UAAG - Đội Điều Tra Tai Nạn Hàng Không

Chương 88: "Xác nhận là Rogge 318. Bắt đầu tìm kiếm hộp đen. Hết."



*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

UAAG - Đội điều tra tai nạn hàng không

Tác giả: Mạc Thần Hoan

Quyển 7: Trái tim của biển cả

Chương 88: "Xác nhận là Rogge 318. Bắt đầu tìm kiếm hộp đen. Hết."

Đa số các dự án trục vớt dưới biển là chuyên để vớt tàu đắm.

Kể từ thời đại Khám phá(1) cho tới nay, đã có vô số tàu thuyền đắm mình dưới biển cả. Ngay cả ngày nay, chuyện tàu thủy chìm cũng chẳng phải hiếm thấy. Công việc thật sự mà các công ty trục vớt thường phải làm là vớt tàu đắm, chứ không phải vớt máy bay. Tuy nhiên, máy bay và tàu thuyền không có sự khác biệt quá lớn, thậm chí đôi khi máy bay đắm còn dễ vớt hơn tàu đắm.

"Chiều dài máy bay McFly F485 là 64.1 m. Dựa theo quét hình âm học 3D bằng sóng âm sonar, chúng tôi xác định được máy bay bị gãy thành hai nửa, một đoạn ước chừng 47 m, một đoạn ước chừng 17 m. Nếu chỉ nói đến việc vớt xác máy bay 47 m từ độ sâu 33 m dưới nước thì không khó lắm, chỉ tốn thời gian và tiền bạc mà thôi." Lawrence phân tích tình hình hiện nay một cách nghiêm túc, "Nhưng vấn đề ở đây là, dưới cái vịnh này là một khu vực đá ngầm không hề nhỏ."

Lawrence chỉ vào bức ảnh đen trắng quét bởi sóng âm sonar, trưng biểu cảm nghiêm trọng.

Mọi người cũng nhìn tấm sonar kia một cách kĩ càng.

Máy bay và tàu thuyền chìm dưới biển không có nghĩa là nó chạm dưới nền đất đáy biển, mắt thường có thể thấy được. Nhiều khi, chúng đâm thẳng qua lớp bùn cát dày cộm, chìm dần xuống dưới cho đến khi bị bùn bọc cát lấp, sống trong bóng tối vô tận.

Rogge 318 cũng không phải ngoại lệ, nó nằm vùi trong lớp bùn cát đáy biển, bị đất cát tơi xốp bọc bốn phía. Song, ở phía trên như có một lớp đá ngầm khổng lồ thẳng đứng đột nhiên ngăn lại, phủ lên trên Rogge 318.

Dựa theo lẽ thường thì Rogge 318 sẽ đáp ở mặt trên, tức là nó nên đáp trên lớp đá ngầm chứ không phải lớp bùn cát dưới đá ngầm. Thế nhưng nó lại đi xuyên qua tảng đá ngầm cản bùn cát, vùi mình vào đất cát.

Chú Joseph: "Sự chuyển động của dòng biển đúng là quá đỗi kì diệu. Cho dù con người có muốn ra tay nhét chiếc máy bay khổng lồ này xuống dưới đá ngầm cũng rất khó."

Đúng vậy, con người muốn làm việc này là rất khó, nhưng thiên nhiên lại làm được.

Lawrence thở dài thườn thượt, nhìn Trác Hoàn với ánh mắt nghiêm túc: "Vì lẽ đó nên Reid ạ, chúng ta nên làm sao đây. Tôi đã chuyển hết toàn bộ các trang thiết bị trục vớt tiên tiến nhất thế giới đến đây rồi, nhưng tôi không dám đảm bảo chúng có thể có ích."

Trác Hoàn im lặng nhìn màn hình máy tính, nhìn bức hình mờ mờ và phức tạp kia. Một lát sau, hắn quay đầu nói với Lina: "Giúp anh liên lạc với Robert Gatsby, Stephen Kostin, Joanna Douglas..." Hắn nói một tràng gồm mười mấy cái tên tiếng Anh và một cái tên tiếng Trung, cuối cùng dừng lại, bổ sung thêm: "Và cả Tsuna Teiichi nữa."

