*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.Ngày hôm đó, Hoắc Thời Anh và Tưởng Nguyệt Đồng trốn thoát khỏi đám người hoàng hậu phái tới truy bắt và chặn đường, tình cảnh náo loạn gà bay chó sủa, sung sướng phấn khích chạy ra khỏi hoàng cung, nhiều năm sau khi Hoắc Thời Anh nhớ lại cảnh tượng ngày hôm ấy, tự nàng cũng cảm thấy bản thân của lúc đó ít nhiều gì vẫn còn chút trẻ người non dạ, thiếu mất sự trầm ổn nhưng cũng vì thế nên dễ dàng cảm thấy vui vẻ, đương nhiên cũng rất dễ dàng rung động, mà đó lại là một mùa hè nóng nực khiến người ta bồn chồn bất an.
Trong cuộc đời của mỗi con người đều sẽ có một, hai đoạn ký ức cực kỳ quan trọng, nó sẽ đồng hành xuyên suốt dòng sông ký ức của người đó, đi cùng người đó đến tận cuối đời, khiến người đó không bao giờ quên được, Hoắc Thời Anh của sau này mỗi khi có thời gian sắp xếp lại ký ức của bản thân, nàng đều phát hiện ra mình không nhớ rõ cảnh tượng lần đầu tiên mình quang minh chính đại bước chân vào điện Kim Loan nhận thụ phong cho lắm, thậm chí ngay cả gió cát và mùa đông lạnh tê tái vùng Tây Bắc bên nàng suốt những năm tháng thơ ấu lẫn niên thiếu, mà nàng cứ ngỡ là sẽ khắc cốt ghi tâm, cuối cùng lại ngày một phai nhạt theo thời gian, nhưng duy chỉ có khung cảnh ngày hôm đó, cho dù đã qua bao nhiêu năm nàng vẫn nhớ rõ đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhất.
Đó là một ngày nắng rực rỡ, đáng lẽ sẽ là một ngày đẹp trời, nhưng mùa hè thì lấy đâu ra nhiều ngày đẹp trời chứ, lượng mưa ít vì bầu không khí khô nóng quá mức, hai người họ mặc quần áo bình thường nghênh ngang đi trên phố, một người còn phe phẩy quạt giấy trong tay, nên dáng vẻ trông có hơi ra dáng công tử ăn chơi.
Hôm ấy Tưởng Nguyệt Đồng dẫn Hoắc Thời Anh đến quán trà Vương Ký uống hai bát trà thảo mộc cỡ lớn đặc sản của quán, bao nhiêu năm trôi qua mỗi khi nàng nhớ lại mùi vị của trà thảo mộc vừa ngọt vừa đắng là lại có cảm giác nó vẫn còn lưu luyến nơi đầu lưỡi, sau đó hai người bọn họ sang bên kia con kênh ăn cơm trưa trên thuyền hoa, bữa trưa có cá sóc chua ngọt rán giòn, một món ăn rất nổi tiếng ở đây, thân cá được chiên giòn sau đó thấm đẫm nước sốt, miệng cá vẫn còn ngáp ngáp. Hoắc Thời Anh không thích ăn mấy món ngọt nhiều dầu mỡ ấy lắm, nhưng miệng con cá đang ngáp ngáp kia đã trở thành chìa khóa mở ra một đoạn ký ức sau này của nàng.
Ăn xong bữa cơm bọn họ lại quay lại thành, Tưởng Nguyệt Đồng muốn đi nghe hát kịch, vì hôm nay Lâm Ấu đường có treo bảng hát kịch ở lầu Đắc Nguyệt, Hoắc Thời Anh không thích nghe hát kịch, lúc nàng được phong Hầu trong nhà cũng từng mời một gánh hát về hát trong sân nhà suốt năm ngày liền, nhưng nàng chẳng nghe ra được bọn họ đang hát cái gì, mấy người đó cứ đứng hát ý a ý à lả lướt trên sâu khấu nhưng nàng chỉ toàn ngửi thấy mùi son phấn nồng nặc mà thôi.
Dường như Tưởng Nguyệt Đồng rất thích Lâm Ấu đường, cứ nhắc đến là vẻ mặt lại không giấu nổi sự phấn khích, mang theo vẻ xuân tình, mà chỉ có những người trẻ tuổi mới có, cậu ta là người duy nhất ở doanh Thị Vệ kết bạn với Hoắc Thời Anh mà không hề có chút kiêng dè gì, Hoắc Thời Anh cảm thấy nên đối xử tốt với thằng nhóc này một chút, vì thế nên đã đi cùng cậu ta.
