Vĩnh Dạ

Chương 29: Mười ngày trong núi



Tình cờ khi viết truyện, tôi gia nhập hàng ngũ các tác giả trên mạng, cuộc sống cũng thêm nhiều niềm vui. Sự thực là trước khi xuất bản "Duyên kỳ ngộ", tôi đã từng viết ba tiểu thuyết hiện đại là "Mùa tuyết rơi", "Gặp em dưới mưa xuân" và "Sắc thu". Tới giờ, tôi vẫn cảm thấy "Duyên kỳ ngộ" là một cuốn tiểu thuyết rất "đơn thuần", hoàn toàn không nghiên cứu về các kiến thức lịch sử, cũng không phải vắt óc ra suy nghĩ âm mưu, bẫy rập, tình cảm là chủ yếu, mọi người đọc chơi để thả lỏng tâm trạng. Được rất nhiều độc giả yêu thích, tôi cũng thấy vui.

Nói ra, sự nghiệp viết lách của Trang Trang khá là thuận lợi, mọi người cũng rất ủng hộ. Sau "Duyên kỳ ngộ", liên tục xuất bản "Mưa nhỏ hồng trần", "Gặp em dưới mưa xuân - Mùa tuyết rơi" và "Hoàng hậu xuất tường ký", thêm vào đó là bộ "Vĩnh Dạ" này, tổng cộng tới nay đã xuất bản năm cuốn tiểu thuyết.

Vẫn luôn hi vọng mỗi câu chuyện lại mang một phong cách khác nhau.

"Mùa tuyết rơi" khá nặng về tình cảm; "Gặp em dưới mưa xuân" là một tác phẩm hơi hướng hài hước, "Sắc thu" là kiểu gương vỡ lại lành; "Duyên kỳ ngộ" và "Hoàng hậu xuất tường ký", một là xuyên không, một là đề tài lịch sử.

Còn khi viết "Vĩnh Dạ", tôi muốn viết một câu chuyện khác biệt và một nữ chính đặc biệt, thế là tôi bèn dồn tâm trí hư cấu về tính cách nhân vật.

Trong truyền thuyết, trên đường đi xuống hoàng tuyền có một loại hoa gọi là Bỉ Ngạn, ngàn năm mới trổ hoa, ngàn năm mới rụng lá. Hoa đỏ rực như máu chảy, ngửi thấy hương thơm có thể đánh thức ký ức của con người về kiếp trước. Kiếp trước của nữ chính Vĩnh Dạ là một nam nhân, bị bạn bè bán đứng nên chết trong tù, trên đường xuống hoàng tuyền đã vô tình hái một bông Bỉ Ngạn, mang theo ký ức của kiếp trước để đầu thai chuyển thế.

Kiếp trước Vĩnh Dạ là một nam nhân, là một sát thủ. Tình cờ, sau khi chuyển thế nàng không đánh mất ký ức về kiếp trước. Vậy thì ở kiếp này nàng sẽ như thế nào?

Nàng sẽ rất mâu thuẫn, sẽ vì sự khác biệt giới tính mà trở thành một tổng thể mâu thuẫn. Ví dụ tâm lý nam tính sẽ khiến nàng yêu thích mỹ nữ, làm việc quyết đoán, lý trí. Thân phận sát thủ kiếp trước sẽ giúp nàng có khả năng phán đoán chuẩn xác và một bộ óc bình tĩnh, thậm chí còn rất giỏi ngụy trang bản thân. Mà kiếp này, nàng lại là một mỹ nhân (đó là trò đùa ác của Trang Trang, thích mỹ nhân, mỹ nam, mọi người có thể bỏ qua), vậy thì nàng sẽ có tình yêu như thế nào? Như trong tác phẩm, tâm tư của nam nhân nàng nhìn thấu như một trò chơi, người muốn theo đuổi nàng chẳng dễ dàng gì. Tôi cũng rất tò mò, rất muốn biết nam nhân như thế nào sẽ theo đuổi được nàng. Nàng làm thế nào để khắc phục trở ngại tâm lý của mình, thích một nam nhân?

Trong chương 18 của tác phẩm, "Phụng chỉ nghị hòa" có một chi tiết nhỏ, Nguyệt Phách dùng tay nâng cằm nàng lên, Vĩnh Dạ thấy ngạc nhiên, nam nhân nâng cằm nàng? Kiếp trước chỉ có nàng quen nâng cằm người khác. Vậy thì sau này nam chính phải làm thế nào mới khiến nàng bối rối?

Có độc giả cảm thấy vì sao tự nhiên Vĩnh Dạ lại biến thành nữ? Đó không phải là một sự thay đổi đột ngột, nó đã bắt đầu ngay từ chương đầu tiên. Trong chương này, Cửu Cửu gầm lên với Lý Lâm rằng: "Hồng nhan họa thủy!"

Ở chương thứ hai có một đoạn: "Tinh Hồn lặng lẽ nằm trong bóng tối, cuối cùng cũng có thể thoải mái ngủ một giấc.

Suốt một năm sống trong cốc, nó gần như không được ngủ một giấc yên ổn. Sự tò mò về thân thể và về thế giới này cùng với lời nhắc nhở của Ảnh Tử rằng không bao giờ được lơi lỏng cảnh giác."

Đó là câu hai tầng nghĩa, cũng chỉ ở sau này, khi thân phận nữ của Vĩnh Dạ ngày càng bộc lộ, đọc lại chúng ta mới hiểu. Sự tò mò đối với thân thể, không được ngủ một giấc yên ổn, đó đều là nguyên nhân khiến Vĩnh Dạ sau khi biến thành nữ không dám bộc lộ giới tính của mình.

Sáu năm, Ảnh Tử ở trong cốc với Tinh Hồn một năm, Tinh Hồn có thể đảm bảo rằng trong suốt một năm này, Ảnh Tử không hề biết bí mật dưới gan bàn chân mình, không tắm một lần nào ư? Người trong cốc biết hàng ngàn được trẻ này, số sống sót được không nhiều, thế nên cũng chẳng buồn xây nhà tắm. Nhưng năm năm trước thì sao? Tinh Hồn sống ở nơi nào, không ai từng nhìn qua thân thể này sao? Tinh Hồn không tin.

Câu này chính là cách giải thích vì sao Du Li Cốc không biết Vĩnh Dạ là nữ.

Ảnh Tử đưa nàng vào sơn cốc là vì biết kế hoạch của Du Li Cốc, nhân tiện đưa Vĩnh Dạ về bên vợ chồng Đoan Vương, Ảnh Tử luôn bảo vệ nàng. Sau đó có giải thích câu nói ban đầu Ảnh Tử với nàng. Hơn năm tuổi Vĩnh Dạ đã vào sơn cốc, sau đó ở gần một năm, trong một năm này nàng không hề tắm, tất cả đều trôi qua rất thận trọng. Một đứa trẻ bẩn thỉu, thêm vào đó là sự bảo vệ đặc biệt của Ảnh Tử, nàng đã thành công che giấu thân phận mình.

Thế nên trong gian thạch thất tối tăm tôi đã viết: "Tố chất sát thủ từ kiếp trước mà bình thản sống trong bóng tối. Tinh Hồn cứ đi theo đường thẳng, từ đầu này sang đầu kia, không ngừng suy nghĩ về tương lai, không ngừng tự nhủ với bản thân, mình không còn là Lý Lâm nữa."

Thanh y sư phụ đã nhận ra, và biết nhiệm vụ lần này là đánh tráo Thế tử Vĩnh Dạ là nữ, bởi vậy ông không muốn.

Khi rời sơn cốc, khi cáo biệt Thanh y sư phụ.

"Thanh y nhân đưa ánh mắt phức tạp nhìn đôi mắt trong sáng của Tinh Hồn, giơ tay ra cài lại cổ áo cho nó: - Chỉ những kẻ không đàng hoàng mới để hở cổ áo vào mùa đông, ngực áo vào mùa hè, mới bé tí đừng có học theo thói hư bên ngoài."

Đó là câu nói nhắc nhở Tinh Hồn chú ý thân phận của mình, đồng thời nhắc nhở, nếu bị phát hiện thì hãy trốn đi. Đất trời rộng lớn, không phải chỉ có mỗi An quốc. Với võ công của Vĩnh Dạ thì đủ để nàng bảo vệ bản thân.

Sau khi tới Đoan Vương phủ, khi Vĩnh Dạ nghe nói Lãm Thúy sắp gả cho Lý Ngôn Niên, nàng rất buồn. Tôi đã viết: "Vĩnh Dạ sực tỉnh, sao giờ nó lại dễ mềm lòng thế nhỉ, đến một thị nữ mà cũng muốn bảo vệ? Sự thay đổi mà bản thân không ngờ tới này nhất thời khiến nó thấy buồn bã."

Sự mềm lòng này là tâm lý bẩm sinh của nữ nhân. Vĩnh Dạ vẫn đang trong quá trình thích nghi.

