Cức Châu có đặc sản táo giòn, là món ăn vặt làm từ táo tàu tươi phơi khô, giòn tan thơm ngọt.
Thôi Minh Húc nếm vài miếng, vị rất ngon, chợt nhớ hình như Tề Gia rất thích ăn vặt. Suy nghĩ dao động, tự mình chọn ba sọt lớn. Sợ bị Tề Gia gửi trả về, đành phải dâng tấu tâu rằng tiến cống vào cung. Dù sao thì hoàng đế đối xử với Tề Gia vô cùng tốt, mấy món này nhất định sẽ không quên để cho Tề Gia một phần.
Tối hắn nằm trên giường nghĩ lại thấy tức, tặng quà cho Tề Gia mà còn phải qua tay tên hoàng đế nọ, nhưng chẳng còn cách nào, ai kêu người ta bây giờ nơi nơi đều đè đầu hắn chứ?
Chẳng bao lâu sau, có thư từ kinh thành. Thôi Minh Húc vừa nghe thông tri, nhảy cao cả ba thước, kích động chạy ra thư phòng nhận thư, gấp đến độ suýt chút nữa vấp phải bậc cửa. Hắn mở lá thư cướp được ra đọc, ra là Ninh Hoài Cảnh gửi tới, như thể khi đói khát khó khăn lắm mới nhặt được một cái bánh bao nhưng cắn vào rồi mới phát hiện ra nó đã bị thiu.
Thôi Minh Húc rủa thầm, đồ sói đuôi bự [1] vô tâm, hắn đến Cức Châu đã được hai ba tháng, vừa gửi đã cho hắn toàn mớ giấy lộn. Chẳng nói được lời hay, câu mở đầu là: “Minh Húc à, cái món gọi là táo giòn ăn ngon ghê, ngươi tiến cống hả? Còn không?”
Hết rồi! Nếu muốn ăn thì tự tới Cức Châu mà hái. Mấy lời lảm nhảm lê thê dài dòng phía dưới cũng lười đọc, Thôi Minh vo lá thư thành một cục muốn quăng đi, chợt nghĩ lại, không đúng à nha, tên hoàng đế này rắp tâm làm gì vậy? Ngay cả tên Ninh Hoài Cảnh ăn no rảnh rỗi cũng có phần, vậy Tề Gia còn được mấy miếng?
Tiểu ngốc tử lại bị bắt nạt rồi phải không? Tâm trạng thất vọng, lại mở lá thư bị vò nát ra, Tề Gia từ đầu chí cuối không hồi âm, không biết y có khỏe hay không, xem ra còn phải moi gì đó từ miệng Ninh Hoài Cảnh mới được.
Nửa đêm, Thôi Minh Húc ngồi trước bàn, đắn đo hồi âm từng chữ một. Không thể nói quá trắng trợn, bằng không ba kẻ bọn họ chắc chắn sẽ cười nhạo hắn. Vò đầu bứt tai chịu đựng gần cả đêm, hỏi loanh quanh luẩn quẩn: “Hai nơi cách nhau vạn dặm không rõ tin tức, chẳng hay bạn bè trong kinh gần đây thế nào? Ngu đệ vô cùng lo lắng. Mong hiền huynh chiếu cố thăm hỏi mọi bề.”
Hoá ra hắn cũng có ngày cúi đầu nhờ vả người khác, không thèm để ý đến sĩ diện, Thôi Minh Húc lòng không cam tình không nguyện, ngoan ngoãn gửi thêm ba sọt táo giòn như trong thư, còn đặc biệt chọn mấy trái to to, vừa nhìn xe ngựa đi xa vừa nghĩ, tốt nhất là không chú ý nghẹn chết ba tên vô lương tâm.
Bồn chồn bất an đợi nửa tháng, thư Ninh Hoài Cảnh lại gửi đến, vẫn là tờ giấy nát mỏng tang như trước, gọi một tiếng “Minh Húc huynh” thật thắm thiết, có thể mường tượng được bộ dạng đắc ý vừa gặm táo giòn vừa đề bút của hắn ta.
Thôi Minh Húc ráng kiềm chế mà đọc, cười nhạt một tiếng. Hay cho tên Ninh Hoài Cảnh quả là giúp hắn tìm hiểu kĩ càng tình hình bạn bè trong kinh dạo gần đây, nào là Từ Khách Thu đang qua lại với cháu gái Hoàng các lão, rồi Giang Vãn Tiều từ Tây Vực về tới kinh thành không mất cọng tóc nào, còn kẻ phá phách nào đó vẫn y như cũ một ngày không ra phố quậy phá thì cả người thấy bứt rứt… A, còn nữa, Xuân Phong Đắc Ý lâu lại có thêm một hoa khôi, tên là Tiểu Thiến, mới mười sáu, tướng mạo có thể gọi là quốc sắc thiên hương khuynh quốc khuynh thành… Hơn nửa trang giấy đều miêu tả gì mà “Tuyệt đại hữu giai nhân”, “Nhất cố khuynh nhân thành”. Đến cuối thư, không mặn không nhạt mà nhắc một câu: “Tiểu Tề đại nhân được điều đến Giang Nam rồi. Ngay sau lúc ngươi xuất kinh. Minh Húc ngươi không biết?”
Sao mà ta biết được? Tay siết lại, móng tay bấu thành hai lỗ lớn trên giấy, Thôi Minh Húc cay đắng. Giờ thì tốt rồi, sáu sọt táo giòn lớn, một trái cũng không đến tay Tề Gia, tất cả đều tiện nghi cho cái đám xem trò hề.
Bên Ninh Hoài Cảnh còn không thấy xấu hổ nhắc ở cuối thư: “Táo giòn ngon thật đó, Minh Húc, còn nữa không?”
Còn muốn ăn, bộ không sợ ăn nhiều tới mục lưỡi à!
Người đàn ông tráng kiện dâng quạt cho hắn hôm trên đồng họ Kim, trong nhà đứng hàng thứ ba, nên có tên là Kim Tam Thủy. Tên rất quê mùa. Cầu điều gì đặt tên nấy, vậy thì sẽ có ngày tâm nguyện thành sự thật. Thôn dân tin vào điều đó. Chuyện này cũng do Kim Tam Thủy nói cho Thôi Minh Húc.
