Buổi hội chợ triễn lãm bán hàng của thành Uyên Lưu được tổ chức tại một khu quảng trường nhỏ của khu chợ phía đông thành.
Tin tức vừa được phủ thành chủ thông báo ra thì đã nhen nhóm lên sự nhiệt liệt của dân chúng.
Ngay lập tức, những khu cửa hàng triển lãm được dựng lên trên quảng trường, những bảng quảng cáo bằng gỗ với nước sơn màu đỏ giống nhau được treo lên, chia ngành chia loại. Một khoảng đường trống được dùng để cho người dân và xe ngựa đi lại được bao thành một vòng khắp xung quanh, sát với những căn nhà ven quảng trường.
Quần chúng nhân dân kinh ngạc phát hiện rằng toàn bộ các gian hàng trong khu chợ đông ấy đều được treo đèn lồng đỏ rất lớn vào bất cứ khoảng thời gian nào trong ngày.
Giấy dán trên biển quảng cáo đều là một màu đỏ vui tươi, dùng nhánh trúc uốn tròn lại để làm bụng đèn lồng, phần đáy có tua rua màu đỏ. Lúc treo từng hàng từng hàng lên cao cao, tua rua đón gió bay phấp phới, khiến cho mùa đông rét lạnh được điểm trang thành sắc hồng của sự ấm áp.
Từ trên cao nhìn xuống, khu quảng trường nhỏ của chợ đông thành tựa như một chữ "回" màu hồng cực lớn. Lúc mọi người chen vai nhau mà đi dạo chợ, những cái khu sạp nho nhỏ ầm ĩ vang trời, cả ngôi thành Uyên Lưu đều tràn đầy một bầu không khí thịnh vượng và tươi mới.
Đã rất lâu, từ sau khi tộc nhân thú đột kích, trong thành chưa từng được huyên náo như hôm nay.
Những nhóm thương nhân xứ khác nhận được thư mời của thành Uyên Lưu lục tục tiến vào thành.
Trước đó, Trầm Khinh Trạch cố ý cho Phạm Di Châu đi xây dựng lại một khu phố hẻm cũ nát gần khu chợ, dùng gạch đỏ, xi măng và ngói để cải tạo đơn giản lại, dựng nên một trạm dịch lữ xá và một con đường đặc sản mỹ thực.
Cả con đường thuần một sắc tường đỏ và ngói đen, phối hợp với đèn lồng đỏ to, sáng ngời tươi đẹp. Cảnh tượng này trở thành phong cảnh độc đáo trong thành vô cùng bắt mắt, cả một con đường đủ các dịch vụ ăn, ở, dạo phố, mua sắm, vô cùng tiện lợi, thu hút rất nhiều thương khách tranh nhau vào trú.
Những cửa tiệm vốn bị phủ thành chủ cưỡng chế đóng cửa để tu sửa vẫn còn đang oán giận trong lòng, thế nhưng do ngại quyền uy của chủ tế đại nhân nên cũng chẳng dám nói ra khỏi miệng. Hiện tại lật mình chuyển thế, từ một con phố cũ nát không người ghé thăm biến thành một đoạn đường hấp dẫn tiếp giáp với "trung tâm thương nghiệp".
Các cửa tiệm nhà nào nhà nấy đều làm ăn phát đạt, trong lòng vui đến nở hoa, giá cả cứ tăng lên không ngừng. Có quý tộc lén lút mua lại cửa hàng ở đây, nâng giá thành phẩm lên, bị quy định hạn chế mua sắm và yêu cầu giấy chứng nhận kinh doanh của phủ thành chủ làm cho hết đường nhúc nhích.
Thương hiệu Lục Thị của thành Bắc Tế đành trọ tại một gian phòng khách quý của gian lữ điếm lớn nhất trên con hẻm tường đỏ, tên là "Điếu Ngư Đài".
