Buổi chiều khi ngang qua tòa thị chính, tôi được chứng kiến một quang cảnh bạo động lớn nhất từ trước đến nay: Đám đông kín mít vây chặt lấy tòa thị chính, đại lộ rộng rãi giờ tắc nghẽn đến nước cũng không thể chảy qua, trên con đường dài vài trăm mét, đâu đâu đều thấy người và người. Đứng sau đám đông, tôi kiễng chân nhìn về phía tòa nhà xa xa. Dưới ánh sáng, cửa chính tòa nhà lóe lên tia sáng nhức mắt, phần lớn hoa cỏ trên quảng trường đối diện bị đám đông dẫm nát, chỉ còn thấy những thân cây trơ trụi mới trồng vẫn còn rơm rạ quấn quanh các chạc cây bị cắt.
Tôi ra sức len lỏi trong đám người, dỏng tai lên nghe thiên hạ bàn tán xôn xao. Cục diện sở dĩ thành ra thế này là vì kỳ nghỉ Tết sắp đến, người lao động kịch liệt phản đối việc giá vé xe ô tô lộ trình ngắn tăng quá cao, nên đã tập hợp và trở thành cuộc bạo động mang tính tập thể.
Xe của bên truyền thông tức tốc lao đến muốn phỏng vấn, nhưng đã bị lực lượng cảnh vệ giữ lại, máy ảnh của những tay nhiếp ảnh không có thái độ hợp tác nhanh chóng bị tịch thu, khẩu hiệu của giới quan chức không mấy hiệu lực, phía cảnh vệ cũng phần nào tỏ ra lực bất tòng tâm trước nhiệm vụ giải tỏa đám đông này.
Điện thoại bỗng reo, là chánh án gọi, ông muốn tôi về Tòa ngay lập tức.
Kỳ thực, đối với tôi, khung cảnh trước mắt vô cùng mới mẻ. Là một cán bộ công chức mới ra lò, suốt ngày chẳng có việc gì, cũng không mấy chủ đề tán gẫu, hôm nay đột nhiên xảy ra chuyện động trời, tôi đoán lần này cơ quan nhất định sẽ chẳng khác gì nồi cháo sôi đang trào vung, hết chỉ thị to rồi chỉ thị nhỏ, tin tức lớn đến lời đồn nhỏ dồn dập đến, tôi vội vàng cúp máy, lao thẳng về cơ quan.
Quả nhiên, vừa về đến nơi, tôi đã thấy các đồng nghiệp trong Tòa đang nháo nhào bàn luận vấn đề này. Chánh án ra lệnh, nghiêm cấm tất cả các xe công vụ ra ngoài, mọi người phải túc trực trong Tòa, hễ có mệnh lệnh , chánh án sẽ lập tức huy động toàn bộ lực lượng cảnh vệ trong tòa tham gia hỗ trợ khống chế cục diện.
Theo lẽ thường, chuyện này không thuộc trách nhiệm của Tòa án, không để sự việc nghiêm trọng hóa mới là nhiệm vụ trước mắt chúng tôi nên làm. Đám đông đang trong cơn kích động nên không cần biết trên chiếc xe sơn xanh trắng in chữ Công an hay Tòa án, bắt được chiếc xe nào, có khả năng họ sẽ phóng hỏa. Vì thế nếu không phải vạn bất đắc dĩ, chúng tôi không dám tùy tiện ra ngoài.
“Không ít người nghĩ rằng quan chức các ngành đều bảo vệ nhau, xe Công an có thể đốt, thì cớ gì lại không đốt xe Tòa án cơ chứ?” Ngồi trên ghế xoay bọc da, tay cầm cốc trà nóng, khẽ khàng nhấp một ngụm, phó chánh án tham gia nghị luận.
“Các cậu có biết Lỗ Nguy không? Đang nằm viện đấy.” Phó chánh án xoáy chặt nắp cốc thủy tinh dài rồi đặt lên mặt bàn gỗ trắc, thư thái dựa vào thành ghế, chăm chú nhìn những lá chè non đang tản ra rồi chìm dần xuống đáy cốc.
