Vào cái lúc Phan ngồi yên
vị trong cái xe ( À, Phan là tên của kẻ mới tới) tôi không tin
được chỉ mất hai phút để anh ta có thể bắt đầu ba hoa chích
chòe. Hắn giới thiệu bản thân trong một tràng cười, toe toét
như trẻ lên ba. Hắn hỏi tuổi tôi, tuổi Hồ Tử Duy, tuổi người
đánh xe. Hắn thậm chí còn có lúc trèo lên cái nóc xe để nhìn ngắm trời đất. Cứ như Phan mới là chủ xe này, tôi với tên quí tử kia chỉ là người đi thuê.
Nhưng cái điều khó tin nhất, là ba ngày sau, tên này vẫn đi
cùng chúng tôi. Hắn bảo vì nợ một lần vào tù, hắn sẽ đi theo để trả ơn. Vâng, lúc Phan nói câu đó, tôi nhìn hắn không ngậm
miệng lại được. Hồ Tử Duy cười khì trước khi gật đầu đồng ý. Anh ta sau đó tiếp tục đọc cuốn sách của mình như thể việc
cho một tên tù tội đi trên xe là việc anh ta làm mỗi sáng chủ
nhật.
Ở trạm dừng chân tiếp theo, một cái lán nhỏ cách xa Lổ Coa
một ngày đi đường, Phan biến mất. Anh ta thực sự như biến mất
vậy, tôi chỉ chớp mắt một cái, tên này nhảy ra khỏi cửa sổ
nhanh như mèo. Tiếng loạt xoạt trên ngọn cây là thứ cuối cùng
tôi nghe thấy từ kẻ mới tới. Hồ Tử Duy cũng không để tâm lắm.
Anh ta cũng mặc kệ tôi và uống sạch ba bầu rượu. Khi Phan quay
lại xe, với một bộ cánh mới không biết từ đâu ra và trở nên
sạch sẽ hơn hẳn, Hồ Tử Duy đã ngủ từ chín đời, say khướt. Cái
cùm cũng biến mất, khiến cho bất cứ kẻ nào nhìn vào chắc sẽ
nghĩ tên này chỉ là người hầu của Hồ Tử Duy như tôi vậy.
“ Anh kiếm đâu ra bộ cánh này vậy? “
Tôi phải gọi Phan là ‘anh’ vì tên này hóa ra cao tuổi hơn tôi.
Nhưng mà nhìn cách hắn cứ loắng ngoắng chạy khắp nơi rồi trèo cây trèo tường, Phan giống một đứa trẻ mười tuổi hơn là một
thanh niên tròn hai chục.
“ À, ở cái sân sau của chỗ hai người ăn trưa là nơi phơi quần áo. Tôi thấy bộ này vừa nhất nên mặc vào. “
Và Phan lại cười, trong khi tôi chỉ có cách ‘gửi’ cho cho tên
quí tử đang say khướt một cái nhìn rực lửa. Tối đó tôi thậm
chí không tài nào ngủ nổi, cứ lo tên Phan kia sẽ làm một
khoắng hết tất cả đồ của Hồ Tử Duy. Không tiền, không tài,
không thể đi đâu được. Phan ngủ ngay trên mái xe. Hồ Tử Duy gục
một góc. Tôi ngồi góc đối diện, cả cơ thể cứng đờ vì phải
ngồi liên tục, thần kinh căng như dây đàn.
Ngày hôm sau, tôi vật vờ, lúc ngủ lúc thức tiếp tục theo dõi
tên này. Phan thì chẳng nhận ra cái gì, vì anh ta đã dành mọi
thời gian van nài người đánh ngựa dạy cách lái cái xe.
Tối ngày thứ hai tôi đành phải ngủ, cầu trời tên Phan kia sẽ
biến mất sớm. Hắn có thể lấy mấy cái thứ nhảm nhí trong cái rương của Hồ Tử Duy tôi có thấy lúc trước. Nhưng may thay, khi
tôi tỉnh dậy, kiểm tra cái xe thì chẳng có gì mất cả. Ba
người kia đã tỉnh dậy từ lúc nào không biết, bàn tán về cái
thị trấn phía trước. Hồ Tử Duy phàn nàn rằng rượu đã hết.
Anh ta đưa người đánh xe hẳn một đồng vàng để ông ấy có thể đi mua rượu mà để phía dưới gầm xe. Theo hiểu biết của Hồ Tử
Duy, thị trấn này không to, nhưng trong vòng mấy chục dặm (tôi
đoán là ít nhất mười ki-lô-mét theo đơn vị hiện đại) thì nó
là đàng hoàng nhất rồi. Tên công tử mỗi lần ra khỏi nhà đều
qua chỗ này, hắn dặn dò bác Phan từng chỗ bán rượu một, nào
có loại ngon phải mua, nơi nào thì mặc kệ. Phan cũng chăm chú
nghe ngóng. Có lẽ tôi hơi hoang tưởng, nhưng tên này hình như đã
chọn bộ cánh giống màu rừng nhất thì phải? Và khi hắn im
lặng thì không nghe nổi một tiếng thở. Từ từ, Phan hòa mình
vào khung cảnh xung quanh. Tôi đang nghĩ cái quái gì thế này? Tới
thị trấn kia phải đi ăn một bát phở mới được, đầu óc lu bu
hết cả rồi!
