“Liễu Hạnh???”
Trương Hạo nghe tên vở diễn, mày khẽ nhíu một cái.
Đạo lão tu hành là Nho đạo, hơn nữa còn là mạch thần bí nhất: Sử gia nhất mạch. Đây cũng là nguyên do Trương gia mặc dù tứ thế tam công, quyền thế ngập trời, thế nhưng cho dù là nhà đế vương hay Lý gia có Võ Hoàng tọa trấn cũng không thể lay chuyển nổi căn cơ của Trương gia.
Sử đạo có thể khiến người ta lưu danh thiên cổ, cũng có thể làm kẻ khác xú danh muôn đời.
Bị sỉ nhục phỉ báng hết từ năm này qua năm khác.
Mà Trương Hạo lúc này tuy nhìn như bình thản, kỳ thực thần hồn lão đang câu thông với Tuế Nguyệt Trường Hà, tìm kiếm cường giả tên “Liễu Hạnh”.
Dù sao, Bích Mặc tiên sinh Nguyễn Đông Thanh quá thần bí, giống như đột nhiên xuất hiện ở Huyền Hoàng giới mà không hề có một dấu hiệu báo trước nào vậy. Cũng không phải chưa từng có cường giả sử gia điều tra Bích Mặc tiên sinh. Kỳ thực, từ cái lần Nghiêm Hàn bôn ba khắp từ nam chí bắc, liên lạc Nho môn, cũng đã không thiếu đại Nho chủ tu sử đạo thử câu thông với Tuế Nguyệt Trường Hà tìm kiếm căn nguyên nguồn cội của y.
Đáng tiếc, mọi cố gắng đều như thể dã tràng se cát, tám đạo quân ăn niêu cơm Thạch Sanh.
Cuối cùng, không thiếu cường giả sử đạo từ bỏ, không tiếp tục ngược dòng Tuế Nguyệt Trường Hà tìm kiếm bóng dáng của Nguyễn Đông Thanh nữa.
Mà cái tên “Liễu Hạnh” này, đối với Trương Hạo mà nói, rất có thể là một điểm đột phá.
Thế nhưng...
Rất nhanh, lão đã phải thất vọng thu hồi thần thức.
Người có tên “Liễu Hạnh” từng xuất hiện tổng cộng mười tám lần tính từ Phản Thiên Chi Chiến cho đến nay, thế nhưng... không thể nào người này có ràng buộc với Bích Mặc tiên sinh.
Thành thử...
Trương Hạo lại càng thêm tò mò, không biết vở kịch mang tên “Liễu Hạnh” này sẽ có kết cục ra sao.
oOo
Kịch nói “Liễu Hạnh”, nói cho đúng thì quả thực có thể coi là “sáng tác” của Nguyễn Đông Thanh.
Hoặc càng chính xác hơn, là một bản “chuyển thể”.
Mặc dù dựa rất nhiều vào truyện “Vân Cát Thần Nữ truyện” trong Truyền Kỳ Tân Phả của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, cùng với nhiều tích dân gian, thế nhưng lời thoại và kịch bản hoàn toàn là tự tay gã viết.
Tình tiết về cơ bản cũng không khác mấy so với tích của dân gian.
Ba lần giáng phàm, hai lần đại chiến, một lần trừng trị hoàng tử con vua, hết thảy đều giữ lại. Khác biệt lớn nhất trong bản của Nguyễn Đông Thanh chắc là thay vì hai lần nối duyên với Đào Lang, thì có thêm một lần thứ ba.
Đồng thời, các tình tiết mà gã cho là sinh ra do các đạo các phái tranh quyền – như Liễu Hạnh bị Quan Âm bắt, quy y cửa Phật, đấu với Tiền Quân Thánh – Nguyễn Đông Thanh đều không để lại, hoặc có viết khác đi. Dù sao, Bích Mặc tiên sinh vẫn cảm thấy mang cái chuyện các đạo các giáo của địa cầu đấu đá lẫn nhau, tranh giành ảnh hưởng sang dị giới thì không được hay cho lắm.
Chí ít, Nguyễn Đông Thanh không thích.
Thành thử, trong kịch bản, đáng nhẽ là đánh nhau với kim cương thì đổi thành cường giả Kim Cương môn, Phật Bà Quan Âm và hai túi thần thì đổi thành bảo vật do lão tổ Kim Cương môn để lại. Tiền Quân Thánh được gã biến thành Hậu Vương Thần, đồng thời nguyên do Liễu Hạnh lâm vào thế yếu cũng là do Hậu Vương Thần nhắm vào người chồng kiếp thứ ba của bà.
Dù sao, ngoại trừ kinh sách của Nội Đạo Tràng ra, thì trong mắt dân gian cái vị Tiền Quân Thánh này cũng chả phải hạng gì tốt đẹp cho cam. Có lắm tích còn chửi thẳng mặt là cái loại chạy theo xun xoe cho vua quan thế tục, không đáng mặt thần linh, chưa kể còn sử dụng mưu hèn kế bẩn.
Lúc này, khán đài cơ hồ tập trung toàn bộ tinh, ý, thần vào sân khấu..
Ngay cả kẻ vốn chỉ coi chuyện này là một cái cớ như Thượng Quan Trường Không cũng không ngoại lệ.
Kịch nói hôm nay lời lẽ bình thường, không có thơ, không có nhạc, cũng chẳng có mấy câu từ hoa lệ. Thế nhưng, trước mắt người xem vẫn hiện lên một Liễu Hạnh sinh động như thật. Từ một thiếu nữ hoạt bát năng động, cho đến khi trở thành một phu nhân trầm ổn thích đùa, nhưng từ bé đến lớn, qua ba kiếp người vẫn không quên sơ tâm ghét ác như cừu cơ hồ nhảy ra khỏi sân khấu, xuất hiện trước mắt người đời.
Khán giả trên từ Trương Hạo, Lý Huyền Thiên, dưới đến các binh sĩ phụ trách tuần tra thủ vệ cơ hồ đều hết sức nhập tâm, cùng khóc cùng cười với Liễu Hạnh.
Cùng khóc, cùng cười, cùng phẫn nộ...
Ngay cả thái tử Đại Sở cũng không ngoại lệ, dù cho phân đoạn Liễu Hạnh trừng trị hoàng tử con vua, nhân vật hoàng tử được Nguyễn Đông Thanh khắc họa cơ hồ không khác mấy so với dáng vẻ hắn vẫn dùng để gặp người đời.
Cuối cùng, vở kịch kết thúc với cảnh Liễu Hạnh ôm hai đứa trẻ cốt nhục của nàng với Đào Lang cho hai nhà sư, và dặn:
“Một trong hai đứa sẽ thành nghiệp lớn.”
Sau đó...
Từng tràng từng tràng pháo tay bắt đầu nhao nhao nổ ra.
Lý Huyền Thiên cười lớn, gật đầu, nói:
“Hay! Hay lắm! Bản hoàng xưa nay ít khi phục ai, nhưng nếu vị Liễu Hạnh là người thật việc thật, thì tính là một người.”
Trương Hạo vuốt râu:
“Hồng nhan hào kiệt, yêu đào anh hùng, xứng là cân quắc anh thư, khí khái tác phong thực là không thua kém đấng mày râu vậy.”
Ngoài miệng khen ngợi, thế nhưng bấy giờ trong lòng lão đang nghĩ:
“Chẳng nhẽ... đấy mới là dáng vẻ của bậc nữ lưu trong tâm Bích Mặc tiên sinh? Thế thì chỉ e đám người kia sẽ không để yên. Ài... tiên sinh ơi là tiên sinh. Lần nào ngài ra tay cũng phải đào căn cơ gốc rễ của người ta lên ngài mới vừa lòng sao?”
Lão là cựu triều thái sư, lại là cường giả Sử Đạo, thành thử cái nhìn cũng không có đơn giản như Lý Huyền Thiên. Võ Hoàng xưa nay chiến lực thông huyền, tùy tâm tùy tính, ở Đại Việt có rất ít chuyện mà y cần phải cân nhắc.
Trương Hạo thì khác...