Sau chuyện của Lê Minh Đức...
Bốn người Trương, Triệu cảm thấy lao động công ích chẳng bằng chạy theo báo ơn vị đại nhân mới đến phủ Chưởng Ấn. Thế là, bốn huynh đệ không cần ai khởi xướng, nhất tề chạy đến xin đầu quân cho Nguyễn Đông Thanh.
Bích Mặc tiên sinh vốn muốn từ chối, nhưng trong thành lại liên hệ bốn người Vương Long, Mã Hổ với Trương, Triệu trong chuyện Bao Công. Thậm chí Hồng Đô được phong Ngự Miêu cũng bị so sánh với Triển Chiêu.
Thế là...
Toàn thành đều nháo nhào, thế gia sĩ tộc cũng vì sự lựa chọn của mình mà âm thầm lau mồ hôi, không ai mà không cảm thấy hãi người với khả năng “tính trước” của Bích Mặc tiên sinh.
Dư luận truyền ra, bốn người Vương Long, Mã Hổ trọng nghĩa trọng tình, Nguyễn Đông Thanh không có lí do gì để không nhận người, cuối cùng đành gật bừa. Cứ như thế, phủ Chưởng Ấn thành Bạch Đế xem như hóa thành phủ Khai Phong bản dị giới.
Về sau, cũng không còn chuyện đại sự nào phát sinh.
Có lẽ vì uy danh “đánh Phật đạo biến dạng” còn như sấm bên tai, lại thêm trước cường thế cách chức con em sĩ tộc, sau thẳng thừng vạch trần anh hùng địa phương, mà từ khi Nguyễn Đông Thanh nhậm chức quan Chưởng Ấn đến giờ, trong thành Bạch Đế cũng không mấy khi xuất hiện án lệ.
Cứ như thể đám tội phạm đều co đầu rút cổ, không dám ra ngoài vậy.
Đối với chuyện này, Nguyễn Đông Thanh cũng chỉ biết nhún vai bó chiếu, vô cùng bất đắc dĩ. Cái loại an ổn này chỉ là bề mặt, trị ngọn mà không trị gốc. Những khối u ác tính này chẳng qua là thu lại chân rết, lẩn vào bóng tối mà thôi. Trừ khi Bích Mặc tiên sinh định cả đời ở đây làm quan, bằng không một khi gã bỏ đi, hoặc lìa đời, đám người này ắt sẽ ngóc đầu trở lại.
Thế nhưng, Nguyễn Đông Thanh lại không thể truy tra quá gắt. Dù sao, nếu không có thế gia sĩ tộc thành nam nhúng tay giúp đỡ thì chuyện của Lê Minh Đức chắc chắn không thể kết thúc nhẹ nhàng như vậy. Tính ra, thì gã còn nợ những người này một ân tình.
Mà nếu nói các gia tộc lớn này không làm chút chuyện trong vùng xám, hoặc ngấm ngầm trong tối làm việc nọ việc kia thì hắn là người đầu tiên không tin.
Thế nhưng, Nguyễn Đông Thanh cũng biết nếu hiện giờ gã mặc kệ chuyện Lê Minh Đức, dứt khoát chí công vô tư tra xét thì lần sau sẽ lâm vào cảnh tứ cố vô thân. Thế gia sĩ tộc kia nếu không ngáng chân, thì cũng tuyệt nhiên không thèm giúp đỡ.
Thành thử...
Tuy tính hắn lười chảy thây, nhưng đoạn thời gian nhàn rỗi này đối với Nguyễn Đông Thanh mà nói quả thực cũng không phải chuyện vui vẻ, chỉ có thể miễn cưỡng ở nhà, cùng Cố Văn đọc một ít sổ sách.
Dù sao, phủ Chưởng Ấn chuyên trị đối nội, ngoại trừ tư pháp, còn phải lo thống kê ruộng vườn, thuế má, nhân khẩu, trang đinh.
Cố Văn được học “chữ số”, sau khi phiên dịch lại sổ sách thì tiết kiệm không thiếu thời gian tra duyệt, cũng như diện tích lưu trữ. Mà Nguyễn Đông Thanh trong khoảng thời gian này cũng có phát hiện của hắn.
Dân số của Huyền Hoàng giới có vấn đề.