"- Ôi thêm vài năm nữa thiếu gia thành người lớn rồi, không biết nữ nhân như thế nào mới xứng với người nhỉ! - Nhân Nhi nhanh nhạy để ý thấy sắc mặt Vĩnh Dạ trở nên khó coi bèn vội vàng lảng sang chuyện khác."

Còn biểu hiện của Vĩnh Dạ là: Đứng bật dậy, rảo bước ra ngoài.

Ra tới ngoài sân, Vĩnh Dạ nhìn hoa mai mà ngâm hai câu thơ: "Xương cốt đã tan lâu. Tâm còn chi muốn nói". Đây là câu thơ trong bài "Liên vũ độc ẩm" của Đào Uyên Minh, ý của nó là, chỉ cần tinh thần vẫn còn thì dung mạo thể chất thay đổi thì cũng có sao đâu?

Sau đó, nàng cố gắng nghĩ tới những chuyện vui vẻ: "Thuyền tới đầu cầu tự nhiên thẳng, nay Vương phủ này chứa đựng vô số bí mật, coi như là mình tìm kiếm báu vật sẽ thấy vui hơn. Huống hồ làm Thế tử quyền thế nhất của An quốc, làm công tử phong lưu nhất đất Kinh đô chắc chắn cũng có rất nhiều lạc thú."

Thế nên, sở dĩ để nàng có ký ức sát thủ ở kiếp trước chính là vì muốn tâm trí nàng cứng rắn hơn người bình thường, dễ thích nghi với thế giới này hơn.

Nếu không, tôi đã chẳng cần viết đoạn dẫn.

Sau đó là tình tiết nhận cha mẹ vô cùng rõ ràng. Đánh chết nàng cũng không chịu cởi quần ra để chịu đòn. Mà khi đánh xong, biết rằng sẽ bị ngự y trong cung nhận ra, thế nên Vĩnh Dạ sẵn sàng đánh cược. Lớn tuổi hơn một chút, nàng nghĩ có lẽ không giấu được nữa, chi bằng đánh cược nàng là con gái ruột của Đoan Vương, nếu thế, nàng sẽ đi làm nội ứng cho Đoan Vương.

"- Phụ vương, về nhà thôi! - Vĩnh Dạ nói khẽ, ánh mắt tràn đầy vẻ dựa dẫm, nhưng lại không cất nổi một bước chân."

Ánh mắt ấy hình như mang cảm giác cha con đồng lòng, thế nên Đoan Vương lập tức bối rối.

Sau đó càng viết rõ ràng hơn.

"Nó liếc nhìn tấm vải mỏng đắp trên người, bất giác mặt đỏ bừng, cảm thấy không tự nhiên."

...

Vĩnh Dạ nhớ lại gian thạch thất tối tăm, nhớ lời Thanh y sư phụ nói khi chia tay, nhớ tới mấy năm trước khi Ảnh Tử đưa mình vào cốc, buồn bã nói: - Người biết thì không nói, người... người đưa con tới thì không biết, cũng không nghĩ thế bao giờ.

Đoan Vương bật cười sảng khoái, cười cho tới khi Vĩnh Dạ thẹn quá hóa giận, lườm ông: "- Có gì mà cười? Khi đó con còn nhỏ, không phát hiện ra thì có gì lạ? Con vốn ở trong thạch thất ba năm trời, tối tăm quanh năm không thấy mặt trời, ai mà biết cơ thể con trông như thế nào, ai mà biết ở chân con còn có đóa hoa!"

...

"- Con thấy cha đánh mạnh lắm, nếu không phải vậy thì làm gì có chuyện con cho cha nhìn thấy... nhìn thấy bông hoa đó? - Mặt Vĩnh Dạ lại đỏ bừng."

"Nhìn thấy" và "...", nội dung nên điền vào có lẽ là nhìn thấy thân thể con", Vĩnh Dạ đỏ bừng mặt, ngượng ngùng chuyển thành "đóa hoa ở chân".

"Vương phi quay đầu lại, quát lớn: - Nghĩ gì thế hả? Bé tí mà ranh ma, sau này chẳng biết ai mới trị được con!

Vĩnh Dạ thấy Vương phi cười thì hừ giọng: - Nếu chịu cho con tát một cái rồi đem đi khắp nơi khoe khoang thì con sẽ phục."

Nói rồi đỏ mặt nằm xuống giường - đó là thái độ xấu hổ rất rõ ràng của con gái.

Nàng vẫn ngượng ngùng khi đối diện với thân phận nữ nhi này, điều đó chứng tỏ, ngoại trừ Ảnh Tử và Thanh y sư phụ, người của Du Li Cốc đều không biết chuyện.

Còn về việc có bạn hỏi "ngày đèn đỏ" của nàng thì làm thế nào? Nếu Vĩnh Dạ bình thường thì cũng phải sau mười hai tuổi. Lúc này nàng đã nhận mẹ, việc này không cần viết kỹ nữa - tôi cũng đã viết Ảnh Tử bắt nàng đi đại tiểu tiện cùng một lúc, uống ít nước rồi mà! Nếu bắt tôi viết kỹ nàng đi vệ sinh thế nào thì Trang Trang thực sự cũng bó tay.

Để người của Du Li Cốc không biết nàng là nữ, ngay từ đầu Trang Trang đã sắp xếp cho nàng sống ba năm trời trong thạch thất ở Du Li Cốc, mà Thanh y sư phụ phát giác việc này vẫn không nói ra ngoài. Thế nên Vĩnh Dạ vô cùng may mắn. Nói nhiều như thế, chẳng qua chỉ muốn chứng minh một điều, không phải đột nhiên Vĩnh Dạ biến thành nữ!

Hy vọng mọi người thông cảm, Trang Trang viết trên một góc độ khác, cũng hi vọng câu chuyện thêm phần hấp dẫn, chỉ thế mà thôi.

Có thể khi bạn cầm cuốn sách này trên tay sẽ hoài nghi, đây phải chăng là tiểu thuyết đam mỹ? Trang Trang đảm bảo, chắc chắn là không phải.

Lời quảng cáo cuối cùng: Tác phẩm của Trang Trang đều là tuyệt phẩm!

"Vĩnh Dạ" sẽ mang tới cho các bạn một câu chuyện vô cùng đặc sắc.

Ngắm gương mặt đang say ngủ của Vĩnh Dạ, chàng cúi đầu, khẽ lướt qua đôi môi mềm mại như hai cánh hoa kia rồi chuyển lên vầng trán nàng, nhẹ nhàng đặt xuống một nụ hôn.

Năm mươi dặm ngoại thành có một dãy Di Sơn kéo dài hàng trăm dặm, thế núi hiểm hóc, cao ngất trời, nhiều đỉnh nhọn vực sâu, là nơi nổi tiếng với cảnh hoàng hôn, xuân sắc hay mưa thu.

Di Sơn nổi tiếng không chỉ vì những phong cảnh ấy mà còn bởi ngôi chùa Khai Bảo đã hàng trăm năm tuổi ngụ nơi đây.

Tiết xuân tháng Ba, khách vãng lai đạp thanh ngắm cảnh, dâng hương lễ thần vô cùng tấp nập. Hôm đó dưới chân núi đột nhiên xuất hiện một đoàn quan binh, du khách đều vội vàng tránh đường.

Trong đội ngũ có một người mặc mãng phục[1], ngồi trên lưng ngựa, thi thoảng lại cúi xuống nói chuyện với người trong kiệu. Có người nhận ra người kia chính là Đoan Vương Lý Cốc, vậy thì hẳn nhiên người ngồi trong kiệu là Đoan Vương phi.

Gần đây có tin từ Trần quốc gửi về, đội sứ thần An quốc bị đột kích, hàng trăm Báo Kỵ không ai sống sót, Vĩnh An Hầu thì chẳng rõ tung tích, chúng nhân không khỏi lắc đầu thở dài thay Đoan Vương.

- Vĩnh An Hầu bị đột kích ở dịch quán, Trần quốc có phải đã quá sơ suất không? – Có người nói vậy.

Có người hừ mũi:

- Coi An quốc chúng ta là bọn ngốc sao? Rõ ràng là nước Trần ngang nhiên sát hại sứ thần nước ta!

- Ngươi tưởng nước Trần là lũ ngu chắc? Muốn giết người mà lại giết ngay ở cửa nhà mình ư? Nghe nói thích khách đó là cao thủ nổi tiếng thiên hạ Phong Dương Hề đấy!

Đoan Vương phi ngồi trong kiệu loáng thoáng nghe thấy những lời bàn tán, không kìm được, nước mắt lại tuôn trào.

Trần quốc gửi thư tới, nói Phong Dương Hề nửa đêm xâm nhập vào dịch quán tiêu diệt đội Báo Kỵ, phóng hỏa đốt Yên Vũ Lầu, bắt cóc Vĩnh Dạ. Nay một tháng đã trôi qua, Phong Dương Hề và Vĩnh Dạ vẫn không biết ở nơi đâu, điểm lại thi thể thì thiếu mất Ỷ Hồng và Lâm Đô úy. Triều đình thất kinh, gửi thư sang Tề, tập hợp lực lượng của ba nước, toàn lực tróc nã Phong Dương Hề.

