Xuyên Thành Nha Hoàn Của Nữ Chính Ta Nằm Yên Làm Giàu

Chương 74



Cố Kiến Hiên: “Thế thì tốt quá, nghe mẫu thân đệ nói, Ngũ ca học hành cũng rất tốt, nhưng tòng quân rồi.”

Cố Kiến Sơn cụp mắt, nghiệp học thuật có chuyên môn, thứ mà hắn học đã uống gió cát Tây Bắc từ lâu, bây giờ chỉ xem binh thư.

“Đều là chuyện ngày xưa thôi.”

Hai người tập trung nói chuyện, người phía trước đã đi xa.

Đám người ở quê nhà đã được yên ổn ở Thọ An Đường, đi xe mệt nhọc, sau khi rửa mặt xong thì đến sảnh chính dùng cơm.

Trên đường đi, Cố lão phu nhân trò chuyện với Trịnh thị và mấy cháu dâu. Người thế hệ trước chỉ hy vọng con cháu đầy đàn, sum vầy, không có yêu cầu gì khác.

Trưởng tử làm quan thanh liêm, làm con hiếu thuận. Lão nhị có tài, đánh trận giành được quân công, những đứa con khác nay cũng yên ổn, đám cháu trai cháu gái cũng có tiền đồ, bà cụ chỉ hưởng phúc là được.

Bên này ung dung từ tốn nói chuyện nhà, bên khác thì phòng bếp lớn đang truyền món ăn, sửa soạn món ăn một cách trật tự.

Khương Đường thêm một cái bệ bếp ở phòng bếp lớn, Triệu đại nương giúp nàng một tay. Tôn đại nương và Lý đại nương chiếm một cái, những đầu bếp khác thì làm mấy việc như thái thức ăn, chuẩn bị đồ ăn.

Tính cả người ở quê đến thì tổng cộng có hai mươi mốt người trên bàn ăn, thế nên hôm nay chuẩn bị hai bàn ăn. Nam một bàn, nữ một bàn, chia chỗ mà ngồi.

Mỗi bàn hai mươi sáu món. Món nguội được đưa lên đầu tiên, có món thịt bò kho sở trường của đại sư phụ, thịt bò không dễ có được, nghe nói Cố lão gia thấy món này ngon miệng nên đã cố gắng mua thịt bò về. Còn có tôm rang Khương Đường làm, con nào con nấy giòn rụm.

Ai cũng trổ tài.

Món nóng có nõn tôm xào Long Tỉnh hai ngày trước, phật nhảy tường, lươn xào, chân giò hầm, canh gà bong bóng cá… Khương Đường nhớ Lục Cẩm Dao nói hai vị lão nhân gia đã cao tuổi, phải ăn đồ dễ tiêu nên làm một món thạch sữa gừng đậu đỏ.

Món này không cần nhai, dùng thìa con xúc bỏ vào miệng, vừa ngậm đã tan ngay.

Còn món thịt nổ da giòn, vốn phải cho thêm tiêu vào, nhưng sợ kiêng khem nên không dám cho vào.

Đoàn người Cố lão phu nhân đi vào lúc giờ Dậu, qua nửa giờ Dậu thì bắt đầu ăn, đến giờ Tuất thì tất cả các món mới được đưa lên hết.

Sau khi bận rộn xong, Trần sư phụ đi ra sau rửa mặt. Mùa hè nóng bức nên trong bếp càng nóng hơn, bức bối hơn cả xửng hấp.

Trần Đại nói: “Nghỉ ngơi chút đi, đói thì tự tìm cái ăn.”

Hắn tiện tay lấy quả dưa chuột lên gặm, ăn thứ này là giải khát nhất.

Bận rộn cả ngày trời, đến nhúc nhích còn chẳng buồn nhúc nhích, Khương Đường phe phẩy chiếc quạt hương bồ, nàng nên mau chóng quay về, chốc nữa phòng bếp lớn còn phải nấu cơm cho đám nha hoàn sai vặt, Yến Kỉ Đường và còn cả một đám dê con gào đòi ăn.