Tin tức Rogge 318 lại xuất hiện vừa mới được các báo đài đưa tin là đã lan tỏa khắp toàn cầu, thu hút sự chú ý của dư luận toàn thế giới. Chỉ sau ba ngày ngắn ngủi, tại buổi họp báo đưa tin của UAAG, họ lại được thông báo một tin tức tàn nhẫn.

Rogge 318 cực kì khó vớt, e là phải mất ba tháng, nửa năm, thậm chí là lâu hơn nữa thì mới có thể vớt nó ra khỏi biển một cách trọn vẹn.

Các chuyên gia trục vớt tàu đắm và các nhà vật lý học lừng lẫy trên thế giới đều được mời đến tham gia kế hoạch trục vớt Rogge 318.

Trước mắt, dựa theo cách vớt tàu đắm thông thường thì có cách dùng phao(2), cách dùng tàu cần cẩu và cách kết hợp là chính. Trong đó, cách kết hợp áp dụng với những con tàu đắm với trọng tải lớn, chiều dài ngắn, độ chìm không sâu, vừa khéo có thể dùng để vớt Rogge 318. Nhưng vấn đề ở đây là Rogge 318 bị một vùng đá ngầm chặn lại, nếu chỉ sử dụng cách kết hợp thì rất có thể sẽ phá cả giàn khung của máy bay.

Đối với chuyện này, Trác Hoàn đưa ra quyết định thống nhất: "Sử dụng cách dùng phao."

Nếu muốn vớt Rogge 318 một cách nguyên vẹn thì nhất định phải dùng cách vớt bằng phao. Nghe cách làm thì không khó, tức là tạo một cái thùng rất lớn dưới biển, cho chứa cả xác máy bay lẫn bùn cát, đá ngầm xung quanh vào cái thùng này. Sau đó, người ta dùng gần một trăm cái móc câu trực tiếp vớt chiếc thùng này lên, kéo cả máy bay, bùn cát và đá xung quanh lên.

Nhưng vấn đề là, đó là 33 m dưới biển.

Bất cứ điều gì ngoài ý muốn cũng có thể xảy ra.

Lúc ai nấy đều bận sứt đầu mẻ trán, tìm đủ tài liệu để vớt Rogge 318 lên, thì Tô Phi đi tìm Trác Hoàn. Cậu chàng Punk trưng bản mặt nghiêm túc và nói: "Cứ vớt hộp đen lên trước cái đã."

Cậu ta dứt lời xong thì Trác Hoàn ngẩng đầu nhìn cậu ta.

Mãi sau, Trác Hoàn mới Hừ khẽ: "Ừ?"

Tô Phi nói bằng giọng nghiêm túc: "Năm 2009, máy bay Air France 447 rơi xuống Đại Tây Dương. Đến tận năm 2011, mất những hai năm sau, Cục An toàn Hàng không Pháp mới tìm thấy xác của nó dưới đáy biển sâu 3000 m. 3000 m dưới nước có nghĩa rằng cái máy bay này không thể vớt lên được, nhưng cuối cùng, họ vẫn tìm được hai hộp đen. Khi điều tra tai nạn hàng không, điều then chốt nhất là hộp đen. Phải vớt nó lên trước."

Trác Hoàn không nói gì.

Vài giây sau, cậu chàng Punk càm ràm: "Này, đang nói nghiêm túc với anh đó RIP, phản ứng hộ cái."

Trác Hoàn nhìn cậu chàng bằng ánh mắt bình tĩnh: "Cậu có biết tại sao Phục Thành không ở đây không?"

Tô Phi sửng sốt: "Sao cơ?"

Trác Hoàn: "Đã mấy ngày cậu chưa gặp em ấy rồi."

