Lúc xe ngựa của Tố Lan xuyên qua phố xá sầm uất thì đụng ngã thứ gì đó, gây nên một trận huyên náo. Tố Lan vẫn phỏng đoán biểu hiện hôm nay của chị gái ở trong lòng nên không để ý việc khác. Qua một lúc lâu, nàng ấy mới chợt phát hiện xe ngựa không dừng lấy một khắc nào nên lên tiếng với phu xe: “Không phải là vừa rồi mới làm người ta bị thương hay sao? Sao lại cứ đi như vậy?”
Tùy tòng ngồi bên cạnh phu xe tùy tiện trả lời: “Ai cũng đều nhận ra xe ngựa của phủ tướng, nếu như bọn họ bị thương tự nhiên sẽ tìm tới cửa. Không có động tĩnh thì là không có việc gì đâu. Chuyện nhỏ này, thiếu phu nhân không cần phải quan tâm.” Đang nói đến đây, phu xe thét to ghìm ngựa, xe vững vàng đứng ở bên ngoài cửa Tây của phủ Bình vương.
Tố Lan xuống xe, liếc mắt thoáng nhìn mấy tôi tớ xách vôi trắng quét tường. Không biết đứa bé bướng bỉnh từ đâu tới viết một hàng chữ ở trên tường ngoài vương phủ, nét bút vụng về hỗn loạn, có vẻ là mấy đứa bé cùng làm trò đùa quái đản này. Vôi trắng đã được quét mấy lượt nhưng Tố Lan vẫn nhìn ra đó là lời tiên tri lưu truyền nhiều năm về trước: “Họ Tố ở Đông Bình giết chị em, họ Tố ở Thanh Hà sinh phản tặc, chính cung (hoàng hậu) khó có con…” Phía sau chắc còn có một câu, bị trát không còn lại gì. Tố Lan nhớ mang máng khi còn bé mình cũng từng nghe qua nhưng lúc này không nhớ ra được.
Sau khi đương kim thánh thượng lên ngôi, ba vị thân vương mưu phản bị giết đều là do Tố thị ở Thanh Hà sinh ra khiến bài thơ tiên tri này lưu hành một khoảng thời gian. Có điều khi đó truyền là “Họ Tố ở Thái An giết chị em”, ám chỉ xuất thân thái hậu Khang Dự xuất thân từ Thái An giết em gái ruột là hoàng hậu Hoài Mẫn. Hôm nay không biết kẻ nào có ý đồ khác, lại đem những từ tục tĩu lập lờ đánh lận con đen lên trên người Tố thị Đông Bình.
Tố Lan trợn mắt lên cả giận nói: “Kẻ nào xui khiến trẻ con làm chuyện này? Hôm nay ức hiếp đến đầu phủ Bình vương thì chẳng lẽ ngày mai muốn tạo phản?” Đoạn lớn tiếng nói với những tôi tớ kia: “Ban ngày ban mặt vậy mà để cho mấy đứa bé tô vẽ bậy bạ ở trên tường. Ngay cả một đám nhóc ranh con cũng không phòng được thì cần các người có ích lợi gì?”
Kẻ đứng bên chỉ huy người làm chính là đứa con Tố Uy của tổng quản Tố Bình. Thấy vị tiểu thư đã gả đi này lại về nhà mẹ đẻ thị uy, hắn ta cười hì hì đi lên phía trước nói: “Cư phu nhân có chỗ không biết, một đám con nít chừng hai mươi đứa đến. Nhiều thằng quỷ sứ như vậy cùng nhau tiến lên, mỗi đứa chỉ viết một chữ, người gác cổng vẫn chưa hoàn hồn thì chúng nó đã viết xong rồi chạy mất. Nhưng vẫn bắt được mấy đứa, cha tôi đang tìm cha mẹ của chúng cùng dạy dỗ rồi ạ. Việc này chúng tôi xử lý là được, sao dám làm phiền Cư phu nhân tức giận?”
Hắn ta mở miệng gọi một tiếng “Cư phu nhân” thật xa lạ, Tố Lan như cười như không nhìn hắn ta hỏi: “Hôm nay cha anh còn khỏe chứ?” Tố Uy đáp một tiếng “Khỏe ạ”, Tố Lan lại cười lạnh một tiếng: “Chỉ sợ một lát nữa thì không dễ nói đâu.” Dứt lời từ cửa Tây vào phủ.
Nàng ấy chưa đi được mấy bước, a hoàn vốn hầu hạ bên cạnh mẹ ruột nàng ấy đã tiến lên đón, vui vẻ kêu lên: “Cô bảy!” Bước chân của Tố Lan vẫn không ngừng, vừa đi vừa hỏi: “Uyển Khởi, gần đây trong phủ có xảy ra chuyện gì không?”
Uyển Khởi nhỏ giọng nói: “Cơ thể bà lớn không tốt. Mời rất nhiều ông lang đến xem, đều nói kéo dài một ngày là trộm một ngày từ trong tay Diêm vương, sợ rằng không gắng gượng được đến mùa xuân.”
“Bệnh thật không phải lúc.” Tố Lan lầu bầu một câu, lại hỏi mấy cái khác. Hai người đi tới ngoài phòng khách của vương phủ, Uyển Khởi không dám vào, Tố Lan cũng không để ý đến cô ấy, tự mình rảo bước tiến lên cửa.
Trong sảnh lặng ngắt như tờ, Bình vương cùng các bà vợ lẽ đang ngồi, duy chỉ không có Bình vương phi Duệ thị. Đám đàn bà ai nấy lúng túng quan sát sắc mặt của Bình vương, không dám tùy tiện gợi chuyện. Thấy Tố Lan vào thì mọi người thở phào nhẹ nhõm, nhao nhao bắt chuyện. Tố Lan hành lễ trước mặt cha, mỉm cười nói: “Cha vẫn còn đang khó chịu đấy à?”
Bà tư bên cạnh vội tiếp lời: “Cả nhà vui vẻ chờ vương gia về mở tiệc, nào ngờ ông ấy vừa vào cửa liền đen mặt lại không để ý ai sất, rõ ràng là muốn dọa chết bọn ta mà.”
“Mở tiệc gì nữa?” Bình vương bạnh quai hàm rống lớn một câu, giận không chỗ phát tiết, “Không thấy gậy mà nương nương thưởng à? Lĩnh một trăm cây gậy cũng đáng để nâng chén chúc mừng chắc?”
Mọi người đưa mắt nhìn nhau, càng không dám lắm miệng nữa. Miệng Bình vương mở ra thì phải phát tiết một chặp: “Ối giời ơi, cuối cùng thì tôi cũng tỏ tường cả rồi! Trước đây còn trông cậy vào nó nắm quyền lớn, giờ thì coi như hết! Nếu thật để cho nó nắm quyền thì chỉ sợ ngay cả cái kẻ làm cha như tôi cũng phải ăn gậy!”
Người khác không biết ông nói việc gì nhưng Tố Lan lại quá rõ ràng nên cười hì hì kể cho họ nghe. Sau khi nghe xong, bà bảy Bạch Tiêu Tiêu hừ lạnh một tiếng: “Trước đây nương nương làm việc chính là như thế, thà rằng làm mình uất ức chứ cũng không để cho người ta đàm tiếu. Vương gia có cô con gái này cũng chẳng phải ngày một ngày hai, làm sao đã quên rồi?”
Bình vương thở dài nói: “Chính là vì đến bây giờ nó vẫn còn mang bộ dạng này nên tôi mới giận. Mấy bà đã từng gặp người nào làm việc lớn mà nhìn trước ngó sau, sợ đầu sợ đuôi như nó hay chưa?”
Tố Lan cười ha ha, nói: “Từ trước cha chỉ tùy tiện nuôi chị chưa từng để tâm đào tạo, lúc này lại trách chị không có khí phách, chẳng phải oan cho chị ấy sao? Tất nhiên chị có suy nghĩ của mình, chỉ là cha con ta không biết đấy thôi.”
Bình vương bị nàng ấy đẩy cho một câu không mềm không cứng như vậy thì chớp chớp con mắt, nói: “Nó thì có việc lớn gì phải tốn sức? Nó cho rằng đây là thời cuộc thế nào? Cần nó dẫn binh đánh trận hay là mở mang bờ cõi? Hoặc là cần nó chỉnh đốn triều cương, gột rửa bốn biển? Dẫu thật sự có sự nghiệp to lớn này, dựa vào nó á?”
Mọi người nghe thấy đề tài không đúng, càng đâm ra không dám nhận trà. Bình vương nói đến hăng say, lại bảo: “Một kẻ tổng quản nhà mẹ đẻ cưới vợ bé thôi mà nó cũng làm loạn cả lên. Trong mắt chỉ thấy những việc nhỏ nhặt không đáng kể này, dẫu phí cả đời xử lý cho sạch sẽ thì đã làm sao? Chuyện đứng đắn lại không thấy nó bỏ công sức ra…” Ông thở dài một hơi, “Chuyện lớn nhất mà nó có thể làm chính là thừa dịp long thể của thánh thượng chuyển biến tốt đẹp, mau chóng sinh ra một hoàng tử. Không dám nghĩ đến việc kế ngôi vua, chỉ cần ngày sau phong vương cũng đã có lợi rất lớn đối với nhà ta rồi.”
Lý do này của ông có hơn nửa không hợp với suy nghĩ của Tố Lan. Đợi lúc ông dừng lại uống trà, Tố Lan lạnh mặt nói: “Suy nghĩ trong đầu cha xoay chuyển thật nhanh. Trước đó mấy ngày còn muốn chị nắm chắc thời cơ, giúp nhà ta dấn thân vào triều chính. Theo như tôi nghĩ, cho dù chị thật sự không rành chính sự thì đã sao? Thiên tử chỉ có một vị hoàng hậu như chị, lúc thiên tử mệt mỏi nên để chị giúp đỡ bên cạnh. Thiên hạ chỉ có chúng ta là nhà mẹ đẻ của hoàng hậu, chị không có chính kiến thì chúng ta giúp chị. Chuyện chị không biết, cha hiểu, anh hiểu, tôi cũng hiểu, chẳng lẽ người một nhà còn không giúp được một vị hoàng hậu? Để chị giống như những nàng dâu của gia đình bình thường, cả ngày chỉ suy nghĩ đến chuyện sinh con, không cảm thấy đáng tiếc hay sao?”
Bình vương hung hăng tặc lưỡi: “A Lan, con là dâu nhà tể tướng, lo chuyện của nhà con cho ổn thỏa là tốt lắm rồi. Việc trong cung, con làm ầm theo cái gì?”
Tố Lan nhìn cha rồi cười lạnh một tiếng: “Cũng phải. Ở trong mắt cha, loại con gái không vào được cung như tôi đây thì cả đời cũng cứ như vậy thôi.”
Chư vị nữ quyến thấy bầu không khí giữa hai cha con bế tắc, vội vã ra giảng hòa, thu xếp mở tiệc chiêu đãi Tố Lan. Bình vương đứng lên, phất tay áo thị uy: “Chuyện tôi nhức đầu còn chưa xong xuôi đâu! Đi gọi Tố Bình tới đây.”
Tổng quản Tố Bình vội vã dừng việc trong tay chạy tới, đã thấy một nhà già trẻ mắt lớn trừng mắt nhỏ, không ai có sắc mặt tốt. Bình vương nắm trong tay một cây gậy lớn màu son, không ngừng đánh trên mặt đất, thấy Tố Bình thì thở dài bảo: “Trong sách thánh hiền cũng viết có sính lễ thì là vợ, cướp đoạt thì là lẽ. Bà tư kia của anh vốn chẳng phải là chuyện gì to tát mà lại khiến vị hoàng hậu nương nương hay chuyện bé xé ra to của chúng ta biết được, nhất định muốn phạt anh chịu đòn.”
Tố Bình lấy làm kinh hãi, quỳ bụp xuống cầu xin lia lịa. Bình vương ném gậy to cho gia đinh bên cạnh, nói với Tố Bình: “Thôi, thôi, Tố Bình, anh cứ chịu ba mươi gậy đi, coi như là để kẻ viết sử sau này thêm một câu chuyện chính trực cho nương nương.”
Tố Bình thấy việc không thể thương lượng, ủ rũ cúi đầu xin cáo lui. Tố Lan thờ ơ lạnh nhạt, nói với giọng mỉa mai: “Nương nương dặn dò bảy mươi gậy, cha lại bớt hơn một nửa. Cha thật là nhân từ với Tố Bình!”
“Chị con không hiểu chuyện, con cũng không hiểu sao?” Bình vương nghiêm khắc trợn mắt nói với con gái, “Lúc Tố Bình sẵn sàng góp sức cho cha, chị em con còn chưa sinh ra đâu. Ngay cả anh ta cũng bị đánh cho tàn phế thì từ rày còn có ai bằng lòng tận trung nữa? Người khác theo cha, chẳng qua chỉ mưu cầu hai chữ “lợi ích”. Nếu cha thật sự nghe lời của chị con, không cho lợi ích chỉ cho ăn gậy thì có ai lại lon ton chạy đến cửa muốn ăn đòn chứ?” Ông phát tiết sự bực bội nửa ngày trời ra, vẻ mặt rất đỗi uể oải, phất tay một cái nói, “Không ăn nữa! Tôi tìm một nơi yên tĩnh nghỉ ngơi đây.”
Tố Lan thấy cha nghe không vào lời của người khác, cũng không làm ông kích động nữa. Nàng ấy dùng cơm xong phải trở về phủ tướng, trước khi đi thì đến thư phòng của cha mình cáo từ, chỉ thấy Bình vương dời một cái ghế đến trước bức tường, ngơ ngác xuất thần với một bức họa. Tố Lan đến gần nhìn, thì ra là mười hai bà vợ của Bình vương do danh gia vẽ.
Nàng ấy cảm thấy người mà cha mình ngắm nhìn nhất định là người phụ nữ có khí chất khác xa những kẻ khác trong bức vẽ. Người nọ mặt mày cực kỳ thanh tú, tùy ý ngồi bên một gốc cây, cách các cô gái khác không xa cũng chẳng gần, vẻ mặt không thân thiết cũng chẳng xa lánh. Rõ ràng đang ở trong đoàn người, lại giống như ngoảnh mặt làm ngơ đối với chung quanh. “Đây là bà chín, mẹ ruột của chị?” Nàng ấy hỏi.
Bình vương “Ôi” một tiếng với người con gái ấy: “Nàng ấy đúng là đã sinh ra hai đứa con ngoan!”
Tố Lan nghe ông nhắc tới một đứa con khác của bà chín, lập tức nói: “Trong kinh đang xôn xao nói về chuyện của anh ba. Gần đây những quan lớn lui tới phủ tướng, cũng đang thăm dò ý của tướng gia. Nghe nói tháng này sẽ đưa anh ba về.”
Bởi vì dẫn quân không tốt nên tướng quân Long Tương Tố Táp bị Đông cung Duệ Tuân mới thống lĩnh cách chức quân, trói về kinh định tội. Tấu chương thái tử tự viết đã đến tay tể tướng, Tố Lan không dò la được nội dung trong đó nhưng nghe nói ngôn từ sắc bén, liệt kê vài tội nặng.
Hoàng hậu Tố Doanh vốn sợ Duệ Tuân đến tiền tuyến, mượn cơ hội diệt trừ anh của nàng là Tố Táp. Nàng tốn công sức đưa hoàng tôn vào tay, lấy làm con tin. Nhưng Duệ Tuân cũng không phải kẻ tầm thường, ném thẳng củ khoai nóng bỏng tay này lại. Tướng bại trận thì quốc gia thường có hình phạt. Hoàng hậu cầu xin chính là vì tình riêng mà làm cong phép nước, còn xử theo lẽ công thì lại rất bất lợi cho Tố Táp.
Bình vương nghĩ đến chỗ ấy, ngón tay không ngừng gõ nhẹ trên ghế, do dự nói: “Bất kể thế nào, anh trai ruột của hoàng hậu đã ở trong bát nghị[1], chưa đến mức phải chịu tội lớn.”
[1] Bát nghị: tám nhân vật phạm tội đặc biệt không thể áp dụng theo trình tự giải quyết bình thường mà phải dân tấu để hoàng đế quyết định, căn cứ theo thân phận mà miễn giảm chế độ hình phạt. Tám nhân vật: hoàng thân quốc thích (nghị thân), bạn của hoàng đế (nghị cố), người có đức hạnh (nghị hiền), người có tài năng trác tuyệt (nghị năng), người có công lớn (nghị công), người có tước vị nhất phẩm và quan viên tam phẩm trở lên (nghị quý), người chăm chỉ (nghị cần), hậu duệ của triều trước đã hàng phục (nghị tân).
“Chỉ sợ có người còn muốn mượn cơ hội này kéo chị xuống nước đấy.” Tố Lan nhỏ giọng nói.
Bình vương cúi đầu không nói, Tố Lan nói tiếp: “May mà Tạ Chấn và công chúa Thịnh Nhạc về cùng anh. Hai người ấy chắc chắn sẽ nói lời hay giúp anh.” Nàng ấy dừng lại một lát rồi mới nói với cha mình: “Bệnh của bà cả nhất định phải kéo dài. Tỉ dụ ngày nào đó bỗng nhiên mất thì anh phải để tang, hôn sự với công chúa Thịnh Nhạc sẽ phải gác lại.”
“Việc này còn cần con dặn dò sao?” Bình vương nhìn cô con gái này, vẻ mặt hòa hoãn lại, than thở không ngừng, “Nếu như con và chị con có thể đổi cho nhau thì không biết cha có thể bớt lo nghĩ bao nhiêu.”
Vẻ mặt Tố Lan hậm hực: “Cha nói những thứ này không đâu này làm gì?”
Bình vương lo lắng nói: “Bà nội con là đại trưởng công chúa Huệ Hòa – cô con gái mà hoàng hậu Ý Tịnh sủng ái nhất, cô ruột của đương kim thánh thượng. Lúc bà còn sống, cuộc sống của cha rất tốt. Nhưng cha cứ luôn cảm thấy thiếu gì đó, vương tử vương tôn chẳng coi cha ra gì, ngày sau cũng không có ai viết sách lập đạo cho con của công chúa. Bây giờ mới biết, cách hoàng đế hoàng hậu càng xa càng tốt. Gặp phải dạng hoàng hậu như chị con, cha mới bắt đầu lo lắng một cái đầu không đủ dùng, ném đi cũng không đủ đâu.”
Ông nhìn con gái, cười chua xót: “A Doanh là hoàng hậu, con là dâu của tể tướng. Trầm Nhi cưới trưởng nữ của hoàng đế, Táp Nhi sắp chuẩn bị cưới một cô công chúa khác. Vinh quang của nhà ta trước nay chưa từng được như thế. Cha cũng chưa từng phí sức như thế.”
“Muốn đạt được nghiệp lớn, sao có thể không trả giá đắt?” Tố Lan cười từ biệt cha.
Nàng ấy vừa ra khỏi cửa đã gặp anh cả Tố Trầm, vội vàng kéo anh cả đi ra xa, nói: “Lúc này cha đang rầu rĩ không vui, anh cả đợi lát hãy vào.”
“Tiếng Tố Bình bị đánh truyền đến cả chỗ anh rồi.” Tố Trầm cau mày hỏi, “Sớm nay rõ ràng là cha rất vui vẻ ra ngoài, sao sau khi về lại vừa đánh người vừa tức giận thế? Trong cung xảy ra chuyện gì ư?”
Tố Lan thuận miệng trả lời một câu “Việc nhỏ thôi”, có ý kết thúc đề tài câu chuyện: “Em vốn định đi gặp công chúa Phượng Diệp nhưng nghe nói gần đây cơ thể chị ấy không khỏe, không dám tùy tiện đến làm phiền.” Nàng ấy nghe Uyển Khởi nói, bận trước chị dâu cả là công chúa Phượng Diệp cho rằng lại có thai, ai ngờ lại mất công vui vẻ một hồi, dưới sự nản lòng cộng ốm yếu nên không muốn gặp ai.
Tố Trầm lặng lẽ đi mấy bước, buồn bã thở dài nói: “Nhiều năm như vậy đều vì chuyện này mà buồn rầu, không phải uống thuốc điều trị thì là nghĩ cách giữ thai. Ông trời hết lần này tới lần khác không cho như ý, vừa đau lòng lại hại thân… Mấy năm nay nàng chịu đủ khổ cực. Anh không đành lòng nhìn nàng tiếp tục như vậy nữa. Nếu như số mệnh an bài vợ chồng anh không con thì chi bằng đến đây thôi, giữ gìn cơ thể nàng khỏe mạnh, anh đã thấy đủ rồi.”
Tố Lan cũng thở dài một hơi, con mắt đưa đảo mỉm cười nói: “Anh cả không cần khó xử. Tuy em vô dụng nhưng đã có bốn đứa con. Nếu anh cả có lòng, em sẽ tìm cách cho một đứa làm con nuôi của công chúa.”
Tố Trầm bật cười khanh khách: “Nói mê sảng gì đấy! Bọn anh muốn công tử nhỏ nhà tể tướng nhưng tướng gia không cho phép đâu.”
“Không phải còn có Vong Cơ ư?” Tố Lan cười hì hì nói.
Ánh mắt Tố Trầm có ý sâu xa đảo qua mặt Tố Lan, hắn ta trầm mặc khoảnh khắc rồi cười nhạt bảo: “Con gái em cho anh rồi thì phải đổi họ “Tố”. Em muốn sau này cho nó vào cung?”
Hắn ta nói trúng tim đen, Tố Lan không khỏi xấu hổ: “Em nào dám mơ mộng hão huyền! Vong Cơ không sinh ngày bảy, chưa chắc có cơ duyên như chị Doanh.”
Tố Trầm hừ một tiếng, thờ ơ nói: “Em có lòng này mà còn lo con gái mình không có cơ duyên sao?”
Tố Lan liền vội vàng khoát tay nói: “Anh cả càng nói càng xa rồi. Em không tới để pha trò cho anh.”
Tố Trầm cũng không làm khó nàng ấy nữa, nói: “Lần sau em vào cung gặp nương nương thì thay anh nói vài lời động viên.” Hắn ta vừa đi thong thả vừa nói, “Cha luôn nói thế cục trong cung biến động, thành bại quyết định bởi “cơ hội đầu tiên” và “chi tiết”. Lúc rối ren nhất, ai tóm được cơ hội trước thì người đó phải được lợi lớn. Càng gần thánh thượng, càng có cơ hội đi đầu. Đây là thứ mà biến cố thời đại, thành công thời đại của cha làm mẫu dạy cho cha. Nhưng cha không nghĩ ra: Mọi người đều biết đạo lý này. Người gần thánh thượng nhất luôn là cái đinh trong mắt người khác… Thời đại đã thay đổi rồi. Cũng may nương nương biết nhẫn nhịn.”
Hắn ta không nói thẳng ra nhưng Tố Lan cũng hiểu rõ trong lòng. Lúc bệnh tình của hoàng đế khó đoán nhất, hoàng hậu Tố Doanh xử sự im tiếng đoan chính khiến thần kinh căng thẳng của nhiều người tạm thời thả lỏng, song có vài người vẫn cảnh giác với nàng.
Tố Trầm còn muốn nhắn nhủ vài câu nữa thì đã thấy bên môi Tố Lan lộ ra nụ cười, không khỏi kinh ngạc hỏi: “Em vui mừng điều gì vậy?”
Tố Lan nháy mắt một cái: “Anh cả có cảm thấy người có thể sinh ra ở nhà chúng ta thì đã định trước cả đời này đưa thân vào trong biến ảo mà người thường không thể đạt được, vào trải nghiệm hiếm có suốt mấy đời không?”
“Em…” Ánh sáng trong mắt nàng làm cho Tố Trầm cười khổ liên tục. Trong họ Tố, quả thật có lúc sẽ sinh ra cô gái như vậy, không coi vào cung là con đường nguy hiểm mà coi gió mây biến ảo nơi đỉnh cao đế quốc như vinh quang trọn đời. Nàng ấy chính là cô gái như vậy, từ nhỏ chuẩn bị đầy đủ vì cuộc sống hậu cung lại trời xui đất khiến không vào được cửa cung.
Trước đây Tố Trầm từng nghĩ, nếu như được nàng ấy bày mưu tính kế thì hoàng hậu trong cung sẽ có thể bớt không ít sầu não. Nhưng mà càng dung túng nàng ấy thì càng thêm lo lắng lúc nghĩ ngợi sâu xa. “Anh thà lo lắng hãi hùng vì Tố Doanh rầu rĩ vẫn không lên tiếng kia cũng không muốn bận tâm đến em.” Tố Trầm thở dài.
Tố Doanh đến cung Ngọc Tiết một chuyến thì chạm mặt Ngô thái y. Tố Doanh mỉm cười nhận lễ bái của thái y. Nhưng lúc Ngô thái y nhìn thấy Vương Thu Oánh lại lộ ra vẻ kiêu căng rất rõ ràng. Tố Doanh luôn biết thái y viện chỉ trích y nữ mà mình tìm đến, vì chuyện này Ngô thái y đã cố ý liên hợp với ngoại thần một lần.
Tố Doanh ôn hoà hỏi: “Hôm nay tinh thần thánh thượng có tốt không? Đã dùng thuốc gì? Có dùng đúng lúc chăng?”
Ngô thái y đi lại trong cung nhiều năm, ứng phó với câu hỏi của người bên cạnh vô cùng lão luyện, uyển chuyển trả lời: “Phần lớn tâm trạng của người bệnh đều nên an nhàn không nên buồn bực. Hôm nay có công chúa Chân Ninh hầu bệnh ở bên, hơn thuốc và kim châm cứu gấp trăm lần.” Trước nay thiên tử bệnh nặng đều tị hiềm trung cung và Đông cung, ông ta không nói chữ nào, rõ ràng không muốn Tố Doanh và Vương Thu Oánh biết.
Một nữ quan lanh lợi phía sau Tố Doanh lập tức giễu cợt: “Lời dễ nghe như vậy, lão thái y nên nói thêm vài lần ở trước mặt tiểu công chúa. Đáp câu hỏi của nương nương không thể đáp thế.” Trong ngữ điệu cố ý nhấn mạnh hai chữ lão tiểu, chê cười Ngô thái y nịnh bợ một cô bé con. Ngô thái y ngượng ngùng cười, vẫn không thấu ẩn ý, vâng vâng dạ dạ xin cáo lui.
Khi ông ta đi ra xa mấy bước, Tố Doanh dùng giọng nói không cao không thấp dạy dỗ nữ quan kia một câu: “Không được bất kính!” Đi tới cửa cung Ngọc Tiết, nhìn thấy Phan công công canh giữ ở cạnh cửa, nàng mới mỉm cười, nhỏ giọng hỏi: “Bây giờ thánh thượng đang làm cái gì đấy? Sao ngay cả công công cũng bị đuổi ra ngoài?”
Phan công công đã hầu hạ hai đời đế vương ở trong cung, dưới lông mày trắng là một đôi mắt luôn lấp lánh có thần. Thấy hoàng hậu đặt câu hỏi, lão ta vội vàng khom người trả lời: “Vừa mới vẽ đèn lồng xong, lúc này đang trò chuyện với công chúa ạ.”
“Là Chân Ninh đuổi công công ra ngoài nhỉ?” Tố Doanh cười tủm tỉm nói, “Ta lại muốn nghe con bé nói những chuyện không phải gì ở trước mặt thánh thượng. Công công tạm thời đừng thông báo.”
Phan công công mỉm cười cúi đầu né người, Tố Doanh liền nhẹ tay nhẹ chân rảo bước tiến vào cung Ngọc Tiết.
Lụa gấm màu lam treo yên tĩnh làm cung điện thêm vài phần màu sắc trang nhã khiến người ta như rơi vào hồ băng, thể xác và tinh thần đều run rẩy. Tố Doanh đi về phía trước hai bước, đứng lặng không tiếng động ở phía sau một cánh bình phong gỗ.
Trên bình phong khắc mười sáu chữ: “Ngao bất khả trưởng, dục bất khả tòng, chí bất khả mãn, lạc bất khả cực” (Rong chơi không thể dài lâu, mong muốn không thể theo đuổi, chí hướng không thể thỏa mãn, vui vẻ không thể vô cùng). Lần đầu tiên xem, nàng cảm thấy sùng bái. Lần thứ hai xem, nàng cảm thấy bi ai: Một người bị tước đoạt thất tình lục dục phải không có sức sống đến cỡ nào. Mỗi lần trở về sau kể từ lần thứ ba, dần dần thành thói quen, không hề cảm thán ngược lại phát hiện một ít nội dung khác: Từ chữ “khả” thứ ba nhìn sang vừa hay có thể thấy đầu giường của hoàng đế mà lại không dễ bị hắn thấy được. Khi ấy nàng luôn thả chậm bước chân ở đây, liếc mắt thật nhanh: Nếu như hắn ngủ thì nàng sẽ nhẹ nhàng dừng chân; nếu như hắn nửa nằm đọc sách thì nàng sẽ mỉm cười mà vào; nếu như hắn đang kiểm tra tấu chương thì nàng sẽ nhìn thẳng chờ ở một bên.
Hôm nay hắn vẫn đang xem kinh thư, không ngờ công chúa Chân Ninh ngồi ở mép chân giường của hắn lại đang lật tới lật lui tấu chương. Vài ngọn đèn lồng vẽ hoa cúc ném ở một bên, một hộp cờ rơi vãi đầy đất, con rối buộc dây đỏ lăn ở bên chân của Chân Ninh, trên giường, dưới đất khắp nơi đều là tấu chương lật loạn. Tố Doanh nhíu chặt chân mày, để tâm nghe xem cô bé nói cái gì đó.
“Tất cả đều là thứ tể tướng từng xem.” Chân Ninh tùy tiện ném tấu chương trong tay đi, lại cầm lấy một quyển từ bên cạnh. Phụ hoàng của cô bé chẳng liếc lấy một cái, vẫn đọc kinh.
Tố Doanh thầm nghĩ: Toàn bộ tấu chương do tể tướng kiểm duyệt, sàng lọc xong thì giao cho hoàng đế sắc chỉ, mọi người đều biết quy định từ tổ tông này, không biết tiểu công chúa cố ý nhắc tới muốn ngụ ý điều gì.
Chân Ninh đẩy tấu chương sang một bên, ghé vào bên cạnh phụ hoàng cô bé nói: “Mọi chuyện đều để tể tướng làm hết, còn phụ hoàng làm gì đây?” Hoàng đế không trả lời, nhẹ nhàng xoa đầu của nàng, lại cúi đầu đọc sách. Chân Ninh cười khanh khách cướp sách của cha rồi giấu ra sau lưng, hỏi tiếp: “Hoàng đế bệ hạ làm chủ thiên hạ chỉ có thể nhìn thứ mà tể tướng muốn cho người xem, nghe thứ hắn muốn cho người nghe. Vậy có gì vui?”
Tố Doanh lấy làm kinh hãi, nín hơi nghe xem cô bé còn muốn nói xằng nói bậy thế nào. Hoàng đế cười dịu dàng: “Chân Ninh, tể tướng là trụ cột của quốc gia, không thể hỗn xược với hắn.”
Chân Ninh bất mãn lẩm bẩm hai câu, cầm lấy con rối của mình, nói: “Phụ hoàng, người xem cái con rối này thú vị lắm sao? Con giật dây nó, nó lại giật hai con rối nhỏ. Nếu chơi như thế một trăm năm, có lẽ nó sẽ cho mình mới là kẻ chi phối người khác, quên mất có con ở đây.”
Tố Doanh nghe thấy thì càng sửng sốt, lặng lẽ lui ra ngoài cửa, trầm giọng nói với Phan công công: “Làm phiền công công.” Phan công công cất cao giọng ho một tiếng, đi vào thông báo. Tố Doanh nghiêng người hỏi Thôi Lạc Hoa: “Gần đây công chúa còn lén chạy ra khỏi cung không?”
“Thỉnh thoảng ạ.”
Lúc Tố Doanh mang theo các nữ quan đi vào lần nữa, trong lòng đã có dự định.
Thấy hoàng hậu giá lâm, Chân Ninh lãnh đạm hành lễ xong lại vùi đầu lật tấu chương. Tố Doanh giả vờ kinh ngạc nhìn hoàng đế một cái, lại thấy hắn chỉ khẽ mỉm cười, từ tốn nói một câu: “Chân Ninh, không được càn quấy nữa.”
“Con muốn xem tấu anh Tuân viết. Không biết gần đây anh có khỏe hay không.” Chân Ninh nói lanh lảnh, Tố Doanh đương nhiên biết cô bé muốn mượn đề tài để nói chuyện của mình, quả nhiên nghe cô bé lại hô to: “Ở chỗ này! Anh Tuân luôn đánh thắng trận, chắc sắp trở lại rồi đấy!”
Vẻ mặt hoàng đế hơi giận, Chân Ninh không dám lỗ mãng. Nhưng Tố Doanh lại nhìn ra được, ánh mắt ôn hoà ấy của hắn dường như đang nói: Cô bé con mà thôi, mặc nó đi, có thể làm gì chứ?
Tố Doanh cười dài ôm Duệ Hâm đi lên trước, giao vào lòng hoàng đế để hắn nhìn thấy đứa cháu bình an vô sự. Có một khắc nàng đã từng cho rằng, cách một ngày hắn muốn gặp cháu một lần là bởi vì trong lúc ốm đau thì buồn chán. Sau này mới biết, hắn chỉ lo lắng lúc Đông cung chinh chiến phía Tây lại giao an nguy của hoàng tôn vào tay nàng.
Chân Ninh thấy tâm tư của cha đều đặt ở trên người Duệ Hâm, nhanh trí ôm lấy con rối và đèn lồng xin cáo lui, lúc đi tới bên Tố Doanh, chớp đôi mắt to hỏi: “Nương nương, gần đây anh trai người sắp trở về rồi. Nhưng tôi không rõ “bắt đưa về kinh” là có ý gì thế?” Tố Doanh ngạc nhiên, cô bé lại cười hì hì đi mất.
Hoàng đế thấy thế an ủi bảo: “Đứa nhỏ mười mấy tuổi luôn như vậy, đám công chúa lại càng không biết điều như các hoàng tử.” Tố Doanh đành phải lại cúi người cáo lỗi: “Là thiếp không biết dạy dỗ.” Nàng dừng một lúc, nhẹ nhàng cười, “Thiếp không tin bệ hạ năm đó cũng như thế này.”
“Lúc nhỏ hơn Chân Ninh, ta cũng thất kính với mẹ, cho rằng mình có dòng máu thiên tử, còn bà chỉ là một người phụ nữ của hoàng đế.” Trên mặt hoàng đế lộ ra sự ấm áp nhưng cũng không nói nhiều về chuyện cũ, bảo, “Bên cạnh Chân Ninh vẫn thiếu một người quản nó.”
Tố Doanh đang chờ cơ hội này, giả bộ suy nghĩ một hồi, ngẩng đầu cười nói: “Khi còn bé thiếp được Thôi bỉnh nghi dạy dỗ, được ích lợi không nhỏ. Chắc nàng cũng rất có ích với công chúa.”
Hoàng đế liếc mắt nhìn Thôi Lạc Hoa, gật đầu bảo: “Vậy hãy để Thôi thị đi đi.”
Tố Doanh vừa sai người sửa sang tấu chương xong rồi đặt sang một bên, vừa chậm rãi tùy tiện chuyện phiếm vài câu với hắn. Thấy hoàng đế bị Chân Ninh quấy rầy cả buổi đã rất mệt mỏi, nàng không đành lòng khiến hắn hao tâm tốn sức nữa. Nàng tự mình hầu hoàng đế uống thuốc xong liền đứng dậy xin cáo lui.
Đám nữ quan phát hiện hoàng hậu tâm sự nặng nề, nhao nhao chậm bước chân cố gắng rớt lại phía sau. Duy chỉ có Thôi Lạc Hoa và Vương Thu Oánh theo sát ở bên. Tố Doanh thấp giọng hỏi Thu Oánh: “Cô thấy khí sắc thánh thượng thế nào?” Thấy Thu Oánh lắc đầu, nàng hết cách thở dài, giận tái mặt lại nói: “Ngày mai Thôi bỉnh nghi phải đến chỗ công chúa, nhất định phải biết rõ rốt cuộc con bé ra khỏi cung đã kết giao với kẻ nào. Thật to gan! Giờ dám xúi giục con bé bàn luận đúng sai của tể tướng trước mặt thánh thượng, sau này không biết còn xảy ra chuyện gì nữa.” Thôi Lạc Hoa vâng dạ trả lời, Tố Doanh lại nói: “Con bé cũng sắp mười bốn tuổi. Chắc cũng nên lựa chọn một vị phò mã cẩn thận đáng tin rồi.”
Thôi Lạc Hoa nhớ ra từng nghe vài cung nữ nói riêng với nhau rằng sau khi lén ra khỏi cung, khi trở về công chúa Chân Ninh đã nhắc tới một người đàn ông. Ánh mắt nàng mập mờ bị Tố Doanh phát giác, Tố Doanh lạnh lùng bảo: “Có lời gì thì nói ra.”
Thôi Lạc Hoa vội vàng đáp: “Chuyện hang trống gió lại mà thôi, không dám làm xáo trộn điều nương nương tai nghe mắt thấy. Đợi có kết luận, mới bẩm báo với nương nương.”
Tố Doanh nhìn nàng ấy một cái, lại yên lặng đi về phía trước mấy bước, bỗng nhiên dừng chân ngóng trông bầu trời cao. Cứ nhìn một lúc lâu, nàng mới nói với vẻ mặt trống vắng: “Thôi Bỉnh Nghi, người có thể bước lên trời, thật sự có thể cất cao giọng hát ở đỉnh của chín tầng mây sao?” Thôi Lạc Hoa vẫn chưa lên tiếng, Tố Doanh lại nói: “Ta không tin. Chỉ có mấy chữ “Bài ca bước lên trời” là bởi vì trong lòng người đề bút cũng không hát ra bài hát vui mừng thật sự đâu…”