Xuân Yến

Chương 4-1: Khánh trường một cây cầu tiêu tan (1)



Theo tập quán truyền thống của người phương Tây, Thanh Trì đeo một chiếc nhẫn cưới ở ngón vô danh bên bàn tay trái. Chiếc nhẫn kiểu dáng đơn giản, ăn cả vào khớp xương ngón tay do đeo lâu ngày. Tầm quan trọng của chiếc nhẫn này không phải ở chỗ giữ gìn khuôn phép cho cuộc hôn nhân – thậm chí một phần con người Thanh Trì còn đi theo chiều ngược lại, mà ở chỗ anh dùng nó để vạch ra giới tuyến an toàn với bên ngoài, nhắc nhở những người phụ nữ quen biết rằng: Em có thể lại gần tôi, nhưng tôi bị hạn chế rồi.

Trong ứng xử với phụ nữ, anh luôn giữ thái độ thăm dò cởi mở. Tràn đầy hứng thú với cái đẹp, ham muốn chinh phục cũng mạnh mẽ như nhiệt lượng sống. Theo đuổi sự đổi mới liên tục và căng tràn, một biểu hiện của cả chủ nghĩa thực dụng lẫn chủ nghĩa lý tưởng, đồng thời vẫn thận trọng và cảnh giác. Thuộc hàng ngũ tinh hoa của xã hội thương mại, người đàn ông này rất tỉnh táo, biết mình biết ta, tư duy logic và có khả năng quan sát ở tầm vĩ mô do được rèn luyện qua quá trình kinh doanh. Anh là người rất khó chinh phục.

Khánh Trường đi phỏng vấn về, Fiona nhắc cô rằng đừng để bề ngoài sang trọng và bóng bẩy của gia đình Thanh Trì đánh lừa. Luôn ý thức được hố sâu ngăn cách hiện hữu giữa hai vợ chồng suốt mấy năm qua, Phùng Ân Kiện giờ đã bốn mươi tuổi vẫn cố gắng mang thai, muốn sinh đứa con nữa để củng cố sự bền chặt của gia đình. Quan hệ giữa họ giống như tất cả các cuộc hôn nhân thông thường, đã bước sang thời kì đông lạnh, không dễ khơi lên vui buồn mừng giận nữa; hiếm khi chuyện trò, gắn kết lỏng lẻo, chỉ có hai đứa con là mối liên hệ duy nhất. Họ gần ít xa nhiều, một phần vì tính chất công việc nay đây mai đó của anh, nhưng nhiều phần là vì hình thức hôn nhân đã khiến trí tưởng tượng và sức hấp dẫn lẫn nhau của hai người bị mài mòn và cùn nhụt dần trong gạo dầu muối mắm thường nhật.

Một cuộc hôn nhân lâu năm cuối cùng sẽ trở thành một hợp thể tạo nên bởi thói quen, lòng tin, trật tự và trách nhiệm. Ổn định về hình thức rồi, nó dần dần thoát ly khỏi cái tôi cá nhân. Những yếu đuối, sâu kín, biến đổi, mâu thuẫn trong tính người, những năng lượng sục sôi tuôn chảy, đã được định sẵn là sẽ có chỗ xung đột với hiện thực bị đóng khung vào khuôn khổ và công thức. Chỉ có yêu đương và thôi thúc của tâm hồn mới tiếp cận được sự ngọt ngào kiêm tăm tối khó tả này. Một phạm trù nhiều lý tính như hôn nhân, trong lúc thanh lọc những chao đảo bấp bênh cũng thanh lọc luôn cả tò mò và khám phá. Một đôi nam nữ, sinh con đẻ cái, mặt chạm mặt đêm ngày, hứng thú và ham muốn tìm hiểu lẫn nhau sẽ dần dần nguội lạnh.

Ba năm rồi, Thanh Trì có tình nhân.

