Trong cùng một trấn nhưng bởi vì đường xa, sức khỏe lại vốn yếu nên Tuyết Hồ chưa từng một lần được đặt chân tới nơi này.
Xe ngựa đưa bọn họ dừng lại trước cửa một quán trọ cao rộng rãi. Vừa bước xuống xe, hương vị se mặn của biển đã thổi lan vào da thịt, hơi lạnh nồng thổi tung mái tóc rồi từ từ dính lại, bởi cát và muối mang theo mà khiến những sợi tóc mượt cũng bết lại.
Mặt tiền của quán trọ quay ra biển, Tuyết Hồ ngạc nhiên sững người trước cảnh tượng vô cùng bao la hùng vĩ trước mắt này.
Mặt biển rộng giao tới tận chân trời, đường bờ biển uốn lượn kéo dài, cho tới khi khuất hẳn sau một mỏm đá nhô ra nơi gấp khúc. Trời buổi chiều gió lộng, mặt nước xanh trong vắt gợn lên thành từng cơn sóng nhấp nhô, ngả vào nhau thành một lớp bọt trắng xóa ở điểm nối liền với bờ cát. Bãi cát rộng, chạy dài tới trước mặt. Lớp cát mịn, trắng đều như bột mì.
Tuyết Hồ nóng lòng vội vã bỏ mặc mọi người sau lưng, một mạch chạy tới bước qua một bậc nền đất để dẵm chân xuống cát. Mặt chân nhè nhẹ lún xuống cho tới khi cát vừa chạm tới hai bên viền giầy vải thì dừng lại. Cảm giác lạo xạo dưới chân khiến lòng nàng vui thích, trong đầu đột nhiên nảy ra ý định muốn trực tiếp cởi giầy, chân trần dẵm trên cát.
Con người Tuyết Hồ từ trước tới giờ vẫn vậy, nghĩ nhanh hơn làm. Bởi vậy trong lúc ba người trong nhà cùng với con rể tương lai còn đang bận rộn với chủ quán trọ, nàng đã một tay xách đôi giầy vải, một tay nhấc bên mép váy, nhón chân tiến dần về phía biển. Những điều con gái cần làm để trở thành thục nữ mà bấy lâu bà Thị Giang khổ công dạy dỗ đều sớm bị quên lãng, bỏ lại một góc xa nào đó chẳng ai tìm được.
Quả thực, cảm giác bàn chân lún xuống, được cát nóng ấm bao phủ vừa mềm mại vừa dễ chịu thích thú vô cùng. Tuyết Hồ chưa bao giờ được biết, chân trần đi trên bờ cát lại là việc khiến con người ta sảng khoái như vậy. Thế mới nói cái gì lần đầu tiên cũng sẽ đều khiến con người ta nhớ mãi không quên. Được ngắm biển, được nghịch cát, hay cả được rung động, một chuyến đi nhiều cái đầu tiên như vậy, làm sao trách được cả cuộc đời ngắn ngủi này nàng mãi mãi không bao giờ quên…
Ngồi một mình trên cát trắng, hai đầu gối co lại trước ngực, cánh tay vòng ra phía trước cuộn lấy đầu gối, lẳng lặng ngắm nhìn mặt trời đỏ hỏn như lòng trứng từ từ trôi xuống dưới, bị mặt ngăn cách với nước biển dần dần nuốt trọn, trong lòng Tuyết Hồ cảm thấy dâng lên một chút trống trải.
Liệu mình cũng giống như mặt trời kia sao? Cho tới lúc lìa xa cũng chỉ có một mình, lặng lẽ trôi tới một góc khuất chẳng ai nhìn thấy. Nhưng nói như vậy hình như vẫn rất khập khiễng. Nếu thực sự nàng giống như mặt trời, được tỏa sáng, được muôn người chiêm ngưỡng, cho dù cô độc một chút cũng đã quá thỏa mãn rồi. Nếu so được với vầng mặt trời ấy, có lẽ hạnh phúc trong cuộc đời của nàng còn giống hơn rất nhiều. Rực rỡ, chói mắt không cách nào nhìn cho rõ ràng. Thế nhưng vào thời điểm cuối cùng cũng là duy nhất thật rõ ràng thì bàng hoàng nhận ra. Đẹp như vậy, tròn trịa như vậy, nhưng cho dù nhìn rõ thì cũng chỉ là một thứ ở tít phía xa, với cách nào cũng chẳng tới nổi.
Vốn dĩ là đem theo tâm trạng vui vẻ mà ra ngắm biển, ngắm trời. Thế nhưng lúc về lại là bộ dáng thất thểu, ngẩn ngơ suy nghĩ gì chẳng rõ. Tuyết Hồ giống như du hồn lặng lẽ chẳng tiếng động trở về quán trọ, lúc đi qua đại sảnh loáng thoáng có thấy vài bóng người, hình như còn thì thầm chỉ trỏ gì đó. Nhưng nàng trước giờ đã bao giờ để ý nhiều như vậy, mặc kệ mọi người bước lên tầng, cho tới khi đột ngột dừng lại ở đầu cầu thang, bàng hoàng phát hiện ra vốn dĩ chẳng biết nơi nào phải đến.
Ai, vì sao lúc trước lại một mình chạy ra ngoài làm gì? Thế nhưng mọi người tại sao cũng chẳng ai nhắc nhở chủ quán giúp nàng?…
Tuyết Hồ suy nghĩ trong thoáng chốc, tay vẫn cầm giầy định quay người xuống sảnh đã bị một người gọi giật lại:
- Tuyết Nhỏ!
Nàng bình tĩnh xoay người lại nơi vừa phát ra tiếng, trong lòng âm thầm cảm thán. Xưng hô cũng thân mật quá, kiểu này Tuyết Lớn nhà nàng chắc chẳng đợi được đến năm sau đã phải gả đi mất rồi!
Người kia thấy nàng, tươi cười tiến lại:
- Em đi đâu về muộn thế? Mọi người đi nghỉ rồi, đợi lát nữa xuống phòng bếp dùng cơm nhé!
Hắn vừa nói, tầm mắt vừa dừng lại ở tay đang xách giầy của nàng, bất giác mày nhíu lại. Tuyết Hồ không để ý mấy, thuận miệng hỏi. Tính ra đây mới là lần đầu tiên chính thức nói chuyện với hắn đi.
- Phòng của tôi ở đâu vậy?
Phạm Kiên đối với cách xưng hô của nàng như vậy không có phản ứng gì, tầm mắt nhất thời vừa xao lãng lại tập trung nhìn về phía nàng, khuôn mặt vẫn giữ nguyên vẻ thân thiện niềm nở, bàn tay chỉ về một nơi đằng sau lưng Tuyết Hồ.
- Phòng em ở phía kia, đều đã chuẩn bị gọn gàng rồi.
Dừng một lát, ánh mắt nhìn lướt qua Tuyết Hồ một lượt, dặn dò:
- Nếu như cần gì cứ gọi người làm ở dưới một tiếng, sẽ có người chuẩn bị cho.
Nói lời đi qua nàng thẳng xuống dưới tầng, ở phía chân cầu thang lại rẽ sang phải, Tuyết Hồ thầm đoán là hắn đi tới nhà ăn. Chu đáo tỉ mỉ như vậy, cha mẹ nàng quả nhiên có con mắt nhìn người.
Tuyết Hồ nhìn cánh cửa phòng đóng tối om, chẹp miệng một tiếng bước lại. Không ngờ lúc vừa đi qua một cánh cửa phòng sáng đèn khác đột nhiên có người mở cửa bước ra. Người đó chẳng ai khác chính là một phụ nữ trung niên ăn mặc sang trọng với khuôn mặt đẹp động lòng người – mẹ nàng.
Tuyết Hồ vốn không muốn tránh, thế nhưng dù sao thì không gặp vẫn tốt hơn gặp. Nhìn xem, lúc này nàng đang phải hứng chịu ánh mắt gì!
Bà Thị Giang đột ngột đánh mất vẻ đoan trang thường ngày, ánh mắt giận dữ nhìn về phía cô con gái nhỏ tay xách giầy, chân đi đất trước mặt. Trong giọng nói còn mang theo tức giận thấy rõ:
- Tuyết Hồ, sao con lại thế này?
Ngay sau đó cha nàng cũng xuất hiện ở cửa. Tuyết Hồ ôm trán thở dài, đứng im một chỗ chờ hình phạt từ phía cha.
Quả nhiên ông vừa thấy nàng đã nhíu mày lắc đầu, giọng nghiêm khắc:
- Không phải ở nhà cha đã dặn rồi sao? Thế mà bây giờ vẫn cố tình thế này. Phạt con tối nay ở trong phòng, không được ra ngoài chơi nữa.
Tuyết Hồ phụng phịu dạ nhỏ một tiếng, chờ đợi cái phất tay áo của cha để trở về phòng. Tâm tình vốn đang chẳng tốt đẹp gì càng trở nên tệ hơn. Nàng đóng cửa, đốt ngọn nến đặt trên bàn nước, nhìn khắp phòng một lượt. Sau lại tự nhìn nhìn người mình, thôi rửa chân là được, tắm làm gì cho mệt người.
Lời nói của Đặng Nguyên từ trước tới giờ vẫn luôn rất có trọng lượng. Quả nhiên sau bữa cơm mọi người ngồi uống trà nghỉ ngơi một lát rồi chuẩn bị đi dạo phố, chỉ có Tuyết Hồ bị đuổi trở lại phòng, ấm ức không nói được lời nào.
Phạm Kiên rất có phong độ mà đỡ lời với cha mẹ nàng. Thế nhưng thái độ của Đặng Nguyên vẫn rất cứng rắn, rất rõ ràng. Nói con gái lớn phải dạy dỗ nghiêm khắc, không được nuông chiều sinh hư hỏng.
Trong lòng Tuyết Hồ thừa hiểu được, cha nàng ngày hôm nay không tới nỗi tức giận như vậy nhưng vẫn cố tình nặng tay với nàng. Xét cho cùng, đây chỉ là một cách thể hiện gia quy của cha nàng mà thôi. Trước mặt con rể tương lai cố tình tỏ vẻ nghiêm khắc lại tôn trọng phép tắc, chẳng qua để chứng minh cho hắn thấy, chứng minh cho tất cả mọi người thấy con gái nhà ông là người được dạy dỗ đàng hoàng cẩn thận, là một cô gái ngoan ngoãn dịu dàng lại thấu hiểu đạo lí.
Trong phòng tương đối kín, nhưng chắc bởi vì gió bên ngoài hơi lớn nên vẫn lọt qua lớp giấy dán cửa mỏng manh, thổi vào phòng làm ngọn lửa lung lay bất chợt. Nàng xoay người nhìn bóng mình đổ dài trên cánh cửa, giơ hai bàn tay làm thành mấy hình thù kì quái. Trò này ngày trước còn nhỏ có thấy bọn trẻ con gần nhà chơi qua, bởi vì chỉ đứng từ một góc xa nhìn lại nên thấy không được rõ, lớn lên không chơi quên dần nên giờ cũng chỉ làm thành được những hình thù không rõ ràng.
Nhưng trò này cho dù chơi vui tới đâu thì chơi lâu cũng chán. Tuyết Hồ lại ngẩn ngơ chống tay lên cằm nghĩ ngợi. Lần đầu tiên tới biển chơi mà lại thui thủi ở quán trọ như vậy sao, thật đáng tiếc! Cũng chẳng biết còn dịp nào có thể đi được, nhỡ như sau này ốm đau, hay nhỡ như…
Tuyết Hồ lắc lắc đầu, từ từ chuyển suy nghĩ sang vấn đề khác. Rốt cuộc là nên đi hay không đây?
Đắn đo suy nghĩ hết nửa ngày, nàng rốt cuộc thổi tắt ngọn nến đang lung lay trên mặt bàn, kéo cánh cửa gỗ dán giấy mỏng ngang nhiên chui ra ngoài. Nàng không tin cha còn có đủ thời gian và tâm trí để dặn dò người trong quán trọ để mắt trông coi nàng.
Tuyết Hồ đứng hồi lâu trước cửa quán trọ, cẩn thận đưa mắt quan sát khắp xung quanh một lượt để nhớ kĩ từng chi tiết. Nàng trước giờ ít khi đi ra ngoài, mỗi lần nếu đi đâu xa thì đều có người dẫn đường. Bởi vậy mà bản thân chẳng thể chắc chắn được liệu tối ngày hôm nay một mình ra phố chơi ở một nơi lạ lẫm như thế này có nguy cơ lạc đường hay không. Người ta vẫn nói phòng hơn chống, cẩn thận một chút chẳng qua mất thêm tí chút thời gian nhưng độ đảm bảo thì cao hơn nhiều. Chỉ sợ tới lúc đó đã mang tội trốn nhà đi chơi lại còn vác thêm cả nỗi xấu hổ vì không nhớ đường về thì không còn lỗ nào để mà chui nữa.
Đợi tới lúc cảm thấy đã nhớ kĩ lắm, Tuyết Hồ mới thả bước đi xuống đường cái, hòa vào dòng người không quá tấp nập nhưng cũng đủ đông vui này.
Quán trọ mà nhà nàng thuê quả thực nằm ở một vị trí rất đẹp. Mặt tiền hướng ra biển chưa nói, ngay cả chợ đêm cũng mở ngay trên con phố đó. Tuyết Hồ cảm thấy, quyết định trốn nhà đi chơi lần này quả nhiên rất đúng đắn, nếu như khi về tới nhà rồi mà biết được cảnh tượng đông vui náo nhiệt như thế này nhất định sẽ rất tiếc nuối!
