Đừng nói là Lâm Thanh Tùng, cho dù bản thân Nguyễn Đông Thanh đứng ở đây thì cũng sẽ giật mình hoảng sợ trước mấy quyển sách Phó Kinh Hồng đưa ra.
Không vì nguyên nhân khác, mà là vì mấy quyển sách này sử dụng kỹ thuật hiện đại ở địa cầu để đóng.
Bìa sách không phải giấy không phải vải, không phải lá không phải lụa... đơn giản vì đấy là nhựa mềm. Mà kỹ thuật dùng để vẽ bìa sách đương nhiên không phải thủy mặc chấm phá mà Nho môn vẫn dạy, mà là lối vẽ của truyện tranh, sử dụng bút nước ngòi nhỏ, sau đó in bằng máy. Mang thứ này về cho người của Huyền Hoàng giới xem há lại không bị coi là thần thánh ra tay, người phàm không thể nào vẽ được như vậy hay sao?
Huống hồ...
Chẳng rõ từ lúc nào, nhưng một vài quyển sách dã sử gã viết chơi chơi vì thích đã bị Hồng Vân chuyển thể thành truyện tranh, đóng thành tập hẳn hoi. Hiện giờ đã rơi vào trong tay Lâm Thanh Tùng.
Lâm cựu Tế Tửu giở từng trang, thấy một loạt tranh ảnh sống động như thật, cơ hồ thích thú đến quên cả ăn ngủ. Nét vẽ sắc mảnh có thần, phối hợp thêm một số vòng tròn có đuôi dùng để đánh dấu lời nói của nhân vật. Tuy không sử dụng các loại hành văn tao nhã, chi hồ giả dã của nhà Nho, nhưng thắng ở tính thông tục. Thậm chí, vì lượng chữ ít ỏi mà câu chuyện lôi cuốn, Lâm Thanh Tùng cảm thấy có thể dùng thứ này để dạy người ta đọc sách cũng chưa biết chừng.
Mà lão càng nghĩ, lại càng cảm thấy đây đúng là phong cách hành sự của Nguyễn Đông Thanh. Những quyển sách này đối với cánh văn nhân nhã sĩ như lão thì chẳng có bao nhiêu tác dụng, cũng không được hấp dẫn, nhưng đối với người bình thường mà nói thì quả thật giống như đo ni đóng giày vậy. Lão đọc hết một quyển, vừa lúc nghĩ đến đây, bất giác thảng thốt nhớ lại lần “thể hiện” cầm kỳ thư họa ở thành Cổ Long ngày nào.
“Không ngờ người tìm mình quả thật là Bích Mặc tiên sinh không nghi ngờ gì nữa. Thế nhưng... nếu là y, vậy thì những câu chuyện này hẳn còn có công dụng khác.”
Mấy quyển sách lão nhận được cũng không dài. Bấy giờ lão nhắm mắt, cẩn thận ngẫm lại nội dung vừa đọc.
Sách đầu tiên, cũng chính là kể về một tướng mặc giáp bạc, cầm Bạch Hạc Tùng Vân Đảng, tên là Nguyễn Hữu Cầu. Y và Phạm Đình Trọng là tướng nhà trời, vì đánh nhau mà bị đày xuống hạ giới. Sau đó cơ duyên xảo hợp cùng học một thầy, thi thố tài năng với nhau từ bé. Lớn lên, Cầu giết quan chiếm núi xưng vương, gọi là Quận He. Quận He đánh đâu thắng đó, mãi đến lúc Chúa Trịnh tìm được Phạm Đình Trọng thì mới hàng phục được.
Cầu bị bắt giam trong cũi, đọc bài thơ Chim Trong Lồng rồi chết. Có kẻ canh tù nghe được chép lại, thơ rằng:
“Nhất lung thiên địa tàng thân tiểu
Vạn lý phong vân cử mục tần
Hỏi sao sao luỵ cơ trần
Bận tài bay nhảy, xót thân tang bồng
Nào khi vỗ cánh rỉa lông
Hót câu thiên túng trong vòng lao lung!
Chim oanh nọ vẫy vùng giậu bắc
Đàn loan kia túc tắc cành nam
Mặc bay đông ngữ, tây đàm
Chờ khi phương tiện dứt dàm vân lung
Bay thẳng cánh muôn trùng tiêu Hán
Phá vòng vây làm bạn kim ô
Giang sơn khách diệc tri hồ?”
Lạ nỗi Phạm Đình Trọng sinh sau Cầu ba năm, Cầu chết ba năm thì Trọng cũng cưỡi hạc.
Chuyện thứ hai thì kể về một người tên là Nam Cường, có thuật rải đậu làm binh, nuôi âm binh quỷ tướng, phép phù thủy cao cường. Về sau trong một lần chạy trốn, do dải áo sặc sỡ của vợ thò ra khỏi chỗ trốn mà bị bắt xử trảm.
Sách thứ ba kể về chàng Lía, cũng là kẻ chiếm núi làm vua, cát cứ cả một vùng Truông Mây rộng lớn. Về sau Lía cướp vợ quan về làm vợ, y thị làm nội ứng phá thành từ bên trong mà thua trận. Gã chạy vào trong núi, được một ông cụ kiếm củi cứu mạng cho ăn, bèn tự chém đầu mình đưa cho lão nộp quan để báo ơn. Ông cụ chôn cái đầu của Lía xuống núi, đoạn nhìn ra Truông Mây rồi hết chuyện.
Mà quyển cuối cùng thì đặc biệt hơn cả. Trừ bìa sách và chữ viết nhỏ đều chi chít, dường như là cùng một loại “thư pháp” với lời thoại trong ba quyển trước thì nó đúng là một quyển tiểu thuyết mà lão thỉnh thoảng vẫn xem.
Hơn nữa, sách này còn sớm đã bị liệt vào cấm thư của Huyền Hoàng giới.
Thủy Hử truyện.
Tương truyền sách này xuất phát từ Đại Thục, do Lương Sơn vương cho người sáng tác để quy tụ nhân tâm, lật đổ hoàng thất. Sau đó lại tiến một bước cầm quân càn quét bốn phương, đúc nên bá nghiệp đời đời.
Lương Sơn quân hấp thu nạn dân tứ xứ, đông như kiến cỏ, hung hãn như một bầy châu chấu, quả thật đã chiếm được kinh thành. Mà Lương Sơn vương cũng tự xưng là Cập Thời Vũ, tiến một bước xưng đế.
Về sau, Quan Vân Phi dẫn Quan gia quân trợ giúp vương tử Cảnh xuất chinh, trong một tháng đánh hạ bốn thành, hai quận, mười ba trấn, cũng viết nên khởi đầu trong truyền kỳ của Vạn Nhân Đồ. Vó ngựa Quan gia quân đạp bằng núi Lương, chỉ còn một đỉnh núi thấp – Táng Hoa sơn – là nguyên vẹn. Song... sáu nước thấy Đại Thục vì một quyển tiểu thuyết mà bất ổn, nhao nhao liệt Thủy Hử truyện vào hạng cấm thư.
Từ đó sách này cũng mất tăm mất tích trên Huyền Hoàng giới. Ngoại trừ giáo chúng Trang Bức thần giáo ra, thì duy chỉ có các thư viện lớn là còn biết đến.
Nếu không phải Lâm Thanh Tùng thân là Tế Tửu Quốc Tử Giám, lại là con của viện trưởng lớn nhất Đại Việt thì chắc chắn không thể nào tiếp xúc được đến sách này.
oOo
Vài ngày sau...
Phó Kinh Hồng đúng hẹn đến Thập Lý Đào Viên thì Lâm Thanh Tùng đã đứng chờ sẵn trước cửa lều, mấy quyển sách gã đưa đặt ngay ngắn trên bàn đá. Vừa thấy hắn, lão cựu Tế Tửu đã lên tiếng:
“Phó tướng quân...”
Miệng nói, tay lão cũng đã làm thủ thế mời, bàn tay hướng về một tảng đá nhỏ. Phó Kinh Hồng trả lễ xong, bèn theo lời lão ngồi xuống. Bấy giờ mặt Lâm Thanh Tùng lạnh như tiền, trong mắt hiện rõ vẻ nghiêm túc làm kẻ thân kinh bách chiến như Phó Kinh Hồng bất giác cũng ưỡn thẳng sống lưng.