Lại kể chuyện Nguyễn Đông Thanh ở ải Quan Lâm.
Tuy cuộc gặp gỡ với tên thầy bói mập “Gia Cát Lượng” khiến tâm trạng của hắn tệ đi không ít, thế nhưng nó cũng nhắc cho Bích Mặc tiên sinh một việc mà hắn quên khuấy mất bấy lâu nay: hai câu thơ mà “Kiếm tiên” Sở Tinh Hà từng đọc lúc chặn đường cướp bóc.
Khi ấy, Nguyễn Đông Thanh vốn định trên đường từ Mỹ Vị sơn trang về sẽ ghé qua thôn ấy, hỏi chuyện Sở Tinh Hà. Song, việc này không có giá trị ưu tiên quá cao trong đầu Bích Mặc tiên sinh của chúng ta. Lại nói, trước và trên đường về cũng xảy ra bao nhiêu là chuyện. Thành thử, lúc đi qua thôn ấy, hắn hoàn toàn chẳng nhớ gì về kế hoạch khi trước. Mãi đến tận vừa rồi, khi đụng hàng một tên lừa đảo khiến Nguyễn Đông Thanh nghi ngờ cũng là người xuyên không giống bản thân, thì trí tò mò về hai câu thơ kia mới lại trỗi dậy.
Thôn xóm nơi hắn để Sở Tinh Hà và Đặng Không ở lại không tính là quá xa Quan Lâm. Nếu đi xe bò thì có lẽ Nguyễn Đông Thanh còn ngại, thế nhưng nếu nhờ Hồng Đô đằng vân xách hắn theo thì lại chẳng mất mấy thời gian, dù gì thì đằng nào cũng phải nhờ cô nàng đi theo hộ vệ.
Tính toàn tươm tất, Nguyễn Đông Thanh chọn một buổi hắn không có tiết dạy, chuẩn bị lên đường. Trước khi đi, hắn cũng không quên dặn Cố Văn dùng Lưu Ảnh Thạch ghi chép lại nội dung buổi dạy hôm ấy, để khi về sẽ xem lại sau. Cố Thi Âm nghĩ Bích Mặc tiên sinh vẫn còn đang thử thách nàng ta nên nào dám từ chối?
Vì có kế hoạch, nên hôm ấy Nguyễn Đông Thanh không ngủ nướng đến trưa, nhưng cũng phải đâu đó quãng giờ Tỵ (1), hắn mới cùng Hồng Đô lên đường. Hai người đằng vân thẳng đến thôn xóm nọ, không hề giấu giếm tung tích, nên cũng có không ít kẻ hữu tâm để ý đến. Mà trong số này, có hai người đã hạ quyết định âm thầm đi theo phía sau.
[1: giờ Tỵ là từ 9h-11h sáng theo cách tính giờ hiện nay]
Còn cách xóm nọ một quãng khá xa thì Hồng Đô đã cau mày, báo cáo:
“Tiên sinh, hình như đang có đánh nhau tại địa điểm chúng ta đang tới!”
Nguyễn Đông Thanh nghe vậy thì giật mình, đoạn nói:
“Mau đáp xuống gần đó rồi đi xem tình hình!”
Kỳ thực, nếu không có Hồng Đô đi cùng, Nguyễn Đông Thanh khả năng cao sẽ quay xe lánh nạn. Nhưng khi không quá lo lắng về chuyện tính mạng của bản thân thì tính tò mò của Bích Mặc tiên sinh lại thắng thế. Tuy nhiên, hắn vẫn dặn Hồng Đô không hạ xuống quá gần, để nếu tình hình bất lợi, thì còn có thể tùy cơ ứng biến. Cô mèo máy theo y lệnh mà hành động, hai người đáp xuống ở sau một ngôi nhà ở rìa làng, rồi mới rảo bước đi về phía đám đông.
Chỉ thấy nơi đây có kẻ đứng, người quỳ, nhìn rất hỗn loạn. Đám đông vây quanh một người ngã dưới đất, trước ngực y có lỗ máu. Nguyễn Đông Thanh lại gần, nhòm được vào trong thì liền tá hỏa: kẻ nằm dưới đất đang thoi thóp không ai khác chính là mục đích của chuyến đi này của hắn: Sở Tinh Hà. Phía trước lão ta, dân làng như dàn thành hàng ngang che chắn. Cách một quãng, một đám quái nhân, kẻ bụng to, kẻ nanh dài, với đủ loại màu da xanh đỏ tím vàng đang bao vây lấy một lão ăn mày. Trong tay lão ta còn giữ một đứa bé đang kêu khóc. Đám quái nhân này kỳ thực Hồng Đô đã từng nhìn thấy, ngoại trừ đám quỷ từng ca hát nhảy múa với Lý Trầm Châu ở trong rừng hồi mấy tháng trước ra thì còn ai vào đây nữa? Còn lão ăn mày hẳn nhiên là Đặng Không.
Để hiểu chuyện gì đang diễn ra ở đây lúc này, phải kể lại những chuyện ở thôn này trong vòng mấy tháng nay, kể từ khi đám Nguyễn Đông Thanh rời khỏi đây...
oOo
Sở Tinh Hà sau một ngày ngẫm nghĩ, đã quyết định nghe theo lời Nguyễn Đông Thanh, tu chí làm lại cuộc đời.
Lão ta nói chuyện với trưởng thôn, rồi dừng một túp lều nhỏ cho bản thân và Đặng Không ở bìa làng. Từ ngày hôm đó, hai người họ trở thành thành viên của thôn nhỏ ấy. Sáng sáng vào rừng kiếm củi, chiều chiều phụ giúp các việc lớn nhỏ trong xóm.
Cuộc sống nhàn tản này khiến Sở Tinh Hà vui vẻ, nhưng lại khiến Đặng Không bất mãn. Và đó cũng là vết rạn đầu tiên trong quan hệ của hai kẻ từng xưng huynh gọi đệ, coi nhau như anh em ruột thịt này...
Sở Tinh Hà tuy đã bị phế hết tu vi, nhưng dù gì cũng từng là người luyện võ, thành thử, sức lao động của lão không kém thanh niên trai tráng là bao. Mấy lần dã thú tới, lão cũng ra tay đuổi chúng đi. Lại thêm, sau khi quyết định làm lại cuộc đời, tâm kết trong lòng bao lâu của lão được cởi, tính tình của lão cũng trở nên hồ hởi dễ gần. Thế là, chả bao lâu cả cái thôn đã quý lão như người nhà.
Lúc rảnh tay, họ Sở còn thi thoàng dạy võ phòng thân cho đám trẻ trong thôn, cũng như chỉ giáo thêm cho mấy gã thợ săn, tiều phu, nên lại càng được dân làng yêu quý.