Là lữ điếm có quy mô lớn nhất trên cả con đường, những người trọ tại Điếu Ngư Đài đều là đại thương hộ của các thành phố và thị trấn lân cận. Họ đều là người quen của nhau, trong khoảng thời gian đi cùng nhau cũng khó tránh khỏi việc nhờ vả lẫn nhau và cùng nhau trao đổi tin tức.
Hàng hóa nhà ai bán được tốt, thương phẩm nhà nào chất lượng cao, ai lời ai lỗ, chỉ cần một âm thanh gió nhỏ thôi, chớp mắt đã có thể truyền đi đến cùng trời cuối đất, trở thành chuyện cười trong chuyến đồng hành.
Chuyện ngày hôm đó chú ba Lục muốn đổi áo lông của người ta nhưng lại bị từ chối đã bị người đồng hành gần đó trông thấy, mất hết cả mặt mũi, ngay cả đồ sứ cũng không mua nổi, quay thẳng vào xe ngựa, tìm luôn đến ngủ lại lữ điếm.
Lục Hâm bọc người trong cái áo khoác da gấu dày cộm, run lập cập rời khỏi xe ngựa ấm áp. Vừa bước vào cửa phòng là gọi người hầu đưa chậu than và lò sưởi đến, nào ngờ vừa mở cửa phòng ra thì một sự ấm áp tỏa ra khắp người, tấm lưng bọc trong tấm áo choàng lớn nóng đến đổ một tầng mồ hôi.
Lữ xá Điếu Ngư Đài vẫn còn đang trong thời kỳ tu sửa, sử dụng ý kiến của Trầm Khinh Trạch, mỗi một gian phòng đều được xây một cái giường sưởi, hệ thống sưởi của giường được thông với bếp lò và ống khói, mùa đông chuyên cho người phụ trách đốt lò.
Sự tỉ mỉ trong chi tiêu của những người dân thường trong khu chợ đặc biệt nhạy cảm với chi phí của các mặt trong cuộc sống.
Than tổ ong vừa ra mắt, chẳng cần đến Trầm Khinh Trạch dùng đến sức mạnh của phủ thành chủ mà đi quảng cáo khắp nơi thì bách tính nhân dân cũng tự nhiên phát hiện ra được chỗ tốt của nó, lượng tiêu thụ tăng đều.
Rất nhanh cũng đã được truyền đến khắp các thôn xóm nhỏ của thành lân cận, cho dù là người dân nghèo thì cũng chẳng cần phải phát rầu vì mùa đông mà không thể đốt được than nữa.
Trong gian phòng khách quý của Điếu Ngư Đài, Lục Hâm cởi cái áo khoác to ra, để sang một bên, nằm nhoài lên cái giường sưởi được phủ kín sợi bông dày, tò mò mà sờ tới sờ lui:
"Chú ba, chú coi nè, cái giường này vậy mà lại có thể phát nhiệt! Sao có thể làm được nhỉ, thật thần kỳ quá! Nếu nhà chúng ta cũng có thể làm được như thế này thì con sẽ không sợ lạnh nữa."
Chú ba Lục sờ sờ lên tấm gạch lát đỏ ấm áp, nhíu mày nói:
"Bên trong có thể có đốt củi, đốt như vậy thì không biết một ngày phải đốt bao nhiêu củi nữa đây, cái tiệm này nhẽ nào là sản nghiệp của đại quý tộc nhà nào à? Cho dù là thành Minh Châu thì cũng chưa từng thấy xa xỉ được như thế này."
Thiếu gia Lục cũng chẳng quan tâm đến những chuyện này, chỉ cần ở thoải mái là hắn vui rồi.
Chú ba Lục đi tới đi lui trong lữ xá một lát liền cảm nhận được một chỗ kỳ lạ của gian phòng này, không chỉ riêng cái tên khó hiểu của tiệm.
