Vãn Xuân Lâu - Tam Mục

Chương 2



4.

Ta vào Vãn Xuân lâu khi mới bảy tuổi.

Nha đầu chưa hiểu quy củ, không có tư cách hầu hạ các cô nương.

Vì vậy, khi được mua về, ta ở hậu viện, nửa năm rồi vẫn loanh quanh ở đó.

Người chăm sóc và dạy dỗ ta tên là Thủy bà tử.

Tuy được gọi là bà tử, nhưng bà mới ngoài ba mươi, trên khuôn mặt đã có nếp nhăn vẫn có thể thấy được nét đẹp thời trẻ.

Bà có một đứa con trai, nửa khuôn mặt bị một vết chàm đỏ lan rộng, lại còn bị què.

Thủy bà tử gọi hắn là Lân Ca nhi, người khác gọi hắn là “thằng què”, mỗi người gọi một kiểu.

Lân Ca nhi gánh nước ở hậu viện, Thủy bà tử và ta giặt quần áo cho các cô nương. Hắn đi ngang qua chúng ta, bị Thủy bà tử túm lấy vạt áo bằng bàn tay ướt nhẹp.

“Đã đến Giả phủ chưa? Gặp cha con chưa?”

“Không phải nói ông ấy được thả rồi sao? Sao còn chưa đón mẹ con ta về?”

Lân Ca nhi vốn ít nói, vì chân bị què nên khi gánh nước, nửa người nghiêng lệch, cơ bắp trên cánh tay cuồn cuộn.

Hắn cúi đầu, không nhìn Thủy bà tử, trầm giọng đáp: “Chưa gặp, tối nay con sẽ đi xem lại.”

Thủy bà tử nghe xong liền buông tay, động tác giặt đồ trở nên chậm chạp, dường như đang suy nghĩ điều gì đó.

Bà liếc xéo, thấy ánh mắt tò mò của ta, rồi nhìn lên nốt ruồi giữa trán ta, miệng bà mấp máy, bất chợt nói: “Tháng đầu tiên sau khi thành thân, lão gia vẽ lông mày cho ta, cũng điểm một nốt ruồi đỏ giữa trán ta.”

Bà nói: “Lão gia bảo, vẽ lông mày nên duyên vợ chồng, cõi trần cầu Quan Âm. Trong nhà có một bức tượng Quan Âm bằng ngọc trắng, được tạc theo hình dáng của ta, ông ấy gọi ta là Quan Âm nô.”

Ta chớp chớp mắt, sờ nốt ruồi đỏ, còn đang ngẩn người thì bất ngờ bị Thủy bà tử véo mạnh vào bắp tay.

Mắt Thủy bà tử đỏ hoe, nước mắt chảy xuống.

“Lão gia đã dùng kiệu tám người khiêng ta về, không phải làm thông phòng, mà là di nương.”

Ta đau đến nhăn nhó, vội vàng đáp: “Đúng vậy, lão gia rất thương yêu mẹ.”

“Lão gia bị kẻ gian hãm hại vào tù, mới để con tiện nhân kia xúi giục lão phu nhân đuổi mẹ con ta ra ngoài. Lão gia trong lòng vẫn luôn nhớ thương mẹ con ta!”

“Đúng vậy, lão gia nhớ thương mẹ và ca ca!”

“Lân Ca nhi không phải là nghiệp chướng, là lão gia đã đưa ta đi bái Tống Tử nương nương để cầu xin đứa con trai này. Con tiện nhân kia không đẻ được, hại con ta khổ sở! Lão gia trở về nhất định sẽ đòi lại công bằng cho chúng ta!”

“Đúng vậy, ca ca là người tốt, lão gia nhất định sẽ đòi lại công bằng cho ca ca!”

Kẻ xướng người hoạ cả nửa ngày, Thủy bà tử là người đầu tiên bỏ cuộc.

Bà ôm chầm lấy ta, khóc nức nở, miệng không ngừng gọi “con ngoan”, bàn tay ẩm ướt để lại những dấu tay lộn xộn trên lưng ta.

“Thước nha đầu, đã mấy tháng rồi, sao ông ấy ra ngoài mà không đón chúng ta?”

“Ta ngày đêm nhớ mong ông ấy, mong chờ ông ấy mà!”

