Tương Vọng Đào Hoa

Chương 99



- Sự đã thành rồi sao?

Tiểu cô nương đáp:

- Dạ bẩm, đúng như vậy ạ! Thiếu chủ đã thành công. Người đến báo tin nói thiếu chủ sẽ sớm đưa người đến đón phu nhân trở về.

Đại cô nương mỉm cười, nhẹ nhàng nói:

- Bảo y đưa người ở Từ Thanh tự về đi. Ta ở đây thật tốt. Muốn ở lại đây thêm thời gian nữa. Bảo y không cần lo cho ta.

Tiểu cô nương mỉm cười đáp ứng một tiếng rồi rời đi. Đại cô nương vẫn ngồi đưa tay xuống vóc nước đùa cùng các chú cá trong suối.

Diệu Ân đi đến, mang theo một thau y phục. Nàng nhìn đại cô nương, mỉm cười chào:

- Diệu Tuệ sư tỉ! Tỉ đang cho cá ăn sao?

Nàng nói xong, cũng ngồi xuống phiến đá, cầm lấy y phục ngâm vào nước suối giặt. Đại cô nương tên là Diệu Tuệ mỉm cười, đi đến gần Diệu Ân nói:

- Ta giặt cùng muội!

Diệu Ân ái ngại lắc đầu:

- Không cần đâu, sư tỉ. Đại sư tỉ nói tỉ là tục gia đệ tử, vốn xuất thân từ quí tộc thế gia. Những việc mọn này, sao có thể để tỉ làm được?

Diệu Tuệ mỉm cười, mặc cho Diệu Ân từ chối, nàng vẫn ngồi xuống cầm lấy y phục chỗ của Diệu Ân, cùng nàng ngâm nước suối vừa chà vừa nói:

- Chúng ta là đồng môn tỉ muội, muội không cần khách khí với ta như thế. Huống hồ chi, không phải chỉ ta là đệ tử tục gia. Sư phụ chẳng phải nói muội cũng như vậy sao? Cũng là do muội tự mình kiên quyết đòi xuống tóc.

Diệu Ân thở dài, tay vẫn không ngừng chà miết, giặt giũ y phục trong nước, vừa nhìn ra phía xa nói:

- Muội so với tỉ không giống nhau. Tỉ còn có gia đình, còn có nhi tử của mình, tỉ vẫn còn có nơi để quay về. Còn muội, nếu không có sư phụ cưu mang, có lẽ muội đã không còn sống được trên đời.

Diệu Tuệ thương xót nhìn Diệu Ân hỏi:

- Sư muội, không phải muội nói đã từng nhìn thấy một người dung mạo rất giống với nữ nhi của muội hay sao? Nếu là người ở kinh thành, nhất định sẽ tìm ra được. Muội sao lại bi quan như vậy?"

Diệu Ân thở dài, lắc lắc đầu, ánh mắt rưng rưng, giọng nghèn nghẹn nói:

- Thật ra là muội nhầm lẫn thôi. Người đó...là nam nhân!