Nhờ câu nhắc nhở này mà Tô Phi mới sực nhớ: "Đúng rồi, hình như bốn, năm ngày nay tôi chẳng gặp anh Phục rồi. Anh ấy đi đâu vậy?"

Trác Hoàn ngước mắt liếc cậu ta, đoạn cụp mắt, nhìn xuống đầu ngón tay mình. Hắn xoay chiếc bút máy một cách nhẹ nhàng, nói bằng giọng điềm nhiên: "Em ấy đi vớt hộp đen cho cậu đấy."

Tô Phi: "..."

Móa?!

Tô Phi không ngờ một cựu phi công Không quân như Phục Thành lại còn có thể lặn xuống biển vớt hộp đen!

Nhưng không chỉ riêng cậu ta mà thật ra trước lần này, Phục Thành cũng không biết mình còn có khả năng đó.

Ngay từ đầu, Trác Hoàn đã nghĩ đến chuyện Tô Phi nghĩ đến.

33 m, đây là một độ sâu cực kì nhân từ.

Thợ lặn có thể lặn xuống vị trí này và tìm kiếm xác máy bay. Thế nhưng, do quanh thân Rogge 318 bị bao bởi cát nên công việc tìm kiếm này không hề thuận lợi.

Khác với đáy biển 3000 m nơi Air France 447 bị chôn vùi, một nơi con người không thể chạm tới, cuối cùng chỉ đành dùng máy móc vớt ra thì độ sâu ở vị trí Rogge 318 rơi xuống chỉ có 33 m, thợ lặn có thể trực tiếp dỡ hộp đen khỏi máy bay, thậm chí là ôm nó về.

Chuyện này không nhất thiết phải bảo Phục Thành đi huấn luyện và lặn xuống nước một chuyến.

Thế nhưng, Phục Thành lại chủ động đưa ra yêu cầu này.

Thứ nhất, anh từng là phi công Không quân, tố chất cơ thể anh thậm chí còn vượt xa nhiều thợ lặn khác, anh hoàn toàn có thể lặn xuống nước, chỉ cần được huấn luyện nhất định về việc lặn là được. Thứ hai, anh hiểu rõ về chiếc máy bay này hơn bất cứ một thợ lặn nào. Chắc chắn sự hiểu biết của anh về McFly F485 không bằng Trác Hoàn, nhưng chắc cú là sâu sắc hơn đám người bên chú Joseph và Tô Phi.

Năm năm nay, anh đã từng tìm đọc biết bao nhiêu tài liệu của McFly F485. Mỗi một mục số liệu cơ bản, kiểu mẫu tính năng của nó, những tài liệu có thể lùng sục được, anh đều lật đọc hết lần này đến lần khác trong bao đêm khuya thẳm, đọc từng con chữ một bằng cả trái tim mình.

Bởi vậy mà một tuần trước, Phục Thành đã nói với Trác Hoàn: "Nếu lúc vớt máy bay gặp phải sự cố ngoài ý muốn, phá hỏng xác, thì còn có thể phá hủy cả chứng cứ điều tra nữa."

Trác Hoàn: "Bảo thợ lặn mang máy ảnh xuống dưới nước chụp."

Phục Thành: "Đó là đáy biển, không có ánh sáng, chụp ảnh cũng khó khăn, chưa kể chắc chắn sẽ rất chậm chạp."

Trác Hoàn bình tĩnh nhìn anh, dần nhướn mày lên: "Cho nên?"

Phục Thành nhìn hắn bằng ánh mắt kiên quyết: "Em sẽ xuống. Em sẽ mang hộp đen lên, đây là chuyện đơn giản nhất. Điều thật sự quan trọng hơn cả là hãy để em đi xem chiếc máy bay này có xảy ra vấn đề nào hay không. Em sẽ là đôi mắt của anh, ngoài anh ra, ở đây không một ai nắm rõ nó hơn em. Nó khác thường ở đâu, em là người biết rõ nhất."