Lầu Đắc Nguyệt là một tòa nhà cao nằm ở khu chợ phía đông, người dân trong khu chợ thường xuyên ghé qua, nơi này cũng đón tiếp kha khá các lái buôn ở bên ngoài đến, thỉnh thoảng vài vị quan lại quần áo là lượt tạt vào, vì đây là một loại hình văn hóa giải trí đại chúng, nên thu hút mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội.
Dưới sự giáo dục và bài xích của gia tộc, Hoắc Thời Anh trước giờ chưa từng đến những nơi hạ lưu như thế này bao giờ, nàng bước chân vào chỉ cảm thấy bầu không khí nhơ nhớp, oi bức và ồn ào, gợi lên một cảm giác xa lạ mà hỗn loạn.
Lúc hai người bọn nàng đi vào vở kịch bên trong đã mở màn rồi, trên sâu khấu có một cụ già và một cô gái đang lôi lôi kéo kéo hát luyến láy í a rất náo nhiệt, trong đại sảnh chật kín toàn người là người, đưa mắt nhìn khắp lượt xung quanh thấy đầu người đen sì cả một mảng, Tưởng Nguyệt Đồng kéo Hoắc Thời Anh chạy thẳng lên trên lầu hai một cách rất rành rẽ, trên lầu cũng đều đã có người ngồi cả rồi, hai người bọn họ giẫm lên quần áo của rất nhiều người xung quanh chen được tới chỗ góc cầu thang, Tưởng Nguyệt Đồng tóm lấy một người hầu bàn đang phục vụ khách hằn học hỏi: “Có giữ lại phòng riêng cho ông không?”.
Dáng vẻ người hầu bàn này rất láu cá, vừa nhìn thấy rõ mặt mũi Tưởng Nguyệt Đồng thắt lưng tự động khom xuống, trên mặt nở nụ cười nịnh nọt: “Tưởng gia à? Cậu có thể có ngày không tới đây, nhưng phòng của cậu thì đương nhiên không ai dám động vào, giữ lại cho cậu đấy, để tiểu nhân dẫn đường cho cậu.”
Tưởng Nguyệt Đồng đẩy hầu bàn một cái nhắc: “Mau dẫn đường cho ông đi.” Hoắc Thời Anh vẫn im lặng nhìn họ, sau đó đi theo hai người đi lên cầu thang, nàng vừa nhấc chân lên thì đồng thời tiếng nhạc trên sân khấu cũng thay đổi, vở kịch trên sân khấu đã kết thúc, nhạc dạo của vở kịch khác đã vang lên.
Trong tiếng cười nói ồn ào, chợt có một giọng hát vang lên, là phong cách lượng tương của đào kép.
(Lượng tương là động tác biểu diễn trong thể loại kinh kịch. Là một khoảng dừng ngắn khi nhân vật chính sắp sửa lên sâu khấu, hay trước khi rời khỏi sân khấu hoặc sau khi biểu diễn xong một động tác nhảy nào đó. Mục đích là để tập trung sự chú ý và làm nổi bật trạng thái tinh thần của nhân vật, tạo dáng đứng im trên sâu khấu.)Giữa tiếng chiêng trống ngập trời, giọng hát ấy xuyên thủng qua lớp lớp tường người lao đến, khiến bước chân Hoắc Thời Anh khựng lại. Tiếng hát lượng tương ấy lọt vào màng nhĩ Hoắc Thời Anh, cũng vì tiếng hát ấy mà số phận của rất nhiều người đã hoàn toàn thay đổi.
Trong năm giác quan của Hoắc Thời Anh thì nàng nhạy cảm với âm thanh nhất, vừa mới bắt đầu nàng đã bị tiếng hát âm vực rộng âm vang bi tráng của chàng ta làm cho kinh hãi, nàng từ từ quay người lại nhìn, thấy một võ sinh mặc áo xanh đứng trên sâu khấu, trong từng động tác giơ tay nhấc chân vừa khuôn mẫu vừa nghiêm cẩn ấy như đang truyền đạt điều gì đó, nàng không hiểu ý nghĩa của những động tác đó, cũng không biết chàng ta đang hát gì, nhưng những câu hát tiếp sau đó như một chiếc dùi khoan thẳng vào trái tim nàng, đó là thiên quân vạn mã hóa thành giọt lệ của đấng nam nhi, là nỗi niềm thê lương khi đêm tối bị bỏ lại một mình nơi hoang vu hẻo lánh, đó cũng là sự đấu tranh trong vô vọng khi bị số phận vùi dập, nỗi uất ức và bi phẫn biến thành một luồng sức mạnh bộc phát từ trong lồng ngực, khiến nàng có thể nghe hiểu được giọng hát của chàng ta, cả đời này không ai có thể mang đến cho nàng khoảnh khắc chấn động hoặc khiến nhịp tim nàng đập nhanh như vậy.
Cuộc đời đã được định sẵn sẽ phải sống như thế nào cho đến tận cuối đời của Hoắc Thời Anh, không liên quan gì đến giọng hát ấy cả, nhưng giây phút con tim nàng chấn động mạnh như vậy sẽ không bao giờ có lần thứ hai.
Sau đó Hoắc Thời Anh đi theo Tưởng Nguyệt Đồng đến căn phòng riêng ở trên lầu ba, vị trí ở đây là đẹp nhất, góc độ cũng hoàn hảo, nàng lặng lẽ ngồi đó lắng nghe từ đầu đến cuối vở kịch, trên sân khấu trống trơn, ngay cả việc phông màn qua loa thôi cũng không có, nhưng hắn không cần mấy thứ phông màn đó để làm nền cho mình, cơ thể và chân tay, ánh mắt và giọng hát của hắn chính là toàn bộ thế giới mà hắn muốn thể hiện ra cho mọi người thấy, Hoắc Thời Anh có thể chấp nhận tất cả những tưởng tượng mà hắn vẽ ra cho mình, đường núi gập ghềnh, miếu thờ trong đêm lạnh giá leo lét ánh sáng, trong lòng chàng ta khao khát muốn chạy trốn!
Tưởng Nguyệt Đồng kể cho nàng nghe, hắn là một kép võ hạng hai không được người ta coi trọng lắm, cũng không quá nổi tiếng, tên là Chu Triển.
Về sau, Hoắc Thời Anh thuê riêng một gian phòng ở lầu Đắc Nguyệt, cứ buổi chiều rảnh rỗi là sẽ tới đó nghe kịch, đa phần đều là nghe Chu Triển hát xong, tiết mục áp chót còn chưa bắt đầu đã đứng dậy bỏ đi rồi.
Ngày tháng trôi qua như lật sách, một tháng sau luân phiên đến lượt Hoắc Thời Anh, nàng bắt đầu trực đêm trong cung nên không cần phải dậy sớm nữa, đổi thành buổi trưa vào cung, sáng sớm ngày hôm sau đổi ca trực xuất cung, thật ra một ngày nàng chỉ phải trực sáu canh giờ, nhưng đến tối cửa cung đã khóa lại rồi thì không thể tự ý ra vào được nữa, bắt buộc phải ở lại trong cung một đêm, vì thế thời gian nàng ở trong cung cũng nhiều hơn.
Tuy rằng trong doanh Thị Vệ chỉ có một mình Tưởng Nguyệt Đồng chịu gần gũi với nàng, nhưng chút tình cảm bằng hữu duy nhất này cũng rất nhanh đã phải đặt dấu chấm hết vì cái tai quá thính của Hoắc Thời Anh.
Hôm đó vì ngủ dốn thêm một chút mà Hoắc Thời Anh dậy muộn hơn bình thường, sau khi đánh răng rửa mặt xong thì các thị vệ trong doanh đều đã thay ca trở về nhà cả rồi, các thị vệ ở trong cung không có người hầu hạ, nên nàng bưng chậu nước lên, đang định mở cửa đi đổ thì nghe thấy dưới mái hiên bên ngoài phòng nàng có tiếng người nói chuyện: “Con nhỏ đó về chưa?”.
Bàn tay Hoắc Thời Anh khựng lại, chính vào lúc đó nàng nghe thấy tiếng Tưởng Nguyệt Đồng vang lên: “Chắc là về rồi, cửa đóng rồi mà, bình thường tầm này là đã đi rồi.”
Vì thế Hoắc Thời Anh không tiện nhúc nhích tiếp nữa, nàng không phải là người thích nghe trộm người khác nói chuyện, nhưng nàng có dự cảm là, thời điểm mở cửa đã trôi qua mất rồi.
Ngay lập tức giọng nói chớt nhả lúc đầu lên tiếng hỏi: “Nguyệt Đồng, ta hỏi ngươi này, cả ngày ngươi cứ bám dính lấy con nhỏ đó làm gì?”.
Hoắc Thời Anh nghe thấy Tưởng Nguyệt Đồng cười khẩy đáp: “Ta làm vậy chẳng qua là vì hy vọng có thể đi cửa sau từ chỗ của nàng ta thôi, tương lai chắc chắn sẽ có được một vị trí ngon, triều đình sắp bỏ lệnh cấm biển, hiện giờ có bao nhiêu người đang nhìn chằm chằm vào miếng thịt thủy quân béo bở, người ta chen nhau vỡ đầu còn không vào được nữa là, nhưng với thế lực của gia đình bọn họ trong bộ Quân thì chỉ cần một câu nói thôi là giải quyết được rồi, hiện giờ ta bám lấy nàng ta, chỉ để đợi tương lai cũng có người có thể cho ta một câu là giải quyết xong.”
Có người trong nhóm bật cười, lập tức Tưởng Nguyệt Đồng đáp trả luôn: “Các huynh không cần cười mỉa ta, ta không giống các huynh có cha mẹ lót đường sẵn cho, cô nhi quả phụ như ta không tự tìm kiếm cơ hội cho mình thì biết trông cậy vào ai nào?”.
Giọng nói của Tưởng Nguyệt Đồng mang theo vẻ vô lại đểu cáng, trong đầu nàng chợt lóe lên khuôn mặt của cậu ta khi nói chuyện người chạy bàn ở lầu Đắc Nguyệt hôm đó, dường như nàng có thể tưởng tượng ra được dáng vẻ muốn cười nhưng không cười đầy khinh miệt trên khuôn mặt câu ta trông sẽ như thế nào, Hoắc Thời Anh không muốn nghe tiếp nữa, đành bê chậu nước quay trở lại phòng, rút một quyển sách ra ngồi đọc, đợi cho đến khi những người bên ngoài đều đi hết rồi nàng mới đi ra đổi lệnh bài rời khỏi cung.
Hôm đó, sau khi về tới nhà Hoắc Thời Anh nói chuyện với Hoắc Chân, ba ngày sau Tưởng Nguyệt Đồng bị bộ Quân điều chuyển đi nơi khác, Hoắc Thời Anh không hỏi han gì đến chuyện gia đình của Tưởng Nguyệt Đồng, cũng không muốn tìm hiểu ý đồ của cậu ta, nàng cảm thấy như vậy rất phiền phức nên dứt khoát điều chuyển cậu ta đi thật xa, mắt không thấy thì tim không phiền.
Chuyện của Tưởng Nguyệt Đồng vừa mới kết thúc, quay đi quay lại vài hôm đã đến Trung thu rồi, đương kim Hoàng thượng là một người tiết kiệm, nên không định tổ chức linh đình, chỉ bày tiệc mọi người trong nhà với nhau mà thôi.
Thu đến, thời tiết khô hanh, vì phải bày tiệc Trung thu, nên trong cung cũng nhân cơ hội này chỉnh đốn lại một lượt, Hoắc Thời Anh được phân công quản lý Tàng Thư các, nơi sợ cháy nhất trong cung, nên cũng vì thế mà chạy đông chạy tây bận rộn suốt mấy ngày liên.
Buổi yến tiệc của hàng gia vì thái hậu vẫn còn đây nên đương nhiên được tổ chức ở tẩm cung của thái hậu, đêm đó Hoắc Thời Anh có lịch trực, nàng đi theo Hoàng thượng đến cung Thái Hòa, sau khi buổi yến tiệc bắt đầu thì có một gánh hát trong dân gian được mời đến để lên sân khấu biểu diễn góp vui, trong đó có gánh hát của lầu Đắc Nguyệt, một mình Chu Triển đứng trên sân khấu diễn kịch võ, trong suốt quãng thời gian đó Hoắc Thời Anh vẫn đứng sau lưng Hoàng thượng, nàng chỉ nhìn thấy sống lưng thẳng tắp của hắn, nhưng hoàng hậu thì lại thỉnh thoảng liếc nhìn nàng vài cái, mà cái sau còn ẩn chứa nhiều nội dung hơn cái trước.
Hoắc Thời Anh đứng đó mặt không chút biểu cảm, không ai nhìn ra được chút cảm xúc nào trên mặt nàng, nhưng khoảnh khắc ấy bất kể là bóng lưng của Hoàng thượng hay ánh mắt của hoàng hậu đều khiến nàng cảm thấy bí bách ngột ngạt chưa từng có, cuối cùng ép đến mức có thứ gì đó bỗng manh nha trong trái tim nàng.
Hoắc Thời Anh không biết liệu đây có phải là lời cảnh cáo của Hoàng thượng dành cho mình hay không, nhưng từ đó về sau nàng không đến lầu Đắc Nguyệt nữa, mà thực tế là nàng cũng chẳng còn cơ hội quay lại đó.
Đầu tháng Chín, Tả tướng Vương Thọ Đình đã điều tra ra một vụ án tham ô lớn nhất kể từ lúc triều đình lập quốc tới nay, liên quan đến quá nửa quan viên ở Giang Hoài, Thái thú Bùi Thế Lâm của Dương Châu là người đứng đầu sóng ngọn gió, ngày mùng năm tháng Chín thánh chỉ truyền đến Dương Châu, yêu cầu Vương Thọ Đình áp giải Bùi Thế Lâm về kinh điều tra xét xử.
Lúc Hoắc Thời Anh xuất cung lao ngay về nhà thì Hoắc Chân đã biết tin rồi, ông nhìn thấy Hoắc Thời Anh chỉ nói mỗi một câu: “Sợ là Bùi Thế Lâm bắt buộc phải chết rồi.”
1. Cá sóc chua ngọt rán giòn: