Liễu tướng nhìn thấy phong thư mà nhạc phụ đại nhân tự tay viết, lại nghe thấy đề nghị của Tiết Hàn Vân, trực giác mách bảo có thể làm được, cho nên không lo lắng gì thêm đã lập tức đáp ứng.
Từ kinh thành tới Giang Bắc, đi đường thủy phải mất hơn nửa tháng, đường bộ thì mất một tháng. Khi một nhà bốn người Vạn thị đến kinh thành là đi đường bộ, nhưng đến lúc trở về thì nhân khẩu tăng nhiều hơn, Liễu Hậu tự mình làm chủ bao trọn một con thuyền đi đến Giang Bắc.
Ôn thị nhiều năm chưa từng về nhà mẹ đẻ, nay dẫn theo nhi tử trở về, vốn dĩ chính là một chuyện vui, chẳng qua cùng đồng hành với hai chất tử đều thi đỗ, không những thế Ôn Hữu Tư còn là Bảng nhãn, vô tình đã đoạt mất phân nửa sự nổi bật của Hạ Tử Thanh, trong lòng bà ta lập tức thấy không vui nhiều hơn.
Bà ta sống ở kinh thành nhiều năm như vậy, từ khi tiểu Ôn thị mẹ ruột của Liễu Minh Nguyệt qua đời, bà ta đối với vị ngoại sinh nữ này chiếu cố rất nhiều, nay vậy mà con bé lại không thân cận với mình bao nhiêu, ngược lại cùng với Vạn thị trước nay chưa từng gặp mặt lại thân như mẹ con, trong lòng Ôn thị càng ngày càng khó chịu, lâu ngày liền ở lì trong phòng ngủ của khoang thuyền, không chịu ra gặp mặt đoàn tụ với mẹ con Vạn thị và Liễu Minh Nguyệt.
Nay mặc dù Liễu Minh Nguyệt đã từ từ thông suốt, nhưng rốt cuộc vẫn chưa hiểu được quá nhiều về đạo lí đối nhân xử thế, lại thiếu người dạy dỗ. Thư sư phó chỉ dạy nàng một chút tài nghệ, còn những lục đục quanh co trong đó thì chưa bao giờ nói cho nàng biết, trái lại là Vạn thị, thấy nàng có vài phần tỉnh tỉnh mê mê, dứt khoát đem kinh nghiệm tâm đắc nhiều năm của mình ra dốc lòng dạy bảo, từ thuật trạch đấu, thê thiếp tranh chấp ở hậu viện đến đạo lí khi chung đụng với người khác, đủ thứ mánh khóe chiêu số khi giao tiếp với các dạng người khác nhau đều nhất nhất giải thích, cho đến khi khiến Liễu Minh Nguyệt có loại cảm giác bỗng nhiên cởi mở hẳn ra.
Chẳng qua thời gian chỉ hơn nửa tháng, nội tâm của Liễu Minh Nguyệt đã có thể xem như thoát thai hoán cốt.
Những chuyện mà trước nay nàng không để ý tới, hay trong lòng có chút nghi hoặc, lập tức thỉnh giáo Vạn thị chỉ điểm cho mình, đem những chuyện mà kiếp trước nàng đã từng trải qua giả vờ thành chuyện xưa mà nàng nghe thấy người bên ngoài kể để thủ thỉ với Vạn thị, chẳng qua thân phận của người trong câu chuyện sẽ được nàng thay hình đổi dạng, nhưng chi tiết vẫn thế không thay đổi gì.
Vạn thị suy nghĩ một chút, uyển chuyển nói: “Có một loại người, vốn dĩ trong lòng đã bất chính, luôn không muốn thấy người khác tốt hơn mình. Người có tấm lòng đoan chính, cho dù thân mình ở trong nghịch cảnh, tâm hồn vẫn thiện lương như thưở ban đầu, nhưng còn những người trong lòng bất chính, cho dù thân ở địa vị cao cũng nhất định sẽ có điều oán hận, nếu như nhất thời bị vây trong hoàn cảnh xấu, trong lòng khủng hoảng sẽ tính kế tất cả, nhẹ thì tổn hại thanh danh, tiền tài của người ta, hoặc là sẽ làm xấu đi nhân duyên của người ta, nặng thì hãm hại tánh mạng của người ta cũng là chuyện có khả năng. Hạng người này một khi đắc thế, trên tay nhiễm máu cũng là chuyện thường.”
Liễu Minh Nguyệt yên lặng suy nghĩ trong lòng một lát, hóa ra kiếp trước Trầm Kỳ Diệp đối xử với nàng như vậy, Tư Mã Sách chính là một nguyên nhân trong đó, một nguyên nhân khác chính là vì sự đố kị phát ra từ nội tâm của ả.
Tuy rằng ả và nàng làm tỷ muội nhiều năm, nhưng sợ là trong lòng ả không có một khắc nào là không thống khổ. Có lẽ hai mắt của ả sớm đã bị ghen tị che lấp mất, còn sống mỗi một khắc đều giống như thân ở địa ngục, ngược lại là mình. Ngoại trừ khoảng thời gian sống ở lãnh cung trước khi chết thảm, thời gian còn lại tất cả đều là chân thật hư ảo, sống một cách ngu ngốc hồ đồ, tuy nhiên khi còn sống trong lòng nàng vẫn ngập tràn cảm giác hạnh phúc.
Quay đầu nhìn lại, ai hạnh phúc hơn ai, cơ hồ không cần nói cũng biết.
Nhìn lại kiếp này, lúc trước ả lén lút qua lại với Tư Mã Sách, chỉ sợ đã sớm truyền khắp trong ngoài cung rồi, Thái tử phi bệnh tật nằm trên giường, có bệnh khó trị, hẳn là ả đã có ý định nhắm vào vị trí Thái tử phi kia, cho nên mới liều lĩnh dấn thân vào Đông cung như thế.
Nào biết chẳng qua ả vẫn chỉ là nữ tử mười lăm mười sáu tuổi, làm sao có thể thoát được lưới tình mà Tư Mã Sách cố ý giăng ra, tới cuối cùng trở thành ý loạn tình mê, nhiều lần mơ mơ màng màng không thoát ra được.
Trước khi ả tiến vào Đông cung cho rằng vị Thái tử phi kia chỉ là con ma bệnh, đương nhiên không chú trọng việc nịnh bợ vị Thái tử phi bệnh hoạn này, nhưng Doãn Tố Nhi lại đụng vào điểm kiêng kị này của ả, trong lòng ả không ít lần cười nhạo sự ngu xuẩn của Doãn Tố Nhị.
Hai vị chủ tử của Đông cung, ả cho rằng mệnh của Thái tử phi kia không thể kéo dài bao lâu, muốn lấy lòng đương nhiên chỉ có thể khiến Thái tử điện hạ được vui vẻ.
Huống hồ trước đó ả cho rằng Thái tử đối với ả tình thâm ý trọng, nào biết sau khi nhập cung lại thất vọng nặng nề, hóa ra ả chỉ là một trong số đông nữ nhân của Thái tử, vừa không phải là người đẹp nhất cũng không phải là người được sủng ái nhất… Trong lúc nản lòng thoái chí, sĩ khí đã giảm xuống đến mức thấp nhất.
Lại gặp gỡ Ôn Thanh Dung, đối đầu khốc liệt như vậy, quả thực là tự đâm đầu vào ngõ cụt.
Trên người Ôn Thanh Dung, thân phận bối cảnh đều đủ để mạnh mẽ áp chế ả, từ nhỏ đã dưỡng thành tính tình kiêu ngạo, nhìn ai cũng thấy không vừa mắt, cho dù ả có quỳ rạp trên mặt đất xách giày thay cho ả ta, cũng sẽ bị ả ta chán ghét mà vứt bỏ. Ngay cả Diêu Hoàng cũng vụng trộm tố khổ với Liễu Minh Nguyệt: “Ôn sườn phi người này trời sinh tính tình hung bạo, làm sao mà muốn lấy lòng là có thể lấy lòng được?”