Nơi này ở ngoại ô trấn Đông Hồ, có lẽ danh tiếng nhà họ Đặng và nàng hẳn bọn họ cũng biết. Nhưng cách trở về địa lí, đa phần bọn họ đều không biết mặt nàng. Bây giờ nàng ăn mặc rất đỗi bình thường lại lang thang đi một mình, chẳng ai ngờ tới cũng chẳng ai nhận ra. Có lẽ đây sẽ là chuyến đi chơi thuận lợi nhất chưa từng có.
Thế nhưng đó lại chỉ là đánh giá cá nhân đầy chủ quan của nàng mà thôi. Ba mươi chưa phải là tết, người xưa nói đều chẳng sai. Mọi việc hãy còn đang chờ đợi Tuyết Hồ ở phía trước…
***
Mặc dù chưa được tận mắt nhìn thấy kinh thành lần nào nhưng Tuyết Hồ nghĩ, khung cảnh buôn bán tấp nập thế này chắc so với kinh thành cũng chẳng kém là bao. Là một chợ đêm vùng biển, nếu đem so với chợ đêm nơi nàng ở có lẽ ít hơn những món ăn, đồ chơi làm từ lúa gạo như bánh trôi, bánh đúc hay tò he… Thế nhưng lại nhiều hơn rất nhiều những món đồ mang đậm hương vị của biển cả.
Tuyết Hồ đứng trước một quầy xiên mực nướng. Mùi biển tanh nồng cùng với vị muối mằn mặn lẫn vào làn hương khói than được tay người bán quạt ra đều đều. Chiếc quạt mo cau chỉ lớn ngang một mặt đĩa, quạt lửa lên lên xuống xuống theo nhịp, thổi khói bay thành từng làn trắng mà người ta có thể nhìn được rất rõ ràng dưới ánh sáng đỏ hơi khuất của đèn treo trên tầng hai của một quán trà nước phía đối diện.
Đứng bên cạnh nàng còn có một cô bé chừng bốn năm tuổi đang nắm tay mẹ, hai mắt nhìn chằm chằm con mực trên xiên nướng được quét gia vị đã chuyển sang màu vàng ươm, thỉnh thoảng còn phát ra mấy tiếng xèo xèo lách tách do chạm lửa, mùi thơm phức vẫn đang tỏa ra ngào ngạt.
Nàng thò tay lần lục trong người, vốn dĩ không có thói quen đem theo tiền ra khỏi nhà, bởi vì từ trước tới giờ đã tập thành nếp chẳng mua bán gì bên ngoài. Không nghĩ tới vào một ngày trăng thanh gió mát như hôm nay lại có dịp muốn dùng tới.
Lục lọi mãi cuối cùng cũng lôi ra được mấy đồng tiền nhỏ. Tuyết Hồ đếm đếm trong tay một hồi rồi háo hức hỏi chủ quán:
- Chị ơi, bao nhiêu một xiên vậy?
Người đang luôn tay quạt bếp chẳng buồn ngẩng đầu đọc ra một loạt các loại con số khiến Tuyết Hồ hoa mắt choáng váng. Nàng đen mặt đếm lại số tiền trong tay, hơi ngẩn người suy nghĩ chốc lát. Cuối cùng quan sát thật kĩ càng các loại xiên nướng trên giá, buồn bã đưa ra toàn bộ số tiền nhỏ giọng:
- Vậy cho em một xiên râu mực này đi!
Hu hu, ngần ấy tiền cũng chỉ đủ mua một xiên râu mực mà thôi!
Người bán hàng lúc ấy mới chịu ngẩng đầu nhìn nàng, trong ánh mắt thoáng qua một tia kì lạ rồi rất nhanh chóng giao hàng nhận tiền.
Tuyết Hồ nâng niu xiên mực đắt đỏ trong tay. Trước giờ chưa có người dạy cho nàng rằng, ở chợ đêm nhất định phải mặc cả, hơn nữa chỉ được trả giá một nửa mà thôi!
Vốn dĩ đã vui vẻ đem mực nướng lên tới gần miệng rồi, bàn tay Tuyết Hồ lại bất chợt khựng lại. Nàng nhận ra bé gái đứng bên cạnh lúc trước bây giờ đang nhìn về phía nàng chăm chú, hơn nữa còn là nhìn vào xiên mực còn đang tỏa khói nghi ngút trong tay, ánh nhìn rất mãnh liệt.
Tuyết Hồ ngẩn người.