“Không phải chứ? Đã đốt xe, còn đánh cả công an sao?” Một đồng nghiệp la lớn, “May mà trang phục của bên Tòa án và Công an khác biệt rất lớn, nếu không đi qua khu đó, chắc tôi phải cởi đồng phục ra trước mất thôi.”
Âm thanh dè bỉu vang lên bốn phía, tôi bật cười, bộ dạng của người đồng nghiệp ấy trông thật quê mùa, ham sống sợ chết chẳng có giác ngộ của công chức gì cả. Vốn không quen anh chàng tên Lỗ Nguy kia, tôi thầm nghĩ, xe Công an còn dám đốt thì sợ gì mà không dám đánh công an?
Tôi thi đỗ vào Tòa án vừa tròn một năm, tạm thời làm việc ở Tòa án Hình sự, vừa thoát khỏi chức thư ký, giờ làm trợ lý thẩm phán, xuất hiện bên cạnh thẩm phán trưởng.
Thấy mọi người đã có mặt đầy đủ, chánh án liền phân công nhiệm vụ. Tám người chia làm hai nhóm hành động, chỉ mình Thẩm phán Trương ở lại văn phòng. Vì viện trưởng đã thông qua kiến nghị của chánh án, nên chúng tôi bốn người mới có thể ngồi xe công vụ in hai chữ Tòa án để ra ngoài làm việc. Sau khi thả chúng tôi ở cổng Viện kiểm sát, chiếc xe tiếp tục lăn bánh. Tôi thuần thục hoàn thành tất các thủ tục bàn giao phán quyết cho Viện kiểm sát. Phó chánh án vừa thưởng trà, vừa tán hươu tán vượn với công tố viên trưởng, chủ đề không ngoài tình hình phát triển của vụ bạo động kia, thế nên thi thoảng tôi cũng dỏng tai nghe. Mỗi khi đến đoạn ly kỳ, tôi lại ngẩng đầu nhìn về phía hai người, kiểm sát viên đang thụ lý vụ án cũng ngừng bút, chăm chú lắng nghe.
Sự kiện này là tin tức nóng bỏng hiếm thấy trong thành phố. Phó chánh án và công tố viên trưởng có mạng lưới thân cận rộng lớn tại đây, tin tức thu được dĩ nhiên nhiều hơn chúng tôi, vì thế nguyên nhân cốt lõi của sự việc đã xuất đầu lộ diện qua cuộc trò chuyện của họ.
Chuyện đại thể như thế này: Có hai học sinh lên xe khách, vì không biết giá vé đã tăng , tiền mang theo không đủ, nên giữa đường bị đuổi xuống. Trên đường về nhà, hai học sinh không may rơi xuống vách núi, bị thương nặng, người dân trong thôn vô cùng căm phẫn. Cộng thêm công ty xe khách lũng đoạn thị trường bấy lâu, tùy tiện tăng giá đã sớm khiến lòng dân oán trách. Thế nên chuyện này như dây dẫn lửa, gia đình người bị hại đã kêu gọi vài trăm người trong mấy thôn quanh đó, tìm đến công ty xe khách, muốn nói chuyện phải trái với giám đốc công ty đó. Không ngờ vị giám đốc chỉ nói một câu “Người có bị thương trên xe chúng tôi đâu, không liên quan đến công ty chúng tôi.” Câu nói chẳng khác nào đổ dầu vào lửa, đám đông càng thêm phẫn uất. Đúng lúc đó lại truyền đến tin tức trong lúc cấp cứu ở bệnh viện một học sinh đã thiệt mạng. Cục diện bỗng chốc không sao kiểm soát nổi. Có người đốt xe khách của công ty, thậm chí có hành động bạo lực với nhân viên công ty. Công an nghe tin lập tức đến nơi, còn chưa kịp tìm hiểu sự tình, đã bị đám đông nổi giận cho là đồng bọn của công ty xe khách, liền ồ ạt vây đánh, cả xe công an cũng bị đốt cháy! Hiện nay sự việc từ bao vây công ty xe khách trở thành bao vây tòa thị chính, toàn thành phố tức khắc lâm vào trạng thái nguy cấp.
