Xe Bus Ma

Chương 20: Tiểu Diêm Vương



“Aaa!”

Một cô bé xinh xắn giật mình thức giấc trong đêm, cô bé này em gái của Cao Phong, Nguyễn Thuỳ Gia Hân.

Gia Hân năm nay mười bốn tuổi, là con gái út trong nhà. Cô bé mặt mày tái mét chạy sang phòng bà Loan khóc um lên:

“Mẹ ơi! Anh ba, anh ba... Anh ba bị ăn thịt mất rồi!”

Bà Loan đang ngái ngủ nghe con gái nói cũng hốt hoảng, bà ôm Gia Hân vào lòng, vỗ về vào lưng để cô bé bình tĩnh lại:

“Ngoan nào, không khóc! Không khóc! Ai nói với con anh ba bị ăn thịt?”

Gia Hân dụi dụi vào lòng bà Loan, thút thít:

“Anh ba... bị một chiếc xe bus ăn thịt... cái miệng của nó to như cái cửa nhà mình vậy đó! Con mơ thấy... trong giấc mơ đó...”

Bà Loan thở phào, bà mỉm cười xoa đầu cô bé:

“Con làm mẹ hết hồn, chỉ là ác mộng thôi con. Anh ba con không sao đâu, thôi đêm nay con ngủ chung với mẹ.”

“Không phải ác mộng đâu mẹ, con chắc chắn đó! Mẹ mau gọi điện thông báo cho cha đi, anh ba con đang gặp nguy hiểm.”

Mới đây thôi còn nước mắt đầy mặt giờ khuôn mặt Gia Hân nghiêm túc đến đáng sợ. Bà Loan thở dài, bà đặt cô bé xuống giường rồi đắp chăn:

“Ngày mai mẹ sẽ gọi cho cha, bây giờ mẹ con mình ngủ nào.”

“Dạ.”

Gia Hân nhanh chóng chìm vào giấc ngủ còn bà Loan vẫn trằn trọc không ngủ được.

Nếu không ác mộng thì có thể là gì? Chỉ có một đáp án, là tiên tri! Dòng họ Nguyễn có rất nhiều người thức tỉnh thiên phú khi chỉ mới mười mấy tuổi, ông Phúc là “Đảo Nghịch”, ông Phụng là “Vay Mượn”, Phương Thuỳ là “Trung Hoà”, không lẽ cô con gái của bà đã thức tỉnh? Thiên phú của nó phải chăng là nhìn thấy trước tương lai? Nếu vậy thì con trai bà chắc chắn sẽ gặp nguy hiểm, điều này khiến bà không tài nào ngủ được.

Hiện tại là ba giờ tối, bà chỉ mong thời gian nhanh trôi qua để bà có thể liên lạc với chồng mình.

Bà Loan gạt sợi tóc trên trán Gia Hân, ánh mắt của bà nhìn cô bé vừa trìu mến vừa buồn bã, ánh mắt tựa như nhìn Cao Phong năm đó. Con gái của bà nếu thức tỉnh thiên phú thì tương lai sẽ phải nối nghiệp trừ tà của dòng họ, cô bé sẽ đối mặt với biết bao nguy hiểm thậm chí có thể... nghĩ đến đây nước mắt bà lại chực trào ra. Bà Loan dịu dàng hôn lên trán Gia Hân:

“Mẹ xin lỗi, mẹ không thể cho con một cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng con phải thật mạnh mẽ, con gái yêu của mẹ.”

Ba tiếng nhưng dài đằng đẵng như mấy năm, chờ đợi phải chăng có thể khiến người ta héo mòn?

***

Trời sáng.

Bà Loan đang định gọi cho ông Phụng thì đột nhiên chuông điện thoại reo, người gọi là Phương Thuỳ. Bà cố gắng giấu đi lo lắng trong lòng mà nói với giọng bình thường:

“Hôm nay có chuyện gì mà con gái mẹ lại gọi cho mẹ vào sáng sớm thế này?”

Giọng Phương Thuỳ ở đầu dây bên kia làu bàu:

“Mẹ bớt trách móc con gái xinh đẹp giỏi giang của mẹ đi, con ngày nào cũng bận tối mắt tối mũi. Mà bỏ qua đi, mẹ đã nghe chuyện thằng Phong nhà mình nhớ lại ký ức chưa? Tối qua nó gọi cho con rồi khóc lóc, đúng là bực mình mà, làm con không ngủ tiếp được luôn.”

