêm đã buông xuống, A Hành thấy toàn thân rời rã nhưng chẳng buồn ngủ chút nào.
Nàng đứng bên song ngắm từng cánh hoa phượng hoàng đỏ rực bay qua trước mắt, bây giờ đương độ hoa đào nở rộ trong núi Cửu Lê, ngày mai chính là tết
Khiêu Hoa, Xi Vưu sẽ đợi nàng dưới cội hoa đào, không gặp không về.
A Hành nghe lòng vừa ngọt ngào vừa chua xót, nàng gỡ Trụ Nhan hoa xuống, vờn nghịch trên tay.
Đợi mọi người đều đã say giấc nồng, nàng bắt đầu rón rén ra khỏi cung tìm A Tệ và Liệt Dương.
Nghe tiếng chân nàng, A Tệ và Liệt Dương lập tức tỉnh ngay.
A Hành ra dấu cho chúng im lặng rồi lén lút trèo lên lưng A Tệ nói nhỏ: “Đi Cửu Lê.”
A Tệ và Liệt Dương cất cánh bay lên, không gây ra một tiếng động, nhưng
vừa bay lên cao, chuẩn bị dốc sức tăng tốc, A Hành chợt trông thấy Thanh Dương cưỡi trên Trùng Minh điểu[5] ngũ sắc, lạnh lùng nhìn nàng.
[5] Thập Di ký của Tấn Vương gia chép: “Trùng Minh điểu còn tên khác là
Song Tinh, mỗi bên mắt có hai con ngươi. Hình dáng như gà, tiếng kêu tựa phượng. Mỗi khi dang cánh có thể đánh đuổi mãnh thú hổ lang, quét sạch
yêu ma quỷ quái.”
“Muội định đi đâu thế?”
A Hành không
trả lời, chỉ nói: “Huynh đừng quản chuyện còn muội, tránh ra đi!” Nói
rồi nàng thúc A Tệ vượt lên, toan cướp đường chuồn đi.
Thanh Dương khoanh tay yên lặng đứng nhìn nhưng linh lực của y đã vây lấy A Tệ, khiến nó không sao bay nổi.
A Hành gỡ Trụ Nhan hoa khỏi búi tóc, Trụ Nhan hoa lập tức nở phồng ra, vô số cánh đào biến thành muôn ngàn lưỡi dao bay về phía Thanh Dương. Lúc
này Thanh Dương mới vung một tay lên, toàn bộ những cánh đào bị linh lực của y dồn nén xoắn lại thành một sợi dây đỏ thắm, quấn lấy A Hành.
A Hành vừa điều khiển A Tệ lánh trái né phải vừa vây Trụ Nhan hoa toan gỡ sợi dây ra, nhưng sợi dây vẫn linh hoạt uốn éo như rắn, không chỉ tránh được hết các đòn tấn công mà còn vây chặt lấy nàng.
Để giải vây cho A Hành, Liệt Dương bèn phun ra một chuỗi lửa đỏ lôi kéo sự chú ý
của Thanh Dương, nhân lúc y lơ là, A Tệ liền thừa cơ lén cắn đứt dây.
Thấy sợi dây quấn quanh A Hành sắp tuột ra, Thanh Dương nổi cáu quát Liệt Dương: “Súc sinh, còn không mau tránh ra!”
Liệt Dương tức thì phun ra một đám lửa khổng lồ cao đến ba trượng vây lấy
Thanh Dương. Trông thấy Phượng Hoàng huyền hỏa, Thanh Dương vô cùng kinh ngạc, hóa ra con chim này còn biết giả ngu giấu nghề, lừa cho kẻ địch
coi thường mình rồi bất ngờ tập kích nữa.
Trùng Minh điểu tọa kỵ của y tuy là mãnh cầm hàng đầu trên đại hoang, đấu ngang tay được với
cọp beo nhưng muôn chim trời sinh đều kính sợ phượng hoàng, trông thấy
Phượng Hoàng huyền hỏa, nghe tiếng phượng gáy thành thót, nó chẳng dám
đối kháng trực diện cùng Liệt Dương nữa, động tác cũng chậm chạp đi
nhiều.
A Hành vội thừa cơ vùng khỏi dây trói, vươn mình nhảy lên lưng A Tệ bay vút đi, “Liệt Dương, chạy mau!”
Nào ngờ Liệt Dương sẵn tính nóng như lửa, vừa nãy bị Thanh Dương chửi mắng, đời nào chịu nghe lời A Hành mà bỏ chạy, ngược lại còn liều mạng sấn
tới tấn công Thanh Dương.
Thấy vậy, Thanh Dương bèn nổi sát tâm, nếu không giết con chim này đi, ắt tọa kỵ Trùng Minh điểu của y còn run rẩy sợ hãi, dù thúc ép thế nào nó cũng chẳng dám dốc toàn lực truy đuổi A Hành. Y ép buộc Trùng Minh điểu bay về phía Liệt Dương, thản nhiên
xông qua Phượng Hoàng huyền hỏa đang cháy rừng rực, bàn tay chợt biến
thành trắng xóa như tuyết, tấn công Liệt Dương.
A Hành quay đầu
trông thấy, hồn phi phách tán, chẳng kịp gọi A Tệ, lập tức bổ nhào trở
lại, trong nháy mắt nàng đã dung linh lực chật vật giằng được Liệt Dương ra, nhưng thân mình đang lơ lửng giữa không trung, không tránh nổi
chưởng lực của Thanh Dương, liền bị đánh trúng.
Thấy thân hình nàng rơi nhanh xuống dưới, Thanh Dương tái mặt vội nhảy khỏi tọa kỵ, ôm chầm lấy nàng.
Hết thảy mọi việc chỉ diễn ra trong chớp mắt, lúc này A Tệ mới kịp bay ngược trở lại, túm được cả Thanh Dương và A Hành.
Thấy A Hành đỡ một chưởng cho mình, Liệt Dương phẫn nộ kêu lên quang quác,
toàn thân bốc lửa rừng rực, biến thành một cuộn lửa đen điên cuồng đâm
bổ vào Thanh Dương.
Thanh Dương một tay ôm lấy A Hành, tay kia giơ lên toan giết luôn con Lang điểu tự chuốc tai vạ.
“Đại ca!” A Hành níu chặt lấy tay Thanh Dương cầu khần, nhưng vừa mở miệng
nàng đã phun ra một búng máu, bắn hết lên ngực Thanh Dương.
Thanh Dương thu tay lại, chỉ dùng tơ Thiên Tằm biến ra một tấm lưới lớn, quấn chặt lấy Liệt Dương. Tơ Thiên Tằm vốn chẳng chịu được Phượng Hoàng
huyền hỏa, nhưng mấy sợi tơ Thiên Tằm này lấy từ tấm áo bảo mà Luy Tổ
dệt cho Thanh Dương, lại có linh lực của Thanh Dương bảo hộ nên Liệt
Dương không sao đốt cháy nổi.
Thanh Dương tranh thủ khám qua
thương thế của em gái, thấy cũng không có gì nghiêm trọng, may mà y chỉ
dùng có bốn thành linh lực, y phục trên người A Hành lại do chính tay
Luy Tổ dệt nên đã hóa giải mất ba thành.