Diệu Tuệ "à" một tiếng rồi cũng im lặng. Không biết phải nói gì hơn. Vị sư muội này và nàng đều là đệ tử tục gia của sư phụ Diệu Tâm. Ngày đầu mới gặp Diệu Ân, Diệu Tuệ vừa nhìn vào mắt nàng liền thấy thương xót. Nữ tử này cũng trạc tuổi nàng nhưng sinh trưởng trong hoàn cảnh khốn khổ, hồng nhan phải ngập lặn trong nghịch cảnh, chịu gian khó khôn cùng. Diệu Tuệ nhập môn sớm hơn Diệu Ân. Nàng được sư phụ thu nhận và ở lại để tóc tịnh tu trong hậu viện Phổ Minh tự. Còn Diệu Ân là do sư phụ cứu được trên đường đưa về tự. Diệu Tuệ từ nhỏ đã lớn lên trong nhung lụa, là một khuê các tiểu thư. Khi nghe các tỉ muội kể lại, lúc sư phụ cứu Diệu Ân, nàng là một ăn mày bị nhiễm bệnh dịch sắp chết. Lại nghe Diệu Ân kể, cả đời nàng không có thân nhân, không có nhà cửa, chỉ cùng nữ nhi đi khắp nơi ăn xin mà sống. Cuộc sống khốn khổ, nhưng mẫu tử nàng nương tựa lẫn nhau, cũng là tình thân ấm áp. Thế nhưng một ngày, nàng bạo bệnh hôn mê đi, nữ nhi của nàng cũng biến mất. Từ đó, nàng thất lạc nữ nhi. Cả đời nàng, không có gì ngoài nữ nhi. Bây giờ ngay cả con cũng không còn, nàng thật sự lâm vào hoảng loạn. Nàng chạy khắp nơi, lần từng ngõ ngách ở trấn Tây Bình nhưng cũng không tìm được. Khi nghe có người nói nữ nhi của nàng đã chết, còn bị người ta khiêng xác đi thiêu hủy chung với những người chết do dịch bệnh kia, nàng liền kinh hoảng đến ngất đi. Nàng không muốn tin sự thật ấy. Ngay cả nàng bệnh nặng như thế còn không chết, tại sao nữ nhi của nàng lại chết trước nàng được?

Sau đó, Diệu Tâm sư thái cùng các đệ tử ở lại Tây Bình giúp nàng tìm nữ nhi một tháng. Diệu Ân tìm mãi không gặp, cuối cùng cũng phải buông xuôi. Đời này, chỉ có hai mẫu tử nay con đã không còn, nàng cũng không thiết sống nữa. Ngay khi nàng định từ giã Diệu Tâm sư thái, tìm đường giải thoát cuộc đời đau khổ của mình thì vô tình được chủ hàng bán bánh trên phố nói lại đã nhìn thấy một ăn mày có bộ dạng rất giống với nàng tả được một lão gia giàu có nhận làm con nuôi và đưa rời đi. Diệu Tâm mừng rỡ. Nếu như nữ nhi còn sống, nàng sẽ đi tìm con. Dù con ở bất cứ phương trời nào nàng cũng sẽ không mệt mỏi đi tìm. Sau đó, nàng theo Diệu Tâm sư thái. Sư thái là đại thiện thánh ni, luôn đi khắp nơi để cứu khổ tế bần. Nàng chỉ cần theo chân sư thái, nhất định sẽ có một ngày tìm lại được nữ nhi...

Diệu Tuệ thấy Diệu Ân lại chìm vào trầm mặc. Nàng bất chợt nảy sinh ý nghĩ nghịch ngợm. Nàng đưa tay véo nhẹ cánh mũi của Diệu Ân. Diệu Ân giật mình nhìn lại, Diệu Tuệ mỉm cười hỏi:

- Còn tưởng muội thả hồn đi nơi nào. Thôi, giặt nhanh đi! Lúc này, chắc sư phụ cũng sắp thiền định xong. Chúng ta mau trở về kẻo người lo lắng!

Diệu Ân mỉm cười, cả hai tỉ muội lại tiếp tục giặt y phục. Trần Thị Oanh đứng ở phía sau rặng trúc nhìn về bờ suối, thấy Diệu Ân cùng một nữ nhân khác cười nói vui vẻ, tự nhiên nàng liền sinh khó chịu. Trần Thị Oanh hừ lạnh nói thầm: "Diệu Ân kia chê ta phiền phức, không thèm nói chuyện với ta. Lại đi vui cười hả hê với nữ nhân khác sao? Người kia không phải ni cô, không lẽ cũng giống như ta, chỉ là đến chùa thưởng ngoạn? Hửm?"

- -------

Trong điện Cần Chính, Lê Duy Khải mặc triều bào, uy mãnh ngồi trên long ỷ nhìn xuống các triều thần, cao giọng nói:

- Lễ bộ đã trình cho trẫm, ngày mồng tám tháng sau là ngày lành, sẽ chọn làm ngày cử hành đại điển đăng cơ. Các khanh có ý kiến gì không?

Nguyễn Chấn, nhìn sang các đại thần rồi nhìn lên Lê Duy Khải, chắp tay nói:

- Dạ bẩm, mọi việc xin nghe theo hoàng thượng!