Từ đệm giường cho đến mành cửa sổ, thậm chí là khăn dùng để rửa mặt đều là hàng dệt bằng sợi gai cao cấp, trà cụ tuy là đồ gốm nhưng chất lượng cũng khá, màu sắc tươi sáng, hình dáng thiết kế rất hấp dẫn người nhìn.
Nếu nói áo lông chỉ là một sự trùng hợp ngoài dự tính, cộng thêm cái giường sưởi này và những dụng cụ trang trí trong gian phòng này, chú ba Lục không thể không bất ngờ với sự thay đổi của thành Uyên Lưu.
"Có lẽ, chỉ có cái sản nghiệp như đại quý tộc nhà này mới có thể hào phóng đến vậy."
Chú ba Lục âm thầm cho ra một cái suy đoán hợp lý.
Thời gian cơm tối, hắn đưa theo tiểu thiếu gia ra ngoài dạo phố, vừa ra khỏi cửa liền gặp được hai ông chủ thương hành khá có tiếng trong thành Bắc Tế ----- ông chủ gốm khởi nghiệp bằng đồ gốm và ông chủ gạo đi buôn gạo và lương thực.
Hai người đang đẩy một cái xe chở đầy than đi qua trước cửa, chỉ chỉ trỏ trỏ, trông thấy chú ba Lục thì ào ào đi đến chào hỏi.
"Đây là than gì thế, sao trên mặt còn có lỗ vậy?"
Lục Hâm lần đầu tiên xa nhà, thấy cái gì cũng cảm thấy kỳ lạ mới mẻ.
Ông chủ gốm nói:
"Tiểu nhị nói đấy gọi là than tổ ong, là đặc sản của thành Uyên Lưu đấy."
Chú ba Lục trông thấy thần sắc có phần đăm chiêu của hai người, nhíu mày, mang theo bộ dáng thản nhiên, khoa trương nói:
"Chẳng phải chỉ là hòn than thôi sao, chẳng lẻ trong nhà hai vị không đốt lửa nấu cơm sưởi ấm? Có cái gì thần kỳ đâu?"
Ông chủ gốm chậm rãi lắc đầu:
"Lục tiên sinh có điều chưa biết, mùa đông là mùa tốn than nhiều nhất, trong những nhà bình thường một ngày phải tốn hết một bó củi đốt lớn, chứa đầy một cái xe đẩy như thế này thôi thì chưa qua được mấy ngày là đã dùng hết rồi."
"Thế nhưng cũng một xe than tổ ong như thế này là đã đủ để một hộ gia đình dùng cho cả tháng đấy."
"Tôi cử người đi nghe ngóng rồi, mấy cân than tổ ong chỉ bán có một đồng, tiết kiệm một chút, một hộ gia đình mỗi tháng có thể tiết kiệm được một nửa tiền củi đốt, mà thứ này cũng không chiếm mấy diện tích, dễ tích trữ, không dễ thấm nước, nên cũng có thể tiết kiệm được cả phòng chứa củi đốt."
Chú ba Lục cùng với ông chủ gạo cùng nhau bất ngờ, bọn họ đều là thương nhân, đừng thấy củi đốt rẻ tiền không mắc, nhưng năm dài tháng rộng tiếp tục tiêu phí vào nó thì tuyệt đối cần đến một khoản tiền cực kỳ lớn. Vật này vừa ra mắt thì những loại than khác như than hòn, than củi đều sẽ bị bỏ xó đứng sang một bên.
Ông chủ gốm cười cười:
"Lò nung gốm nhà tôi mỗi lần khai lò đều đốt hết một lượng lớn than củi, thế nên tôi khá để ý đến giá thành của nhiên liệu đốt."
"Theo như anh đã nói, thứ này có thể thay thế cho toàn bộ những loại nhiên liệu đốt mà người dân chúng ta hay dùng sao?"
Ông chủ gạo tấm tắc lên tiếng:
"Tuy mối làm ăn này đúng thực là lớn, nhưng mà nếu ép giá xuống còn lại một nửa thì vẫn rất thấp, e là đến cả tiền lương cho tiểu nhị cũng không đủ để chi nữa."
Ba người đều không thể giải thích được khái niệm hiệu quả của việc tập trung cơ giới hóa là gì.
Chú ba Lục chỉ có thể miễn cưỡng đoán mà nói:
"Có lẽ đều là nô lệ, không tốn bao tiền."
Lục Hâm đứng bên cạnh, như hiểu như không.
Ba người vừa đi vừa trò chuyện, lúc dạo qua phố mỹ thực, Lục Hâm bị kẹo đường ven đường hấp dẫn lấy lực chú ý.
Chỉ thấy một nghệ nhân lấy đường mật đổ vào một cái khuôn đã được làm nóng, vẽ thành nhiều hình dạng khác nhau, đổ một lớp mỏng xuống, đặt đấy một lát là nó đọng lại thành một bức tranh đường mật xinh đẹp.
Lục Hâm cắn một miếng nhỏ, mật ngọt nhưng không ngấy tan ra trong miệng, ăn ngon hơn nhiều so với đường mạch nha.
Chú ba Lục thấy hắn thích, mua một lọ đường mật nhỏ, thuận miệng hỏi thăm:
"Chủ tiệm này, đây là đường gì vậy?"
Nghệ nhân vui vẻ haha mà thu lại đồng tiền:
"Đây không phải đường, đây là mật ong."
Ông chủ gạo cười ha ha một tiếng:
"Ngài còn biết nuôi ong nữa sao?"
Nghệ nhân khoác tay:
"Không phải tôi, trại chăn nuôi trong thành tôi có nơi chuyên nuôi ong, nhưng tiếc là tiết trời này quá lạnh, không ra mật nổi, mọi người đến không đúng lúc. Nhưng mà mật ong có thể để dành rất lâu cũng sẽ không bị hỏng, các vị thích thì có thể mua thêm vài lọ mà mang về."
Mấy người trò chuyện với nghệ nhân vài câu mới biết được rằng ngoại ô thành Uyên Lưu có một trại chăn nuôi với quy mô cực lớn, từ gà vịt cá heo cho đến cua tôm bò cừu, con gì cũng chăn, thậm chí còn chăn cả giun, sợi len dùng để may thành áo cũng là từ chuồng cừu mà ra.
Có cái trại chăn nuôi này rồi, cư dân xung quanh thành Uyên Lưu không cần phải nuôi gia súc trong nhà rải rác nữa --- vì trên chợ có thể mua được rẻ hơn rất nhiều, nên ngay cả dân nghèo gia cảnh khốn khó, một tuần ít nhất cũng có thể ăn được hai bữa thịt.
Mấy người giật cả mình, một tuần hai bữa thịt là sao? Trong thành Bắc Tế và thành Nam Tế, một hộ gia đình bình thường một tuần chưa chắn ăn được một bữa, duy chỉ có ngày lễ dịp tết mới có thể có nhiều thịt để ăn hơn.
Thành Uyên Lưu nổi tiếng là hoang vu hẻo lánh này, mùa đông có cái bỏ vào miệng đã là không tệ rồi, còn có thể xa xỉ như thế này ư?
Ba người cau mày nhìn nhau, có rau củ quả tươi xanh mơn mởn, hạt lúa tròn đầy, khoai tây chất thành một ngọn núi nhỏ, trong khu triễn lãm thậm chí còn có đầu bếp bắc cái giá bằng sắc lên, cời bếp nhóm lửa, nướng nguyên một con dê tại chỗ, mùi hương đậm đà bay xa mười mét.
Trái ngược lại, quá khứ thường xuyên bán tháo khoáng sản nay đã không còn tung tích gì.
Chốc lát sau, Lục Hâm trông thấy có người bán đèn lồng giấy, trên ngọn đèn lồng đỏ rực được vẽ rất nhiều hình dáng khác nhau, hắn mua liền tay hai cái, cho chú ba cầm một cái, còn mình cầm một cái, ánh nến chiếu rọi sự ấm áp lên khuôn mặt.
Chú ba Lục cầm cái đèn lồng trên tay, ngó trái soi phải:
"Cái chụp đèn này được làm từ chất liệu gì vậy? Da không giống da, vải không giống vải, mỏng nhẹ mà lại thông thấu, còn có thể viết chữ lên nữa."
Ông chủ gạo thở hồng hộc chạy qua, trong tay cầm mấy quyển sách, vẻ mặt tràn đầy sự bất ngờ, không thể tin nổi:
"Mọi người mau xem này, quyển sách này, loại giấy này, mọi người đoán xem quyển sách này bao nhiêu tiền?"
"Sách... "Chăm sóc heo mẹ sau sinh"?"
Chú ba Lục nhận lấy, mở ra xem một lát, càng xem càng kinh ngạc,
"Quyển sách này không làm bằng giấy da dê, hơn nữa cũng không dùng chỉ để đóng cuộn, không biết dùng cái gì để dán chúng lại với nhau nữa...nhưng mà cho dù sách có rẻ đến mấy thì chí ít cũng phải mấy đồng bạc nhỉ?"
Khuôn mặt ông chủ gạo đỏ rần, vươn mười ngón tay ra.
"Mười đồng bạc?"
Ông chủ gạo không nhịn được mà gằng nhẹ một tiếng, điên cuồng liếng thoắng nói:
"Đồng! Mười đồng tiền! Một quyển sách thế nhưng chỉ có mười đồng tiền thôi, ôi trời ơi, cái ngôi thành Uyên Lưu này đang xảy chuyện gì thế này! Nhiều đồ tốt như thế này, còn rẻ đến khủng khiếp nữa! Rốt cuộc thì người ở đây có biết làm ăn buôn bán không vậy!"
Lúc này, ngay cả tiểu thiếu gia ngây thơ cũng cứng cả họng, cả một thương hiệu Lục Thị cũng chỉ có thể cung cấp cho hắn cùng với mấy huynh đệ đọc sách học tập thôi, bởi vì sách giấy bút thước đều quá mắc tiền, còn phải mượn thư tịch của nhau để mà đọc, những quyển sách giống nhau tuyệt đối không thể mua hai quyển vì chúng quá mắc để lãng phí.
Chú ba Lục giật mình, mặc kệ cảm giác hoang đường trong lòng:
"Tiểu thiếu gia mình đi thôi, đi đến tiệm sách đó mua lại hết!"
Chỉ có mười đồng tiền, lời to rồi!
"Đừng mua sách nữa, mọi người nhanh nhìn bên kia kìa!"
Ông chủ gốm vươn tay chỉ về hướng khu triển lãm bên khu trung tâm của khu chợ, dòng người nườm nượp, có rất nhiều thương hành giả là người quen của bọn họ, ồn ào lui tới hệt như dòng nước chảy, từng dòng lại từng dòng.
Trực giác nhạy cảm tích lũy được từ nhiều năm đi buôn bán nói cho bọn họ biết, chỗ đó nhất định có đồ tốt thật sự!
Đợi đến khi mấy người ra sức chen được vào trong dòng người bên trong thì chớp mắt đã bị các thương phẩm rực rỡ muôn màu đủ loại làm hoa cả mắt -----
Trong ánh nến rực rỡ, trên giá triển lãm cao thấp khác nhau bày đầy bình rượu bằng thạch anh và thủy tinh các loại, màu xanh ngọc ẩm như sương sa, bình hoa sứ trắng, thập tự kiếm hàn quang lạnh thấu xương, thảm lông thủ công tinh xảo và mềm mại...
Chú ba Lục đi khắp các ngôi thành lớn ở vùng đất bắc, thậm chí là ở thành Minh Châu thì từ trước đến nay cũng chưa từng trông thấy loại bình thủy tinh nào trong đến như vậy.
