Xa Cách Gần Kề - Bất Vấn Tam Cửu

Chương 64: Phiên ngoại 1 Chị Bàng - Phần đầu



Nhà họ Bàng có bốn người con, Bàng Thanh vốn là con gái thứ hai. Trên cô còn có một anh trai, dưới có một em trai và một em gái. Sau này anh trai bị viêm não không qua khỏi, nên Bàng Thanh trở thành con cả trong nhà.

Trong ba đứa con còn lại của gia đình, cô là người có tính cách "đặc biệt" nhất.

Từ nhỏ, cô không bám lấy cha mẹ như những đứa trẻ khác, cũng không hoạt bát như các bé gái cùng tuổi. Cô không thích ra ngoài chơi mà chỉ muốn ở nhà, thậm chí chẳng cần làm gì cả. Khi còn nhỏ, cha mẹ thương anh trai cô hơn, sau này lại chuyển sang yêu chiều em trai và em gái, vì tính cách của cô thực sự không gần gũi với mọi người.

Có lẽ cô vốn sinh ra đã ít có nhu cầu về tình cảm, không cần cha mẹ chú ý quá nhiều, cũng không cần những người bạn quá thân thiết. Khi còn đi học, cô cũng không có người bạn nào mà cô có thể tâm sự hết mọi điều như những cô gái khác.

Theo thời gian lớn lên, tính cách dần trở nên chín chắn hơn, sự "độc lập" kỳ lạ giữa đám đông của cô cũng giảm đi phần nào. Cô bắt đầu có một vài người bạn, tuy không quá thân thiết nhưng cũng đủ để giao tiếp. Khi họ hàng qua lại, đôi khi cô cũng đi thăm hỏi, nhưng so với những người cùng tuổi, tính cách của cô vẫn khá lạnh lùng, biểu cảm và giọng nói luôn nhẹ nhàng, điềm tĩnh.

Sau khi vào đại học, phần lớn thời gian cô vẫn một mình. Cô ít khi đi cùng bạn cùng phòng, thích tự do hơn là đi chung với người khác. Cô không thấy cô đơn vì không có mối quan hệ nào quá gần gũi, mà ngược lại, cô cảm thấy nhẹ nhõm khi được ở một mình.

Nhưng thật bất ngờ, một người có tính cách "độc lập" và lạnh lùng như cô lại nhặt được một đứa trẻ.

Vào kỳ nghỉ đông năm ba đại học, hầu hết sinh viên đã về nhà, chỉ còn lại một số ít chưa mua được vé tàu hoặc tranh thủ ở lại làm thêm. Bàng Thanh thường ở lại trường lâu hơn một chút mỗi năm vì cô ghét sự ồn ào ở nhà.

Một ngày trước khi về, cô đã dành cả ngày ở nhà sách Tân Hoa để đọc sách, mãi đến tối mới trở về trường. Do kỳ nghỉ đông, trường đã đóng cổng sau và chỉ để lại cổng chính có người canh gác. Tuy nhiên, vì ký túc xá của cô gần cổng sau hơn thành ra mấy ngày nay cô đều ra vào từ một lỗ thủng trên lưới hàng rào.

Con đường nhỏ chỗ cổng sau vào  ban ngày vốn khá đông đúc, giờ đây lại lạnh lẽo vắng tanh.

Vào mùa đông, trời tối rất sớm, mới sáu giờ mà trời đã tối om. Mỗi bước chân của cô trên con đường trải gạch dài phát ra âm thanh "loạt soạt" khi dẫm lên tuyết. Khi càng tiến gần đến cổng sau của trường, âm thanh "loạt soạt" ấy bắt đầu lẫn vào tiếng khóc khàn khàn vọng đến.

Ban đầu Bàng Thanh không nghe rõ lắm, tưởng là tiếng mèo hoang kêu, nhưng sau đó tiếng khóc trở nên rõ ràng hơn.

Đó là một đứa trẻ sơ sinh được bọc trong một chiếc hộp các tông. Trên người nó được quấn kín trong một chiếc chăn dày, buộc bằng sợi dây đỏ, thậm chí mặt nó cũng không lộ ra, một góc của chiếc chăn che mất khuôn mặt bé xíu ấy.

Bàng Thanh thường ngày vốn gan dạ, không hề cảm thấy sợ hãi chút nào, cô thản nhiên đưa tay kéo góc chăn che mặt bé ra, liền thấy một khuôn mặt nhỏ nhắn khóc đến tím tái. Mắt đứa bé nhắm nghiền, đôi môi run lên không biết vì lạnh hay vì khóc quá nhiều, chưa mọc chiếc răng nào.