Vậy mà sau khi Đoan Vương phi hồi phủ lại biết rằng sự tình không hề đơn giản như thế. Đại Hoàng tử Lý Thiên Hựu ban đêm cũng âm thầm tới Đoan Vương phủ mật đàm với Đoan Vương. Lần này, mặc Vương phi hỏi han thế nào, Đoan Vương chỉ một mực nói rằng Vĩnh Dạ vẫn bình an.

Xưa nay bà vốn luôn tin tưởng Đoan Vương, nhưng những sầu lo vốn ít xuất hiện trong mắt ông lại khiến bà bất an. Vương phi nhất định đòi tới chùa Khai Bảo để cầu phúc cho Vĩnh Dạ, Đoan Vương khuyên nhủ không được, chỉ đành đích thân đưa bà đi một chuyến.

Cỗ kiệu tiến vào chùa Khai Bảo, Đoan Vương phất tay ra hiệu binh sĩ không cần phong tỏa tự viện, hương khách rất đông, không nên quấy rầy nhã hứng của họ.

Vương phi vừa rời kiệu, Vương gia đã nhìn thấy vệt nước mắt chưa khô trên má bà, tim ông như thắt lại. Vĩnh Dạ quả thực không rõ tung tích, ông chỉ còn biết dỗ dành Vương phi, nhưng một ngày còn chưa nhìn thấy thi thể con, ông vẫn không chịu tin rằng Vĩnh Dạ thông minh cơ trí lại táng thân nơi biển lửa. Người khác không biết, nhưng trong lòng ông hiểu rõ, Vĩnh Dạ võ công đầy mình. Chuyện Phong Dương Hề là thích khách, Hựu thân vương tới phủ giải thích, ông đã hiểu, nhưng lúc này không thể vì Vĩnh Dạ mà dây dưa với nước Trần.

Chùa Khai Bảo có kiến trúc theo hình chữ “hồi”[2], đại điện là kiến trúc núi non trập trùng, cao lớn hùng vĩ, tiền điện hậu điện hợp với hai bên đầu hồi ôm lấy trung điện ở giữa. Đoan Vương không phong tỏa chùa, nhưng các binh sĩ lại vây kín chính điện để Vương phi có thể tĩnh tâm lễ Phật.

Trụ trì đã chắp tay đứng đón ở Đại Hùng Bảo Điện.

Vương phi mỉm cười dịu dàng:

- Đa tạ đại sư! Mỗi lần tới đây ngửi thấy mùi đèn dầu và hương thắp, trong lòng ta cũng cảm thấy bình an hơn nhiều.

- A di đà Phật! Lần này Vương phi có xin quẻ không?

- Không ạ, chỉ cần thắp hương là được. – Vương phi rất sợ xin phải quẻ xấu, thà rằng kiên quyết không xin. Bà chỉ nhận hương rồi vái lạy.

Đoan Vương không tin Phật, ông một đời giết chóc quá nhiều, e rằng vị Bồ Tát được dát vàng kia không thể nào tha thứ được. Mỗi lần theo Vương phi tới đây, ngay cả cửa điện ông cũng không bước vào, chỉ đứng trên bậc cấp bên ngoài chờ đợi.

Ông chắp tay quay đầu nhìn Vương phi, lòng ngổn ngang trăm mối. Thế cục An quốc ngày càng căng thẳng, Hoàng thượng bệnh nặng, trong cung đã phát lệnh giới nghiêm nhưng Thái tử vẫn không an tâm về kinh kỳ lục vệ và Vũ Lâm Quân của ông. Trong một tháng qua, ông bị hành thích không dưới hai mươi lần. Biết rõ đó là thích khách trong cung và Đông cung, nhưng ông chỉ đành giết chúng cho xong chuyện. Thích khách của Du Li Cốc còn chưa ra mặt, hôm nay đi thắp hương, liệu chúng có xuất hiện không? Ai cũng nói thích khách trong thiên hạ đều xuất thân từ Du Li Cốc. Lý Cốc cười cười, thực ra ông cũng rất muốn xem thủ đoạn của Du Li Cốc.

Nén hương tỏa ra làn khói xanh, Vương phi mới vái được hai vái, thân thể đã mềm nhũn ngã trên đệm cói. Đoan Vương giật mình thất kinh, mặt biến sắc quát to:

- Có thích khách! – Rồi ông lập tức nín thở xông vào điện bồng Vương phi ra ngoài.

Các thị vệ bên ngoài xông vào bảo vệ vợ chồng Đoan Vương, phút chốc, vô số binh sĩ trong ngoài chùa Khai Bảo ùa vào, hương khách sợ hãi đua nhau bỏ chạy. Trước sau tự viện lập tức bị phong tỏa, các hương khách bị giam lỏng trong khoảng sân rộng lớn của ngôi chùa.

Đoan Vương tái xanh mặt mày, trong lòng thầm hận tặc tử quá xảo trá, tưởng rằng chỉ có mình mới là mục tiêu, không ngờ lại hạ độc vào hương mà Vương phi thắp. Ông trầm giọng quát:

- Hồi phủ! – Rồi Đoan Vương ôm Vương phi rời khỏi chùa Khai Bảo dưới sự bảo vệ của các binh sĩ.

- Xin Vương gia dừng bước! – Một bóng người đột nhiên lướt ra từ đám hương khách.

Đoan Vương cúi đầu nhìn Vương phi, thấy mặt bà tái xanh, là hiện tượng trúng độc, đoạn ngước mắt nhìn người kia, lạnh lùng hỏi:

- Ngươi là ai?

- Vương phi không có thuốc giải thì chỉ sống được một canh giờ thôi. Tại hạ được người ta ủy thác, mang thuốc giải cho Vương phi. – Người đó khoảng bốn mươi tuổi, gương mặt không có gì nổi bật, mặc bộ đồ bằng vải xanh vô cùng bình thường, bình thản trả lời.

Chỉ bằng thái độ không chút sợ hãi của hắn khi bị hàng trăm binh sĩ bao vây, Đoan Vương đã phải đề cao cảnh giác. Một canh giờ thì không kịp về Kinh Đô. Ông phẩy tay, thị vệ lập tức khiêng một chiếc sập trúc tới.

Đoan Vương cẩn thận đặt Vương phi lên sập, chăm chú nhìn bà rồi hỏi:

- Điều kiện gì?

Người đó cười ha hả, vuốt chòm râu dài:

- Mạng của Vương gia! Dùng mạng của Vương gia để đổi lấy mạng của Vương phi, rất công bằng đúng không?

Các binh sĩ xung quanh giận dữ gầm lên, Đoan Vương bật cười:

- Thì ra là thế, quả thực rất công bằng.

- Vương gia muốn bắt tại hạ cũng vô dụng, giải dược đương nhiên không nằm trên người tại hạ, tại hạ là một tử sĩ, từ lâu đã không màng sống chết. – Dứt lời, trong tay hắn liền xuất hiện một thanh chủy thủ. Hắn ấn nhẹ lưỡi dao, nói:

- Vương gia xin hãy nhớ, chỉ có một canh giờ. Tại hạ đã không phụ sứ mệnh. – Nói rồi hắn mỉm cười cầm dao đâm thẳng vào ngực.

Xung quanh lập tức yên tĩnh khác thường, mọi người có mặt đều sợ hãi đứng yên.

Dùng một mạng người để truyền đạt một câu nói, tâm tư của thích khách không những hiểm độc mà còn vô cùng cẩn mật, đòi Đoan Vương tự vẫn để cứu Vương phi, không có đường lui.

Đoan Vương nheo mắt nhìn lên trời, cúi đầu thở dài, đối thủ tuyệt đối không tầm thường. Ông cúi nhìn Vương phi, sắc mặt bà còn xanh hơn lúc nãy. Ông nắm lấy tay bà, nói như thể xung quanh không người:

- Nếu ta chết, nàng có sống một mình không?

- Vương gia! – Các tướng sĩ đều thất kinh, chỉ sợ Đoan Vương làm điều cực đoan, trong lòng không khỏi bi phẫn, sao ngay cả cơ hội để ra tay cũng không có.

- Ha ha, Lý Cốc ta đâu phải loại người dễ dàng xâm phạm?! – Đoan Vương cười lớn, nói to từng tiếng:

- Gọi trụ trì, bày linh đường cho Vương phi! Hương khách hôm nay không nhiều cũng không ít, trong hương của chùa Khai Bảo có giấu độc, các hòa thượng trong miếu cũng không thoát khỏi can hệ. Vương phi mà chết, toàn bộ bồi táng.

Một câu nói khiến toàn bộ hương khách và hòa thượng của chùa Khai Bảo run rẩy, vài kẻ nhát gan đã bật khóc thành tiếng. Giữa âm thanh huyên náo, ngoài cửa chùa Khai Bảo vang lên tiếng cười:

- Vương gia quả không tầm thường.

Quan binh đứng ngoài cửa chùa đồng loạt chĩa mũi đao về phía kẻ nọ. Đoan Vương lướt mắt qua những bách tính đang run rẩy quỳ ngoài sân, nhìn ra phía xa, người đó cũng mặc một bộ y phục bằng vải bố xanh như kẻ vừa chết, gương mặt cũng không có gì nổi bật. Đoan Vương trầm giọng:

- Kẻ nào?

Người đó coi như không nhìn thấy những mũi đao sáng loáng đang chỉ vào mình, tay cầm một cái tráp, cung kính tiến tới thềm đá trước đại điện, đứng yên:

- Giải dược của Vương phi ở đây.

Đoan Vương lạnh lùng nhìn hắn.

Người đó mỉm cười:

- Vương gia xin hãy an tâm, bỉ nhân tâm địa lương thiện, không muốn tổn thương người vô tội. Dùng mạng Vương phi để uy hiếp Vương gia quả thực đã quá coi thường ngài rồi. Bỉ nhân có một kiếm khách, mời Vương gia quyết chiến với hắn. Nếu phải chết trong tay hắn thì cũng không hủy hoại uy danh của ngài.

- Kiếm khách ở đâu? – Đoan Vương lạnh nhạt hỏi.

- Chính là tại hạ. Xin Vương gia hãy giải độc cho Vương phi trước. – Người nọ bê tráp tiến lên phía trước.

Các thị vệ vốn đứng bảo vệ Đoan Vương và Vương phi đều vô thức nhường đường cho hắn bước tới.

Đoan Vương đứng từ trên cao nhìn hắn, trong lòng vẫn hoài nghi không quyết. Đối phương thực muốn quyết chiến công bằng sao? Đang suy nghĩ thì người kia đã lên hết bậc và đứng trước mình một trượng.

Tất cả mọi người đều nhìn chằm chằm vào cái tráp gỗ trong tay người nọ, có chút hoang mang.

Hắn mỉm cười, tay mở tráp gỗ. Đúng vào khoảnh khắc đó, đột nhiên có thứ gì đó lấp lánh xoẹt qua, lao thẳng tới cổ họng hắn – một chiếc phi đao đã cắm vào yết hầu, máu chầm chậm chảy ra.

- Bảo vệ Vương gia! – Thân vệ bên cạnh Đoan Vương lập tức vây quanh ông bảo hộ.

Tráp gỗ rơi xuống đất, ngân châm bắn ra, mấy thị vệ đứng gần không kịp tránh, vừa trúng châm ngã xuống mặt lập tức hóa đen.

- Tâm tư thật thâm độc! – Đoan Vương nghiến răng nói.

Đối phương đầu tiên hạ độc Vương phi, rồi dùng tử sĩ để cảnh cáo, sau đó lại tỏ vẻ muốn chiến đấu công bằng, tất cả chỉ để tiếp cận, thích sát ông.

Đoan Vương nhìn chằm chằm vào ánh sáng bạc nơi yết hầu người kia, ông phẩy tay, cận vệ lập tức lại gần rút ám khí ra dâng lên.

Một thanh phi đao lá liễu dài một thốn, rộng một phân!

Đoan Vương trong lòng chấn động, bỗng dưng như bị kích động, rồi lại cảm thấy bất lực. Ông quay người lại, nắm lấy tay Vương phi mở miệng định nói, nhưng thấy mặt bà mỗi lúc một tím tái, người vẫn hôn mê bất tỉnh bèn khép miệng lại. Người giết kẻ ban nãy để cứu ông chắc chắn cũng sẽ cứu bà. Đoan Vương nhìn quanh, tâm trạng có chút lo lắng xen lẫn vui mừng, và cũng có phần bất đắc dĩ, bàn tay nắm tay Vương phi lộ cả gân xanh. Ông đang căng thẳng.

Vút một tiếng, lại một thanh phi đao cắm xuống khoảng đất trống trong sân, ánh dương chiếu lên thân đao chói mắt, trên cán có buộc thứ gì đó.

Một thị vệ lại gần rút đao, thấy đó là một bọc vải nhỏ, vội vàng gỡ xuống trình lên Đoan Vương. Ông mở chiếc khăn ra, bên trong là một viên đơn dược màu đỏ, trên khăn còn có hai chữ đơn giản: Giải dược.

Đoan Vương cầm thuốc không chút nghĩ ngợi, lập tức cho Vương phi uống. Lát sau, Vương phi dần dần tỉnh lại, thấy Đoan Vương lo lắng nhìn mình, thản nhiên cười hỏi:

- Sao thiếp lại ngất đi?

Lúc này tất cả mọi người mới thở phào nhẹ nhõm, hiển nhiên kẻ ném phi đao không phải thích khách mà là người cứu Vương phi. Có người buông một câu:

- Là ai nhỉ?

Đoan Vương không hạ lệnh tìm kiếm người kia, dường như mọi tâm tư của ông đều dồn lên Vương phi. Đoan Vương si tình ai ai cũng biết, lần này Vương phi trúng độc, ông chẳng còn tâm tư nghĩ tới những chuyện khác cũng là bình thường. Mọi người chỉ có thể giấu những suy đoán của mình vào lòng, ngoài miệng thì mỉm cười chúc mừng Vương phi bình an vô sự. Các hương khách và hòa thượng trong chùa thoát khỏi họa sát thân, tuy rằng mồ hôi ướt áo nhưng cũng thở phào nhẹ nhõm.

Một cơn gió thổi tới, trong đình viện mang theo hương thơm chỉ có ở núi rừng. Đoan Vương chờ suốt nửa canh giờ, thấy Vương phi thực sự bình an mới bế bà lên, dịu giọng nói:

- Chúng ta về đi.

Vương phi hồ nghi nhìn Đoan Vương, thần sắc lóe lên trong mắt ông khiến bà ngoan ngoãn mỉm cười:

- Thiếp cũng mệt rồi, về thôi, đừng gây khó dễ cho các vị sư phụ trong chùa và hương khách nữa.

Đoan Vương gật đầu, bất giác ngoái lại nhìn vào đại điện, cuối cùng thở dài một tiếng rồi rời đi.

Vĩnh Dạ nhìn vợ chồng Đoan Vương rời khỏi tự viện dưới sự bảo vệ của các binh sĩ, đang định nhảy xuống nóc điện thì trong lòng bỗng thấy cảnh giác, thuận thế lăn tròn tránh đi, chỗ ẩn thân ban nãy đã bị ghim một hàng mũi tên. Hướng mũi tên bắn ra chính là ở tiền điện và hai bức tường hai bên. Nàng như một con chim ưng nhanh chóng rời khỏi hậu điện, lao vút vào rừng sâu.

Vừa mới vào rừng, Vĩnh Dạ đã lập tức hối hận. Đối phương cố ý thả cho nàng đường thoát ở hậu điện, nhưng lại trùng trùng mai phục trong rừng. Nàng toát mồ hôi lạnh, cố gắng tránh né. Ám khí trên người phóng ra không tiếc, một kiếm lao tới, sống lưng đau nhói, nàng mượn lực tung người bay vọt ra ngoài, trong lòng thầm thấy may mắn vì mình có mang áo giáp.

Di Sơn, nàng đã từng theo Vương phi tới đây, biết rằng nếu đi tiếp về phía trước chính là Di Sơn Tịch Chiếu[3] nổi tiếng. Nơi thưởng thức Di Sơn Tịch Chiếu chính là một vách núi cheo leo trên đỉnh Lạc Nhật, giữa lưng chừng có một thạch đài nhô ra. Trên thạch đài, ánh tịch dương rải rác, biển mây cuồn cuộn, cả ngọn núi được dát một màu vàng rực rỡ.

Lúc này đang là giờ Mùi, tuy không huy hoàng như khi mặt trời lặn nhưng đứng trên thạch đài vẫn có thể nhìn thấy đỉnh núi tắm trong ánh dương, cảnh tượng vô cùng hùng vĩ.

Vĩnh Dạ bay lên thạch đài, thấy bên dưới mây trắng bồng bềnh, nhìn không thấy đáy, biết rằng đã không còn đường lui. Quay đầu nhìn lại, vài người chầm chậm từ trong rừng bước ra, tất cả đều mặc y phục đen và che mặt.

Nàng ngồi xuống, cười nói:

- Ta vào sơn cốc năm Dụ Gia thứ mười hai, các ngươi thì sao? Tốt nghiệp xong sống tốt không?

Một người đột nhiên nói:

- Ngươi là thằng ngốc ở lầu số mười?

- Ha ha! Thằng ngốc mà có thể sống sót đi ra ư? Ngươi mới là kẻ ngốc! – Vĩnh Dạ cướp lời, không nhịn được lại bật cười.

