Vô Tiên

Chương 356: Ly đảo (1)



- Chính đông hai mươi dặm có một hải đảo!

Đệ tử trên cột buồm có thị lực rất tốt, sau khi ngẩng đầu nhìn về phía xa thì hô to xuống phía dưới. Người trên thuyền nghe được tiếng la thì nhao nhao đi lên boong thuyền nhìn xung quanh về phía trước.

Liên tiếp nhiều ngày mưa dầm, lúc này sắc trời sáng sủa, trời xanh không mây, bầu trời xanh màu biển. Xa xa có thể thấy được một hải đảo bao trùm màu lục, càng lúc càng gần.

Có lẽ là đi lâu trên biển, mỗi ngày thường thấy nước biển mịt mờ vô tận, khi vừa thấy được tiểu đảo trong đại dương bao la, thần sắc mọi người đều vui vẻ, cho dù hải thuyền của Thương Hải bang cũng tạm thời bị quên mất.

Lâm Nhất cũng ghé vào phía sau đoàn người tò mò nhìn tiểu đảo đột nhiên xuất hiện ở trước mắt. Không biết đây đã tới chỗ nào rồi, chẳng nhẽ đã tới dị quốc rồi sao?

Hơn nửa canh giờ sau, khi hải thuyền của Thiên Long phái gần tới, hải đảo cũng hiện ra càng rõ ràng hơn.

Trên hải đảo phương viên hơn mười dặm, sơn lâm kéo dài, cây cối tươi tốt, một bãi cát màu bạc trắng lượn quanh đảo. Cảnh trí đảo nhỏ cùng nước biển xanh thẳm cùng tôn nhau lên, đẹp không sao tả xiết.

Một bến tàu đơn sơ có mấy cái thuyền nhỏ cập bến, còn có phòng xá thấp thoáng dưới tán cây. Hiển nhiên, trên đảo có người ở.

Hải thuyền vờn quanh tiểu đảo nửa tuần, chậm rãi tới gần bến tàu kia. Đột nhiên xuất hiện thuyền lớn làm kinh động cư dân trên đảo, một số người đi ra khỏi thảo xá*, mặt sợ hãi nhìn những khách không mời mà tới này.

*Nhà làm bằng cỏ.

Tướng mạo, quần áo của những người trên đảo gần giống với bách tính Đại Thương, chỉ là không biết nơi này rốt cục là chỗ nào rồi.

Thiên Long phái để lại đệ tử trông thuyền, buông ván cầu từ trên hải thuyền, đám Mạnh Sơn vây quanh Giang trưởng lão đi xuống thuyền. Lâm Nhất vốn định ở trên thuyền, liếc mắt một cái, sau khi thấy đệ tử của Thiên Long phái rời đi hết thì liền cười gượng đi theo sau lưng mọi người, bước lên tiểu đảo phong cảnh sáng sủa sinh động này.

Người trên hải đảo nhìn thấy mọi người của Thiên Long phái cập bờ lên đảo thì mỗi người đều kinh hoàng bất an, tụ tập chung một chỗ.

Một lão giả tóc bạc hoa râm, vượt qua đám người bước ra tới trước mặt Giang trưởng lão, chắp tay thi lễ:

- Không biết quý khách đến từ phương nào? Tới Ly đảo của bọn ta là muốn làm gì? Nếu có gì sai khiến, xin cứ việc phân phó, tiểu lão nhi sẽ cố gắng tòng mệnh.

Giang trưởng lão cũng chắp tay đáp lễ, lạnh nhạt nói:

- Nhóm bọn ta tới từ Đại Thương, nhìn thấy nơi đây thì chỉ xuống nghỉ tạm. Nhưng nếu cần điều kiện gì nhất định sẽ không bạc đãi các người. Mong vị lão đệ này có thể tạo điều kiện thuận lợi.

Những tộc nhân sau lưng lão giả nghe vậy thì mặt mang kinh hỉ. Lão giả kia mừng rỡ nói:

- Hóa ra là người của cố quốc, tiểu lão nhi thất lễ rồi!

Tiếp đó liền có người hoan hô một tiếng, người nhiều hơn từ trong rừng cây đằng xa đi tới, mỗi người mặt nở nụ cười tiếp đón.

Thì ra tên của đảo này là Ly đảo. Dân trên đảo là người của Đại Thương tới đây tránh nạn từ mấy trăm năm trước. Những người này nhớ nhung cố thổ nên liền đặt tên đảo này là Ly đảo.

Người trên đảo tự nhận là “Ly Hương chi tộc”, ám chỉ ý xa xứ. Lão giả là tộc trưởng, nhìn thấy người của cố thổ tới thì đặc biệt thân thiết. Nhóm dân trên đảo hiếu khách cũng nhao nhao mời mọi người tới nhà làm khách.

Thịnh tình không thể chối từ, mọi người cũng chỉ có thể nhập gia tùy tục. Lâm Nhất đi ở sau lưng mọi người, nhìn thấy một cậu bé tám tuổi mặc áo đuôi ngắn, quần ngắn, trên mặt tròn trịa là một cặp mắt trắng đen rõ ràng, linh động không ngừng.

Đứa bé đi chân trần chạy chậm tới trước mặt Lâm Nhất, kéo lấy ống tay áo của hắn, tha thiết nói:

- Tới nhà của đệ đi!

- Ha ha, được! Đệ tên là gì?

Lâm Nhất giơ tay sờ sờ đầu của đứa bé kia, ôn hòa cười nói.

Cậu bé nhìn thấy Lâm Nhất đồng ý thì vui vẻ chạy trước. Nó quay đầu cười rộ lên, lộ ra hai cái răng nanh nói:

- Đệ tên là Hải Sinh, còn huynh?

Lâm Nhất theo Hải Sinh đi dọc theo bãi cát về phía trước, thuận miệng đáp:

-Ta tên là Lâm Nhất.

- Vậy đệ gọi là Lâm đại ca, được không?


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.