Bà Loan khá bất ngờ khi nghe tin, bà mím môi rồi quyết định nói:

“Chuyện này mẹ chưa nghe nó nói, thằng bé cứ mỗi lần nhớ lại ký ức đều tự dằn vặt mình, thà nó không nhớ gì rồi vô tư như bình thường còn hơn. Hơn nữa mẹ cũng có chuyện muốn bàn với con...”

“Cái gì? Mẹ bảo con Hân thức tỉnh thiên phú? Thiên phú tiên tri? Mẹ không đùa con chứ? Con bé linh lực còn thấp hơn con chó nhà mình sao lại thức tỉnh thiên phú được?”

Phương Thuỳ đứng bật dậy, cô nói lớn nên những nhân viên khác đều ngoái đầu nhìn cô. Phương Thuỳ định cư ở Úc từ nhỏ, hiện tại cô đang làm việc trong một ngân hàng nhà nước ở thành phố Sydney.

“Sorry! Sorry!” Cô vội vàng xin lỗi rồi bước ra ngoài hành lang, giọng bà Loan tiếp tục vang lên bên tai:

“Chuyện con Hân phải đợi cha con về xem thử thế nào, vấn đề bây giờ là theo lời của con Hân thì thằng Phong sắp gặp nguy hiểm, nó sẽ bị một chiếc xe bus ăn thịt...”

Phương Thuỳ nghiến răng:

“Chuyện quái quỷ gì đang xảy ra vậy? Hết chuyện này đến chuyện khác lũ lượt kéo đến? Con bé nói gì cơ? Xe bus ăn thịt người? Nghe có vô lý không chứ? Khoan đã, nếu chiếc xe bus đó là yêu quái giả dạng hoặc nó là một hồn ma thì rất có thể. Nếu không vì hình phạt của lão già đó thì con đã bay về Việt Nam rồi đập ra bã lũ ma quỷ suốt ngày lởn vởn bên cạnh thằng em con rồi. Cha khi nào về? Còn chú tám và đám anh em họ của con đi đâu hết rồi?”

Bà Loan phì cười, cái con bé này con gái con lứa mà chẳng thuỳ mị nết na chút nào, cứ hung dữ thế này thì khi nào mới lấy chồng được đây? Bà nói:

“Cha con ít nhất mười ngày nữa mới về, chút nữa mẹ gọi thử xem cha con thu xếp về sớm có được không. Còn chú tám và đám anh em họ của con đi Nga huấn luyện chưa về, đến giờ vẫn chưa thấy liên lạc gì cả... Mẹ lo quá, dòng họ nhà mình giờ chẳng còn ai có thể giúp được thằng Phong...”

Hiện tại những người trong nhà họ Nguyễn cùng thế hệ với ông Phúc và ông Phụng nếu không mất thì cũng không thể trừ tà, chỉ còn lại ông Phụng và chú tám, Nguyễn Duy Bình, thế hệ trẻ thì mới thức tỉnh thiên phú, phải trải qua một đợt huấn luyện mới có thể chính thức trở thành thầy trừ tà. Có thể nói đây là giai đoạn nhà họ Nguyễn yếu nhất trong lịch sử. Năm nay Việt Nam hợp tác với Nga để huấn luyện tân binh thầy trừ tà, quá trình huấn luyện phải đảm bảo bí mật nên cấm mọi loại liên lạc với bên ngoài.

Phương Thuỳ đấm mạnh vào tường, tức giận nói:

“Chết tiệt! Beep beep! Được rồi con tắt máy đây, mẹ mau gọi cho cha đi.”

“Con gái, con có ghét thằng Phong không? Vì nó con...”

Phương Thuỳ nhăn mặt, cô nhanh chóng ngắt lời bà Loan:

“Tới mẹ nữa hả? Hết thằng Phong tới mẹ, con ghét nó! Con rất ghét ghét nó! Con đã nói bao nhiêu lần rồi? Nó là em trai của con, con không bao giờ hối hận vì cứu nó! Không bao giờ!”