Bàng Thanh nhìn xung quanh, con đường nhỏ vắng ngắt không một bóng người. Đứa bé vẫn tiếp tục khóc ngay dưới chân cô, khóc đến phiền. Nhưng bởi lẽ thiên tính lương thiện của một người phụ nữ, mà khi tiếng khóc không ngừng vang lên khiến cô vừa phiền lòng vừa xót xa và lúng túng. Dù thế nào đi nữa thì cô cũng không thể quay lưng bỏ đi.

Cô đứng đó nghe tiếng khóc suốt hai, ba phút, cuối cùng cúi người bế đứa bé nặng như một chú mèo nhỏ lên.

Đầu những năm 1990, tuy điều kiện sống đã tốt hơn nhiều so với trước nhưng tình trạng bỏ rơi trẻ sơ sinh vẫn không phải là điều hiếm gặp. Không biết đứa trẻ này do một sinh viên nào đó lén sinh ra rồi bỏ đi, hay vì lý do nào khác mà nó bị bỏ rơi, nhưng chắc chắn đây là một đứa trẻ đã bị từ bỏ.

Bàng Thanh bế đứa trẻ vẫn đang khóc suốt đoạn đường đến đồn cảnh sát gần trường. Lúc ấy trong đồn chỉ có một cảnh sát nam trực ca, những người khác hoặc đang đi tuần tra, hoặc đã ra ngoài điều tra vụ cướp và đánh nhau gần đây rồi. Anh cảnh sát có vẻ đã quen với việc có người mang trẻ con đến, chỉ lẳng lặng ghi lại thông tin cá nhân của cô, lập biên bản và bảo cô đặt đứa bé lên bàn.

Trên bàn đầy những gạt tàn thuốc, tro đã rơi đầy, giấy nháp và các tập tài liệu để lộn xộn.

Cô không dám di chuyển các đồ đạc lung tung, chỉ đẩy nhẹ vài cái gạt tàn thuốc ra, rồi đặt đứa trẻ đang quấn chăn xuống bàn. Sau khi được cô bế một lúc lâu, đứa bé đã mệt vì khóc nên ngủ thiếp đi, dù đặt xuống bàn thì cũng không tỉnh lại.

Sau khi đưa đứa bé đến đồn cảnh sát, mọi việc của cô cũng coi như xong. Cô chỉ cần chờ đợi phía trường điều tra xác nhận đứa bé không liên quan đến cô là được.

Trước khi rời đi, Bàng Thanh quay lại nhìn cục tròn nhỏ đang ngủ yên, thầm nghĩ cuối cùng cũng đã giao được nó đi, suốt dọc đường tiếng khóc của đứa bé thật khiến người ta mệt mỏi.

"Các anh sẽ làm gì với nó đây?" Bàng Thanh hỏi

Nam cảnh sát cắn điếu thuốc, đáp: "Còn làm gì nữa, mai đưa vào trại mồ côi. Nếu không tìm thấy gia đình thì cứ để ở đó thôi. Mười đứa thì chín đứa không tìm ra, bị vứt rồi còn đi đâu mà tìm lại? Có khi tìm được rồi, đem trả về cũng bị vứt tiếp thôi."

Bàng Thanh lại hỏi: "Thế còn đêm nay thì sao?"

"Đêm nay cứ để đây, pha chút sữa bột cho uống. Mùa hè trước cũng có người nhặt được trẻ con rồi mang đến, vẫn còn chút sữa bột." Anh ta quay đầu nhìn đứa bé, nói thêm: "Đúng là một đứa bé xui xẻo, không biết chọn cửa đầu thai."

"Chỉ cho nó uống chút sữa bột thôi à?" Bàng Thanh nhìn anh ta, hỏi. "Thế nó không khóc sao?"

"Có khóc cũng không sao." Cảnh sát thở dài bất lực, nói: "Tôi cũng chẳng biết làm gì, tôi còn chưa kết hôn nữa."

"Anh không đưa nó đến bệnh viện sao? Đứa trẻ bị bỏ ngoài trời không biết đã bao lâu rồi. Nếu bị sốt, cả đêm không hạ sốt thì có khi não nó sẽ bị ảnh hưởng đó." Bàng Thanh nói.

"Bệnh viện cũng không nhận đâu, mà đưa vào khoa nào đây?" Cảnh sát nhìn cô sinh viên trẻ hơn anh vài tuổi, dù tuổi không chênh lệch nhiều nhưng kinh nghiệm sống của anh phong phú hơn hẳn.

Anh cảnh sát châm thêm điếu thuốc, rồi nói với cô: "Em gái à, em tin không? Con người này sống chết có số cả rồi. Nếu nó đáng sống thì nó không chết được, số phận thế nào thì nó sẽ như thế. Nếu số phận đã không mang theo sự ngốc nghếch, thì nó ngủ qua đêm ở đây cũng không sao; còn nếu số phận đã định nó ngốc, thì dù tôi có chăm sóc thế nào, nó vẫn sẽ ngốc thôi."

