Lại kể chuyện Lý Thanh Vân.
Sau khi để lại Du Long đao cho Quan Hạ Băng mượn, cậu chàng cũng rời khỏi thành Hải Nha. Vốn kế hoạch ban đầu của hai người Quan, Thẩm là để Lý Thanh Vân truyền tống từ Hải Nha tới Đông Thanh, sau đó chờ truyền tống đến Bằng Sơn Quan. Song, cậu chàng tới thành Đông Thanh rồi mới biết tin Bằng Sơn Quan xảy ra chút chuyện ngoài ý muốn, hiện tại đã đóng cửa truyền tống. Theo như thông báo thì trong thời gian ít nhất là một tháng tới, không thể truyền tống vào Bằng Sơn Quan. Lý Thanh Vân thấy không thể cứ chôn chân ở thành Đông Thanh cả tháng trời được, bèn quyết định cuốc bộ tới Đại Yến.
Dẫu sao, cậu chàng đã cày xong Xạ Điêu Tam Bộ Khúc, khinh công giờ này đã có thể sánh với Trương Vô Kỵ, Vi Nhất Tiếu, chạy bộ còn nhanh hơn người ta cưỡi ngựa. Ở lại thành Đông Thanh chờ đợi còn không bằng tức tốc bắc tiến. Có lệnh tiễn của Quan Hạ Băng trong tay, việc tiến vào lãnh thổ Đại Yến hẳn không thành vấn đề. Nghĩ vậy, họ Lý bèn nhắm về Táng Thi đinh mà đi, định bụng từ đó sẽ kiếm thuyền xuôi về Đại Yến.
Trên đường đi, Lý Thanh Vân cũng dành cả thời gian ra để đọc Tiếu Ngạo Giang Hồ. Kỳ thực, đây là lần thứ hai cậu chàng đọc bộ truyện này. Lần đầu đọc là từ lúc còn ở thành Hải Nha, trước khi xuống biển. Vốn là, vì Nguyễn Đông Thanh đã có nhắc nhở, cậu chàng cũng định bụng đọc tốc độ chậm hơn, còn dành thời gian để suy ngẫm, thẩm thấu.
Song, khoảng thời gian ấy Lý Thanh Vân mới bị Tô Thiên Diện làm cho hoài nghi nhân sinh không lâu, thế nên quyển truyện cũng tự nhiên trở thành một cái phao cứu sinh của cậu chàng. Lại thêm, bản thân Tiếu Ngạo Giang Hồ cũng vô cùng cuốn hút. Thành thử, họ Lý không kiềm chế nổi, chẳng mấy chốc đã đọc hết cả quyển. Thế nên bây giờ y mới đành đọc lại lần nữa từ đầu, lần này với tốc độ từ từ chậm rãi, để cố hiểu hết “các ẩn ý” mà sư phụ “muốn gửi gắm”.
Thế nên, Lý Thanh Vân cũng đã bắt đầu lĩnh ngộ được một số võ học trong Tiếu Ngạo Giang Hồ. Song, trong hai công phu chính của Lệnh Hồ Xung, thì y có hứng thú hơn với Hấp Tinh Đại Pháp.