Thôi Minh Húc vừa đến Cức Châu, suốt ngày bôn ba tứ xứ muốn mau chóng quen thuộc sự vụ bản địa. Gặp anh ta tại con đường cạnh bờ ruộng, hắn chậm rãi bắt chuyện cùng Kim Tam Thủy. Hán tử thôn quê tính tình ngay thẳng, trọng nghĩa khí, Thôi Minh Húc nhìn bát rượu quê rót òng ọc, vừa uống vừa trò chuyện. Nguồn gốc bản địa, vùng này đã cho ra đời nhân vật lớn nào, có tập tục truyền thuyết gì… Ngược lại còn đầy đủ hơn cả đám phụ tá trong nha môn.
Thôi Minh Húc vừa nghe vừa nhíu mày: “Nơi này chưa từng giàu có?” Sao toàn nghe thấy mấy chuyện như nạn đói thiên tai?
“Hiện tại không phải tốt hơn trước đây sao?” – Kim Tam Thủy bưng bát rượu uống cạn, rượu chảy khỏi mép bát trượt theo cần cổ ngăm đen xuống lồng ngực rộng mở, hai mắt trừng to như chuông đồng: “Ai cũng nói kinh thành sung túc, tôi không hiểu biết mấy, sung túc không phải là có thể ăn nhiều hơn mấy bát cơm sao? Bằng không thì thế nào được nữa?”
Thôi Minh Húc nghe vậy, không khỏi phì cười: “Đương nhiên không phải.”
“Vậy thế nào là sống sung túc?”
Thế nào là sung túc? Thôi Minh Húc đặt ly rượu xuống tỉ mỉ hồi tưởng: “Không riêng gì ăn no, mà còn chú trọng ăn ngon.”
“Một bữa ăn?”
“Đại loại vậy.”
Kim Tam Thủy lập tức rướn cổ: “Bữa ăn à, vậy ăn xong, mùi vị chẳng phải cũng cùng một dạng như gặm bánh ngũ cốc sao?”
“A?” – Thôi Minh Húc ngẩn ra: “Chung quy… chung quy vẫn khác nhau…” Ngẫm nghĩ một lát, thật ra có hơi giống nhau, hình như bánh ngũ cốc đói hơn chút.
Kim Tam Thủy lại hỏi: “Vậy… Còn cách sống sung túc nào không?”
“Có, chỉ là ngươi không ngờ tới thôi.” – Thôi Minh Húc nói thong thả.
Hồi cha hắn còn sống, đại ca hắn chưa quản giáo được hắn. Có một lần, con trai lớn của ông chủ Tôn của Thái Phong tiền trang chẳng biết từ đâu bắt được một con châu chấu, toàn thân màu xanh ngọc bích, ngóc đầu gáy vang, vừa nhìn đã biết không phải loài tầm thường. Đáng nói hơn là chiếc lồng nhốt con châu chấu được làm bằng bạc, trên mỗi thanh rào chắn tinh tế còn chạm trổ hoa văn, tinh xảo khéo léo. Vừa lấy ra, mấy vị công tử đang ngồi không kìm được xuýt xoa một tiếng.
Thôi Minh Húc cũng nhìn lướt qua, chiếc lồng chim bằng gỗ hồng mộc trong tay mình đương nhiên không so bì bằng. Hắn nổi giận, ba ngày không ra đường. Chờ đến ngày thứ tư hắn xuất hiện lại trước mặt mọi người thì chiếc lồng chim đã đổi, chế tác bằng vàng nguyên chất, tỏa sáng lóng lánh, so với lồng châu chấu chẳng biết to hơn bao nhiêu, bên ngoài lồng khảm đủ loại châu ngọc đá quý, hoa văn khắc trên hàng rào màu sắc đa dạng. Làm cho ông chủ nhỏ nhà tiền trang thấy mà sắp lòi hai mắt ra.
“Thế sau đó?” – Kim Tam Thủy uống một bát rượu, hít hơi hỏi.
Thôi Minh Húc nhếch môi: “Ta chê cách chơi này quá tầm thường, xách ra phố vài lần rồi không biết để ở đâu rồi.”
“Hả?” – Kim Tam Thủy thở mạnh ra: “Đại nhân ơi, người như vậy không gọi là sung túc, mà gọi là hoang đàng! Cái… cái lồng đó, gia đình tôi có thể đủ sống hết cả nửa đời người!”
Suy nghĩ một chút, bổ sung thêm: “Trước khi ta tới đây còn chưa hiểu chuyện.”
“Ngài lại đánh mất một cái lồng vàng nữa?”
“Không, ta đánh mất một người.”
“Ai vậy?”
“Nàng dâu của ta.” Trước kia người ta theo đuổi chạy đến lấy lòng hắn, hắn cứ phớt lờ. Bây giờ thì ngược lại, hắn gào la khóc lóc lấy lòng người ta, cả một cơ hội người ta cũng không cho. Rõ là bị coi thường. Thôi Minh Húc cười gượng: “Không chịu phản ứng gì lại ta hết.”
“Dỗ ngọt đi.” – Kim Tam Thủy lơ đễnh.
“Dỗ rồi, không để tâm đến ta.” – Hắn thật vất vả cũng không nể nang, trăm phương nghìn kế dò hỏi nơi dừng chân của Tề Gia tại Giang Nam, lo trước lo sau, thư gửi đi dày đến độ có thể đè chết con la, một chữ Tề Gia cũng không hồi âm.
Lòng dạ tên ngốc này được lắm, với người ngoài thì chưa từng tuyệt tình như vậy, sao đến phiên hắn lại quyết tuyệt như thế? Thôi Minh Húc cực kì ai oán.
Về tới phủ vẫn buồn bã ỉu xìu. Mới ngồi vững, bả vai “ào ào” rớt một đống bụi, từ mái ngói bị lỏng trên nóc nhà, còn may ở đây không mưa, bằng không nếu có một trận mưa lớn, vậy thì không còn cách nào khô người trong phủ. Thôi Minh Húc phủi đám bụi hân hoan trên vai.
Lúc mới đến còn chưa quen, bộ áo mới bị dơ, sinh hờn dỗi cả nửa ngày. Bây giờ đều quen cả, dơ thì phủi, cũng chẳng có gì to tát. Quản gia nói sắp thu hoạch vụ thu, nhà nhà không rảnh rỗi, đợi thêm hai ngày sẽ tìm người đến sửa. Lại chờ thêm hai ngày, ở đây không thể so với ở nhà, khi mặt hắn tối sầm sẽ có người dỗ dành hắn tiểu tổ tông này tiểu tổ tông nọ.