Phải biết, từ xưa đến nay nhân khẩu của một nước không phải cứ đẻ nhiều thì tăng, mà bị hạn chế chủ yếu bởi hai yếu tố: tỉ lệ sinh – tử và sức sản xuất.
Tỉ như Việt Nam. Trong suốt chiều dài lịch sử, dân số nước Việt chỉ bồi hồi vào khoảng bốn đến tám triệu. Thế nhưng vừa tiến vào thời đại công nghiệp hóa, phát triển công nghệ y tế nông nghiệp vừa xuất hiện, dân số đã bắt đầu tăng phi mã đến hơn một trăm triệu.
Mà dân số của Huyền Hoàng giới, ít nhất là của thành Bạch Đế, lại có xu hướng giống với tiểu thuyết tiên hiệp mạng.
Dân số vượt qua sức sản xuất quá nhiều.
Một mẫu ruộng ở Bạch Đế thu được một tạ thóc, so với bình quân ở địa cầu thì thua sút hai mươi lần có dư. Thế nhưng, dân số trong thành và các trấn nhỏ, làng mạc chung quanh lại đạt tới con số khiếp người là gần mười triệu người. Phải biết, toàn bộ dân số tỉnh lớn nhất Việt Nam là Nghệ An cũng chỉ có hơn ba triệu rưỡi mà thôi.
Đây là một nghịch lý.
Hơn nữa, gã còn phát hiện, dân số thành Bạch Đế từ đời Nhân Tông Lê Oanh đến nay đều đại khái là con số này, không tăng mà cũng chẳng giảm. Không nói những chuyện tranh giành tài nguyên, tông môn giáo phái thanh toán lẫn nhau xảy ra như cơm bữa. Từ thời Nhân Tông đến giờ, trải qua bao nhiêu đại dịch, bao nhiêu lần triều đình trưng binh đối kháng Hải Thú mà từ dân số đến thuế ruộng thuế người đều không chịu ảnh hưởng chút nào.
Vậy thì người từ đâu mà ra?
Ở Huyền Hoàng giới cũng thực hiện hộ tịch. Trẻ con sinh ra đều phải đến nha môn đăng ký, khai rõ tên tuổi ngày sinh. Không thể nào có chuyện lúc bé không phải nộp thuế đi phu thì trốn không khai, lúc lớn lên lại đùng một cái nhảy ra xin đi lao dịch.
Lấy làm hồ nghi, Nguyễn Đông Thanh mới đem chuyện này hỏi tám người theo sau. Bấy giờ gã mới vỡ nhẽ, là ở Huyền Hoàng giới này người ta cũng mang thai chín tháng mười ngày, mà tỉ lệ sinh cũng không phải cao vượt bậc so với người địa cầu. Song... lại có một ngoại lệ, đó là sau mỗi trận chiến với Hải Thú, hoặc là đại dịch thiên tai, tỉ lệ tử vong của trẻ em cơ hồ hạ về không, mà người ta cũng sinh nhiều đẻ lắm hơn.
Đối với chuyện này, cả tám người đều coi là hiển nhiên, cho rằng ấy là ông trời sắp đặt, để thiên hạ hồi phục sinh cơ.
Nguyễn Đông Thanh biết chuyện sắp tới không hề đơn giản, lại mơ hồ cảm thấy mình sắp sửa động vào đại bí mật nào đó. Xuất phát từ ăn chắc mặc bền, hắn không tiếp tục điều tra chuyện này sâu hơn một bước.
Thế nhưng, lúc này dưới đáy vực sâu biển Phong Bạo, một cơn hải chấn khủng khiếp nổ ra, tạo thành sóng thần đánh vào bờ. Theo đó, từ Đại Yến cho đến Đại Việt, không có nơi nào mà Hải Thú không trở nên điên cuồng rồ dại, áp lực thủ thành của người thiên hạ lại nặng thêm một tầng.
Những chuyện này ngoại trừ một số người nhất định, không ai có thể liên đới được đến Nguyễn Đông Thanh cả.
Thế nhưng, kể từ sau khi Bích Mặc tiên sinh phát hiện dân số Huyền Hoàng giới có vấn đề thì cũng là lúc những ngày an nhàn của hắn kết thúc.
oOo