Một người mẫu làng nhàng trong giới thời trang Bắc Kinh. Theo anh từ năm mười bảy tuổi, nay đã hai mươi, vẫn duy trì quan hệ, được Thanh Trì mua tặng một căn biệt thự. Cô tên là Vu Khương. Phùng Ân Kiện giả đui giả điếc, cố tránh chọc thủng lớp giấy mỏng này. Vu Khương không nổi tiếng lắm nhưng dầu sao cũng là nhân vật công chúng, hễ được phỏng vấn đều nói mình độc thân, chưa có bạn trai. Đây chẳng phải điều gì bí mật. Fiona cho Khánh Trường đường dẫn và mật khẩu để đọc blog của Vu Khương. Fiona có kênh khai thác được bất cứ chuyện thị phi đồn thổi nào mà cô muốn tìm hiểu. Thú vui lớn nhất của cô về giới giải trí là: rình mò, bình phẩm, bàn tán, đả kích.

Hiển nhiên còn có mục đích khác nữa, mà cô cũng chẳng giấu Khánh Trường.

Cô và Thanh Trì quen biết đã lâu. Gặp anh lần đầu trong một bữa tiệc, cô trúng tiếng sét ái tình ngay lập tức, anh đáp lại mập mờ lấp lửng. Cô đi Bắc Kinh công tác, họ lên giường với nhau. Đúng như tác phong cố hữu, Thanh Trì công khai tình trạng có vợ có bồ, để đối phương tự quyết định tiến hay lùi trong mối quan hệ với anh. Fiona nói, Khánh Trường ạ, đàn ông đều là giống vật tham lam, nhất là những kẻ mạnh mẽ quyền lực. Loại đàn ông gia thế đường hoàng tâm tư cẩn trọng phong lưu đa tình như Hứa Thanh Trì lại càng khiến người ta phát cuồng. Đàn bà tưởng rằng sẽ giữ được anh, bản thân anh xưa nay cũng không tỏ vẻ từ chối né tránh ai hết, nhưng thực tế anh nắm quyền kiểm soát, không để bị chế ngự, đúng là một đối thủ hùng mạnh.

Cô lại nói, dù sao chăng nữa, tình hình vẫn có cơ tiến triển. Biết đâu một ngày nào đó anh sẽ ly hôn, một ngày nào đó anh chia tay Vu Khương. Rồi một ngày nào đó, chị và anh ấy sẽ ở bên nhau.

Khánh Trường nhận thấy Fiona đang ứng xử rất linh hoạt, cố ý bỏ qua những khiếm khuyết và mặt trái không thể sửa chữa được của hoàn cảnh này để rút tỉa ra nguồn năng lượng tích cực và mạnh mẽ. Đàn ông đã gọi là thành công, là doanh nhân giỏi xoay xở trong xã hội thương mại, không thể không hiểu những toan tính và mong muốn trần tục trong trái tim phụ nữ, trừ phi cố ý giả ngây. Huống hồ tuổi trẻ và sắc đẹp không hiếm hoi gì ở nơi đô hội này. Bỏ thời gian và sức lực ở một chừng mực để giải trí chốc lát trên giường thì có thể, nhưng không người đàn ông thông minh nào lại vì chuyện đó mà trả cái giá rất đắt là thiết lập một mối quan hệ ổn định.

Sau thời gian dài tiếp xúc với đủ hạng người, Fiona rút ra kết luận rằng: Đa phần đàn ông thành đạt đều kết hôn sớm. Đối tượng hôn nhân thường là bạn cùng đại học ngang tài ngang sức hoặc bạn thuở ấu thơ, nhan sắc bình thường nhưng thông minh tài trí. Sinh con đẻ cái, duy trì đời sống gia đình ổn định, nhưng không bao giờ từ bỏ cơ hội chinh phục những thú vui ngoài hôn nhân.