Đám người này chính là những kẻ năm xưa đã ra được khỏi lầu. Du Li Cốc đúng là hào phóng, vất vả bồi dưỡng được mười thích khách hàng đầu, giờ đã đưa hết vào An quốc.

- Thực ra sơn cốc đâu thực sự muốn lấy mạng Đoan Vương phải không? Các ngươi mà trà trộn trong đám hương khách để hành thích, ít nhiều cũng có phần thắng. – Vĩnh Dạ đã hiểu ra. Thứ Vương phi trúng không phải là kỳ độc hiếm gặp, nàng nhân lúc ngoài điện đại loạn, lấy nén hương ngửi thử đã biết thuốc mình mang theo người có thể giải được.

- Ngươi thông minh lắm, theo bọn ta quay về. – Một người lạnh nhạt nói, ánh mắt nhìn Vĩnh Dạ lóe lên vẻ đố kị.

- Ta quay về thì có lợi lộc gì? Võ công của ta cũng đâu phải cao cường, hà cớ chi mà phải tốn bao công sức bắt ta? Muốn An quốc đại loạn, muốn thao túng quyền thế, đi uy hiếp Thái tử với Đại hoàng tử, Tam hoàng tử có phải tốt hơn không! Cùng lắm thì đi giết Đoan Vương cũng còn có ích hơn bắt ta. Cốc chủ có phải là đầu heo không? – Vĩnh Dạ bĩu môi.

Lời nàng nói đều là sự thực. Nàng không hiểu vì sao mục đích của họ chỉ là khiến nàng xuất hiện chứ không phải đối phó Đoan Vương.

- Ngươi nhiều lời cũng vô ích, Cốc chủ đã hạ lệnh nhất định phải bắt ngươi quay về. Ngươi thừa biết Du Li Cốc tỏa khắp thiên hạ, ngươi không có đường thoát đâu.

Vĩnh Dạ nhìn đám hắc y nhân trước mặt, họ đều là những kẻ lão luyện đã trải qua huấn luyện nghiêm khắc. Với công phu của nàng, dẫu có phá được vòng vây thì cũng sẽ trọng thương, không thể chạy xa được. Nhìn phía sau là vách núi cao vạn trượng, nhảy xuống chỉ có một con đường chết. Vĩnh Dạ thở dài:

- Ta theo các ngươi về vậy, không đánh nữa.

Lời của nàng khiến người kia hơi kinh ngạc, dường như cảm thấy bắt được nàng quá dễ dàng. Hắc y nhân nói chuyện với nàng thong thả lại gần, trong tay cầm một cây kim bạc:

- Cốc chủ nói, nếu cho ngươi uống thuốc thì bọn ta sẽ thê thảm như ba huynh đệ ở Trần quốc.

Vĩnh Dạ cười nói:

- Chẳng qua do thuốc khó uống thôi, nếu ngọt như đường thì chắc chắn ta sẽ vui vẻ uống. – Trong lòng nàng thầm than nguy hiểm, ở nước Trần giết chết hai người rồi chạy nhưng đã để lại dấu vết tố cáo bản thân.

Một bên cổ nàng đau nhói, toàn thân mềm nhũn, không cử động nổi dù chỉ một ngón tay.

Hắc y nhân kéo mặt nạ xuống, để lộ một gương mặt thanh tú. Vĩnh Dạ nhìn Mặc Ngọc, không hề ngạc nhiên. Nhận ra sự đắc ý và thâm hiểm trong mắt hắn, nàng không nhịn được bật cười:

- Ngươi không chỉ có tính kiên nhẫn tốt mà lòng báo thù cũng rất mạnh.

Mặc Ngọc nhẹ nhàng nói bên tai nàng:

- Ta sẽ cho ngươi biết sự kiên nhẫn của ta rèn luyện như thế nào, Hầu gia!

Hắn nói xong đang định vác Vĩnh Dạ lên thì trong rừng đột nhiên vang lên tiếng cười:

- Người này là của ta.

Theo tiếng cười, một người thong thả từ trong rừng bước ra. Một bộ y phục đen, gương mặt giấu trong chiếc mũ gió, chỉ nhìn thấy nửa bên mặt rậm râu, trong tay nắm chặt một thanh trường kiếm.

- Phong Dương Hề! – Một hắc y nhân cau mày, nhìn Mặc Ngọc hỏi khẽ. – Công tử?

- Để nàng lại, ta sẽ không giết các ngươi. – Giọng Phong Dương Hề dịu dàng tựa nắng xuân.

Mặc Ngọc chậm rãi nói:

- Du Li Cốc xử lý phản đồ, Phong đại hiệp hà cớ gì phải nhúng tay vào?

- Ha ha, ngươi không biết Phong mỗ không đội trời chung với Du Li Cốc sao? – Phong Dương Hề từng bước lại gần, thoạt trông có vẻ nhàn nhã nhưng toàn thân đã tỏa ra sát khí.

- Ngươi có biết thân phận của ả không? Ả không chỉ là thích khách Tinh Hồn của Du Li Cốc, mà còn là Đoan Vương Thế tử, là Vĩnh An Hầu mà Hoàng thượng sắc phong. – Mặc Ngọc nham hiểm tiết lộ thân phận của Vĩnh Dạ.

Phong Dương Hề mỉm cười:

- Ta không thích nhắc lại lần nữa. – Giọng điệu hắn thay đổi, trở nên lạnh lẽo – Cút!

Mặc Ngọc nhìn Vĩnh Dạ, hạ giọng nói:

- Rơi vào tay hắn, ngươi càng chết nhanh hơn! Có khi thế cũng là một cái phúc!

Vĩnh Dạ dường như đã sợ hãi tới mức không nói nổi lời nào, ánh mắt lóe lên thần sắc chẳng rõ là mừng hay lo.

Con ngươi Mặc Ngọc co lại:

- Đi!

Hắc y nhân lập tức y lệnh hắn, nháy mắt đã biến sạch sẽ.

Phong Dương Hề vội vàng đi tới, bắt mạch cho Vĩnh Dạ rồi đút cho nàng một viên thuốc giải, đoạn ôm lấy nàng:

- Tinh Hồn, chúng ta đi!

Đi được một lát, Vĩnh Dạ đã giải được mê dược, vươn tay kéo râu trên mặt hắn, chỉ kéo một lần đã rời ra. Nàng nhìn gương mặt anh tuấn kia, khẽ nói:

- Sao ngươi lại về An quốc? Hà tất phải mạo hiểm như thế? Nếu bại lộ thì cả hai cùng chết.

Nguyệt Phách dưới chiếc mũ gió dịu dàng như nước, ôm nàng càng thêm chặt:

- Ta lo cho ngươi.

Vĩnh Dạ im lặng, vùi mặt vào ngực y, trong lòng dâng lên một cảm giác ngọt ngào.

Vầng tịch dương đã ngả về Tây, khi khu rừng chìm trong sắc cam ấm áp, Nguyệt Phách và Vĩnh Dạ đã vào tới sơn cốc.

Vĩnh Dạ ngẩng đầu, biển mây đã che khuất nửa rặng núi, không nhìn thấy thạch đài, chẳng ai ngờ bên dưới vách núi cheo leo dưới thạch đài còn có một căn nhà trúc.

Con suối nhỏ uốn mình qua khoảnh rừng, kề bên là thảm cỏ xanh mượt.

Trong gió ngát hương hoa, chim líu lo thủ thỉ.

Trong nồi là một con gà rừng đang sôi sùng sục, mùi thơm lan tỏa.

Nguyệt Phách đang khom lưng rửa rau, Vĩnh Dạ mở nắp xoong dùng thìa khuấy một cái, bất chấp nồi canh còn đang nóng, thổi qua loa rồi uống. Vị ngọt khiến nàng không kiềm chế được, thò tay nhón một miếng thịt gà, nóng tới mức khiến Vĩnh Dạ nhảy dựng lên mà không nỡ vứt đi.

Bỏ xuống! – Nguyệt Phách quay đầu lại quát, miếng thịt gà lập tức rơi xuống nồi.

Vĩnh Dạ vội vàng xoa ngón tay bị bỏng lên dái tai, nhìn miếng thịt mà nuốt nước miếng. Nguyệt Phách cười mắng:

- Vẫn còn thiếu lửa, chờ cơm chín rồi ăn.

Y đóng nắp xoong lại, hài lòng vỗ tay, quay đầu thấy Vĩnh Dạ còn nhìn chằm chằm nồi canh thì bất giác bật cười:

- Sao ngày trước không cảm thấy ngươi tham ăn như thế?

Vĩnh Dạ thở dài, nuốt nước miếng rồi ngẩng mặt lên cười:

- Ta quyết định không chia cho ngươi cái đùi gà nào!

Tới lúc ăn cơm, Vĩnh Dạ gắp cho Nguyệt Phách một miếng cổ gà, sau đó không thèm đếm xỉa gì tới hắn.

Nguyệt Phách trợn tròn mắt nhìn cái cổ gà trong bát, dở khóc dở cười:

- Không ngờ ngươi ăn giỏi thế. Sơn hào hải vị trong Vương phủ nhiều vô số kể, sao trông ngươi cứ như thể chưa ăn thịt bao giờ ấy.

Vĩnh Dạ cũng không ngẩng đầu, chỉ chăm chú nhai nốt miếng thịt gà cuối cùng:

- Bao lâu nay ta không được ăn một bữa thoải mái thế này rồi, Nguyệt Phách, ngươi nấu ngon thật đấy.

Nguyệt Phách cười nói:

- Ngày mai ta nấu thỏ cho ngươi ăn. Thịt thỏ núi vừa thơm vừa mềm, ngon hơn gà rừng nhiều.

- Ừ, ta sẽ ăn đến khi tất cả chim bay thú chạy trên núi này không dám rời tổ luôn. – Vĩnh Dạ thỏa mãn gặm xong cái đùi gà, mút đầu ngón tay, thấy Nguyệt Phách chỉ uống một bát canh, cái cổ gà trong bát vẫn còn nguyên thì ngạc nhiên hỏi:

- Ngươi no rồi sao?

- Nhìn ngươi ăn là thấy no rồi. – Quả thật, tướng ăn của Vĩnh Dạ trông thật đáng sợ, Nguyệt Phách cảm thấy nhìn nàng ăn còn ngon miệng hơn là mình ăn.

Vĩnh Dạ bưng bát uống canh, ánh mắt đảo tròn trên cái cổ gà, vừa tiếc vừa lưu luyến. Mắt Nguyệt Phách hiện lên vẻ thương xót và đau lòng, gắp cái cổ gà vào bát nàng, bình thản nói:

- Ta ghét nhất ăn cổ gà, ngươi còn ăn được thì ăn nốt đi.

Vĩnh Dạ vừa gặm vừa nói:

- Ngon thế này mà ngươi không thích! Sớm biết vậy ta chẳng để lại cho ngươi.

Gặm xong nàng hài lòng uống thêm bát canh, bấy giờ mới vỗ bụng nằm ra ghế:

- Ăn no buồn ngủ!

- Lười! Không định rửa bát rửa nồi sao? – Nguyệt Phách thấy Vĩnh Dạ có vẻ rất thỏa mãn thì đành đứng lên thu dọn.

Vĩnh Dạ mỉm cười nhìn bóng lưng y, đột nhiên cảm thấy thật hạnh phúc.

- Trong vòng trăm dặm quanh Kinh Đô này chỉ có Di Sơn núi cao rừng sâu, dễ ẩn mình. Hôm nay nếu không phải là tới miếu thăm dò tin tức của ngươi thì thực sự không biết phải đi đâu để tìm! – Nguyệt Phách vừa rửa bát vừa nói.

- Ngươi đóng giả Phong Dương Hề giống thật đấy, suýt nữa làm ta đứng tim. Ta thà ngoan ngoãn về sơn cốc, cùng lắm là tiếp tục làm thích khách chứ không muốn rơi vào tay hắn đâu. Bao năm qua ta đối đầu với Phong Dương Hề, với cái tâm tư coi ác như thù của hắn thì chắc chắn sẽ giết ta. – Vĩnh Dạ uể oải nói. Nguyệt Phách đóng giả quá giống, đến giọng nói cũng giống.

- Vậy mà vẫn bị ngươi phát hiện ra đó thôi!

Vĩnh Dạ cười ha hả:

- Thoạt trông thì sợ mất mật, nhưng nhìn kỹ thì nhận ra ngay. Ta đặc biệt mẫn cảm với hơi thở của hắn.

Nguyệt Phách khựng lại, lắc đầu cười nói:

- Ngươi gặp hắn như chuột gặp mèo. Phong Dương Hề tốt xấu gì cũng một đời đại hiệp!

- Đúng thế, hắn là đại hiệp đường hoàng, ta là thích khách tiểu nhân. Hắn suýt chút nữa đã chết trong tay ta; bảy, tám năm trước còn truy sát ta khắp nơi, ta có thể không sợ sao? Cách ba trượng là ta đã ngửi thấy mùi của hắn.

Nguyệt Phách cất bát đũa cẩn thận, nhìn ra cửa sổ, lẩm bẩm:

- Hắn mà chết thì tốt, ngươi đỡ phải cả ngày sợ hãi.

Nàng vốn có cơ hội để giết hắn, thế nhưng nhìn dáng vẻ Phong Dương Hề khẩn cấp tìm nàng trong biển lửa, nàng sao có thể ra tay.

Vĩnh Dạ đứng lên đi tới bên cửa sổ, tuy trên trời có mây nhưng vẫn thấp thoáng nhìn thấy ánh trăng trải xuống, nàng nhớ trước đây cũng từng cùng Nguyệt Phách ngắm sao trong sơn cốc. Cảnh tượng trước mắt khiến nàng thấy vô cùng ấm áp, vươn tay định ôm hắn, nhưng vừa mới chạm tới y phục hắn đã rụt lại.

Nguyệt Phách liếc nàng một cái, đột nhiên cười:

- Sao ngươi không hỏi về Tường Vi?

- Ngươi ở đây thì đương nhiên Tường Vi cũng an toàn.

Nguyệt Phách thở dài một tiếng:

- Nha đầu đó tuy hơi ngây thơ nhưng không ngốc, dọc đường phối hợp với ta khá ăn ý. Nàng ta cũng thật tội nghiệp, may mà không rơi vào tay bọn người đó. Tường Vi hiện đang trốn ở Tề quốc, ta nghĩ, sự việc ở An quốc kết thúc rồi nàng ta quay về thì sẽ vô sự.

- Nếu Thái tử đăng cơ, Tường Vi không muốn cưới cũng không được.

Ánh mắt Nguyệt Phách trở nên giảo hoạt:

- Có kinh kỳ lục vệ của Đoan Vương, Thái tử không thể làm Hoàng đế được đâu.

Câu nói này khiến tâm trạng Vĩnh Dạ trở nên nặng nề, nhưng lập tức giấu đi vẻ lo lắng trên khóe mắt, nàng cười nói:

- Chẳng qua là vì Hoàng đế một lòng muốn Hựu thân vương đăng cơ, phụ vương ta cũng chỉ làm việc theo ý của ngài thôi. Mặc kệ mấy việc đó, chúng ta đi ngắm sao.

Nguyệt Phách nhìn theo bóng lưng nàng rời khỏi căn nhà, cảm thấy trên vai nàng phải gánh vác quá nhiều thứ. Tinh Hồn ngày trước dù có chuyện cũng giả bộ ngây ngô; còn bây giờ, ngoài mặt tuy cười mà ánh mắt lại chất chứa vẻ nặng nề và bi thương.

Vĩnh Dạ biết y đang nhìn mình. Nếu có thể mặc kệ việc triều đình, mặc kệ Du Li Cốc thì tốt biết mấy. Nhắc tới cuộc tranh đoạt hoàng vị của nước An, nàng lại thấy nhớ cha mẹ.

Như Nguyệt Phách đã nói, có Đoan Vương chấp chưởng kinh kỳ lục vệ và Trương thừa tướng uy nhiếp bá quan, An quốc không thể loạn được. Có lẽ Kinh Đô không cần nàng phải xuất hiện, Vĩnh Dạ hít một hơi dài hương thơm trong gió, sơn cốc yên tĩnh, bình an, cứ sống như thế này cũng tốt.

Nàng gối hai tay sau đầu, ngắm vầng trăng ẩn hiện sau đám mây tới xuất thần.

- Nghĩ gì thế? – Nguyệt Phách cũng nằm xuống.

Vĩnh Dạ chân thành nói:

- Ta muốn ngủ một giấc thật thoải mái.

- Đơn giản thế thôi ư?

- Ừ, ta mệt. – Vĩnh Dạ nhắm mắt lại.

Nguyệt Phách không nói thêm, nghiêng đầu nhìn gương mặt hoàn mỹ của nàng sau khi đã rửa lớp dịch dung, hàng mi không hề lay động, sống mũi dài và thẳng, y thầm thì:

- Ngủ đi, không ai đánh thức ngươi đâu.

Hôm ấy, Vĩnh Dạ tỉnh dậy thấy mình đang nằm trên giường trúc, đắp một chiếc chăn bông nền xanh in hoa mỏng. Mùi chăn còn mới, mang lại cho nàng cảm giác hoàn toàn khác lạ. Nàng ngồi bật dậy, tinh thần phấn chấn.

- Nguyệt Phách! – Nàng gọi.

Vĩnh Dạ lớn tiếng đến mức gần như khiến căn nhà trúc lung lay, Nguyệt Phách cầm một bó rau bước vào:

- Chuyện gì thế?

Vĩnh Dạ cười nghiêng ngả, chỉ hắn nói:

- Ngươi thật giống một nam nhân nội trợ! – Dứt lời nàng lại chớp mắt cười. – Không có gì, ta vừa tỉnh đã muốn gọi ngươi.