Sáng ngày thứ ba, thị trấn Tường Linh xuất hiện đội ngột. Từ
con đường đất cát đang bị cỏ lấn chiếm, những viên gạch vỡ
nát bắt đầu, rồi những viên gạch mới hơn, đỏ như loại gạch
lát Lổ Coa bao phủ, chặn lại thiên nhiên hung hãn. Xung quanh thị trấn là một hàng cây đa, nơi quán nước đầu tiên là của một cụ bà ngủ gật. Chúng tôi hóa ra là đến đây quá sớm, hàng quán
chưa mở cửa gì cả. Tên Phan háo hức đến nỗi hắn gõ liên tục
vào thùng xe, làm tôi giật mình thức giấc.
Nhà nơi đây cổ như hàng cây đa bao quanh. Nhưng nước sơn mới tươi
tắn giúp chúng không quá âm u. Và chỉ sau khi chiếc xe được gửi vào một hàng cho thuê ngựa, chợ ngày mới bắt đầu luôn, người
dân tuôn ra từ mọi ngõ ngách, xua đi làn sương mù buổi sớm.
Bất ngờ đầu tiên đến khi một người bạn cũ nhận ra Hồ Tử Duy
ở bàn ăn sáng. Tên này từ lúc bước vào quán phở đã nhìn
chúng tôi chằm chằm. Tôi ho hắng, gật đầu về phía kẻ đó. Hồ
Tử Duy nhìn theo, rồi nở một nụ cười khó chịu. Kẻ kia ngược
lại, sự hào hứng lộ rõ lúc bắt gặp ánh nhìn không quá thân
thiện ấy. Hắn ta liền rời bàn ăn mà tiến lại chỗ chúng tôi.
“ Hồ công tử?! Sao ông trời có mắt vậy! “ _ Hắn cười hì hì,
kéo cái ghế trống ngồi xuống. Nhanh nhẩu, anh chàng này còn
lấy ấm trà nóng rót luôn cho mình một cốc.
“ Không có cuộc vui nào trên giang hồ mà không có ngài được. “
Hồ Tử Duy mỉm cười lịch sự mà đáp trả:
“ Cám ơn Minh gia rất nhiều. Nhưng tôi sẽ tự tìm thư mời của mình. “
“ Khà khà tất nhiên rồi, Hồ công tử đây cần gì đến một kẻ như tôi giúp đỡ. “ _ tên bán thông tin đút lại thiệp mời vào trong
túi áo _ “ chúng ta mới biết nhau có vài năm thôi nhưng công tử
không bao giờ khách sáo cả. Người như công tử giờ hiếm biết
bao. Nói thật chứ trong cái nghề mua bán thông tin này, ai cũng
muốn có nhiều quan hệ này nọ để la liếm. Tệ nhất là mấy tên
quan quèn. Bọn họ thì thích làm bạn với dân giang hồ. Nhưng
công tử đừng bao giờ nghĩ trong lúc nguy nạn mà nhờ vả gì
được. Ngủ nhờ trong cái chuồng ngựa còn không được nữa à. “
Hắn lắc lắc đầu, tu luôn một chén trà nữa.
“ Cái gì cũng có giá của nó. “
“ Đúng vậy. Nhưng bạn bè thì vô giá. Tất nhiên là tôi đang nói
tới những người bạn thật sự. Không phải là những kẻ ăn theo,
chỉ nói ngon ngọt lúc thiên thời thuận lợi. Mối quan hệ con
người bao phức tạp và ai cũng đeo một cái mặt nạ. Chỉ trong
bóng tối, khi được che khuất, người ta mới thật sự là chính
mình. “
“ Nhưng tôi chẳng bao giờ đeo cái gì trên mặt cả! “ _ Phan bỗng dưng chêm vào, gãi gãi đầu.
“ Không, Minh gia đây nói đến mặt nạ theo nghĩa bóng. Ấy là
những hành động dối trá để che đậy con người thật bên trong. “ _ Hồ Tử Duy trả lời thay Nhật Minh, anh ta ngắm cái bóng của
mình trong chén trà nhạt, có chút gì đó ngập ngừng trước khi
tiếp tục _ “ nhưng cũng có những người phải che dấu cái tốt
đẹp bên trong để sống được trong thời đại này. Hoặc cũng có
những người không tốt không xấu, nhưng vẫn đeo một cái mặt nạ
để trở thành một người khác. “
“ Một người mà họ nghĩ họ nên trở thành. Một người tốt đẹp
hơn hay mạnh mẽ hơn.. “ _ tôi nói thêm. Hay một người mà họ thần tượng. Một người nào đó dũng cảm, tháo vát, thông minh và
đầy trách nhiệm. Một người như mẹ tôi.