Khương Đường nói: “Trần sư phụ, tự mình mang về làm đi. Chứ nổi lửa tiếp thì nơi này thật đúng là cái xửng hấp.”

Đều đến giúp đỡ nên lấy ít hay lấy nhiều phần thừa cũng có thể.

Càng là yến tiệc lớn, làm gấp rút thì đồ thừa càng nhiều, đây cũng là cơ hội tốt để đám đầu bếp kiếm chác béo bở.

Ví dụ như, Khương Đường nấu cá viên, một con cá trừ đầu cá không cần đến thì những phần thịt khác đều có thể dùng. Phòng bếp lớn nấu cá viên, chỉ lấy phần thịt mềm nhất chỗ bụng cá, không cần những phần khác. Những thứ còn thừa hiển nhiên sẽ không dùng để nấu canh, các đầu bếp nấu canh chỉ dùng phần thịt ngon để bảo đảm hương vị.

Phần thịt gà, xương sườn khác thì chỉ tìm những chỗ thịt trông gọn gàng đẹp mắt.

Khương Đường thích tiệc lớn nhất, đến ngày mười sáu thì chắc chắn đồ dư lại còn nhiều hơn.

Hôm nay nàng làm món chân gà da nổ. Nàng đã muốn làm từ lâu nhưng hiện giờ không bán riêng lẻ chân gà nên món này vẫn luôn hoãn lại.

Nhưng thấy đại sư phụ nấu ăn đôi khi một món chỉ dùng một phần nhỏ, đương nhiên Khương Đường trông thấy cũng sẽ không tốn hơi nói đại sư phụ xa hoa phung phí, dù sao thứ thừa lại không bị vứt đi thì có gì lãng phí.

Thế nên giết mười mấy con gà làm cánh gà ninh với chân gà da nổ, thừa lại đều là phần thịt gà ngon.

Trần Đại nói: “Thế cũng được, bản thân muốn ăn gì thì cứ lấy cái ấ.y, quay về làm đi.”

Hắn cũng mệt, lát nữa phụ bếp còn phải nổi lửa nấu cơm cho đám sai vặt, nha hoàn, về sớm chút cũng thoải mái.

Phòng bếp lớn do Trần Đại đứng đầu, những trù nương của các viện khác tới giúp đỡ, tuy hắn nói như thế cũng không dám lấy nhiều.

Mỗi người lấy một con gà, chút cá cũng hết.

Đến lượt Khương Đường, Trần Đại cất lời: “Lấy thêm chút đi, còn nhiều.”

Ngoài gà, vịt, cá, thịt, còn có rau xanh, rau khô ngâm nở ra không dùng đến. Để đến ngày mai thì mùi vị không ổn nữa, hôm nay phải ăn hết.

Thi thoảng, Trần Đại sẽ cố ý làm nhiều hơn, chỉ dựa vào bạc tháng thì làm sao nuôi sống cả nhà, nhưng như thế cũng chả vẻ vang gì.

Đã nói như vậy, Khương Đường không khách sáo nữa.

Nàng lấy một con gà, nửa con vịt, hai khúc cá còn thừa, ba con hải sâm, hai con bào ngư, ba con cua nước.

Cũng lấy một ít rau khô ngâm nở, lấy xong thì khách khí nói: “Trần sư phụ, sáng mai ta lại qua giúp.”

Trần Đại cũng khách khí đáp: “Khương cô nương đi từ từ.”

Triệu đại nương không dám lấy nhiều, một con gà, nửa con cá, thấy Khương Đường đầy tay thì nghĩ thầm thật đúng là có bản lĩnh.

Người có bản lĩnh thì đến đâu cũng được ưa thích.

Món chân gà da nổ kia, bà cũng nếm lúc thử đồ ăn, thật sự vào miệng là tan ngay, có độ cay tươi, còn có cảm giác dai sền sệt giống như ăn chân giò heo, không hề giống chân gà gầy còm ở con gà nướng ngày trước.

Khương Đường: “Quay về xào mấy món này, làm hết đi, để đến ngày mai cũng không còn tươi nữa.”

Triệu đại nương hớn hở đáp: “Được, con gà này với cá cũng có thể hấp cả một chảo to, ta sẽ rán những cái khác. Mấy ngày nay ta học được không ít thứ, xem tay nghề đảo muôi của Trần sư phụ. Nói thế nào nhỉ, thu hoạch được rất nhiều điều!”

Khương Đường đã hào phòng làm hết mấy thứ này nên bà cũng không thể keo kiệt, hôm nay dù không mang về nhà thì lát nữa cũng no nê.

Lũ dê con ở Yến Kỉ Đường trông ngóng mỏi mòn, thấy Khương Đường và Triệu đại nương thì chạy đến vây quanh hai người: “Được về rồi, nhớ hai người quá đi!”

Trù nương trong viện vừa ra ngoài giúp đỡ thì đám nha hoàn đã chờ mong, không đợi cũng được, có thể tự mình nhóm lửa nấu. Nhưng tự Lục Anh nấu thì vẫn không ngon được như Triệu đại nương.

Thế nên cũng cam lòng chờ đợi.

Khương Đường: “Ta thấy là đói chết rồi ấy nhỉ, chặt gà với xương sườn ra thành miếng trước đã, những món khác thì chia ra, đã nấu cơm xong chưa?”

Bội Lan gật đầu: “Đã làm xong từ sớm rồi, Hoài Hề tỷ tỷ với Bạch Vi theo đại nương tử ra ngoài, hẳn là chốc lát không về đâu.”

Khương Đường bảo: “Thế thì để cơm lại cho bọn họ.”

Lúc nàng ở Yến Kỉ Đường, bất kể về muộn thế nào thì trong nồi luôn có đồ ăn.

Khương Đường đi rửa mặt rồi vào phòng bếp nhỏ với Triệu đại nương.

Có mấy người Lục Anh giúp một tay nên nấu rất nhanh, bên này ăn cơm thì bên sảnh chính cũng mới vừa ăn được một lúc.

Nam nữ chia nhau ra ngồi, ngoại trừ Cố Ninh Dư của nhị phòng còn quá nhỏ tuổi nên không thể uống rượu, những người khác đều uống một ít.

Những ngày kiểu này, phải uống rượu.

Vĩnh Ninh hầu cực kỳ vui, lấy rượu ngon mà mình giấu kỹ nhiều năm ra: “Tiếc là đại ca không tới, nếu không thì chắc chắn không say không về.”

Cố lão gia cũng tóc bạc đầy đầu nhưng thế đứng vẫn thẳng tắp, hơn sáu mươi tuổi vẫn đầy năng lượng.

Ông cụ nói: “Đại ca con bận rộn việc công không rời, cũng là chuyện hết cách.”

Đại bá Cố gia theo văn, Vĩnh Ninh hầu theo võ, con cái mỗi đứa một sở trường riêng, đứa nào đứa náy thành tài nên Cố lão gia vô cùng mãn nguyện.

Cố Kiến Phong là con trưởng nên kính rượu trước, hắn tự mình rót rượu cho Cố lão gia: “Tổ phụ bộn bề công việc mà vẫn bỏ thì giờ để đến, tôn nhi lòng vui xiết bao. Xin kính tổ phụ một ly trước.”

Cố lão gia vỗ vai Cố Kiến Phong dặn dò vài câu, sau đó uống một hơi cạn sạch rượu: “Chớ đừng phụ lòng mong mỏi của phụ thân con, phải làm quan tốt.”

Mấy đứa cháu trai thay nhau kính rượu, Cố Kiến Sơn đứng hàng thứ năm, là người cuối cùng.

Đến lượt hắn, nha hoàn phía sau rót tràn chén rượu.

Cố Kiến Sơn bưng chén rượu lên, trên người hắn có vết thương, thái y nói không thể uống rượu nhưng hắn không nghĩ ra lý cho từ chối trong trường hợp này.

Vừa mới cầm rượu lên, Trịnh thị cách bức rèm che đang ngồi ở bàn khác bèn nói: “Lão Ngũ đừng uống, lát nữa còn có chuyện để con làm.”

Cố Kiến Sơn không biết là chuyện gì, Vĩnh Ninh hầu hơi ngạc nhiên, Cố lão gia không quan tâm, xua tay bảo rằng: “Uống rượu hỏng việc, người một nhà không để tâm mấy nghi thức xã giao này, con đừng uống nữa.”

Cố Kiến Sơn đặt chén rượu xuống: “Vậy tôn nhi lấy trà thay rượu, xin kính tổ phụ một ly.”

Nha hoàn lập tức đổi chén trà, hắn bưng nước trà uống cạn, Cố lão gia cười hì hì uống rượu.

Kiểu trường hợp như này, nam nhân uống rượu ăn thịt, nữ nhân ở bàn kia uống trà hoa quả, vị chua chua ngọt ngọt, còn được ướp lạnh, khai vị giải nhiệt.

Ninh thị thăm hỏi tình hình đám tiểu bối ở hầu phủ, biết có vài đứa cháu được thăng quan tiến chức, được coi trọng thì trong lòng vô cùng vui: “Cả nhà đồng tâm hiệp lực thì cơ nghiệp của phủ sẽ ngày càng cường thịnh.”

Hầu phủ này còn lớn hơn Cố gia ở Nhữ Lâm, nha hoàn và đầy tớ theo hầu lui tới không phải là thứ mà nơi bé nhỏ so sánh được. Chỉ nhìn gia yến cũng đầy đủ hơn ở quê.

Điều này càng khiến cho suy nghĩ để nữ nhi ở lại Thịnh Kinh của Ninh thị thêm kiên định.

Mấy nhi tử trước của Ninh thị đã lập gia đình, chỉ còn một nhi tử và nữ nhi là Cố Kiến Hiên và Cố Tương Quân chưa định chuyện hôn sự. Cố Kiến Hiên phải chuẩn bị cho kỳ thi mùa xuân nên không vội, theo lý mà nói Cố Tương Quân mới mười ba cũng chẳng cần vội vã gì, nhưng sớm gặp sớm chọn, kẻo người tốt bị người khác chọn mất, gặp được người phù hợp là có thể định hôn sự trước.

Ăn cơm xong, nói chuyện thêm hai khắc nữa, Trịnh thị thấy Lục Cẩm Dao hơi mệt bèn bảo nàng đi về trước.

Mấy người con dâu khác cũng lần lượt rời đi.

Tiểu bối đã đi hết, Ninh thị có thể nói chuyện mà không cần lo lắng.

Giọng điệu của Ninh thị chứa mấy phần ngưỡng mộ: “Trước đây không cảm thấy, nhưng bây giờ ngẫm lại thấy ra ngoài tốt hơn. Nhữ Lâm yên ổn, nhưng Kiến Hiên năm sau tham gia kỳ thi mùa xuân, có lẽ phải ở lại Thịnh Kinh.Tương Quân thì… muốn nhờ muội định chuyện hôn sự cho nó.”

Cố lão phu nhân nói năng khéo léo hơn: “Hài tử này vẫn còn nhỏ, chuyện hôn sự không cần vội. Nếu có người phụ hợp thì con giúp mai mối, không có cũng không miễn cưỡng.”

Nhờ người làm việc thì phải thể hiện thái độ của người nhờ việc.

Tuy Cố lão phu nhân là trưởng bối, nhưng không thể vênh mặt hất hàm sai khiến, đến nhà họ hàng làm khách vốn dĩ là chuyện thêm phiền phức, nếu không được thì quay về Nhữ Lâm.

Cố lão phu nhân cảm thấy thân thêm thân cũng được, xem xét thêm bên phía Trịnh thị, và người nhà mẹ đẻ của mấy đứa cháu.

Nhưng như Lục Cẩm Dao, xuất thân cao, chỉ e trong nhà cũng không vừa ý.

Bà thấy hiển nhiên nữ nhi là đứa ngoan ngoãn đáng yêu, nhưng Thịnh Kinh có nhiều cô nương còn tốt hơn, hai gia môn hơn kém cũng nhiều. Ninh thị muốn tìm người phù hợp chứ không phải là trèo cao.

