Phạm công công đứng dậy, hắng giọng:
“Thái tử điện hạ xin thứ lỗi, lần này nô tài còn có nhiệm vụ thánh thượng giao phó, không dám chậm trễ. Để lão nô truyền chỉ xong sẽ đến hầu hạ thái tử điện hạ cẩn thận.”
Lê Tam Thành rùng mình một cái, nghĩ đến lời đồn Lê Dực hoàng đế không gần nữ sắc, chỉ nuôi nam sủng mà sống lưng rét căm căm. Gã hắng giọng, nói:
“Chuyện ấy thì không cần. Công công làm xong việc nên làm thì nên hồi cung cho sớm, đừng để phụ hoàng chờ đợi.”
Cái gọi là hầu hạ của vị công công này, Lê Tam Thành vừa nghĩ là thấy mình ăn không tiêu.
Phạm công công cười, hắng giọng, lấy trong túi chứa đồ ra một tờ thánh chỉ, đoạn bình thản tuyên đọc:
“Vĩnh Cật năm thứ bảy,
Phụng thiên thừa vận, hoàng đế chiếu viết.
Biển Phong Bạo lại có động tĩnh, Hải Thú rục rịch muốn lên bờ. Trẫm nghĩ đến cảnh trăm họ táng mạng dưới miệng loài ác ôn, con đen con đỏ của trẫm phải rên xiết trước hàm răng quái thú mà lệ chảy tràn mi, ruột đau như cắt, nửa đêm chẳng thiết ăn, thiết triều không buồn ngủ.
Đại Việt ta và chư quốc tuy tách ra nhiều năm, nước giếng chẳng phạm nước sông, song nghĩ câu môi hở răng lạnh, trẫm đã chuẩn tấu binh mã sáu nước nhập quan phòng thủ biên cương. Sáu nước tam giáo cửu lưu, muôn màu muôn vẻ, phong thổ khác biệt, song vẫn luôn coi Đại Việt ta là nước đẻ muộn sinh sau, chưa được giáo hóa, có ý coi thường khinh rẻ. Bởi thế, nên trọng trách tiếp đón sứ thần rất quan trọng, phải hữu hảo khách khí, bảo đảm hòa hiếu đôi bên, lại vẫn phải giữ được khí khái quốc gia, không cúi đầu trước thiên hạ.
Nhìn lượt năm châu, trăm thành vạn trấn, ngoại trừ Bích Mặc tiên sinh thực chẳng còn ai khác thích hợp hơn. Thế nên nay trẫm hạ chiếu, sắc phong Nguyễn Đông Thanh làm Ngọc Lân Tiếp Sứ Quan, phụ trách việc tiếp đón binh mã sáu nước. Châu chủ Ngọc Lân châu Hồ Ma Huyền Nguyệt cùng chư vị khanh gia dưới trướng cần phải hết sức hỗ trợ, chiếu cố Bích Mặc tiên sinh hoàn thành nhiệm vụ. Khi đại công cáo thành, ắt có ban thưởng xứng đáng.
Khâm thử.”
Hồ Ma Huyền Nguyệt vừa nghe đến giữa chừng thì đã như mở cờ trong bụng, thầm cảm ơn Dực hoàng đế bảy bảy bốn chín lần. Y thị còn đang phải đau đầu, cứ xoắn xuýt mãi không biết phải an bài chức vị gì cho Bích Mặc tiên sinh làm, không ngờ vị hoàng đế kia lại giống như có thuật đọc ý nghĩ.
Một tờ thánh chỉ này thực chẳng khác nào đưa than trong ngày tuyết cả.
Về phần tại sao Lê Dực lại làm vậy, thì y thị không quan tâm lắm. Chuyện ở kinh thành thì cứ để Lý Huyền Cơ đau đầu đi, Hồ Ma Huyền Nguyệt chỉ cần tĩnh quan kỳ biến là được rồi.
Bên cạnh y thị, Vũ Tùng Lâm cũng vui mừng, song vì nguyên nhân hoàn toàn khác.
Lão không có dã tâm quyền lực gì lớn lao, cũng không thích âm mưu quyền biến chốn triều đường. Cả đời chỉ cầu trấn thủ Quan Lâm đến lúc cáo lão hồi hương là được. Thế nhưng chuyện các nước khác coi Đại Việt là cõi man di, coi thường khinh rẻ lão cũng được biệt một hai. Nay Dực hoàng đế lựa chọn Nguyễn Đông Thanh là người tiếp sứ, theo lão thấy thì ắt có thể chấn hưng danh tiếng Đại Việt, khiến sáu nước phải nhìn quốc gia phía nam Lục Trúc Hải bằng con mắt khác, ấy là chuyện đáng mừng.
Còn về phần hoàng đế có ý đồ gì, muốn thăm dò Bích Mặc tiên sinh hay không thì Vũ Tùng Lâm không hề nghĩ nhiều. Theo lão thấy, cho dù là hoàng đế hay Bích Mặc tiên sinh thì cũng không phải tồn tại mà một tổng binh quèn như lão có thể nhiều lời, mà có nói thì cũng chẳng tác dụng gì.
Thế là, Phạm công công vừa tuyên đọc thánh chỉ dứt mồm thì cả châu chủ và tổng binh đều đã quỳ xuống tiếp chỉ.
Riêng Nguyễn Đông Thanh vừa cà nhắc cà nhắc định rời khỏi ghế thì Lê Tam Thành đã ngăn lại, cười mà nói rằng:
“Tiên sinh thân thể không tiện, cũng không cần phải đa lễ nữa. Một bái này để cô hành lễ thay cho tiên sinh, không biết Phạm công công có ý kiến gì hay không?”
“Nô tài nào dám nhiều lời vào chuyện của hoàng gia? Thái tử an tâm, lão nô làm việc trong cung nhiều năm, đương nhiên biết cái gì nên nói cái gì không.”
Phạm công công cuộn lại tờ thánh chỉ, cười híp mắt.
Lê Tam Thành gật đầu, biết là lão cố tình bán cơ hội thu phục nhân tâm này cho mình, bèn phất áo quỳ xuống, dập đầu trước thánh chỉ đủ cả lễ số, trông hết sức thành khẩn.
Làm xong đâu đấy, Phạm công công lại đưa một phong thư có dấu niêm phong của hoàng gia giao cho Vũ Tùng Lâm, nói:
“Người xưa vẫn nói có qua phải có lại, lục quốc gửi quân chi viện, Đại Việt đương nhiên cũng cần phải đáp lễ cho xứng đáng. Ở đây có một phần danh sách do bệ hạ đích thân soạn...”
Nói đoạn, lão im lặng một hồi, nhìn về phía Nguyễn Đông Thanh:
“Mấy lời lão sắp nói đây chỉ e là có chút mạo phạm, mong Tiếp Sứ đại thần chớ trách.”
Gã thấy lão thái giám này đột nhiên giở giọng khách khí, trực giác mách bảo phía trước có biến, song lại không thể bảo không nghe. Thành thử, Nguyễn Đông Thanh chỉ có cách hắng giọng:
“Nếu công công trước sau cũng phải nói những lời trái tai với tại hạ thì hà tất cần phải khách khí?”
“Thánh thượng kể từ lần thú triều trước cũng đã được hay về ba vị cao đồ của tiên sinh, rất lấy làm thưởng thức. Thiết nghĩ tuổi trẻ tài cao thì cần phải đóng góp cho quốc gia, xả thân vì đại nghĩa, thế nên đã sắp xếp để ba vị cao đồ rời khỏi Quan Lâm nhập ngũ, bao giờ dẹp được Hải Thú sẽ về. Không biết tiên sinh thấy sao?”
“Chuyện này... mong công công thư cho một ngày, để tại hạ về hỏi ý bọn đệ tử. Đương nhiên, nếu triều đình đã có lệnh muốn thúc ép thì thầy trò chúng ta cũng đâu làm gì nổi?”
Nguyễn Đông Thanh đáp, đoạn chống gậy ra về.
Cũng không để ý câu trả lời của gã khiến tất thảy mọi người trong phòng, trên từ Lê Tam Thành, dưới đến Phạm công công đều kinh ngạc ngẩn người,
oOo
Soái trướng...
“Lý trưởng lão có cái nhìn thế nào về chuyện này?”
Hồ Ma Huyền Nguyệt bấy giờ đã từ Quan Lâm trở về, thuật lại đầu đuôi những chuyện đã xảy ra cho Lý Huyền Cơ, đoạn hỏi.
Lý Huyền Cơ nói:
“Xưa nay triều đường lấy quân – thần vi tôn, phàm nhân coi phụ – tử là nhất, mà giới tu hành thì không gì hơn sư – đồ. Huyền Hoàng giới cả vạn năm nay đều là sư phụ sai phái thì đệ tử nghe theo, nào có chuyện sư phụ hỏi ý kiến đệ tử?”
“Ý của trưởng lão là Bích Mặc tiên sinh đang lấy cớ trì hoãn? Hoặc giả... điểm yếu của y chính là mấy người đệ tử này?”
Hồ Ma Huyền Nguyệt gõ ngón tay lên bàn theo thói quen, đoạn hỏi.
Kỳ thực, y thị cũng có cái nhìn giống với Lý Huyền Cơ.
Làm gì có chuyện sư phụ cần phải hỏi ý kiến của đệ tử rồi mới quyết? Cũng như xưa giờ hoàng thượng muốn hạ chiếu về lẽ thường đâu cần chờ quần thần ưng chuẩn?