Bà Loan cười xót xa, là mẹ nhưng bà chẳng thể làm gì được cho con mình cả. Bà chỉ có thể đứng đó nhìn những đứa con của bà oằn lưng gánh vác những đau đớn và hiểm nguy. Bà thật vô dụng, bà cố gắng không khóc nói:

“Ừm, thôi mẹ cúp máy đây. Con nhớ giữ sức khoẻ, sang năm cha mẹ với con Hân sẽ sang thăm con.”

***

Phương Thuỳ vừa tắt máy thì mặt đất đột nhiên rung chuyển, cô nhăn mặt:

“Lại chuyện quái quỷ gì nữa đây? Động đất à?”

Lý Phán Quan hiện ra sau lưng Phương Thuỳ, cung kính chắp tay nói:

“Khải bệ hạ, rung chấn này không phải động đất mà là do một quỷ tướng gây ra, bệ hạ hãy nhìn ra phía trước sẽ rõ.”

Hiện tại Phương Thuỳ đang ở tầng mười, nhìn qua lớp kính ở hành lang có thể thấy khung cảnh bên ngoài. Một con kăng gu ru khổng lồ cao cả ba bốn trăm mét, trên đầu và cơ thể có vô số sừng dài, toàn thân đen tuyền. So với con kăng gu ru quá cỡ này thì những toà cao ốc xung quanh trông chẳng khác gì những món đồ chơi trẻ con, từng bước chân của nó tạo ra chấn động tương đương một cơn động đất cỡ nhỏ. Chỉ với kích thước này thì lực phá hoại của nó có thể xoá sổ cả một thành phố.

Hai tròng mắt Phương Thuỳ chuyển sang màu xanh lam, lúc này cô có thể nhìn xa mấy ngàn mét đồng thời phóng to một bộ phận của con kăng gu ru lên hàng ngàn lần. Thì ra cơ thể con kăng gu ru này là tập hợp của vô số ác quỷ, có cả thú lẫn người, số lượng ác quỷ ít nhất cũng một vạn.

Quỷ có các cấp độ: tốt, binh, tướng, đại tướng, nguyên soái, đại nguyên soái và vương. Trường Giang năm đó mạnh mẽ như thế cũng chỉ ở cấp quỷ binh mà quỷ tướng so với quỷ binh thì mạnh hơn ít nhất cũng một trăm lần, con kăng gu ru này dù ông Phúc sống lại cũng không địch nổi.

Phương Thuỳ bĩu môi:

“Ở Úc cũng có loại quỷ này? Điên thật chứ! Nếu còn để nó long nhong ngoài kia thì ngân hàng của ta phải đóng cửa mất. Được rồi, tất cả nghe lệnh nhấc cái mông của các ngươi ra đây cho ta!”

“Khải bệ hạ!”

Sau lưng Phương Thuỳ đồng loạt xuất hiện hàng trăm bóng đen, hắc bạch vô thường, đầu trâu mặt ngựa, dạ xoa la sát cùng hơn một trăm quỷ tốt. Tất cả đều quỳ xuống sau lưng cô, thái độ vô cùng cung kính.

Phương Thuỳ là thầy trừ tà đặc biệt nhất, cô từ lúc mới sinh ra đã có linh lực mạnh nhất lịch sử nhà họ Nguyễn, cô còn mạnh hơn cả ông Phúc và ông Phụng.

Năm bảy tuổi, Trường Giang lúc này là tứ cửu ác linh mò tới rình mò bên ngoài, Phương Thuỳ cứ nghĩ là chó hoang nên ném một cục đá, Trường Giang bị hòn đá nhỏ bắn trúng suýt chết, sợ hãi bỏ trốn.

Linh lực mạnh mẽ của Phương Thuỳ thậm chí còn khiến một vị Diêm Vương trong thập điện diêm vương là Tần Quản Vương chú ý. Tần Quảng Vương là Nhất Điện Diêm Vương, ông chuyên trong coi bệnh tật, sinh tử ở trần gian cũng xét xử tội lỗi của các linh hồn, linh hồn đến nhất điện sẽ được đưa đến trước nghiệt kính đài để soi rọi những tội ác lúc còn sống, người tốt sẽ được lên trời còn kẻ xấu sẽ bị giải đến các địa ngục. Tần Quảng Vương vốn là danh hiệu chứ không phải tên, chức Diêm Vương sau một thời gian sẽ chuyển giao cho người khác, Tần Quảng Vương cho rằng Phương Thuỳ đủ điều kiện nên năm mười ba tuổi đã sai hai vị phán quan là Lý Phán Quan và Trần Phán Quan đến nhân gian mời cô xuống địa phủ một chuyến.