Tôi vừa nghe vừa tiếp tục điền vào tài liệu, giấy tờ nào cần bàn giao thì bàn giao, cần ký tên thì ký tên, cần thu về thì nhét gọn gàng vào bìa đựng hồ sơ.
Sau một hồi trò chuyện, chủ đề trọng điểm của hai người lại quay về với anh chàng công an bị vây đánh kia. Hai chữ Lỗ Nguy được nhắc đến liên hồi. Tôi hoàn toàn xa lạ với cái tên này, nhưng nghe tên có lẽ là một người cao to vạm vỡ. Sau đó, lại không ngừng suy đoán, có lẽ người này, tứ chi phát triển, đầu óc đơn giản, tính cách bồng bột, nếu không sao trong lúc bạo động, người khác đều không bị thương, chỉ mình anh ta thương tích nghiêm trọng? Nhất định người này khiến đám đông tức nước vỡ bờ! Nhưng biết đâu một ngày nào đó, nếu được giới truyền thông nhào nặn thêm mắm dặm muối, anh ta sẽ trở thành tấm gương cho các lãnh đạo cán bộ noi theo, và sẽ vì thế mà nổi tiếng, được ghi công. Anh ta mới tốt số làm sao!
Tôi cứ thế mải mê chạy theo những suy đoán lung tung, mà hoàn toàn chẳng ngờ rằng người công an họ luôn mồm nhắc đến, chàng thanh niên tốt bụng tôi gặp trong bản tin thời sự, lại không giống chút gì với tưởng tượng của tôi. Hơn nữa, cái người xa lạ được in ảnh ghi tên trên báo đó, sau này bỗng thường xuyên xuất hiện trước mắt tôi, có da có thịt, hình dáng cụ thể, nụ cười khoe hàm răng trắng tinh.
Mọi chuyện giải quyết xong, phó chánh án cũng uống hết cốc trà đầy thứ ba, bèn đứng dậy chuẩn bị rời đi. Trước khi ra về còn dông dài một đống lời lẽ khách sáo. Lúc chào tôi, Trưởng công tố Lưu lại lôi ra câu đã hỏi mấy lần rồi: “Tiểu Khả còn chưa tìm bạn trai à?”
Mỗi lần nghe câu ấy, tôi lại thấy dường như mình đang được xếp vào đám con gái quá lứa lỡ thì chưa chồng rồi, người quan tâm đến chuyện riêng của tôi càng ngày càng nhiều.
Nghe thế, phó chánh án không kiềm được quay lại trả lời: “Đã nói bao nhiêu lần rồi, ngay ngày đầu tiên đưa cô bé đến đây, tôi đã nhờ ông tìm hộ xem có ai thích hợp không, thế mà giờ ông lại hỏi câu này”.
Tôi cong môi bật cười.
“Thì cô bé ngoan ngoãn thế này, điều kiện cũng tốt, phải tìm mối khá khẩm mới được”, Trưởng công tố Lưu ưỡn ngực, làm ra vẻ vô cùng hăng hái.
Tôi luôn trở thành đối tượng trêu chọc của mọi người nên đã sớm quen với mấy câu đùa giỡn này, còn mấy vị lãnh đạo chỉ làm bộ hăng hái thế thôi, mà chưa hề có ý nghĩ nghiêm túc giới thiệu bạn trai cho tôi.
Cả đám người thích chí cười ha hả, không ai nói thêm câu gì, rồi vẫy tay chào nhau. Tôi theo sau phó chánh án rời khỏi đó, bước xuống những bậc cầu thang dài. Vừa ra khỏi cổng chính của Viện kiểm sát khí thế, tôi bèn hỏi: “Chúng ta đợi xe của chánh án đến đón phải không ạ?”
Phó chánh án nhìn đồng hồ, khóe môi khẽ cong, liếc mắt nhìn về phía hai đầu đường, nói: “Không đợi nữa, ở đâu có tiệm hoa nhỉ?”
“Tiệm hoa?”, tôi cũng đưa mắt nhìn quanh, “Hình như bên ngoài bệnh viện số hai, ở góc ngoặt đằng kia.”
“Vậy thì tốt. Đi nào, đi chọn hoa giúp chú.” Hai tay chắp sau lưng, phó chánh án dẫn tôi bước về phía ngã rẽ, tôi lập tức theo sau.