Nguyệt Phách cũng cười, rồi lại nghiêm mặt:

- Mặt trời rọi tới mông rồi, ngươi lười quá, ra suối tẩy rửa đi rồi về ăn cơm!

Vĩnh Dạ bay ra khỏi lầu trúc như một con chim, Nguyệt Phách lại bật cười.

Sương mù sáng sớm vẫn còn kết thành một tầng trong rừng, ánh mặt trời chiếu tới, có thể nhìn thấy từng vòng sáng mờ mờ, nghe thấy tiếng chim hót líu lo.

Ăn sáng xong, Nguyệt Phách đưa Vĩnh Dạ đi hái rau rừng. Y dặn:

- Ta hái rau, ngươi muốn ăn thịt gì thì tự đi mà bắt.

Vĩnh Dạ lắc đầu:

- Lúc nào cũng là ta bắt, không làm! Hôm nay ta hái rau, ngươi đi bắt cá đi, cái đó đơn giản.

- Ngươi có biết các loại rau không?

- Không biết.

- Không biết thì ngươi hái cái gì?

Vĩnh Dạ hùng hồn đáp:

- Tối nay chỉ ăn cá, không ăn rau!

Thế là Nguyệt Phách đành bó tay, cởi áo nhảy xuống suối bắt cá.

Vĩnh Dạ ngắm nghía nửa thân trần của y, thong thả nói:

- Gầy thì hơi gầy, nhưng cơ bắp đâu ra đấy!

Nguyệt Phách nhễ nhại mồ hôi mới bắt được một con cá, nghe vậy bật cười. Y mang con cá lên bờ, lại gần tỉ mỉ đánh giá Vĩnh Dạ rồi đột nhiên ném con cá đi, bế thốc nàng lên, bước xuống suối, - Ngươi mà dám dùng công phu thì tối nay đừng hòng ăn cá.

- Muốn nhìn thấy đường cong của ta nổi lên khi y phục ướt ư?

Nguyệt Phách bị nàng nói trúng tim đen, gương mặt anh tuấn đỏ bừng, thả xuống không được bế lại không xong, ngẩn ngơ đứng bên bờ suối. Hồi lâu sau mới nói:

- Con gái nhà lành thì nên nhắm chặt mắt, hét một tiếng rồi vùi mặt vào lòng ta mới đúng!

Vĩnh Dạ trừng mắt nói:

- Ta vốn không phải con gái nhà lành!

Nguyệt Phách khựng lại rồi thả nàng xuống, vươn tay chạm lên mặt nàng, ánh mắt càng lúc càng dịu dàng, nhắm mắt cúi đầu muốn hôn.

Tim Vĩnh Dạ đập rất nhanh, nàng trợn tròn mắt nhìn y, thấy đôi môi kia gần chạm vào môi mình, bỗng dưng nàng hốt hoảng, ngửa đầu ra sau.

- Tinh Hồn! – Bàn tay đặt sau lưng nàng siết chặt lại, Nguyệt Phách khẽ gọi.

Bầu không khí này khiến Vĩnh Dạ cảm thấy mùa hạ hình như tới sớm, nhiệt độ đột nhiên tăng cao. Nàng quay đầu đi, không dám nhìn thẳng mặt y:

- Sao ngươi biết ta là nữ? – Vĩnh Dạ dường như giờ mới nhớ ra vấn đề này.

Nguyệt Phách thản nhiên:

- Ta học y mà, đến xương cốt, kinh mạch của nam nhân hay nữ nhân cũng không phân biệt được sao? Ngươi thực sự coi ta là thư sinh trói gà không chặt?

Mặt Vĩnh Dạ đỏ bừng, chợt nhìn thấy con cá nằm trên thảm cỏ đang quẫy mạnh đuôi sắp rơi xuống nước thì hét lên:

- Mau bắt cá đi!

Nguyệt Phách thở dài, sải chân bắt lại con cá, trừng mắt lườm nó, lẩm bẩm:

- Ai cho ngươi chạy! Tối nay không ăn ngươi không được!

- Ngươi nói gì thế?

Nguyệt Phách nở nụ cười rạng rỡ, nghiến răng đáp:

- Ta nói với nó, tối nay sẽ ăn thịt nó, xem nó còn dám chạy không!

Vĩnh Dạ bật cười lớn, mũi chân điểm nhẹ, bay vọt lên tảng đá trong lòng suối, nghiêng đầu nhìn y:

- Ta không nhắc nhở thì ngươi có bắt được không? Gần tới giờ Ngọ rồi mà chỉ bắt được có một con cá to bằng bàn tay, nhìn đây!

Nàng thể hiện bản lĩnh bắt cá trong sơn cốc, bay nhảy trong dòng suối, hễ bắt được cá lại cười lớn ném cho Nguyệt Phách. Ánh nắng phủ lên người nàng một quầng sáng nhàn nhạt. Trước mắt có một cánh bướm bay qua, Nguyệt Phách ngẩn ngơ nhìn, tình cảm bỗng dưng như sóng nước tràn bờ, chỉ hi vọng nàng có thể cùng mình sống cuộc đời vô âu vô lo như thế.

Sơn cốc âm u, cách tuyệt với thế giới bên ngoài. Bọn họ thực sự có thể xa rời thế giới, sống đời ở đây sao? Mắt Nguyệt Phách thoáng tối đi.

Vĩnh Dạ bắt được kha khá cá rồi mới dừng tay, thấy Nguyệt Phách dùng cành cây xuyên qua mang cá xách vào bếp rồi mới gọi y lại:

- Ta làm cá nướng cho ngươi ăn!

- Được thôi, trước đây được ăn cá ngươi nướng một lần nhưng mà nguội. – Nguyệt Phách nói rồi đưa xâu cá cho nàng, tiếp đó cầm lấy hai con cá to. – Buổi trưa ăn cá nướng, tối nay ăn canh cá, ta đi kiếm ít rau về nấu canh.

Lần trước ở Du Li Cốc, khi nàng mời thằng bé áo tím ăn cá nướng, nhân tiện cũng nướng cho Nguyệt Phách một con. Cá nguội tanh mà Nguyệt Phách còn nói chỉ cần là cá do nàng nướng thì đều thơm ngon. Y còn nói, bọn họ sẽ không bao giờ là kẻ địch.

Vĩnh Dạ cúi đầu nhìn xiên cá trong tay, mỉm cười nhóm lửa nướng cá.

Bầu trời đêm trong sáng lạ thường, vầng trăng cùng ánh sao hòa lẫn với ánh nến trong bếp. Trong gió có hương hoa, trên bàn có cá thơm, nhưng Vĩnh Dạ lại không động đũa.

- Sao không ăn? – Nguyệt Phách tò mò.

Vĩnh Dạ xòe tay đếm:

- Ngày đầu tiên là gà, ngày thứ hai là thỏ, ngày thứ ba là chim, ngày thứ tư là nai, hôm qua ăn rắn, hôm nay ăn cá… Ta ăn thịt sáu ngày rồi, hình như béo lên khá nhiều.

Nguyệt Phách gắp một miếng cá đặt vào bát nàng:

- Ngươi không béo, lớn thêm chút mới đẹp. – Nàng đếm một ngón tay là tim hắn lại nhảy một cái, chỉ sợ nàng không muốn ăn nữa, không muốn ở trong sơn cốc này nữa.

Vĩnh Dạ nhìn con cá thở dài:

- Ta cảm thấy mình béo lên rất nhiều.

Nguyệt Phách im lặng, đấu tranh một lúc, vẫn không nỡ nói ra việc ở ngoài kia, không nỡ để nàng rời đi.

Hành động nhanh hơn tư duy, y còn đang suy nghĩ thì tay đã múc một bát canh đưa cho nàng:

- Không ăn cá thì uống canh, không béo được đâu.

Vĩnh Dạ đón lấy, mùi thơm nức mũi, nước canh như sữa. Nàng nhìn vẻ mặt chờ đợi của Nguyệt Phách, đột ngột hạ quyết tâm:

- Thơm quá, mặc kệ. – Nói rồi nàng ừng ực uống hết cả bát, cắm đầu vào ăn cá, ngay cả rau trong canh cũng vớt lên ăn hết.

Nguyệt Phách không động đũa, hài lòng nhìn nàng ăn xong mới khen:

- Lần nào nhìn ngươi ăn cũng thấy rất vui vẻ, ta nghĩ nấu cho ngươi ăn cũng đã hạnh phúc rồi.

Hạnh phúc? Vĩnh Dạ xoa bụng nằm dài trên ghế, mắt lờ đờ:

- Ngày nào cũng ăn no rồi ngủ mới là chuyện hạnh phúc nhất trên đời. Bao nhiêu năm qua, chỉ có mấy ngày hôm nay là hạnh phúc nhất.

