Lưu đại tẩu cắn một miếng khoai tây đã được hầm, vừa mềm vừa mịn, nước thịt hòa quyện vào khoai tây, khiến cho một món ăn bình thường trở nên ngon miệng hơn rất nhiều.
Kỹ năng nấu nướng tốt hơn nàng ấy nhiều, thật là khiêm tốn.
Nàng ấy cúi đầu, thấy ba hài tử còn chưa lớn đang ăn ngấu nghiến, cha mẹ chồng ăn đến híp cả mắt.
Mẹ chồng của nàng ấy nói: “Thật là mềm, ngươi cũng ăn đi, đừng có cái gì cũng nhường cho hài tử. Ngày mai đưa qua đó một ít hành tỏi, đừng lấy không của người ta.”
“Vâng, ngài ăn đi.”
“Nương mau ăn đi, thật sự rất ngon đó!”
Lưu bộ khoái cùng mấy hài tử cũng hùa theo.
Lưu đại tẩu cười, nhìn mẹ chồng gắp miếng cuối cùng đặt vào trong bát của nàng ấy.
Nàng ấy cắn một miếng nhỏ, thịt mềm nhưng không bở, nàng chọn loại thịt ba chỉ nhiều mỡ, thơm nhưng không ngấy.
Đêm nay mỗi một hộ ở đây đều có một chén thịt kho tàu, trên bàn ăn của Khương Đường còn có thêm trứng chiên, canh trứng, một chén cá trích hầm đậu hủ, còn có đậu hũ hành hoa.
Đều là món ăn quê nhà nhưng vô cùng phong phú.
Hộ gia đình mà Cố Kiến Sơn nói cũng không lộ ra biểu hiện gì, một nhà có sáu miệng ăn.
Trần đại tẩu thoạt nhìn đã bốn mươi tuổi, có bốn hài tử, cha mẹ chồng cũng ở đây. Ở nơi này, người một nhà thường sống chung với nhau, hài tử trong nhà cũng nhiều.
Khương Đường tính nghỉ ngơi hai ngày, chờ tới giữa tháng sẽ bắt đầu buôn bán.
Nàng đi theo Lục Cẩm Dao lâu như vậy đương nhiên cũng biết cách mở cửa hàng, tất nhiên không có khả năng tự mua cửa hàng cho mình.
Khương Đường muốn tìm người làm chung.
Hiện tại nàng không nghĩ sẽ đi tìm Lục Cẩm Dao, tuy Lục Cẩm Dao có nhiều bạc, tùy tiện ra tay cũng đủ để nàng làm ăn buôn bán.
Nhưng Khương Đường cảm thấy làm như vậy sẽ rất xấu hổ với Lục Cẩm Dao.
Ai làm ăn buôn bán không nghĩ tới chuyện kiếm bạc, nhưng không phải chắc chắn sẽ kiếm được.
Nàng nấu ăn ngon nhưng cũng không chắc sẽ bán được, dù sao cũng phải khiến cho người ta nhìn thấy bản lĩnh của mình trước.
Chén thịt kho tàu này chính là nước cờ đầu.
Người ở đây đều là người Thịnh Kinh, dựa vào bổng lộc của nam nhân trong nhà để nuôi sống gia đình, nữ nhân nhiều lắm cũng chỉ trồng rau, thêu khăn kiếm một chút trợ cấp cho gia đình.
Làm gì có ai không muốn hài tử nhà mình được ăn ngon hơn.
Khương Đường có thể nấu ăn, sau đó dựa vào bọn họ bán ra ngoài, lợi nhuận chia theo phần đóng góp, trước mắt mời một, hai người để xem kinh doanh có ổn không, sau đó mới tính tiếp.
Nàng có hơn tám lượng bạc, hơn nữa còn có quà tân gia, tổng cộng là mười ba lượng bạc.
Mười ba lượng bạc không tính là ít.
Khương Đường nghỉ ngơi tới giữa tháng chín.
