Các đại sư phụ đều đang cố gắng hết sức để thể hiện hết mọi kỹ năng của mình.
Vẫn còn bốn ngày nữa trước khi gia yến diễn ra, vì vậy vẫn phải luyện.
Buổi sáng mấy ngày hôm nay Khương Đường đều ở trong phòng bếp lớn, bốn vị sư phụ được nhìn thấy thịt nổ da giòn, rau trộn măng tây sợi, thịt sợi sốt tương và tôm om cà chua.
Nhìn thấy những món này thì đã có thể hiểu vì sao các chủ tử lại thích ăn đồ ăn Khương Đường nấu.
Ví dụ như món thịt nổ da giòn, mặc dù chỉ đơn giản là chiên giòn trong dầu nóng nhưng ngoài các loại gia vị thì trong thịt còn có hoa tiêu.
Loại hoa tiêu này dùng để hầm thịt nha, cho dù hầm thịt cũng phải dùng miếng vải gói lại thật kỹ, nước dùng phải dùng rây lọc lại cho mịn nếu không thì sợ rằng các chủ tử sẽ không cẩn thận ăn phải.
Thế mà Khương Đường lại dám bỏ trực tiếp vào trong thức ăn, ăn trực tiếp vào miệng.
Các vị sư phụ đã từng nếm thử hoa tiêu, vị của nó quả thực đúng là một lời khó nói hết. Thế nhưng đặt vào trong miếng thịt nổ da giòn này lại ngon bất ngờ, nói một cách văn hoa thì chính là những thứ hợp nhau thì sẽ giúp nhau nổi bật.
Còn thịt thì được đập bằng sống dao và tẩm ướp, còn quết thêm một lớp lòng trắng trứng và bột bắp nên muốn không mềm ẩm cũng khó.
Khi bắt đầu ăn món thịt nổ da giòn này, ta sẽ cảm nhận được độ giòn, xen kẽ bên trong còn có thêm chút vị cay tê, bên trong vị cay tê đó lại có thể ngửi thấy được mùi thịt, thịt được cắt thành từng miếng, mở miệng cắn xuống còn có thể cảm nhận được cách miếng thịt vỡ ra, có thể ăn hơn nửa bát mà không biết ngán.
Các món ăn khác lại càng độc đáo hơn, giống như là đã biết được món này thì phải làm như thế nào, là nấu hay là hầm, phối hợp như thế nào cho ngon, món Khương Đường làm đều có thể ăn một cách thoải mái.
Món duy nhất vẫn chưa được nhìn thấy cách làm chính là vịt quay, Bắc Thành có vịt muối tương và vịt hun khói, không biết món vịt quay này có hương vị như thế nào.
Khương Đường cũng đang rất buồn rầu.
Vịt quay rất khó làm, chủ yếu là do vịt ở đây quá gầy, khi quay sẽ bị khô. Vịt khô khi ăn thì sẽ có một vị khác nhưng vịt quay khi ăn phải có vị béo ngậy và phải có cảm giác tan trong miệng, vị ngọt thơm của bánh xuân quyện trong tương ngọt, hành lá, dưa chuột thái sợi, nhẹ nhàng cắn vào sẽ cảm nhận được hương vị đậm đà mê say.
Nếu không tìm được vịt béo thì chỉ có thể thay bằng món khác.
Vịt béo đến đêm ngày mùng chín Hàn Dư Thanh mới tìm được, mua tổng cộng bốn con.
Khương Đường thử quay một con, hương vị bây giờ mới gần như là giống nhau. Quay một con vịt cho Lục Cẩm Dao ăn một bữa trước, món ăn này khá mới mẻ, mặc dù là mùa hè Lục Cẩm Dao giảm cân nhưng cũng ăn không ít.
Một con vịt được lọc da và thịt, còn lại xương vịt thì làm món canh chua củ cải vịt. Hai mươi sáu món ăn và hai món canh mới đủ cho buổi gia yến bất chợt này.
Từ ngày mùng sáu đến ngày mùng chín, Khương Đường đều bận rộn với công việc. Có đôi khi buổi tối sẽ bán một chút đồ ăn, sau khi trừ đi số tiền đã tiêu hết, cuối cùng cũng tiết kiệm được hơn năm mươi lượng bạc.
Còn có hơn một lượng vàng, là hạt dưa vàng và đậu phộng vàng, còn có một con thỏ vàng.
Con thỏ rỗng tuếch, trị giá hai đồng nhưng lại rất đẹp.
Ngoài ra, có một số thứ không phải là bạc nhưng có thể bán lấy tiền. Một chiếc trâm cài tóc hoa hải đường, một đôi vòng tay hoa sen, một đôi bông tai ngọc trai và một chiếc trâm cài khảm hoa hồng.
Những thứ này nếu đem bán thì ít nhất cũng được năm mươi lượng bạc, như vậy thì tổng cộng nàng đã có một trăm lượng bạc.
Nhưng một trăm lượng bạc vẫn chưa đủ thuê một cái cửa hàng có mặt bằng ra hồn trong ba tháng.
Khương Đường cất bạc đi, tiết kiệm tiền là tiết kiệm tiền, nhưng không thể lúc nào cũng so sánh trên dưới, nàng so với bên trên thì không đủ nhưng so với bên dưới thì vẫn có thừa. Lấy những nha hoàn trong Hầu phủ làm ví dụ, có bao nhiêu người trong số họ có thể nhân được nhiều tiền thưởng như vậy giống nàng đâu.
Cứ để dành từ từ là được, mới chỉ có hơn một tháng mà thôi.
Ở phía bên kia, đại quân triều đình đã di chuyển được hơn 160 dặm.
Cố Kiến Sơn lãnh quân, tiện đường diệt sạch hai ổ thổ phỉ trên đường đi. Đại quân có lúc hành quân ban ngày, có lúc hành quân ban đêm, khi dựng doanh trại, hỏa đầu quân trong quân đội sẽ chịu trách nhiệm lo cơm nước cho ba vạn đại quân.
Mấy ngày trước, các tướng sĩ vẫn còn lương khô mang theo nhưng mới hai ngày đã ăn hết.
Thứ nhất là không mang theo nhiều, thứ hai là sợ khi thời tiết quá nóng sẽ bị thiu nên cũng phải cố ăn xong thật nhanh.
Mấy ngày nay, hỏa đầu quân đều chỉ chưng màn thầu và nấu những nồi đồ ăn lớn. Thịt vừa tanh vừa ít, nhưng không phải đang trong thời kỳ đánh trận nên không cần thiết phải ăn ngon làm gì.
Cố Kiến Sơn ăn rất nhiều, mấy ngày nay đều ăn cơm cháy và bánh nướng.
Hắn đã ăn hết miếng bánh nhỏ màu trắng vừa giòn vừa xốp kia, chỉ còn thừa lại bánh nướng và miếng cơm cháy.
Lúc tròng trành nên chui tọt xuống dưới đáy bọc, tuy nhiên không chiếm diện tính nhiều còn rất nặng.
Nếu là những công tử khác của phủ Vĩnh Ninh Hầu phủ, ngày nào cũng ăn một thứ như vậy nhất định sẽ phát ngán. Nhưng Cố Kiến Sơn thì khác, lúc đánh trận lương thảo không đủ, cái gì hắn cũng đã từng ăn qua, huống chi thứ này giòn giòn ăn cũng rất ngon.
Lúc ăn không cần màn thầu, múc một bát canh rau, liền dùng đồ ăn ngâm vào trong canh để ăn.
Bên trong ngũ hương vị không có thịt, hương vị kia phải nhai kỹ nuốt chậm mới cảm nhận được. Trong vị cay có thịt thái hạt lựu, Cố Kiến Sơn nhìn thấy không nỡ ăn, muốn để dành ăn sau. Trong bánh nướng cũng có thịt, dầu cũng không cho nhiều như cơm cháy, mỗi ngày ăn một cái, hình như có hơn bốn mươi cái, vẫn còn rất nhiều.
Lương khô của người khác mang đến hoặc là đã hết hoặc là bị thiu, chỉ có của Cố Kiến Sơn là còn chưa bị hỏng.
Hắn ăn Minh Triều cũng ăn, Minh Triều cũng cảm thấy rất kỳ lạ, lại sợi vì cho vào quá nhiều gia vị nên không cảm nhận được vị hỏng, nhưng hai người cũng không bị tiêu chảy.
Xem ra là có thể để lâu, nhưng càng để lâu thì càng khô, ăn vào có chút ê răng.
Lúc Minh Triều ăn cũng phải tốn sức nhai vài cái, thật sự không thể nhai được nữa thì lại thả vào canh: “Càng ngày càng khô.”
Cố Kiến Sơn: “Càng để càng khô không phải là đúng sao, không thể tệ hơn được nữa.”
Hắn nhìn chiếc bánh trong canh, chợt nghĩ đến một việc.
Những thứ này có thể ăn được trong lúc đánh trận không?
Vấn đề khó khăn nhất trong lúc đánh trận chính là lương thảo, khó vận chuyển là một chuyện, có những tên thổ phỉ không có mắt, đến lương thảo cũng dám cướp. Khi hành quân đánh trận, không phải là nơi nào cũng có điều kiện để nấu nướng, nếu có món nào vừa tiện vừa ngon, hỏa đầu quân có thể tranh thủ làm trước lúc rảnh rỗi, đến khi đó thì nấu chút canh nóng liền xong một bữa cơm.
Vận chuyển thứ này cũng dễ, không sợ bị dập, không sợ hỏng, giống như thịt và rau vào mùa này rất dễ bị hỏng.
Cho dù là để khô thì nấu canh nóng ngâm vào là có thể mềm.
Cũng không biết làm ra được một miếng cơm cháy thì cần bao nhiêu gạo, làm ra bằng cách nào.
Nếu như không chỉ dùng gạo dùng bột mì thì những lương thực khác có thể làm hay không.
Khi ăn Cố Kiến Sơn có thể cảm nhận bên trong có gạo và hạt kê, nhưng nếu cho thêm khoai môn và khoai lang rẻ tiền hơn vào thì sẽ không đắt như vậy.
Có thể cho thêm rau vào được không, các tướng sĩ lâu không ăn rau sẽ sinh bệnh. Không chỉ phải ăn rau, mà phải ăn cả thịt. Cơm cháy này điểm nào cũng tốt, chỉ là bên trong không có rau.
Cố Kiến Sơn cầm mấy cái đưa cho Minh Triều, “Ngươi đi phát cho Đô úy phía dưới mấy cái, để họ nếm thử, còn có bánh nướng này nữa.”
Lần này Cố Kiến Sơn không keo kiệt, lấy ra không ít.
Trong miệng Minh Triều vẫn đang ngậm một miếng cơm cháy, nói chuyện không rõ:”Thuộc hạ lĩnh mệnh.”
Đại quân dựng trại tạm thời ở trong rừng, nồi canh lớn đã được nấu chín, chỉ còn màn thầu là phải đợi một chút.
Thấy có lương khô, không nói hai lời đã cầm lấy ăn luôn.
Thứ Cố Kiến Sơn dùng để ăn trên đường đi đương nhiên là đồ tốt, bên trong bỏ nhiều dầu và thịt, gia vị đều dùng loại tốt. Lúc mới ăn vừa thơm vừa ngon, nhai rôm rốp.
Ngoại trừ Cố Kiến Sơn, các Đô úy phía dưới đều là người xuất thân nghèo khó, ít khi thấy đồ tốt, lần này đóng quân ở Tây Bắc chỉ mang theo bánh rán, có người từ Lục Thành còn mang theo hành tây, bánh nướng cuộn hành tây, vị cũng khá được.
Ăn cơm cháy với thịt khô được Cố Kiến Sơn phân phát lúc đầu, thêm một bát canh rau, cái bụng đói kêu vang cuối cùng cũng có thể được xoa dịu.
Sắp ăn xong, nhóm hán tử thô kệch bọn họ mới nhớ tới hỏi: “Này, Minh triều, hỏi Cố tiểu tướng quân xem thứ này là mang từ nhà đi sao, đã để bốn ngày rồi nhỉ, mà vẫn giữ được mùi vị này à?”
Minh Triều nói: “Thứ này là do Huynh trưởng của tướng quân nhà ta gửi đến nên mới giữ được mùi vị này.”
Khi hành quân đánh trận không chỉ phải nghĩ làm sao thắng trận, mà còn phải lo lắng về cái ăn. Sau khi thương lượng với Đô úy phía dưới và hỏa đầu quân, Cố Kiến Sơn liền nâng bút viết một lá thư gửi về nhà.
Nội dung đại khái là đã hành quân được mấy ngày, đồ vật gửi đến đều đã nhận được, lúc huynh nhận được thư hẳn là đệ đã đến Tây Lĩnh. Lại hỏi thăm sức khỏe của Vĩnh Ninh hầu và Trịnh thị, sau đó mới viết đến mục đích của bức thư.
—— Sơn có chuyện cần nhờ, lương khô Tứ tẩu mang tới đã trữ mấy ngày, có thể dùng cải trắng, củ cải, hạt đậu, khoai lang… Những thứ này có thể dùng làm lương khô, cất trữ lâu dài…
Viết đến dòng cuối cùng, Cố Kiến Sơn hơi dừng lại, một giọt mực theo ngòi bút chảy ra.
Hắn biết những thứ này là do Khương Đường làm, sau này nếu cái này có thể cần dùng đến thì ban thưởng của triều đình sẽ chỉ trao cho Lục Cẩm Dao, cho Vĩnh Ninh hầu phủ chứ không phải là trao cho Khương Đường.
Đây chẳng khác nào là cướp công.
Cố Kiến Sơn nhìn những binh sĩ đang bưng bát ăn, bọn họ chính là những tiểu tử vắt mũi chưa sạch, dốc toàn lực lao về phía trước, ai cũng không biết lần này đi còn có thể trở về hay không.
Khương Đường ở Vĩnh Ninh hầu phủ sao có thể không giống những binh sĩ này, công lao do bản thân tốn sức giành được nhưng phần chính chính chỉ cấp cho bên trên.
Sao mà khó khăn.
Cuối bức thư, Cố Kiến Sơn lại bổ sung thêm một câu, việc này vô cùng hệ trọng, nếu có thể thành, xin thay Sơn cảm tạ đầu bếp.
Hắn viết đầu bếp, Lục Cẩm Dao có lẽ sẽ không đoán được hắn biết người làm đồ ăn là Khương Đường.
Lục Cẩm Dao là người tinh ý, nếu như tứ ca của hắn đọc thì sẽ không nghĩ ra được gì.
Thư của Cố Kiến Sơn đã phái người ra roi thúc ngựa đưa về Thịnh Kinh, dựng trại tạm ở trong rừng nghỉ ngơi một đêm, sáng sớm hôm sau đã lên đường. Vào ngày mùng 10 tháng 5, có quân đội chạy đến Tây Bắc, có người ngồi xe ngựa hồi kinh.
Xe ngựa từ Tương Thành Tây Nam trở về dừng lại ở trước cổng chính của Vĩnh Ninh Hầu phủ.
Gã sai vặt Hầu phủ đã đứng canh trước cửa thành từ sớm, khi xe ngựa vào thành liền vội vàng trở về bẩm báo. Nhóm người Trịnh thị thu dọn đồ đạc xong liền đợi ở cửa, nhị nương tử Hứa thị và Hàn thị một trái một phải đứng ở bên cạnh Trịnh thị, Hứa thị rất ít khi ra ngoài, vì chờ Cố Kiến Thủy trở về nên đã cố ý trang điểm.
Lục Cẩm Dao đang mang thai, hơn nữa thêm việc chuẩn bị gia yến nên hiện tại người đang ở chính viện. Vân thị cũng ở chính viện hỗ trợ, đồ ăn, điểm tâm, trà, rượu… mọi thứ đều phải được chuẩn bị đầy đủ.
Vốn dĩ lần trước khi Cố Kiến Sơn trở về cũng đã chuẩn bị như vậy một lần, nhưng Cố Kiến Sơn đã trở về sớm một ngày, buổi tối đã dùng cơm cùng với mọi người.
Đợi ở cửa ước chừng nửa khắc, hai chiếc xe ngựa liền chạy từ đầu đường vào.
Người đánh xe vẫn là người của Hầu phủ, một người khác là gã sai vặt của Cố Kiến Thủy.
Hai chiếc xe ngựa chậm rãi dừng lại, gã sai vặt nhảy xuống đầu tiên, sau đó chuyển ghế dẫm đặt ngay ngắn, “Nhị gia, đã đến rồi, phu nhân và nhị nương tử đều đang đang chờ.”
Rèm xe được vén lên, Cố Kiến Thủy từ trên xe bước xuống, mỉm cười nhìn thoáng qua Hứa thị rồi vươn một tay vào trong.
Đám người còn đang đắm chìm trong niềm vui khi Cố Kiến Thủy trở về thì nhìn thấy Cố Kiến Thủy nắm một bàn tay trắng nõn yêu kiều, dẫn một phụ nhân xinh đẹp từ trên xe bước xuống.