A Hành ngoan ngoãn dựa
vào lòng Đại ca như thể đã từ bỏ ý định chạy trốn vì vết thương, nhưng
khi Thanh Dương vừa định trị thương cho nàng, A Hành bất ngờ khống chế
mệnh môn y, lại dùng đào hoa chưởng độc của Trụ Nhan hoa phong bế không
cho linh khí của y vận hành, giữ chặt Thanh Dương lại.
Nàng cười hì hì nhảy lên lưng A Tệ, ngoái đầu nói với Thanh Dương, “Đại ca, huynh cứ ở đây hóng gió ngắm sao một lát đi, đào hoa chưởng độc này tuy lợi
hại nhưng huynh là Hiên Viên Thanh Dương cơ mà, chút độc này có nhằm nhò gì đâu.”
Thanh Dương trừng mắt nhìn nàng: “Muội cũng biết ta là Hiên Viên Thanh Dương, khắp đại hoang này chẳng thần tiên hay yêu quái
nào có thể dễ dàng đả thương ta như thế, chẳng qua ta không đề phòng
muội muội mình nên muội mới đắc thủ đó thôi! Vì một gã đàn ông khác mà
muội dám xuống tay đả thương Đại ca mình, có đáng không?”
A Hành thầm áy náy trong lòng, chỉ nói: “Đại ca, muội không muốn đả thương
huynh, chỉ là muội quả thật không muốn lấy Thiếu Hạo.”
Thanh
Dương nói: “Muội tưởng muội chạy thoát được ư? Đừng quên phụ vương đã
từng nói, nếu phát hiện ra muội trốn xuống núi, Người nhất định sẽ
nghiêm trị!”
A Hành nghiến răng thúc A Tệ bay về hướng Cửu Lê,
“Đại ca, tha lỗi cho muội.” Nàng đã hứa với Xi Vưu, dù thế nào nàng cũng phải đi gặp hắn.
Chập tối hôm sau, A Hành đã tới sơn trại Cửu Lê tộc.
Hoa đào trong núi Cửu Lê rực rỡ như lửa như tranh, bạt ngàn sơn dã phủ đầy một màu đỏ thắm, xán lạn tựa ráng chiều.
A Hành đã quen đường, cứ men theo tiếng ca đi sâu vào trong.
Trong sơn cốc chẳng có đài tế cũng chẳng có lễ vật cúng tế, chỉ thấy từng
đống lửa cháy rừng rực. Thanh niên thiếu nữ vây quanh đống lửa ca múa,
ăn vận rất giản dị, lời ca cũng rất giản đơn nhưng giọng hát vẫn ngân
lên lảnh lót, điệu múa vẫn sôi động, tiếng cười vẫn say đắm lòng người.
Ánh lửa bập bùng khiến gương mặt họ hồng rực lên đầy khỏe khoắn và hạnh phúc.
“Lúa trên nương chẳng cần tro
Đã yêu ta chẳng cần dò mối mai
Chẳng cần dê béo lợn bầy
Hát vang một khúc đón ngay em về”
…
Tiếng ca bên đống lửa ngân lên lanh lảnh nhưng A Hành chẳng để lọt tai một
chữ. Nàng cứ ngẩn người đứng dưới cội hoa đào năm ngoái vò võ đợi Xi
Vưu.
Từ nhỏ tới lớn, A Hành chưa khi nào bơ vơ như bây giờ. Thuở bé nàng luôn được cha cưng chiều, được mẹ bao bọc, muốn thứ gì thì cha
cho thứ nấy, có chuyện gì cũng được mẹ chở che. Mãi đến giờ nàng mới
hiểu, cha chiểu chuộng mình bởi những thứ nàng muốn chẳng ảnh hưởng tới
lợi ích của ông, còn mẹ lại càng không đủ năng lực bảo vệ nàng trước mọi biến cố như nàng tưởng.
Đó vẫn là gia đình nàng, nhưng bỗng
chốc hết thảy đều đã đổi thay, khiến nàng vừa kinh ngạc vừa sợ hãi, chỉ
khi nhớ tới Xi Vưu nàng mới thấy bình yên lạ thường, như có một nguồn
sức mạnh diệu kỳ ẩn sâu trong lòng vậy. Thật ra nàng chẳng cần Xi Vưu
phải làm gì, chỉ mong có thể dựa vào vai hắn, được nghe hắn dỗ dành “Dù
gì cô vẫn còn có ta”, chỉ cần một người sẵn sàng làm chỗ dựa mỗi khi
nàng mệt mỏi hay kinh hãi, như vậy là đủ tiếp thêm dũng khí để nàng bước tiếp rồi.
Tiếng hát vẫn lanh lảnh vang lên, hết bài này sang bài khác mà Xi Vưu vẫn chưa thấy tới.
A Hành ngong ngóng trông chờ, bồi hồi mong đợi, lòng ngổn ngang bao điều
muốn tâm sự với Xi Vưu. Nàng không muốn gả cho Thiếu Hạo, bởi thế, bao
năm nay nàng đã dốc sức học y, chỉ mong đến một ngày có thể thưa với phụ vương một tiếng: “Con không bằng lòng”, hôm nay, rốt cuộc nàng đã thẳng thắn nói với phụ vương: “Con không bằng lòng” rồi.
Dần dà tiếng ca trong vắt cũng bặt hẳn đi, đám thiếu nữ đều đã tìm thấy người mình mong nhớ, chỉ có Xi Vưu là chưa tới.
Thoạt đầu A Hành còn cố giữ vẻ bình tĩnh, nhưng càng về sau nàng càng sốt
ruột, cứ đăm đăm ngước mắt nhìn trời, khắc khoải mong Xi Vưu sẽ đột
nhiên hiện ra, cưỡi trên lưng đại bang từ từ đáp xuống.
Ánh lửa
càng lúc càng leo lét, trời mỗi lúc một tối dần, đám người xúm quanh
đống lửa dần dần tản mác hết, nhưng Xi Vưu vẫn chưa thấy tới.
A Hành ngẩng đầu nhìn trời, ánh mắt đượm phần buồn bã nhưng vẫn không
ngừng tìm lý do biện hộ cho Xi Vưu, có lẽ hắn vướng bận một chút, có lẽ
hắn đang trên đường đi… nhất định hắn sẽ tới mà!
Vừa nghĩ ra đủ thứ lý do, nàng vừa mong Xi Vưu sẽ đột ngột hiện ra ngay sau đó.
A Hành đợi mãi đợi mãi, thời gian cứ thế dài ra lê thê rồi dần trở thành
một nỗi giày vò, nhưng trong lúc nàng chịu giày vò, thời gian vẫn chầm
chậm trôi đi.
Đêm ngả về khuya, đống lửa đã tàn hẳn, cả sơn cốc trở nên tĩnh lặng như tờ.
A Hành vẫn đau đáu trông về phía Thần Nông sơn, một lòng mong mỏi lát nữa thôi Xi Vưu sẽ khoác chiếc áo đỏ rực rẽ khói băng mây mà tới, nét cười
hờ hững còn vương vấn trên môi, thoạt trông thấy nàng, nụ cười ấy sẽ đổi thành rạng rỡ, hắn sẽ nhảy phắt từ trên lưng đại bàng xuống bên nàng.