“Thăm người bệnh thì nên mua hoa gì?”, phó chánh án đứng trước rừng hoa, quay sang hỏi tôi.
Thăm người bệnh nên mua hoa nào, kiến thức thường thức này tôi biết, chỉ là có chút kinh ngạc, phó chánh án nhiều tuổi thế này mà cũng mua hoa đi thăm người bệnh, thật là thời thượng! Tôi lặng lẽ theo sau phó chánh án vào tiệm hoa chọn một khóm cẩm chướng. Nhân viên tiệm hoa nói đi thăm người bệnh tốt nhất nên tặng giỏ hoa, nhưng tôi thấy bó hoa đẹp hơn, nên kiên quyết nhờ cô ấy bó lại bằng giấy gói đẹp mắt.
Mua hoa thăm người bệnh trước cửa bệnh viện tương đối dễ, chỉ có điều hơi đắt một chút. Chọn xong, phó chánh án để tôi ôm hoa, rồi dẫn đường tiến thẳng vào cổng bệnh viện số hai đối diện.
Tôi ôm hoa đi thang máy lên đến tầng sáu. Tầng sáu gồm các phòng bệnh nguy cấp, phòng mổ mà phòng bệnh đặc biệt. Rất ít khi đến bệnh viện, vì thế lúc này con mắt tôi cơ bản chỉ để ý đến mấy tấm bảng hiệu nhấp nháy đèn xanh.
“Hai mươi chín, ba mươi ba…” Ánh mắt của phó chánh án chỉ tập trung vào số trên hai dãy phòng bệnh, miệng không ngừng lẩm bẩm.
“Là phòng này.” Phó chánh án dừng chân trước một phòng đơn rộng rãi.
Thực ra, trước khi phó chánh án xác nhận, tôi đã có dự cảm chính là phòng này. Căn phòng huyên náo hơn so với những phòng khác. Tôi không biết người chúng tôi đến thăm là ai, nhưng cũng lờ mờ cảm thấy, chắc là phòng này.
Trong phòng tụ tập khá nhiều người, cửa khép hờ, phó chánh án đưa tay đẩy khẽ, cánh cửa nhanh chóng mở ra. Mọi người trong phòng lập tức quay đầu lại. Có lẽ đều quen nhau, nên khi nhìn thấy phó chánh án đứng trước cửa phòng, họ bèn cất tiếng chào hỏi.
Phó chánh án chen đến bên cạnh giường bệnh, xem xét bệnh tình của người bên trong. Tôi vô tình bị chắn lại sau lưng đám đông. Giọng người bệnh nằm trên giường cất lên, có vẻ vô cùng yếu ớt. Đó là một người đàn ông, có lẽ vẫn còn trẻ, gọi phó chánh án là chú.
Có người tự động thuật lại bệnh tình của người bệnh với phó chánh án.
“Bên trái gãy ba cái xương sườn, chấn động não nhẹ, đùi phải trật xương, lúc sáng vừa mổ, mới tỉnh thuốc mê chưa được bao lâu, giờ cậu ấy hô hấp cũng khó khăn.”
Y tá bước vào, không cho quá nhiều người vây quanh bệnh nhân, những người đến trước liền lần lượt ra về, nên bây giờ tôi mới nhìn rõ người nằm trên giường bệnh. Dựa vào câu chuyện của người bên cạnh kết hợp lời nói lúc trước của phó chánh án, nếu tôi đoán không nhầm, thì đây có lẽ là người công an bị vây đánh – Lỗ Nguy.
Chính là Lỗ Nguy!
Tôi chăm chú quan sát mà vẫn không sao nhìn rõ mặt bởi anh bị thương nhiều chỗ, đầu quấn kín băng trắng. Nhưng nghĩ được tiếp xúc với nhân vật mà giới truyền thông thường xuyên nhắc đến trong cự li gần thế này, dù không nhìn rõ mặt, tôi cũng âm thầm phấn khởi trong lòng rồi.
Phó chánh án bỗng nhiên nhìn sang tôi, trêu chọc: “Tiểu tử, chú đưa mỹ nhân đến cắm hoa cho cháu đây, để cháu cảm nhận một chút mùi vị làm người hùng.”
