Ung Châu Tàng Cốc

Chương 7: Bốn xác mất hai



*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Tiếng ngáy trong lều không thể át đi tiếng côn trùng ban đêm, thi thoảng có tiếng cú mèo và một số loài chim lạ tôi chưa từng nghe kêu vang vọng đại ngàn, chuyến đi này không những không vui vẻ như đã tưởng tượng mà còn thập phần nguy hiểm. Tôi quơ quơ tay vào đống lửa, xoa xoa vào nhau rồi áp lên má cho ấm. An vẫn ngồi im, đầu hơi cúi xuống, mắt nhìn xa xăm suy tư, được dịp tôi ngắm cô ấy kỹ hơn. Con gái đẹp không phải là tôi chưa từng thấy, nhưng An có nét gì đó cuốn hút lạ kỳ. Đặc biệt là đôi mắt xanh long lanh ấy. Chợt thấy An ngẩng lên, tôi ngại quá ngó lơ đi chỗ khác, lấy tay bỏ thêm củi vào, rồi giả vờ hỏi chuyện cho đỡ buồn ngủ:

- Sao? Cảm giác giết một mạng người không vui vẻ gì phải không?

An cười dịu dàng, gật gật đầu đồng ý, trả lời:

- Vâng...

- Tôi cũng không ngờ cô bắn súng giỏi như thế, mà sao cô mang theo súng lại không nói cho bọn tôi biết trước?

- Tại em thấy cũng không cần thiết, và còn không nghĩ là sẽ cần dùng đến súng đạn làm gì. Hồi còn ở Tây, ba em thường xuyên làm việc chung với các tổ chức quân đội, chính phủ nên em hay đi theo và được học, những chuyện như vậy bên Tây xem là bình thường thôi anh. Còn anh với anh Lủ cũng giỏi quá ha!

Nghe An khen, tôi cũng phổng mũi, tỏ vẻ khiêm nhường:

- Uh, do ở nhà thầy cũng có dạy bọn tôi chút võ nghệ để phòng thân và khỏe mạnh. Phải rồi, sao khẩu súng của cô nhìn khác với của bọn thổ phỉ thế? - Nói đoạn tôi lấy cây súng dắt ở sau lưng đưa ra, lúc dọn thi thể bọn chúng, Lủ lấy một cây, cây còn lại đưa tôi, nó bảo để thủ thân, nhỡ đâu cần dùng đến.

An đưa tay lấy cây súng của tôi, cầm lên nhìn một lúc rồi nói:

- Đây là súng Mauser C96, còn được gọi là Pạc Họoc, loại súng này trước đây có hồng quân Liên Xô sử dụng nhiều trong cuộc nội chiến. Sau này Trung Quốc được viện trợ hoặc là nhập thêm, cá biệt có một số mẫu do Trung Quốc tự học theo và sản xuất lại, do máy móc tồi, làm thủ công nhiều nên rất hay hóc, trái hẳn với nguyên bản. Nó lai giữa súng trường và súng ngắn, nên nặng, khó cầm, tốc độ bắn cũng chậm.



Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Như chạm phải sở thích, An quên hết những chuyện vừa xảy ra, tiếp tục lấy khẩu súng của cô ấy để tôi xem rồi nói tiếp:

- Đây anh xem, khẩu súng này của em là loại mới hơn, kết cấu cũng khác, dùng cơ chế bắn bán tự động. Dòng súng này chưa nhiều người có đâu anh, sử dụng rất tốt đấy.

Tổ nhìn khẩu súng của An, nó màu đen hoàn toàn, trông có vẻ nguy hiểm hơn rất nhiều. An giải thích thêm:

- Đây là mẫu súng ngắn M1911 của nước Mỹ, là trang bị tiêu chuẩn của quân đội Mỹ từ năm 1911, được sử dụng trong các lực lượng đặc nhiệm, tinh nhuệ của Hải quân và Thủy quân lục chiến. Vì em rất thích súng, nên ba đã tìm cách mua cho em. Nếu anh thích sau này em sẽ nhờ ba em cho. - An nhiệt tình.

