Vụ Lừa Đảo Tại Ngân Hàng Wilshire

Chương 1-2: Căn bệnh thế kỷ



Khi ngài Kim Woosung nói rằng ông muốn đi ăn lẩu sau khi hết giờ làm việc thì Đức không thể nào nói “không” được, dẫu trong lòng anh chỉ muốn được hưởng thụ một chút thảnh thơi của ngày cuối tuần. Hai tháng trước, ngài Kim đến Việt Nam theo lệnh từ phía công ty mẹ, nói là để “kiểm tra tình hình làm việc tại đây và đồng thời bổ nhiệm giám đốc mới, thay cho chức vụ đã bị bỏ trống hơn một năm qua”. Và người được đề cử, hiển nhiên không ai ngoài ai khác chính là người có thâm niên làm việc lâu năm nhất, người đầu tiên đáp lại lời kêu gọi từ công ty: Trở về và tái xây dựng ngân hàng sau thảm họa gọi là “Ngày Lễ Tạ Ơn” đã quét sạch hơn một nửa dân số thế giới và khiến cho nhiều quốc gia, nhiều nền kinh tế sụp đổ.

Tên anh là Hà Trí Đức và anh vừa mừng sinh nhật lần thứ ba mươi vào hai tháng trước. Đúng vậy, chính là thời điểm ngài Kim vừa tới Việt Nam và đem theo quyết định bổ nhiệm, nên coi như Đức đã nhận được món quà sinh nhật tuyệt vời nhất từ trước tới giờ. Về bản thân Đức, anh là một thanh niên có dáng người cao gần một mét tám và lưng hơi gù, thân hình cân đối, không gầy cũng không béo. Tóc anh ngắn, đen và mượt, luôn chải về bên phải theo kiểu chín – một và hình như kiểu chải này đã được anh duy trì trong suốt gần mười năm, trừ khi có dịp đặc biệt hoặc ngài Kim phàn nàn thì anh mới quyết định chải cho khác đi, nhưng rồi thì đâu lại vào đấy. Anh có đôi mắt nhỏ nhưng luôn mở to để nhìn về phía trước, chúng nằm đằng sau một cặp kính gọng đen thanh lịch.

Hôm nay là thứ Bảy nên ngân hàng Wilshire, cũng như nhiều ngân hàng khác trên khắp đất nước, sẽ chỉ làm việc tới trưa là đóng cửa. Vào lúc mười một giờ hai mươi, khi Đức đang quét dọn văn phòng mình thì đã nghe tiếng chân ngài Kim đi xuống tầng dưới. Ngân hàng Wilshire vốn là một tòa nhà bốn tầng nằm ngay góc đường Ba Tháng Hai – Ngô Quyền, quận 10, ngay phía đối diện với ngân hàng Châu Á (ACB), một đối thủ không đáng bận tâm cho lắm. Tầng một gồm có quầy giao dịch, nhà vệ sinh, nhà bếp của nhân viên. Tầng hai được ngăn thành ba văn phòng nhỏ cho nhân viên tài chánh, nhân viên chăm sóc khách hàng. Tầng ba gồm hai phòng lớn là phòng giám đốc và phòng kế toán – kiêm quản lý nhân sự, nơi lưu trữ hàng trăm hồ sơ của nhân viên và của khách hàng. Tầng bốn là phòng họp chung, rộng rãi và thoáng mát với một cái bàn bầu dục được rào quanh bởi mười một cái ghế. Xung quanh căn phòng được lắp những tấm kính lớn mà đứng từ đó có thể nhìn xuống con đường nhộn nhịp đầy ắp xe cộ bên dưới.