Nghe thấy thế, người nằm trên giường bệnh liền nhìn về phía tôi. Khuôn mặt chằng chịt vết thương trông thật buồn cười, nhưng nổi bật là đôi mắt trong suốt, sáng ngời. Có lẽ vì lịch sự, muốn cười với tô, nhưng lại không dám cử động mạnh, nên anh chỉ đành khổ sở nhếch môi.
Hàm răng trắng quá!
Tôi nghĩ.
Qua bộ dạng nằm trên giường cũng thấy được dáng vóc khá cao lớn của anh, cánh tay đang truyền nước, nhìn có vẻ rất khỏe khoắn, xét về ngoại hình thì anh tương đối giống với tưởng tượng của tôi. Tôi nhìn cánh tay nằm yên tĩnh trên mép giường của anh với cây kim truyền nước cắm bên trên, bỏ qua những ống tiêm kim chích, cánh tay ấy quả thực rất sạch sẽ và có lực, vô cùng mâu thuẫn, cũng giống như những ngón tay anh, dài tựa ngón tay của người nghệ sĩ piano, nhưng không thon thả trơn mịn, mà có chút thô kệch rắn chắc, bộ dạng đó, đột nhiên tôi thầm nghĩ, nếu được nắm bàn tay ấy, chắc chắn sẽ rất ấm áp.
Trải khắp nền phòng bệnh cho tới phòng vệ sinh, đâu đâu cũng la liệt những hoa là hoa, hầu hết đều là giỏ hoa. Có người đón lấy hoa của tôi, khen “Đẹp quá!”, làm cho một số người cũng hùa theo, nhưng tôi lại thấy vô cùng ngượng nghịu, vì trong phòng bệnh, chẳng tìm thấy bình để cắm hoa. Người cầm hoa của tôi liền đặt nó lên chiếc bàn gần giường Lỗ Nguy nhất. Lỗ Nguy liếc hoa một cái, lúc quay đầu nhìn tôi, môi lại nhếch lên vẻ khó khăn.
Chuyện trò một hồi, chúng tôi ra về. Ở trong thang máy, tôi chủ động bắt chuyện: “Phó chánh án và Công an Lỗ Nguy rất thân phải không ạ?”
“Đúng thế, chú là anh em tốt với bố cậu ấy. Cháu có biết bố cậu ấy không? Phó cục trưởng Cục Công an thành phố, Lỗ Đại Sơn, nghe nói bao giờ chưa?”
Tôi gật đầu, cười cười có chút không tự nhiên, Lỗ Đại Sơn là ai, dĩ nhiên tôi không biết. Trên phương diện nhận biết người khác, khả năng của tôi rất có hạn, nhưng phó chánh án nói thế, tôi lập tức hiểu sự tình. Trong thành phố bậc trung của chúng tôi, người nằm trên giường bệnh kia được xem là con “quan lớn”. Có thân phận cao sang, nóng hổi như thế, chẳng trách bị thương một cái, bao nhiêu người vây quanh.
Phó chánh án không ngăn được lời, tiếp tục nói: “Thằng bé đó rất được, ngoan ngoãn, nhiều cô gái theo đuổi lắm”. Thấy phó chánh án chắp tay sau lưng nói đến đây, khuôn mặt muôn phần đắc ý, giống như đang khoe con trai mình vậy, tôi mau mắn cười đáp lời ông: “Vâng rất được, bị thương như thế mà vẫn lộ vẻ mạnh mẽ anh hùng.”
Anh hùng gì chứ, thành ra thế này, sống dở chết dở kìa!
“Đợi một thời gian nó hồi phục lại, tìm cơ hội cho hai đứa làm quen nhé”, phó chánh án hòa nhã cười với tôi, nụ cười nhuốm đầy ẩn ý.
“Dạ? Chuyện này…hì hì, điều kiện của cháu kém thế, người ta chắc chẳng thích đâu.” Mỗi lần nhắc đến đoạn này, tôi đều nhất loạt trả lời như vậy, lời nói ra khỏi miệng vô cùng trôi chảy tự nhiên.
