Cố Thi Âm tiễn đám nhỏ khỏi lớp, xoay người đóng cửa phòng học. Trong đầu cô nàng suy nghĩ ngổn ngang.
Từ ngày bắt đầu dạy học với Bích Mặc tiên sinh đến nay đã hơn nửa tháng trôi qua, thế nhưng xem chừng Nguyễn Đông Thanh vẫn chưa yên tâm giao đám trẻ vào tay cô nàng. Cứ nhìn vào việc tiên sinh vẫn đều đặn đến dự giờ tiết của nàng ta là rõ!
Kỳ thực, nếu không phải Cố Thi Âm “biết rõ” Bích Mặc tiên sinh là một tồn tại sâu không lường được, có khi sẽ nghĩ gã đến lớp với tư cách là một học sinh. Ngày nào nàng ta có tiết dạy cũng thấy Nguyễn Đông Thanh ngồi cuối lớp, trên bàn đặt một cuốn vở, cả giờ ghi chép rất cẩn thận, nhưng lại tuyệt nhiên không ngắt lời giảng hay nhận xét gì về cách dạy của “Cố Văn”. Cô nàng cũng mấy lần định hết tiết sẽ hỏi xem tiên sinh có gì góp ý hay không hài lòng, thậm chí muốn nhòm một cái xem Nguyễn Đông Thanh viết những gì trong cuốn vở ấy. Nhưng mỗi lần mon men được tới gần, thì gã đều gập vở rất nhanh, rõ ràng không muốn cho nàng ta biết nội dung của các ghi chép. Mà cuối mỗi tiết, hắn cũng là kẻ lỉnh đi còn nhanh hơn cả học sinh đầu tiên chạy được ra khỏi lớp.
Được cái, hắn đến dự giờ đều đặn, nên Cố Thi Âm cũng có cớ đến dự lại tiết của Nguyễn Đông Thanh, cũng thu lại được một chút lợi ích. Bài học của tiên sinh hoàn toàn không cứng nhắc, mà rất sống động, như những câu chuyện kể. Mà những kiến giải của tiên sinh thì cũng rất mới lạ, hấp dẫn. Chỉ tiếc mỗi một cái là cứ hết giờ dạy thì tiên sinh cũng tông cửa chạy nhanh hơn cả thỏ. Thành thử, ngày nào cũng là Cố Thi Âm đóng cửa lớp học, chả kịp hỏi hắn câu nào.
Có lần nàng ta đánh bạo đến cổ viện bái phỏng để dò hỏi. Hôm đó, Nguyễn Đông Thanh mời cơm “Cố Văn” đàng hoàng tử tế, nhưng lại viện cớ ngoài giờ học, không nói chuyện công việc, chỉ ậm ừ cho qua chuyện.
Sau lần ấy, Cố Thi Âm đi đến kết luận, hẳn là Bích Mặc tiên sinh còn đang thử lòng mình nên mới hành xử như vậy. Thành thử, tuy nóng lòng, nhưng nàng ta cũng không dám có thái độ gì, sợ làm phật ý tiên sinh. Thế là từ bấy đến nay, điều khiến cô nàng đau đầu nhất chính là làm sao lấy được lòng tin của Nguyễn Đông Thanh.
Tất nhiên, điều mà Cố Thi Âm nghĩ “không thể nào xảy ra” lại chính là sự thật. Nguyễn Đông Thanh chính đang mượn cớ “dự giờ” để “đến lớp với tư cách học sinh”. Nếu xét về kỹ năng dạy học thì quả thực Hồng Vân xách dép chạy theo không kịp được “Cố Văn”. Lại nói, sau khi dạy cho hắn mấy bộ chữ cơ bản thì nàng ta cũng quẳng sách cho hắn tự học là chính. Thành thử, khi gặp được một ông đồ “hàng thật giá thật”, lại còn dạy dễ hiểu như vậy, thì Nguyễn Đông Thanh liền chớp thời cơ đi lấp lỗ hổng kiến thức của bản thân ngay. Mà toàn bộ những hành động khiến Cố Thi Âm cho rằng hắn đang thử lòng cô nàng hoàn toàn chỉ là Bích Mặc tiên sinh đang che giấu việc bản thân không biết chữ mà thôi.
Trong khi Cố Thi Âm vừa cau mày suy nghĩ, vừa rảo bước về nhà, thì Nguyễn Đông Thanh cũng đang chậm rãi cho xe bò thẳng hướng cổng thành, còn về cổ viện.
Đường ra khỏi thành hắn đã đi cả trăm lần, nên cũng không cần quá chú ý. Nguyễn Đông Thanh thường tranh thủ chào hỏi người quen hai bên đường. Dù gì cũng qua lại chốn này thường xuyên, giữ quan hệ tốt với mọi người chẳng xấu mặt nào. Thế nhưng hôm nay, hắn để ý thấy bên đường có một chỗ dân tụ tập đông khác thường.
Chỗ ấy lại vừa may không quá xa quán ăn Nguyễn Đông Thanh vẫn hay gửi nhờ xe bò. Thế là, hắn bèn cho xe tạt vào, thuận tiện hỏi thăm cậu sai vặt của quán luôn.
Thấy xe bò đi tới, cậu sai vặt đã niềm nở chạy ra ngay:
“Lâu lắm cậu Thanh mới ghé chơi! Nay cần con trông xe hộ không?”
“Chào cậu. Hôm nay tiện đường nên ghé qua hỏi thăm sức khỏe mọi người chút rồi đi thôi. Quán mình làm ăn vẫn tốt chứ?”
“Tốt! Cực kỳ tốt, nhất là món nem chua của cậu Thanh dạo này đắt khách lắm. Ông chủ dặn bao giờ cậu qua thì nhớ phải báo để ông ấy đích thân ra cảm ơn cậu. Thôi, cậu chờ một chút để con đi gọi ông chủ!”
“Ơn huệ gì? Tiện tay thôi mà! Mà cậu khoan hẵng đi, cho tôi hỏi chút đã!”
Nguyễn Đông Thanh thấy cậu nhóc chuẩn bị xoay người chạy mất thì vội gọi với theo.
“Chuyện gì vậy ạ?”
Cậu sai vặt quay lại, hỏi. Nguyễn Đông Thanh bèn chỉ sang bên kia đường, nói:
“Bên đó có chuyện gì mà tụ tập đông vậy?”
Cậu sai vặt của quán nghe hắn hỏi vậy thì liền tuôn luôn một tràng:
“À, bên đó ấy à? Ông thầy bói khùng đó! Ôi, cậu chưa biết sao? Mấy hôm nay ông ta mới đến Quan Lâm ta, hành động điên điền khùng khùng nên ban đầu cũng không ai để ý tới. Thế nhưng nghe đồn ông ta phán câu nào là ứng nghiệm câu ấy, từ chuyện trời sẽ nắng hay mưa đến vận may vận rủi của người qua đường! Có những chuyện ông ta nói người trong cuộc còn chưa biết mới hay chứ. Mà ông thầy bói này tính lạ lắm, không phải cứ bỏ tiền ra là được xem bói, mà cần phải có duyên. Nhưng nếu gặp người có duyên thì người ta không đến coi bói ông ta cũng chạy đến tận nơi để xem cho, lại còn nghe đâu ‘không linh không lấy tiền’ cơ…”
Cậu nhóc càng nói càng hăng, mà Bích Mặc tiên sinh của chúng ta càng nghe càng… mất hứng. Vốn hắn còn tưởng có chuyện gì hay ho thì có khi gửi nhờ cái xe rồi chạy sang ngó một chút. Thế nhưng từ lúc biết chỉ là chuyện bói toán thì lập tức chẳng còn mảy may quan tâm nữa.
Nguyễn Đông Thanh theo chủ nghĩa duy vật. Trước khi xuyên không tới đây, hắn thậm chí không hề tin mấy chuyện tâm linh hay dị năng. Tuy hắn từng nghe người ta kể khí công là thật và cũng làm được nhiều điều khoa học chưa giải thích được. Thế nhưng biết vậy và thật sự tin tưởng là hai phạm trù khác nhau.
Nguyễn Đông Thanh không phải người cứng đầu, hắn có thể chấp nhận có những điều nằm ngoài khả năng nhận thức của bản thân. Dù gì, chả phải nơi hắn đang sống chính là thế giới của người tu luyện sao? Từ khi xuyên đến đây, Nguyễn Đông Thanh tự thấy bản thân đã duy tâm hơn nhiều so với hồi ở địa cầu. Dù sao ở nơi này hắn ma cũng gặp rồi, yêu quái cũng thấy rồi, mấy bữa trước thậm chí còn được ngắm nguyên cái Nho đạo to đùng ngã ngửa cùng tiên hiền vãng thánh nhà người ta. Giời mới biết liệu ở đây có ai thật sự đoán biết được quá khứ, vị lai hay không!
Ngặt một nỗi, Nguyễn Đông Thanh cuối cùng vẫn mang tư duy của một người hiện đại, lại thêm hắn từng nghe không ít các tin về thầy bói mua thần bán thánh, thủ đoạn lừa đảo tinh vi. Thành ra, nghe đến bói toán thì hắn đã thấy có chút phản cảm rồi.
Tâm trạng không được tốt, thành ra hắn cũng không muốn nán lại lâu, bèn nói:
“Tôi chợt nhớ ra còn chút việc. Thôi thì cậu gửi lời chào của tôi tới ông chủ, rồi bữa khác tôi lại ghé thăm sau!”
Dứt lời thì đã chuẩn bị thúc bò về lại đường chính, toan rời khỏi. Chính lúc này, có một người bỗng hớt hải chạy ra chắn trước xe bò, hô lên thất thanh:
“Tiên sinh, xin dừng bước!”
Kẻ chặn đường là một lão béo, nhìn vẻ bể ngoài thì có vẻ hơn tuổi Nguyễn Đông Thanh. Mặt kẻ này phúng phính, hai bên mép có hai hàng ria dài như râu cá trê. Lão ta mặc theo lối nhà nho, nhưng không hiểu sao nhìn dáng vẻ, điệu bộ thì có chút gì đó quen quen. Nhưng quen ở đâu thì tạm thời Nguyễn Đông Thanh không nghĩ ra. Một ý nghĩ thoáng qua đầu Bích Mặc tiên sinh: