Xuyên Đến Nữ Tôn Quốc

Chương 215



Hiểu Linh có chút sững người dừng lại khi thấy trên nhà trên đông hơn cô nghĩ. Ngoại trừ Phan Viện, Thanh Ngọc cùng Giang Điền còn có 7 vị khác. Nhìn phong thái ấy có lẽ họ là các học giả và sư phụ giảng dạy ở trong thư viện này. Hiểu Linh mỉm cười nhớ tới những cuộc họp ngày xưa thường hay phải tham gia với đủ các ban bệ, lần này cũng chẳng khác bao nhiêu.

Hít một hơi lấy lại bình tĩnh cô nở một nụ cười tự tin bước vào. Hiểu Linh chắp tay vái chào rồi cất lời:

- Học trò Hiểu Linh có lời chào các vị học giả, các vị sư phụ.

Mọi người trong nhà đang nhỏ tiếng đàm luận, nghe thấy tiếng chào thì đồng loạt nhìn ra cửa. Chắc hẳn mọi người đều biết người tới là ai nên Hiểu Linh ngay lập tức cảm nhận thấy những ánh mắt ngờ vực chiếu thẳng tới.

- Hiểu Linh vào nhà đi, chúng ta đều đang đợi con.

Chờ Hiếu Linh bước đến bên cạnh mình, Phan Sư Khương lúc này mới chỉ về phía những đồng hữu mà nói:

- Đây là những bằng hữu đã cùng ta giảng dạy ở cái thư viện này mấy chục năm trời. Hôm trước ta có nói với họ về việc con muốn thay đổi cải cách lại thư viện Lam Kinh nên họ có chút không an tâm, muốn tới nghe con trình bày kế hoạch của mình.

Hiểu Linh quay người về phía các vị học giả vái tạ một cái thật sâu. Cô cầm lấy tập bản thảo từ tay Phan Nhân, trịnh trọng đưa cho Phan Viện trưởng nói:

- Thưa viện trưởng, đây là bản kế hoạch chi tiết mà con đã soạn ra. Con không biết sẽ có mọi người tham gia nên chỉ sao chép duy nhất một bản để đưa cho ngài. Viện trưởng cầm để sau đó có thể nghiên cứu kỹ hơn còn bây giờ con xin phép được khái quát lại kế hoạch của mình.

Bóng lưng thẳng tắp cùng ánh mắt và nụ cười đầy tự tin của Hiểu Linh khiến những người ngồi trong thư phòng lúc này có chút ngạc nhiên. Phong thái này dường như không hề phù hợp với một nữ nhân chỉ mới 17 tuổi lại xuất thân từ nơi thôn dã. Mọi ánh mắt lúc này đều đổ dồn vào con người ấy.

Hiểu Linh khẽ mỉm cười rồi thong thả bắt đầu trình bày:

- Việc cải tạo Lam Kinh thư viện theo học trò sẽ gồm hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất đó chính là cải tạo lại cơ sở vật chất, nơi ăn chốn ở cho học sinh. Các vị học giả đã được ở tiểu viện riêng, có người hầu hạ, không có gì đáng nói. Nhưng cuộc sống sinh hoạt chung của các vị học sinh trọ học nơi này thì thật sự cần phải cải tạo lại.

Một vị sư phụ nhíu mày phản bác:

- Tao thấy học trò ở đây cuộc sống vốn không tệ. Đương nhiên không thể so được như ở nhà nhưng nó cũng là một cách để bọn hắn rèn luyện ý chí. Ngươi tính cải tạo thế nào đây. Hay ngươi định thêm cho bọn hắn người hầu kẻ hạ. Nhưng như thế học phí sẽ không hề rẻ đâu. Những học sinh nghèo sẽ không thể theo học tại Lam Kinh được nữa.

Hiếu Linh khẽ mỉm cười đáp:

- Học trò không có ý định tăng thêm người hầu kẻ hạ cho bọn họ chỉ là muốn cải thiện lại nơi sống khiến cho nó vệ sinh sạch sẽ hơn. Hẳn là nơi này không có ít các vị học trò bị những bệnh ngoài da như ghẻ lở hắc lào đi?

Một vị học giả biết chút y thuật, thường xem những bệnh lặt vặt cho học sinh trong trường khi nghe Hiểu Linh nói chuyện thì có chút ngạc nhiên hỏi lại:

- Sao người có thể biết được chuyện này?

