Mây trời cứ chầm chậm trôi, nắng vàng lôi thôi kìm bước hoàng hôn buông xuống, một đứa trẻ nằm dài trên cành đa tự hỏi vì sao những ước ao còn chưa tìm ra lối.
Nó ngồi dậy, nó nhìn ra cánh đồng phía xa, nó nhìn những con người đăng cặm cụi đằng kia, gương mặt đỏ rực vì phơi nắng vẫn cắm cúi chăm bón từng gốc linh thực, nó thấy cha mẹ nó giữa những con người ấy.
Mặt nó trầm lại.
Đứa bé này từ bé đã mê mẩn trước những câu chuyện về những vị hiệp khách tay mang kiếm đao cứu vớt dân nghèo.
Uớc mơ một ngày trở thành con người như thế dần lớn lên trong nó, hành hiệp trượng nghĩa, du ngoạn muôn phương luôn là những điều mà đứa bé kia tôn thờ.
Nó đã từng rơi lệ khi bất lực chứng kiến những con người nghèo khổ bị đánh cho tàn tật chỉ vì không nộp đủ linh thực, tâm nó lúc nào cũng quặn thắt vì sự đày đoạ mà những con người xung quanh nó phải trải qua.
Cho đến ngày hôm đó, nó được nghe những gì nam tử trung niên kia nói.
Nó bắt lấy được chút ánh sáng của con đường nó muốn đi.
Nhưng nó biết cha mẹ nó không nỡ cho nó đi, nó cũng vậy, nó đang rất rối bời giữa những con đường ấy.
Vấn Thiên đăm chiêu nhìn đứa trẻ non nớt đang bị những thương cảm của bản thân cưỡng ép phải trưởng thành.
Hắn thấy bản thân mình bên trong đứa trẻ này.
Hắn chợt cười, hắn cười vì sự đồng cảm nơi thằng bé kia, hắn cũng cười vì những điều đứa bé kia tôn thờ thật ra chỉ là những ảo tưởng của những con người khốn khổ tạo ra mà thôi.
Vị hiệp khách trong những câu chuyện, những vở kịch kia thực ra chỉ là một sản phẩm của sự bất lực.
Bất lực bởi một cuộc sống bất công, bất lực bởi vì xuất thân hèn kém, những câu chuyện vở kịch kia đơn thuần chỉ là những ước muốn viển vông được tạo ra để tự an ủi bản thân của mình.
Những con người khốn khổ kia họ chỉ đang cố tạo ra một thứ niềm tin lay lắt giúp họ vượt qua những ngày tháng đen tối của cuộc đời.
Nụ cười trên mặt Vấn Thiên dần trở nên cay đắng.
Không phải những vị hiệp khách kia hoàn toàn là giả tưởng, chỉ là nguyên tắc của những kẻ bề trên đã đặt ra không cho phép những vị hiệp khách kia tồn tại.
Vấn Thiên luôn trưởng thành hơn so với tuổi của mình.
Cho nên từ lúc nhỏ hắn đã nhìn nhận cuộc sống này thực tế hơn rất nhiều.
Nhưng thực ra những mơ mộng của thằng bé kia vẫn luôn tồn tại trong bản thân hắn.
Nhìn theo một góc độ nào đó, những điều hắn đang làm và sắp làm cũng giống với những vị hiệp khách.
Rồi một tiếng nói hớt hải cắt đứt dòng suy nghĩ của hai người:
-Tuân ca! Tuân ca! Thằng Đức đang bị tên đáng ghét Ngô Minh đánh ở bờ đê, huynh mau tới đó nhanh không nó bị tên kia đánh chết mất.
Người vừa nói là một đứa nhỏ đen gầy chừng bảy tuổi, nó vừa chạy tới, sự lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt của nó.
Thằng bé vừa nói vừa thở hồng hộc.
Duệ Tuân nhảy từ trên cây xuống, mặt nó đã trông nghiêm trọng thấy rõ, vừa đáp xuống nó liền chạy về một hướng, thằng bé kia cũng chạy theo, vừa chạy Duệ Tuân vừa hỏi:
-Sao thằng Đức bị đánh?
-Nó để con trâu nhà Ngô bá kiến ăn cây cúc áo, tên Ngô Minh đi qua thấy thế liền bảo thằng Đức định giết chết trâu của nhà nó à, thằng Đức không dám nói gì, nhưng tên đáng ghét đó liền bắt thằng Đức dập đầu xin lỗi nó, thằng Đức không làm liền bị hai tên cẩu nô nhà nó đánh.
Thằng bé đen gầy vừa nói vừa mếu máo.
-Trâu ăn cây cúc áo có sao đâu?
-Nhưng Ngô Minh nó bảo cây cúc áo đó bị sâu rồi, trâu ăn vào sẽ chết.
— QUẢNG CÁO —
-Thằng điên! Nó muốn kiếm chuyện đây mà.
-Chắc tại hôm nọ huynh không đưa cho nó cái tổ chim mà nó thích.
Duệ Tuân gật đầu rồi chạy một mạch tới bờ đê.
Hắn thấy hai tên thanh niên, một tên ôm thằng bé tên Đức ở trước ngực, một tên thì đứng đằng trước liên tục tát mạnh vào mặt thằng bé, bên cạnh một tên nhóc bụ bẫm ăn mặc sang trọng liên tục nói cái gì đó, ở cách đó không xa, một đám trẻ con gầy gò ăn mặc rách rưới đang sợ hãi chụm lại với nhau.
Mặt Duệ Tuân tối xầm lại, nó nắm chặt tay, rồi chạy thẳng tới chỗ đó.
-Dừng tay lại.
Duệ Tuân hét lớn.
Hai tên kia vẫn tiếp tục đánh, có vẻ tiếng hét non nớt kia chẳng liên quan tới chúng.
Duệ Tuân liền quay sang tên mập mạp kia, nói to với nó:
-Ngô Minh, ngươi bảo nô tài dừng tay lại, còn đánh nữa ta sẽ báo quan phủ.
Tên mập mạp kia mắt nó híp lại, mà cũng không phải, do mặt nó đầy đặn quá nên trông như mắt híp.
Nó cố mở to đôi mắt nhìn kẻ trước mặt mình, nó nhếch mép cười khẩy, gương mặt đầy vẻ vô lại của nó phô bầy ra trước mặt Duệ Tuân.
Nó cười cười rồi nói:
-Cứ báo.
Thằng nhóc bẩn thỉu này cho trâu nhà tao ăn đồ hỏng, trâu nhà tao mà chết thì có bán cả nhà nó đi cũng chẳng đền nổi đâu.
Tao chỉ đang dạy nó một bài học mà thôi, mày đừng có xía vào.
Duệ Tuân càng nắm chặt tay hơn, mặt nó trở nên hồng rực.
Nó biết báo quan chẳng có tác dụng gì vì bọn chúng vốn là một giuộc.
Nó rất bất lực.
Tên đáng ghét Ngô Minh kia là con trai độc nhất của nhà bá kiến, nó thừa hưởng gần như hoàn toàn những phẩm chất đặc trưng của một gia đình phú hào, hống hách, nhỏ nhen, và cực kì khinh người.
Lần trước Duệ Tuân không đưa cho nó cái tổ chim mà nó muốn nên hôm nay nó mới tìm cách gây sự.
-Ngô Minh, sao mày hách dịch quá vậy! Mày còn ấm ức chuyện hôm nọ phải không?
Tên Ngô Minh nghe xong liền thu lại nụ cười trên mặt, nó nhìn chằm chằm vào Duệ Tuân rồi nói:
-Lẽ ra kẻ bị tát kia là mày.
Tao rất ghét những đứa không nghe lời giống như mày.
Thứ mà Ngô Minh ta muốn thì cái lũ nghèo hèn bọn mày đừng mơ mà có được.
-Vậy mày muốn gì?
— QUẢNG CÁO —
-Mày chui qua háng tao xin lỗi rồi để hai tên nô tài nhà tao tát cho mấy cái.
Tao sẽ xem xét việc tha cho thằng nhóc kia.
Duệ Tuân nghe xong mắt nó giật giật, tay nó bị ai kéo lại, nó quay đầu thì thấy đứa nhỏ đen gầy bên cạnh lắc lắc đầu.
Duệ Tuân quay đầu nhìn đứa bé vẫn đang bị tát kia.
Nó cắn răng đáp:
-Được.
Thả thằng Đức ra trước đã.
Tên Ngô Minh mập mạp cười rộ lên, nó ra hiệu cho hai tên nô tài, rồi nó dang rộng hai chân nói:
-Vậy mới ngoan chứ! Nào thằng nhà nghèo, cúi xuống chui qua háng đại gia nào!