Mỗi ngày đều ngủ đến lúc tự mình thức dậy, đi dạo trên đường xem người ta đã kinh doanh cái gì rồi, nói chuyện với hàng xóm, về nhà nuôi chó, thử huấn luyện bọn chúng một chút.
Ngày tháng trôi qua rất nhanh.
Ngày tháng từng sống ở phủ Vĩnh Ninh hầu dường như đã trôi qua rất lâu, làm nha hoàn, kiếm bạc, theo Lục Cẩm Dao mở cửa hàng, còn gặp được Cố Kiến Sơn, cảm thấy những chuyện từng xảy ra này đã cách đây rất lâu.
Nhưng đối với người của phủ Vĩnh Ninh hầu, Khương Đường chỉ mới rời đi mà thôi.
Người không quen nhất chính là người của Yến Kỉ Đường.
Lúc Lục Cẩm Dao đi ngang phòng bếp nhỏ sẽ nhìn qua đó theo bản năng, lúc Tĩnh Mặc đưa bái thiếp cũng sẽ vô thức gọi tên Khương Đường.
Đám người Tĩnh Mặc cũng chưa quen.
Có một nha hoàn mới dọn vào, tên là Nghiêm Hạ, là một cô nương hàm hậu yên tĩnh, nhưng chỉ là một nha hoàn tam đẳng.
Ba người bọn họ vẫn là nha hoàn tam đẳng, đôi khi nhìn vào vị trí cạnh cửa sổ sẽ nhớ tới Khương Đường.
Triệu đại nương cũng nhớ, đột nhiên ít đi một người cũng hơi không quen.
Hơn nữa không có thêm món ăn mới mẻ nào, các món làm được đều đã làm hết.
Khương Đường cũng quen thuộc với người của chính viện và phòng bếp lớn, Trịnh thị còn hỏi Nam Hương, Khương Đường đi lúc nào.
Nam Hương nói: “Mùng sáu đã dọn ra, được vài hôm rồi, nô tỳ có tặng lễ, không biết nàng ở bên ngoài có sống yên ổn không.”
Ngày đó Lục Cẩm Dao nói, trước đây Khương Đường sống rất khổ khiến Trịnh thị hơi tội nghiệp.
Tuy rằng có không ít người bị bán giống Khương Đường, bà không thể nào quan tâm hết, nhưng Khương Đường có chút liên quan với bà.
Người ở chung khó tránh khỏi có cảm tình.
Trịnh thị: “Được rồi, sau đợt này ngươi qua đó nhìn thử xem, nếu sống không tốt thì giúp đỡ nàng.”
Nam Hương bưng cho Trịnh thị một ly trà ô long bạch đào: “Phu nhân yên tâm đi, Khương cô nương biết nấu ăn, nuôi sống bản thân chắc hẳn không thành vấn đề. Hơn nữa nàng còn là người bên cạnh Tứ nương tử, học được không ít bản lĩnh, người từ Hầu phủ chúng ta đi ra sao có thể sống không tốt được.”
Trịnh thị ngẫm lại, chính là đạo lý này.
Đi ra khỏi Hầu phủ thì ít nhất sẽ thấy việc đời, không đến mức dễ dàng bị những lời đường mật lừa gạt. Khương Đường theo Lục Cẩm Dao học quản gia, quản lý cửa hàng, buôn bán, đã từng giao tiếp với rất nhiều loại người. Tay nghề của nàng lại tốt, dựa vào tay nghề sống qua ngày, nuôi sống bản thân tất nhiên là không thành vấn đề.
Bà ấy cần gì phải nhọc lòng.
Trịnh thị cười ảm đạm: “Được rồi, mỗi người đều có số mệnh riêng.”
Con đường do chính mình lựa chọn, cho dù có khó thế nào cũng phải đi tiếp.