Thôi Minh Húc cong miệng cười tự giễu, nếu mỗi ngày đều như lúc vừa tới nhìn gì cũng không vừa mắt, liếc gì cũng sẽ nổi nóng, hắn sẽ không làm bất cứ điều gì khác, ngồi ở đây giận dỗi cũng chẳng nổi nữa.
Vươn tay lấy tách trà trên bàn, cạnh tách trà đặt một phong thư, lại là Ninh Hoài Cảnh gửi đến đòi táo sao? Thôi Minh Húc tức giận lườm mắt, đầu ngón tay dừng lại, mắt trong phút chốc mở lớn.
“Loảng xoảng” mu bàn tay run run gạt vỡ tách trà, Thôi Minh Húc vội vàng cầm lá thư muốn gỡ ra, ngón tay run đến không cầm nổi thư.
Trên bì thư màu vàng nâu viết ngay ngắn ba chữ “Thôi Minh Húc”, nắn nót mạnh mẽ, quy củ như đứa bé mới học viết chữ. Trong số người quen biết, còn ai viết chữ ngang bằng dọc thẳng công phu như thế?
Ngây ngất và ngạc nhiên đan xen, ngày cũng mong đêm cũng mong, rốt cuộc đã chờ được, Thôi Minh Húc nhéo mình thật mạnh, nét chữ này, không phải Tề Gia thì là ai?
Tiểu ngốc tử cuối cùng cũng không chịu được nữa, sắp nghiền hắn đến điên rồi. Nếu cứ làm cứng nữa, Thôi Minh Húc sẽ bất chấp đêm ngày lao tới Giang Nam lôi Tề Gia về.
Tờ giấy mỏng được gấp vuông vức, nằm trong tay nhẹ hẫng, đôi tay run chầm chậm mở lá thư, Thôi Minh Húc thấp thỏm phỏng đoán, Tề Gia sẽ nói gì đây? Hẳn là đã tha thứ cho hắn rồi chứ, đã hồi âm, chứng tỏ cuối cùng cũng bằng lòng nói chuyện cùng hắn. Nhất định là đau lòng cho hắn rồi, Cức Châu có chỗ nào mà người ở được? Không biết bên Tề Gia ra sao, thứ sử tân nhiệm của Tô Châu là cái vị trong thư viện nghèo tới nỗi chỉ có màn thầu lạnh mà ăn, cả ngày chỉ biết ôm quyển sách đọc tới đọc lui, tẻ nhạt lại khô khan, Tề Gia sao chịu được gã?
Vừa đoán tay vừa không rảnh rỗi, run rẩy, rốt cuộc cũng xé được một khe nhỏ phía trên để lộ ra lá thư. Giấy trắng mực đen rõ nét đến không thể rõ hơn, ngàn lời Thôi Minh Húc muốn nói đều ào tới cửa miệng.
“Rất tốt.”
Tờ giấy trắng to như vậy bỗng xuất hiện hai con chữ lớn. Nét chữ ngang bằng dọc thẳng, công phu, quy củ như đứa bé mới học viết chữ.
Yết hầu chuyển động, ngơ ngác nhìn thoáng chốc. Chỉ nghe thấy tiếng rào rào, bụi bặm trên nóc nhà rơi xuống tựa thiên nữ rắc hoa.
Quả nhiên bị hư rồi.
Chiếc áo mới giặt sạch hồi hôm qua bị bám bẩn, Thôi Minh Húc mặt dính bụi cầm lá thư, nửa mừng nửa lo.
Thư của Tề Gia bao giờ cũng rất ngắn, hai chữ thành một hàng, không lạnh không nhạt. Thôi Minh Húc nói: “Trời lạnh, nhớ mặc nhiều áo, Giang Nam trời lạnh ẩm, đừng để cảm lạnh.”
Y trả lời: “Vẫn khỏe.”
Thôi Minh Húc lại nói: “Gần đây ở Cức Châu nổi gió to, không biết Giang Nam thế nào?”
Tề Gia trả lời: “Vẫn ổn.”
Hai chữ qua loa xa cách, lạnh nhạt lại khách sáo, những chuyện mào đầu Thôi Minh Húc vắt óc suy nghĩ cứ bị y cứng rắn cắt đứt, một chữ cũng keo kiệt không cho thêm.
Thôi Minh Húc quả thật không tìm ra biện pháp nào khác, dối gạt lương tâm mà khen vị thứ sử tân nhiệm ở Tô Châu, người đồng môn thuở xưa hắn không bận tâm, nức nở: “Đức Lương huynh tấm lòng nhân hậu, chí hướng cao thượng, đôn hậu hiền lương, khiêm tốn ôn hòa, lại thêm tài văn chương ấn tượng, tài giỏi dị thường, tại Tô Châu tất là tấm gương sáng treo cao, yêu dân như con, được vạn dân kính ngưỡng, người đời ca tụng. Thừa lòng hướng tới…” linh tinh lang tang gì đó đầy cả ba trang giấy, vừa tô vẽ vừa giật giật khóe môi, lần này nói chuyện của người ngoài, rồi lại cùng Tề Gia bàn công việc, rốt cuộc còn chừa tí mặt mũi nào cho hắn đây?
Mở thư hồi âm ra đọc, thiếu chút nữa ngất xỉu: “Đúng vậy.” Vẫn là hai chữ, đến ba chữ Thôi Minh Húc cũng chẳng buồn gọi.
Bản lĩnh này Tề Gia học từ đâu ra? Hiển nhiên là có người ra tay dạy bảo.
Thôi Minh Húc xé thì tiếc, không xé thì tức không chịu được, ngón tay siết lại kêu rắc rắc, hướng về nghiên mực trên bàn mà âm thầm thề, đừng để hắn biết là ai đứng sau xúi giục, nếu không về sau nhất định sẽ buộc đá lên gã ta ném vào sông tế Thần Sông!
