“…Xa như vậy mà anh đến thăm tôi, tôi đã rất cảm động rồi.”
Thiên Vũ thừa nhận những lời này làm hắn thở phào nhẹ nhõm. Như thể một cảm giác khó chịu và không vững chãi đến ngột ngạt được giải phóng, trong lòng dễ chịu đi không ít. Hắn nghĩ bản thân đi từ nơi vô cùng xa xôi đến đây, có lẽ chính là để nghe câu nói này. Mà hiện giờ hắn đã nghe được rồi, hơn nữa còn dễ dàng hơn so với hắn tưởng tượng nhiều.
Như thể nếu A Hạo nói như vậy thì quả thật hắn không có liên quan gì cả.
Đôi khi Lý Thiên Vũ nghĩ bản thân hắn đúng là con mẹ nó dối trá.
“Có việc gì tôi có thể giúp được thì cứ nói.”
Những lời này là từ đáy lòng hắn.
A Hạo lắc đầu.
“Không có, gần như không có gì. Không bằng ở nội thành, làm rất đơn giản …”
A Hạo nói xong lại im lặng. Thiên Vũ đưa cậu một điếu thuốc, A Hạo nhận rồi hút.
Thiên Vũ nhìn vải đen trên tay cậu, rồi lại nhìn mặt A Hạo.
“… Có dự định gì chưa?”
A Hạo nhả khói, ánh mắt chẳng biết nhìn vào đâu.
“Tìm công việc trên thị trấn, gom tiền cho em gái tôi. Nó đang ở đại học trên Thẩm Thành.
Thiên Vũ nhìn cậu.
“Không quay về Hán Thành à?”
“Ừ.”
“Bạn gái cậu đâu?”
Thiên Vũ nhớ A Hạo từng nói bọn họ là đồng hương.
“Cô ấy muốn về thì sẽ về, nếu không muốn tôi cũng không ép.”
Thiên Vũ không nói gì.
A Hạo lặng lẽ hút thuốc.
Buổi chiều, A Hạo đưa Lý Thiên Vũ đi lòng vòng trong thôn. Trên đường đi, Thiên Vũ dần hiểu thêm một ít về quá khứ của A Hạo.
A Hạo sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, nhà chỉ có một ít ruộng đất, sống tạm bợ qua ngày; về sau trên thị trấn muốn lập thành tích muốn xây khu công nghiệp nên cưỡng chế trưng thu đất đai, lại không thu xếp trợ cấp trưng thu đất đai một cách ổn thỏa, nói trưng thu là thu luôn, trong một đêm đất ruộng của nhà A Hạo và 70 hộ dân xung quanh bị san phẳng. Mất đi nguồn sống, 70 hộ nông dân này kêu trời trời chẳng thấu, kêu đất đất chẳng hay, nộp đơn kiện, khiếu nại lên cơ quan cấp trên, khóc ngày chùi đêm, kết quả hai bàn tay trắng vẫn là hai bàn tay trắng. Mẹ của A Hạo vì để hai đứa con cơm có thức ăn nên sang nhà em trai vay mượn, kết quả bị xe tải đâm chết. Bố của A Hạo cùng đường, đến khu hầm mỏ làm công nhân, anh em A Hạo và ông nội A Hạo đều dựa vào chút tiền đào than ấy để sống.
Năm A Hạo 9 tuổi, trường tiểu học trong thôn tuyển chọn mấy đứa trẻ lên thị trấn biểu diễn văn nghệ, A Hạo người dài chân dài, được người phụ trách trường dạy múa trong huyện vừa ý nên muốn đưa cậu đi. Nhà A Hạo vốn không đóng được học phí nhưng A Hạo cũng khá may, thầy giáo trường dạy múa yêu mến mầm non, miễn cho cậu 1 năm học phí, đưa A Hạo lên trên huyện. A Hạo ở trường múa 5 năm, trừ năm đầu thì chi phí bốn năm sau bố cậu chia ra rất nhiều lần để đóng, mãi cho đến lúc A Hạo 15 tuổi rời trường.