Trịnh thị tin vào số mệnh, đầu tháng này lại đi chùa Phổ Đà dâng hương. Bà ấy hy vọng Phật Tổ và Bồ Tát có thể phù hộ cho nhi tử mình, phù hộ cho hắn sống lâu trăm tuổi.
Biết Cố Kiến Sơn bị thương, trong lòng Trịnh thị không còn quá hoảng loạn nữa.
Cố Kiến Sơn nói bất kể là binh lính hay tướng lĩnh đều bị thương, bị thương rồi vẫn có thể chữa lành. Bây giờ vết thương của hắn đã gần như khỏi hẳn.
Cố Kiến Sơn nói, hắn cam đoan sau này sẽ cẩn thận hơn.
Vĩnh Ninh hầu chưa biết chuyện này. Làm phụ thân, ông càng quan tâm đến tương lai của các nhi tử hơn.
Có thăng quan hay không, có làm việc được không, có được Hoàng thượng thưởng thức hay không.
Nói cũng vô dụng.
Trịnh thị sai người đưa không ít dược liệu đến Yến Hồi Đường, không nhắc lại chuyện Cố Kiến Sơn chọn người thành thân nữa.
Trịnh thị nghĩ đến lúc trẻ.
Khi bà ấy gả cho Vĩnh Ninh hầu, Vĩnh Ninh hầu chỉ là một tiểu tướng quân, xuất thân Cố gia ở Nhữ Lâm, rất ít người biết danh tiếng.
Khi đó Vĩnh Ninh hầu luôn ra chiến trường, để bà ấy ở nhà một mình nuôi con, chờ ông trở về.
Cứ chờ đợi như vậy, không biết tin tức truyền về là tin thắng trận hay là tin ông chết trận.
Trái tim luôn thấp thỏm, chẳng mấy khi được ổn định.
Trịnh thị nghĩ, khi nào Cố Kiến Sơn ổn định rồi lại nói chuyện hôn sự.
Mấy nhi tử đầu đã thành thân, hài tử chạy khắp nơi, Trịnh thị không quá trông mong được ôm tôn tử nữa. Con cháu có phúc của con cháu, lời này cũng không sai.
Bà cũng nghĩ tới chuyện Cố Kiến Sơn sớm thành thân, lưu lại con nối dõi, cho dù sau này có xảy ra chuyện gì thì cũng có người nhớ đến. Nhưng thê tử không có trượng phu, hài tử không cha, sẽ thương tâm hơn mà thôi.
Bà ấy có người để nhớ đến, chẳng phải cô nương cùng hài tử kia vô tội hay sao.
Trịnh thị bảo Nam Hương lui xuống, mình đắp chăn nhắm mắt dưỡng thần.
Cứ để vậy đi.
Khí hậu thay đổi khiến cơ thể mệt mỏi, Nam Hương đi vào phòng bếp nhỏ bảo Lý đại nương và Tôn đại nương hầm chút canh bổ cho phu nhân uống. Uống liên tục… canh bổ dưỡng, tổ yến, mùa thu đến rồi, phải bồi bổ thật tốt.
Sau ngày mười lăm tháng chín, thời tiết càng lúc càng lạnh.
Trời lạnh, ăn thức ăn nóng hổi là thích hợp nhất. Khương Đường cho hai con chó nhỏ ăn gan gà luộc và gan heo, tự gói một chén sủi cảo ăn.
Sủi cảo nóng hổi vừa nuốt vào bụng, toàn thân trở nên ấm áp.
Sủi cảo nhân thịt tươi bán ở trên đường có giá năm văn tiền một chén, nhưng chỉ có nhân thịt lợn. Khương Đường nếm xong có thể đoán được cách làm như thế nào, thịt lợn băm nhỏ, trộn gốc hành lá trắng vào, dùng dầu mè nấu lên, rắc thêm chút muối và nước tương, hương vị không tệ.
Quầy hàng bán sủi cảo cũng không nhiều, Khương Đường dự định bán sủi cảo trước xem sao.