Lòng ta chua xót, vùi nước mắt vào ngực bà.

Mẹ ơi, mẹ không phải đợi mấy tháng, mẹ đã đợi mười lăm năm rồi.

5.

Khi Lạc nương giao ta cho Thủy bà tử, nàng đã nói với ta bà ấy bị điên.

Trước đây ta không hiểu, Thủy bà tử là người bình thường mà.

Khi ôm ta ngủ, bà ấy vỗ về ta dịu dàng, khi múc cơm cho ta, bà ấy đong thật đầy, ngay cả đùi gà cũng chia đều cho ta và Lân Ca nhi, không hề thiên vị.

Cho đến một ngày, bên ngoài Vãn Xuân lâu vang lên tiếng kèn nhạc vui vẻ, có lẽ là đám cưới của nhà nào đó đi ngang qua.

Nghe thấy tiếng nhạc, Thủy bà tử chạy vọt vào phòng trang điểm cho mình.

Phấn son rẻ tiền loang lổ trên má, trông như một con khỉ, khiến ta bật cười.

Bà trừng mắt nhìn ta, trên mặt lộ ra vẻ e thẹn không phù hợp với tuổi tác.

“Thu Ngọc, còn cười gì nữa, mau trang điểm cho ta, đừng để Khải lang đợi lâu.”

“Con là Thước nha đầu, không phải Thu Ngọc.”

Thủy bà tử ngẩn người một giây, nhưng rồi lại nhanh chóng trở lại vẻ mặt tươi cười.

“Thu Ngọc, lấy cho ta chiếc quạt tròn bằng ngọc có hình đôi chim uyên ương bằng lụa đỏ, đó là Khải lang tặng, hôm nay chàng đến đón ta, ta phải cầm nó.”

Ta ngơ ngác, lụa đỏ gì, uyên ương gì, ngọc gì?

6.

Nhìn xung quanh, mái nhà xám xịt còn có những vết đen, mấy chiếc rương lớn chất đống ở góc tường, bên trong toàn là vải vụn và quần áo cũ.

Thậm chí trâm cài trên đầu Thủy bà tử cũng chỉ là kiểu vân mây được Lân Ca nhi khắc từ tre.

Trong căn nhà tồi tàn này, hai người họ chẳng có gì liên quan đến ngọc cả.

Đang lúc ta lúng túng, bóng dáng yểu điệu của Lạc nương bỗng xuất hiện.

Vừa nhìn thấy bà, Thủy bà tử liền gọi “Mẹ”.

Lạc nương không đáp, đẩy ta ra khỏi phòng, rồi quay lại khóa cửa.

Đôi mắt long lanh thường toát lên vẻ đa tình của nàng, lúc này lại phảng phất nét mệt mỏi, chiếc chìa khóa bằng đồng rơi vào lòng bàn tay ta.

Nàng nói với ta: “Thấy chưa, chẳng phải là điên rồi sao?”

Ta hỏi: “Khải lang là ai vậy?”

Ánh mắt Lạc nương xuyên qua cánh cửa, nhìn Thủy bà tử đang khóc lóc đòi ra ngoài.

“Là người năm đó bỏ năm trăm lượng bạc chuộc bà ta ra.”

“Vậy còn bây giờ…”

“Năm mươi lượng, bán bà ta trở lại.”

Lạc nương tiếp tục: “Thủy bà tử thà tin nam nhân đó bị tống vào ngục, còn hơn tin mình bị bỏ rơi.”

7.

Mực nhuộm chân trời, đèn đuốc thắp lên.

Trong Vãn Xuân lâu, tiếng người tiếng nhạc huyên náo, còn hậu viện lại tối tăm và buồn tẻ.

Ta núp bên cửa sổ nhỏ phía sau, nhìn trộm vào bên trong lâu, miệng nhai một cái bánh bao hấp.

Đang nghe thấy tiếng hát của một cô nương nổi tiếng, bỗng có người vỗ vai ta, ta giật mình, bánh bao rơi xuống.

Lân Ca nhi nhanh tay bắt lấy, đưa lại bên miệng ta, còn đưa thêm một xiên kẹo hồ lô.

“Ca, ca về rồi à?” Ta vui mừng, ôm cổ Lân Ca nhi nhảy lên.

