Vọng Giang Nam

Quyển 1 - Chương 5: Hồ già dậy đêm biên thùy



*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Cách trướng chủ soái chừng mấy thước, Trương Khuê đột nhiên khựng lại, Chu Kỳ cũng dừng ngay sau hắn ta.

Trương Khuê lắng nghe, vẻ mặt thoáng chốc lộ vẻ túng quẫn xấu hổ.

Ban đầu Chu Kỳ còn mang chút khó hiểu, không để ý tới tín hiệu của Trương Khuê mà tiến lên mấy bước, sau đó, sững người.



Đồng cỏ hoang vu trải bất tận có cuốn lớp bờm ngựa dựng đứng, cuồng phong có gào thét đinh tai nhức óc, Chu Kỳ vẫn có thể nghe thấy tiếng giao hoan thấp thoáng, tiếng thở dốc và rên rỉ liên miên không dứt, khiến người ta mới nghe thôi đã nóng bừng cả vành tai.

Chu Kỳ vô thức nhìn sang Trương Khuê đứng bên, thấy hắn ta chỉ một mực cắm mặt nhìn chân, một lời không nói, xem ra đây cũng không phải lần đầu tiên gặp phải tình huống này.

Chu Kỳ cười nhạt, ác cảm với Tĩnh tây vương lại trướng ra thêm vài phần.

Không biết đã đứng trong bao lâu, cho tới khi hai chân gần như vô giác, âm hưởng bên trong mới ngơi nghỉ.

“Vương gia, ti chức đã đưa Chu Kỳ tới.”

Phòng trong truyền ra âm thanh cực kỳ mập mờ: “Ừm, để y vào.”

Chu Kỳ nhíu mày, cứng rắn nói vọng vào: “Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính. Hạ quan vẫn nên chờ Vương gia thu thập thỏa đáng xong thì hơn.”

Tựa hồ có tiếng cười khẽ của Tĩnh vương gia, sau đó là một chuỗi loạt xoạt vang lên, chừng tròn nén nhang sau, liêm trướng được vén lên, đi ra là một Hồ cơ tuyệt sắc.

Chu Kỳ liếc nhìn rồi cúi đầu ngay, nội tâm thầm oán thán: “Khanh bản giai nhân, nại hà tòng tặc[1]…”

“Giờ đã vào được rồi chứ?” – Tĩnh tây vương giọng khàn khàn, nghe vào lại khiến người ta liên tưởng lung tung.

Trương Khuê giật giật tay áo y, Chu Kỳ vẫn kề cà lưỡng lự, sau đó thì gần như bị Trương Khuê lôi vào trong trướng.

Bên trong được bày bố cầu kỳ hơn y tưởng, giữa trướng đặt một chiếc bàn bằng mộc đàn, bên cạnh còn bày một sa bàn[2] rất lớn, Chu Kỳ liếc nhìn, bất động thanh sắc.

Trên sa bàn không chỉ sắp xếp tình hình chiến sự tại Tây bắc, Hà Bắc đạo phía Bắc, Lĩnh Nam đạo phương Nam, mà còn có tất cả mười lăm đạo và thực lực binh lực ba trăm sáu mươi Châu của toàn bộ Thiên Khải cũng được hiển thị rõ ràng rành mạch.

“Chu Kỳ.” – Tĩnh tây vương đột nhiên gọi.

Chu Kỳ ngẩng đầu, lại vội cúi đầu.

Tĩnh tây vương tùy ý dựa vào ải tháp, cổ áo trong buông thõng, lộ ra lồng ngực trần chắn nịch, để ý kỹ một chút còn có thể trông thấy ngay dưới bả vai có một vết sẹo hẹp dài. Không khí trong trướng nồng nặc thứ mùi vị đặc thù, liên tưởng đến tình huống vừa rồi, Chu Kỳ chợt hiểu, nhất thời có cảm giác dở khóc dở cười.

“Ngươi tới Lương Châu được nửa tháng rồi nhỉ?”

Chu Kỳ cung kính đáp: “Hồi Vương gia, hạ quan tới Lương Châu được ba mươi sáu ngày.”

Tĩnh tây vương như khẽ cười khẩy: “Mỗi ngày bằng một năm, nhỉ?”

Chẳng biết từ lúc nào Trương Khuê đã lui ra ngoài, đối mặt với Tĩnh tây vương quần áo không chỉnh tề, Chu Kỳ chưa thả lòng dù là một nửa tâm phòng bị.

“Kiến công lập nghiệp, bái tướng phong hầu vốn là sở nguyện trước nay của Chu Kỳ, lần này có thể may mắn được cống hiến dưới trướng Vương gia chính là cầu còn không kịp, sao dám sống một ngày như một năm?”

Một quãng yên tĩnh ngắn ngủi, nội tâm Chu Kỳ thêm phần thấp thỏm âu lo.

Tĩnh tây vương chậm rãi cất lời: “Vậy thì tốt. Bản vương thấy ngươi cũng đã nghỉ ngơi hồi phục kha khá rồi, nếu triều đình phái ngươi tới đảm đương chức vụ lục sự cho Tĩnh vương phủ, vậy từ mai đi, ngươi theo Bản vương sao lục văn bộ.”

Chu Kỳ khom người: “Ty chức tuân mệnh.”

Đang do dự có nên xin cáo lui hay không thì Tĩnh tây vương nằm trên tháp lại hỏi: “Nghe nói ngươi tinh thông trà đạo?”

Chu Kỳ khiêm tốn đáp: “Chỉ biết đôi chút.”

“Vừa lúc vô sự, ngươi đi pha một bình trà cho Bản vương nếm thử.” – Tĩnh tây vương tùy ý chỉ một ngón tay về phía bàn mộc đàn.

Chu Kỳ quay ra nhìn, không mặn không nhạt chối từ: “Vương gia, hiện tại thứ cho hạ quan không thể tòng mệnh.”

Âm điệu của Tĩnh tây vương thản nhiên không nghe ra ý tức giận: “Nga? Vì sao?”

Chu Kỳ cúi đầu: “Phẩm trà có ba phải, cam tuyền, khiết cụ và tân trà. Nơi đây hoang mạc cằn cỗi, tất nhiên không có cam tuyền. Lũng Tây nằm phía Tây bắc, cách xa sản trà Giang Nam, Hoài Nam và cả Lĩnh Nam, dù có ra roi thúc ngựa vận chuyển đến cũng không còn là tân trà nữa. Thứ ba, Lũng Tây gió lớn cát cuồng, trà cụ sớm đã nhiễm bụi, từ lâu đã chẳng còn khiết. Mặc dù hạ quan không muốn trái ý Vương gia, nhưng cũng càng không thể qua loa có lệ, hạ quan bất đắc dĩ, mong Vương gia lượng thứ.”

Tĩnh tây vương cười nhạt: “Có câu này Bản vương muốn hỏi ngươi, ngươi có nhất thiết phải chọc giận Bản vương hết lần này tới lần khác như vậy không?”

Chu Kỳ không lấy làm sợ hãi trả lời: “Hạ quan không dám.”

“Nếu vậy thì, ngươi về trướng ngủ sớm đi, nhớ, mỗi ngày canh năm đến đây sao chép.”

Nhanh chóng trở về trướng, khép lớp lều vải xuống, Chu Kỳ ngã ngồi bệt lên lớp mao chiên, chí giác như cả lưng đã lạnh cóng bởi mồ hôi. Chỉ cần nghĩ tới chuyện sáng sớm mai bắt đầu phải hầu người kia là đã thấy con đường phía trước thật mụt mùng bất trắc. Tâm tư đảo loạn, suy tính phập phồng, trằn trọc tới canh hai vẫn không thấy cơn buồn ngủ. Đang vật lộn giữa trăn trở thì đột nhiên Chu Kỳ khựng lại.

Ngoài trường bão cát gào thét pha lẫn tiếng sót tru thấp thoáng, có âm thanh ai thiết chợt vọng về, trầm bổng uyển chuyển, hòa với tiếng sói càng thêm thê lương ai cảm, cái thê lương ấy đánh thẳng vào can tỳ.

Viền mắt chợt nóng, lệ bi chợt trượt dài. Từ khi đặt chân tới Bắc Cương, bao nỗi nhớ tận lực áp chế, bao hoài niệm vùng Trung Nguyên chưa dám hồi tưởng đều dâng lên trong tâm khảm, ngưng thần nghe nhạc điệu, Chu Kỳ dần nhận ra nhạc cụ người kia chơi là Hồ già[3].

Hồ già thập bát phách[4], nhất phách ám tiêu hồn, nhị phách đoạn nhân tràng, tam phách giã tâm can…

Cùng đường vương lệ, chừng như người này cũng giống y, tâm tư tích tụ, không thể yên giấc, mới lấy âm nhạc ra trải nỗi lòng.

Chu Kỳ ngồi dậy, rút bội kiếm, nhẹ nhàng gõ lên thân kiếm thay cho phách nhịp, trầm giọng cất tiếng ngâm.

“Thiên vô nhai hề địa vô biên, lòng ta sầu hề khắc khoải cùng bên.

Đời người bỗng chốc hề như bạch câu phi nước đại, nỗi sầu hề đeo bám dẳng dai theo năm tháng.[5]“



Có lẽ vì nghe thấy tiếng ca đầy bi ai của y mà người thổi Hồ già kia như được tiếp thêm nội lực, tiếng Hồ già thoáng chốc vút cao lên mấy lần, như muốn vượt trời cao, xuyên gió ngàn mà lên.

Chu Kỳ không khỏi mỉm cười, y đứng dậy, cất tiếng bi ca,

“Khói lửa thành đầu chưa từng tắt, chiến trường chinh chiến lúc nào ngưng?

Sát khí trùng trùng gõ cửa ải, Hồ phong đêm đêm cuốn trăng tàn.

Cố hương cách trở hề âm trần đoạn tuyệt, tiếng khóc vô thanh hề ngậm nuốt vào trong[6].”

Hai người như tri âm hỉ phùng, tri âm tri kỷ, đồng thời cũng là những sĩ binh mang nỗi lòng trăn trở. Những con người nơi đây có ai không phải rời xa gia hương, xa cách phụ mẫu thê tử, có thể có một hai người xuất thân từ gia đình quan lại vì công danh lợi lộc mà tòng quân, nhưng phần lớn những người còn lại, hoặc xuất thân phủ quân, hoặc bị điều đi phục dịch, tất cả họ đều là những người xuất thân nghèo khó, tòng quân chỉ vì lẽ bất đắc dĩ mà thôi. Nghe tiếng Hồ già hùng hồn mà bi thương kia, nhớ về cảnh ngộ bản thân, những nỗi chua xót, khổ sở cứ thể nhen nhúm lên, có người âm thầm nức nở, cũng có người lớn tiếng khóc than, nhất thời, từ các doanh trướng đồng loạt dậy tiếng ai than vọng vang bốn phía, nhưng lại vì e sợ quân quyền mà cả vùng hoang dã càng thêm nặng nề tiếng thê lương bị đè nén đến tột độ.

Sau đó, tiếng Hồ già đột nhiên im bặt, dư âm không dứt, Chu Kỳ cũng thôi ngâm, tâm trạng thả lỏng, đẩy màn bước ra.

Đêm mười sáu, trăng tròn treo cao.

Trên đình thai lầu các, trăng chỉ được xem như một thứ để thưởng ngoạn. Còn ở thảo nguyên, ánh trăng bao la gói trọn thiên địa, không còn đăng hoa sặc sỡ, lần đầu tiên Chu Kỳ nhận ra, ánh trăng ảm đạm trong ấn tượng lại có thể rực rỡ và chói lòa đến thế, vời vợi vô tưởng, không thể tỏ tường.

Chu Kỳ khẽ cười, nương theo ấn tượng mà vọng về phương hướng người thổi Hồ già: “Chi bằng chiên trướng hạ, cộng ẩm lưỡng tam bôi?”

Trời đất mênh mang, chỉ còn bão cát.

___________

1. Khanh bản giai nhân, nại hà tòng tặc: Khanh vốn là giai nhân, tại sao lại theo giặc.

2. Sa bàn: Bàn cát – hình đồ căn cứ địa, một mô hình thu nhỏ về một đối tượng chủ thể nào đó nhằm phục vụ cho việc tìm hiểu, nghiên cứu.

3. Hồ già: Là một loại sáo có ba lỗ lưu truyền trong dân gian Mông Cổ, được mục dân ưa thích. Năm 1985, có một học giả Tân Cương tên A Lạc Thái tới vùng quê Mông Cổ đã phát hiện ra loại sáo này và đặt tên nó là “A Lạc Thái Hồ già.” Thân sáo bằng gỗ, dài 58.5cm, đường kính 1.8cm, phần dưới có đục 3 lỗ làm lỗ âm, đầu trên ống có gắn mảnh lưỡi gà.



4. Hồ già thập bát phách: (Mười tám điệu phách của kèn Hồ Già) là một thiên trong kiệt tác Bi phẫn thi (悲憤詩, Thơ bi phẫn) của nữ sĩ Thái Văn Cơ (tức Thái Diễm, 177–?) thời Kiến An. Bài Hồ già thập bát phách sáng tác theo thể ‘Tao’ (tức Li Tao do Khuất Nguyên sáng lập). Thái Diễm là con của ông Thái Ung (132-192), một nhà văn, nhà sử học và làm quan cuối thời Đông Hán. Ông cũng là người thông thạo âm luật.

Thời Hán mạt, nàng Văn Cơ bị quân của Đổng Trác bắt đi lưu đài ở đất Hung Nô (sử Trung Quốc thường gọi là rợ Hồ) kết hôn với  vua Tả Hiền Vương và có hai con. Bà sống ở đó 20 năm. Sau nhờ Tào Tháo, vì thương xót bà nên cho sứ giả đem vàng ngọc tới chuộc về nhưng hai con bà bị giữ lại. Trong sự mâu thuẫn giữ niềm vui hồi hương và bị nỗi đau chia ly cốt nhục, bà đã sáng tác Bi Phẫn Thi nói trên.

Trước khi đến Hung Nô bà đã có chồng là Vệ Trọng Đạo, nhưng ông này bị bệnh mất sớm nên không có con với bà. Sau khi hồi hương bà tái giá với người cùng quận là Đổng Tự.

Có thể coi đây là khúc bi ai nhất trong Thập đại tuyệt tác cổ cầm Trung Hoa.

5. Trích phách thứ 9 trong “Hồ già thập bát phách” – chỉ mối sầu vô biên, hỏi trời cao mà không thấy trả lời.

“Thiên vô nhai hề địa vô biên, ngã tâm sầu hề diệc phục nhiên.

Nhân sinh thúc hốt hề như bạch câu chi quá khích, nhiên bất đắc hoan nhạc hề đương ngã chi thịnh niên.

Oán hề dục vấn thiên, thiên thương thương hề thượng vô duyên.

Cử đầu ngưỡng vọng hề không vân yên, cửu phách hoài tình hề thùy vi truyền.”

Lược dịch (aka chém by Miss)

“Thiên vô nhai hề địa vô biên, lòng ta sầu hề khắc khoải cùng bên.

Đời người bỗng chốc hề như bạch câu phi nước đại, nỗi sầu hề đeo bám dẳng dai cùng năm tháng.

Oán hận hề vấn trời cao, trời xanh xanh hề vô duyên tới.

Ngẩng đầu ngưỡng vọng hề mây mù kín lối, cửu phách hoài tình hề truyền vì ai.”

6. Trích phách thứ 10 trong “Hồ già thập bát phách” – chỉ nỗi oán hận chiến tranh không ngừng.

“Thành đầu phong hỏa bất tằng diệt, cương tràng chinh triến hà thì hiết?

Sát khí triêu triêu trùng tắc môn, hồ phong dạ dạ xuy biên nguyệt.

Cố hương cách hề âm trần tuyệt, khốc vô thành hề khí tương yết.

Nhất sinh tân khổ hề duyến biệt ly, thập phách bi Thẩm hề lệ thành huyết.”

Lược dịch (aka chém by Miss)

“Khói lửa thành đầu chưa từng tắt, chiến trường chinh chiến lúc nào ngưng?

Sát khí trùng trùng gõ cửa ải, Hồ phong đêm đêm cuốn trăng tàn.

Cố hương cách trở hề âm trần đoạn tuyệt, tiếng khóc vô thanh hề ngậm nuốt vào trong.

Khổ cực một đời hề duyến ly biệt, thập phách bi thâm hề lệ hóa huyết dài.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.