[Nếu ai chưa đọc phần phụ chương đăng thứ năm tuần trước (chương 213: -216) thì nên quay lại đọc nó trước khi đọc chương này, vì tuy nó chỉ là phụ chương nhưng ngoại trừ kết nối các sự kiện diễn ra từ trước và giải thích thêm về bối cảnh của Huyền Hoàng giới, thì còn giới thiệu hai nhân vật sẽ trở thành lục đồ đệ học rèn và thất đồ đệ học khí tượng thủy văn của Nguyễn Đông Thanh (mà các chương tiếp theo sẽ sử dụng luôn không giới thiệu lại). Ngoài ra, phần phụ chương cũng giới thiệu thế lực đứng sau Trang Bức thần giáo, cũng chính là một trong hai thế lực phản diện chính của cả bộ truyện này.]
Hiện tại kể đến chuyện của Đỗ Thải Hà.
Địa điểm mà cô nàng được phân phó là nơi Trương Mặc Sênh mong muốn nhất: Đại Hàn.
Thấy thông tin chỉ dẫn lộ trình không khác biệt lắm với lần đi Kiếm Trì lúc trước, Đỗ Thải Hà cũng yên tâm không ít. Cô nàng cũng không tốn thời gian mà cưỡi hạc giấy bay thẳng về phía thành Bạch Đế.
Vốn trước khi đi đã có thảo luận với sư huynh đệ từ trước, đoán chừng lần này ra ngoài có thể đụng mặt kẻ thù cũ, cô nàng tính lại cẩn thận, nên cũng sớm chuẩn bị không ít bùa cùng các thủ đoạn hộ thân, có thể nói là trang bị đến tận răng. Thế nhưng cuối cùng, chả bù cho ông đại sư huynh đi đường có bảy, tám chục dặm mà đánh tận mấy chục trận lớn nhỏ, Đỗ tiểu thư bay một mạch gần ngàn dặm từ cổ viện đến Bạch Đế thành nhưng đến một con thú dữ cũng chả gặp chứ đừng nói là mai phục.
Mãi đến khi gần tới thành Bạch Đế, cô nàng mới gặp người quen. Thế nhưng, cũng chả phải thù, mà có thể coi là bạn.
Dẫn đoàn Kiếm Trì lần này là một mỹ phụ áo xanh, dung mạo nom có vài phần giống Song Vô Song, đoán chừng chính là mẹ của y – Ngự Kiếm trưởng lão của Kiếm Trì. Đi cùng bà ta, ngoại trừ thánh tử Chân Lợi Kiếm thì cũng chỉ còn “hai” người Song Vô Song.
Thấy Đỗ Thải Hà từ xa, Chân Lợi Kiếm đã báo cho mỹ phụ bên cạnh. Thành ra, cô nàng vừa đáp xuống thì mấy người của Kiếm Trì đã tiến lên chào hỏi:
“Đỗ cô nương, đã lâu không gặp!”
Chân Lợi Kiếm và Song Vô Song nói.
“Nghe danh Đỗ tiểu thư đã lâu, Ngọc Sương xin có lời chào!”
Ngự Kiếm trưởng lão cũng lên tiếng. Bà ta tên Hàn Ngọc Sương, tính ra còn là dòng dõi của Phạt Hải Kiếm Thánh và đế hậu Hàn Thanh Ca.
Nếu đặt ở nước khác trong lục quốc, thì bà ta hẳn được tính là vương thân quốc thích. Nhưng Đại Hàn có chỗ đặc biệt, mỗi khi Đế Hậu mới lên ngôi, thì toàn bộ anh chị em cùng thế hệ đều bị cách xuống làm thứ dân. Tuy luật lệ này nghe có phần hà khắc, thế nhưng nó xuất hiện cũng bởi quá khứ đẫm máu của hoàng thất Đại Hàn.
Lịch sử của Huyền Hoàng giới trước Phản Thiên Chi Chiến vốn chính là quy tắc thiên địa, ghi chép rất đầy đủ. Thế nhưng, cũng có thể là do một trận đánh khiến Thiên Đạo sụp đổ năm đó, mà ghi chép lịch sử bắt đầu bị thất truyền. Các sự kiện sau Phản Thiên Chi Chiến thì còn có thể bảo là do Sử gia nhập vào Nho đạo, Nho môn lại không thể so được quy tắc trời đất, nên mới xảy ra sự cố. Nhưng vậy còn những ghi chép trước Phản Thiên Chi Chiến thì sao? Tại sao một bộ phận thông tin Sử quan cũng không cách nào tra ra? Có thuyết pháp cho rằng do thiên đạo tổn thương nên một số ghi chép cứ thế mà biến mất. Do cũng không có giả thuyết nào hợp lý hơn nên thế nhân liền chấp nhận đó là sự thật.
Mà một trong những “ghi chép bị biến mất” này là gốc gác của hoàng thất Đại Hàn. Ghi chép sớm nhất tồn tại về dòng họ này chính là chuyện họ trôi dạt vào bờ, thành lập ra nước Hàn và phong tục xăm mình.
Ban đầu, hoàng thất Đại Hàn cũng không khác biệt gì với các nước khác trong lục quốc, trưởng nam lên ngôi, phong vương phong tước cho anh chị em cùng thế hệ. Mấy đời đầu là vậy, trôi qua không quá êm đẹp, nhưng cũng không đến nỗi. Thế nhưng, qua một đoạn thời gian, thì nội đấu tranh giành vương vị tại Đại Hàn khốc liệt đến độ từng có người ví dòng họ này là “Nhân Trung Chiến Hổ”.
Cao trào của tranh đấu, một vị hoàng tử của Đại Hàn giết hại toàn bộ mười hai anh chị em ruột cùng ba mươi anh chị em họ để lên ngôi. Cuối cùng, y lại bại ở dưới tay vị hoàng muội tưởng chừng là ngây thơ, yếu đuối nhất của bản thân, bị trục xuất khỏi Đại Hàn. Vị hoàng tử bị đuổi đi kia dẫn theo gia quyến đến tận Đại Yến, thành lập ra Hàn gia, xưng hùng trong giới luyện khí năm đó. Còn công chúa duy nhất còn sống sót của Đại Hàn khi ấy liền trở thành Đế Hậu đầu tiên của nước này.
Cũng từ đó, vương vị Đại Hàn chỉ truyền cho nữ đế, mà cũng bãi bỏ chế độ hoàng thân quốc thích, tránh việc lặp lại lịch sử đẫm máu kia. Anh chị em của Đế Hậu đương thời tuy không được ở lại trong cung hay làm các hoạt động liên quan đến chính trị, quân sự, nhưng cũng vẫn được sống trong nhung lụa, không phải lo quãng đời còn lại, cũng chẳng bị bắt cải họ. Những người này có thể chọn sống như phú hào hay lấy tiền được trợ cấp để đầu tư, làm ăn buôn bán.
Mà vì họ Hàn tính ra là quốc tính, trân quý hơn thường, nên cũng từ đó, tại nước Hàn xuất hiện một luật bất thành văn giữa dân chúng: phàm là cha mẹ có người mang họ Hàn, thì con trai theo họ bố, còn con gái theo họ Hàn. Hoàng thất Đại Hàn cũng không hề cấm kỵ điều này. Dù gì, các đời Đế Hậu cũng có biện pháp đặc biệt để nắm chắc vương vị trong tay. Thành thử, tuy không có hoàng thân quốc thích, thế nhưng họ Hàn lại trở thành biểu trưng cho địa vị thượng lưu tại nước Hàn.
Trải qua nhiều đời, Hàn gia của Đại Yến vẫn không quên thù cũ, ủ mưu cướp lại vương vị Đại Hàn, cuối cùng một lần nữa bại dưới tay Đế Hậu đương thời. Đế Hậu Đại Hàn niệm tình máu mủ, không muốn đuổi cùng giết tuyệt, mới chấp nhận cách thức giải quyết của Hàn gia đề xuất khi đó: Hàn gia mỗi một đời đều sẽ đưa trưởng tử sang Đại Hàn làm con tin, đến khi gia chủ đời kế tiếp có trưởng tử, sang thay thế, con tin cũ mới được quyền trở về cố hương.
Mà Phạt Hải Kiếm Thánh đại danh đỉnh đỉnh, người đã sáng lập ra Kiếm Trì, nguyên bản chính là con tin đầu tiên Hàn gia đưa cho hoàng thất Đại Hàn...
Ông ta cũng là con tin đầu tiên nằm trong số ít các con tin mãn hạn mà không trở về Đại Yến. Nhưng dù sao cũng không thể trách Kiếm Thánh. Ngay từ đầu, ông ta đã không đồng tình với cách xử lý của gia tộc. Trong thời gian ở Đại Hàn, ông lại nảy sinh quan hệ với tiểu công chúa Hàn Thanh Ca – chính là Đế Hậu đời kế tiếp. Sau khi thành lập ra Kiếm Trì, Phạt Hải Kiếm Thánh cũng cưới Hàn Thanh Ca. Hai người có với nhau mấy đứa con. Một trong số đó trở thành Đế Hậu đời tiếp theo, một trong số còn lại chính là tổ tiên của Hàn Ngọc Sương.
Về phần Hàn gia tại Đại Yến, sau quyết định của Kiếm Thánh năm đó, gia chủ đương thời, Hàn Xuân Phong – cũng chính là em song sinh của Phạt Hải Kiếm Thánh, có lẽ do thần giao cách cảm, tâm ý tương thông – đã viết hẳn vào tổ huấn, từ đó nghiêm cấm Hàn gia tham gia bất cứ hoạt động nào liên quan đến chế tác vũ khí.
Toàn bộ đoạn lịch sử ân cừu tình thù này, xảy ra từ mấy ngàn năm về trước, cho đến nay chắc cũng chỉ còn vài người biết rõ.
Tiếp tục kể chuyện Đỗ Thải Hà, cô nàng thấy người của Kiếm Trì chào hỏi thì cũng liền đáp lễ. Đoạn, Hàn Ngọc Sương nói vắn tắt mục đích Kiếm Trì ở đây lúc này.
Chuyện là, chuyện đầu quân chống hải thú, Kiếm Trì đương nhiên cũng có tham gia, lần này chính là phái Chân Lợi Kiếm, Trịnh Lan Anh cùng mười mấy đệ tử lứa trẻ đi. Thế nhưng, đến lúc chuẩn bị xuất phát thì hay tin đám người của cổ viện cũng sẽ đến. Thế là Kiếm Trì đưa ra một quyết định tức thì, để Phạm Kim dẫn Trịnh Lan Anh và các đệ tử kia đến chỗ hội quân trước, còn Hàn Ngọc Sương thì dẫn Song Vô Song cùng Chân Lợi Kiếm đến thành Bạch Đế đón cao đồ của Bích Mặc tiên sinh, thuận tiện bảo vệ, chiếu ứng luôn.
Kỳ thực, cho dù Kiếm Trì có không có cử động này thì xét tới chuyện xảy ra ở thôn Đoài không lâu trước cùng việc Bích Mặc tiên sinh vừa nhậm chức làm cấp dưới của Hồ Ma Huyền Nguyệt, hẳn là cũng chẳng có kẻ nào dám hay có thể giở trò với Đỗ Thải Hà tại thành Bạch Đế. Tất nhiên, quãng đường từ sau khi rời khỏi thành Bạch Đế, có thêm đoàn người của Kiếm Trì, cũng khiến nàng ta được bảo vệ an toàn hơn nhiều.
Thành thử, xét trên lý thuyết mà nói, thì cô nàng không những may mắn hơn Lý Thanh Vân, mà thậm chí còn may mắn hơn Tạ Thiên Hoa, thẳng một đường từ cổ viện đến chỗ hội quân có vẻ như sẽ không gặp bất cứ trở ngại gì.