Lê Duy Khải nhìn các quan, khẽ mỉm cười rồi nói:

- Lần này, có thể đại định đều nhờ các vị đại thần đồng lòng phò trợ cho trẫm. Trẫm đối với quốc sự còn rất nhiều điều chưa rõ, đều phải cậy nhờ các vị hiền khanh giúp đỡ. Nhân đây, trẫm muốn bổ nhiệm lại ba vị trí cố mệnh đại thần, giúp trẫm giám quốc. Đương nhiên, Nguyễn đại tướng quân vẫn chính là thái phó của trẫm, đầu triều tể tướng trẫm xin cậy ngài!

Lê Duy Khải hướng nhìn Nguyễn Chấn, cũng kính cẩn đứng dậy vái nhẹ với Nguyễn Chấn. Nguyễn Chấn thụ sủng nhược kinh, liền đứng dậy chắp tay vái lại Lê Duy Khải.

Lê Duy Khải nói tiếp:

- Tiếp theo, chính là Lê Hải đại nhân, người có công không nhỏ trong lần này, lại còn là biểu thúc của trẫm. Vị trí đồng tể tướng, tất nhiên chính là người!

Lê Hải cũng chắp tay, hướng Lê Duy Khải đáp tạ. Lê Duy Khải lại nhìn sang Đinh Tung, mỉm cười nói:

- Đinh Tung đại nhân là ân sư của trẫm, lại cũng lập đại công giúp trẫm thuận lợi lên ngôi. Sau này, vẫn xin cậy nhờ Đinh thái phó tiếp tục dạy dỗ, giúp trẫm trở thành một hiền quân sáng chúa!

Lê Duy Khải đứng dậy, chắp tay hướng Đinh Tung đầy cung kính.

Triều thần đối với sự khiêm nhường kính cẩn trọng tình, trọng nghĩa này của Lê Duy Khải rất vui mừng. So với Lê Duy Minh độc tài tàn bạo, Lê Duy Khải quả thật là hiền quân. Tất cả quần thần đồng lòng quì xuống, chắp tay vái nhà vua hô to:

- Hoàng thượng vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế!

Sau màn phong thưởng, luận triều cũng đã đến quá giờ ngọ. Lê Duy Khải nhìn ra bên ngoài cửa điện, chợt thấy có bóng người lấp ló nhìn vào. Lê Duy Khải chợt mỉm cười. Trước khi hô bãi triều, y nói:

- Nhân đây, trẫm còn muốn tuyên bố một chuyện. Lần này thành công lật độ bạo quân, còn có một người luôn ở trong tối âm thầm giúp đỡ trẫm.

Lê Duy Khải vừa nói, ánh mắt ngập tràn sự tán tưởng và ưu ái khi nhắc về người kia. Quần thần vừa kinh ngạc vừa đa nghi: Vẻ mặt này của hoàng thượng sao lại giống với Lê Duy Minh lúc sủng nịnh nhắc tên của hoạn quan Mạnh Kì Phong đến như thế?

Quần thần còn chưa kịp thắc mắc, Lê Duy Khải đã hô lên:

- Truyền Mạnh Kì Phong vào điện!

Cả triều đường liền nhốn nháo. Lại thế sao? Vĩnh Thuận, Vĩnh Hưng, bây giờ đến Thành đế cũng đều sủng tín cái tên Mạnh Kì Phong đó? Đến tột cùng mộ phần tổ tiên họ Mạnh kia có phần phước đến như thế nào?

Anh Ngọc bước vào đại điện, cũng quì xuống hành lễ nghiêm cẩn với Lê Duy Khải. Lê Duy Khải mỉm cười, nhìn nàng nói:

- Lần này đại thắng đều nhờ có Mạnh khanh gia nội ứng cho trẫm. Các khanh gia khác đều có công được thưởng. Mạnh khanh cũng không thể thiếu phần.