Cách chinh phục của anh, về cơ bản là theo đuổi kiểu bán buôn. Đối xử với mọi phụ nữ như nhau, đưa đi nhà hàng dùng cơm, đưa vào khách sạn ngủ cùng, mua sắm quà cáp, đưa lên quán cà phê sân thượng, trò chuyện về âm nhạc, sách vở, phim ảnh… loanh quanh ngần ấy thứ. Thổ lộ tình cảm, ngôn ngữ, hành vi… cũng được sao chép tuần tự, dùng cách thức giống nhau để tưới tắm những đối tượng khác nhau. Trong cái hộp đóng gói hàng loạt này sắp xếp đủ mọi sản phẩm kiểu dáng đẹp đẽ thao tác đơn giản, thứ tự và khoảng cách giữa chúng hết sức linh hoạt: Chăm sóc. Quan tâm. Tán tụng. Giao tiếp. Quà cáp đẹp đẽ. Tình dục nồng nàn. Lời lẽ ngọt ngào. Mê hoặc khác lạ. Thị hiếu phong nhã. Biết nhiều hiểu rộng. Nhận được cái hộp, cô nào cũng tưởng mình lấy được hàng quý thiết kế riêng hạn chế số lượng, nào ngờ chỉ là hàng bán lẻ sản xuất đại trà.

Mục đích cuối cùng là lên giường. Lên giường xong xuôi, đám đàn ông sẽ thần tốc rút lui, dừng hàng rào cảnh giác, dùng thái độ lãnh cảm né tránh để khiến đàn bà tự tan vỡ hi vọng. Một số người có khả năng khiến họ hứng thú lâu dài hơn đôi chút, dần dà phát triển thành tình cảm và một kiểu chung sống nào đó, như Vu Khương Một số khác thì chỉ có thể sớm nở tối tàn, như Fiona.

Fiona dĩ nhiên hiểu rõ mình chẳng còn triển vọng gì nữa. Nhưng người đàn ông xuất sắc có địa vị có tiếng tăm thế này chẳng mấy khi gặp được, thi thoảng hẹn hè chung đụng thể xác cũng có vấn đề gì đâu. Phụ nữ thường đánh giá quá cao hoặc quá thấp trí tuệ và tâm hồn của đàn ông, nên tự là tổn thương mình. Fiona sống đến bây giờ, biết điều chỉnh bản thân theo thực tế, tỉnh táo tinh tường, nên không hề ưu tư sầu não.

2

Khánh Trường đặt chân vào blog của Vu Khương.

Vu Khương là một thiếu nữ Trùng Khánh bừng bừng sức sống, mưu cầu danh lợi ở nơi phồn hoa đô hội với hành trang là tấm thân mĩ miều của mình. Thanh Trì hơn cô hai mươi tuổi, chưa bao giờ kháng cự được sắc đẹp, lại làm ở vị trí cao, nhiều sức ép, cần có tấm thân tươi trẻ tiếp thêm năng lượng và sinh lực. Họ kết hợp với nhau trên một nền tảng hợp lý, vững vàng. Ở với nhau đã đến năm thứ ba, ổn định, liên tục, hòa hợp đến mức nào, người ngoài hẳn không hình dung được. Điều này có liên quan đến lối sống của Vu Khương. Cô làm người mẫu, nhưng lại thích giao lưu với giới nghệ sĩ, thết tiệc, ăn tối, dựng tiết mục, làm phim độc lập, còn viết truyện ngắn, xuất bản sách ảnh, tham dự các hoạt động xã hội với họ. Có lần cô đã được truyền thông ca ngợi là sự kết hợp của mĩ nữ và tài nữ.

Trong không gian riêng tư này, Khánh Trường trông thấy cuộc sống thường nhật mà v kung dung bày ra: những cuộc trình diễn ở mọi nơi trên đất nước, ra nước ngoài nghỉ phép, trang trí và sẳp đặt nội thất, các thể loại hội hè, họp mặt với người nhà... Người thiếu nữ được anh lựa chọn quả có khía cạnh thông minh năng động, tư duy linh hoạt, có khí chất văn hóa mà anh cần. Thanh Trì hứng thú với cái gì là cô nhiệt tình với cái đó: triển lãm tranh, điện ảnh, sách vở, du lịch, âm nhạc, thể dục thể thao... đồng thời vô cùng say nê cuộc sống ở nước ngoài, đắm đuối vật chất, ham thích hư vinh. Tất cả đều có ảnh chụp chứng minh. Không gian này đang cố làm toát ra một thứ tinh thần, mà tinh thần đó chính là toàn bộ suối nguồn cho cuộc sống ưu việt của Vu Khương.

Để bảo vệ Thanh Trì, trên blog của mình cô chỉ đơn giản gọi anh là T, chưa bao giờ tiết lộ cụ thể về anh, cũng không để hình ảnh anh xuất hiện.

Vu Khương trong ảnh trông giống một bông hoa đẹp mỏng manh tươi tắn, không quá nồng nàn ngào ngạt, nhưng ham muốn thực tế rất dồi dào. Cô đầy nữ tính, chú trọng trang điểm, yêu thích thời trang, thường xuyên đổi mốt. Phần lớn quần áo là anh mua lúc đi châu Âu, cô náo nức đem khoe trên blog, hớn hở phát cuồng vì những món đồ xa xỉ. Khánh Trường tỉ mỉ quan sát cô, nhận thấy vẻ lương thiện đơn thuần trời sinh toát ra từ nhan sắc ấy. Vu Khương không kiên cường nổi loạn như Khánh Trường, cũng không rạch ròi kiên quyết như Fiona. Cô là cô gái không tự nhận thức được bản thân, không có cá tính và khuynh hướng rõ ràng, luôn trong trạng thái ôn hòa ngoan ngoãn. Giống như bướm nghỉ ngơi chơi đùa giữa bụi hoa, yêu kiều múa lượn, vô lo vô nghĩ.

Thanh Trì bản tính mạnh mẽ, thích chi phối và lèo lái đàn bà, coi việc dìu dắt và dạy dỗ họ là lạc thú. Anh đủ khả năng làm chúa tể của cô.

Fiona nói, chúng ta không thể đưa những chuyện này vào bài phỏng vấn. Sự thật thì, ngoài em ra chị không cho ai khác xem cả. Suy đến cùng chúng mình đều muốn bảo vệ anh ta, không muốn anh ta khó xử, bởi vì anh ta đáng được yêu mến. Bất ngờ phải không, bề ngoài sáng sủa sạch sẽ, hóa ra bên trong lại ẩn chứa một tình sử rối ren bí mật như vậy.

Khánh Trường đóng trang web lại, nói, Hứa Thanh Trì cần sống với người thiếu nữ đơn thuần vui vẻ này. Nếu ở bên người phụ nữ của sự nghiệp như chị, khi lên giường còn được, chứ sống chung sẽ mệt mỏi lắm. Anh ấy đủ phức tạp và thông minh, khao khát tìm thấy ở phụ nữ sự thuần phục, công nhận, nghỉ ngơi, thư giãn, chứ không phải tạo dựng một cuộc hôn nhân mà chỉ mong đợi hay đại loại thế. Anh ấy sẽ không ràng buộc với đàn bà nữa, bởi không có thời gian, sức lực, cũng không có tâm trạng. Anh ấy đã giải quyết và sắp xếp cho cuộc sống hiện thực từ lâu rồi. Đàn ông lý trí như vậy đấy.

Lạnh lùng nói ra những lời này xong, chính bản thân cô cũng phải lấy làm ngạc nhiên. Không hiểu vì sao, khi bản chất của anh phơi ra dưới ánh ngày, cô không mảy may ghen tị, hụt hẫng hay tổn thương. Như thể người đàn ông đang bị bàn tán này chỉ một người cô không hề quen biết, không có quan hệ gì. Người đàn ông thành đạt vợ con đề huề đời sống tình cảm bí ẩn phức tạp như vậy, cô có trách nhiệm phải lãng quên sau khi phỏng vấn xong. Còn người đàn ông lưu lại dấu ấn trong tim cô là người có ánh mắt điềm tĩnh như nước, chăm chú nhìn cô ngủ trong căn phòng buông chùng bóng tối và thoảng hương hoa quế kia. Cô nhìn nhận anh, cất anh vào sâu trong những nếp gấp của trái tim. Rất tĩnh lặng, rất an toàn.

Mang theo sự tĩnh lặng và an toàn đó, Khánh Trường dấn thân vào chuyến công tác cuối cùng của mình.

Đi Chiêm Lý.

3

Do khái tính, trong chuyến phỏng vấn dài ngày lần này Khánh Trường đi một mình chứ không dẫn nhiếp ảnh theo nữa. Cũng chỉ ngồi tàu hỏa và các phương tiện giao thông đại phương, thắt lưng buộc bụng mọi chi phí. Cố gắng làm bài phỏng vấn thật chuyên sâu và toàn diện, sau đó sẽ rời khỏi cái tạp chí tư tưởng bất ổn thái độ bất minh kia. Đây chính là nhiệm vụ và quyết định cô đặt ra.

Cô thu thập tư liệu, sắp xếp công việc, vạch sẵn lộ trình, soạn danh sách người cần phỏng vấn cùng các câu hỏi liên quan, lên khung nội dung và hình ảnh, liệt kê các nhu yếu phẩm trên đường công tác. Cô sẽ đến một xã phía Nam Phúc Kiến. Lòng vòng tìm đường, vào một thị trấn trong rừng núi Sùng Sơn, lại đến một làng cổ nằm sâu dưới thung lũng. Trên bản đồ, đường vào là một nhánh dài trải mãi xuyên sâu, được người xưa mô tả là: muôn nẻo nghìn non, không sao tìm thấy. Ngày xưa thì khó đi như lên trời, nhưng bây giờ cũng rải cấp phối thuận tiện rồi.

Bao phen chiến tranh loạn lạc và thiên di trong lịch sử đã khiến thôn làng hẻo lánh nơi này trở thành chốn ẩn cư của nhiều bậc trí giả. Những người phong nhã, mặc khách tao nhân bụng đầy văn thơ văn phẩm chất thanh tân từ những nơi khác nhau tìm đến Chiêm Lý, lần vào các thôn làng nằm rải rác trong núi cao hẻm sâu, sống tách biệt với đời đến mãn kiếp. Nhờ hành trang mang theo từ cuộc sống cũ, họ góp phần cải tạo tập quán sinh hoạt, khiến cho kiến trúc và khí chất của thôn làng thay đổi. Ví như ruộng đồng thí nghiệm, ví như giữa nơi núi cao nước sâu mọc lên những công trình chở nặng niềm lưu luyến đối với phong cách và vật chất sót lại từ một thời đại phồn vinh thịnh vượng. Vì thế, ở thôn làng hẻo lánh này có thể bắt gặp kĩ thuật cầu vòm trác việt, những dấu ấn khiến người ta phải kinh ngạc cảm thán.

Mấy năm nay, kiến trúc cổ của Chiêm Lý đang rơi vào tình trạng hư hại và tiêu điều. Xưa kia giao thông trở ngại, nhưng cũng lại là bình phong che chở cho nó, giờ thì khác rồi.

Để cho thôn làng trù phú, cần phải tu sửa đường sá, dở bỏ cầu cống và nhà cửa án ngữ các vị trí địa lý quan trọng. Đó đều là những công trình được đo ni đóng giày, xây dựng cẩn thận, tính toán kĩ càng và cũng vì thế, trở thành chướng ngại không thể tránh khỏi trên con đường mở mang đổi mới. Nơi này chưa bao giờ thuộc dạng trù phú. Được cái là, nghèo thì thanh bạch thong dong. Trồng trọt đánh bắt, nhân sĩ ẩn cư, xây cầu cất nhà, tất cả đều lớp lang thứ tự, trời trong đất xa. Khi không còn giá trị quan làm điểm tựa, nghèo khó chỉ còn trần trụi là đói khát và hiểm nguy, là dã tâm và dục vọng.

Đối diện với những lợi ích vật chất sờ sờ của hiện thực và với bao di vật tổ tiên thoi thóp trong mưa gió xói lở trong cả tháng năm bào mòn, nhà cửa có thể là những tầng lầu kết cấu xi măng cốt thép mới xây dựng, cũng có thể là hệ thống tinh thần hình thành trên quan điểm thẩm mĩ và sự thấu hiểu vạn vật suốt chiều dài thời gian. Đây là lựa chọn. Người ta chọn hướng nào, phụ thuộc vào tiền đề là theo họ hướng nào có giá trị hơn. Kết quả lựa chọn là: mấy chục cây cầu vòm cổ xưa hoàn hảo của Chiêm Lý giờ chỉ còn có ba. Một số cấu trúc thôn làng truyền thống bị dở bỏ sạch sẽ. Nói cách khác, các ngôi làng ấy đã bị phá hủy hoàn toàn.

Khánh Trường trằn trọc cả đêm trên ghế cứng. Trong toa dâng lên mùi của đám đông người lạ đang ngủ. Mọt thứ khí nóng đục và nặng, toát ra từ sự thay phiên và tuần hoàn của những bộ quần áo bẩn, hành lý đầy chặt, của làn da và thân thể chưa đươc tắm rửa suốt dọc hành trình. Đây là thứ mùi cố hữu trên các phương tiện giao thông. Khiến người ta mệt mỏi ngạt thở, cũng khiến người ta thư thái thoải mái. Đây là thứ mùi quấn riết lấy số phận cô như hình với bóng.

Kể từ thời thiếu nữ, cô đã liên tục viễn hành. Vì tình yêu, vì trốn chạy, vì mưu sinh, vì công tác. Suy đến cùng có khi chỉ để giải phóng và tìm lại bản thân. Hết lần này đến lần khác cô đặt chân lên đường, đi về một nơi xa chưa từng hay biết. Cô cũng không tính đếm xem đã tới những nơi nào, giống như chưa bao giờ đếm những người đã từng xuất hiện trong đời mình vậy. Liên tục ném những thứ đã qua lại đằng sau, không ngoái đầu, không nghe ai, như thế mới có thể sải chân tiến tới, mới không bị giày vò và ràng buộc bởi những thấy vọng và chán chường nằm sâu trong máu thịt.

Để sống tiếp được, cô luôn tỉnh táo và cảnh giác.

4

Xa xa. Men theo dòng suối rộng đầy sỏi cuội và nham thạch phơi mình ra dưới ngày đông khô kiệt, cô trông tháy cây cầu vòm bằng xỗ vươn lên như cầu vồng bắc ngang qua hai đầu hẻm núi. Một kết cấu hình cung cân đối và hoàn mĩ. Một cây cầu vòm cổ xưa không còn dễ dàng gặp được. Khánh Trường xốc ba lô đi xuống lòng suối, nhảy từ hòn đá này sang hòn đá khác để tới chỗ cây cầu. Cô đã đi bộ khá lâu, giờ lại tiếp tục một mình một bước, dưới sắc trời đồng hoang ngày đông.

Xa tận chân trời mà gần ngay trước mắt. Đây là Quan Âm Các, câu cầu lâu đời nhất còn tồn tại ở làng.

Cẩm Độ là cây cầu xây vào thời Đường, vẫn tồn tại cho đến khi sập xuống vì lũ và biến mất năm năm về trước. Theo ghi chép trong thư tịch địa phương, đó là cây cầu đẹp đẽ và cổ kính nhất của lịch sử Chiêm Lý. Bây giờ chỉ có thể nhìn thấy hình dáng và kết cấu của nó trên mấy phác họa xưa cũ mà thôi. Quan Âm Các non trẻ hơn, nhưng cũng đã tồn tại đến sáu trăm năm, từng trùng tu một lần vào thời nhà Thanh. Cây cầu vòm bằng gỗ này có kết cấu cầu vồng, mỗi nhịp gồm bốn thanh rầm, tạo thành hình chữ Tinh. Lực ma sát giúp các cấu kiện khít vào nhau nên không cần đinh tán. Nguyên lý đơn giảm mà kì diệu này tạo nên sự vững chắc và cân đối. Mặt cầu dựng cột và lan can bằng gỗ mộc sơn đỏ, lại lợp ngói xanh để tránh mưa gió làm hư tổn. Cây cầu cổ kính này, cùng với núi đồi, sông ngòi, làng mạc, rừng cây xung quanh soi vào nhau, toát lên một thứ khí chất hài hòa đĩnh đạc.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.