Trịnh thị hỏi dò: “Thế muốn tìm kiểu gì, ta nghe ngóng xem.”

Ninh thị đáp: “Gia phong thanh liêm, nhân phẩm đoan chính, những cái khác gần gần với nhà ta cũng được.”

Trịnh thị thầm thở phào, như vậy còn tốt, chứ không thì nào có phải là nhờ người giúp đỡ, mà là cầu xin Phật tổ.

Nếu Ninh thị đã thành tâm thì Trịnh thị cũng không thoái thác: “Ta thấy hay là xem xét trước, đợi Kiến Hiên thi kỳ mùa xuân xong rồi quyết định, như thế vẫn có thể chọn lại.”

Có một huynh trưởng là tiến sĩ, dù gia chủ ở Nhữ Lâm thì cũng có trọng lượng hơn.

Hiển nhiên Ninh thị nói được, cứ thế, định để Cố Kiến Hiên ở lại đây đến sang năm, bây giờ con gái cũng phải ở lại.

Trịnh thị cảm thấy không sao, cả hầu phủ to lớn mà chẳng nuôi nổi một tiểu nương tử hay gì.

Chỉ cần Cố Tương Quân không gây chuyện, ngoan ngoãn nghe lời thì đương nhiên muốn ở lại bao lâu thì ở bấy lâu, hơn nữa đây là chuyện mà Hàn thị đã hao tâm tốn sức.

Cố Tương Quân còn nhỏ, nên không hiểu rõ vài lời cho lắm, sắc mặt lơ mơ.

Đến khi mấy người nói xong, Trịnh thị sai Nam Tuyết đưa bọn họ quay về Thọ An Đường, còn mình thì nhắm mắt nghỉ ngơi.

Nhắm được một lát, Nam Hương khẽ chân đi vào: “Phu nhân, Xuân Đài bên cạnh Ngũ công tử còn đang chờ bên ngoài.”

Lúc ăn cơm, Trịnh thị nói có chuyện để Cố Kiến Sơn làm, nên Cố Kiến Sơn không uống rượu. Sau khi ăn xong, Cố Kiến Sơn thấy mọi người còn đang nói chuyện nên để Xuân Đài ở đây, mình đi về trước.

Trịnh thị quên béng chuyện này.

Bà không muốn Cố Kiến Sơn uống rượu chứ nào có chuyện quan trọng gì.

“Thôi bỏ đi, trời đã muộn rồi, ngày mai ta sai người khác đi.”

Trịnh thị phất tay bảo Nam Hương đi xuống. Nam Hương đi đến cửa thì bà ngăn lại: “Từ đã, ngươi gọi Xuân Đài vào đi.”

Trịnh thị có chuyện hỏi hắn.

Trịnh thị không muốn hỏi riêng sai vặt và nha hoàn của các viện. Hài tử đã lớn, không còn núp dưới cánh chim bọn họ nữa, vả lại ngoại trừ Cố Kiến Sơn thì những người khác đều đã thành gia.

Có gia đình đồng nghĩa với việc có gia đình nhỏ của riêng mình, bà càng không nên nhúng tay vào chuyện nhà.

Hỏi chuyện Xuân Đài là lần đầu tiên.

Lúc Xuân Đài vào, vẻ mặt hắn ngơ ngác, hắn hành lễ trước rồi cẩn thận nói: “Phu nhân có chuyện muốn hỏi tiểu nhân ạ?”

Trịnh thị đập bàn: “Ta đã biết hết cả rồi, ngươi còn dám giấu giếm thay hắn!”

Vẻ mặt Xuân Đài chẳng thay đổi: “Tiểu nhân đâu có giấu giếm gì.”

Trịnh thị thấy không lừa được bèn lừa tiếp: “Nếu hắn không bị thương thì hà cớ gì từ Tây Bắc quay về, sau khi về thì đóng cửa im ỉm không ra ngoài, ngươi giỏi thật đấy! Đến cả loại chuyện này cũng dám giấu phắt đi!”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.