Bởi lẽ, nếu so sánh với Cửu Âm Chân Kinh, Độc Cô Cửu Kiếm có một hạn chế khiến nó rơi vào hạ phong. Ấy là độ mạnh yếu của bộ kiếm pháp này phụ thuộc quá nhiều vào nhãn lực cũng như kinh nghiệm thực chiến của người sử dụng. Minh chứng rõ ràng nhất chính là việc ba người Lệnh Hồ Xung, Nhậm Ngã Hành, Hướng Vấn Thiên liên thủ vẫn bị Đông Phương Bất Bại hành cho lên bờ xuống ruộng, thắng cũng là thắng hiểm, dùng đến thủ đoạn. Song, nếu khi ấy không phải họ Lệnh Hồ mà thay vào đó là sư thúc tổ của y, thì kết quả có lẽ đã rất khác. Nói cho cùng, Độc Cô Cửu Kiếm khả năng cao cũng chỉ là kiếm pháp Độc Cô Cầu Bại dùng lúc chưa đến 40 tuổi, khi còn chưa dùng Trọng Kiếm tập nội công. Mà khi ấy, Kiếm Ma có lẽ còn đương tự tôi luyện khả năng chiết chiêu giải chiêu. Chả thế mà trong chín thức còn có Phá Khí thức, chuyên trị đấu với kẻ có nội công cao hơn bản thân. Đến lúc y có nội công thâm hậu, chuyển qua Trọng kiếm thì lối đánh đã tinh giản đi nhiều, chắc cũng không cần tới bộ kiếm pháp biến ảo tùy theo địch nhân này nữa.
Ngược lại, Cửu Âm Chân Kinh là tâm huyết cả đời của Hoàng Thường, có thể hiểu là tổng cương võ học cả thiên hạ. Chả thế mà Quách Tĩnh sau khi học được Cửu Âm Chân Kinh thì ngộ tính tăng mạnh, tiếp thu được cả Thất Tinh Bắc Đẩu trận của Toàn Chân giáo rồi áp dụng vào trong võ công. Thành thử, tuy kiếm lý về cuối đời của Độc Cô Cầu Bại, “thảo mộc trúc thạch đều là kiếm”, rồi thì “vô kiếm thắng hữu kiếm” có thể coi là đỉnh cao của võ học, song giá trị bản thân của Độc Cô Cửu Kiếm đối với Lý Thanh Vân đã phần nào lĩnh hội đạo lý của Cửu Âm Chân Kinh – thứ được mệnh danh là tổng cương võ học thiên hạ – thì lại không quá lớn.
Tất nhiên, lãnh ngộ ở đây là nói võ lý thôi, còn họ Lý vẫn hoàn toàn không tu được bất cứ môn nội công nào. Mà tác dụng không quá lớn hay không gây được nhiều hứng thú cũng không đồng nghĩa không có tác dụng gì. Lý Thanh Vân tự biết kinh nghiệm chiến đấu của mình đến đâu, đương nhiên sẽ không chê bôi, coi nhẹ việc có thêm một thủ đoạn phòng thân. Ngược lại, y sẽ vẫn luyện tập, nghiên cứu Độc Cô Cửu Kiếm, và nếu hoàn cảnh thích hợp, cũng sẽ lấy ra sử dụng. Lại nói, cậu chàng hiện tại là sư phụ của Phó Quân Sước, lại mang ơn Phạt Hải Kiếm Thánh Hàn Kinh Vũ. Về tình về lý, Lý Thanh Vân đều có lý do xem xét truyền thụ lại Độc Cô Cửu Kiếm cho cô đồ đệ và Kiếm Trì, coi như là có qua có lại.
Còn Hấp Tinh Đại Pháp thu hút sự chú ý của Lý Thanh Vân bởi lẽ, cậu chàng hiện tại rất giống Lệnh Hồ Xung, đã mất hết nội công. Đương nhiên, cũng không phải không có khác biệt. Dẫu sao, trong thế giới võ hiệp của Kim Dung, nội công thâm hậu chủ yếu cũng chỉ có tác dụng trong chiến đấu và tăng cường sức khỏe. Còn chân khí ở Huyền Hoàng giới. thì lại khác, ngoại trừ trợ lực trong chiến đấu, gần như không có tiện ích nào trong sinh hoạt hàng ngày mà không cần đến chân khí. Thành thử, khi đọc thấy Hấp Tinh Đại Pháp có thể hút nội công của đối thủ biến thành của mình, thì Lý Thanh Vân lập tức thắc mắc, liệu có thể dùng chân khí này để sử dụng các loại vật dụng như nhẫn chứa đồ, Võ Bảng ngọc hay chăng?