Phụ nhân này búi tóc, bên tóc mai cài một chiếc trâm bạch ngọc, lông mày thanh mảnh, đôi mắt to tròn, dáng người mảnh khảnh, làn da vô cùng trắng nõn.
Một nha hoàn đi theo phía sau, dẫn theo một tiểu công tử thắt bím tóc.
Nhưng mà chỉ hơn một tuổi, vừa tập tễnh biết đi, loạng choạng đi theo phía sau Cố Kiến Thủy và phụ nhân xinh đẹp.
Hứa thị run rẩy một hồi lâu, vẫn chưa lấy lại tinh thần cho đến khi Cố Kiến Thủy đưa phụ nhân tiến lên hành lễ.
Nàng vô thức nhìn về phía Cố Kiến Thủy, chỉ cảm thấy người bên gối mình đã xa lạ đến mức khiến người ta không nhận ra được.
Đầu óc nàng quay cuồng ong ong nhìn Trịnh thị với ánh mắt tựa như đang cầu xin giúp đỡ, trong lúc nhất thời Trịnh thị cũng không phản ứng đến.
Cố Kiến Thủy quỳ trên mặt đất, lặp lại lời nói, “Mẫu thân, nhi tử ở bên ngoài không thể tận hiếu, hôm nay mang Nguyệt Nương và Duệ ca nhi đến thỉnh tội.”
Trịnh thị nói: “Con đứng lên đi, Nam Hương, ngươi mang hai vị này từ cửa hông đi vào, đừng để người khác chê cười.”
Trịnh thị nâng cằm lên, liếc nhìn hai người đang quỳ bên cạnh Cố Kiến Thủy.
Nguyệt Nương ôm Cố Ninh Duệ, sắc mặt càng trắng hơn. Cố Kiến Thủy sợ hãi đến mức quên sạch những gì người lớn dặn nó kêu tổ mẫu trước đó.
Hứa thị thở phào nhẹ nhõm, bàn tay đỡ Trịnh thị hơi siết chặt: “Mẫu thân, bên ngoài nóng, chúng ta đi vào thôi.”
Cố Kiến Thủy còn muốn lên tiếng, Trịnh thị lạnh mặt, “Nếu ngươi muốn vào từ cửa hông với bọn họ thì không có ai ngăn cản ngươi.”
Nguyệt Nương giật tay áo Cố Kiến Thủy, lắc đầu với hắn.
Cố Kiến Thủy vừa về đến thì đã có gã sai vặt đem tin tức đến chính viện.
Bạch Vi nghe được rõ ràng, kể hết cho Lục Cẩm Dao nghe, “Nhị gia trở về còn mang theo một ngoại thất, dẫn theo một nam oa hơn một tuổi. Sắc mặt nhị nương tử rất tệ, phu nhân bảo hai người kia đi vào bằng cửa hông.”
Gia yến tổng cộng có mười sáu người, trước kia các thiếu gia trong phủ cho dù còn ở trong tã lót vẫn có nhũ mẫu ôm.
Nhưng người này cũng không coi là tiểu công tử.
Lục Cẩm Dao: “Phân phó xuống, gia yến vẫn sẽ tiếp tục như thường lệ.”
Nếu đã đi vào bằng cửa hông thì ngay cả thiếp thất cũng không bằng, cũng không cần phải hòa nhã với người này. Nếu Cố Kiến Thủy không đi theo nàng ta vào bằng cửa hông thì trong lòng hắn, Hầu phủ đương nhiên quan trọng hơn.
Gia yến vẫn tổ chức như thường lệ là được.
Lục Cẩm Dao vuốt chiếc trâm ở giữa tóc mai, cảm thấy Cố Kiến Thủy người này đúng thật là ngu ngốc. Hứa thị vì chuyện này mà lo lắng, Lục Cẩm Dao cũng cảm thấy thực sự không đáng.
Một thứ đồ chơi ngay cả thiếp cũng không phải, hài tử của nàng ta cũng không thể nào lên được gia phả, có gì mà phải kiêng kị.
Tuy nhiên, sợ là cũng sẽ cảm thấy đau lòng.
Sau khi Cố Kiến Thủy vào phủ, hắn trở về Yến Minh Đường rửa mặt, thu dọn trước, sau đó mới đi đến chính viện. Nguyệt Nương và Cố Ninh Duệ được an trí ở trong sương phòng của chính viện, căn bản không được dẫn đến Yến Minh Đường.