Cũng vì Phương Thuỳ rời nhà gần một tháng nên Trường Giang mới dám lập mưu hại ông Phúc.

Phương Thuỳ năm mười ba tuổi trở thành Diêm Vương tập sự, Tần Quảng Vương trao mọi quyền năng của Diêm Vương cho cô, ông dự định hướng dẫn đến khi cô đủ mười sáu tuổi sẽ nhường chức Nhất Điện Diêm Vương cho cô. Phương Thuỳ trưởng thành trước tuổi, vừa thông minh lại mạnh mẽ, cá tính và chính trực nên thuộc hạ dưới trướng cô đều rất kính trọng và một lòng trung thành.

Đáng tiếc vì một lỗi lầm mà Phương Thuỳ bị cách chức, năm Cao Phong mười hai tuổi bị một quỷ binh gϊếŧ chết, Phương Thuỳ vì cứu em trai mà sửa lại sổ sinh tử, sai Hắc Bạch Vô Thường đưa linh hồn Cao Phong nhập lại vào xác. Ông Trời biết được, nổi giận muốn nhốt Phương Thuỳ vào địa ngục Vô Gián (1). May nhờ Tần Quảng Vương và các thuộc hạ ra sức cầu xin mới thoát tội nhưng Phương Thuỳ bị bãi chức Nhất Điện Diêm Vương, hơn nữa cô còn hứng chịu lời nguyền trừng phạt: cô không được ở gần Cao Phong và không được can thiệp vào cuộc sống của Cao Phong, nếu không cả hai sẽ bị đày xuống địa ngục Vô Gián mãi mãi.

Gọi là không được ở gần nhưng Phương Thuỳ phải đến tận châu Úc mới thoả mãn điều kiện của lời nguyền.

Phương Thuỳ không thể về nước, cha mẹ cô thì luôn phải ở bên cạnh Cao Phong để bảo vệ nên không thể thường xuyên thăm cô thành ra thời gian cô ở bên gia đình rất ít, từ năm mười ba tuổi ngoại trừ bảy ngày được về thăm nhà thì chưa được về nhà lần nào. Sau này cho đến khi chết thì cô vẫn không thể đoàn tụ với gia đình được, dù có gặp được cha mẹ, em gái thì vẫn thiếu vắng em trai.

Hai năm ở dưới âm phủ cô chưa từng khóc vì nhớ nhà nhưng khi đến Úc mới ba bốn cô đã gọi điện về nhà, vừa nói vừa khóc, bà Loan thương con cũng khóc theo, đó cũng là lần cuối bà Loan nghe con gái của mình khóc.

Vào những dịp lễ Tết nhìn gia đình người ta sum hợp thỉnh thoảng Phương Thuỳ rơi nước mắt, cô mạnh mẽ đến mấy cũng có lúc yếu đuối.

Chính vì vậy Cao Phong và bà Loan luôn cảm thấy có lỗi với Phương Thuỳ.

Bà Loan hay Cao Phong mỗi lần hỏi cô có ghét anh không thì đều nhận được câu trả lời:

“Ghét chứ nhưng ai bảo nó là em trai con chứ?”

“Con chỉ có một thằng em trai, không thương nó thì thương ai?”

“Hối hận? Sao con phải hối hận? Cho dù có cơ hội chọn lựa lần nữa con vẫn chọn cứu nó.”

Phương Thuỳ tuy bị bãi chức nhưng vẫn còn một số quyền năng của Diêm Vương và điều khiển quan binh âm phủ chính là một trong số đó. Có một trăm quan binh đi theo Phương Thuỳ, trong đó đặc biệt nhất là Lý Phán Quan, anh ta là một quan văn nổi tiếng thời Lý, vì lúc còn sống có nhiều công trạng nên được bổ nhiệm làm phán quan trông coi sổ sách cho Diêm Vương, anh ta sống ở thời Lý nên gọi là Lý Phán Quan. Còn Phương Thuỳ với sức mạnh bằng một nửa Diêm Vương và lực lượng quan binh âm phủ hùng hậu nên có biệt danh là “Tiểu Diêm Vương”.