Do vậy, Phục Thành bắt đầu đi huấn luyện lặn. Tất cả những gì anh muốn làm không chỉ là đem hộp đen về, mà anh còn muốn tận mắt chứng kiến chiếc máy bay đắm mình dưới đáy biển này hơn cả.

Ngày 3 tháng 12 năm 2021, gió lạnh buốt xương, mùa đông ở Unalaska tới một cách đột ngột. Trong một đêm, nhiệt độ chợt giảm xuống còn 5 độ. Bên bờ biển đổ một trận tuyết, một con thuyền xuất phát từ bến tàu, nửa tiếng sau đã đến khu vực trục vớt Rogge 318.

Chiếc thuyền con đứng giữa mặt biển, nhấp nhô theo từng cơn sóng dập dờn.

Trên boong thuyền, Phục Thành mặc bồ độ lặn, lưng đeo ống thở, bình dưỡng khí khẩn cấp, đai eo. Sau khi kiểm tra xong toàn bộ thiết bị, anh liếc mắt với thợ lặn đứng cạnh.

Dưới ánh nắng xán lạn, bốn thợ lặn mặc đồ lặn với trang bị đầy đủ đội mũ lặn bảo hộ và mặt nạ. Hai chân họ dùng sức đạp mạnh lên mép thuyền rồi tung mình theo một đường cong dài trên thinh không. Giữa tiếng rung ầm ĩ của máy móc, bốn bóng người nhảy vào biển cả, dần dần lặn xuống dưới.

Nhiệm vụ lặn lần này được phụ trách bởi ngài Nikola của công ty trục vớt. Ông ta từng là một thợ lặn cực kì xuất sắc, có kinh nghiệm lặn vớt nhiều năm.

Vào khoảnh khắc nhảy vào biển, âm thanh ồn ào quanh thân chợt biến mất.

Ùm.

Cả thế giới yên tĩnh.

Phục Thành giật mình chỉ trong chớp mắt, chẳng mấy mà tiếng của ngài Nikola truyền tới từ máy truyền tin. Anh lấy lại bình tĩnh, cùng lặn xuống sâu hơn với ba thợ lặn khác.

Độ sâu 33 m là không đáng kể đối với những tay thợ lặn này. Rất nhanh sau, có lẽ chỉ đến mấy phút hoặc mười mấy phút là họ đã đi thẳng qua khu vực đá ngầm, lặn đến lớp bùn cát.

Trong bóng tối hun hút, đèn trên mũ bật sáng, rọi tỏ gương mặt của mỗi người.

Cả bốn lấy dụng cụ chuyên nghiệp ra, bắt đầu lặn sâu hơn nữa.

Họ phá lớp bùn cát mềm, không ngừng đi xuống, rồi lại đi xuống nữa.

Ở nơi biển sâu đen như hũ nút này, Phục Thành tưởng như lắng nghe thấy tiếng ai đó đang thở khẽ từ trong ống thở. Đó là tiếng thở của anh. Trong ống thở nhỏ toàn là âm thanh của anh. Không còn bất cứ một tiếng động nào khác, ngay cả ngài Nikola cũng chẳng nói câu gì qua máy truyền tin.

Đèn chiếu trên đầu chiếu đến đâu, chỗ đó bừng sáng hẳn lên.

Họ như loài cá nhái sống dưới biển sâu thăm thẳm, lặng lẽ du hành trong bóng tối nơi khiến người ta phải khó thở, lắng nghe tiếng đập thong thả nhưng đầy sức mạnh từ trái tim mình.

Trái tim Phục Thành dần đập ổn lại. Anh vẫn chưa trông thấy Rogge 318 đâu, nhưng dựa theo khoảng cách lặn thì họ đã sắp đến nơi rồi.

Mắt anh tìm tòi khắp nơi trong khoảng tối này, dường như tim anh đập nhanh hơn nữa, hô hấp dần dà dồn dập, bờ lưng cũng sượng cứng lại.