Khi đặt bút viết thư trả lời vẫn là khẩu khí điềm nhiên như không. Lăn lộn bên ngoài non nửa năm, bản lĩnh hỉ nộ không biểu hiện đã học được đáng kể. Tiếp tục phiếm chuyện cùng Tề Gia:
Cức Châu phạm phải số hạn hán, mỗi năm đều phải lập đàn tế ở bờ sông ngoài thành cúng Thần Sông cầu mưa. Đây là truyền thống tổ tiên để lại, thành tâm cầu xin Thần Sông, Thần Sông sẽ ban cho thức ăn, đời đời đều không dám làm trái. Vì vậy ngày tế thần hằng năm hết sức náo nhiệt. Những ông đồng bà đồng ở tám làng trong vòng mười dặm đều phải tới, ăn vận loè loẹt, cả người cứ kêu leng ca leng keng, trên mặt bên đây một cục đen thùi bên kia một miếng đỏ lét, vượt hơn cả vị Xuân Phong ma ma ở kinh thành. Bọn họ ngươi nhảy cầu hồn ta mời địa tiên, ma quỷ múa may thần phật nhảy nhót, xung quanh vây đầy một vòng người coi chuyện lạ, trong đám đông thi thoảng có đôi ba kẻ bán quà vặt hạt dưa chui ra chui vào, tưng bừng như trẩy hội.
Chờ tiếng kẻng ba khắc báo giờ lành vang lên, bốn bề bỗng chốc trở nên tĩnh lặng yên ắng như ngưng đọng, biển người đông nghịt bên bờ sông đồng loạt quỳ rạp trên đất. Gió xua ngọn lửa đèn cầy lung lay, những tờ tiền giấy trắng phau rơi như tuyết. Thầy tế áo đen tóc tai bù xù, khuôn mặt quỷ quái, lẩm nhẩm niệm chú đem thịt thà rau quả bốn mùa ném vào sông, tiếp đó có một thầy tế cũng quần áo đen ôm hai đứa bé mặc áo đỏ quần xanh, một nam một nữ, độ chừng năm sáu tuổi, chúng sợ đến mặt mũi trắng bệch, muốn khóc cũng không khóc được. Thầy tế giơ bảo kiếm chỉ thẳng bầu trời xám xanh, phía dưới không biết là cha mẹ của đứa bé nào khóc nấc lên, tiếng khóc não lòng giữa tiếng cúng bái…
“Rồi sau đó? Sao lại như thế?” Thư hồi âm lần này đến nhanh hơn thường lệ, Tề Gia sốt ruột dò hỏi.
Thôi Minh Húc nắm chặt lá thư không còn là hai chữ, nhếch miệng đề bút: “Cũng vứt xuống sông.”
“Mỗi năm dìm chết hai đứa bé, sao còn chuyện thế này?” Thư lần này còn tới nhanh hơn lần trước, còn giục Thôi Minh Húc mau hồi âm.
Còn ai hiểu Tề Gia hơn Thôi Minh Húc? Tiểu ngốc tử rất hay tò mò, muốn dụ y nói chuyện không dễ à? Xem đi, chẳng phải hiện tại đã trả lời lại rồi? Thong thả nâng tách trà hớp một ngụm: “Giả thôi, là hình nộm giấy cả.” Nếu mỗi năm ném con nít xuống sông, vậy thứ sử như hắn thành cái gì?
Tối hôm nay Thôi Minh Húc say giấc nồng, mơ về Tề Gia. Tiểu ngốc tử ngẩng đầu cười với hắn, cười đến mức hắn tình tự cuộn sóng, mầm lửa bốc càng lúc càng cao… Sáng sớm hôm sau, trời còn chưa sáng, người đã bò dậy, vừa chà khăn trải giường vừa mắng mình xấu xa.
Sự vụ ở Cức Châu ngày dần bận rộn, chớp mắt sắp đến cuối thu, thu hoạch vụ thu của từng hộ càng thêm cấp bách, Kim Tam Thủy lại không rảnh đến hàn huyên uống rượu với hắn, trên châu cũng gấp rút mở kho trữ lương. Thôi Minh Húc theo mấy huyện thừa ngày ngày bôn ba trên đồng làm quen tất cả công việc nông vụ, đường đất khó đi, chỗ cao chỗ thấp, không cẩn thận tí chút là ngã chổng vó. Nhìn các hương dân lom khom gặt hái, Thôi Minh Húc quả thấy mới lạ nên cũng mong thử một lần. Ai ngờ một liềm lia xuống, lúa bị gặt lởm chởm không đều, như bị chó gặm, bàn tay bị cắt một đường, đau đến nỗi cả người té ngửa lăn quay trên mặt đất.
Đại Ninh triều lấy nông nghiệp làm nền tảng lập quốc, sự vụ các phương lấy nông tang [2] là chính yếu nhất. Đường đường là thứ sử mà ngay cả lúa cũng gặt không xong, truyền ra ngoài sẽ trở thành trò cười. Đám huyện thừa liếc nhau cười như có như không, mặt Thôi Minh Húc nóng rần, một liềm này như cắt vào ngực hắn.
Làm quan đến nay đã gần nửa năm, bạn bè đồng trang lứa dù ít dù nhiều đều có chút tiền đồ. Vị trạng nguyên lang dung mạo xấu xí làm đường muội phu của hoàng đế, học vấn cao, đang ở Hàn Lâm Viện cùng mấy lão râu trắng sửa quốc sử, nghe đâu mấy lão già rất thích hắn ta, khen hắn ta là Văn Khúc Tinh hạ phàm; còn vị bảng nhãn vô danh, đến Quỳnh Châu phá một vụ án lớn, trong một đêm thanh danh vang xa, sẽ chóng trở thành Phương Tái Đạo thứ hai đây; người nay đang ở Tô Châu kia cũng rất tốt, đấy là chốn đất lành chim đậu, năm nay thuế thu được tại Tô Châu đảm bảo sẽ lại đứng đầu cả nước, thành tích lẫy lừng thật!
Quay đầu liếc nhìn phía Cức Châu, nạn hạn hán nghiêm trọng, chỉ bằng từng này lương thực vụ mùa thu, để dân chúng cả châu có chén cơm ăn đã là may mắn lắm rồi, nói gì đến thu thuế? Nơi nghèo mạt thế này, mùa hè đến muỗi cũng không thèm tới thì tìm đâu ra nhiều vụ án? Thành tích lớn duy nhất là đào kênh dẫn nước từ Tuy Giang, mới vừa khởi công, cẩu thả lộn xộn, như cái rãnh nhỏ. Tuy nhiên đó là công lao của thứ sử tiền nhiệm Hứa đại nhân, hắn trắng trợn nhặt một món hời.