Lê Duy Khải hắng giọng một tiếng, chớp chớp mắt nói:

- Trước tiên, trẫm muốn trả cho Mạnh khanh gia một công đạo. Hừm, hắn...thật ra không phải là hoạn quan. Hắn vì trẫm đã cam chịu ủy mình, giả mạo thái giám để làm nội ứng cho trẫm. Nay đại nghiệp đã thành, trẫm trả lại thân phận cho ngươi! Từ nay, Mạnh Kì Phong...ừm, là một nam nhân.

Lời y vừa dứt, cả triều thần đều nhốn nháo cả lên. Họ vừa nghe là gì đây? Mạnh Kì Phong không phải hoạn quan, hắn lại là nội ứng của Lê Duy Khải sao? Hắn thật lợi hại nhỉ, ở chỗ thái hậu và Vĩnh Thuận được sủng, đến Lê Duy Minh tàn bạo ngang tàng đến thế cũng sủng hắn. Bây giờ, cả tân hoàng Thành đế cũng sủng hắn? Hắn lại vẫn là một nam nhân ư?

Nguyễn Chấn, Lê Hải, Đinh Tung cùng lúc nhìn sang Anh Ngọc. Nguyễn Chấn nheo nheo đôi mắt già nua, rồi bước lên tấu:

- Khởi bẩm hoàng thượng, Mạnh quận công quả thật khổ công không ít. Có câu, có công thì thưởng, có tội thì phạt. Mạnh quận công đại nhân đại nghĩa, vì nghĩa quên mình. Thần thỉnh cầu hoàng thượng xin được đề bạt Mạnh quận công làm Trung Nghĩa hầu!

Lê Hải gằn giọng ho lên một tiếng rồi bước ra tấu:

- Bẩm hoàng thượng, Mạnh quận công quả thật có công không nhỏ nhưng y vẫn là tuổi trẻ, nhận một tước hầu quả thật không hợp qui củ. Huống hồ chi, Mạnh quận công cũng không phải khổ công. Được thịnh sủng của tiền triều thái hậu, lại là đắc tín quí mệnh của tiền quân Vĩnh Hưng. Lập được đại công lần này, cũng giống như một cái phất tay của y. Bẩm hoàng thượng, Mạnh quận công quả thật phần phước thật lớn. Nhưng một người trẻ tuổi, vận may lại quá lớn như vậy, nếu còn nhận thêm phong mệnh, chỉ sợ đắc sủng sinh kiêu, làm hỏng một nhân tài!

Đinh Tung và các đại thần cũng hòa theo tán thành với Lê Hải. Lê Duy Khải nhìn Anh Ngọc, rồi lại hỏi:

- Mạnh khanh! Lòng trung của khanh với trẫm, trẫm ghi nhận. Nhưng các vị đại thần nói cũng không phải không có lí. Khanh tuổi trẻ lại nhận quan cao hậu lộc, dễ khiến tâm sinh ra tự mãn. Như vậy đi, trẫm tạm thời không phong tước. Khanh có yêu cầu gì không, trẫm có thể ban thưởng cho khanh.

Anh Ngọc sướng rơn. Quả nhiên Lê Thành đế là ông vua tốt, rất giữ lời nha! Nàng dập đầu lạy Lê Thành đế một cái thật sâu, mặt mày vui vẻ cười đến híp mi, chắp tay nói:

- Thần cả đời này chỉ có một tâm nguyện, xin hoàng thượng thu hồi hôn ước của thần và Nguyễn Diễm Yên. Lại ban hôn cho thần cùng Đinh Mộng Khuê.

Lời nàng vừa nói ra, lập tức Nguyễn Chấn biến sắc. Cả triều thần đều bắt đầu xôn xao bàn tán. Nhưng người phản ứng dữ dội nhất không ngờ lại là đại thần nổi danh điềm tĩnh Đinh Tung. Đinh Tung bất ngờ cao giọng gằn ra từng tiếng phản đối:

- Bẩm hoàng thượng, thần không tán thành! Hoàng thượng, nữ nhi của thần dù cho phải xuất gia hay cả đời không thể xuất giá cũng không gả cho Mạnh Kì Phong. Tuyệt đối không gả cho Mạnh Kì Phong!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.