Chỉ cần gặp được hắn, bấy nhiêu khổ đau trong khi chờ đợi đều chẳng là gì
cả. Dù trong lòng vô cùng vui sướng, nàng vẫn sẽ vờ giận dỗi không thèm
ngó đến hắn, để hắn phải rối rít nhận lỗi xin tha.
Đợi mãi đợi
mãi, lòng A Hành đầy những bi thương và phẫn nộ, vừa giận Xi Vưu không
giữ đúng lời lại vừa thầm cầu khẩn ông trời cho hắn mau đến! Miễn là hắn tới, nàng sẽ bỏ qua chuyện hắn đến muộn.
Nhưng hắn chẳng hề tới!
Chân trời phía Đông bắt đầu bàng bạc sáng lên, sắp đến bình minh, A Hành đã
đợi dưới cội đào suốt cả một đêm. Nếu có thể hạnh phúc ngủ thiếp đi thì
một đêm chẳng lấy gì làm dài, chỉ nhắm mắt mở mắt là hết, nhưng nếu vò
võ đợi chờ thì một đêm dài dằng dặc như cả ngàn vạn năm, đủ để bãi bể
hóa nương dâu, hy vọng thành tuyệt vọng, khiến trái tim chứa chan tình ý chết lặng rồi héo khô.
A Hành không tin Xi Vưu lại có thể nuốt
lời. Trời còn chưa sáng, hắn nhất định sẽ tới! Hắn đã hứa dù xảy ra
chuyện gì cũng sẽ tới, không gặp không về, hơn nữa giờ đang là lúc nàng
cần hắn nhất!
Trên đầu trên vai A Hành phủ đầy cánh hoa, dưới
ánh nắng mai trong trẻo, gương mặt nàng bỗng đỏ bừng lên, đỏ hơn cả
những đóa hoa, toàn thân nàng rời rã, phải ôm lấy cội đào để cố giữ cho
mình đứng vững, ngón tay liên tục rạch vào thân cây, Xi Vưu, Xi Vưu, Xi
Vưu… từng vệt từng vệt móng tay nham nhở hằn lên gốc cây, như trái tim
tan nát của nàng bây giờ vậy.
Thanh Dương thong thả bước lại
gần, vạt áo lam bay phần phật trước gió, toát lên vẻ hững hờ của kẻ đã
nhìn thấu tình đời, “Có đáng không? Muội bất chấp tất cả, chống đối phụ
vương, đả thương Đại ca, mạo hiểm tới gặp hắn, nhưng còn hắn thì sao?”
Y đứng trước mặt A Hành, thay nàng phủi đi những cánh hoa vương trên vai
trên tóc, “Có lẽ hắn bận việc gấp nên chậm trễ, nhưng còn lời hứa của
hắn với muội thì sao? Chẳng lẽ chỉ khi nào hắn rảnh rỗi mới giữ lời hứa, còn khi có việc thì muội sẽ bị đẩy lại phía sau ư? Sinh mệnh của thần
tiên rất dài, một đời có bao nhiêu là việc gấp, nếu muội chỉ có thể xếp
sau những việc gấp đó thì muội giữ lời hứa tới gặp hắn làm gì?”
Nói rồi Thanh Dương kéo tay A Hành, “Theo ta về nhà đi!”
A Hành ra sức vùng khỏi tay y, ánh mắt vẫn cố chấp dõi về phía cuối trời Đông, Xi Vưu nói không gặp không về kia mà!
Thấy vậy Thanh Dương đành bất lực lắc đầu, y cũng không nổi giận, chỉ tựa lưng vào một gốc đào đợi cùng A Hành.
Vầng dương dần dần nhô lên, từ một hình bán nguyệt biến thành một chiếc đĩa
tròn vành vạnh, tỏa ánh nắng rực rỡ khắp rừng đào. A Hành bị chói không
mở nổi mắt, chỉ nghe Thanh Dương nói: “Muội còn muốn đợi bao lâu nữa
đây? Theo ta về nhà đi, hắn không tới đâu!”
A Hành nước mắt lưng tròng nhưng vẫn không chịu đi theo Thanh Dương, bọn muội đã hẹn không
gặp không về mà! Hắn biết muội đang đợi hắn, nhất định hắn sẽ đến thôi!
Có điều trong lòng nàng chợt vang lên một giọng nói phụ họa với Thanh Dương, hắn không tới đâu, hắn không tới nữa rồi…
Giọng nói đó cứ ong ong bên tai nàng như sấm sét, càng lúc càng vang vọng, A
Hành chỉ thấy mắt nổ đom đóm, thân mình xiêu đi rồi ngất lịm.
Thanh Dương vội đỡ lấy A Hành, bấy giờ y mới nhận ra tuy A Hành chỉ phải chịu một thành linh lực từ phát chưởng khi trước của mình, nhưng do gấp rút
lên đường, chẳng kịp điều tức, lại đứng đợi suốt đêm, cộng thêm niềm bi
thương vô hạn, thương thế đã xâm nhập vào đến tâm mạch nàng.
Thanh Dương vừa giận vừa thương em gái, bèn ôm lấy nàng cưỡi lên Trùng Minh điểu, tức tốc trở về Hiên Viên sơn.
Vừa về đến Hiên Viên sơn, Thanh Dương đã thấy Ly Chu dẫn theo thị vệ chặn
đường, Ly Chu là khai quốc công thần của Hiên Viên, Thanh Dương cũng
chẳng dám vô lễ, vội bảo Trùng Minh điểu dừng lại.
Ly Chu hành lễ với y rồi cung kính thưa: “Bệ hạ sai thần trói vương cơ đưa đến cung Thượng Viên chờ xử lý.”
Thanh Dương khách sáo: “Tiểu muội bị thương, mong đại nhân để ta đi cùng muội ấy.”
Ly Chu thấy A Hành đã hôn mê bất tỉnh, đành nói: “Làm phiền điện hạ vậy.”
Dưới sự áp giải của đám thị vệ, Thanh Dương đưa A hành tới cung Thượng Viên
yết kiến Hoàng Đế. Thấy A Hành mê man, Hoàng Đế bèn sai thầy thuốc cứu
tỉnh nàng.
A Hành tỉnh lại, thấy mình đã nằm trong kim điện, phụ vương đang ngồi tít trên cao. Nàng liền lặng lẽ quỳ phục xuống thềm.
Hoàng Đế hỏi: “Con biết tội chưa?”
A Hành giương mắt quật cường nhìn Hoàng Đế, không đáp. Hoàng Đế lại hỏi tiếp: “Con có bằng lòng lấy Thiếu Hạo không?”
“Con không bằng lòng! Nếu phụ vương muốn trói con lại đưa đến vương cung Cao Tân thì cứ tùy ý!” Tuy giọng nàng yếu ớt nhưng trong kim điện lặng phắc như tờ lại nghe rất rõ ràng.
Thanh Dương lập tức quỳ xuống dập
đầu, “Phụ vương, tiểu muội nhất thời còn chưa nghĩ thông, để con khuyên
nhủ thêm, nhất định muội ấy sẽ…”
Hoàng Đế ra hiệu cho y im lặng
rồi đưa mắt nhìn A Hành, “Bao năm nay ta đã chiều theo ý mẫu hậu con,
mặc con muốn gì làm nấy mà lơ là quản giáo, khiến con quên rằng vương
tộc cũng có quy củ của vương tộc.” Nói rồi ông quay sang bảo Ly Chu,
“Nhốt vương cơ vào Ly Hỏa trận, khi nào nó nghĩ thông thì hãy tới bẩm
với ta.”
Thanh Dương nghe truyền tái mặt, thể chất của A Hành là mộc linh, bị nhốt vào Ly Hỏa trận thì khác nào gỗ bị lửa thiêu đốt, đau đớn vô cùng, y liền dập đầu lia lịa, luôn miệng van xin, “Phụ vương,
tiểu muội thần lực thấp kém, không chịu nổi giày vò trong Ly Hỏa trận
đâu, xin người khai ân.”
Mặc cho Thanh Dương cầu xin, A Hành đứng phắt dậy lạnh lùng hỏi Ly Chu: “Ly Hỏa trận ở đâu? Chúng ta đi!”
Xưa nay Ly Chu vẫn cho rằng nhờ được Luy Tổ bao bọc nên A Hành rất ngây thơ trong sáng, nào ngờ nàng vương cơ hiền hòa này lại cương cường đến thế, không khỏi nảy sinh vài phần ngưỡng mộ, bèn cung kính đáp: “Xin vương
cơ đi theo thuộc hạ.”
Thấy A Hành nghênh ngang bỏ đi còn Thanh
Dương vẫn quỳ mọp dưới thềm năn nỉ, Hoàng Đế lạnh lùng nói: “Hôn nhân
giữa Cao Tân và Hiên Viên là việc trọng đại, nếu con vì cảm xúc nhất
thời định rat ay giúp A Hành, ta sẽ phạt cả con luôn đó.”
“Tượng Võng, tới Triêu Vân…” Hoàng Đế toan hạ lệnh đã thấy Tri Mạt, kẻ được
xưng tụng là Đế sư bước lên hành lễ: “Xin bệ hạ phái thần đi Triêu Vân
phong, thần sẽ khuyên giải vương hậu nương nương, ngăn nương nương đi
cứu vương cơ.”
Hoàng Đế nhìn Tri Mạt giây lát rồi phán, “Ta định sai Tượng Võng đi nhưng ngươi đã chủ động đứng ra xin, vậy ngươi đi đi.”
Tri Mạt nhận lệnh quay mình lui ra, lúc ngang qua Thanh Dương lão còn đưa
mắt nhìn y ra ý khuyên nhủ, Thanh Dương rùng mình, lấy lại bình tĩnh,
dập đầu cung kính thưa với Hoàng Đế: “Nhi thần đã hiểu, đúng là nên giáo huấn tiểu muội một chút.”
Hoàng Đế xua tay cho Thanh Dương lui ra.
Ra khỏi cung Thượng Viên, Thanh Dương lạnh lùng cho tùy tùng lui ra, một
mình tản bộ. Trên đường vàng rực nắng, người qua kẻ lại vô cùng náo
nhiệt nhưng hướng y đi càng lúc càng vắng vẻ, dẫn tới một con hẻm tồi
tàn. Trong hẻm có tiệm giặt giũ, có lò mổ lênh láng máu me và nước thải
tràn ra đường, còn cả một quán rượu nho nhỏ, chuyên bán rượu cho thường
dân. Giữa ban ngày nên quán vắng tanh vắng ngắt, Thanh Dương đi thẳng
vào, ngồi xuống một góc: “Ông chủ, cho một cần rượu.”
“Có ngay!” Chủ quán vừa đáp vừa bưng rượu tới trước mặt Thanh Dương.
Thanh Dương cứ thế lặng lẽ uống từ khi trời đang sáng tới tận tối mịt, rồi
say túy lúy gục xuống mặt bàn bẩn thỉu cũ nát ngủ thiếp đi.
Ông
chủ cũng để mặc Thanh Dương, chỉ lo làm việc của mình. Lúc mới lên sáu
bảy tuổi, hắn trông thấy Thanh Dương lần đầu, đến khi ngoài ba mươi tuổi lại gặp lần thứ hai, hắn đã kinh hoàng trợn mắt nhìn Thanh Dương la
lớn: “Yêu quái”, liền bị cha cho một bạt tai, cha hắn nói khi ông tổ của ông nội của ông nội còn bán rượu đã thấy gã đàn ông này rồi, bao năm
nay y vẫn như vậy, chẳng biết là thần hay là yêu, dù sao cũng không phải người xấu, mỗi lần tới y chỉ uống rượu, còn thanh toán tiền rượu rất
đầy đủ.
Chập tối hôm sau, một nam tử bạch y bước vào quán, đưa cho chủ quán một bầu rượu, “Rót cho một cân rượu.”
“Có ngay!” Chủ quán nhanh nhẹn rót rượu.
Nam tử bạch y đón lấy bầu rượu bước đến cạnh Thanh Dương, đặt một tay lên vai y, tay kia cầm bầu rượu ngửa cổ tu liền mấy hớp.
Thanh Dương ngẩng lên nhìn, nét mặt trở nên mơ màng, mất hẳn vẻ lạnh lùng cố hữu, “Ngươi tới rồi ư?”
Thiếu Hạo hỏi: “Liệu A Hành chịu đựng được bao lâu trong Ly Hỏa trận?”
“Ngươi biết hết rồi sao?”
“A hoàn của ngươi tìm ngươi khắp nơi không thấy, vừa gặp ta nó liền tông
tốc kể ra hết, nên ta đoán chắc hẳn ngươi lại tới đây uống rượu.”
“Tâm mạch của A Hành đang bị tổn thương, hằng ngày nó lại rất nhõng nhẽo,
chẳng bao giờ chịu chăm chỉ luyện công, ta thật không hiểu sao nó có thể gắng gượng được đến giờ.”
Thiếu Hạo thầm than, anh em ngươi
quật cường hệt như nhau, năm xưa ngươi cũng chịu cực hình giày vò của
Hoàng Đế suốt nửa năm không hé răng cầu khẩn đấy thôi. Y ngẫm nghĩ:
“Trước mặt Hoàng Đế không được nôn nóng, đầu tiên ngươi phải tìm cách
đưa ta vào Ly Hoả trận bảo vệ cho A Hành đã, sau đó chúng ta sẽ từ từ
nghĩ biện pháp cứu nàng.”
Hai người bước ra khỏi quán, ra tới
cửa Thiếu Hạo còn ngoảnh lại giơ bầu rượu lên nói với chủ quán: “Rượu
ông cất ngon hơn cả cụ tổ nhà ông, người đầu tiên bán rượu ở đây ấy,
nhưng tính tình không trung thực bằng, ông không nên thấy ta nói giọng
nơi khác mà đong thiếu cho ta một lạng chứ, bớt một đền mười nhé.”
Vừa dứt lời, chủ quán chợt thấy rượu trong chiếc vò trước mặt bỗng ùng ục
mấy tiếng rồi biến mất, kinh hãi đến há hốc cả miệng, tới khi định thần
ngẩng lên thì trước cửa đã vắng hoe.
Trong Ly Hỏa trận, dường như ngoài lửa ra chẳng còn gì hết.
Từng đám lửa đỏ bay qua bay lại như sao băng, thiêu rụi mọi thứ trong trận.
Bởi thể chất của A Hành là mộc linh nên khi bị lửa hun đốt, nàng chịu
đau đớn hơn những thần tiên khác gấp bội.