Nhưng lần này tôi thực sự muốn từ chối. Dù anh rất được, nhưng giống như phó chánh án đã nói, nhiều cô gái vây quanh, chắc chắn kinh nghiệm tình trường của anh không ít, hệ suất bại hoại nhân phẩm, suy đồi đạo đức rất cao. Hơn nữa tôi vốn có định kiến với con “quan lớn”, họ phần đông đều không ăn bám bố mẹ thì cũng là phá gia chi tử, ỷ nhà có chút quyền thế, tính tình ngang ngược, khó chiều, còn đòi hỏi quá cao. Tôi không thích, cũng chẳng xứng với Lỗ Nguy. Thôi thì cứ an phận thủ thường làm dân đen vậy.
Nói luyên thuyên suốt chặng đường dài, cho đến khi ai về nhà nấy, tôi mới chính thức kết thúc một ngày làm việc.
Về nhà đúng giờ ăn tối, phát hiện mẹ vô cùng phấn khởi, nhìn bộ dạng đó, tôi lập tức đoán ra ngay chuyện gì. Thường thì chỉ có một việc khiến bà sung sướng đến thế, ấy chính là có người sắp phải đi xem mặt rồi.
Trong lòng không tránh khỏi có chút kỳ lạ, mỗi lần mẹ bàn chuyện xem mặt với tôi, tôi luôn xuất hiện cảm giác này. Một mặt đau khổ vì bản thân phải dùng đến cách này để tìm hạnh phúc, một mặt lại thấy tò mò, không biết đối tượng như thế nào, mặt khác lại có chút thầm vui, bởi bất luận ai muốn kết duyên cùng tôi thì đều chứng minh được rằng tôi vẫn có thể làm người khác yêu thích, nếu không đã chẳng có người tìm đến tận nhà rồi. Tôi hơi kỳ vọng, chưa biết chừng người này lại là đức lang quân của tôi.
Đây cũng là cách nghĩ của mẹ tôi. Mẹ thường bảo, thời cổ đại, người ta thường nhờ bà mối tới đạp vỡ ngưỡng cửa để chứng minh nhà mình có cô con gái tốt, nếu ngưỡng cửa nhà tôi bị đạp thủng, mẹ sẽ lấy làm vinh dự lắm.
Bố tôi chép miệng nói, nếu ngưỡng cửa chát ba phân xi măng và lát gạch đá hoa bị đạp thủng, ông sẽ khởi tố xưởng sản xuất xi măng và doanh nghiệp phân phối gạch đá hoa.
Nhưng lần này tôi chỉ đoán đúng một nửa. Quả thật có chuyện đi xem mặt, nhưng đối tượng không phải là tôi mà là cô em gái Âu Dĩ còn chưa tốt nghiệp đại học của tôi.
Tôi liếc sang bố, bố cũng đang ngơ ngác nhìn tôi, mẹ vừa ấn số điện thoại vừa cười, nụ cười xảo quyệt đắc ý.
Tôi và bố cùng ghé sát ống nghe điện thoại.
“Đối tượng điều kiện tốt lắm, chỉ về có mấy hôm thôi, dì con vừa nghe tin, bắt mẹ phải lập tức gọi con về ngay.” Biết bố con tôi đang kề sát, mẹ cũng chẳng buồn bận tâm, cứ bình thản nói chuyện với em gái.
“Là tiến sĩ đó.”
Wow! Tôi và bố đưa mắt nhìn nhau.
“Công chức, thu nhập mỗi tháng một vạn.” So với lương một tháng một ngàn tệ của tôi, lương anh ta là một vạn cơ đấy!
Wow! Tôi há miệng để lộ cả hàm răng, bố tôi thì nhăn mặt, không ngừng nháy mắt với tôi.
“Có ô tô, con tốt nghiệp xong, người ta có thể lo công việc cho con, sĩ quan hẳn hoi.”
Làm trong quân đội? Cấp sĩ quan? Thượng tá? Oh my god! Bố tôi sẽ ngất ngây mất, vốn xuất thân từ quân đội, ông rất có thiện cảm với người trong quân đội.
“Chỉ là hơi lớn tuổi một chút, nghĩ mà xem, người ta là tiến sĩ mà, có được cũng phải có mất chứ…”
Thì thế, thì thế, chắc chắn là thế, kiếm đâu ra một tiến sĩ hơn hai mươi tuổi chứ? Còn học y, còn chưa kết hôn, còn đến lượt con bé An Dĩ nữa.
Sau một hồi thuyết phục, mẹ đắc ý cúp máy, rồi quay sang cốc đầu tôi, nói: “Em con biết nghe lời hơn con nhiều, thế mới phải đạo chứ.”
Ân Dĩ đồng ý rồi sao?
Con bé này, già dặn quá. Còn một năm nữa mới tốt nghiệp, thế mà đã lo tìm chồng rồi. Chị nó là tôi đây có công ăn nghề nghiệp, có cha có mẹ, một bông hoa cắm giữa nhà, tại sao muốn xuất giá mà chỉ biết tự mình kêu khổ.
Nghĩ lại thấy tủi thân, mẹ rõ ràng thiên vị, chọn cho tôi toàn mấy người tốt nghiệp cấp hai, cấp ba, xuất ngũ hai năm còn chưa tìm được việc, có người lớn tuổi hơn tôi, nhưng lại học dưới tôi một khóa, buồn cười nhất là anh chàng đó kể phải bỏ tiền mới xin được vào trường cấp ba. Tôi hết sức coi thường những người học hành không bằng mình. Suy nghĩ này có từ lúc còn đi học, nên dĩ nhiên việc xem mặt không thành công rồi. Đối tượng đầu tiên giới thiệu cho em gái tôi lại sáng ngời như thế. Con bé Ân Dĩ chẳng qua chỉ trẻ hơn tôi một chút, xinh hơn tôi một chút, cao hơn tôi một chút thôi mà. Thật bất công!
Tôi đã có công ăn nghề nghiệp ổn định, lại lương thiện tháo vát, có khả năng làm người vợ tốt mà.
Suy xét thấu đáo một hồi, bố tôi hỏi mẹ: “Người điều kiện tốt như vậy, sao không tìm được vợ, không phải có vấn đề gì chứ?”
Mẹ cao giọng: “Có vấn đề gì chứ. Người ta lớn tuổi nên chưa tìm được vợ, tất cả đều do chuyên tâm học hành, học xong đâu đấy, nghĩ đã đến lúc tìm đối tượng rồi, nên hơi vội một chút, nhưng người ta không phải không có yêu cầu đâu.”
Không cần nói cũng biết em gái tôi vừa vặn đáp ứng được yêu cầu của đối phương.
“Chị Hoa nói, người ta tìm đối tượng nhất định phải cùng chuyên ngành, cũng phải học y.” Cô Hoa là bạn tri kỷ của mẹ, ngày trước thích làm mối cho tôi, anh chàng chạy tiền để học cấp ba chính do cô giới thiệu.
Chẳng trách giờ lại tìm đến em tôi, chứ không phải tôi, dù sao cũng…
“Điều kiện thứ hai phải còn trong trắng.”
Tôi nhổ vào! Suýt nữa thì nhổ ra thật, mẹ tôi quả sỗ sàng, nói tự nhiên như thể không có gì vậy.
“Thời đại này, ở đâu còn người trong trắng tinh khiết như con gái nhà mình? Nếu chẳng phải lúc nào tôi cũng tuyên bố với bên ngoài rằng nhà ta nề nếp gia giáo nghiêm khắc, người ta tin tưởng nhân phẩm của tôi, thì sao người ta dám tìm đến tận nhà chứ?” Mẹ tôi ngẩng cao đầu, nỗi hận bị chú bác giễu cợt không sinh được con trai mấy chục năm nay như thể được trút ra.