Những món ăn khác mà nàng nghĩ đến là bánh trứng, bánh kếp, cứ làm thử trước. Chậm rãi từng bước, nếu bán sủi cảo được thì Khương Đường có thể cân nhắc làm cái khác.
Hơn nữa, hiện tại Khương Đường không muốn quá mệt mỏi.
Nàng có nhà riêng, cho dù nhỏ thì cũng là một nơi cho riêng mình, không cần phải gấp gáp đuổi theo bạc.
Làm việc ở Vĩnh Ninh Hầu phủ, giờ Mão đã dậy, qua giờ Hợi mới trở về. Chính mình làm việc không phải là để tự do hay sao, nếu để bản thân mệt mỏi thì có khác gì đang ở Hầu phủ đâu.
Ngoài ra, nàng cũng không có ý định tự mình đứng bán.
Nàng muốn tìm Lưu đại tẩu ở nhà bên cạnh hợp tác, cứ dựa theo phương thức phân chia trước đó Lục Cẩm Dao làm với nàng. Nàng sẽ đưa ra công thức, tìm các mối cung cấp thịt và nguyên liệu, còn Lưu đại tẩu sẽ hỗ trợ và đứng bán.
Ở chỗ này vài ngày, Khương Đường có vài phần hiểu biết gia đình bên cạnh.
Lưu gia có bốn hài tử, đứa lớn nhất mới mười hai tuổi.
Hài tử mười hai tuổi có thể phụ giúp làm việc, Lưu gia sống dựa vào bổng lộc của Lưu bộ khoái, cuộc sống của cả nhà cũng khó khăn.
Nếu Lưu đại tẩu nguyện ý thì cứ hợp tác phân chia với nàng như vậy, ký văn thư hợp tác là được.
Khương Đường không định bán sủi cảo nhân thịt lợn, cá, mấy loại này chi phí quá cao. Ngon thì ngon thật, nhưng nàng ăn sủi cảo thịt tươi bán trên đường phố cũng không tệ, người có hầu bao rủng rỉnh một chút có thể mua những thứ đắt tiền hơn.
Trước tiên cứ bắt đầu làm ăn nhỏ, nếu bán không được thì lại nghĩ đến việc làm ăn khác. Nếu bán được thì có thể giao toàn quyền cho Lưu đại tẩu, nàng cân nhắc cái khác.
Về phần Trần gia tẩu tử, Khương Đường nghĩ cứ để sau rồi hẵng nói.
Cố Kiến Sơn nói nếu có việc gì thì cứ sang bên kia gõ cửa, theo Khương Đường thấy, có lẽ là có việc gấp thì nên gõ cửa mới đúng.
Nếu như qua Trần gia đề nghị hợp tác thì họ nhất định sẽ gật đầu, nhưng Khương Đường muốn tự mình thử xem. Dù sao thì nàng vẫn còn trẻ, chuyện gì cũng không quá gấp, cho dù không thành công thì mỗi tháng nàng có lợi nhuận từ việc bán bánh nướng trứng chảy, không đến mức quá khó khăn.
Nếu không có lợi nhuận từ việc bán bánh nướng trứng chảy, Khương Đường sẽ phải đợi thêm mấy tháng nữa mới chuộc thân. Nếu chẳng may nàng đi ra ngoài rồi không kiếm được tiền thì sao, nhưng bây giờ có khoản lợi nhuận được chia đó thì khác, cho dù làm ăn thất bại thì nàng vẫn còn đường lui.
Khương Đường đoán chừng nhà bên cạnh sắp ăn xong, múc một chén sủi cảo đi qua gõ cửa.
Lần này một lão thái thái mở cửa, tóc hoa râm chải thành một búi tóc nhỏ, chỉ cài một cái trâm gỗ.
Xiêm y rất bình thường, tay áo có miếng vá nhưng rất gọn gàng chỉnh tề.