“Suỵt.” Lân ca nhĩ đặt một ngón tay lên môi, “Mẹ ngủ chưa?”

Ta gật đầu, rồi hỏi: “Ca đi đâu mà về muộn thế?”

Nửa khuôn mặt đỏ ửng của Lân Ca nhi khuất trong bóng tối, nửa còn lại trông như một chàng công tử tuấn tú.

Hắn nói: “Ta đến nhà họ Giả rồi.”

Ta kinh ngạc há hốc mồm, thốt lên một tiếng “A” kéo dài.

“Ca gặp cha mình chưa?”

Lân Ca nhi gật đầu.

“Ông ấy có ở đó không?”

“Ông ấy có nhận ra huynh không?”

Lân Ca nhi không đáp, hắn đẩy cánh cửa sổ rộng hơn, chỉ vào một nam nhân béo tốt, mặt mày bóng nhẫy đang ngồi ở góc phòng. Trong lòng nam nhân ấy đang ôm một cô nương xinh đẹp, ngửa đầu được đút một ngụm rượu, môi còn vương vấn hương thơm.

“Ông ấy ở đây.” Lân Ca nhi nói, “Vẫn luôn ở đây.”

Lân Ca nhi trở về, bóng lưng vẫn khập khiễng như cũ.

Trên cây cổ thụ sau vườn, một con quạ đen đậu, tiếng kêu thật chói tai.

Trong lâu, ánh đèn rực rỡ, xuân sắc ngập tràn, tiếng cười đùa không ngớt.

Trước khi đi, Lân Ca nhi nói với ta: “Lạc nương bảo, ngày mai muội có thể lên hầu hạ các cô nương rồi.”

Lời này rơi vào tai, khiến ta lạnh toát cả người.

8.

Trước khi thu dọn đồ đạc vào lâu.

Thủy bà tử lại ngây dại, lẩm bẩm về Khải lang của bà, bảo Lân Ca nhi đến nhà họ Giả.

Lân Ca nhi giúp ta thu dọn đồ đạc, cẩn thận kẹp ba mươi mốt đồng tiền của ta vào giữa lớp áo.

Lúc đi, ta quay đầu nhìn Thủy bà tử, bà đang chải mái tóc đen dày của mình, dịu dàng đến mức khiến khóe mắt ta cay cay.

“Mẹ, con vào lâu rồi.” Ta gọi bà.

Thủy bà tử không nghe thấy, vẫn đắm chìm trong giấc mơ đẹp.

Ra khỏi cửa, ta nhăn mặt hỏi Lân Ca nhi: “Tại sao mẹ lại yêu Giả lão gia?”

Nghĩ đến khuôn mặt béo tròn của Giả lão gia, ta không sao hiểu nổi.

Lân Ca nhi suy nghĩ hồi lâu, hỏi ta có đọc thoại bản không.

Ta lắc đầu: “Ca, ta không biết chữ.”

“Không biết chữ cũng tốt, đỡ phải đọc thoại bản rồi đầu đầy ý nghĩ cứu giúp người sa cơ lỡ vận.”

“Tình yêu mua bằng năm trăm lượng, năm mươi lượng cũng có thể bán đi.”

Hắn nói: “Thước nha đầu, vào đó phải nghe lời các cô nương, đừng gây chuyện, đợi ta chuộc muội ra.”

Ta gật đầu ngờ nghệch, vội vàng muốn lấy tiền trong túi ra.

Lân Ca nhi giữ tay ta lại: “Tiền của muội cứ giữ lấy, ca ca không cần.”

Ta nhớ lại lời hắn vừa nói, suy ra: “Ca bỏ bảy mươi lượng mua ta, là muốn ta làm di nương của ca sao?”

Mặt Lân Ca nhi sa sầm: “Ta không muốn muội làm di nương.”

“Vậy là muốn ta làm nha hoàn cho huynh?”

Lân Ca nhi đẩy cánh cửa hẹp từ hậu viện ra tiền sảnh cho ta.

“Ta mua muội để muội được trong sạch, làm muội muội của ta.”

Cô nương ta hầu hạ họ Liễu, tên Thanh Vi.

“Nhật mộ xuân sơn lục, ngã tâm thanh thả vi.”