Duệ Tuân nhìn nụ cười hả hê của Ngô Minh, nó hít một hơi thật sâu rồi từ từ bước chậm đến.
Nó vẫn nhìn vào gương mặt đáng ghét kia rồi nó...đấm thẳng vào mặt tên đó.
Ngô Minh a lên một tiếng, chưa kịp định thần lại thì nó đã bị Duệ Tuân đạp một cái ngã xuống.
Chẳng hiểu sao một thằng bé gầy gò lại có sức đạp ngã tên mập mạp kia.
Duệ Tuân nhảy lên người Ngô Minh, nó lấy hai tay liên tục tát mạnh vào gương mặt núng nính như bánh đúc.
Hai má tên kia đã đỏ ửng, nó liên tục kêu đau rồi hét lớn:
-Người đâu! Lôi tên bẩn thỉu này ra khỏi người ta mau.
Nhanh! Chúng mày chết dẫm đâu rồi.
Ngô Minh nó vẫn cứ hét còn mặt nó thì vẫn cứ ửng đỏ bởi hai bàn tay.
Duệ Tuân hít thở dồn dập, nó tát liên hồi, nó không kìm nén được sự bức bối trong lòng nó nữa rồi.
Miệng nó liên tục nói “Cho mày chết này”.
Mãi một lúc nó thấy thấm mệt, đầu óc nó cũng tỉnh táo trở lại, nó giờ đây mới nhận ra việc mình đã làm nghiêm trọng đến mức nào.
Nó đứng dậy khỏi người tên mập mạp, mặt nó nghệt ra.
Rồi nó nhìn thấy một nam tử trung niên đang trìu mến cười với nó, dưới chân hai tên thanh niên đang đau đớn lăn lộn.
Rồi nó nghe thấy thanh âm hơi chút quen thuộc:
-Về nhà đi!
Nó vô thức gật đầu rồi theo nam tử kia đi về.
Hai cái bóng kéo dài trên con đê đầy gió, cánh cò lấp ló sau những rặng mây hồng.
Duệ Tuân ngẩng đầu nhìn lên gương mặt đầy phong sương kia rồi buồn rười rượi nói:
-Cháu gây ra chuyện lớn rồi!
Địa Uy cúi đầu nhìn gương mặt non nớt kia rồi cười cười nói:
-Có những thứ trên đời này vượt quá sức chịu đựng của chúng ta, đủ dũng khí để phát tiết hết những khó chịu mà những thứ ấy gây ra thì cũng coi là một nam tử hán rồi.
— QUẢNG CÁO —
-Nhưng thứ dũng khí đó của cháu lại gây ra hậu quả quá lớn.
Duệ Tuân ủ rũ nói.
Nó đang rất rối bời.
Nó biết lửa giận của nhà bá kiến sẽ khủng khiếp thế nào.
Nó quá thiếu suy nghĩ.
-Tiểu hài tử! Hãy nhớ lấy một điều.
Mọi vấn đề trên đời này đều có cách giải quyết.
Chỉ là ta có đủ sức mạnh để thực hiện nó hay không mà thôi.
Duệ Tuân vẫn lẳng lặng bước đi.
Nó lắc lắc cái đầu rồi nói:
-Cháu không có sức mạnh.
-Nhưng rồi cháu sẽ có.
Về đến gần nhà thì Duệ Tuân thấy cha mẹ mình đang hớt hải tìm hắn, mấy đứa trẻ kia có lẽ đã chạy về báo tin rồi.
Vừa thấy Duệ Tuân họ liền chạy nhanh tới, mẹ nó ôm nó vào lòng rồi khóc, Duệ Tuân khóc theo, nó liên tục xin lỗi.
Cha nó gật đầu với nam tử trung niên rồi thẫn thờ đứng đấy.
-Mọi người yên tâm, ta có cách giải quyết vấn đề này.
Tiếng nói của nam tử trung niên chợt vang lên, khiến cái không khí nặng nề kia chợt có chút biến chuyển.
Mẹ Duệ Tuân vội lau nước mắt, ngẩng đầu lên nhìn rồi hỏi:
-Ngài nói thật chứ?
Địa Uy cười tươi rồi đáp:
-Ta nói thật, cho ta mượn hài tử này một lát.
Duệ Tuân ngước nhìn khuôn mặt kia.
Từ lần đầu tiên gặp mặt, niềm tin của nó với nam tử trung niên này đã rất lớn.
Và có lẽ niềm tin ấy thực sự đúng đắn..