Bàng Thanh không trả lời, thực ra cô cũng chẳng biết có tin vào số phận hay không. Cô chưa bao giờ nghĩ về những chuyện không rõ ràng thế này, đơn giản là cô thấy chuyện này không liên quan đến mình. Trên đường đi nhặt được một đứa bé, cô đã đưa nó đến đồn cảnh sát, việc cô có thể làm thì cũng đã làm rồi.

Bàng Thanh bước ra khỏi đồn cảnh sát, đứa trẻ vẫn ngủ yên không hề khóc tiếng nào.

Một giờ sau cô quay lại, khoác chiếc áo khoác dày, quấn khăn choàng lớn che kín mặt. Cô mang theo một cuộn giấy vệ sinh, hai miếng vải cắt từ áo thu đông của mình và một chiếc muỗng sứ.

Vừa bước vào cửa là cô đã nghe tiếng đứa bé khóc vang lên. Nam cảnh sát lúc nãy đang bế nó trên tay, còn hai người cảnh sát đi tuần đã quay về, đang ngồi quanh lò sưởi ấm đôi tay.

Anh cảnh sát nhìn thấy cô, hỏi: "Sao em lại quay lại đây?"

Bàng Thanh ném đống đồ mang theo lên ghế rồi đứng cạnh một lò sưởi khác để sưởi ấm bản thân.

Giọng cô lạnh nhạt không chút cảm xúc: "Chẳng phải anh nói nhặt được nó cũng là số phận sao?"

Tối đó Bàng Thanh ở lại đồn cảnh sát cả đêm. Cô dùng kinh nghiệm từ trước khi chăm sóc em trai, em gái để chăm đứa bé. Khi nó khóc, cô sẽ hoặc cho nó bú, hoặc thay tã. Lúc nó không khóc, cô tựa vào lò sưởi ôm bé ngủ.

Ba mươi năm trước, những chuyện không hợp thói thường hay không được thực hiện trong hiện thực đều có thể được chấp nhận vào thời điểm ấy.

Một nữ sinh đại học nhặt được đứa trẻ, không ai khuyên bảo được cô. Ai nói quá nhiều thì đều sẽ nghe cô nói một câu "Cứ kệ con đi". Thành ra gia đình tranh cãi ầm ĩ, cô còn chưa tốt nghiệp đại học, chưa lập gia đình, mà đã đem về một đứa bé. Cha cô thậm chí còn đòi cắt đứt quan hệ. Bàng Thanh khó hiểu nhìn ông và hỏi: "Chỉ là một đứa trẻ thôi, cha thấy có đáng không?"

Nếu nói cô khi đó yêu thương đứa trẻ đến mức nào, tràn đầy tình mẫu tử thì cũng không hẳn. Lúc đó cô chỉ nghĩ đơn giản rằng, chẳng phải chỉ là một đứa trẻ thôi sao? Ăn cơm thêm một cái bát, có gì mà ghê gớm chứ.

Cô thậm chí không tự coi mình là người đã "nhặt được" một đứa trẻ nữa, cũng chẳng nghĩ mình đã thành mẹ, chỉ đơn giản là "nhặt một đứa bé" thôi.

Khi ấy có một chàng trai họ Hàn đang theo đuổi cô nghe được chuyện này, coi đó là trò đùa lớn. Anh nói nếu cô nhất quyết giữ đứa bé thì tốt nhất là chia tay đi.

"Chia tay thì chia tay." Bàng Thanh vẫn không hiểu, nhìn anh với ánh mắt khó hiểu, vẫn là câu hỏi cũ: "Anh thấy có đáng không?"

Chàng trai lần lượt nhượng bộ, yêu cầu cuối cùng là anh có thể trả tiền nuôi đứa bé này nhưng nó không được ở nhà anh, phải mang về nhà cha mẹ của Bàng Thanh và nuôi dưỡng thành em trai chứ không phải con trai.

Thời đó để nuôi một đứa trẻ không tốn nhiều chi phí như sau này, giáo dục phổ thông thì miễn phí, cấp ba và đại học thì thi mà vào. Cha của Bàng Thanh là một cán bộ, cô chưa bao giờ nghĩ rằng nuôi một đứa trẻ lại tốn kém gì lắm.

Bàng Thanh thẳng thắn: "Ai cần anh trả tiền chứ, nó ăn mấy miếng cơm tốn được mấy đồng đâu."

Anh chàng nói: "Anh không thể chưa cưới đã có con trai, còn không biết nó từ đâu ra nữa. Cả đời anh này nuôi con cho ai vậy?"