Gió cát thô ráp mài mòn từng chút góc cạnh bén nhọn, tính khí cao ngạo của thế gia công tử cũng bị mặt trời chói chang hong khô, chẳng qua lòng tự tôn ngạo mạn vẫn ngất ngưởng đến khó chịu. Ngoài miệng có thể nói một cách không quan tâm: “Vậy sao? A… Ngài ấy à, luôn là người tài ba.” Nhưng trong lòng bực bội muốn chết. Người ta có danh có tiếng, còn mình thì sao cả lúa cũng gặt không xong? Càng nghĩ càng phiền.
Đêm trừ tịch hằng năm, quân chủ theo lệ xưa phải thiết yến đãi quần thần bày tỏ tình cảm quân thần, phàm là quan viên tỉnh ngoài đều sẽ được triệu về đại đô hồi kinh diện thánh. Thôi Minh Húc cứ chờ mãi đến hai mươi chín tháng chạp, thánh chỉ trước sau vẫn không tới. Trầm ngâm ngắm ánh hoàng hôn không sức sống ngoài song cửa, không trở về cũng tốt, với thành tích như vậy, mặt mũi nào gặp người khác? Rồi lại không nỡ, về kinh ít nhất có thể gặp mặt Tề Gia. Đắn đo suy nghĩ.
Khi đón năm mới cùng những hộ dân nghèo cũng cần tâm trạng thư thái, chỉ độc Thôi Minh Húc, một mình cô đơn lẻ bóng, bị cảnh thân nhân đoàn viên làm cho tủi thân. Kim Tam Thủy hào sảng mời Thôi Minh Húc đến nhà họ ăn bữa cơm tất niên, Thôi Minh Húc phất tay khước từ. Gia đình người ta sum vầy vui vẻ, hắn là người ngoài, còn đeo cái mặt như đưa đám, thơm thảo gì nỗi nữa?
Bọn nha dịch và hạ nhân trong phủ đều xin nghỉ sớm, muốn ở bên người thân đón năm mới, phủ đệ rộng lớn trống vắng, tiếng pháo nhà người khác vang vọng, một lần tiếp một lần.
Ngoài cửa sổ sao buồn bóng mờ trăng nhạt nhòa, Thôi Minh Húc trơ trọi nép người bên bếp lửa, nhớ về đêm trừ tịch năm rồi. Pháo hoa ở kinh thành thật rực rỡ, muôn hồng nghìn tía rọi sáng bầu trời đêm trầm lắng, cũng rọi sáng đôi tròng mắt óng ánh của Tề Gia.
Khi đó, hắn đứng bên Tề Gia, nhìn y rướn cổ cũng không cao thêm được mấy. Dòng hải lưu được gió miên man, làm khuôn mặt nghiêng nghiêng bị ánh sáng phác họa một đường cong uốn lượn, từ vầng trán sáng bóng đến chiếc cổ thon gầy. Miệng vì thán phục mà mở khẽ, đèn đuốc cả phố đua nhau thắp lên, trên bờ môi dường như thấy được ánh nước, căng mộng, mang chút ướt át. Dòng người cạnh bên nhộn nhịp, đứa trẻ tinh nghịch nhà ai va vào lưng Thôi Minh Húc, bổ nhào về trước, ôm trọn vào lòng, xúc cảm mềm mại thoải mái, tự nhiên sinh ra cảm giác vừa lòng thỏa dạ.
Thời điểm hiện tại, Tề Gia hẳn đang tham gia buổi tiệc trừ tịch của hoàng đế? Năm ngoái Tề Gia cũng phải dự tiệc, nhưng kết quả lại ở lại phủ cùng hắn đón tân niên. Chẳng biết đứa ngốc này vắt óc suy nghĩ sao để nói dối trót lọt nữa. Tiểu ngốc tử đó, vì hắn mà chuyện gì cũng chịu làm, thật là…
Thôi Minh Húc thò tay vào bếp lửa khời củ khoai môn ra, cảm giác bỏng gắt thuận theo đầu ngón tay một đường tiến lên, như thể muốn cắn đứt mấy ngón tay của hắn. Cẩn thận thổi nguội rồi cắn thử một miếng, hoá ra hoạt động nướng khoai này phải nhiều người ăn mới thấy ngon, ăn một mình chẳng có mùi vị gì.
Trừ tịch năm ngoái, bếp lửa trong phòng cũng cháy đượm như thế, phảng phất mùi khoai nướng. Tiểu ngốc tử uống nhiều rượu, đang ngủ. Khuôn mặt vừa đỏ vừa hiện ra sự mềm mại, dường như có thể bóp ra nước. Thôi Minh Húc vốn muốn nghiêng người nhéo mặt y, dưới ánh lửa, hai khuôn mặt gần kề, ngón tay từ trên mặt lướt xuống môi y. Ngón cái đè lên vuốt nhẹ, cả người đắm chìm trong cảm giác thư thái khó thốt thành lời. Thế nhưng vẫn chưa đủ, vậy nên thân thể lại hạ thấp, mặt càng gần hơn, chóp mũi sắp chạm nhau, nghe tiếng hô hấp lẫn nhau.
Gió Bắc ngoài song cửa rít gào, nhiệt độ trong phòng ngày một tăng. Thôi Minh Húc nheo mắt, tỉ mỉ hồi tưởng dáng vẻ Tề Gia mặc trung y bọc chăn.
Chăn quấn không chặt, lộ ra cổ áo trung y màu trắng bên trong, cổ áo lỏng lẻo, mở một đường rãnh tại cần cổ mảnh, không thấy rõ phần trong, nửa che nửa hở. Bàn tay duỗi ra dém chăn cho y dừng nửa chừng, biển lửa phừng lên, như thể bị xúi giục hắn thò tay vào thăm dò một chút, lại thêm một chút, dưới chăn là quần áo, dưới lớp quần áo là gì?
Đôi tay run rẩy, trước mắt hiện ra một bức tranh khác. Y phục ướt sũng nước hồ dính sát vào cơ thể, kim tỏa phiến và ngọc hồ lô rơi leng keng trên đất, khi đó một cái lướt nhìn ngẫu nhiên, chợt nhớ lại như khắc sâu vào mắt. Mặt Tề Gia nhỏ, nhưng không gầy, nhéo thấy mềm mềm, dẫu vậy cũng không mập, eo ra eo chân ra chân, sờ hẳn là láng mịn như gương mặt.