Mẹ cô bé nhận ra tầm mắt không đúng chỗ của con gái, cúi đầu cười ngượng một tiếng rồi nắm tay con quay người định đi thẳng. Cô bé dường như còn lưu luyến, ánh mắt vẫn dừng lại vỉ nướng của chủ hàng một lần cuối trước khi theo chân mẹ rời đi.
Tuyết Hồ không để ý lắm, chỉ nghe loáng thoáng có giọng nói của người bán hàng:
- Không có tiền còn đứng rõ lâu. Cứ làm như ngắm thì ra được thịt mà ăn ấy!
Nàng vẫn mải miết nhìn theo bóng dáng bé gái đang chuẩn bị khuất hẳn trong dòng người. Trong lòng khẽ động, một hình ảnh mờ nhạt nào đó trong quá khứ xẹt một tiếng trôi qua trí óc. Bằng tốc độ còn nhanh hơn cả suy nghĩ, Tuyết Hồ vội vã chạy đuổi theo. Bọn họ đi chưa xa, chỉ qua năm sáu bước đã có thể đuổi kịp.
- Này!
Tuyết Hồ kéo tay đứa trẻ, nhanh nhẹn dúi vào tay nó xiên mực nướng vẫn còn nóng hổi, mỉm cười:
- Em ăn đi cho nóng!
Đứa trẻ có lẽ theo phản xạ nắm lấy xiên mực vừa được đưa vào tay, ngẩng đầu nhìn nàng, sau lại ngập ngừng nhìn về phía mẹ. Người phụ nữ trẻ nhíu mày chứng kiến việc vừa đột ngột xảy ra, còn chưa kịp có phản ứng gì. Trước ánh mắt nửa sợ hãi, nửa nài nỉ của con gái thì ngẩng đầu lên nhìn Tuyết Hồ đắn đo, lời còn chưa kịp ra khỏi miệng đã bị nàng chặn lại:
- Đừng ngại, chỉ là một xiên mực nướng thôi mà!
Tuyết Hồ vừa nói vừa xua tay xong xoay người chạy mất. Nàng sợ rằng người ta sẽ vì ngượng ngùng mà trả lại. Thế nhưng nàng không muốn điều đó. Mong muốn của nàng trước giờ đều bị người ta khước từ, chẳng lẽ ngay cả lòng tốt trong thoáng chốc như vậy cũng không thể cho đi hay sao?
Tuyết Hồ đứng dưới một gốc bằng lăng già bên lề đường, trong bóng tối âm thầm giơ tay xoa xoa bụng. Chỉ có chút ít tiền ấy thôi đều đã tiêu hết, bây giờ đi dạo phố tiếp e rằng chỉ chuốc thêm thèm khát, khổ sở vào thân.
Nhưng cứ hễ nhớ đến ánh mắt của bé gái khi đó, trong lòng nàng lại thoảng qua một tia xót xa mơ hồ. Trong đôi mắt trong trẻo ấy, trong dáng dấp nhỏ bé ngây thơ ấy, nàng nhìn thấy một người khác, trong bất chợt bắt gặp một người bạn thân thiết đã lâu rồi không nhớ ra.
Khát khao của trẻ con vốn dĩ là thứ thuần khiết nhất, mãnh liệt nhất và đẹp đẽ nhất trên đời.
Lúc nhỏ những đứa trẻ khác thường khao khát điều gì? Điều này nàng không rõ, nhưng có một điều nàng luôn hiểu rõ, đứa trẻ con nào cũng có thật nhiều ước muốn, có thể ngắn ngủi, có thể giản đơn. Nhưng tất cả đều vô cùng cháy bỏng. Sau này lớn lên có thể rằng có những người sẽ đạt được một vài ước muốn nhỏ nhoi lúc bé ấy, thế nhưng cảm giác thoả mãn khi đó chẳng thể nào sánh nổi với sự mãnh liệt của ước mơ ngày bé. Nó chỉ giống như hạt muối bỏ bể, hơn nữa lại là càng thêm càng nhạt, càng cảm thấy trống rỗng hư không. Giống như bị vỡ mộng, hay giống như cảm giác sống động ngày trước như một cây lúa non đã chết đi một lần, để rồi cho dù tưới nước, chăm bón kì công tới đâu cũng không thể lần nữa sống lại. Nhưng càng mấy ai hiểu được, cây lúa non ấy mãi mãi chỉ sống trong hồi ức, trong những ngày tháng thơ bé non dại, giữa mưa vần gió cuốn của thời gian vĩnh viễn trôi đi. Hoảng hốt quay đầu nhìn lại đều đã chẳng thể tìm thấy bóng hình.
Quý giá như vậy, độc nhất như vậy.
Tiếc nuối ư? Cũng chỉ là vô nghĩa…