Tròng mắt của ông chủ gốm suýt thì trừng đến rơi ra ngoài!
Trong nhà hắn mấy đời kinh doanh đồ gốm sứ nên vô cùng thèm muốn đồ sứ tinh xảo được chuyển đến từ đế quốc Đại Hạ phía đông, thế nhưng từ trước đến nay chưa từng chế tạo thành công được chúng, hơn nữa, loại sứ trắng trước mắt này có màu sắc trắng như băng như tuyết, tao nhã như tiên, đừng nói đến từng được thấy, hắn còn chưa từng được nghe nói qua nữa là!
Sự rung động của ông chủ gốm vẫn còn chưa kết thúc, tiểu nhị bày sứ trắng ra xong thì lại tiếp tục đem mấy loại sứ màu ra, chớp mắt đẩy bầu không khí toàn quảng trường dâng lên cao trào!
"Tôi mua!"
Chẳng biết gã thương nhân nào không nhịn được nữa, gào to một tiếng.
"Tôi! Tôi đến trước!"
"Tôi có tiền! Cậu bán giá bao nhiêu tôi cũng mua!"
Mọi người tựa như vừa tỉnh lại từ trong mộng, đồng loạt to tiếng ra giá, tiếng trả giá, tiếng thán phục vang lên không ngừng, lẫn vào nhau, một buổi chợ triển lãm chốc lát biến thành một phiên bán đấu giá.
Mấy người chú ba Lục bị dòng người nhiệt tình dồn vào phía trung tâm, bị đẩy qua đẩy lại như nhào bột.
Vào giờ khắc này, bọn họ bị chấn động bởi từng dòng người với đầu óc hỗn loạn, kích động đến đỏ cả mắt.
Cái nguyện vọng ban đầu là đến thành Uyên Lưu bán hàng của bọn họ đã bị quên hết sạch, khắp đầu đều là "đồ tốt!","bảo bối!", "mua rồi là bán được!", "bán lại được là phát tài luôn!", "không được để người khác giành trước!".
Tiểu thiếu gia Lục Hâm gầy yếu đáng thương bị dòng người vây quanh từng chút một mà đẩy ra vòng ngoài, chỉ có thể rướn chân nhìn vào trong, ngoài mấy mái đầu đen thùi ra thì chẳng thấy được gì nữa cả.
Hắn hoàn toàn không thể hiểu được, tại sao chú ba Lục ban ngày vẫn cứ một câu là "ngôi thành nhỏ quê mùa", hai câu "không có kiến thức", thế nhưng bây giờ lại giống hệt như mấy tên nhà quê lần đầu tiên lên phố, cái gì cũng thích, cái gì cũng muốn mua.
Lục tiểu thiếu gia cầm trong tay cái bình mật ong, cầm lên nhánh trúc nhỏ, không nỡ ăn nhiều quá, chỉ nhúng một xíu rồi bỏ vào trong miệng, thưởng thức kỹ lưỡng, vị ngọt của mật quẩn quanh đầu lưỡi, hắn thỏa mãn híp mắt lại, thơm ghê!
Ngay vào lúc hắn đang đợi bên đường chán muốn chết thì nhóm người phía sau lưng đột nhiên bùng phát lên một trận hoa hô, Lục Hâm tò mò mà chớp chớp mắt, quay đầu ----
Chỉ trông thấy dòng người như nước đang dạt về phía hai bên đường, trên mặt mọi người tràn đầy sự vui mừng và kích động từ tận đáy lòng, trong miệng không ngừng hô hoán, Lục Hâm nhất thời không nghe rõ.
Cho đến khi dòng người hai bên quỳ xuống hệt như ruộng lúa ngã rạp xuống mỗi khi có gió thổi ngang qua thì Lục Hâm mới kiễng ngón chân lên, cuối cùng trông thấy được hai bóng dáng một vàng đen và một trắng bạc. Bọn họ bị người dân vây quanh chính giữa, từ tốn sóng vai đi tới.