A Hành nghiến chặt
răng, đã mấy lần đau đến ngất đi cũng chừng đó lần bị trận pháp hun cho
tỉnh lại, liên tục vật vã trong đau đớn vô bờ.
Càng về sau nỗi
đau càng tăng thêm, như thế có vô số ngọn lửa chạy rần rật trong cơ thể
khiến A Hành không sao chịu nổi, nàng đau đến nỗi co rúm người lại lăn
lộn trong trận pháp.
Tuy Ly Chu là đại thần tâm phúc của Hoàng
Đế nhưng lại tận mắt chứng kiến A Hành từ nhỏ lớn lên, thấy nàng vật vã
khổ sở lão cũng chẳng đành lòng, bèn cất lời khuyên nhủ: “Vương cơ nhận
lỗi với bệ hạ đi, bệ hạ rất thương vương cơ, nhất định sẽ thả vương cơ
ra ngay.”
A Hành đau đến nỗi lên cơn co giật nhưng vẫn làm thinh không nói.
Sau cùng nàng cũng chằng còn sức mà lăn lộn nữa, chỉ nằm toi thóp trên mặt
đất, có điều Ly Hỏa trận là trận pháp dùng để trừng phạt thần tiên, bởi
vậy những đau đớn về thể xác của nàng không hề được giảm nhẹ mà vẫn tiếp tục đẽo xương rứt tủy giày vò nàng.
Rất lâu rất lâu nữa, lâu
đến nỗi A Hành cảm thấy trời tàn đất tận, thân thể nàng đột nhiên mát
lạnh như nắng hạn gặp mưa rào, bao nhiêu đau đớn đều tan biến cả. Nàng
lờ đờ hé mắt ra liền trông thấy nước lửa đan xen, ánh sáng chói lòa,
Thiếu Hạo đứng giữa trận pháp như câu ngọc đón gió, chẳng vương chút bụi trần, vô số thủy linh vui vẻ bơi qua lượn lại quanh mình y, đám lửa đỏ
rực trời đều bị nước ngăn lại phía ngoài.
Thiếu Hạo chăm chú
nhìn A Hành, vẻ mặt phức tạp, y đỡ nàng dậy đút nước cho nàng rồi hỏi
nhỏ: “Lẽ nào gả cho ta còn đau đớn hơn bị lửa thiêu đốt toàn thân ư?”
A Hành mở miệng toan nói, tiếc rằng cổ họng đã bị lửa hun khô rang, không cất nổi nên lời, chỉ biết lắc đầu.
Thiếu Hạo đặt Quy khư thủy ngọc vân mang bên mình vào miệng nàng, hạ giọng thì thầm: “Lén ngậm nó rồi vờ như nàng rất đau đớn.”
Dứt lời Thiếu Hạo đặt A Hành xuống, rời khỏi Ly Hỏa trận. Hỏa linh nghiêng
trời lệch đất lập tức ập đến quanh nàng, cuộn lên từng bước y đi, nhưng
lục phủ ngũ tạng A Hành vẫn mát mẻ, chỉ có da dẻ hơi phồng rộp lên, so
với nỗi đau đớn ban đầu thì chẳng thấm vào đâu cả.
Theo ý chỉ
của Tuấn Đế, Thiếu Hạo ngàn dặn xa xôi tới bái kiến Hoàng Đế xin chọn
ngày thành hôn, Hoàng Đế bèn đặt tiệc trong cung Thượng Viên khoản đãi
y.
Thiếu Hạo khiêm tốn lễ độ, học thức uyên bác, mấy chuyện tầm
phào được y thao thao kể ra, còn trích dẫn điển tích nghe sinh động thú
vị hẳn lên, cả đại điện râm ran tiếng cười nói như được tắm trong làn
gió mát.
Nghe Hoàng Đế ướm hỏi Tuấn Đế định sắp xếp hôn sự ra
sao, Thiếu Hạo liền thưa: “Cao Tân đã chuẩn bị xong xuôi mọi thứ rồi. Cứ theo ý phụ vương con thì càng nhanh càng tốt.”
Các triều thần
đua nhau chúc mừng, Hoàng Đế cũng gật đầu cười hài lòng. Thiếu Hạo lại
ngượng nghịu nói tiếp: “Theo lễ nghi Cao Tân, sau khi chính thức định
ngày, con và vương cơ sẽ không được gặp nhau cho tới hôn lễ. Lần này con mang theo vài món đồ chơi cho vương cơ, ngày mai muốn, muốn… tự tay đưa tặng vương cơ, xin bệ hạ chuẩn y.”
Mọi người hiểu ra đều phá
lên cười, đưa tặng quà chỉ là cái cớ, mục đích là muốn gặp mặt nhau.
Hoàng Đế cũng mỉm cười nói: “Dĩ nhiên là được.”
Nói rồi ông đưa
mắt nhìn tâm phúc bên mình, đoạn căn dặn Thanh Dương: “Con đi báo với
Hành nhi một tiếng, dặn nó tối nay nhớ nghỉ ngơi sớm, ngày mai trang
điểm lộng lẫy đi gặp Thiếu Hạo, đừng để thất lễ.”
“Nhi thần hiểu.” Thanh Dương nhận lệnh lui khỏi đại điện.
Lúc Thanh Dương tới Ly Hỏa trận, tâm phúc của Hoàng Đế đã lệnh cho Ly Chu
giải trừ trận pháp. Nhìn A Hành thương tích khắp người, chỉ còn thoi
thóp, Thanh Dương chẳng dám để Luy Tổ trông thấy, đành đưa nàng về phủ
mình.
Thanh Dương tu tập thủy linh, lại thêm Quy khư thủy ngọc
vạn năm của Thiếu Hạo hỗ trợ nên vết thương bên ngoài của A Hành lành
lại rất nhanh.
Thanh Dương xót xa nhìn em gái, “Bị thương đến thế này, muội vẫn không chịu để gả cho Thiếu Hạo ư?”
A Hành quật cường mím môi không đáp.
Thanh Dương đột ngột nổi giận: “Là Xi Vưu của Thần Nông phải không? Muội có tin ta đi giết phăng thằng nhãi Cửu Lê đó không?”
A Hành trừng mắt nhìn y, lộ vẻ cố chấp không sợ trời chẳng sợ đất.
Thanh Dương xả giận xong lại nghĩ, tuy bốn anh em mỗi người một tính nhưng
nết quật cường thì hệt như nhau, tất phải tìm cách khác.
Y trầm ngâm như nghĩ ngợi xem nên nói từ đâu, hồi lâu mới hỏi: “Muội có biết người được phụ vương sủng ái nhất là ai không?”
A Hành đáp ngay chẳng cần nghĩ, giọng khàn khan: “Tam phi Đồng Ngư thị.”
Chuyện này thần tiên nào của Hiên Viên mà không biết chứ.
“Theo tính tình của mẹ, muội nghĩ Người có chịu cầu xin lòng sủng ái của phụ vương không?”
“Dĩ nhiên không rồi!” A Hành ngỡ ngàng, chẳng hiểu Thanh Dương hỏi vậy là
có ý gì. Tính khí của mẹ nàng rất kiên cường cứng rắn, lại chẳng chịu
giữ gìn dung nhan trẻ đẹp nên từ khi hiểu chuyện, nàng chưa từng thấy
phụ vương nghỉ tại Triêu Vân điện bao giờ.