Thời gian hoang đàng thuở trước đã từng đọc hai ba cuốn sách loại xuân cung đồ, hiện tại những thứ đó xộc lên não. Tưởng tượng chính đôi tay mình thò vào trong áo, từ từ kéo vạt áo ra. Hai tay trượt dần, đầu lưỡi từ môi Tề Gia hướng xuống, cổ, xương quai xanh, tỉ mỉ mà cắn từng miếng từng miếng. Tiếp đó là ngực, đầu lưỡi quay tròn, thân mật mút mát, đôi môi ướt ngậm đầu nhũ ướt át, sau đó nữa là ướt át mà…
Nhớ Tề Gia, nhớ đến nỗi như chìm trong ma chướng, đôi mắt xám dần dưới ánh lửa lò vàng rực.
Bếp lửa vang tiếng “phừng phực”, những tia lửa văng khắp nơi, mấy củ khoai môn còn lại sớm bị nướng khét lẹt, miệng lưỡi Thôi Minh Húc khô khốc.
Sáng sớm mùng một, nhận được một phong thư dày cộm, là một quyển “Tóm lược nông tang” và một lọ thuốc trị thương. Lề sách ghi đầy chú giải, những con chữ bé li ti đẹp đẽ, nắn nót đến mức có thể khiến vị trạng nguyên lang như Văn Khúc Tinh hạ phàm thấy xấu hổ. Lọ thuốc trị thương được đặt ở cửa hàng tên Tế Thiện Đường chốn kinh thành, chính là tiệm thuốc do vị thái y Thôi Minh Húc thường tìm đến xem bệnh mở. Phần tri kỷ này…
Những uất ức ngập lòng đều bị dây pháo khắp cả thành nổ bay không còn một mảnh, Thôi Minh Húc ngoái đầu, quay về phía tấm khăn trải giường vừa phơi khô mà cười đần lại u ám.
Khi Thôi Minh Húc suy sụp nhất, chỉ có Tề Gia nhớ tới hắn.
Mùa đông, sông đóng băng trong suốt tuyết phủ khắp thành. Cố ý xin đại tẩu ở nhà làm tấm áo choàng cho Tề Gia, trên nền vải màu xanh da trời có thêu hoa văn bình an như ý, cổ áo cùng cổ tay áo viền một lớp lông cừu, dày đến nỗi thời tiết lạnh lẽo cũng khoác màu ấm áp. Cức Châu và Tô Châu cách nhau vạn dặm, bên này kèm thêm một phong thư: “Trời rét, nhớ mặc nhiều quần áo, không có việc thì đừng ra ngoài.” Trèo đèo lội suối, băng qua mấy sông sâu lại vượt thêm vài núi ngàn, khi đồ đến tay Tề Gia, tuyết trắng đọng trên nhụy hồng mai đã lặng yên tan chảy, khí hậu thoáng chốc sẽ ấm dần, nếu mặc vào sợ là sẽ hầm đến nổi sảy.
Thôi Minh Húc liếc quần áo trên người, lại nhìn ánh mặt trời rạng rỡ, sầu muộn cứ từng chút từ cõi lòng dâng tràn đuôi lông mày. Quên đi, dù sao thì mùa đông tới cũng có thể mặc.
Lời dù ngắn nhưng nghĩa tình dài lâu. Phong thư khiến người ta canh cánh phải mười ngày nửa tháng mới thong thả mà đến, ngọn gió ở thành Cức Châu đã lẫn mùi cỏ xanh, Giang Nam thì là mưa xuân dai dẳng.
Tề Gia gửi đến hộp bánh ngàn lớp, ngọt ngào, vào miệng là tan, nói là đặc sản nổi tiếng của Tô Châu.
Thôi Minh Húc nâng chiếc hộp gỗ gia công khéo léo, như thể quay về với thời gian Tề Gia ngày ngày cầm hộp thức ăn đến Thôi phủ tìm hắn. Gió xuân thổi hơi, màn cửa dìu dặt, thoáng qua, tựa như thực sự sẽ có một bóng dáng màu lam tung tăng bước vào, dây tóc màu xanh biển bị gió hất tung, đánh một vòng cung trên đầu.
Cẩn thận mở hộp gỗ, đập vào mắt là một màu trắng như tuyết. Đường sá xóc nảy, cho dù điểm tâm ngon cũng bể vụn thành bột. Thôi Minh Húc than thầm, dùng ngón tay dính chút ít cho vào miệng, ngọt ngào, từ đầu lưỡi trào xuống đáy lòng. Tìm một chiếc thìa nhỏ múc từng muỗng từng muỗng mà ăn, vị cũng khá ngon, chẳng qua có hơi khô, bệt thành mảng dính vào họng.
Không sót chút nào, cả hộp vụn bánh đều bị hắn nuốt hết. Thôi Minh Húc vẫn thấy chưa đủ. Trong hộp lăn ra mấy viên kẹo bánh ú [3] và một hình nộm bằng đường [4] đã biến dạng không còn ra hình người. Thôi Minh Húc dùng tay ước lượng, rồi nhét viên kẹo bánh ú vào miệng. Ngẫm nghĩ về hình nộm bằng đường kia, nó là ai đây? Là Tề Gia hay Thôi Minh Húc? Hình nộm bằng đường biến dạng không nhận rõ đâu là đầu mình, màu xanh xanh đỏ đỏ lẫn lộn, nhìn thế nào cũng không ra hình dáng. Dù sao thì nó dùng để ăn, ăn trước đã rồi tính. Nhét cả con hình nộm bằng đường vào miệng, ngọt đến độ răng cũng mềm nhũn.
Ngày hôm sau, cổ họng bắt đầu nghịch ngợm, nói một câu thì ngừng lại ho ba lần. Kim Tam Thủy lo lắng vỗ lưng giùm: “Sao thế này? Bệnh à?”
Thôi Minh Húc bị anh ta vỗ đến đau lưng, vừa xua tay vừa khàn giọng trả lời: “Không sao, ăn ngọt nhiều, khô họng thôi.”
Biện bạch thay bản thân, chuột nhắt phá phách trong phủ, đồ chừa lại để bị chuột tha đi, không bằng cứ một hơi cho hết vào bụng. Quà Tề Gia gửi đến, ai dám cướp với hắn?
