Đầm nước của Huyền Thanh nương nương mấy tháng trước còn trở thành chủ đề nóng hôi hổi như khoai vừa nướng, là “mốt” trong phong trào ngồi lê đôi mách buôn dưa lê bán dưa chuột của cánh chị em. Dù sao, đang yên đang lành, thú triều vừa rút một cái, sáng hôm sau tự dưng ngoài thành xuất hiện một cái đầm nước to tổ chảng.
Quả thực là một câu chuyện li kì.
Thành thử, dân Quan Lâm không thiếu người bắt đầu đoán già đoán non, đồn ra tán vào về nguồn gốc xuất xứ của cái đầm nước.
Có kẻ khăng khăng bảo rằng ông chú con rể của bà hàng xóm nhà ông ngoại xa của thằng em kết nghĩa ông thân sinh nhà mình nghe được bà đầu bếp trong phủ thành chủ bảo: “Có một đại năng từng ẩn cư trong Lục Trúc Hải, sau trận đánh thú triều hồi ấy thì mất hảo cảm với đám thú tộc trong rừng nên chuyển ra ngoài ẩn cư.”
Người lại vỗ ngực khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng cái đầm ấy gọi là Đình Chiến Đàm, là do thú tộc thua đứt đuôi quá đau đớn nên phải đào cái đầm ấy cho dân chúng Quan Lâm có nước tưới tiêu sinh hoạt, coi như làm minh chứng trận thua hôm ấy. Còn về nguyên nhân Vũ tổng binh chưa cho khơi dòng dẫn nước vào thành là do còn phải chờ xem thú tộc Lục Trúc Hải có giở trò táy máy gì không. Hễ có ai hỏi y đều bảo tin của y do đích thân một ông anh kết nghĩa có ông hàng xóm từng qua lại lăng nhăng với cô hàng vải vợ một anh lính thủ thành kể cho.
Lại có người bảo đấy là hậu chiêu của thú tộc, một khi bọn chúng chuẩn bị đủ quân số sẽ dâng nước đánh thành, thuận tiện lấy nước đó làm nước uống cho quân luôn. Y mãnh liệt yêu cầu cả thành cùng tấu lên Vũ Tùng Lâm yêu cầu cho người lấp quách cái đầm đi tránh khỏi đêm dài lắm mộng.
Tên này vốn là người hâm dở điên điên có tiếng ở Quan Lâm, thành thử lời y nói ra cũng chẳng có ai để ý.
...
Thôi thì đủ loại giả thuyết, lắm cái còn ảo ma hư cấu, bốc phét điêu toa nghe còn giật gân hơn cả Lan Hạ giật tít. Thế nhưng giữa bạt ngàn những giả thuyết về cái đầm thình lình xuất hiện ngoài thành kia, tất cả đều có một điểm chung duy nhất.
Tên của đầm nước.
Cả Quan Lâm đều gọi nơi này bằng cái tên đơn giản – đầm Nhất Dạ – ý là hình thành sau một đêm. Không nói cũng biết, Bích Mặc tiên sinh của chúng ta vừa nghe đến cái tên này thôi, ngụm trà uống dở kém chút thì phun ra ngoài.
Cũng không biết có ai tìm thấy trai đẹp khỏa thân dưới bùn ở đầm này chưa.
Lại nói, người khác có lẽ không biết, thế nhưng dù sao cũng là hàng xóm láng giềng, đám đệ tử dăm bữa nửa tháng lại từ chân núi chạy đến chỗ người ta hỏi này hỏi kia, Bích Mặc tiên sinh há lại không tinh tường ẩn cư ở đây là một vị phu nhân? Đặt tên là đầm Nhất Dạ... có hơi quá không?
Hồng Đô đạp gió, chẳng mấy chốc hai người đã xuất hiện ở bên bờ đầm.
Nguyễn Đông Thanh đưa mắt ra hiệu, cô mèo máy bấy giờ mới đề khí, cất giọng:
“Hôm nay tiên sinh nhà chúng ta đến đây bái phỏng có chuyện cầu kiến, không biết phu nhân có thể nể mặt hay không?”
Lời vừa dứt, thì ở cái gò giữa đầm, tì nữ Thiêm nhi đã chống sào đẩy thuyền về phía hai người. Huyền Thanh nương nương đứng trên đầu thuyền, mình vận một cái áo bông, tay lại cầm quạt khẽ phe phẩy, tạo hình nửa đông nửa hè này quả thực khiến người ta liên tưởng đến câu “thời trang phang thời tiết”.
Kỳ thực, Hồng Đô cũng thừa hiểu thị nữ nô tỳ dưới trướng vị phu nhân này đều là điểu tinh, khi nãy cô nàng cưỡi mây mà đến, bọn họ sớm đã phát hiện rồi. Chẳng qua tiên sinh nhà mình hiện giờ còn đang bận làm phàm nhân, người ta không muốn điểm phá nên cần có một câu gọi để ra mặt mà thôi.
Huyền Thanh nương nương đặt quạt xuống bên mạn thuyền, cười hỏi:
“Không biết ngọn gió lành nào đưa tiên sinh hạ cố hàn xá, thực là rồng tới nhà tôm. Dám hỏi tiên sinh đến thăm là có chuyện gì?”
Nguyễn Đông Thanh cười khổ, nói:
“Ngày thường đám học trò thường xuyên đến làm phiền, chưa kịp báo đáp mà nay đã có chuyện phải nhờ vả, không thể không mặt dày đến cửa bái phỏng được, thật là ngại quá. Vẫn mong phu nhân lượng thứ cho sự thất lễ này.”
“Tiên sinh khách khí rồi. Kỳ thực tiểu nữ ẩn cư nơi đây, ngày thường cũng nhàm chán u tĩnh, không có việc gì làm. Có mấy vị cao đồ sang chuyện trò mua vui cũng là chuyện giải khuây. Đúng rồi, không biết điều gì có thể làm khó được tiên sinh?”
“Không dám giấu gì phu nhân. Đông Thanh gần đây được thánh thượng tin tưởng giao cho chức quan Tiếp Sứ, phụ trách tiếp đón sứ đoàn các nước theo minh ước Kháng Hải nhập quan. Chỉ là... thái tử điện hạ của Đại Sở Thượng Quan Trường Không quả thực là một... nhân tài. Hành quân đánh trận mà y vẫn muốn hưởng lạc, nằng nặc đòi ở Quan Lâm phải có việc gì mua vui cho y. Tại hạ không muốn làm to chuyện vào cái lúc nước sôi lửa bỏng này, chẳng còn cách nào khác ngoài mặt dày đến đây nhờ cậy phu nhân giúp cho một tay cái chuyện địa điểm.”
Nguyễn Đông Thanh thở dài, sau lại len lén nhìn Huyền Thanh nương nương, lòng cứ lo lắng không biết rốt cuộc vị phu nhân này sẽ phản ứng ra sao trước câu nói của mình.
Trước là câu “dọn hồ đến đây”, sau lại nghe từ đám học trò và vị Vũ tổng binh, thành thử Bích Mặc tiên sinh của chúng ta cũng biết vị phu nhân đang ngồi thuyền phía trước là một người tu hành tu vi thông huyền. Cái chuyện dâng đất chuyển cây, xây một sân khấu ngoài trời đặng tiếp đãi Thượng Quan Trường Không chắc hẳn đối với Huyền Thanh mà nói chỉ dễ như trở bàn tay.
Thành thử, khi Vũ Tùng Lâm thấy không giúp gì được gã cái chuyện bến bãi sân khấu này thì lập tức đề cử vị Huyền Thanh nương nương đang ẩn cư gần Lão Thụ cổ viện.
Dù sao, lão còn nhớ như in cái võ đài lần trước dùng trong thú triều là bà ta dùng đại thần thông tạo nên.
Huyền Thanh nương nương nghe xong, gật đầu:
“Chuyện không có gì to tát cả, tiên sinh cứ giao cho tiểu nữ. Đúng rồi, không biết tiên sinh dự định tiếp đón thái tử nước Sở bằng tiết mục gì? Không biết có thể cho tiểu nữ đọc trước một hai hay chăng, cũng tiện để đám Thiêm nhi phối hợp với người tiên sinh. Còn nếu đây là cơ mật không tiện tiết lộ, thì xem như tiểu nữ nhiều lời.”
Nguyễn Đông Thanh xua tay, đáp:
“Không dám. Nào phải cơ mật gì? Chỉ là lần này Thượng Quan Trường Không ra yêu sách gấp quá, tại hạ chỉ mới kịp viết một bản, hiện tại vẫn còn trong tay của...”
Gã nói đến đây, mới sực nhớ ra là mình quên béng không hỏi tên tuổi của thiếu nữ áo vàng ban nãy. Hồng Đô ôm mặt, thầm nghĩ nếu không phải cả thiên hạ đều hay đều biết chuyện Lý Thanh Vân bị người ta cướp đi Võ Thánh Chi Hồn, khéo cô nàng còn nhầm tưởng vị đại sư huynh của cổ viện chính là con tư sinh của tiên sinh nhà mình.
Dù sao...
Cái phong thái ngố rừng này quả thực từ một khuôn đúc ra.