"Ha, tôi tìm được rồi. Mau qua đây."

Trong máy có tiếng gọi của một thợ lặn, Phục Thành xoay phắt đầu sang nhìn người nói kia. Đó là một người Mỹ tóc nâu, anh ta xác nhận mình đã tìm được xác máy bay, bởi vậy bèn lấy đèn pin mình mang theo bên người ra, bật lên, chiếu sang một bên.

"Hãy nhìn nó!"

Tim anh đã đập đến nhịp nhanh nhất, cơ thể anh như bị ai ra sức chiếm đoạt, hô hấp sắp dừng lại.

Phục Thành ngước đầu nhìn về phía nơi bị đèn chiếu sáng.

Dưới biển sâu u ám, nơi nước gợn dập dờn, anh trông thấy một tòa kiến trúc khổng lồ nhưng âm u đang lặng lẽ tọa lạc trên lớp bùn cát lềnh phềnh. Nó như một tòa lâu đài nguy nga, sừng sững mà đứng. Đèn pin chỉ chiếu được một góc của nó, và ở ngay rìa ánh sáng là thân hình khổng lồ chôn chân trong làn nước biển.

Một cái tên vang lên trong lòng bọn họ.

Rogge 318.

...

Ngay lúc nhìn thấy nó, Phục Thành chợt bình tĩnh lại.

Không có sự đau khổ khôn xiết như tưởng tượng, cũng không có nỗi xót xa và buồn thương như anh từng nghĩ. Anh cực kì bình tĩnh, thậm chí còn bình tĩnh hơn cả anh tưởng tượng. Anh nhìn sâu vào chiếc máy bay này, sau đó cúi đầu bật máy liên lạc, gằn từng chữ một: "Xác nhận là Rogge 318. Bắt đầu tìm kiếm hộp đen. Hết."

***

McFly F485 là một trong những máy bay chở khách thân rộng lớn nhất toàn cầu hiện nay. Nếu muốn tìm hộp đen của nó ở trên mặt đất thì chẳng khó mấy, Phục Thành chỉ cần mười phút là có thể dỡ hộp đen xuống rồi. Tuy nhiên, đây là ở dưới đáy biển.

Lùng sục suốt bốn, năm ngày liền, cuối cùng Phục Thành cũng đưa nó từ dưới biển lên.

Cuối cùng cũng hoàn thành xong nhiệm vụ của bước đầu tiên, các thợ lặn nằm trên boong thuyền, huýt sáo reo hò. Phục Thành cũng nằm trên boong thuyền lạnh căm căm, khó dằn cơn mừng rỡ trong lòng. Đến khi nghỉ ngơi cho đỡ xong, anh mới ngồi dậy, đi về phía cái hộp đen màu cam kia.

Vào giây phút này đây, Phục Thành không hề biết rằng, tại trụ sở trục vớt tạm thời xây dựng trên Unalaska có một người bạn cũ đã đặt chân tới.

Trác Hoàn đang mở cuộc họp video với đám người bên giáo sư Robert và Tsuna Teiichi thì Lina gõ cửa phòng hắn.

Trác Hoàn chau mày với vẻ mất kiên nhẫn: "Có việc gì?"

Lina nở nụ cười bất đắc dĩ: "Có lẽ anh nên đích thân ra ngoài xem thôi Reid ạ."

Trác Hoàn: "Hả?"

Lina nhún vai, đang định mở lời thì một tiếng Hừ lạnh lùng cất lên từ ngay sau lưng hắn.

Trác Hoàn sầm mặt.

Một ông già đầu bạc đi ra từ sau Lina, đẩy cửa phòng họp nhưng không bước vào mà chỉ đứng ngay cửa, nhìn học trò mình từ xa.

Thor Reina: "Reid, Rogge 318 đâu."

Trác Hoàn im ỉm nhìn ông ta. Vài giây sau, hắn mới ngả người ra ghế tựa, nhếch miệng cười: "Dưới biển chứ sao."