Liễu nương dạy ta đọc thơ, nói rằng nàng sinh ra vào ngày nhìn xa thấy núi xuân xanh ngắt, cha nàng lấy hai chữ từ câu thơ đó đặt tên cho nàng, mong nàng thuận lợi, mãi tắm mình trong gió xuân, cả đời không tàn úa.

Nói đoạn, nàng rơi lệ, thân hình gầy gò run rẩy.

Ta ngồi xổm bên chân nàng, không thể thốt ra lời an ủi tao nhã nào, chỉ có thể nói: “Ta tên là Tống Thước, cha nói khi ta sinh ra có chim hỉ thước đậu trước cửa, là điềm lành.”

Nàng nghi hoặc, nếu cha xem trọng ta, sao lại bán ta đi.

Ta cười: “Mười lăm lượng bạc, đủ cho một gia đình sống rất lâu.”

Liễu nương vuốt ve má ta, đầu ngón tay nàng cũng như dung nhan thoát tục của nàng, mang theo chút lạnh lẽo của gió xuân tàn.

“Đứa trẻ đáng thương.”

10.

Cô nương thương xót ta.

Ta cũng thương cảm cho nàng.

Nghe nói trước kia nàng là đích nữ của một vị quan nhất phẩm, ở nhà được nuông chiều hết mực.

Nhưng vì dính líu đến vụ án mưu phản, một đêm gia đình bị tịch thu, nữ quyến bị bán vào thanh lâu.

Nàng không cam tâm làm gối êm cho kẻ khác, để ngàn người dựa dẫm.

Nàng cầm kéo dí vào cổ, uy hiếp Lạc nương ép nàng làm kỹ nữ thanh lâu.

Khi ta theo Lạc nương đến trước cửa phòng nàng, bên ngoài đã có không ít cô nương tụ tập xem náo nhiệt.

Lạc nương liếc mắt qua, đám đông ríu rít như chim sẻ tản đi hơn phân nửa.

Chờ yên tĩnh lại, Lạc nương uốn éo tựa vào khung cửa, cười khẩy: “Ai ép ngươi bán thân? Ai ép ngươi tìm đến cái c h ê t?”

Liễu nương trước kia được nuông chiều trong khuê phòng, nha hoàn bà tử ai cũng nâng niu chiều chuộng, da mặt tự nhiên mỏng manh.

Bị hỏi dồn dập hai câu, không đáp được, nàng xấu hổ và tức giận. Chưa kịp đâm kéo vào cổ, nàng đã ngất lịm đi.

Lạc nương chống nạnh đứng thẳng dậy, nghiêm mặt dặn dò người chăm sóc cẩn thận, đừng để c h ê t trong phòng mang lại xui xẻo.

Lạc nương ta nói: “Chỉ vậy đã không chịu nổi, còn đòi làm gì ở thanh lâu chứ?”

Trở về phòng mình, nàng mới phát hiện có thêm một cái đuôi nhỏ phía sau.

“Theo ta làm gì?”

Ta nắm c h.ặt vạt áo: “Đợi bà chủ phân công việc ạ.”

Lạc nương vỗ trán, thì ra là bận quá nên quên mất, nàng chỉ về phía Liễu nương, bảo ta sau này hầu hạ Liễu nương.

Nàng ta lẩm bẩm: “Nếu không phải nhận lời người ta, ai thèm ôm mấy chuyện hồ đồ này làm gì.”

Ta vểnh tai lên, mắt long lanh chờ nàng ta nói tiếp, nhưng lại bị Lạc nương cốc nhẹ một cái.

“Bớt nghe lén, chuyện đó mà ngươi cũng được biết à?”

Sau đó, nàng nghiêng đầu hỏi ta: “Thước nha đầu, ta có gương mặt ép người lương thiện làm kỹ nữ không?”

Ta lắc đầu lia lịa.

Lạc nương đối với ta là người tốt nhất trên đời.

Hôm nay nàng còn cho ta một bộ y phục mới nữa.

Ta nịnh nọt, ngọt ngào khen: “Bà chủ xinh đẹp, không phải là mặt… ép người lương thiện làm gì ạ.”

Lạc nương bật cười, nhẹ nhàng véo tai ta: “Nha đầu ngốc, đi theo Liễu nương học chữ đi.”

11.

Liễu nương tinh thông cầm kỳ thi họa, ta cảm thấy ngay cả giọng hát của nàng cũng như tiên nhạc.

Nhưng Lạc nương chỗ nào cũng không hài lòng.

Nghe nàng hát, Lạc nương dùng móng tay dài chọc vào mặt Liễu nương, để lại dấu móng tay mờ mờ.

Nàng ta nói nghe Liễu nương hát hai câu, ngoài trời muốn đổ tuyết giữa mùa hè luôn rồi.

Nàng lại chê Liễu nương cười không đẹp, chỉ hời hợt bên ngoài, trong xương cốt vẫn còn giữ vẻ cao sang.

Nàng dạy mãi, khiến mặt Liễu nương cười đến cứng đờ, vẫn không đạt yêu cầu.

Lạc nương tức giận, kéo ta đang ngủ gà ngủ gật đến trước mặt. Nàng nâng khuôn mặt ngái ngủ của ta lên hỏi: “Thước nha đầu, có muốn ăn ô mai đường không?”

Mắt ta sáng rực, khóe miệng vô thức cong lên.

“Muốn!”

Lạc nương nhướng mày, nhìn Liễu nương với một nụ cười khó hiểu.

Hôm đó Lạc nương không cho ta ô mai đường, nhưng ta lại được Liễu nương đút bánh táo.

Liễu nương nói nhỏ với ta, sau này không được nghe thấy đồ ăn là hồn vía lên mây, không có tiền đồ.

12.

Liễu nương sợ ta mãi vô dụng, muốn dạy ta học chữ.

Ta đeo chiếc túi vải nhỏ, chạy lên chạy xuống khắp lâu, đến nỗi mặt dính mực cũng không biết.

Các cô nương cười ta, nói ta muốn thi đỗ trạng nguyên, Vãn Xuân lâu phải đổi tên thành Vãn Xuân thư viện.

Họ thân thiết lau vết bẩn cho ta, kéo ta vào phòng, nhét đầy hạt dưa vào túi nhỏ của ta, muốn ta viết chữ to cho họ xem.

Chim oanh yến vờn quanh, hương thơm ngào ngạt.

Khi trở về phòng Liễu nương, ta cảm thấy choáng váng.

Đúng lúc gặp Lạc nương đi ra, nàng nhìn ta rồi bật cười, hỏi ta son môi trên mặt từ đâu ra.

“Giữa ban ngày ban mặt, vậy mà lại để con bé này hưởng diễm phúc.”

13.

Khi ta có thể đọc thuộc lòng ba bài thơ, sổ sách của Liễu nương mới có khoản thu nhập đầu tiên.

Trong Vãn Xuân lâu thường có các văn nhân mặc khách tụ tập, họ thường gọi thêm các kỹ nữ thanh lâu đến cùng uống trà trò chuyện.

Chỉ là uống trà nói chuyện, thỉnh thoảng cũng có đàn hát.

Đó chính là công việc lý tưởng nhất của Liễu nương, nhưng đêm đó nàng trở về, như mất hồn mất vía.

Giờ Sửu, trong phòng chỉ thắp một ngọn đèn dầu leo lét.

Liễu nương trằn trọc không ngủ được, đột nhiên ngồi bật dậy.

Ta cũng ngồi dậy theo, dụi dụi mắt, hỏi: “Cô nương, người không ngủ được sao?”

Liễu nương không trả lời câu hỏi, miệng lẩm bẩm: “Lại gặp chàng, sao có thể gặp chàng chứ?”

Lời nói bi thương, còn hơn cả lần nàng cầm kéo dí vào cổ.

Ta nghe hồi lâu, không hiểu “chàng” là ai.

Liễu nương lại vùi đầu vào gối khóc, hỏi trời hỏi đất, tại sao mình lại rơi vào cảnh ngộ này.

Ta ở bên nàng đến sáng, mơ hồ hiểu ra.

Thì ra, Liễu nương vẫn chưa chấp nhận sự thật mình đã rơi vào chốn phong trần.

Nàng tưởng như đã chấp nhận tất cả, nhưng lại không chịu nổi cơn gió xuân thoảng qua từ quá khứ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.