Giàn dưa chuột trước viện trổ nhánh xanh mượt, non mơn mởn khiến người ta không nỡ sờ; gió cát vào đầu xuân năm nay ít hơn nhiều so với năm ngoái, có thể sẽ là một năm bội thu; Thôi Minh Húc xắn tay áo đứng ngoài thành nhìn người dân đào sông, cuốc va vào đá vang tiếng “lạch cạch”.
Tề Gia gửi thư kể, trên đường đi hội chùa mua về một tán dù, khung dù làm từ trúc tím, từng thanh trúc bóng nhẫy. Thôi Minh Húc bắt đầu hoài nghi vô cớ, hay là còn có một kẻ khác cùng đi chung hội chùa, sáng nay lại nhận được đồ bên Tô Châu gửi đến. Là một cây dù mới, khung dù bằng trúc tím, từng thanh trúc bóng nhẫy. Đồ ngốc này, Cức Châu một năm mưa bao lần? Vậy mà khóe môi không kềm được cứ cong lên, hiếm khi mưa không đồng nghĩa không bao giờ mưa, dù gì cũng dùng được.
Vì thế, tâm trạng tốt, Thôi Minh Húc vồ lấy cái cuốc trong tay hương dân, cũng hí hoáy được đôi ba cái có hình có dạng.
Thời vận đổi dời, có may mắn cũng không khống chế được. Chưa quá hai ngày, thành Cức Châu đổ một cơn mưa lớn. Thôi Minh Húc nghe tiếng mưa rơi rào rào vui mừng khôn xiết, không có việc bận cũng lấy tán dù mới muốn tản bộ đôi lát. Tới trước cửa bung dù mới ra nhìn, trên mặt vải dầu những lỗ thủng to bằng móng tay cái lỗ này tiếp lỗ kia, nhìn như sao trên trời. Trên khung dù bằng trúc tím sáng bóng cũng vết nối vết răng chuột.
Thôi Minh Húc tức giận thiếu điều lật tung phủ đệ cũ kĩ già nua lên trời.
Cứ thế này mãi cũng không phải là cách, chỉ dựa vào vài phong thư, một năm nói được bao nhiêu chuyện? Cũng không thể cứ ôm mấy bức thư nằm trong chăn. Thôi Minh Húc có hơi rầu rĩ, thế là dốc hết tâm tư vào việc kênh đào, khi cần thiết thì bản thân cũng nhảy xuống cuốc đôi lần. Chỉ cần con kênh này thông, dẫn nước sông vào Cức Châu tưới tiêu ruộng đồng, lương thực thu hoạch sẽ được nhiều thêm, đến lúc đó ít nhiều cũng là một thành tích.
Lúc không ai, Thôi Minh Húc cứ gảy tới gảy lui cái bàn tính nhỏ của mình, con kênh này nói sao cũng phải tu sửa một hai năm, sau đó chờ hoa màu gieo mầm, đâm chồi, nảy lộc, kết hoa, chín muồi… lại khoảng hơn nửa năm. Đến lúc đó, ừm… con của Tề Gia hẳn đã biết nói.
Còn có người ngại chuyện chưa đủ nhiều, gió xuân ôn hòa ở Tô Châu thổi rồi thổi rồi thổi tới kinh thành, lại thổi lại thổi lại thổi tới Cức Châu chốn núi cao hoàng đế xa: Tiểu Tề đại nhân đại hỉ! Hoàng thượng sủng ái y, chuẩn bị phải tứ hôn! Đối phương chín mươi chín phần trăm là em gái ruột của Lý đại nhân thứ sử Tô Châu!
Hừm! Lời đồn vô căn cứ mà còn truyền tai nhau sinh động như thật: “Phương danh cô nương ấy là Thúy Lung, năm nay mười sáu, tuổi tác vừa tròn. Dung mạo thanh lệ, hiền thục nho nhã. Lại thêm tài thêu thùa giỏi, năm đó khi Lý đại nhân còn chưa có chuyện mừng, toàn dựa vào cô em gái này may vá duy trì kế sinh nhai, thật là người cần kiệm biết lo cho gia đình.”
Thôi Minh Húc sầm mặt, xé thư Ninh Hoài Cảnh thành từng mảnh xuống chân đĩa nến, nếu tốt như vậy sao ngươi không cưới?
Lại dữ tợn mà nhớ tới, cái dạng nghèo mạt bảo thủ xanh xao vàng vọt như Lý Đức Lương thì em gái căng mọng được chỗ nào? Thêu thùa giỏi, ta hận, cũng không phải tìm nha đầu may vá, thêu đẹp đến mấy cũng không bằng người đứng đầu cửa tiệm. Về khoảng cần kiệm lo cho gia đình, hôm nay bớt một miếng thịt, ngày mai xén một thước vải, đây là sống sao? Cưới vợ hay cưới hầu gái già đây? Tề Gia phối với cô ta, cuộc sống không biết khổ đến thế nào nữa.
Còn tên Lý Đức Lương kia, mắt nhìn người quả không tệ, biết Tề Gia tốt, nhưng hắn ta sao không mở to hai mắt ra mà xem, đằng trước Tề Gia còn đứng sờ sờ Thôi Minh Húc hắn mà! Xoay vòng thế nào cũng không tới lượt muội muội nhà hắn ta.
Càng nghĩ càng thấy tối tăm, tay thêm lực, xé thành từng mảnh nhỏ, cái tên mặc hoàng bào ngồi trước long đình, cả kẻ đứng đầu khi thượng triều, còn có đám mù lòa châm ngòi thổi gió vô góp vui, lại thêm tên Lý Đức Lương hiện tại lòng mang ý xấu, một đám nhảy ra cản đường Thôi Minh Húc. Người xưa đều nói thấy tháp cao, lầu gác thì phải đem người sống tuẫn táng chôn vào đất mẹ, có vậy, lầu các bên trên mới không sụp. Lần sau tìm cơ hội, đem toàn bộ đám người này chôn thây dưới con kênh ngoài thành Cức Châu, bảo đảm nước sông chảy như thoi đưa không bao giờ cạn.
Việc này mặc kệ có hay không thì đều nhanh chóng thức tỉnh Thôi Minh Húc, chung quy phải cột Tề Gia vào bên người mới tốt, bằng không, không chừng sẽ xảy ra chuyện.
Đêm đen sâu lắng, âm thanh mọi bề tĩnh lặng, chỉ có cửa sổ thư phòng hộ nọ còn sáng ánh đèn mờ, một bóng đen hắt lên song cửa giấy, hung dữ ác độc. Tiếng xé giấy roẹt roẹt roẹt vang lên cả đêm.