“Hơn năm trăm năm trước, Đồng Ngư thị từng rắp tâm muốn dọn vào Triêu Vân điện.”
A Hành ngẫm nghĩ, bấy giờ mới hiểu ra ý tứ của câu nói này, liền kinh
ngạc ngẩng lên: “Ý huynh là… bà ta muốn phụ vương phế hậu ư?”
Thanh Dương lạnh lùng gật đầu.
“Sao muội chả biết gì cả?”
“Xương Ý không muốn cho muội biết những chuyện này, nó xin ta đừng kể lại với
muội. Xương Ý và mẹ đều muốn bảo vệ muội, để muội được sống những tháng
ngày vô tư vô lự, nhưng muội sớm muộn gì cũng phải trưởng thành, có rất
nhiều việc không thể trốn tránh được.”
A Hành sững người nhìn Thanh Dương, trong lòng chỉ canh cánh nghĩ tới việc phế hậu.
Thanh Dương cười nhạt hỏi: “A Hành, lẽ nào muội tưởng rằng gia đình ta toàn cha hiền con hiếu, anh em khăng khít sao?”
A Hành chẳng thốt nên lời, tuy nàng biết các anh vẫn ngấm ngầm tranh chấp với nhau, nhưng có lẽ Đại ca quá dũng mãnh nên nàng chưa từng trăn trở
về việc này.
Thanh Dương lại hỏi: “Muội có biết tại sao Đồng Ngư thị thôi không lải nhải bên tai phụ vương rằng bà ta thích phong cảnh ở Triêu Vân điện nữa không?”
“Vì huynh sao?”
Thanh Dương
cười khẩy lắc đầu, “Nếu vì ta thì bà ta càng muốn tiến vào Triêu Vân
điện, có vậy con trai bà ta mới có thể trở thành con đích, mới có thể
danh chính ngôn thuận tranh đoạt vương vị với ta.”
“Vậy là vì…” A Hành chẳng nghĩ ra được nguyên nhân nào nữa cả.
“Vì muội đấy.”
“Vì muội ư?” A Hành tròn mắt kinh ngạc, khi đó nàng vẫn là đứa trẻ ngây ngô, có thể giúp được gì chứ?
“Vì muội có hôn ước cùng Thiếu Hạo, mà Thiếu Hạo rất có khả năng sẽ trở
thành Tuấn Đế, phụ vương đông con trai nhưng chỉ có mình muội là con
gái. Cao Tân vô cùng coi trọng dòng dõi xuất thân, để muội có thể thuận
lợi trở thành vương hậu Cao Tân, phụ vương không thể cướp đoạt thân phận tôn quý của muội.”
A Hành lộ vẻ kinh hãi.
Thanh Dương
nói tiếp: “A Hành, mẹ đã dốc hết sức để muội có được năm trăm năm thoải
mái vô lo, trong vương tộc điều đó quý giá nhường nào, muội biết không?
Muội thấy bây giờ mẹ ra sao rồi đấy, muội hiểu những gì người phải bỏ ra vì chúng ta không? Muội đành lòng để mẹ bị đám phi tử kia làm nhục ư?”
Thấy A Hành cắn môi không đáp, Thanh Dương lại nói tiếp: “Từ nhỏ tới lớn
Xương Ý đều che chở cho muội, muội có nghĩ hành động của mình sẽ làm tổn hại đến nó không? Nếu muội hủy hôn với Thiếu Hạo, rất có thể mẹ sẽ phải rời khỏi Triêu Vân điện, e rằng Xương Ý cũng bị phụ vương biếm đi, đến
chừng đó, hết thảy mọi đả kích liền trút xuống, theo tính tình của Xương Ý, muội nói nó có ứng phó nổi không?”
A Hành rưng rưng nước
mắt, nàng ngỡ rằng từ hôn chỉ là việc riêng của mình, dù bị phụ vương
trừng phạt nàng cũng không sợ, ngờ đâu hôn sự của nàng lại liên quan mật thiết tới tính mạng mẹ và anh trai như vậy.
“Nếu vì một gã đàn
ông mà muội đành lòng vứt bỏ cả mẹ và Xương Ý, ta cũng không sao ngăn
được! Nhưng muội tưởng vứt bỏ mẹ và ca ca thì có thể giành được những gì mình muốn ư?”
A Hành chỉ ngây thơ thuần phác chứ chẳng phải
hạng ngu dốt, nghe Đại ca giảng giải nàng đã hiểu cả, bất giác lã chã
hai hàng nước mắt. Thấy vậy Thanh Dương lại tiếp tục dồn ép, như thể
muốn xóa sạch chút tàn dư hy vọng còn sót lại trong lòng nàng, “Muội cãi lời phụ vương, phá hỏng mối liên minh giữa Hiên Viên và Cao Tân, có lẽ
phụ vương không nỡ giết muội nhưng nhất định sẽ lấy mạng Xi Vưu! Vả lại
Cao Tân là Thần tộc từ thời thượng cổ, lễ giáo nghiêm ngặt nhất trong
các Thần tộc, dù Thiếu Hạo khoan dung đại lượng chẳng tính toán với muội thì vương thất Cao Tân cũng không nuốt trôi nỗi nhục mà Xi Vưu đem lại, ắt hẳn sẽ phái binh ám sát hắn! Theo ta được biết Xi Vưu và Chúc Dung
rất căm ghét nhau, biết đâu y chẳng đục nước béo cò mà giết chết Xi Vưu? A Hành, muội định đẩy Xi Vưu vào vòng truy sát của Tam đại Thần tộc ư?
Đến chừng đó, dù thiên hạ rộng lớn thật đấy, nhưng bọn muội liệu còn
chốn dung thân không?”
A Hành tái mặt đổ gục xuống như thể bị
rút hết xương cốt. Thanh Dương chẳng những đã phá nát giấc mộng thiếu nữ của nàng mà còn đạp đổ tất cả những gì tốt đẹp mấy trăm năm nay mẹ và
Xương Ý dựng lên cho nàng.
Thanh Dương lại hỏi: “Tri Mạt bá bá
đang ở Triêu Vân phong, mẹ vẫn chưa biết chuyện muội bị trừng phạt, muội có muốn cho mẹ biết không?”
A Hành nước mắt như mưa nhưng vẫn cương quyết lắc đầu.
“Vậy được, chúng ta xem như chưa có gì xảy ra, muội nghỉ ngơi một đêm cho
khỏe, sáng mai chúng ta quay về Triêu Vân điện, muội hãy nói với phụ
vương và mẫu hậu rằng mình bằng lòng gả cho Thiếu Hạo.”
A Hành không đáp, chỉ vùi mặt vào gối, hai mắt nhắm nghiền, chan hòa nước mắt.
Nửa đêm, Xi Vưu đang định cưỡi đại bàng đến Cửu Lê gặp A Hành như đã hẹn,
hắn còn toan tới sớm trước tết Khiêu Hoa để chuẩn bị cho nàng một bất
ngờ.
Đột nhiên một luồng sáng đỏ rực bốc lên từ đỉnh Tiểu Nguyệt.
Trong chớp mắt Xi Vưu biến hẳn sắc mặt, hắn thoáng chần chừ trông về phía Cửu Lê xa tít cuối trời rồi lệnh cho đại bàng quay lại Thần Nông sơn.