Đức đã muốn nhường lại văn phòng của mình cho ngài Kim nhưng ông bảo rằng mình không đến đây để làm việc nên không cần phải bày vẽ như thế. Ông chọn phòng họp ở tầng bốn vì ở đây ít có nhân viên lui tới, và vì các nhân viên thường ít thấy mặt ông nên họ làm việc cũng bớt căng thẳng hơn. Vào những giờ giải lao ngắn ngủi, ngoài các chủ đề bàn luận thường thấy như những bộ phim Hàn, phim Tàu đang chiếu trên đài, hay như tin tức về về chiến sự căng thẳng đâu đó trên thế giới thì “Ngài Tổng giám đốc đang làm gì trên đó?” cũng là một chủ đề được bàn tán không ngớt.

Đúng mười một giờ ba mươi, Đức đi xuống tầng một thì thấy hầu hết các nhân viên đều ra về hết, ngoại trừ ngài Kim, Khang và Hon cùng ông chú bảo vệ đang trông có vẻ mất kiên nhẫn.

“Hai người ở đây chờ ai?” Đức hỏi Khang và Hon.

“Chờ ông, ý tui là chờ sếp, để đi ăn lẩu.” Hon đáp. Đó là một thanh niên trẻ có dáng người gầy nhom, làn da hơi ngăm và mái tóc bù xù như tổ quạ. Anh nói giọng miền Tây và cách nói chuyện luôn tếu táo và hài hước. Thấy giám đốc ngớ người ra không hiểu, Hon nói tiếp: “Là Khang đãi, nghe nói ổng vừa trúng Bitcoin.”

Đức quay qua nhìn Khang. Trái ngược với Hon, Khang có dáng người hơi béo và lùn, da trắng bóc cùng với mái đầu đinh để lộ ra cái trán cao và nhẵn bóng. Cặp kính vuông nằm xệ trên sống mũi có vẻ hơi nhỏ so với khuôn mặt tròn và có chút phì nộn ở anh. “Tới đó rồi nói tiếp, ông bảo vệ đang cằn nhằn muốn đóng cửa đi về cho mau kìa.” Khang đáp, ngoái nhìn ra phía ngoài cửa.

Sau khi đã kéo cửa lưới và kiểm tra ổ khóa tới ba lần, Đức leo lên chiếc SH màu lục lam (blue-green) và ngài Kim ngồi lên phía sau, đội nón bảo hộ cài dây kĩ lưỡng. Cả bốn người đi dọc theo đường Ngô Quyền, rẽ trái vào đường Vĩnh Viễn, đi khoảng năm phút thì tới một quán ăn nhỏ nằm cạnh một con hẻm cụt. Gửi xe trong hẻm thì họ vừa đi vào quán vừa trò chuyện.

“Vương Ký à?” Đức hỏi. “Sao hai người nói là đi ăn lẩu?” (Đức hỏi như vậy vì anh tưởng rằng mấy tiệm có chữ “Ký” trong tên chỉ toàn bán mấy món Tàu như cơm chiên, mì xào, mì hoành thánh chứ ít khi bán lẩu)

“Chỗ này bán đủ thứ hết sếp à. Tụi tui ghé qua đây cũng phải trên dưới chục lần rồi ha?” Hon nói và nhìn qua Khang.

“Ừ, nhưng chưa lần nào thử gọi cái lẩu vì ăn lẩu mà có hai người thì chán chết.” Khang nói thêm.

Đức không cần hỏi vì sao họ không rủ thêm vài đồng nghiệp khác đi chung vì anh đã biết lí do là gì. Nhưng ngài Kim có vẻ chỉ quan tâm tới vụ Bitcoin nên khi ngồi xuống ngài đã tống cho Khang một loạt câu hỏi, không kịp để cho anh ta kịp cầm thực đơn lên xem.

“Vâng, ờ…tôi mua Bitcoin lần đầu vào năm 2012, lúc đó tôi đã vào làm ở ngân hàng được hơn một năm, lương cơ bản của tôi cộng với lương công chức của mẹ tôi đủ để trả tiền nhà hằng tháng nhưng không dư dả chút nào. Mà bà nội, bà ngoại tôi lại hay đau ốm liên miên nên mẹ tôi cứ phải gửi tiền cho họ…”

“Thế ba cậu làm gì?” Ngài Kim hỏi, mắc liếc nhìn thực đơn.

“Ông mất trước khi tôi tốt nghiệp.” Khang đáp, “Sau đó một thời gian, kiểm tra lại mớ giấy tờ của ba thì tôi thấy ông có một tài khoản tiết kiệm cũng kha khá nên tôi đã đi kiểm tra và…Tôi quyết định làm liều một phen, đưa một nửa số tiền cho mẹ tôi, nửa còn lại thì dùng để mua Bitcoin, mà lúc đó giá một Bitcoin có khoảng sáu, bảy Đô la thôi, tôi mua được khoảng ba trăm đồng như thế.”

“Rất tiếc vì chuyện cha cậu, thế bây giờ một Bitcoin đáng giá bao nhiêu?”

“Hơn sáu trăm Đô, thưa ngài. Sáu trăm Đô đấy!” Khang nhấn mạnh, “Do số tiền khá lớn nên muốn tìm người mua hết cũng mất khá nhiều thời gian. Tôi bán hết năm mươi coin đầu tiên trong khoảng hai tuần, số tiền sau khi đổi qua Việt Nam đồng thì…” Khang chắc lưỡi, “Rất nhiều! Và vì thế mà tôi đã có thể trả dứt nợ căn nhà hiện tại mà vẫn còn dư một số tiền kha khá đây…”

“Chà, chúc mừng cậu nhé.” Ngài Kim nói, “Tôi còn có vài câu hỏi, nhưng tôi thấy mọi người ai cũng đói rồi, vậy hãy bắt đầu gọi món đi đã.” Lời của ngài Kim được phụ họa bởi cái gật đầu của Hon và tiếng bụng sôi sùng sục của Khang, duy có Đức vẫn giữ im lặng và cảm thấy hơi khó chịu.

Không phải anh ghen tị với Khang – người luôn than vãn thiếu thốn tiền bạc, giờ bỗng trở nên giàu sụ chỉ nhờ mấy đồng tiền “ảo” – điều anh bực mình đó là cách hành xử hơi “thoải mái” với cấp trên của hai người đồng nghiệp. Dẫu rằng bây giờ đã hết giờ làm việc, nhưng hình như họ không có chút tế nhị ý tứ gì cả. Ngài Kim dẫu sao cũng lớn tuổi hơn họ và là người nước ngoài, thế mà họ giờ coi ông ta như là người đồng vai phải lứa, hoặc nói theo cách dân dã thì cứ như là “bạn nhậu” của nhau vậy.

“Sếp, ông chọn món nào?” Khang lên tiếng hỏi làm Đức giật mình. Liếc vội qua tờ giấy thực đơn, anh khoanh đại vài món thịt và rau củ rồi đưa cho người phục vụ. Khi đó ngài Kim chỉ vào tờ giấy dán trên tường và hỏi trên đó viết gì vậy?

“Không được sử dụng siêu năng lực trong quán!” Khang đáp ngay.

“Ồ!” Ngài Kim kêu lên, “Chủ quán này không ưa người siêu năng lực à?”

“Không phải thế.” Hon nói, “Chả là ổng lo mấy thằng trẻ trâu nó dùng năng lực rồi lỡ không kiểm soát được thì nguy.”

“Trẻ trâu hả? Cách dùng từ của mấy cậu lạ ghê, mà nếu bọn nó muốn dùng năng lực thì ông chủ sao cản nổi chúng nó chứ?”

“Ổng…có phương pháp riêng.” Khang nháy mắt một cái với ngài Kim. Ông ta im lặng vài giây rồi bật cười: “À, thì ra là… Mà sao hai người biết? Ông ta nói với hai người à?”

“Ờ thì mấy tháng trước…” Khang nói.

“Tui lỡ xài năng lực trong quán nên bị ông chủ “nhắc nhở” nhẹ nhàng thôi…” Hon tiếp lời, vừa khi đó chợt một tiếng gầm vang lên.

“Hon! Chuyện đó có gì hay mà phải nói ra vậy? Còn ngay trước mặt Tổng giám đốc nữa?” Đức nói với giọng giận dữ, mắt anh trợn cả lên.

Không ai nói một lời nào, Hon thì trông nửa bực bội, nửa ngạc nhiên. Một hồi lâu thì ngài Kim cất tiếng trước: “Sao không ai nói gì nữa vậy? Chả phải chúng ta đang nói về siêu năng lực sao?” Ba chữ “siêu năng lực” như khiến Đức cảm thấy khó chịu hơn, môi anh mấp máy mãi không nói được lời nào. “Khang?” Ngài Kim hỏi.

“HSP, thưa ngài. HSP!” Khang nói với giọng bình thản. “Ngài không biết nó là gì sao? Cũng giống như HIV, HPV (một dạng bệnh lây nhiễm qua đường tình dục), hay HSV (bệnh mụn giộp), HSP là một “căn bệnh” mới xuất hiện gần đây. Có thể hiểu đơn giản nó là viết tắt của “Have SuperPower” (Có siêu năng lực). Nó được nghĩ ra bởi một gã vô danh tiểu tốt nào đó, mà theo tôi đoán có lẽ là một kẻ ganh tỵ khi thấy người khác có thể trở thành phi thường trong khi bản thân hắn chỉ là một kẻ tầm thường yếu kém.” Khang liếc nhìn Đức rồi nói tiếp:

“Là vậy đó thưa ngài, chỉ trong chưa đầy một tháng, cụm từ “HSP” này đã xuất hiện khắp mọi nơi, và những người siêu năng lực như chúng tôi bỗng dưng bị xã hội gán cho cái mác là những kẻ mắc phải “căn bệnh thế kỷ”. Chúng tôi bị tẩy chay, bị giễu cợt, bị bôi nhọ bởi báo chí và truyền thông trong hơn một năm qua. Những lời độc ác, nguyền rủa từ đám “người thường” dành cho chúng tôi nhan nhản trên khắp các diễn đàn mạng. Và khi một số người muốn đứng lên nói lời công bằng thì bị giễu cợt là: Đám “chủng tộc thưởng đẳng” đang cố sức biện mình cho lối sống của mình…”

“Sao lạ lùng vậy?” Ngài Kim thốt lên khiến cả ba người ngạc nhiên. “Đất nước này sao lại kì thị người siêu năng lực một cách khủng khiếp vậy chứ?”

“Khang chỉ nói quá thôi thưa ngài…” Đức nói.

“Nói quá hả? Không hề, thưa ngài.” Khang nhìn qua ngài Kim, “ Theo tôi nghĩ thì cái này giống như “lịch sử lặp lại” vậy đó. Trước khi chúng tôi trở thành đối tượng bị xã hội khinh rẻ thì những “nạn nhân” khác bao gồm những người bị HIV và người đồng tính. Hai mươi năm trước, cụm từ “Sida” là một cách miệt thị dành cho người nhiễm HIV. Mười năm trước, “Bê đê”, “Bóng” là những từ miệt thị dành cho giới đồng tính. Và bây giờ là “HSP”, dành cho chúng tôi!”

“Khang, đủ rồi! Ngài Kim không cần biết và cũng không cần quan tâm tới những chuyện xảy ra tại đây!” Đức nói với giọng khó khăn.

“Ngài Kim cần phải biết! Ông ta cần phải hiểu rõ về cái đất nước mà ông ta đang muốn đầu tư vào, liệu nó có đáng đồng tiền bỏ ra hay không? Một xã hội không coi trọng học thuật và công nghệ, chỉ lo chăm chút cho bản thân, cho những nhu cầu hết sức tầm thường. Một xã hội đầy rẫy những kẻ thất bại, và thay vì cố gắng phấn đấu vươn lên thì lại đi tìm tòi, soi mói, giễu cợt những đối tượng mà chúng cho là “khác thường”, cho là “thấp kém” hơn chúng, cốt chỉ để tự thỏa mãn, tự an ủi cái tôi vị kỉ của chúng. Một xã hội như vậy, dù có bỏ công sức, bỏ tiền của đầu tư thì nó vẫn sẽ dậm chân tại chỗ mà thôi. Khi người ta đã du hành qua các vì sao thì chúng ta chỉ mới bay tới mặt trăng…”

“Khang, được rồi.” Ngài Kim lên tiếng, “Tôi hiểu ý cậu muốn nói gì và tôi cũng thấy tình hình bây giờ hơi căng thẳng rồi. Dẫu sao thì chúng ta tới đây là để ăn uống vui vẻ mà. Lỗi của tôi khi đã khơi gợi chuyện này, tôi đâu có biết đây là chủ đề cấm kị ở đất nước các cậu đâu? Nhưng giờ thì biết rồi, tôi sẽ cố tránh bàn luận về nó hết mức có thể vậy.”

Nhìn thấy vẻ mặt nhăn nhó của Khang, ngài Kim nói tiếp: “Cậu có lý của cậu, Khang à, và Đức cũng có lý lẽ của mình. Một điều mà tôi học được khi tôi còn là giáo viên đó là: mỗi quốc gia có những phong tục tập quán, luật lệ riêng biệt mà đôi khi chúng ta thấy khó hiểu, thấy vô lý. Và chúng ta nên tôn trọng những luật lệ đó thay vì cố gắng áp đặt cái “chuẩn mực” theo ý chúng ta, phải không?”

Hon ngập ngừng: “Ngài vừa nói là ngài từng làm giáo viên sao?”

“Ủa? Mọi người không biết à? Trước khi tôi quay về tiếp nhận ngân hàng từ ba tôi thì tôi đã có một khoảng thời gian làm giáo viên tại Mỹ.

“Ngài dạy môn gì?” Đức hỏi.

“Tiếng Anh!” Ngài Kim bật cười, “Bất ngờ phải không? Lúc đó tôi còn trẻ và ham vui, chỉ thích đi đây đó mà đặc biệt là thích đi Mỹ. Khi ba tôi bắt tôi phải học để nối nghiệp ông thì tôi từ chối, hai cha con cãi nhau một trận rồi tôi bỏ đi lang thang rày đây mai đó. Sau đó thì vừa học vừa làm để có được một tấm bằng rồi đi dạy thêm kiếm sống. Cho tới ba năm trước…”

Và cứ thế, ngài Kim đã giúp xoa dịu sự căng thẳng tại bàn ăn, đồng thời khéo léo lèo lái câu chuyện đời mình theo cách hấp dẫn và cũng không kém phần hài hước. Tới gần một giờ chiều thì bữa ăn kết thúc. Nhưng chưa vội về nhà, Hon đề nghị cả bọn hãy đi hát karaoke để thư giãn.

“Tôi muốn nghỉ ngơi, hôm nay là thứ Bảy mà.” Đức nói với giọng mệt mỏi.

“Vậy ông về đi, sếp. Ngài Kim thì lát tôi chở về khách sạn cũng được.” Hon nói, rồi nhìn vẻ mặt không an tâm của Đức, anh nói tiếp: “Tôi không thích uống rượu nên khỏi lo say xỉn gì đâu. Mà nếu có thì tôi gọi taxi tới đón ổng chứ có khùng đâu mà cầm lái.”

“Cả mấy tháng qua cậu làm “tài xế” cho tôi nhiều rồi, hôm nay nghỉ một bữa đi.” Ngài Kim nói, giọng như nửa đùa, nửa trách móc.

“Vậy tôi về trước đây!”

“Về đi!” Khang nói, rồi quay mặt đi,thì thầm: “Đi theo lại thái độ này nọ mất vui giờ.”

Mang vẻ mặt khó chịu, Đức leo lên xe, đề máy rồi quay lại nhìn ba người đàn ông đang thong thả đi về bãi xe và kéo ra những chiếc xe máy, xe đạp cũ kĩ của họ, chuẩn bị cho một cuộc vui khác vào buổi chiều tối nay mà không có anh. Thở dài một tiếng, anh rồ ga rồi phòng vút chiếc xe của mình đi. Mười phút, hai mươi phút, ba mươi phút, thời gian cứ thế lặng thầm trôi và anh sắp về gần tới nhà.

Nhà Đức ở tuốt ngoài quận Bình Chánh nên một ngày anh phải tốn hơn một tiếng rưỡi đồng hồ đi – về giữa nhà và cơ quan. Ở xa tuy bất tiện nhưng cũng có vài thuận lợi thú vị, như là giá nhà rẻ hơn trong nội thành, mà lại toàn nhà mới xây chứ không phải những căn đã có từ thế kỉ trước. Hàng xóm thì thân thiện (đó là theo Đức nghĩ vậy vì anh đi làm cả ngày có gặp ai đâu). Và cũng vì nhà xa nên Đức luôn lấy đó làm lí do để tránh những buổi ăn nhậu sau giờ làm – một thói quen của hầu hết người Việt Nam “hiện đại”, cứ hết giờ làm việc là kéo nhau túm tụm ở những quán cà phê, quán nhậu, làng nướng; cùng hò hét và nói chuyện chính trị, chuyện thế giới, chuyện tầm xàm…tới gần nửa đêm. Một tháng có ba mươi ngày thì hết hai mươi tám ngày nhậu nhẹt rồi.

Bây giờ Đức đang đi trên con đường nhỏ dẫn tới khu nhà mình. Do đường ngoại ô nên không tráng nhựa, chỉ rải sỏi và cát nên khi chạy làm bụi bay mù mịt. Hai bên đường chỉ toàn là đất hoang bỏ trống, cỏ cây mọc um tùm và tuyệt nhiên không thấy bóng một căn nhà nào cả. Gió ở đây khá mạnh và thổi bất chợt nên người tay lái không vững dễ bị lạc lái và đâm vào cột điện lắm.

Hôm nay gió khá mạnh nên chiếc xe của Đức cứ đảo qua lại, khiến anh thót tim mấy phen khi cứ tưởng suýt nữa là ngã lăn ra đường hay sắp tông phải gốc cây nào rồi. Chật vật gần năm phút thì gió dịu xuống một hồi rồi lại trở mạnh lên, khi đó Đức đang lái gần tới ngã rẽ thì cảm thấy tối tăm mặt mũi, chiếc xe của anh đảo qua lại một hồi thì dừng lại!

Đó là một cái khăn! Một cái khăn choàng cổ màu nâu, trông còn khá mới vì vải còn mềm và thoảng hương thơm ngào ngạt. Có lẽ nó thuộc về một sào phơi đồ của nhà nào đó, và cơn gió bất ngờ đã cuốn nó tới đây. Nhìn quanh một hồi không tìm thấy nhà nào, và cũng không thể vứt cái khăn lại giữa đường như vậy được nên Đức chắc lưỡi, cuốn cái khăn lại và bỏ vào túi quần rồi đề máy xe đi tiếp.

Khi rẽ trái rồi thì anh đã thấy khu dân cư dần hiện ra trước mặt mình, con đường anh đang đi giờ rộng rãi hơn và êm ái hơn đoạn đường ban nãy do được tráng nhựa mới tinh. Thế là anh chạy xe chầm chậm lại, tính tận hưởng nốt không khí êm đềm và yên ắng vào cuối ngày. Rồi một tiếng “Ầm” vang lên và anh thấy mình ngã khỏi xe, đầu óc choáng váng, xung quanh bụi bay mù mịt đến không còn nhìn rõ cảnh vật nữa.