Rõ ràng là tên tiến sĩ kia biến thái mà! Cái con người vốn đang lấp lánh hào quang trong lòng tôi phút chốc vỡ vụn thành đống kính bẩn thỉu. Ai lại nói toẹt yêu cầu muốn tìm trinh nữ ra như thế? Trên báo có đại gia đăng tin tìm vợ, cũng in đậm hai chữ “trinh nữ”, vì thế gây phẫn uất trong dư luận. Tôi thì nghĩ, bất kể đối phương có điều kiện hấp dẫn như nào, bất kể trong lòng họ suy nghĩ ra sao, trước giờ tôi luôn coi thường loại người này, tự coi mình là hoàng đế cao quý vô vàn đi tìm nữ nhân, trong mắt họ chỉ có “trinh nữ” và “phi trinh nữ”, đại gia tỷ phú thì đã sao? Tiến sĩ thì đã sao? Chỉ năm chữ thôi: Nhân phẩm có vấn đề.
Nhưng Ân Dĩ đồng ý rồi, tôi không nói gì cả, dù sao con bé cũng có suy nghĩ và thước đo riêng của mình.
Lên mạng, tôi cố ý tìm kiếm thông tin về vụ bạo động hôm nay, nhưng rất ít tin liên quan. Tôi chán nản nghĩ, Internet không có tốc độ thần kỳ như người ta vẫn nói.
Nhàn rỗi không biết làm gì, tôi lấy di động gửi tin nhắn cho mấy người bạn, toàn mấy câu truyện cười nổ bụng. Vì toàn là truyện tiếu lâm người lớn, nên tôi chỉ dám gửi cho bạn bè. Nhớ lại khi nhận được tin nhắn này, dù có chút xấu hổ, nhưng tôi đã cười cả một ngày trời, mỗi lần nghĩ đến đều không nhịn nổi cười. Đồng nghiệp đều tưởng tôi có vấn đề. Tôi không dám chia sẻ tin nhắn này với họ, giờ đang lúc nhàm chán mới lôi ra gửi cho bạn bè.
Mãi một lúc sau mới nhận được tin nhắn hồi âm.
Là Liễu Huyền, bạn thời tiểu học của tôi, trả lời rằng: Thật có tố chất!
Bỗng lặng người, tôi gửi tin nhắn cho cô ta sao? Hay gửi nhầm rồi? Quan hệ giữa tôi và cô ta không đến nỗi thân thiết, vì thế với bạn bè kiểu này, tôi không đến nỗi tự hủy hoại hình tượng bản thân đến mức gửi tin nhắn kiểu ấy. Tôi vội vàng viết tin nhắn hồi âm, nhưng nghĩ thì thấy không phù hợp lắm, nên đành mặc kệ.
Đang lúc ngơ ngẩn, tin nhắn thứ hai gửi đến, là Tiểu Đao. Cô ấy dễ thương nhất, nói quá lên thì câu truyện này sắp làm cô ấy cười đến phát điên mất. Vì thấy cô ấy cười quá khủng khiếp, nên chồng cô ấy nhanh chóng giật di động xem ké, bây giờ chồng cô ấy cũng đang cười không dứt.
Tôi lại ngẩn người, chồng cô ấy…cũng xem? Sau này tôi còn mặt mũi nào gặp chồng cô ấy đây? Đúng là nhàn cư vi bất thiện, tự mình tạo nghiệt mà.
Rồi đến tin nhắn của Tiểu Điểu, Hà Xứ, Đình Đình, vừa mở một tin, một tin khác lập tức đến hòm thư. Chuông báo tin nhắn liên tục nhắc lại một câu: Tôi nghĩ tôi sẽ độc thân mãi mãi…
Không hổ là bạn bè của tôi, mọi người đều rất khen ngợi. Có đứa còn gọi điện để tôi nghe giọng cười của nó, sau đó, tất cả đều đồng loạt thông báo cho tôi hay, chồng hoặc bạn trai mình còn cười kinh khủng hơn…
Tôi càng thêm rầu rĩ, hơn nữa còn vô cùng đố kỵ. Đến một người cùng đọc truyện tiếu lâm người lớn tôi cũng chẳng có, không ngờ cuối cùng đến một ngày tôi sốt ruột mong mỏi được lấy chòng, cũng như nhiều cô gái khác, tôi khao khát được lấy chồng ngay lập tức!
Trước khi chìm vào giấc ngủ, tôi nói chuyện với Mễ Mễ qua mạng, lần sau, tôi sẽ không kiên quyết phản đối buổi xem mặt mà bố mẹ sắp xếp nữa, phải tìm một người thôi.