Chỉ 2 ngày sau khi Dạ Nguyệt trở thành người của Vọng Nguyệt lâu, Vấn ma ma giao nàng cho Vũ Phàm, bảo hắn bắt đầu giáo huấn nàng cầm kỳ thi họa. Suốt nửa ngày trời hắn chỉ nhìn nàng, không nói không rằng, lặng lẽ tấu khúc “Bình sa lạc nhạn”
Khúc nhạc như ai oán, Dạ Nguyệt vốn không tinh thông âm luật, nhưng chỉ dùng tai cảm nhận cũng đủ hiểu gã tiểu nhị kia đang chất chứa tâm tình. Nàng cũng chẳng buồn thắc mắc, chỉ lơ đãng nhìn buổi chiều qua đi.
Đâu đó, ở phương trời xa nào đó bên bờ đông, những cánh én phiêu linh cũng nháo nhào tìm về nơi trú ẩn.
Chỉ có nàng, đến một nơi ẩn chân cũng không có để về.
Nàng có một tì nữ mới, tên gọi là Tiểu Nhu. Ả nha đầu này chỉ vừa qua tuổi 13 một tí, thân hình của một nữ nhi chưa lớn, đôi chân thô kệch nhưng lại rất thật thà thẳng thắng. Nàng và Tiểu Như nói chuyện tâm tình, lại đồng cảm, chẳng mấy chốc đã trở nên tương thân tương ái, nửa bước cũng không rời.
Qua lời Tiểu Nhu, Dạ Nguyệt mới biết thì ra hôm đó chính là sinh thần của phụ mẫu Vũ Phàm. Y trước đây cũng từng là thiếu gia của một tiểu thương, vốn có của ăn của để. Chẳng ngờ năm đó nạn sơn tạc kéo đến, cả Diệp gia vốn hào nhoáng là thế lại bị hủy trong một đêm. Một mình Vũ Phàm thoát chết, mama lúc đó của Vọng Nguyệt lầu thương tình đã mang hắn về làm tạp dịch. Xuân đến rồi lại đi, thoáng chốc Diệp Vũ Phàm đã trở thành một nam nhi cường tráng, tinh thông tứ thư ngũ kinh. Chỉ tiếc tài tử lại thất thời, khoác lên người bộ áo của tiểu nhị thanh lâu, đời này kiếp này, chưa chắc y đã có thể tự chuộc bản thân mình chứ nói chi là đi thi khoa cử, tái dựng gia tộc.
Đến hẹn lại lên. Hôm sau Tiểu Như lại đưa Dạ Nguyệt đến hoa viên gặp Diệp Vũ Phàm. Cũng như hôm trước, y một mình ngồi bên chiếc đàn tranh. Đôi tay mọi khi trông khỏe khoắn là thế, giờ lại nhẹ nhàng lả lướt trên những sợi đàn toát lên vẻ thanh tao đến kinh người. Dạ Nguyệt không nỡ làm y xao động. Chỉ lẳng lặng lắng tai nghe tiếng đàn của hắn, trong yên có biến, trong tĩnh có cương. Thế nhưng cũng như lần trước, hắn tuyệt không đá động gì tới việc dạy đàn cho nàng, chỉ ngồi đó đến hết buổi chiều rồi lại ra về.
Ngày thứ ba, thứ tư, thứ năm vẫn lặp lại như thế. Ban đầu Dạ Nguyệt còn không có ý gì làm phiền. Nàng vốn không phải là muốn học cầm kỳ thi họa, huống chi ngồi trong hoa viên, ngắm trăng thưởng nguyệt, cạnh bên lại có tiếng đàn thanh tao thoát tục thì còn mong chi hơn. Thế nhưng dần dà nàng lại cảm thấy tên tiểu nhị này có phần khinh thường nàng. Không dạy thì đã thôi, cả đến một lời với nàng hắn cũng chưa từng nói qua, há có phải xem thường thì là ý gì?
Đến ngày thứ bảy thì cả Tiểu Nhu cũng chịu không nổi nữa. Nó chạy đến bên bàn Vũ Phàm, hung hăng đập vỡ tách trà đặt cạnh y. Tiếng vỡ như thức tỉnh người trong mộng. Vũ Phàm lẫn Dạ Nguyệt như thoát khỏi cơn mê, chợt mở mắt kinh ngạc nhìn con bé.
-Chuyện gì? –Giọng Vũ Phàm vẫn ung dung như không hiểu.
-Đủ rồi đấy, tên tiểu nhị nhà ngươi có gì hay ho mà mỗi ngày đều làm mất thời gian của tiểu thư nhà ta như vậy –Tiểu Như chống nạnh nói –Tiểu thư đến chỗ ngươi là để học cầm kỳ thi họa, chứ chẳng phải là muốn nghe nhà ngươi đàn đâu nhé.
Vũ Phàm nghe thế không phải đáp trả, lẳng lặng quẳng cái nhìn tinh ý sang Dạ Nguyệt
-Là ý của con a nhà ngươi, hay là ý của cô ta? –Y nhếch môi hỏi.
-Là là… -Tiểu Nhu lắp bắp, hết nhìn Vũ Phàm rồi lại nhìn sang Dạ Nguyệt, chưa biết phải nói gì
-Nếu là ý của cô ta thì ta còn có thể suy nghĩ lại, còn nếu là ý của mỗi mình ngươi thì… xin thứ lỗi. Với một người sắp chết, ta dạy dỗ cô ta còn có tác dụng gì?
Nói xong, y lại lẳng lặng thu dọn đồ đạc, trước lúc đi còn quẳng sang Dạ Nguyệt cái nhếch môi nhẹ.
Nàng mất một đêm để suy nghĩ về những gì hắn ta nói.
Sáng hôm sau, nàng quyết định để Tiểu Nhu ở lại thư phòng. Con bé có vẻ uất ức vì bị bỏ rơi, nhưng nàng mặc. Có những chuyện nàng nghĩ sẽ dễ nói hơn với Vũ Phàm nếu không có mặt Tiểu Nhu.
-Vẫn còn có nhã hứng đến nghe ta đàn sao?
Bóng nàng vừa thả xuống hoa viên, giọng y đã vang lên như thách thức. Nàng ngồi xuống chiếc ghế đối diện y, nở nụ cười hòa nhã.
-Có phải là huynh và ta có hiểu lầm gì không?
-Vốn dĩ là không.
-Vậy tại sao lại đối với ta lạnh nhạt như vậy? Chẳng lẽ ở đây, mỗi ngày nhìn mặt ta lại khó chịu với huynh đến vậy ư?
Vũ Phàm ậm ờ, quyết định tự rót cho mình một cốc trà. Y bình thản tiếp:
-Ta có thể mất 2 năm để dạy cho một người không có năng khiếu, không hiểu gì về cầm, nhưng tuyệt nhiên ta không thể dạy cho một người có ý định tự sát. Cho dù ta dạy bao nhiêu, khổ tâm thế nào. Cô ta chết đi rồi chẳng phải tâm sức của ta sẽ hoài công vô ích hay sao?
Dạ Nguyệt cắn môi. Sự việc hôm ấy ở khuê phòng trừ nàng và Dịch Phàm ra tuyệt nhiên không có người thứ ba biết. Nàng biết y không phải dạng người lắm lời, nhưng lời nói vừa rồi lại tựa như tiếng khiêu khích. Nàng hít thở sâu, cuối cùng nói.
-Vũ Phàm Ca ca. Mong huynh hãy dạy tôi. Tôi tuyệt đối sẽ không bao giờ tự sát lần nữa.
-Lấy gì để ta tin lời cô? –Y ngạo nghễ hỏi
-Bởi vì… số phận chúng ta rất giống nhau. Nếu huynh có thể vượt qua và sống tốt được, ta tin rằng ta cũng có thể.
Vũ Phàm nhướng mày. Vẻ quyết tâm của cô nương trước mặt kia dường như một lần nữa lại đánh động tâm can y. Y nhìn cô ta rất lâu, bất giác thở dài.
Hôm đó, hắn bắt đầu dạy cô bước căn bản để gảy đàn
…
Thấm thoát đã 2 tuần trăng trôi qua.
Vũ Phàm chưa bao giờ chứng kiến cô nương nào lại có tiềm chất vượt trội như thế. Chỉ ba ngày thỉnh giáo, Dạ Nguyệt đã đàn được khúc “Binh sa lạc nhạn”, khúc đàn mà trước đây y phải học cả tuần còn các cô nương khác thì phải trải qua vài tháng. Về đối câu ngâm thơ, nàng tuyệt đối không thua kém bất cứ sỉ tử nào. Đến mức đôi lúc bị nàng đối đến long trời lở đất, y lại ngẩng mặt lên thắc mắc hỏi trời: cô nương này kiếp trước liệu có phải là trạng nguyên khoa cử? Sao lại có tài năng thiên phú đến là nhường ấy? Thế nhưng để giữ thể diện cho cả thầy cả trò, y chưa bao giờ khen nàng lấy một câu. Còn nàng mỗi lần bắt bí được y đều mỉm cười đầy tinh quái.
Thực ra, có một điều nữa nàng hoàn toàn không biết, đó là mỗi khi y dạy nàng vẽ tranh viết chữ, việc đó còn hơn cả cực hình.
Vũ Phàm đã từng là gia sư của hơn 20 cô nương ở Vọng Nguyệt Lâu. Không ít hoa đán nơi đây đều do một tay y đào tạo, nâng từng ngòi bút, khẽ từng dây đàn, chỉ là, chưa bao giờ có ai đó lại khiến quả tim hắn đập loạn nhịp như nàng ta.
Có thể vì ở vào độ tuổi của các hoa đán khi đến học phần nhiều chỉ độ 13, 14, thân thể đều là nữ nhi chưa phát triển khiến hắn liếc nhìn một cái cùng đều tâm niệm là lũ khỉ nhỏ qua đường. Thế nhưng Dạ Nguyệt, vào cái ngày đầu tiên gặp y đã bước vào tuổi 18, giống như đóa hoa đang chín mùi khoe sắc, chỉ một cái liếc mắt cũng khiến nam nhi phải ngả rạp cúi đầu, huống chi là Vũ Phàm y ngày ngày đều túc trực bên nàng ta.
-Lão sư, chữ này phải viết làm thế nào?
Dạ Nguyệt lại gọi, giọng điệu trong trẻo như trẻ con. Vũ Phàm rướn người sang nhìn vào bài thơ nàng ta đang viết, không khỏi bật cười.
Toàn bài thơ đều đã viết kín mặt giấy, chỉ chừa lại một vị trí trống duy nhất đang chờ giải đáp. Con a đầu này chẳng phải tự trọng đến mức đợi đến lúc không thể tự mình viết được mới phải cầu cứu y đó sao?
-Đã bảo đừng gọi là lão sư. Sau này cô ra khỏi đây, lại trở thành hoa đán nuôi cơm cả kỹ viện này, hóa ra ta lại thành đầy tớ của cô ư?
-Vậy thì ta gọi huynh là gì? –Dạ Nguyệt nghiêng đầu, tinh ý hỏi
-Vũ Phàm. Gọi đơn giản là được rồi.
Dạ Nguyệt nghe thế cười nhạt, song không nói gì, chỉ tinh nghịch trỏ trỏ vào chỗ trống còn lại trên bài thơ. Bất đắc dĩ, y đành phải bước sang cầm lấy nét bút. Từng ngón tay Dạ Nguyệt vừa nhỏ thanh lại trắng muốt, cứ thả lỏng mặc sức đi theo nét bút của y. Lúc y cúi xuống gần hơn, đột ngột nghe thấy mùi hương phảng phát tỏa ra từ cô nàng. Tim y khẽ rên lên loạn nhiịp. Mãi đến lúc nàng cứ cười cười nhìn y, y mới biết mình vừa bị lừa.
Chữ này, chẳng phải lúc nãy nàng ta vừa viết rành rọt đó sao? Biết mà còn vờ hỏi, rõ là đang trêu chọc y đây mà.
Vũ Phàm nghĩ thế, nhưng khi nhìn nụ cười tươi tắn trên môi Dạ Nguyệt, y lại không tài nào nổi giận được.
Y và nàng ta cứ như thế, sớm tối lại ở bên nhau, thoắt cái lại qua thêm vài lần trăng tròn rồi lại khuyết. Cuối cùng y chẳng còn gì để dạy nàng ta nữa, nhưng mỗi lần Vấn mama ghé đến có ý dò hỏi, y lại vờ như trách móc tư chất nàng ta hạn hẹp, học mãi vẫn chẳng xong. Nghe thế Vấn ma ma lại gật gù bảo cái gì cũng nên từ từ, hoa sen không thể thoắt cái đã thành mẫu đơn được rồi rời khỏi.
Những khi đó Vũ Phàm lại thở dài. Chẳng phải hắn không biết sau quá trình mài giũa này, Dạ Nguyệt phải đối diện với thứ gì, chỉ là hắn ta mong muốn có thể dùng hết tâm sức của mình, giữ nàng lại lâu chừng nào tốt chừng ấy. Chẳng phải những cô nương khác, đều phải mất vài năm mới thành ngọc sáng đó sao?