Vừa nhảy xuống khỏi lưng đại bàng, hắn đã thấy Vân Tang hớt hải chạy tới
đón, sắc mặt tái nhợt, “Phụ vương đã hoàn toàn hôn mê rồi, Du Võng hiện
đang ở bên cạnh Người, trước khi Du Võng chính thức lên ngôi, phải phong tỏa tất cả tin tức, bằng không Hiên Viên và Cao Tân biết được sẽ bất
ngờ dấy binh, giặc ngoài tất dẫn tới loạn trong, khó mà thu xếp được. Ta đã lấy danh nghĩa phụ vương triệu kiến Chúc Dung, Cộng Công và Hậu Thổ, bọn chúng vẫn chưa biết tình hình, đợi chúng tới ta sẽ lập tức phái
trọng binh canh giữ, không cho chúng rời khỏi Thần Nông sơn, ngươi cũng
phải hết sức cẩn thận đấy.”
Vân Tang lại quay sang dặn dò thống
lĩnh thị vệ Hình Thiên bên cạnh: “Mau khởi động trận pháp, giới nghiêm
toàn bộ hai mươi tám đỉnh của Thần Nông sơn, từ giờ trở đi chỉ có vào
không có ra. Không được để bất kỳ tin tức nào truyền ra ngoài, kẻ nào
nhất mực đòi đi chém ngay tức khắc!”
Đám tinh nhuệ trên Thần
Nông sơn mấy đời tận trung với Viêm Đế thảy đều dạ ran, Phong Sơn trận
pháp mấy ngàn năm mới khởi động một lần lại được khởi động lần nữa.
Phong Sơn trận do Viêm Đế các đời dốc hết tâm huyết tạo nên, trừ phi có
tinh huyết trích trong tim Viêm Đế hộ thân, bằng không dù một con ruồi
cũng khó mà bay lọt khỏi Thần Nông sơn.
Xi Vưu rảo bước vội vã
tới đại điện nhưng chốc chốc lại ngoảnh đầu nhìn về phía Cửu Lê, lòng
đầy đau thương buồn bực, chẳng rõ là lo lắng cho Viêm Đế trong điện Tiểu Nguyệt hay lưu luyến A Hành trên Cửu Lê sơn.
Du Võng, Vân Tang và Mộc Cận vây quanh giường bệnh của Viêm Đế suốt đêm, mãi đến gần sáng Viêm Đế mới đột nhiên tỉnh lại.
Thấy vậy, Du Võng cùng Vân Tang vô cùng mừng rỡ, nhưng Viêm Đế đã chẳng thể
nói năng gì, chỉ đưa mắt nhìn quanh tìm kiếm. Trong lúc Vân Tang còn ngơ ngác, Du Võng vội quay ra gọi: “Xi Vưu, mau vào đi, phụ vương muốn gặp
ngươi.”
Đám Chúc Dung, Cộng Công, Hậu Thổ chầu chực bên ngoài
nghe Du Võng gọi, mỗi người tỏ một thái độ khác nhau nhưng hết thảy đều
đổ dồn ánh mắt về phía Xi Vưu. Thấy Xi Vưu vội vã bước vào, Viêm Đế mỉm
cười, nét mặt héo úa tiều tụy vì bệnh tật giày vò.
Xi Vưu chợt
hồi tưởng lại ông lão gầy gò đầu đội nón tre lưng đeo gùi thuốc mấy trăm năm trước bước vào đầm lầy xoa bụng cười nói: “Ai da, sao ngươi dạy
được đám khỉ hái quả cho mình hay vậy? Cho ta một quả với!”
Mấy
trăm năm nay, chính là ông lão thoạt nhìn hòa nhã thật thà mà trong bụng gian trá giảo hoạt này dạy hắn tiếng người, dạy hắn biết đọc biết viết, còn lải nhải giảng cho hắn về lễ tiết nhân gian, vắt óc tìm cách mài
mòn dã tính trong hắn.
Xi Vưu thấy cay cay sống mũi, liền quỳ sụp xuống bên giường Viêm Đế: “Sư phụ, ta nhất định sẽ giữ lời thề.”
Viêm Đế thở phào nhẹ nhõm, ánh mắt đầy vẻ an ủi, đoạn lại nhìn sang Mộc Cận, Mộc Cận vội dập đầu: “Nếu không có phụ vương thu dưỡng, con đã chết từ
lâu rồi. Ơn dưỡng dục của Người thật chẳng biết lấy gì báo đáp, con biết phụ vương vẫn canh cánh lo cho trăm họ Thần Nông, tuy con là phận gái
nhưng cũng xin dốc hết sức mình thay Người bảo vệ cho dân chúng Thần
Nông.”
Viêm Đế mấp máy môi nhưng chẳng thốt ra nổi một tiếng, lại nhìn sang bên gối.
Vân Tang thấy bên gối đặt một chiếc hộp gỗ bèn mở ra xem, thấy bên trong có hai con chim đẽo bằng gỗ, nàng ngơ ngác không hiểu là thứ gì, có điều
nhìn biểu hiện dường như Viêm Đế muốn cầm, bèn đặt hai con chim đó vào
tay Viêm Đế.
Viêm Đế chăm chú nhìn đôi chim một lượt rồi nhìn
sang Vân Tang, bờ môi mấp máy chẳng thốt nổi nên lời, bấy giờ Vân Tang
mới sực hiểu ra, vội ôm chậu sơn trà xanh biếc vẫn đặt trong phòng ngủ
vào lòng, nghẹn ngào nói: “Con sẽ, sẽ trồng chúng trên… mộ cha mẹ, cha
yên tâm!”
Viêm Đế đăm đăm ngắm những đóa sơn trà, ánh sáng trong mắt nhạt dần nhưng nụ cười trên môi càng lúc càng tươi tắn, sau cùng,
đôi mắt Viêm Đế trở nên bạc phếch, nụ cười vẫn ngưng đọng trên môi.
Mộc Cận phủ phục bên giường Viêm Đế khóc lóc thảm thiết, thoạt đầu nàng còn ráng nén tiếng khóc, dần dần không sao nén nổi, tiếng nức nở cứ to dần.
Vân Tang quỳ thẳng đơ không khóc lóc cũng chẳng động đậy, rồi đột nhiên ngã lăn ra đất ngất lịm.
Đám Chúc Dung nghe tiếng khóc xông vào, thấy Viêm Đế đã qua đời, ai nấy đều thấy lòng buồn vô hạn, quỳ xuống đất khóc rống lên.
Vào đúng lúc Viêm Đế tắt thở, đôi chim gỗ trong tay Viêm Đế thình lình cử
động, cất cánh bay lên, lượn quanh thi thể một vòng rồi bay ra ngoài cửa sổ.
Đôi chim đỏ rực từ Tiểu Nguyệt đỉnh Thần Nông sơn bay ra,
vượt qua Phong Sơn trận pháp, một con bay tới Triêu Vân phong ở Hiên
Viên sơn, con kia bay đến Ngọc sơn.
Sáng hôm sau.
Vương
Mẫu vừa trang điểm xong, đang ngồi trước đài trang lần lữa chưa buồn
đứng dậy, bà ngơ ngẩn ngắm mình trong gương, thấy dung nhan vẫn là thiếu nữ vừa tròn đôi tám, hệt như năm ấy.
