Người đàn ông này,
mỗi lần sắp xếp hành lý công tác xong sẽ lèn thêm vào va li một cuốn
Nhiệt đới buồn của Claude Lévi-Strauss, một tác phẩm triết học của
Nietsche, hoặc một tập truyện ngắn của Borges. Đây là những thứ không
liên quan gì đến điện thoại họp hành kế hoạch khách khứa thu tiếp của
anh, nhưng anh cần chúng bầu bạn. Cho dù chỉ để mở ra vào khoảnh khắc
yên tĩnh ngắn ngủi dưới đèn đọc sách của máy bay, hay cố gắng lật giở
vài trang trên giường trước khi mệt mỏi chìm vào giấc ngủ. Có khi anh
còn mang theo mấy tập đề toán logic vui nữa.
Làm việc vất
vả, quên ngủ quên ăn, giờ giấc sinh học đảo lộn, lừa lọc dối trá, ủ mẹo
nghĩ mưu. Không chỉ có vậy, lắm lúc cuộc sống còn rơi vào tình trạng
hoang vu và ngừng trệ. Sau khi lăn lộn bôn ba trong thế giới hiện thực
vật chất, còn lại một mình, sẽ thấy bứt rứt và hẫng hụt khó tả. Anh là
con người chưa đầy mâu thuẫn. Một mặt hiếu thắng cứng cỏi, nhất định
phải phấn đầu vinh thân phì gia trên cõi đời này. Mặt khác thèm muốn và
thấu hiểu bông diên vĩ sinh trưởng nơi hoang dã trên núi cao, anh biết
nó mạnh mẽ và lặng yên, khiêm nhường mà sâu sắc. Có lẽ, đó cũng là một
đặc tính mà anh muốn tạo nên.
Họ sẽ khuất phục nhau chăng?
Trong khi cách biệt xa xôi thế này. Thoáng trông đã thấy con người anh
ẩn giấu cơ man nào là góc khuất và bóng tối phức tạp, vậy mà anh vẫn là
người đàn ông duy nhất trên đời này, trong lúc này, dễ dàng thẳng tiến
vào trái tim cô.
Không sống cùng một thành phố, không ở bên
nhau, tin nhắn và điện thoại cũng hạn chế. Cơ bản chỉ có Thanh Trì nhắn
hoặc gọi, mà Khánh Trường cũng kiếm khi đáp lại, càng chưa bao giờ bộc
lộ suy nghĩ thật. Nên cư xử với Thanh Trì của hiện thực thế nào, cô
không biết. Điều cô cần là một đôi tay thường xuyên dõi theo và giữ lấy
cô trong giấc ngủ trong rối ren trong tối tăm trong giá lạnh, ấm áp
vững vàng, đồng hành kết nối. Chỉ thế mà thôi. Nhưng đôi tay ấy xuất
hiện hết sức ngắn ngủi và rời rạc. Cô chỉ liên lạc với anh trong hồi ức. Hoàn cảnh, tình cảm và trải nghiệm của anh quá ư phức tạp. Giữa họ
cũng không có lời hứa hẹn ràng buộc nào. Cô phải tự đối mặt với cuộc
sống của mình vậy.
Điều chỉnh công việc, cân nhắc xem có nên kết hôn không. Đây đều là quyết định sát sườn. Kết hôn nghĩa là cô sẽ
thực sự cắm rễ ở Thượng Hải. Đối với họ hàng dưới Vân Hòa, quyết định ấy của cô sẽ là một niềm an ủi. Họ chỉ lo có ngày cô thất thểu trở về, lại một lần nữa chất tội nợ lên vai họ. Nhưng Khánh Trường, từ khoảnh khắc
bước chân ra đi, đã hạ quyết tâm là không bao giờ trở thành gánh nặng
cho bất kì ai. Cho dù đói khát lang thang, cho dù chết rạc đầu đường xó
chợ. Nếu muốn tiếp tục tồn tại thì chỉ còn cách phấn chấn lên, đương đầu với cuộc đời, gồng mình tiến bước.
Trong dịp tết, có sáu
ngày ở chung nhằm thắt chặt mối quan hệ với gia đình chồng tương lai.
Cha mẹ anh bảo ra Giêng họ tự chọn lấy một ngày mà cưới. Định Sơn không
yêu cầu gì ở Khánh Trường, mong muốn duy nhất là khi đến Nam Kinh cô giữ gìn được không khí êm ấm với mọi người trong nhà. Êm ấm tức là khách
sáo lịch thiệp khi gặp nhau, là khéo léo xoay xở được trong mọi tình
huống, vì không phải lúc nào anh cũng ở bên cô mà bao quát được. Nhưng
thực tế Khánh Trường còn vượt quá mong ước của anh. Cô đã xem nhẹ những
chuyện đó từ rất lâu rồi. Nói cách khác, lòng cô không bận tâm tới bất
cứ ai không liên quan, chẳng bao giờ so đo xét nét trong đối nhân xử
thế, không hi vọng, cũn không thất vọng.
Cô kể cho Định Sơn
nghe về cuộc hôn nhân trước với Nhất Đồng. Không định bộc bạch nỗi niềm
sâu kín, chỉ cho anh biết có một quá khứ như vậy thôi. Đây là thái độ
thành thực cần thiết. Là dấu ấn khắc sâu của một thanh xuân nổi loạn,
cũng là sự tự ghi nhận về lịch sử cá nhân. Cô tha thứ cho thất bại của
mình, cũng quyết định sẽ lãng quên chuyện cũ. Đồng thời vẫn luôn cảm
kích vì lời ưng thuận của Nhất Đồng, anh đã mang lại cho đời cô một khởi đầu mới.
Định Sơn không hề tỏ ra thất vọng. Anh nói, chuyện như
vậy, anh cũng không lấy làm lạ. Người như em đây, cá tính và trải nghiệm tự khác có chỗ ly kì, anh đã chuẩn bị tinh thần từ lâu rồi. Nhưng anh
không định cho cha mẹ biết, vì cũng chẳng ích lợi gì cho chúng ta. Người đàn ông đôn hậu cần cù này hóa ra còn có điểm tốt khác. Dù không mảy
may hay biết về thế giới của cô, cũng không có nghĩa là anh né tránh
gánh vác. Thực tế thì không phải bất cứ người đàn ông bình thường nào
cũng đủ sức giữ cô bên mình. Bởi sẽ luôn phải chịu ít nhiều trách nhiệm. Bất kể Nhất Đồng trước đây hay Định Sơn hiện tại, đều đã trả giá vì cô.
Họ đến trung tâm thương mại chọn đồ trang sức, anh muốn mua cho cô một
chiếc nhẫn kim cương. Cô nhớ tới chiếc nhẫn Tiffany trên tay Vu Khương,
kiểu dáng sang trọng, trông là biết giá trị phi phàm. Chiếc nhẫn cưới
trên ngón vô danh của Thanh Trì chỉ là nhẫn bạch kim đơn giản, cùng cặp
với Phùng Ân Kiện, không trang trí, hết sức mộc mạc, nhưng là chiếc nhẫn anh đeo vào sau khi tốt nghiệp đại học, và đã bằng lòng đeo nó suốt
mười bốn năm qua. Đối với một người đàn ông, cái gì là bản chất, cái gì
là hình thức, đều trắng đen rõ ràng, chưa bao giờ nhầm lẫn. Cô xem xét
rất lâu, không quyết định được nên lấy chiếc nào. Cảm thấy đắt quá, mua
về không khỏi cho vào ngăn kéo khóa kĩ. Cô không thuộc típ phụ nữ đeo
một chiếc nhẫn kim cương lấp lánh sáng trên ngón tay. Cô chỉ là người
quyết định kết hôn thôi.
Cô nói với Định Sơn, anh tự chọn là được. Vừa hay Định Sơn sắp đi Hồng Kông công tác một tháng. Anh nói sang đó sẽ xem xem.
Cô mua một chiếc váy liền bằng lụa trắng, viền thêu, đính hạt trai và ren
trắng móc thủ công. Cảm thấy nó đẹp, giống như trang phục chuẩn bị cho
một nghi thức long trọng. Thêm một bó hoa nhỏ cầm tay trắng muốt thơm
ngát, dành dành hoặc nhài phối với cành lá xanh là đủ rồi. Mặc xong, cất vào tủ áo, sau này cho con. So với chiếc váy cưới đi thuê lộng lẫy
nhưng bị phơi trải trưng trổ khắp mọi nơi, thì cô coi trọng cảm giác tự
công nhận này hơn. Bình thường Khánh Trường không mặc các trang phục
điệu đà. Cô không có váy dạ hội, cũng không tham gia bất cứ tiệc rượu
hay party nào.
Bị mẹ ruồng bỏ từ năm sáu tuổi. Cuộc sống ở
thị xã hạng hai rất sơ sài, họ chẳng qua là những người bình thường, cô
cũng không được thừa kế tấm áo cưới hoa lệ xưa cũ nào do mẹ cẩn thận để
dành. Đối với các cô gái, áo cưới gia truyền vốn dĩ là món quà quý giá
xa xỉ vô cùng, nhưng Khánh Trường biết, những thứ thiếu vắng trong cuộc
sống của cô, không thuộc loại một tấm áo là có thể lột tả hết được.
Kể từ thời thơ ấu, cô đã luôn thuyết phục bản thân kháng cự với bần cùng.
Bần cùng về vật chất, bần cùng về tình cảm, bần cùng về tinh thần, bần
cùng về niềm tin. Một hiện thực có muôn mối bần cùng không trốn tránh
vào đâu được. Cố gắng hết sức chống lại, thử nghiệm những khả năng và
hướng đi khiến mình dần dần trở nên đầy đủ và độc lập. Cho dù hành trình ấy chông gai, phiêu bạt trắc trở. Nhưng số mệnh của cô là thế, luôn
luôn kháng cự một cái gì đấy.
Lấy chồng, với cô, chỉ làm đến bước đăng kí kết hôn là cùng. Những thủ tục khác đều không cần thiết.
Trước đây do không có điều kiện, cuộc hôn nhân với Nhất Đồng trẻ tuổi
nghèo túng đã được tiến hành cấp tập vội vàng. Lần này, lại chính là cô
không có lòng dạ nào mà tổ chức linh đình náo nhiệt. Kết hôn không phải
là biểu diễn, không cần thưa gửi hay giải thích với bên ngoài. Cưới xin
là chuyện riêng của cô và Định Sơn. Cô quả thật muốn tránh né con đường
tình yêu gian nan gập ghềnh, muốn được yên ổn và nghỉ ngơi. Dù chỉ trong chốc lát.
Vì vậy, Thanh Trì, em phải lấy chồng thôi. Cuối cùng, qua điện thoại, cô báo cho anh quyết định của mình.
Anh ở Vancouver, sắp trở về Bắc Kinh. Im lặng hồi lâu rồi nói, anh không
đồng ý, Khánh Trường. Chí ít em cũng phải đợi anh trở về. Anh sẽ lập tức bay đến Thượng Hải gặp em. Chúng ta bàn bạc cho kĩ.