- Uh, tôi không cần đâu, mấy thứ này ít phải dùng đến thì tốt hơn cả.- Sợ An tiếp tục nói về súng đạn sẽ không may, tôi liền đổi chủ đề:

- Chuyến đi này theo cô có bao nhiêu phần trăm chắc chắn?

An trả lời:

- Về kho tàng hả anh? Em cũng không rõ lắm đâu, ba em xem việc nghiên cứu văn hóa lịch sử là sứ mệnh, cho nên việc tìm kho tàng không phải là mục đích chính, mà ông muốn chứng minh lại những ghi chép về lịch sử dân tộc Việt Nam thôi. Chỉ cần tìm thấy những dấu hiệu rõ ràng thì có thể gọi là thành công rồi, không nhất thiết cứ phải tìm được vàng bạc gì đâu. Anh có biết lịch sử nguồn gốc kho tàng này không?

- Hôm trước tôi có nghe giáo sư nói qua, có liên quan đến cuộc chiến tranh với nhà Tống phải không?

- Vâng, chính xác là cuộc chiến tranh biên giới Lý-Tống gần một nghìn năm trước, khoảng 1075-1076. Đây là cuộc chiến oanh liệt đi vào lịch sử, được ghi chép lại rất cụ thể rõ ràng. Lý Thường Kiệt lấy công làm thủ, huy động hơn 10 vạn quân sang đánh phá căn cứ Ung Châu của nhà Tống, bao gồm cả lực lượng chính quy của triều đình lẫn quân của các thủ lĩnh dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc. Sau khi đánh phá các châu Khâm, Liêm các cánh quân Đại Việt tập trung lại để công phá thành Ung Châu. Cuộc công thành diễn ra suốt bốn mươi hai ngày với chiến thắng cho quân Đại Việt. Khi Ung Châu thất thủ quân Đại Việt giết hết dân trong thành, tổng cộng 5 vạn người. Lý Thường Kiệt ra lệnh tiêu hủy thành lũy, phá kho tàng dự trữ trong vùng Tả Giang và lấy đá lấp sông chặn đường cứu viện của quân Tống. Vì biết không thể nào ở lại giữ thành nên phía Đại Việt phải rút lui, mang theo kho tàng lớn của nhà Tống. Sử sách thì chép lại là để rút quân nhanh, Lý Thường Kiệt đã cho hủy kho tàng, nhưng nếu Tàng Cốc là có thật, thì đây chính là một phát hiện mang tính lịch sử vô cùng to lớn.

Tôi tập trung nghe câu chuyện lịch sử An kể mà cảm thấy hùng tráng vô cùng. Hóa ra để giữ vũng được bờ cõi Việt Nam hôm nay, ông cha đã đổ xuống không biết nhiêu xương máu. Lúc ấy tôi suy nghĩ đơn giản, quyết tâm phải tìm được Tàng Cốc, đem của cải về cho đất nước. Xong lại giật mình nghĩ đến thằng Lủ, xưa kia là tổ tiên mình và tổ tiên nó đánh lộn với nhau. Giờ kho tàng tìm được chắc nó sẽ bắt chia đôi không chừng. Vừa nghĩ vừa cười một mình, An thắc mắc, không biết vì sao nghe chuyện lịch sử như thế lại có thể ngồi cười vô tư như tôi, hết cách tôi ậm ừ cho qua chuyện:

- Không có, không có gì đâu, tôi nghĩ vu vơ thôi. À để tôi gọi A Lủ, A Lang dậy, đổi ca cho tôi với cô ngủ thôi.

Rồi không chờ An phản ứng, tôi chạy vào đá thằng Lủ và gọi A Lang dậy, riêng giáo sư vì ông có tuổi nên vẫn để ông nghỉ ngơi. An cũng theo vào, ca trực hoàn tất không có bất kỳ vấn đề gì xảy ra, tôi yên tâm nhắm mắt ngủ. Đang say giấc, tôi nhìn thấy có những bóng người vây kín khu trại, chĩa súng vào chúng tôi quát mắng om sòm bằng thứ tiếng kỳ lạ và khó hiểu, chúng bắn như điên dại vào chúng tôi, máu me văng tung tóe. Tôi vùng vẫy trong vô vọng, giật mình ngồi phắt dậy, hóa ra chỉ là ác mộng thôi. Vì gặp phải chuyện đêm qua mà thần hồn nát thần tính, mơ ngủ mồ hôi toát ra ướt hết người thật mất mặt. Lúc này trời đã mờ sáng, mọi người cũng thức hết rồi, tôi không nằm nữa mà bật dậy, ra suối rửa mặt rồi về ngồi với cả đoàn ở đống lửa. Thấy thằng Lủ đang cầm cái nanh heo đã được cột vào đoạn dây dù để đeo vào cổ, nó ném cho tôi:

- Cho mày này, đeo vào nhìn cho oách.