Nay Liễu Minh Nguyệt đã hiểu được, trừ khi Trầm Kỳ Diệp không phải nữ nhân của Tư Mã Sách, cuộc đời này không có khả năng tranh giành nam nhân với Ôn Thanh Dung, cho dù ả có nịnh bợ Ôn Thanh Dung, có lẽ có thể nhận được chút sắc mặt hòa nhã, nhưng bây giờ ninh bợ so với không nịnh bợ còn khó khăn hơn rất nhiều.
Không nịnh bợ, tốt xấu gì vẫn có thể giữ lại một hai phần tôn nghiêm.
Đây là cũng là do Vạn thị phân tích, Trầm Kỳ Diệp thân ở hoàn cảnh xấu, nhưng vẫn giữ được một ít lí trí.
Chiều tà trên sông, thuyền đi ngàn dặm, trên con thuyền từ từ tiến về phía trước, rốt cục Liễu Minh Nguyệt cũng có thể buông xuống ân oán tình thù của kiếp trước, thoải mái tiến lên.
Đây là chuyện vẫn luôn canh cánh trong lòng nàng sau khi trọng sinh trở lại, từ nay về sau những người, những chuyện của kiếp trước không còn liên quan đến nàng nữa, ai đi đường nấy, phúc họa tự gánh.
Nàng xem Vạn thị như mẹ, huống hồ Vạn thị cũng xem nàng như nữ nhi, trước đây cũng vì không có cơ hội đem những thuật của phụ nhân ra mà tỉ mỉ giảng giải cho nàng hiểu, nay bị nhốt ở bên trong khoang thuyền, lại không có Hạ Ôn thị chen vào quấy rầy, Vạn thị mới có thể dốc lòng dạy dỗ Liễu Minh Nguyệt.
Trước khi rời khỏi kinh thành, đã có một nhà quan nhân họ Phùng đến cầu thân Ôn Dục Hân, Vạn thị đã cố ý đáp ứng, nhưng nói trượng phu nhậm chức ở Vân Hương, việc này phải được ông đồng ý đã. Nghe nói Phùng gia đã phái người khởi hành đến Vân Hương thông báo, mà Vạn thị thì đã sớm viết một phong thư, giải thích với trượng phu chuyện bà đã đáp ứng với Phùng gia.
Nay mắt thấy Ôn Dục Hân và Liễu Minh Nguyệt đều trở thành nữ tử chờ gả, bà liền có ý dẫn đường để hai nàng có thể biết nhiều hơn một chút về những âm mưu ngấm ngầm xấu xa của phụ nhân ở hậu viện.
Đây cũng là do Vạn thị thiệt tình đau lòng Liễu Minh Nguyệt, xem nàng như nữ nhi thân sinh mà đối đãi.
Liễu Minh Nguyệt học hỏi vô cùng cao hứng, ở trong khoang thuyền gặp gỡ các vị biểu huynh đồng hành với Tiết Hàn Vân, ánh mắt nàng quái dị ngay cả Ôn Hữu Niên không tim không phổi như vậy cũng cảm giác được chỗ quỷ dị ―― ánh mắt này hoàn toàn giống như đồ tể nhìn thấy cừu non đang nằm trên thớt gỗ đợi làm thịt nha.
Hắn quay đầu nhìn lại hình thể của Tiết Hàn Vân… Hoàn toàn không giống với cừu non nha!
Ôn Dục Hân ở bên cạnh che miệng cười trộm, đoán rằng nha đầu kia chắc là muốn đem thuật ngự phu[1] do mẫu thân đại nhân nhà mình dạy cho đều dùng ở trên người Tiết Hàn Vân rồi thì phải? Trong lòng không khỏi có một chút đồng tình nho nhỏ với vị Tiết công tử này.
Thuyền đi được mười bảy ngày, ngoại trừ lúc ăn cơm, Ôn thị mới hàn huyên đôi câu với những người khác, thời gian còn lại Ôn thị chỉ nhốt mình ở trong phòng riêng của mình, đóng cửa không ra ngoài cũng không trò chuyện với ai.
Tới ngày thứ mười tám rốt cục thuyền cũng cập bến, người ở trên bờ tiếp đón bọn họ chính là đích trưởng tử Ôn Hữu Chính của Đại cữu Liễu Minh Nguyệt – Ôn Thời, tuổi chừng hai mươi bảy hai mươi tám, bộ dáng bình thường, nhìn cực kỳ hòa khí.
Hạ nhân Hạ gia chuyển hành lý lên xe ngựa, Vạn thị và Ôn thị cùng ngồi một chiếc xe ngựa, tỷ muội hai người Ôn Dục Hân và Liễu Minh Nguyệt thì ngồi trên một chiếc xe ngựa khác, còn mấy người nam nhân còn lại thì tự chia ra ngồi trên hai chiếc xe ngựa khác nhau, đi về hướng An trấn.
Ôn gia ở Giang Bắc, hết đời này đến đời khác đều ở An trấn.
Ở An trấn đại đa số đều là người của Ôn gia, thật ra ngoại tổ phụ của Liễu Minh Nguyệt là chi thứ ba của Ôn gia, gọi là Tam phòng. Phòng ở của Tam phòng chiếm một diện tích lớn rất rộng rãi ở Ôn gia, Đại phòng ở chủ viện, Nhị phòng và Tam phòng thì phân biệt ở tòa nhà đại trạch liên thông hai bên, tuy rằng năm đó sau khi Ôn lão thái gia qua đời Tam phòng đã ở riêng, ngay cả tòa nhà Tổ trạch cũng vậy, trên thực tế vẫn ở ngay cùng một chỗ, mọi người đều ra vào từ cổng lớn, đương nhiên vẫn là một gia đình.
Còn các chi còn lại của Ôn gia thì tự xây nhà riêng của mình ở xung quanh, phụ thuộc vào chi chính mà ở, càng ra bên ngoài thì phòng ốc càng nhỏ hẹp, gia cảnh cũng càng thêm bần hàn.
Nhiều thế hệ của Ôn gia đều là người đọc sách, ở Giang Bắc xem như là nhà giàu người ta, huống hồ Đại phòng, Nhị phòng, Tam phòng đều có người làm quan. Hóa ra ba huynh đệ Ôn lão gia tử đều từng đỗ đạt, năm đó ngoại tổ phụ của Liễu Minh Nguyệt làm quan tới chức Ngự sử đại phu quan hàm tam phẩm, miệng lưỡi đanh thép cương liệt nha, không biết đã đắc tội với bao nhiêu triều thần, sau khi Ôn lão thái gia qua đời, ông luôn ở nhà chịu tang, sau đó chưa bao giờ tìm cách khôi phục quan chức, triều đình thiếu đi một viên quan chính trực như ông, không biết có bao nhiêu quan viên thở phào nhẹ nhõm một hơi.
Đích tôn Đại phòng Đại lão gia tử cả đời chưa từng ra làm quan, chỉ ở nhà tẫn hiếu với cha mẹ, lại là người đứng đầu một tộc. Nhị lão gia tử làm người không hề giống như Ôn Tam lão gia tử, đối nhân xử thế khéo léo đưa đẩy và lõi đời hơn, năm đó làm quan tới chức Quận thủ quan hàm tứ phẩm, cuối cùng lại mất chức trở về nhà.
Về nguyên nhân Nhị lão gia tử mất chức trở về nhà, Nhị phòng quy kết cho Ôn Tam lão gia tử đắc tội với người quyền cao chức trọng, liên luỵ huynh trưởng bị bãi quan, mà Tam phòng lại cho rằng năm đó Nhị lão gia tử làm quan không đủ thanh liêm, nhiều năm qua Nhị phòng và Tam phòng không ít lần tranh chấp về việc này, hai vị lão gia tử trực tiếp trở mặt thành thù.
Nhị lão gia tử hết sức căm hận Tam lão gia tử, Tam lão gia tử lại khinh bỉ phẩm tính làm quan của Nhị lão gia tử, không chịu nổi huynh trưởng nhà mình chỉ biết luồn cúi nịnh bợ.
Năm đó khi Nhị lão gia tử bị bãi quan trở về nhà, còn cùng Ôn Tam lão gia tử, tức ngoại tổ phụ của Liễu Minh Nguyệt làm ầm ỹ một trận rất lớn trong lễ tế tổ, huynh đệ hai người không ai nhường ai, sau đó trực tiếp trở mặt thành thù, hai phòng biến thành như nước với lửa, thề không liên quan gì đến nhau nữa.
Bởi vậy tuy rằng hai nhà Nhị phòng và Tam phòng chỉ cách nhau một đại viện của Đại phòng, khoảng cách không xa, nhưng mấy năm nay ngoại trừ lúc tế tổ là còn có thể thấy được nhau một lần ở ngoài, ngày thường người của hai phòng có gặp nhau, cả hai bên đều trực tiếp xem đối phương như không khí, cả đời không qua lại với nhau nữa.
Mặc dù thời gian Ôn Dục Hân sống ở nhà cũ không lâu, nhưng nay đã tiến tới gần nhà cũ, nàng ta liền nói cho Liễu Minh Nguyệt biết chút chuyện, đỡ phải khiến Liễu Minh Nguyệt không biết tình hình, sẽ gặp phải phiền toái.
Còn chưa tới Tổ trạch, trong lòng Liễu Minh Nguyệt đã nơm nớp lo sợ.
Nghe Ôn Dục Hân miêu tả, trong mắt ngoại tổ phụ nhà mình không thể chứa nổi hạt cát, hẳn là người cực kỳ cố chấp. Nhưng nghe nói vị lão nhân gia này rất yêu thương đứa con gái út, chính là tiểu Ôn thị mẹ ruột của Liễu Minh Nguyệt, ngay cả hai nhi tử một nữ nhi còn lại cũng không thể sánh bằng, trong lòng nàng âm thầm cầu nguyện: hy vọng ngoại tổ phụ yêu ai yêu cả đường đi, đối với nàng cũng có thể giống như đối với nương nàng mà khoan dung là tốt rồi.
Đợi đến khi Liễu Minh Nguyệt tới trong viện của Tam phòng Ôn gia, tự mình đến chính viện bái kiến ngoại tổ phụ, chỉ cảm thấy lão nhân gia trước mặt ngoại trừ nhiều râu một chút, biểu tình trên mặt hơi khô khan một chút, giọng to một chút, cũng không có đáng sợ như vậy.
Trong lòng Ôn Dục Hân rất bồn chồn, thấy Liễu Minh Nguyệt hoàn toàn không ngại nhìn chằm chằm xem xét tổ phụ, lại thấy tổ phụ cực kỳ kinh ngạc lộ ra một nụ cười có thể gọi là từ ái, nhất thời nàng ta bị kinh hách không nhỏ.
Thậm chí Ôn lão gia tử còn cởi miếng ngọc bội bạch ngọc kim ti khảm bảo thạch xuân thủy đeo bên hông đưa cho nàng như lễ gặp mặt.
Liễu Minh Nguyệt nhận lấy miếng ngọc bội kia, nhìn ra vẻ mặt Ôn lão gia tử rõ ràng có chút dao động, hơn nửa năm nay đại khái nàng đã quan sát biểu tình trên mặt của Tiết Hàn Vân quá mức cẩn thận, cho nên đối với vẻ mặt nhìn như lạnh lùng khô khan kia của Ôn lão gia tử, vậy mà cũng để cho nàng có thể nhìn ra một hai phần biến hóa.
Hạ Tử Thanh và Tiết Hàn Vân cũng tiến lên hành lễ, Ôn lão gia tử chỉ thưởng cho mỗi người một bộ văn phòng tứ bảo thượng hạng.
Ngay cả Ôn Hữu Tư, Ôn Hữu Niên cũng được thưởng một bộ văn phòng tứ bảo giống như vậy, cộng thêm được lão gia tử khen ngợi một tiếng, nghe nói chuyện này đã là cực kỳ hiếm có ——