Lúc này A Hạo nhảy múa đã có chút danh tiếng ở huyện dù tuổi còn nhỏ. Lúc cậu rời trường, vài khu vui chơi trên huyện tìm và muốn thuê cậu. Thầy giáo lúc trước đưa cậu lên đây vẫn đối tốt với cậu, đến chuyện trò với cậu, nói cậu không học văn hóa là không ổn, sau này cất bước đều khó khăn, chỉ đi biểu diễn múa thì khó có kiếm cơm cả đời, nói tình nguyện hỗ trợ A Hạo để cậu học trung học trên huyện, có cơ hội sẽ thi học viện múa, có được tấm bằng đại học.
Thế nhưng A Hạo lại chấp nhận cho một khu giải trí tuyển người rồi nhanh chóng đi làm. A Hạo bị bố kiên quyết lôi ra khỏi khu giải trí, đưa cho cậu một túi sách cũ được may vá lại rất cẩn thận nhưng không nói gì cả.
Cấp 3 năm đó, A Hạo 18 tuổi. Mỏ than bị sạt lở, 280 thợ mỏ bị chôn sống. Bố A Hạo treo ở trên một cái khung thép, giữ lại được tính mạng nhưng đùi phải bị tảng đá rơi xuống nện gãy.
Năm đó, A Hạo bỏ học.
Chuyện sau đó A Hạo không nói nhiều, Thiên Vũ đại khái cũng đoán được. Vài năm sau em gái A Hạo lên đại học, tất cả chi phí đều hạn chế. Đoàn văn công huyện tuyển người, công ăn việc làm ổn định khiến người ta chen nhau sứt đầu mẻ trán, nhưng họ giữ lại một vị trí cho A Hạo, A Hạo rút cục lại không đi. Vì cậu học trường múa, trên người gánh nợ bên ngoài cho cả nhà, bố tàn tật, học phí cho em gái, ông nội cao tuổi, A Hạo chưa đầy 20 tuổi lăn lộn ở các phòng nhảy sàn nhảy, kiếm tiền nuôi gia đình.
Vì học phí năm học mới cho em gái, A Hạo 21 tuổi đến Hán Thành.
Hai người đi đến sườn dốc ở bờ sông. Mặt trời buổi chiều ngả về phía tây, khói bếp lượn lờ, núi xanh ở phía xa như tấm lụa mỏng màu lam nhạt, đồng ruộng xanh mướt tô điểm cho những ngôi nhà san sát nhau. Mọi người quay trở về nhà sau khi thu hoạch ngoài ruộng trông giống tàn nhang trên tấm vải, trong không khí lan tỏa một mùi hoa ngọt ngào.
“Mùi hoa hòe.”
A Hạo nhẹ nhàng nói.
Cậu ngồi xuống sườn dốc, nhìn dòng sông đối diện. Thiên Vũ ngồi bên cạnh cậu.
A Hạo ngồi một lát, chỉ về phía đối diện rồi mở miệng.
“Chỗ đó, hồi trước có trồng một cây hòe.”
Thiên Vũ nhìn về phía đối diện, một bức tường lớn bao quanh chỗ đó, bên trong hỗn độn cát với đá, còn có mấy căn phòng làm việc để không, nhìn qua đổ nát không tả nổi, không có lấy một bóng người.
“Đến mùa này hoa sẽ nở, từng chùm từng chùm, gió thổi qua sẽ lay động.”
A Hạo lẳng lặng nói. Thiên Vũ nhìn cậu, lên tiếng “Là thế sao?”
“Hồi trước, đấy là nhà tôi.”
A Hạo nói.
“Khi còn bé, tôi thường ngủ dưới tàng cây hòe trong sân. Hoa hòe rơi xuống, cả người đều là hoa. Đến giờ ăn cơm mẹ tôi đến gọi, tôi hay lấy rất nhiều hoa hòe che lên người, mẹ tôi bèn giả vờ nhìn không thấy tôi, đi về sau lưng tôi, lấy hoa hòe cào ngứa lưng tôi … Sau đó bố tôi đến, đặt tôi trên vai, cho tôi cưỡi ngựa. Ông nội ôm em gái, ngồi trên cửa cười …”