Khương Đường cười nói: “Ngài là Lưu gia thẩm phải không, ta là Khương Đường ở nhà bên cạnh. Trưa nay ta làm sủi cảo nhiều nên đưa qua đây một chén.”
Lưu đại nương lại sửng sốt, mấy ngày trước mới ăn thịt kho tàu Khương Đường đưa, hôm nay lại tặng sủi cảo.
Tặng toàn đồ tốt, xem màu sắc hay nhân thịt là biết.
Lưu đại nương vội vàng xua tay từ chối: “Không được, trong nhà đã ăn cơm rồi.”
Vì ăn cơm rồi mới đưa, Khương Đường nói: “Một chén không được bao nhiêu cái, chỉ ăn chơi thôi chứ không no bụng được.”
Nàng không vội nói chuyện làm ăn, còn cách nửa ngày nữa mới tới bữa cơm tối, đủ để người Lưu gia chậm rãi suy nghĩ.
Tặng đồ rồi nhất định sẽ nghĩ đông nghĩ tây, người Lưu gia cũng là người thật thà, nàng đưa một chén thịt kho tàu qua, nhận về một chén trứng gà xào. Đoán chừng buổi tối nấu cơm, bên đó sẽ đưa vài thứ tới đây.
Cho dù không đưa cũng không sao, buổi tối lại sang nữa.
Tuy Lưu đại nương đã lớn tuổi, nhưng không nói lại Khương Đường, mơ màng bưng sủi cảo vào nhà.
Lưu gia đã ăn trưa xong, cơm trắng, khoai tây hầm và cà tím.
Căn nhà Lưu gia lớn như nhà Khương Đường, kết cấu cũng giống, Lưu đại tẩu và công công bà bà ở hai gian chính phòng, ba hài tử ở sương phòng.
Còn tiểu nữ nhi mới hơn một tuổi, ngủ với Lưu đại tẩu.
Lưu gia có hai nhi tử, hai nữ nhi, lão đại mười hai tuổi, ba bốn năm nữa sẽ bàn chuyện cưới hỏi. Nhi tử sắp lấy vợ, một căn nhà chỉ lớn chừng đó nhất định không đủ chỗ để ở.
Lưu đại tẩu rất biết cách sinh hoạt, trong nhà cứ mười ngày sẽ được ăn thịt một lần, nhưng mấy hài tử luôn đói khát giống như sói, cứ tưởng rằng không cho bọn họ ăn cơm, nhưng nói thật, cái này đã mạnh hơn nhiều so với rất nhiều người.
Nàng hỏi bà bà là ai tới, Lưu đại nương nói: “Cô nương vừa mới chuyển tới bên cạnh, tặng một chén sủi cảo.”
Nói xong bà ấy lại gọi tôn tử, tôn nữ ra ăn sủi cảo, nghi ngờ nói: “Không biết tại sao vẫn đưa đồ cho chúng ta, không biết chỉ có chúng ta hay là mấy nhà hàng xóm khác đều có.”
Lưu đại tẩu đang rửa chén, nàng lau nước trên tay, đi vào phòng nhìn, một chén sủi cảo chỉ còn lại ba cái.
Lưu Đại Lang: “Nương, vẫn còn đây này! Nương ăn đi.”
Lưu đại tẩu không nỡ: “Các con ăn đi, nương không thích ăn cái này.”
Một chén nhỏ có tổng cộng sáu cái sủi cảo, ba hài tử một người hai cái, chén nhỏ đã hết sạch.
Ngay cả canh sủi cảo cũng uống hết.
Hỏi có ngon không, ánh mắt sáng như đèn lồng: “Ngon chết mất! Ngon hơn sủi cảo bán trên đường nữa.”
Lưu đại tẩu phi hai tiếng: “Xui xui, nói cái gì mà chết với không chết hả.”
Nữ nhi ôm eo Lưu đại tẩu: “Nương, thật sự rất ngon, còn ngon hơn sủi cảo ăn tết nữa.”