Sáu tháng sau, Tống Hữu Nhân ngỏ lời cầu hôn cô. Anh nói, Khánh Trường, lâu lâu rồi tôi có mua căn nhà ở một thị trấn bên Thụy Sĩ. Tôi muốn có
người bầu bạn, và đã đợi chờ rất lâu. Nhưng chưa kết hôn bao giờ. Khánh
Trường vẫn biết anh là người song tính luyến ái. Tại sao vào năm bốn
mươi tám tuổi lại muốn cưới một người đàn bà. Anh cũng không giấu, nói,
vì muốn có con. Mẹ anh đã chín mươi, sống ở Đức, quan niệm truyền thống, hi vọng trông thấy anh cưới một cô dâu Trung Quốc, sinh một đứa con.
Khánh Trường nói, nhưng tôi chẳng chắc là mình đẻ được đâu. Anh nghiêm
túc nhìn cô, tôi chắc chắn là cô đẻ được.
Cô nói, nhưng chúng ta không yêu nhau mà, Tống.
Không, chúng ta yêu nhau. Chỉ là không phải tình yêu nam nữ theo định
nghĩa của cô. Tình ái, tình thân, tình bạn, đều là yêu. Kết hôn với tôi, cô sẽ có tự do, được chăm sóc, được trải nghiệm cuộc sống mới. Chúng ta cùng nhau an hưởng quãng đời sau này. Chỉ có điều trước khi trả lời
tôi, cô phải suy nghĩ thật kĩ, cô có chấp nhận thế giới riêng trong hôn
nhân không? Chắc cô lại suy diễn nó thành lãnh đạm sơ sài hay gì đây, vì tôi hiểu cô luôn mong cầu một mối quan hệ gần gũi đôi bên phải hòa tan
chiếm hữu nhau. Nhưng quan hệ ấy sẽ gây ra thương tích và chấp niệm. Gần gũi thực sự nên xây dựng trên tiền đề cô độc, tự do và gìn giữ tôn
nghiêm. Tôi hi vọng cô hiểu được điều này.
Tôi chưa bao giờ sống ở nước ngoài.
Tính cách cô điềm tĩnh độc lập, sẽ thích nghi nhanh thôi. Như Fiona thì không được, cô ấy có rất nhiều tham vọng và dục vọng, ưa chuộng danh
lợi nhiệt náo. Có thể đôi lúc cô không biết mình cần điều gì, nhưng xưa
nay cô đều biết rõ mình không cần điều gì. Cô rất tự lực, chẳng bao giờ
dựa dẫm vào bên ngoài. Cảnh sống ẩn dật xa cách lâu nay của cô cũng có
khác gì sống ở nơi dị quốc tha hương đâu.
Tôi không có năng khiếu ngoại ngữ, tôi sống bằng tiếng mẹ đẻ đấy. Tiếng mẹ đẻ là nghề nghiệp của tôi.
Không sao. Cô cứ nói tiếng Trung với tôi, và còn có thể học tiếng cơ
mà. Chỉ cần đặt chân đến một nơi, rồi sẽ quen thuộc với ngôn ngữ nơi ấy.
Vậy là tôi phải từ bỏ công việc hiện tại.
Đúng rồi. Nhưng đây chẳng qua là một công việc bình thường thôi, bỏ
cũng có sao. Cô có thể sáng tác mà. Nếu có thời gian, thử mô tả bản thân xem sao. Đây là cơ hội để viết cho tâm hồn. Nó không phải là một ngành
nghề cô độc lâu. Nó sẽ thay cô gặp gỡ những người lạ.
Đường đời tôi gập ghềnh như vậy, sao lại chọn tôi chứ.
Cô là một cây cầu Quan Âm Các, Khánh Trường ạ. Tôi chưa bao giờ nói cho cô biết, tôi yêu thích kho tàng cổ xưa của Trung Quốc. Thích tất cả
những đối tượng đã tiêu tan. Bao gồm con người.
Tống Hữu Nhân
đến Thượng Hải mở phòng khám tâm lý, vừa để giết thời gian vừa để tìm
kiếm người bầu bạn trong quãng đời còn lại. Ở Thượng Hải ba năm, anh đã
gặp rất nhiều đàn bà, trẻ trung xinh đẹp, thông minh tháo vát, lẳng lơ
quyến rũ, muôn hình vạn trạng. Chỉ đến khi gặp Khánh Trường mới quyết
định ngỏ lời. Có lẽ là vì Khánh Trường chưa bao giờ nuôi tâm cơ hay mục
đích nào với anh, không ấp ủ ham muốn, không nung nấu chờ mong. Trông cô giản dị chất phác, nhưng nội tâm lại tối tăm xáo trộn. Giống như đêm
buông mới làm nổi bật vầng trăng. Anh cho rằng đây là một ưu đãi.
Người như cô đáng lẽ nên ẩn cư trên núi cao, lại ngang nhiên chen vào
giữa biển người đông đảo. Đây là hình thái tồn tại của cô. Anh cần sự
tồn tại ấy, và cho rằng mình có thể bảo vệ cô.