Anh nằm trên mặt đất gồ ghề, ngổn ngang gạch đá trong khoảng vài phút thì cảm nhận được có tay ai đó đặt lên ngực anh, rồi cánh tay di chuyển xuống lưng, và rồi anh cảm thấy mình được nhấc lên một cách nhẹ nhàng và đặt xuống bên kia đường. Anh mở hí mắt ra, tưởng tượng sẽ thấy có hàng chục người đang bu quanh mình với những vẻ mặt nhăn nhó và thương hại.

Nhưng rồi chẳng có ai cả! Chẳng có ai, ngoại trừ một người đàn ông ăn bận hết sức kì quái: Mặc dù đã sang mùa thu nhưng trời vẫn còn khá nóng, vậy mà người đó lại bận một bộ đồ kín mít với áo khoác da, quần kaki, tất cả đều theo tông màu nâu. Trên đầu ông ta đội một cái nón bảo hộ kèm theo một cặp kính vàng, dưới chân mang đôi ủng cao tới đầu gối, tay mang đôi bao tay da, tất cả đều mang một màu đen huyền bí, cũng như người đó vậy.

Đức thấy người đó đang nhấc chiếc xe của anh ra khỏi đống hổ lốn trên đường, trông nhẹ nhàng như cầm một cuốn sách vậy. Ông ta cúi người xem xét chiếc xe một hồi rồi đứng dậy, quay người về phía chỗ anh đang nằm và cất giọng nói to và rõ ràng:

“Tỉnh rồi hả? Có sao không?”

Đức ngồi dậy, phủi bụi đất trên quần áo và nhận ra hai tay mình có hơi rát rát, có lẽ lúc té ngã tay anh đã chống xuống mặt đường nên có bị trầy xước chút đỉnh. “Không, tôi ổn.” Anh đứng dậy một cách khó khăn rồi nhìn quanh quất một hồi để tìm chiếc xe đã tông mình, hay mình đã tông nó anh cũng chả biết.

“Đừng tìm nữa, là tôi đó!” Người đàn ông nói.

Đức quay lại, nhìn kĩ bộ dạng của người đàn ông thêm lần nữa rồi trong đầu anh bỗng bừng sáng hiểu ra. Anh lắp bắp cố tìm từ để nói cho đúng: “Anh…là anh sao? Anh có…”

“Siêu năng lực, phải!” Người đàn ông nói với giọng tự hào, “Có điều tôi vẫn chưa kiểm soát tốt cái vụ “hạ cánh” nên lần nào cũng xây xát mình mẩy, đó là lí do tôi bận bộ đồ bảo hộ này đây.”

“Anh…bay được à?”

“Không hẳn là bay. Nói thế nào nhỉ? Tôi có thể…kiểm soát được trọng lượng cơ thể mình, có thể trở nên nhẹ như lông hồng và cũng có thể nặng như núi Thái Sơn.” Người đàn ông vừa nói vừa huơ tay miêu tả. “Khi trở nên nhẹ nhõm rồi thì tôi có thể lao vút lên và lướt theo gió, như cách người ta chơi dù lượn vậy đó. Khi nào cần đáp thì tôi sẽ tăng trọng lượng cơ thể mình trở lại như cũ. Ban nãy do tôi vội đáp xuống và gió ở đây hơi mạnh nên tôi đã tăng trọng lượng quá đà, thành ra tôi rớt như cục tạ, làm vỡ mặt đường và khiến anh bị té khỏi xe.”

Thấy Đức im lặng không nói gì, người đàn ông nói tiếp: “Tôi xin lỗi! Nếu anh cần đi bệnh viện thì tôi có thể đưa anh đi ngay lập tức vì ngoài khả năng thay đổi trọng lượng của bản thân thì tôi còn có thể thay đổi trọng lượng của những vật mà tôi chạm vào nữa…”

“Được rồi, được rồi!” Đức lên tiếng, “Tôi không sao!” Đầu anh hãy còn nhức vì cú ngã ban nãy, bây giờ lại phải nhồi nhét thêm một mớ thông tin về siêu năng lực nữa thì thật quá sức chịu nổi. Một tay bóp trán, anh nhăn mặt hỏi: “Mà sao anh lại vội đáp xuống vậy?”

“Tôi làm rớt đồ!” Người đàn ông bật cười. “Vì ở trên cao gió hay thổi tạt vào mặt nên tôi phải mang cái kính bảo hộ này, ngoài ra tôi còn có một cái khăn quấn quanh miệng mình nữa.”

“Cái này hả?” Đức rút cái khăn mà anh đã nhặt được ban nãy.

“Đúng rồi!” Người đàn ông kêu lên và nhận lấy cái khăn từ tay Đức. “Tôi biết là anh đang nghĩ “nó chỉ là cái khăn thôi mà, mua cái khác lúc nào chẳng được?” Nhưng không, cái này có ý nghĩa quan trọng với tôi lắm, nó là…” Người đàn ông ngập ngừng, “Một phần kí ức đã mất của tôi.”

Câu nói đó đã đánh động tính tò mò trong người Đức nhưng người đàn ông đã chuyển qua nói về chủ đề khác bằng cách đưa tay mình ra và nói: “Hình như tôi chưa biết tên anh?”

“Tôi tên Đức, ờ, làm việc ở ngân hàng.” Anh bắt tay người đó.

“Tôi tên Dương, tôi làm…ơ…cũng giống như làm ở ngân hàng vậy.”

“Anh nói “cũng giống” là sao?” Đức bật cười.

“Tôi giữ tiền cho người ta, và khi nào cần tiền thì họ phải thông qua tôi trước đã.”

“Lạ nhỉ? Anh giữ tiền cho người ta mà người ta muốn xài thì phải hỏi ý anh sao?”

“Ừ đó. Bởi vậy chức vụ của tôi có tên là “Giám chế” mà.”

“Sao nghe giống như trong đoàn làm phim quá vậy?”

“Đúng rồi! Chúng tôi cũng giống như một đoàn làm phim vậy.” Người đàn ông ngập ngừng hồi lâu rồi nói tiếp: “Anh có bao giờ nghe nói về Hội Tiến Bộ chưa?”

“Chưa nghe bao giờ.” Đức nhún vai đáp.

“Cũng phải, chúng tôi có hơi kín tiếng một chút. Nhưng giờ thì anh đã nghe qua, không biết anh có muốn tìm hiểu thêm về Hội chúng tôi không?”

“Không!” Đức đáp ngay, rồi thấy vẻ mặt nhăn nhó của người đàn ông, anh bèn nói tiếp bằng một giọng uể oải: “Không phải hôm nay, không phải bây giờ, tôi vừa mới đi làm về nên còn mệt lắm. Với lại…” Anh liếc nhìn cái hố trên mặt đường rồi nhìn lại người đàn ông. Như hiểu ý, người đàn ông bèn bật cười lớn: “Phải rồi, là lỗi của tôi. Vậy…anh về nhà nghỉ ngơi nhé. Và đừng lo về cái hố này, tôi sẽ gọi người tới lấp lại ngay, sáng mai anh ra sẽ không còn thấy đống lộn xộn này nữa đâu.”

“Cám ơn.” Đức đáp và đi lững thững về phía chiếc xe, hy vọng gã kia sẽ không hỏi han gì nữa vì anh đang bắt đầu thấy khó chịu rồi.

Phủi cho sạch bụi cho yên xe, anh kiểm tra xem có phụ tùng nào bị vỡ không rồi mới ngồi lên và nổ máy. Khi đó chợt anh nghe một tiếng “vút” vang lên từ sau lưng. Ngoái nhìn lại, anh không còn thấy người đàn ông kì lạ kia nữa. Rồi chợt nhớ ra, anh ngẩng đầu nhìn lên thì thấy người đó đang chao lượn giữa bầu trời, trong phút chốc chỉ còn là một chấm nhỏ lẫn vào ánh hoàng hôn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.