Ngài Reina lia mắt nhìn hắn với vẻ lạnh tanh, giọng nói đầy lạnh lùng và uy nghiêm: "Chúng ta muốn nó."

*Tác giả:

(Cắn hạt dưa) Có ai đoán ra nguyên nhân tai nạn chưa nào?

*Đôi lời từ Dú: Không tính là spoil đâu nhỉ. Là một người đọc raw trước, cá nhân tôi cho-là việc chị Mạc đưa các nguyên nhân từ các vụ án trước ra là để độc giả làm quen dần và đoán dần cho đỡ bỡ ngỡ với vụ cuối đó ;)

*Chú thích:

(1) Thời đại Khám phá: Hay còn gọi là Thời đại Khai phá là cách gọi thông thường về những khám phá địa lý đạt được trong khoảng giữa thế kỷ XV và thế kỷ XVI, đặc biệt là sự kiện: dong thuyền vượt Mũi Hảo Vọng của Bartolomeu Diaz vào năm 1488, Cristoforo Colombo phát hiện châu Mỹ vào năm 1492, rồi sau đó là công cuộc thuọc địa hóa nó, hành trình của Vasco da Gama đến Ấn Độ vào năm 1498 và hành trình vòng quanh Trái Đất của Fernão de Magalhães giữa những năm 1519-1522. Những cột mốc lịch sử này đã tiên phong cho một loạt các cuộc thám hiểm sau đó, để rồi mở mang thêm cái gọi là chân trời địa lý của châu Âu.

(2) Bài tham khảo cách trục vớt tàu Xátkô của các kĩ sư người Nga đắm ở Bắc Hải năm 1916. Ảnh dưới là sơ đồ trục vớt.



Kỹ thuật trục tàu hoàn toàn dựa vào ứng dụng nguyên lý acsimet. Ở đáy biển phía dưới thân tàu, các thợ lặn đào 12 cái rãnh, qua mỗi rãnh lồng một đai thép vững chắc. Hai đầu những đai thép này gắn chặt vào những phao được dìm bên cạnh tàu phá băng. Toàn bộ công việc đều thực hiện ở độ sâu 25 m dưới mặt biển. Phao là những thùng hình trụ rỗng hoàn toàn bịt kín, dài 11 m, đường kính 5,5 m. Thùng sắt không có khối lượng 50 tấn. Theo quy tắc hình học, có thể tính được ngay thể tích của nó gần 250 m3. Rõ ràng là những thùng không như vậy nhất định nổi trên mặt nước, vì nó chiếm chỗ của một lượng nước nặng 2.500.000 N, mà bản thân lại chỉ nặng 500.000 N. Trọng tải của thùng sẽ bằng hiệu số giữa 2.500.000 và 500.000, nghĩa là 2.000.000 N. Muốn dìm phao xuống đáy biển thì phải cho đầy nước vào trong đó.

Khi hai đầu của những đai thép đã gắn chặt vào những phao chìm xuống đáy biển rồi, người ta bơm không khí nén qua ống cao su mềm vào trong thùng. Ở độ sâu 25 m, nước ép với áp suất bằng 3,5 atm. Nhưng không khí được đẩy vào thùng dưới áp suất gần 4 atm, do đó nó đẩy được nước ra khỏi phao. Sau khi các thùng nhẹ đi thì nước ở xung quanh đẩy chúng lên mặt biển bằng một lực rất lớn. Chúng nổi lên ở trong nước cũng giống như khí cầu nổi lên trong không khí vậy. Nếu dồn toàn bộ nước trong tất cả các thùng ra ngoài thì sức nâng tổng cộng của các thùng ấy là 2.000.000 N x 12, tức là 24.000.000 N. Sức nâng ấy lớn hơn trọng lượng của tàu Xátkô bị đắm nhiều. Bởi vậy, để cho tàu được trục lên từ từ, thường người ta chỉ dồn một phần nước ở trong thùng ra ngoài mà thôi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.