Bất giác bà chợt chạnh
lòng nhớ tới một khúc điệu vô cùng quen thuộc, trong tiếng nhạc du
dương, bà như thấy lại tất cả: mặt trời xế bóng, những đóa hoa rực rỡ nở khắp núi đồi, và bản thân mình đang phơi phới múa.
Sau phút mơ màng, bà bỗng phát hiện ra khúc nhạc đó không chỉ vang lên trong lòng mình, mà còn từ bên ngoài vẳng lại.
Vương Mẫu đứng phắt dậy, mặc cho hộp trang điểm, gương soi, ghế ngồi đổ lỏng
chỏng, bà điên cuồng chạy thẳng khỏi đại điện, liền trông thấy một con
chim gỗ đỏ rực đang đỗ trên cành đào véo von cất giọng.
Khúc nhạc quen thuộc, nhưng chim gỗ hót lên lại chứa chan những ân hận và xa cách.
Vương Mẫu đờ người, sắc mặt tái nhợt, nước mắt cứ thế trào ra, chảy tràn xuống hai gò má không sao kiềm chế nổi.
Nghe mãi nghe mãi, Vương Mẫu bắt đầu múa theo tiếng chim, vừa múa vừa khóc,
vừa múa vừa cười, bà đợi suốt ngàn năm cuối cùng cũng đợi được khúc nhạc này! Nào ai ngờ một khi tới lại là vĩnh biệt!
Khúc nhạc hoàn tất, chim gỗ cũng tan thành tro bụi.
Vương Mẫu vẫn khe khẽ hát khúc đồng dao, say sưa nhảy múa như thể đang tiếp
tục điệu múa dang dở từ ngàn năm trước bà chưa kịp nói ra.
Chờ
đợi cả ngàn năm, cứ ngỡ rằng thế nào cũng được một cơ hội, chỉ cần một
cơ hội mà thôi, nhưng cuối cùng… cuối cùng điệu múa này vẫn chẳng thể
nào múa hết.
Tất cả cung nữ đều luống cuống chỉ biết tròn mắt kinh ngạc nhìn Vương Mẫu vừa cười vừa hát, vừa khóc vừa múa.
Trong lúc Vương Mẫu vung tay áo phơi phới múa, mấy bông tuyết lấp lánh lạnh buốt đột nhiên từ trời cao phất phơ bay xuống.
Đám cung nữ chìa tay ra hứng, bàng hoàng không dám tin rằng đó là băng
tuyết, nơi này là thánh địa Ngọc sơn quanh năm ấm áp như mùa xuân kia
mà!
Từng bông từng bông tuyết lả tả trút xuống, càng lúc càng to, ngàn vạn gốc đào trên Ngọc sơn cũng theo nhau tàn lụi.
Cùng với điệu múa của Vương Mẫu, dung nhan bà cũng từ từ già đi, đám cung nữ ré lên kinh hãi: “Vương Mẫu, Người, mặt của Người!” Vương Mẫu chỉ dịu
dàng cười, mặc cho những nếp nhăn lờ mờ lan ra từ khóe miệng, dần dà phủ đầy cả gương mặt.
Tuyết càng rơi càng lớn, cả Ngọc sơn bị băng tuyết bao phủ, nhuộm một màu trắng xóa.
Núi biếc chưa già, lại vì chàng mà bạc cả mái đầu.
Lúc chính ngọ là thời điểm Triêu Vân điện tràn ngập dương quang, Luy Tổ
cũng rất thích ngồi bên song dệt vải dưới ánh nắng vàng rực rỡ.
Đột nhiên Luy Tổ vô tình ngẩng lên, trông thấy một cánh chim đỏ rực bay
ngang trời rồi chấp chới khuất sau rừng dâu, sắc mặt bỗng tái nhợt, bà
quăng thoi xuống chạy ra khỏi Triêu Vân điện.
Con chim đỏ rực đậu xuống cành dâu, véo von cất giọng hót với bà.
Luy Tổ lắng nghe, chợt mỉm cười!
Hơn ba ngàn năm trước, lúc bà dứt áo ra đi, bọn họ đã ngồi trên sườn núi xanh ngắt cỏ non hát khúc ca này đây.
Hoàng hôn hôm ấy đẹp đẽ vô ngần, khúc nhạc của Thạch Niên trầm bổng du dương
nhường ấy, điệu múa của A Mi cũng say đắm lòng người như vậy, chỉ có bà
là hát qua quýt cho xong, bởi trong lòng còn mải nghĩ đến gã thiếu niên
anh tuấn hào sảng dưới Hiên Viên sơn.
Bà bất ngờ hạ quyết tâm đi tìm gã thiếu niên đó, bởi thế Thạch Niên chưa kịp thổi hết khúc nhạc
đó, A Mi cũng chưa múa xong điệu múa đó.
Bà đâu có ngờ, khúc nhạc ấy phải hơn ba ngàn năm sau mới thổi hết.
Nếu năm đó bà biết rằng dù sinh mệnh có dài đằng đẵng, dù trong đời còn vô
vàn buổi chiều tà, cũng không thể tìm lại được một chiều hoàng hôn mỹ lệ dịu dàng soi sáng cho ba người bọn họ như thế nữa, có lẽ bà đã chẳng
nôn nóng bỏ đi như vậy mà sẽ trân trọng nâng niu từng khoảnh khắc, dẫu
rằng chia tay là tất yếu, bà cũng muốn tha thiết hát cho hết khúc ca ấy
dưới ánh hoàng hôn.
Chim gỗ hót hết khúc nhạc liền tan thành tro bụi, như thông báo rằng Viêm Đế, người chế tạo ra nó, đã vĩnh viễn
khuất bóng trên thế giới này.
“Muội xin lỗi!”
Luy Tổ cố
nén nhưng đau thương đã trào ra khóe mắt, hóa thành hai hàng lệ lã chã
rơi, khóc cho một niềm ân hận đã ba ngàn năm chưa nguôi ngoai.
Dù xin lỗi cả trăm ngàn lần, cũng có được gì đâu? Trong đời bà sẽ vĩnh
viễn chẳng thể tìm lại buổi hoàng hôn mỹ lệ, dịu dàng chiếu sáng cho ba
người bọn họ như thế nữa.
Bảy ngày sau, Thần Nông quốc tuyên bố
Viêm Đế đời thứ bảy đã qua đời. Tin này lập tức lan truyền khắp thiên
hạ, ngũ hồ tứ hải, lục hợp bát hoang, ai nấy đều đau xót. Vương tử Du
Võng kế vị, trở thành Viêm Đế đời thứ tám, đồng thời tuyên đọc di chiếu
của Viêm Đế đời trước, phong cho Xi Vưu làm Đốc Quốc Đại tướng quân, nắm giữ tất cả binh mã Thần Nông quốc.
Mười ngày sau, hai tộc Cao
Tân và Hiên Viên đồng thời tuyên bố đã chọn được một ngày thành hôn, Cao Tân Thiếu Hạo sẽ cưới Hiên Viên Bạt trong một ngày gần đây, hai đại
Thần tộc chính thức kết mối liên minh, cả đại hoang đều khấp khởi mong
đợi một hôn lễ long trọng chưa từng thấy suốt ngàn năm nay.