Điền trang của Mai Cẩm nằm ở trong Ngô trang bên ngoài cổng phía tây của huyện Mã Bình, ra khỏi huyện thành đi bảy tám dặm là đến, bên cạnh có một con sông nhỏ. Ban đầu nó là một nơi ở nông thôn do một người đàn ông địa phương làm quan bên ngoài chuẩn bị cho mình về quê dưỡng già sau này, không ngờ thôn trang tu sửa xong nhưng lại không có phúc để ở, mấy năm trước đã phạm tội gia sản bị tịch thu, thôn trang này đã bị sung công. Sau mấy năm để không, vào năm ngoái nó đã chuyển sang tên mang danh nghĩa Mai Cẩm và hiện giờ nó trở thành nơi ở của cô.
Bởi vì mục đích ban đầu của việc xây dựng thôn trang này là để nghỉ hưu dưỡng lão, cho nên nó không bừa bộn như trang trại của người dân quê bình thường, diện tích tuy không quá lớn nhưng cũng có diện tích hàng chục mẫu và được trang bị đầy đủ các cơ sở vật chất cần thiết. Bước vào cổng là một con đường lát đá cuội với hàng trúc hai bên, quanh co đi thẳng vào nhà chính. Ngôi nhà chính là ngôi nhà có tường trắng và gạch đen, vườn rau bên trái, vườn hoa bên phải, sau nhà đào một cái ao lớn, dẫn nước vào thì có thể trồng rễ sen trong ao để mùa hè thưởng hoa và mùa thu đông thu hoạch ngó sen. Mở cửa sau là dòng sông nhỏ, bên bờ có rặng liễu rủ, hai bên bờ con sông nhỏ có năm ba nhà nông, ban ngày cũng rất yên tĩnh, thỉnh thoảng có tiếng gà gáy và tiếng chó sủa từ các nông trại gần đó.
Nơi này đã bị bỏ trống vài năm và đã xuống cấp. Sau đó chuyển sang danh nghĩa Mai Cẩm nhưng cô lại chưa từng sống ở đó. Lý Đại người mà Lý Đông Đình đã giao cho cô rất có năng lực, đã cải tạo nó từ trong ra ngoài. Bây giờ cô đã chuyển đến, Mai Cẩm rất yêu thích nơi này, ngày hôm nay rảnh rỗi không có việc gì làm, cô nghĩ đến việc thiết kế một cái giàn gì đó ở khoảng không gian thoáng đãng phía sau nhà và sẽ trồng nho, vào mùa hè khi mà giàn nho đã bò phủ khắp giàn nho, cô sẽ đặt một cái ghế nằm ở bên dưới, pha một ấm trà Hồ, cuộc đời còn có gì tiếc nuối?
Cô nói ý tưởng này cho A Phượng. Cô gái nhỏ này còn hăng hái muốn làm hơn cả cô, hào hứng đi gặp Lý Đại xin cây trúc. Lý Đại thấy nữ chủ nhân hứng thú như thế liền đồng ý, ngay sau đó đã mang một đống cây trúc tới. Mai Cẩm không cần anh ta giúp, cô cùng với A Phượng và A Bảo cùng nhau dựng giàn nho. Khi đang bận rộn, bên ngoài cửa lớn có người gõ cửa, A Bảo đi ra mở cửa sau đó quay lại nói có người tới xin khám bệnh.
Nghe nói là tới khám bệnh, Mai Cẩm đi rửa tay và đi ra tiền đường, nhìn thấy người tới khám bệnh là một phụ nữ trung niên. Mai Cẩm biết người phụ nữ này, bà ta là người Tiêu gia sống tại phía Bắc huyện thành, trong nhà mở phường đậu phụ, bản thân là quả phụ, không có con trai nên được thừa kế một đứa con trai trong tông tộc. Con dâu bà ta là Lưu thị, hơn hai mươi tuổi, mi mảnh mắt sáng, gặp người khác là đỏ mặt, được người khác gọi là Tây Thi Đậu Phụ.
Trước khi Mai Cẩm đi Tứ Xuyên thì cô ấy có thai, Tiêu quả phụ đã đưa Lưu thị tới khám một lần và uống đơn thuốc an thai do Mai Cẩm kê. Bây giờ chắc là cái thai đã được năm sáu tháng. Chỉ là con trai riêng của Tiêu quả phụ ham mê đánh bạc, tháng trước bởi vì nợ cờ bạc và làm người khác bị thương do tranh chấp cờ bạc, sợ phạm tội mà đã chạy trốn, bây giờ không biết đã trốn đi đâu, trong nhà chỉ còn lại có Tiêu quả phụ và con dâu Lưu thị.
Tiêu quả phụ thuê một chiếc xe la tới đây, thấy Mai Cẩm đi ra thì vồn vã chào hỏi, nói con dâu mình đột nhiên đau bụng, cầu xin Mai Cẩm về nhà mình khám cho con dâu mình. Lúc nói chuyện nét mặt bà ta lộ rõ sự lo lắng bồn chồn, lại than thở số mệnh mình không tốt, vốn dĩ nghĩ sẽ nhờ cậy vào đứa con riêng này mà an phận dưỡng già, không ngờ hắn lại là tên khốn kiếp, làm hại cả nhà không dám mở cửa hàng đậu phụ, cứ nghe có tiếng gõ cửa lại hoảng sợ, chỉ sợ đám cờ bạc kia đến nhà đòi tiền.
Mai Cẩm vừa nghe nói con dâu bà ta có chuyện lập tức đồng ý ngay. Cô cầm theo hòm thuốc, dẫn theo A Phượng cùng đi, hai người đi lên xe la của Tiêu quả phụ đi vào huyện thành đi tới Tiêu gia.
Cửa hàng đậu phụ của Tiêu gia vẫn luôn đóng chặt, con dâu Lưu thị ôm bụng dựa vào đầu giường. Khi Tiêu quả phụ đi mời lang trung, cách nói chuyện làm Mai Cẩm tưởng rằng tình huống rất nghiêm trọng, nhưng nom dáng vẻ của Lưu thị thì dường như cũng không đáng lo ngại. Cô cẩn thận kiểm tra, cũng không thấy có vấn đề gì bất thường. Cô hỏi kỹ Lưu thị, Lưu thị nhẹ nhàng nói mình vừa đi vệ sinh, lúc về bụng đã đỡ hơn nhiều, có lẽ trưa mình đã ăn phải thứ gì đó không tốt.
Mai Cẩm thấy sắc mặt cô ấy bình thường, có lẽ là người ta sợ bóng sợ gió mà thôi. Cô kê đơn thuốc dưỡng dạ dày và ruột, dặn Lưu thị chú ý đến chế độ ăn uống trong thời gian mang thai. Khi đứng lên chuẩn bị rời đi, Tiêu quả phụ sực nhớ ra gì đó, nói mình có quen một người bạn già khi đi bố thí ở am ni cô, gần đây người đó luôn phàn nàn trong người rất không khỏe, không lâu trước đó lúc Mai Cẩm không ở đây, bà ta có đi Hồi Xuân Đường để khám nhưng không khám ra bệnh gì, nhân hôm nay Mai Cẩm ở đây, muốn nhờ cô đi khám cho bạn mình.
Mai Cẩm hỏi địa chỉ người phụ nữ kia. Tiêu quả phụ nói:
– Thời tiết đang nóng bức, cháu chịu đi đường xa đến khám cho con dâu ta, thật sự là Bồ Tát sống, ta nào mặt dày để cháu đi đến chỗ người bạn già của ta chứ. Hôm nay không biết bà ấy ở nhà hay ở trong am nữa. Cháu cứ ở lại nhà ta chờ một chút, để ta chạy đi xem thế nào. Nếu bà ấy ở nhà, ta sẽ đưa bà ấy tới đây để cháu khám xem thế nào.
Nói xong quay qua kêu con dâu Lưu thị pha trà và dâng điểm tâm mời Mai Cẩm, mình thì vội vã ra ngoài.
Mai Cẩm thấy Tiêu quả phụ đã đi rồi, cô và A Phượng ở lại chờ đợi. Lưu thị không nghe lời cản của Mai Cẩm, đi vào nhà bếp bưng một ấm trà và một đĩa bánh ngọt ra nói:
– Nhà tỷ cũng không có trà ngon, đây là trà vân vụ năm ngoái có người tặng, nhà tỷ vẫn không nỡ dùng, mời Mai nương tử nếm thử ạ. Bánh ngọt này là do tỷ làm, muội nếm thử xem, đừng chê tay nghề của tỷ nhé.
Khi Lưu thị đi vào bếp, Mai Cẩm có quan sát nhà ở, thấy đồ đạc trong nhà màn mùng đều đã rất cũ, nhưng trên bàn trang điểm bày có một chiếc gương sáng loáng, bên cạnh nó là bộ tạo tóc mới mua và một hộp phấn trang điểm mới, nhớ tới y phục trên người Lưu thị cũng có vẻ mới, có chút không cân xứng với căn nhà xiêu vẹo tồi tàn này. Cô chỉ nghĩ rằng phụ nữ đương nhiên quan tâm đến ngoại hình của mình và việc ăn mặc là bản chất của con người, cũng không có gì kỳ lạ. Khi cô ấy đi ra, nói chuyện nhỏ nhẹ, cúi đầu nhìn xuống đất, dường như không dám nhìn vào mình, cô cho rằng cô ấy rụt rè ngại ngùng nên nhận ấm trà và bánh ngọt, nói cảm ơn cô ấy.
Khi Mai Cẩm và A Phượng ra ngoài thì đã gần trưa. A Phượng đang đói, thấy Lưu thị bưng trà và bánh ngọt ra thì cảm ơn, cũng không khách sáo cầm lên ăn.
Mai Cẩm không đói lắm và cô cũng không quen ăn đồ ăn vặt khi đến nhà người khác khám chữa bệnh. Có điều thấy Lưu thị chăm chú nhìn mình, nếu mình không nếm thử có vẻ không lịch sự với người ta, cô bẻ nửa miếng bánh nếm thử, thấy quá ngọt nên nuốt xuống rồi thì không ăn nữa, mỉm cười cảm ơn cô ấy và chỉ uống một nửa tách trà.
Lưu thị ngồi vào một góc, lấy kim chỉ ra bắt đầu khâu vá, thỉnh thoảng ngẩng lên nhìn một cái.
……
– Ôi, buồn ngủ quá…
A Phượng ăn no uống đủ ngáp một cái, dụi dụi mắt, dáng vẻ rất buồn ngủ.
Mai Cẩm cũng thấy mí mắt bắt đầu dính vào nhau, cũng có cảm giác rất buồn ngủ. Cô nhìn A Phượng hai mắt sắp dính vào nhau, nghĩ đến Tiêu quả phụ đã ra ngoài hơn nửa canh giờ liền hỏi Lưu thị lộ trình đến hộ gia đình kia.
Lưu thị mài cây kim lên tóc, nhỏ nhẹ nói:
– Nhà đại nương kia cách nhà tỷ ba bốn con phố, hay là Mai nương tử chờ một lát, mẹ của tỷ chắc là sắp về rồi đó. Muội uống trà hết chưa để tỷ rót thêm cho muội.
Nói xong đỡ bụng đứng lên, Mai Cẩm vội đứng lên kêu cô ta ngồi yên.
Lưu thị đặt kim chỉ xuống, đứng lên nói:
– Thế thì để tỷ đi xem thế nào. Muội ngồi đi, tỷ đi ra ngoài xem mẹ đã sắp về chưa.
Nói xong chậm chạp bước qua sân sau chứa đầy thùng nước làm đậu phụ, mở cửa bước ra ngoài.
Mai Cẩm nhìn theo cô ấy rời đi, đầu óc cô thoáng choáng váng, cô xoa xoa trán, quay lại nhìn A Phượng, thấy cô gái nhỏ thế mà đã nằm vào ghế, miệng há ra ngủ rất say.
Mai Cẩm đi qua đẩy A Phượng, gọi tên cô gái nhỏ, nhưng cô gái vẫn ngủ say sưa. Cô thấy đầu mình càng choáng hơn, quay mặt lại, ánh mắt rơi vào bánh ngọt và ấm trà còn lại trên bàn, trong lòng đột nhiên có cảm giác có gì đó không ổn.
A Phượng dù buồn ngủ đến đâu cũng không thể ngủ như thế này trong nhà người khác, huống chi cô cũng vô duyên vô cớ xuất hiện cảm giác buồn ngủ giống như thế…
Mai Cẩm biết có điều gì đó không ổn, cô cố gắng gượng muốn ra ngoài để gọi ai đó, chưa đi được hai bước chân mềm nhũn đổ người xuống và mất đi ý thức.
……
Một chiếc xe ngựa dừng ở giao lộ bên ngoài cổng lớn tòa thôn trang trong Ngô trang ngoài huyện Mã Bình, Lý Đông Đình xuống ngựa, ôm A Lộc xuống khỏi xe, Hà Cô đi theo cũng xuống ngựa.
Lý Đông Đình ra hiệu cho A Lộc đi theo mình về phía trước vài bước, dừng lại cách Hà Cô một khoảng, ngồi xổm xuống thấp giọng nói:
– A Lộc, phụ thân không vào đâu mà quay về Long Thành luôn. Lát con và Hà Cô đi vào nếu gặp tỷ tỷ thì nói mình nhớ tỷ ấy nên mới tới. Nếu tỷ ấy giữ con lại thì tối nay con cứ ở lại đó. Ngày mai con lại mời tỷ ấy tới biệt trang của chúng ta ở vài ngày giải sầu. Còn nữa, dạo này tỷ ấy đang có chuyện phiền lòng, con phải dỗ dành cho tỷ ấy vui lên, đừng làm tỷ ấy phiền thêm, có biết không?
Từ năm ngoái A Lộc vẫn luôn bị Lý Đông Đình ép vào khuôn khổ, phu tử rất nghiêm khắc, quản lý chặt chẽ. Hai tháng qua Lý Đông Lâm lại bị phái tới nơi khác làm việc, chỉ còn lại một mình A Lộc ở trong Thổ tư phủ buồn đến mốc meo cả người. Ngày hôm qua tự nhiên cô bé được phụ thân thông báo ngày hôm nay sẽ đưa mình tới huyện Mã Bình thăm Mai Cẩm. Giống như phạm nhân được phóng thích ra khỏi nhà tù, A Lộc mừng như điên, lúc này lại nghe phụ thân không yên tâm dặn dò mình, cô bé gật đầu liên hồi, tiến tới nói bên tai chàng:
– Phụ thân cứ yên tâm ạ, những lời cha dặn con đều nhớ kỹ. Ngày mai con sẽ nhất định mời được Mai tỷ tỷ đi tới biệt viện nhà chúng ta. Cha yên tâm đi ạ.
– Ở càng lâu càng tốt, tốt nhất là ở luôn tại nhà mình đừng có đi về nữa! – A Lộc tự lẩm bẩm.
……
Ngày hôm qua Lâm huyện lệnh đi rồi, tâm tình Lý Đông Đình chập chùng lên xuống, cứ mãi nghĩ đến Mai Cẩm. Cuối cùng chàng đã nghĩ ra một biện pháp, cho nên mới có chuyện hôm nay đích thân chàng đưa A Lộc tới đây, kêu A Lộc nghĩ cách đưa Mai Cẩm đến ở vài ngày trong biệt viện thuộc sở hữu của Lý thị ở ngoại ô Long Thành để tránh cho cô tiếp tục ở lại huyện Mã Bình chịu đựng những lời bình luận không hay ho. Thấy con gái đồng ý với mình, cũng biết cô bé rất thông minh, chàng thở phào một hơi, nói với Hà Cô:
– Ta giao A Lộc cho ngươi. Ta đi trước.
Hà Cô nắm lấy tay A Lộc, nói:
– Đại gia yên tâm đi ạ. Tôi sẽ chăm nom A Lộc cẩn thận ạ.
Lý Đông Đình gật đầu, quay đầu lại nhìn tòa thôn trang kia rồi trèo lên ngựa, đang chuẩn bị quay về Long Thành thì nhìn thấy đối diện có một nha đầu hốt hoảng chạy tới, chàng nhận ra đó là người đi theo Mai Cẩm đến Miêu trại đỡ đẻ vào mấy tháng trước.
Nha đầu này chính là A Phượng, hiện cô gái nhỏ đang gấp gáp chạy về thôn trang, đột nhiên trông thấy một chiếc xe ngựa dừng ở giao lộ, bên cạnh là một người đàn ông cưỡi ngựa, cô nhận ra đó là Thổ ty Lý Đông Đình, vội vàng chạy tới bái kiến.
Lý Đông Đình thấy cô gái nhỏ mang theo hòm thuốc của Mai Cẩm liền hỏi.
A Phương kể lại chuyện buổi sáng Mai Cẩm được Tiêu quả phụ mời đi khám bệnh cho con dâu, cuối cùng nói:
– Cháu đang mơ màng ngủ thì bị đánh thức, không thấy Mai nương tử đâu cả. Tiêu quả phụ nói tỷ ấy đã đi về trước rồi, kêu cháu dậy thì tự về. Cháu thấy hòm thuốc của tỷ ấy còn đó liền mang theo về. Đại nhân tới tìm Mai nương tử ạ, vậy để cháu vào gọi tỷ ấy!
Lúc A Phượng nói, nét mặt Lý Đông Đình đã lộ rõ vẻ nghiêm trọng, nghe xong lập tức bảo cô gái nhỏ vào trong thôn trang xem Mai Cẩm có về hay chưa.
A Phượng đáp vâng rồi chạy vút vào trong, bóng dáng biến mất ở trong cửa, không tới một lát đã thấy cô gái nhỏ lao vút ra hô to:
– Lý đại nhân ơi, A Bảo nói Mai nương tử chưa về ạ! Lạ thật, tỷ ấy đi đâu thế nhỉ?
– Hà Cô, ngươi mang A Lộc vào trong thôn trang chờ trước đi đã.
Lý Đông Đình dặn dò Hà Cô xong rồi quay sang A Phượng:
– Phường đậu phụ kia ở đâu, lập tức dẫn ta đi tới đó.
A Phượng còn đang ngơ ngác không hiểu gì, thấy nét mặt Lý Đông Đình nghiêm khắc, cùng với dáng vẻ trò chuyện vui vẻ khi ở Miêu trại đêm đó như hai người khác nhau, cô gái nhỏ sợ hãi, vội gật đầu.