Hai đóa hoa vàng óng nở trên giàn dưa chuột, uể oải mà gục đầu. Thôi Minh Húc gục đầu ngồi trong phòng, uể oải. Thử viết lá thư về hỏi đại ca hắn: “Vùng Giang Nam có còn chỗ khuyết?”
Ít hôm sau thì có người mang lời nhắn của Thôi Minh Đường đến: “Đồ không biết trời cao đất dày! Đệ ở Cức Châu làm được trò trống gì mà đã muốn kén cá chọn canh!”
Dạy bảo đến mức Thôi Minh Húc không thở nổi, nửa chữ cũng không dám trả lại. Ngày ngày chạy ra đường kênh ngoài thành xem xét, hận không thể trong một đêm, vung cuốc lên, con kênh hoàn công, hắn thì có vốn liếng lên kinh thành mặc cả với hoàng đế. Những thứ khác hắn không cần, hắn chỉ muốn đi Tô Châu, Tề Gia đi đâu hắn theo đó.
Khi đang chán nản, kinh thành đưa thư tới, trưởng công tử Thôi gia tấu xin thái hậu, gần đến ngày giỗ của lão gia nhà họ Thôi, khẩn cầu triệu ấu đệ Thôi Minh Húc trở lại kinh thành bái tế vong linh cha già. Thái hậu cảm động trước tấm lòng hiếu thảo, hạ chỉ ân chuẩn.
Thôi Minh Húc nghe xong, ngây người trước đóa hoa vàng trên giàn, bái tế vong linh của cha là cái cớ, để hắn về kinh thì là thật, nhân tiện cũng cho hắn cơ hội đi đường vòng đến thăm Tề Gia. Đại ca này của hắn à, không biết hắn đòi đến Tô Châu để làm gì, vậy mà cứ vắt óc tìm cách lo liệu giúp hắn… Vẫn cứ mạnh miệng mà mềm lòng.
Một đường về hướng Đông, nhắm mắt rồi lại mở, gỗ hồ dương méo mó gớm guốc biến thành liễu thuỷ khúc thướt tha yêu kiều. Mấy thành trấn lớn trên đường đi có người kết bạn dạo chơi đạp thanh, tiếng cười vút qua kiệu Thôi Minh Húc, sự phồn hoa náo nhiệt của phố xá sầm uất phả vào mặt. Thôi Minh Húc tựa người trong chiếc kiệu lắc lư trái phải, nhất thời không rõ đang mơ hay thực.
Giữa đường nghỉ chân tại quán trà của Ngọc Phiêu Phiêu, Ngọc Phiêu Phiêu đã sinh con, trông tiệm đổi thành Vu Giản Chi.
Đám khách quen hỏi: “Bà chủ sinh nam hay nữ?”
Vu Giản Chi đáp: “Là con trai.” Người đọc sách đoan chính nhã nhặn, ngay cả vui mừng cũng xấu hổ ngại ngùng.
Mọi người đều chắp tay chúc mừng, Vu Giản Chi đỏ mặt, lúng ta lúng túng suýt chút để ấm đồng làm phỏng tay.
Thôi Minh Húc ngồi một bên cười nhạt, Vu Giản Chi vừa chuyển mắt liền nhìn thấy hắn.
Thôi Minh Húc thấy cậu ta nhìn về phía mình, cũng quan sát cậu ta nửa khắc, chớp chớp mắt, nở nụ cười. Thấy Vu Giản Chi còn ngẩn ra, không khỏi cảm thán trong lòng, lúc này nếu Tề Gia ở đây thì tốt biết bao, thật ra Thôi Minh Húc hắn là người cầm được thì cũng buông được, có thể cười xua tan oán hận với Vu Giản Chi. Kẻ nào xuyên tạc nói hắn keo kiệt?
Vu Giản Chi nói: “Tiểu Tề…”
Thôi Minh Húc trừng mắt.
Mọt sách chìm ngập nơi quán trà khách đến người đi một khoảng thời gian, vội đổi giọng: “Tiểu Tề đại nhân…”
Nước trà nóng hổi mới đun chạy xuống cuống họng, bỏng đến nỗi Thôi Minh Húc nói không được: “Khụ… Ai?”
“Tề Gia đó.”
Vu Giản Chi còn chưa dứt lời, Thôi Minh Húc bỗng đứng bật dậy chạy vội ra ngoài. Tên hoàng đế này lại triệu y làm gì? Ba ngày triệu kiến hai lần, thái giám cung nữ văn võ bá quan đều chết sạch rồi à? Cũng không nhìn lại bản thân, vừa nghe nói Tề Gia ở đằng trước, kiệu cũng không ngồi, trèo lên lưng ngựa đuổi theo.
Tiếng vó ngựa phía sau càng ngày càng gần, bỗng nhiên một tiếng hí vang lên, đánh thức Tề Gia đang ngái ngủ. Ý thức được kiệu đã ngừng, Tề Gia xốc mành kiệu nhìn ra ngoài, có người hoành uy lập mã đứng trước kiệu, ánh mặt trời chói lòa rắc xuống, khảm trên gương mặt người ấy, không thấy rõ diện mạo. Tề Gia giơ tay muốn dụi mắt, tay mới nâng đến giữa chừng, cổ tay đã bị nắm chặt vững vàng.
“Cổ tay sao gầy thế này? Có phải tên họ Lý không cho ngươi ăn không?”
Nét mặt khí khái hơn người và giọng điệu nói chuyện quen thuộc như làn gió cùng nhau lùa vào trong kiệu, Tề Gia há hốc miệng, đần người.
Chú thích:
[1] Sói đuôi bự: chỉ những kẻ thiếu hiểu biết giả bộ biết tuốt, vờ như người lớn, đôi khi còn chỉ đối tượng yêu đương vô lương tâm.
[2] Nông tang: nghề làm ruộng và nghề nuôi tằm.
[3] Kẹo bánh ú: là một loại đặc sản của Tô Châu có hình dạng y như bánh ú, được làm từ kẹo mạch nha và có màu hổ phách.
[4] Hình nộm bằng đường: là một loại kẹo của người Trung Quốc làm bằng đường hoặc mạch nha, tạo thành hình người, con vật, hoa cỏ,… và có thể ăn được.