Tôi không cảm ơn, đeo luôn vào rồi nhìn cái nanh lúc này đã được sơ chế bằng lửa. Chắc A Lang chỉ cho nó. Nó cũng móc trong ngực ra một cái, dứ dứ đưa qua đưa lại, khoái chí cười hô hô, điệu cười như bọn thổ phỉ. Mà nhắc đến thổ phỉ, tôi nhớ lại giấc mơ lúc nãy, liền bảo:

- Hay ra xem chỗ bọn thổ phỉ hôm qua, rồi đào cái huyệt chôn xuống đi, dù gì người cũng đã chết, nghĩa tử nghĩa tận...

- Mày lại mua việc à, nếu hôm qua bọn nó bắn mày chết, chắc nó có chôn mày? Hô hô, thôi đi, thôi đi.

- Tao thì sao mà chết kiểu đó được, nghe tao đi, xem như làm một việc tốt Mập ơi.

Thấy tối cứ nài nỉ, nó cũng phải đồng ý chiều theo tôi, cả A Lang nữa, ba người chúng tôi cùng đi, giáo sư Minh và An ở lại thu dọn trại. Vừa đi tôi vừa lấy khẩu Pạc Họoc ra hỏi nó:

- Mày biết đây là súng gì không?- Tôi cười thầm, thằng này đời nào biết được, phen này cho nó lác mắt ra chơi.

- Mauser C96, còn được gọi là Pạc Họoc, loại súng này...- Nó trả lời trôi chảy.

- Thôi im đi, mày cũng khoe cho An xem rồi à?

- Hô hô! Định lòe ông à?

Thật mất hứng, nhìn cái bản mặt nó vênh vênh lên tôi tức không chịu được. Đang để ý nó, chợt thấy nó và A Lang dừng phắt lại, mặt mũi nghệch ra vẻ khó hiểu, miệng thì há hốc tròn vo. A Lủ chỉ tay về phía chỗ mấy cái xác, miệng lắp bắp:

- Mất...mất...mất mẹ hai...hai ông phỉ rồi.

Tôi hoảng hồn quay ra nhìn, thiếu mất hai cái xác thật. Như chưa tin vào mắt mình cả ba người cùng lao đến. Hôm nay mùi con heo rừng đã bớt hôi thối, tuy nhiên chúng tôi vẫn phải bịt mũi lại. Hai cái xác tựa như bốc hơi, không để lại một dấu vết gì. Thật tà môn. A Lang nhìn ngó chung quanh thật kỷ một lúc lâu, lắc đầu nói:

- Không có dấu vết gì cả, là thú rừng tha đi hay chúng chưa chết đứng dậy lết đi cũng đều không có khả năng.

Sớm đã biết mọi chuyện không đơn giản như vậy rồi, tôi bảo A Lủ chạy về phụ dọn trại cấp tốc với giáo sư và An, đoạn bất lực cùng A Lang đào một cái hố nông, kéo xác hai tên thổ phỉ xuống rồi vội lấp lại. Khi quay về trại, mọi người cũng đã dọn dẹp xong. Trao đổi sơ qua với giáo sư về tình hình vừa xảy ra nhưng ông cũng lắc đầu không đưa ra được bất cứ ý kiến nào. Ai cũng quả quyết rằng bọn chúng đã chết, không thể nào sống sót được sau vụ va chạm đêm qua. Cả đoàn đành cùng thống nhất tiếp tục khởi hành, tìm đến hang động giáo sư đã thám hiểm trước rồi tính tiếp, chỗ này không nên ở lại lâu nữa.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.