- Chúng ta đi ngắm sao nhé, ta mới làm một cây sáo, ta thổi cho ngươi nghe, nghe tiếng sáo dỗ giấc ngủ cũng là một niềm hạnh phúc.

Điệu bộ thổi sáo của Nguyệt Phách khiến Vĩnh Dạ nhớ tới tiếng tiêu khó nghe của Thanh y sư phụ trước lầu của mỹ nhân tiên sinh.

- Còn nhớ chuyện đi xem ba vị sư phụ đánh nhau không?

- Nhớ chứ, xem đã mắt lắm, bị phạt đi cuốc ruộng mà ta vẫn không ngừng cười.

- Thanh y sư phụ sau đó lại thổi tiêu rất lâu trước lầu của mỹ nhân tiên sinh… khó nghe lắm…

- Ngươi dám nói tiếng sáo của ta khó nghe? – Nguyệt Phách phản ứng lại, nhưng Vĩnh Dạ không đáp, nàng đã ngủ say rồi. Những ngày tháng cùng Nguyệt Phách sống trong sơn cốc luôn khiến nàng cảm thấy thoải mái, dễ dàng chìm vào giấc ngủ.

Nguyệt Phách khẽ vuốt ve khuôn mặt nàng. Sáu ngày, nàng và y ở đây đã sáu ngày, nàng nói đó là những ngày hạnh phúc nhất.

- Có thể kéo dài thêm chút nữa được không? – Nguyệt Phách nhìn dòng suối lấp lánh dưới bầu trời sao, khẽ hỏi bản thân.

Ngắm gương mặt đang say ngủ của Vĩnh Dạ, y cúi đầu, khẽ lướt qua đôi môi mềm mại như hai cánh hoa kia rồi chuyển lên vầng trán nàng, nhẹ nhàng đặt xuống một nụ hôn.

Cuộc sống trong sơn cốc thanh đạm, bình an, chớp mắt hai người đã ở đây được mười ngày. Hôm nay Vĩnh Dạ bắt được một con hoẵng, buổi tối Nguyệt Phách nấu một nồi canh, lại nướng thêm mấy cái chân hoẵng.

- Ngươi thực sự định ăn hết động vật trong núi này sao?

Vĩnh Dạ gặm chân hoẵng, uống canh thịt hoẵng, mồm miệng đầy dầu mỡ, lườm y:

- Nói cho ngươi hay, ngày trước ta sợ bị nhận ra là nữ, ở trong Vương phủ nhìn thịt mà không dám ăn, khổ không kể xiết. Tám năm qua, ta chỉ ăn đùi gà đúng một lần, lại còn là đi xin ở chỗ Lý Ngôn Niên. Tối đó nếu không phải vì đi cứu ngươi, cần chút thể lực thì ta còn chẳng dám ăn.

- Cứ như thể ta nợ ngươi ấy nhỉ! Vì ta mà ăn đùi gà, nói ra không sợ người ta cười cho! – Trái tim Nguyệt Phách thoáng run rẩy, miệng lại vẫn giễu cợt Vĩnh Dạ.

- Sợ gì chứ, giờ ta phải đại khai sát giới!

- Ngươi không sợ… to ra hả, người khác thấy thì sao? – Chàng thoáng liếc qua ngực nàng.

Vĩnh Dạ vẫn thản nhiên uống một ngụm canh:

- Ngươi không phải người khác.

Nguyệt Phách thấy lòng ấm áp, vươn tay lau vệt mỡ trên miệng nàng.

Vĩnh Dạ ngăn lại:

- Ta ra suối rửa mặt, y phục của ngươi lúc nào cũng sạch sẽ, lại toàn màu trắng, dính dầu rồi phiền phức lắm. – Nói rồi nàng đứng lên, uống thêm ngụm canh nữa, lại tiếp:

- Nguyệt Phách, tay nghề của ngươi không ai sánh kịp, sau này ngươi đừng mở y quán nữa, mở một tửu lầu còn kiếm được nhiều tiền hơn.

- Được, sau này ta nhất định sẽ mở thêm một Bình An tửu lầu.

Vĩnh Dạ cười ha hả, bước ra cửa nhìn lên trời:

- Đêm nay không mây, có trăng có sao, rửa bát xong ra đây với ta!

Nàng thong thả tới bên bờ suối, cúi đầu, mặt suối lấp lánh soi lên gương mặt mơ hồ của nàng, vừa thò tay vào khuấy, gương mặt ấy vỡ tan, tim nàng dường như cũng loạn.

Trong đêm thanh tĩnh, tiếng suối chảy róc rách, Vĩnh Dạ vùi mặt vào nước. Dòng nước mát lạnh rửa sạch mặt nàng, viền mắt cay nóng. Nàng không biết dòng nước đang chảy trên má là nước suối hay nước mắt, thứ miệng nàng nôn ra là canh thịt hay dịch mật, chỉ cảm thấy đắng ngắt kỳ lạ. Nàng uống mấy ngụm nước suối mới miễn cưỡng xua được vị đắng khó chịu ấy.

Dòng suối mùa xuân lạnh lẽo, trong vắt, gương mặt Vĩnh Dạ gần như đóng băng rồi mới chịu ngẩng đầu lên, những giọt nước tinh khiết tỏa sáng lấp lánh trên mặt nàng. Vĩnh Dạ lau mặt, toét miệng cười với Nguyệt Phách vừa đi tới:

- Điểm trừ duy nhất ở nơi này chính là không có khăn rửa mặt.

Nguyệt Phách lại gần, giơ tay áo lên lau sạch nước cho nàng, động tác khẽ khàng như thể đang bảo vệ một báu vật. Khóe mắt Vĩnh Dạ lại nóng bừng, quay mặt đi cười lấp liếm:

- Sao lúc nào cũng thích mặc y phục trắng? Dính một chút bẩn là nhận ra ngay.

- Nếu ngươi không thích thì sau này ta mặc y phục đen, như thế ngươi có thể dùng tay áo của ta lau miệng!

Vĩnh Dạ kéo Nguyệt Phách ngồi xuống, gối đầu lên chân y theo thói quen, nhắm mắt nói:

- Đừng, Phong Dương Hề lúc nào cũng mặc hắc y. Ta thích ngươi mặc đồ trắng, như bầu trời xanh lam, thuần khiết.

- Thực ra ta không sợ làm bẩn y phục.

- Ta biết, chỉ là ta không nỡ, không nỡ làm bẩn mà thôi. – Giọng nàng đầy mỏi mệt.

Nguyệt Phách mỉm cười thoải mái:

- Hôm nào mặc nữ trang cho ta xem đầu tiên nhé?

- Vì sao phải cho ngươi xem đầu tiên? – Giọng nàng thoảng nhẹ như cơn gió, gần như không nghe thấy.

Ánh mắt Nguyệt Phách sẫm màu hệt như rặng núi phía xa, nhẹ nâng một lọn tóc của Vĩnh Dạ, nhàn nhạt nói:

- Ta không muốn để người khác nhìn thấy.

Vĩnh Dạ không đáp lại, nàng ngủ say rồi.

Nguyệt Phách rút sáo ra thổi một khúc, tiếng sáo du dương, dường như đánh thức mấy chú chim trong rừng kêu vang lên vài tiếng.

Y ôm Vĩnh Dạ ngồi bên bờ suối rất lâu mới bế nàng về phòng. Nàng ngủ như một đứa trẻ, Nguyệt Phách lặng lẽ ngồi bên giường, chăm chú ngắm nhìn gương mặt diễm lệ ấy, hồi lâu sau mới thở dài một tiếng rồi rời đi.

Vĩnh Dạ mở mắt, hai mắt lấp lánh như sao.

Nghe thấy gian bên cạnh vang lên hơi thở đều đều của Nguyệt Phách, nàng mới rón rén xuống giường như một con mèo, cách một bức tường yên lặng cảm nhận hơi thở của y.

Mười ngày đã đủ rồi.

An quốc nay đã biến động ra sao?

Nàng lặng lẽ vào bếp, trên bàn vẫn còn một bát canh chưa uống hết, thật phí hoài! Vĩnh Dạ lại chảy nước miếng. Nàng trút một ít vào ống trúc, buộc ngang thắt lưng, bốn bề yên tĩnh tới mức có thể nghe được tiếng thở của Nguyệt Phách ở gian bên cạnh.

Vĩnh Dạ như một chú chim màu đen bay về phía miệng cốc, được một quãng quay đầu lại, lầu trúc đằng xa chỉ còn như một cái bóng mơ hồ. Nghĩ tới biểu cảm của Nguyệt Phách sớm mai thức dậy phát hiện mình đã biến mất, trong lòng nàng lại thấy khó chịu.

Ly biệt là để tương ngộ lần sau. Đó là câu nàng để lại trong phòng.

Chú thích: [1] Mãng phục: Một thứ phẩm phục, trên áo thêu như rồng nhưng kém rồng một vuốt.

[2] Chữ ‘hồi’: 回

[3] Nơi ngắm mặt trời lặn

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.