Phương Thuỳ nhẹ nhàng đeo một bộ kính râm, lửa địa ngục màu xanh lam từ dưới chân bùng lên hoá thành mũ miện mười hai dây lưu đội lên đầu cô, đồng thời áo cổn đen huyền mười hai chương cũng khoác lên người, trên cổ có phương tâm màu trắng, hông đeo đai Kim Long, khí thế uy nghi lẫm liệt như các bậc quân vương ngày xưa.

Trang phục Phương Thuỳ đang mặc gọi là Diêm Vương Miện Phục, hình dáng gần giống với cổn miện thời Lý.

Cổn miện hay miện phục là trang phục cao quý nhất của một quân chủ Đông Á, được dùng trong lễ đăng cơ và lễ tế trời, cổn miện gồm mũ miện và áo cổn.

“Lịch triều hiến chương loại chí" của Phan Huy Chú định nghĩa mũ miện như sau: “Trên mũ này có ván chụp, đằng trước tròn đằng sau vuông, đằng trước sa xuống đằng sau nghếch lên, dài một thước sáu tấc, rộng tám tấc, đằng trước sa xuống bốn tấc, đằng sau sa xuống ba tấc. Mũ Miện kết hợp với áo Cổn, phía trước và phía sau đều có mười hai dây lưu, mỗi dây lưu có mười hai viên ngọc, lấy dây tảo để xâu ngọc".

Áo cổn gồm áo huyền có mười hai chương (hoa văn) gồm: nhật, nguyệt ở hai vai, tinh thìn, sơn ở lưng, long và hoa trùng ở hai ống tay áo, tảo, hoả, phấn mễ, tông di, phủ, phất thêu ở xiêm, mặc bên trong áo huyền là áo trung đơn. Áo cổn đi cùng các phụ kiện như phương tâm khúc lĩnh, huân thường, tế tất, thụ, bội, cách đới, đại đới, tất, giày tích. (2)

Khi Phương Thuỳ khoác lên Diêm Vương Miện Phục cô sẽ sở hữu một quyền năng của Diêm Vương là “bất tử” đồng thời không một thực thể nào ở địa ngục có thể gây thương tổn cho cô.

Phương Thuỳ bước xuyên qua lớp kính, lơ lửng trên không trung. Cô ra hiệu:

“Toàn quân! Xông lên!”

“Đập nó ra bã cho ta!”

Thuộc hạ ở sau lưng gầm lớn rồi lao về phía quỷ tướng, bọn họ đều thầm nghĩ con quỷ tướng này đúng là xui tận mạng, xuất hiện đúng lúc tiểu diêm vương của họ đang tức giận.

Chú thích:

(1) Vô Gián Địa Ngục: hay còn gọi là A Tỳ địa ngục, là ngục thứ tám cũng là ngục khổ nhất trong Bát Nhiệt địa ngục, vô gián có nghĩa là không gián đoạn.

Những người bị đoạ vào Vô Gián địa ngục phạm năm tội lớn (gọi là năm nghiệp vô gián) là gϊếŧ cha, gϊếŧ mẹ, gϊếŧ A la hán, làm Phật chảy máu, phá hoại sự hoà hợp của chúng tăng. Ở nơi này tội nhân bị hành hình bằng các hình cụ như chỉa ba, gậy, diều hâu, sói rắn, cối giã, cối xay, cưa, đục, dao, mác, chảo dầu sôi, lưới sắt, ngựa sắt... Tội nhân chịu khổ liên tục, không gián đoạn, mỗi lần chết là một lần sống lại, trải qua trăm nghìn kiếp, vĩnh viễn không được đầu thai siêu sinh.

(2) Tinh thìn: chòm sao.

Hoa trùng: chim trĩ.

Tảo: rong.

Phấn mễ: gạo trắng.

Tông di: cặp cốc tế có hình con hổ và con khỉ.

Phất: hoa văn chữ Á 亞, thể hiện hai mặt tốt xấu.

Phương tâm khúc lĩnh: tấm phụ cổ cong tâm vuông đính trước ngực áo.

Huân thường: dạng váy quây mặc ngoài quần.

Thụ: còn gọi tổ thụ, là dải tết bằng sợi tơ đeo ở sau lưng

Bội: dải ngọc bội đeo hai bên hông.

Tế tất: thắt ở đai che trước hạ thể.

Cách đới: đai da đeo trong

Đại đới: đai lụa đeo ngoài.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.