"Thế thì đừng cưới nữa." Bàng Thanh đáp.

Cuối cùng họ vẫn kết hôn, đứa trẻ đó cũng được ghi vào sổ hộ khẩu của họ, trở thành con đầu lòng.

Bàng Thanh nói với gia đình rằng, từ khi đứa trẻ đã được nhập vào hộ khẩu nhà mình thì nó là con cô, không ai được bép xép cái miệng. Với tính cách đó, chẳng ai dám chọc giận cô cả, họ chỉ dám bàn tán sau lưng, người thân thì biết rõ nguồn gốc của đứa bé, còn đám trẻ con có đứa biết, có đứa không.

Thực ra trong chiếc chăn quấn đứa trẻ khi đó có kẹp một tờ giấy, trên đó ghi ngày sinh của đứa bé.

Nhưng tờ giấy đó đã bị Bàng Thanh vứt đi, khi làm giấy tờ nhập hộ khẩu, cô chọn ngày mà cô nhặt được đứa bé làm ngày sinh của nó. Bàng Thanh thầm nghĩ, có cần thiết không? Con mà các người đã bỏ đi rồi thì còn giữ ngày sinh làm gì, thôi dẹp luôn đi.

Từ đó, ngày sinh của Hàn Phương Trì luôn là ngày mà cô bế anh ra từ chiếc thùng giấy.

Hàn Phương Trì trưởng thành đúng như Bàng Thanh dự đoán, không cần tốn quá nhiều tâm sức mà vẫn lớn lên. Anh ngoan ngoãn, thông minh và hiểu chuyện, tính tình điềm tĩnh giống như một đứa trẻ gương mẫu.

Vài năm sau, khi sinh Hàn Tri Mặc, cô nàng này cứ như một phiên bản nữ của Phương Trì, hai đứa trẻ này chẳng khiến cô phải lo lắng gì. Đúng như cô từng nói, làm mẹ cũng không có gì to tát. Cô vẫn đi làm, làm những việc cần làm.

Trước khi sinh Hàn Tri Dao, Bàng Thanh vẫn nghĩ như vậy.

Sự ra đời của Hàn Tri Dao mới thực sự là một cơn ác mộng với cô. Đây là một đứa trẻ khó nuôi từ khi còn nhỏ, khóc lóc, gào thét và có tính khí nóng nảy. Chỉ cần có gì không vừa ý là cô nhóc khóc nháo không ngừng. Bảo mẫu trong nhà thay đổi hết người này đến người khác, không ai trụ lại lâu được.

Như thể cô sinh ra một kẻ thù của mình, trong suốt mấy năm đó, tâm trạng cô luôn căng thẳng, không còn kiên nhẫn, thậm chí dễ nổi giận.

Bố Hàn khi còn trẻ đã dành nhiều tinh lực cho sự nghiệp, có thể cung cấp cho gia đình điều kiện vật chất tốt, nhưng không thể cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình. Tuy nhiên mỗi khi có thời gian ở nhà, ông đều dành hết sức để chơi với các con. Ông yêu vợ và con gái, nhưng không mấy yêu quý con trai.

Những năm tháng đó, Phương Trì và Tri Mặc cố gắng hết sức để dỗ dành em gái. Đôi khi Bàng Thanh nhìn bọn trẻ nghĩ rằng, may mà còn có hai đứa, ít ra cũng không thất bại hoàn toàn.

Nhưng đứa nhóc lém lỉnh đó cũng có những lúc không làm người ta phiền lòng, thi thoảng bỗng dưng nói một câu gì đó thông minh là làm cô lại thấy, dù không giống hai đứa kia thì cũng khá đáng yêu.

Người có tính cách lạnh lùng vốn không thể thay đổi chỉ vì kết hôn, và cũng không thể trở nên dịu dàng hơn chỉ vì làm mẹ. Những việc như ôm hôn một đứa con rồi nói "Mẹ yêu con" sẽ chẳng bao giờ xảy ra với cô.

Bàng Thanh hiểu rõ mình không phải là một người mẹ tốt, có lẽ cô chưa dành đủ tình cảm cho từng đứa con của mình. Tính cách cô bẩm sinh đã có khiếm khuyết, lạnh lùng và cứng đầu, điều đó không thể thay đổi.

Nhưng đối với cô, ba đứa con không bao giờ được phân chia dựa trên việc chúng có phải con ruột hay không, cũng không phân biệt là con trai hay con gái. Cô luôn xem Phương Trì và Tri Mặc là một nhóm, còn Tri Dao là một nhóm khác. Tiêu chí của cô dựa trên cảm xúc mà mỗi đứa trẻ mang lại cho cô khi làm mẹ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.