Hiểu Linh đáp:

- Chỉ cần nhìn vào cách giường chiếu chăn màn được sắp xếp trong các phòng trọ thì học trò có thể biết chắc không ít người bị những căn bệnh như vậy thậm chí cả phòng đều bị. Chính vì thế học trò định cải tạo cách đặt giường bây giờ thành những chiếc giường tầng. Một phòng tám người sẽ có 4 giường tầng. Một giường tầng sẽ dành cho hai người. Như vậy bọn họ vừa có thể có chỗ nằm không chung đụng với ai lại có không gian riêng tư cho chính mình. Đây là một chiếc mô hình giường tầng thu nhỏ mà học trò đã nhờ thợ mộc tạo ra để mọi người dễ hình dung hơn.

Vừa nói Hiểu Linh vừa cầm ra một mô hình giường tầng chỉ lớn hơn hai bàn tay chút xíu đưa cho Phan viện xem. Thứ này là cô nhờ Trần Ngũ Nương tạo ra sau một hồi khoa tay múa chân miêu tả. Cũng thật may Ngũ Nương thím đã quen với những ý tưởng kỳ lạ của Hiếu Linh nên rất nhanh có thể biết được cô muốn làm gì với chúng. Mô hình giường truyền từ tay Phan viện tới các vị học giả rồi cuối cùng dừng lại trên tay Phan Ngọc. Nàng ta thích thú ngắm nghía chiếc giường hồi lâu rồi hỏi:

- Thứ này thật sự có thể ngăn cản những căn bệnh da liễu mà học sinh thường mắc phải sao?

Hiểu Linh gật đầu xác nhận:

- Mấy thứ bệnh da liễu đó thường lây lan qua những người có tiếp xúc gần nhau, cùng chung chăn chiếu. Khi mắc bệnh hẳn là các lương y đều yêu cầu bọn họ về giặt giũ chăn màn phơi phóng cẩn thận. Chiếc giường này giúp cho học trò không nằm gần nhau thì đương nhiên căn bệnh đó cũng sẽ giảm thiểu đi nhiều. Ta không nói có thể diệt trừ hoàn toàn nhưng ít nhất có thể ngăn sự lan rộng của chúng.

Hiểu Linh tiếp tục lấy ra một hệ thống bàn ăn giữ ấm.

- Tiếp đến học trò muốn thay đổi về nơi ăn uống của học sinh. Nhà bếp hiện tại đặt khá xa sảnh ăn chính khiến cho mỗi món ăn khi mang lên đều không còn nóng hổi. Học sinh đến nhà ăn muộn thì mọi thứ gần như đã nguội ngắt đặc biệt là trong mùa đông xuân tiết trời vẫn còn lạnh giá này. Nên nhà bếp theo học trò sẽ được chuyển đến ngay phía sau sảnh ăn chính và với chiếc bàn giữ ấm này học sinh có thể ăn thức ăn nóng sốt mọi lúc.

Hiểu Linh tiếp tục giảng giải thêm cho mọi người về kế hoạch của mình trong việc quy hoạch lại nơi vệ sinh tắm giặt hàng ngày. Cô vận dụng những kinh nghiệm trong cuộc sống ở ký túc xá ngày trước cũng như mô hình áp dụng trong quân đội mà cô biết để tạo nên một phương án hợp lý nhất cho nơi này. Dần dà những người trong thư phòng hỏi cô mỗi lúc một nhiều về những vấn đề họ không rõ. Không khí cũng trở nên thoải mái hơn rất nhiều lúc mới bắt đầu. Ngay cả người như Thanh Ngọc trước đây từng trọ học cũng không giấu được sự hào hứng với những kế hoạch thay đổi cách sống của cô tại thư viện này.

Đột nhiên một vị học giả hỏi:

- Đây là toàn bộ những cải cách mà Phạm cô nương muốn áp dụng cho Lam Kinh thư viện sao.

Hiểu Linh khẽ lắc đầu:

- Dạ không phải. Đây chỉ mới là giai đoạn 1 còn giai đoạn 2 học trò muốn chính là cải cách lại chương trình học nơi này. Và điều đó cần sự giúp sức của tất cả các vị học giả ở đây.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.